Bài đọc thứ hai các Chúa Nhật Mùa Chay: tiếng nói của Thánh Phaolô

Thứ bảy - 16/03/2019 22:39
x


Bài đọc thứ hai các Chúa Nhật Mùa Chay: tiếng nói của Thánh Phaolô

Lm. Peter Edmonds SJ

Những lời của Thánh Phaolô trong bài đọc thứ hai mà chúng ta sẽ nghe trong các Chúa Nhật Mùa Chay có giúp chúng ta hiểu sâu xa hơn về bản văn Tin Mừng được đọc ngay sau đó không?

 Trước hết, ta cần lưu ý rằng bài đọc thứ hai trong các Chúa Nhật Mùa Chay này được tuyển chọn theo một hệ thống khác với hệ thống được sử dụng trong các “Chúa Nhật Mùa Thường Niên”. Trong mùa thường niên, các thư này được đọc “bán liên tục”. Chẳng hạn, thư thứ nhất của Thánh Phaolô gởi giáo đoàn Côrintô được đọc trong các tuần lễ đầu tiên. Trong năm A, chúng ta nghe những trích đoạn từ chương 1 đến chương 4; trong năm B chúng ta nghe trích đoạn từ chương 5-10; trong năm C, từ chương 11-15. Những bài đọc này khác với những đoạn Cựu Ước được sử dụng làm bài đọc thứ nhất và bài Tin Mừng. Chúng được trình bày khác hơn là bài đọc bổ túc cho những bài đọc này. Nhưng trong Mùa Chay thì mọi sự đã khác. Bài đọc thứ hai được sắp xếp như bài dẫn nhập hay thậm chí bài chú giải cho bài đọc Tin Mừng, giúp ta hiểu bài đọc Tin Mừng ở mức độ sâu hơn.

Các bài đọc Tin Mừng năm C được trích từ Tin Mừng Luca, ngoại trừ đoạn về người phụ nữ ngoại tình được trích từ Tin Mừng Gioan vào Chúa Nhật thứ V. Tuy nhiên, vì nó không được tìm thấy trong nhiều bản thảo sơ thời của Tin Mừng Gioan, nên đoạn này thường được gán cho Luca. Trong khi chuẩn bị cho lễ Phục Sinh, chúng ta có thể phác ra giáo lý Mùa Chay trong các bài đọc trích từ thư Thánh Phaolô song song với những đoạn Tin Mừng. Vào Chúa Nhật thứ I, chúng ta nghe thư Phaolô gởi giáo đoàn Roma và tuyên xưng niềm tin của chúng ta vào quyền “Đức Chúa” của Đức Giêsu. Vào Chúa Nhật thứ II, chúng ta nghe thư gởi giáo đoàn Philipphê để suy tư về phẩm giá của chúng ta được biến đổi nhờ vị Đức Chúa này. Vào Chúa Nhật III, với sự giúp đỡ của thư thứ nhất gởi giáo đoàn Côrintô, chúng ta suy tư về nhu cầu thống hối và ăn năn. Vào Chúa Nhật IV, ta đồng hóa mình với Thánh Phaolô trong thư thứ hai gởi giáo đoàn Côrintô như là những thừa tác viên hòa giải. Vào Chúa Nhật V, một lần nữa trở lại với thư Philipphê, chúng ta nhìn về tương lai và phần thưởng sự sống trong Đức Kitô như được hứa. Vào Chúa Nhật Thương Khó, Chúa Nhật cuối cùng của Mùa Chay, chúng ta có cơ hội được nghe và đồng hóa với bài thánh ca được gọi là “kenosis” (tự hủy) của thư Philipphê, một sự chuẩn bị cho lời tuyên bố long trọng về Cuộc Khổ Nạn của Chúa. Chúng ta hãy suy tư chi tiết hơn về những đoạn này trích từ Thánh Phaolô.

Đức tin

Vào Chúa Nhật đầu tiên Mùa Chay, chúng ta nghe trích đoạn từ thư Thánh Phaolô gởi giáo đoàn Roma. Thánh Phaolô đang chiến đấu với vấn đề có nhiều người đồng đạo với mình đã không nhìn nhận hay chấp nhận Đức Giêsu là Đấng Cứu Thế  (Messiah). Trong vài câu ngắn ngủi (Rm 10,8-13), Phaolô, như là một người dân trung thành trong dân tộc mình, đã nại đến những lời của Môisê trong sách Đệ Nhị Luật cùng với những đoạn trích các ngôn sứ Isaia và Giôen. Quan điểm của ngài thật giản đơn. Trong thời đại Giao Ước mới này của Thiên Chúa với dân tộc của Ngài, sự tuyên xưng dành cho những ai tìm kiếm ơn cứu độ (một từ được lập lại ba lần) thật đơn giản: họ chỉ cần tuyên xưng rằng “Đức Giêsu là Chúa”, họ phải thật tâm tin rằng “Thiên Chúa đã cho Ngài chỗi dậy từ cõi chết”. Đây chính là lời tuyên xưng mang đến ơn cứu độ mở rộng ra cho hết mọi người.

Lời tuyên xưng này chuẩn bị cho chúng ta lắng nghe câu chuyện Đức Giêsu bị cám dỗ mà trong đó Đức Giêsu đã ba lần trích Đệ Nhị Luật rằng “Người ta không sống chỉ bằng cơm bánh”, “Ngươi phải tôn thờ Đức Chúa là Thiên Chúa ngươi” và “Ngươi chớ thử thách Đức Chúa là Thiên Chúa ngươi” (Lc 4,1-13). Vào đầu Mùa Chay, cùng với Thánh Phaolô, chúng ta tuyên xưng niềm tin căn bản của chúng ta: Đức Giêsu cũng tuyên xưng như thế trong cuộc chiến với ma quỷ nơi hoang mạc trong những ngày trước khi bắt đầu sứ vụ công khai.

Niềm hy vọng

Vào Chúa Nhật II Mùa Chay, chúng ta từ hoang mạc cám dỗ đi lên đỉnh núi biến hình. Thánh Phaolô giúp chúng ta chuẩn bị cho hành trình này với trích đoạn thư gởi các giáo đoàn Philipphê (Pl 3,17-41). Từ khóa ở đây là sự biến đổi, đôi khi được dịch là “biến hình”. Trong các thư của mình, Thánh Phaolô đã sử dụng một số những ẩn dụ để diễn tả ý nghĩa của việc chúng ta chia sẻ cái chết và sự phục sinh của Đức Chúa. Đây là một trong những hình ảnh ẩn dụ đó. Thi sĩ Ovid (43 trước Công nguyên – 17 hoặc 18 sau Công nguyên) đã viết tập thơ có nhan đề ‘metamorphoses’ (biến hình), bằng tiếng Latinh, thuật lại một loạt những thần thoại về những vị anh hùng nam nữ đã biến đổi hình dạng. Có nhiều câu chuyện dân gian trong những ngày này về các vị thần nam nữ đã nhận lấy hình dáng con người và về những con người mang lấy hình dáng con vật.

Trong câu chuyện Tin Mừng, chúng ta thấy rằng ngay khi còn sống trên gian trần, Đức Giêsu đã biến hình trước các môn đệ lãnh đạo trên một ngọn núi vô danh ở vùng Galilê. “Dung mạo Người bỗng đổi khác, y phục Người trở nên trắng tinh chói loà”(Lc 9,28-36). Nhờ cái chết và sự phục sinh của Đức Kitô, Phaolô trấn an những người cải đạo trong thành phố Hy Lạp Philipphê này rằng: “Đức Giêsu Kitô sẽ biến đổi thân xác yếu hèn của chúng ta nên giống thân xác vinh hiển của Người” (Pl 3,21). Sự nhắc nhở về định mệnh vinh quang của chính chúng ta, và cái nhìn về Đức Giêsu phản ánh vinh quang của Ngài, điều này nhắc chúng ta rằng Mùa Chay là thời gian thắp lại niềm hy vọng. Nếu trong Chúa Nhật I ta cầu xin được gia tăng đức tin, thì trong Chúa Nhật II này ta cầu xin được củng cố niềm hy vọng.

Sự thống hối

Vào Chúa Nhật III Mùa Chay, chúng ta nghe thư thứ nhất của Thánh Phaolô gởi giáo đoàn Côrintô. Ta thấy rất ngạc nhiên về sự táo bạo trong sử dụng hình tượng của Phaolô. Ngài nhắc lại truyền thống về ông Môisê cho nước từ tảng đá chảy ra để cho dân chúng giải khát trong chuyến đi qua hoang mạc. Ngài viết “Tảng đá chính là Đức Kitô” (1 Cr 10,1-6.10-12). Quan điểm của Phaolô là chính Thiên Chúa đang dẫn dắt dân mình. Ngài nuôi dưỡng họ bằng bánh manna và cho họ nước uống từ tảng đá. Nhưng bất chấp tất cả, dân chúng “phần đông họ không đẹp lòng Thiên Chúa” và vì thế “họ đã quỵ ngã trong sa mạc”. Phaolô nêu quan điểm rõ ràng. Số phận của họ là một cảnh báo với người tội lỗi và biếng nhác trong số những người cải đạo ở Philipphê, những người đã được rửa sạch trong dòng nước rửa tội.

Lời kêu gọi thống hối của Phaolô mở đầu cho cũng một lời kêu gọi của Đức Kitô với đám đông trong bài trích Tin Mừng Luca (Lc 13,1-9). Hôm nay, chúng ta nhớ lại rằng Mùa Chay là thời gian thống hối, một thách đố để chúng ta quay lưng lại với tội lỗi và những thói quen tội lỗi, và cùng với Phaolô, ta nhớ lại những biến cố ấn tượng trong lịch sử cứu độ. Tính chất của đức tin và sự vững chắc của niềm hy vọng mà ta nhấn mạnh trong các Chúa Nhật trước, tất cả đều dựa trên sự thống hối chân thật.

Hòa giải

Chúa Nhật IV Mùa Chay, chúng ta nghe một trong những dụ ngôn lừng danh và được yêu mến của Đức Giêsu, dụ ngôn người cha có hai con trai, được biết đến như là dụ ngôn người con hoang đàng (Lc 15,1-3.11-32). Một lần nữa chúng ta được chuẩn bị bằng một bài đọc trích từ thư Phaolô. Lần này ta quay về với thư thứ hai của Thánh Phaolô gởi giáo đoàn Côrintô (2 Cr 5,17-21). Từ khóa được lập lại 5 lần trong bản dịch là “hòa giải”. Đức Kitô đang làm gì khi chết trên thập giá và chỗi dậy trong mộ? Từ Chúa Nhật trước ta biết rằng Ngài đang biến đổi chúng ta. Giờ thì ta biết rằng Ngài đang hòa giải chúng ta. Thật sự, Thánh Phaolô nói thêm vào, Ngài đang tạo dựng chúng ta nên mới mẻ, vì “phàm ai ở trong Đức Kitô đều là thọ tạo mới”.

Giáo huấn này của Thánh Phaolô chuẩn bị cho chúng ta về sự hòa giải được thuật lại trong Tin Mừng khi người cha của đứa con hoang đàng ra lệnh: “Mau lên, hãy mang áo đẹp nhất ra đây mặc cho cậu; hãy xỏ nhẫn vào ngón tay cậu và mang dép cho cậu”. Thánh Phaolô nói rằng tất cả những điều này là có thể được bởi vì “Đấng chẳng hề biết tội là gì, thì Thiên Chúa đã biến Người thành hiện thân của tội lỗi vì chúng ta”. Chân lý này cung cấp cho chúng ta nền tảng giáo lý về giáo huấn và hành vi của Đức Giêsu, được minh họa trong các dụ ngôn tin mừng như dụ ngôn mà chúng ta nghe hôm nay. Là giáo hội thống hối dựa trên đức tin vững mạnh và niềm hy vọng vững chãi, chúng ta được kêu mời liên kết với Đức Kitô, và chính Thánh Phaolô, cũng như thi hành sứ vụ hòa giải trong một thế giới có quá nhiều chia rẽ.

Tương lai

Bài đọc Tin Mừng ngày Chúa Nhật V Mùa Chay kể câu chuyện về Đức Giêsu và người phụ nữ ngoại tình bị bắt quả tang (Ga 8,1-11). Để chuẩn bị, chúng ta quay về với thư Phaolô gởi giáo đoàn Philipphê (3,8-14). Đây là một trong những đoạn hiếm hoi trong các thư mà Thánh Phaolô viết về mình. Những thính giả của ngài đã quen thuộc với những cuộc thi đấu thể thao vào thời ấy chẳng hạn như Vận động hội Isthmus (một eo đất hẹp ở Côrintô). Ngài so sánh những hoạt động của mình trước khi trở lại với Đức Kitô như là sự tham gia vào một cuộc đua, một cuộc đua bách hại các Kitô hữu. Nhưng trước khi đến đích, ngài đã bị Đức Kitô bắt lấy và rồi hơn thế nữa, nhìn lại những gì mình phấn đấu trước kia không đáng giá gì hơn đồ rác rưởi. Ngài đã bị chiếm đoạt bởi Đức Kitô, một cái tên mà ngài đã nhắc đến 6 lần trong đoạn văn này. Hẳn nhiên, ngài đã quyết định không phạm tội nữa.

Phaolô là mẫu gương cho người phụ nữ tội lỗi trong Tin Mừng được Đức Giêsu bảo rằng: “Đừng phạm tội nữa!”. Với Thánh Phaolô trong thư gởi giáo đoàn Philipphê, chúng ta được nhắn nhủ rằng: “Hãy quên đi chặng đường đã qua, để lao mình về phía trước”. Với ngài, chúng ta “Hãy biết chính Đức Kitô, nhất là biết Người quyền năng thế nào nhờ đã phục sinh”. Sự gặp gỡ của riêng ta với Đức Kitô, là Thiên Chúa chúng ta, tạo nên sự tin tưởng giúp ta tiếp tục cuộc hành trình trong thế giới ta đang sống, như một dân tộc của  đức tin và niềm hy vọng tín thác vào sự tha thứ của Thiên Chúa.

Quỳ gối

Vào Chúa Nhật Thương Khó, Chúa Nhật bắt đầu Tuần Thánh, chúng ta nghe và tham dự vào Bài Thương Khó long trọng, năm nay là bài trích từ Tin Mừng Luca (22,14-23,56). Thánh Phaolô giúp chúng ta chuẩn bị cho kinh nghiệm này với những câu trích trong thư gởi giáo đoàn Philipphê. Phần lớn bức thư này, Phaolô viết rất tích cực về những người cải đạo ở Philipphê; họ là “niềm vui” và “vinh dự”, là “những người thân mến” của ngài (4,1), nhưng trong chương 2, ngài nhìn nhận rằng có điều gì đó xấu xa đang hủy hoại cộng đoàn, tính ích kỷ và tự phụ của một vài thành viên trong cộng đoàn.

Nói chung, Phaolô như một mục tử giải quyết những vấn đề gặp phải. Nhân dịp này, ngài đưa vào có lẽ là một bài thánh ca nổi tiếng mà các độc giả đều biết đến nói về sự “tự hủy” để đối phó với tính ích kỷ và tự phụ. Mẫu gương sáng nhất về sự “tự hủy” (kenosis trong tiếng Hy Lạp) chính là Đức Kitô. Điều này xảy ra trong ba giai đoạn. Đầu tiên là phẩm giá của Ngài như là Đấng tiền hữu và ngang bằng với Thiên Chúa. Thứ đến là sự chấp nhận thân phận con người và hạ mình chịu đau khổ trên thập giá. Thứ ba là Ngài được Thiên Chúa tôn vinh và được tôn kính trên mọi tạo vật. Điều mà ngôn sứ Isaia đã viết từ lâu về Thiên Chúa, Đấng mà “mọi người sẽ quỳ gối xuống” (Is 45,23) giờ đây trong bài thánh ca được áp dụng cho Đức Giêsu được tôn vinh sau phục sinh (Pl 2,6-11).

Suy tư về “bài thánh ca tự hủy” chắc chắn sẽ chuẩn bị cho chúng ta một đáp ứng hiệu quả với câu chuyện khổ nạn. Nhờ đó ta có thể “biết chính Đức Kitô, nhất là biết Người quyền năng thế nào nhờ đã phục sinh” (Pl 3,10) trong Mùa Phục Sinh.

Tác giả bài viết: Lm. Phaolô Nguyễn Minh Chính chuyển ngữ

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

lich cong giao 2022 - 2023
tapsanmucdong
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập54
  • Máy chủ tìm kiếm23
  • Khách viếng thăm31
  • Hôm nay23,366
  • Tháng hiện tại589,436
  • Tổng lượt truy cập28,904,805

Chúng tôi trên mạng xã hội

CÁC GIÁO HẠT
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây