Tin Mừng Chúa Nhật 3 Mùa Chay

Thứ sáu - 18/03/2022 19:43
Le figuier desséché. - Oraweb.net


SỨ ĐIỆP MÙA CHAY: HÃY ĂN NĂN SÁM HỐI

Hãy ăn năn sám hối, nếu không sẽ bị huỷ diệt [1]

Tin Mừng Chúa Nhật thứ ba mùa Chay mời gọi chúng ta hãy hoán cải và ăn năn. Bài đọc này trích từ Tin Mừng Luca mô tả hành trình Chúa Giêsu đi lên Giêrusalem. Trong cuộc hành trình này, Chúa Giê-su đã giảng dạy và chữa lành. Ngài cũng phải trả lời những người muốn chất vấn và thách thức uy quyền và những việc làm của Ngài. Chúng ta không thấy có những câu nào trong Tin Mừng Máccô hoặc Tin Mừng Mátthêu song song với bài đọc hôm nay trích từ Tin Mừng Luca. Tuy ta thấy có một đoạn trong Tin Mừng Marcô và Matthêu mô tả việc Chúa Giêsu nguyền rủa cây vả, nhưng bài đọc hôm nay lại lấy hình ảnh cây vả cằn cỗi thành chủ đề cho một dụ ngôn.

Thánh sử Luca kể lại rằng một vài người trong đám đông báo cáo với Chúa Giê-su về chuyện Philatô thảm sát người Galilê. Dường như họ muốn yêu cầu Chúa Giêsu giải thích lý do tại sao những người này phải chịu khổ đau, bởi lẽ người ta thường lấy sự đau khổ của con người làm bằng chứng cho tội lỗi của họ. Chúa Giêsu thách thức cách giải thích này. Ngài nói những người bị thảm sát cũng tội lỗi như những người hỏi chuyện đấy thôi. Chúa Giêsu giải thích rằng khi một tai nạn chết người, một thảm họa thiên nhiên xảy ra, chúng ta không nên kết luận đó là hình phạt cho tội lỗi ai đó đã phạm.

Những lời của Chúa Giê-su thoạt đầu có vẻ như một lời lên án mạnh mẽ. Về bản chất, Ngài muốn nói: “Tất cả các ngươi đều có ti trước mặt Chúa và đáng bị Chúa phạt. Nếu các ngươi không ăn năn hối cải, thì tất cả các ngươi cũng sẽ bị huỷ diệt như vậy". Tuy nhiên, giọng điệu đó đã thay đổi trong câu chuyện dụ ngôn Chúa kể sau đó. Thật vậy, dụ ngôn về cây vả cằn cỗi cho ta thấy sự tuơng phản giữa sự kiên nhẫn và hy vọng của người làm vườn với tính thực tế của chủ vườn. Khi được yêu cầu chặt cây vả vì nó không ra quả, người làm vườn khuyên chủ vườn nên kiên nhẫn, vì nếu được chăm sóc đúng cách, cây vả cằn cỗi vẫn có thể kết trái.

Trong suốt cuộc hành trình đến Giêrusalem, Chúa Giêsu đã giảng dạy về Nước Trời. Trong dụ ngôn cây vả, chúng ta tìm thấy hình ảnh về sự kiên nhẫn và hy vọng của Chúa khi Ngài chuẩn bị cho Nước Ngài đến. Chúa kêu gọi chúng ta ăn năn, và Ngài có quyền trừng phạt chúng ta vì chúng ta không từ bỏ tội lỗi của mình. Tuy nhiên, Chúa là đấng nhân từ. Ngài trì hoãn sự trừng phạt và săn sóc chúng ta để chúng ta có thể sinh hoa trái mà Ngài mong muốn có được từ chúng ta. Vì vậy, đây là lý do để chúng ta hy vọng: Chúa không muốn bỏ rơi chúng ta trái lại Ngài luôn để ý đến chúng ta ngay cả khi chúng ta không làm gì cả để đáp ứng lại những nỗ lực của Ngài.

Dụ ngôn Cây Vả [2]

Chúa diễn tả tính khẩn thiết của sứ điệp kêu gọi ăn năn bằng dụ ngôn cây vả cằn cỗi không sinh hoa kết trái.  Bài học đạo đức rút ra từ dụ ngôn này thật rõ ràng: Chúa chờ đợi chúng ta biết ăn năn hoán cải và kết trái trong tương lai, nếu không, người chủ vườn sẽ chặt cây xuống: lúc ta lâm chung (Lc 12, 20), hay vào ngày thẩm phán khi Chúa lại đến trong vinh quang. Sứ điệp của dụ ngôn gợi nhớ lại những lời của thánh Gioan Tẩy Giả: “cây nào không sinh quả lành sẽ bị chặt và quăng vào lửa” (Lc 3,9).

Trong bối cảnh của Kinh Thánh và của hành trình Chúa lên Giêrusalem, dụ ngôn cây vả trước hết ám chỉ đến dân Israel. Cây ăn quả được trồng trong vườn cây, hay “vườn nho”, là một hình ảnh quen thuộc dùng để chỉ về Israel trong Cựu Ước (đọc Is 5,1-7 về vườn nho của Giavê là nhà Israel, và tháp canh cũng như cư dân của Giêrusalem; những hình ảnh này cũng đã được Chúa nhắc đến trong Phúc Âm Lc 13,4). Chủ vườn nho có thể đại diện cho Thiên Chúa, tuy nhiên vì người làm vườn xưng hô với chủ vườn bằng từ “kyrios”, nên chủ vườn cũng có thể đại diện cho “Chúa” Giêsu (Lc 12,41-42 và Lc 13,15). Thời gian “ba năm” trong đoạn Tin Mừng này có thể ám chỉ thời gian Chúa thi hành sứ vụ. Việc chủ vườn (là Chúa Giê-su) đi tìm trái từ cây vả có liên hệ với những hành động tương tự của Chúa được đề cập  trong hai Tin Mừng Mátthêu và Máccô (Mt 21,19; Mc 11,13) khi Ngài thanh tẩy Đền Thờ. Thánh sử Luca có lẽ cũng biết những hành động này, nhưng ông lại dùng một dụ ngôn của Chúa với nội dung tương tự để nói về việc xét xử Giêrusalem và Đền Thờ sắp đến. Ở đây việc người làm vườn xin được gia hạn một năm để bón phân cho cây tạo hy vọng rằng đây là cơ hội cuối cùng để ăn năn, nhưng rõ ràng không còn nhiều thời gian sót lại nữa.

Những thảm kịch, những tai nạn xảy đến là những tiếng chuông cảnh tĩnh giúp chúng ta biết dừng ngay những hành vi tội lỗi. Một trong những lý do Chúa cho phép những thảm kịch xảy ra là để giúp chúng ta ăn năn sám hối. Thật vậy, “đau khổ phải phục vụ cho việc hoán cải”*.

Luke Khổng Quang
-------------------------------------------------------------------------------------
Trích dịch hai bài chú giải Tin Mừng với nguồn từ:
[1] https://www.loyolapress.com/catholic-resources/liturgical-year/sunday-connection/
[2] Gardenz, Pablo T.: The Gospel of Luke, Baker Academic Press, Grand Rapids, Michigan (2018)
* Trích Tông thư Salvifici Doloris của thánh Giáo Hoàng Gioan Phao-lô II, 1984

Tác giả bài viết: Luke Khổng Quang chuyển ngữ

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

lich cong giao 2022 - 2023
tapsanmucdong
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập103
  • Máy chủ tìm kiếm69
  • Khách viếng thăm34
  • Hôm nay16,420
  • Tháng hiện tại82,130
  • Tổng lượt truy cập29,061,668

Chúng tôi trên mạng xã hội

CÁC GIÁO HẠT
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây