Sứ điệp thần học thư thứ II gửi giáo đoàn Thêxalônica

Thứ sáu - 20/09/2019 04:22
SỨ ĐIỆP THẦN HỌC THƯ THỨ II GỬI GIÁO ĐOÀN THÊXALÔNICA
 
1

1. TÍNH SỔ ĐỜI TRONG NGÀY SAU HẾT

Khi khai triển sứ điệp thần học thư thứ II gưỉ giáo đoàn Thêxalônica, chúng ta thấy trong chương 1, ngoài lời chào mở đầu và lời nguyện kết thúc, phần còn lại, tức các câu từ 3-10, có hình thái của một lời tạ ơn. Nhưng nội dung của nó lại là cuộc phán xử công minh trong ngày tận thế. Đó là ngày mọi người đều phải tính sổ đời mình trước mặt Chúa Giêsu Kitô ngự trị trong vinh quang và là thẩm phán xét xử muôm loài muôn vật.

Lời tạ ơn ở đây song song với lời tạ ơn trong thứ thứ I (1,2-3), nghĩa là có hình thái kết cấu văn chương và lý do giống nhau. Các thừa sai cám tạ ơn Chúa vì biết tín hữu Thêxalônica sống lòng tin, lòng cậy và lòng mến kiên vững. Tuy nhiên, đây không phải là kiểu lập lại thuộc lòng. Trước hết lời tạ ơn mở đầu với một công thức mang sắc thái phụng vụ: “Thưa anh chị em, chúng tôi có bổn phận không ngừng cám tạ ơn Chúa cho anh chị em, đó thật là chính đáng... ”. Lời lẽ tựa như phần mở đầu các kinh Tiền Tụng. Các lý do giải thích tại sao các thừa sai lại luôn cám tạ Chúa cũng có nét đặc thù của chúng. Đó là sự kiện các tín hữu Thêxalônica lớn mạnh và tấn tới trong lòng tin kitô và trong tình yêu thương. Trong thư thứ I thánh Phaolô nhiều lần khuyến khích tín hữu tiếp tục tiến triển luôn mãi trong lòng tin và lòng mến (1 Ts 3,13; 4,1-10). Ở đây tác giả cũng dựa vào đó để thay đổi công thức. Bên cạnh lòng tin và lòng mến, ông không nêu rõ lòng hy vọng. Nhưng bù lại câu tiếp theo nhắc tới sự kiên trì và lòng tin. Các thừa sai hãnh diện về họ trước mọi cộng đoàn khác. Bởi vì tín hữu Thêxalônica tỏ ra kiên gan bền bỉ sống Tin Mừng của Chúa và nêu gương cho mọi người. Các bắt bớ và thử thách khó khăn đã không tài nào lay chuyển nổi lòng tin mến kiên cường của họ. Tuy có khổ đau trong thân xác, nhưng họ bền chí chịu đựng. Như vậy, tuy không nhắc tới từ hy vọng nhưng tác giả thư thứ II nêu bật sự kiên gan bền chí là đức tính nòng cốt của những ai đặt để tất cả hy vọng nơi Chúa Giêsu Kitô, như được nói tới trong chương 1,3 thư thứ I: “sự kiên trì trong niềm hy vọng của anh chị em”. Thiết tưởng cũng nên lập lại cho rõ điều này: đó là hy vọng vào ơn cứu độ vĩnh viễm mai sau không có nghĩa là trốn tránh các khổ đau khốn khó trong cuộc sống hiện tại này. Nó cũng không có nghĩa là sống chờ đợi bất động, không dấn thân, không làm việc để cứu đời giúp người và biến đổi thế giới. Trái lại hy vọng vào ơn cứu độ vĩnh viễn mai sau có nghĩa là gánh vác lấy lịch sử hiện tại, bằng cách chống trả lại các lực lượng sự dữ và bạo lực đang áp bức hành hạ con người và tàn phá thế giới. Người tín hữu hy vọng không đứng yên bên lề lịch sử nhìn các lực lượng sự dữ và bạo lực tung hoàng, nhưng dấn thân bước vào giữa cơn lốc của các biến cố thê thảm nhất của nhân loại với thái độ quyết liệt và đem hết tài sức của mình ra để giúp đời và cứu đời.
 
Trong các câu từ 5 tới 10, tác giả thứ thứ II gửi tín hữu Thêxalônica dồn hết sự chú ý vào sự phán xử cuối cùng của Thiên Chúa. Thiên Chúa không thờ ơ trước các khổ đau và bắt bớ, mà các tín hữu phải gánh chịu vì tin vào Ngài. Trái lại, sẽ tới ngày người lành cũng như kẻ dữ, tất cả mọi người, đều phải tính sổ đời trước mặt Chúa. Thiên Chúa sẽ phán xử công minh và xem xét công tội của mỗi người theo cung cách sống và hành xử của họ, khi họ còn sống trên trần gian này. Để diễn tả sự phán xử công minh đó, tác giả dùng lại thứ từ ngữ của “luật báo oán” trong Cựu Ước. Đó là luật “mắt thế mắt, răng đền răng”. Các kẻ bắt bớ và hành hạ kitô hữu sẽ phải gánh chịu cùng sự dữ và các thứ cực hình, mà họ đã dùng để hành khổ các người tin vào Thiên Chúa. Trái lại, Thiên Chúa sẽ cho những người phải chịu mọi khốn khó khổ đau vì Ngài được an bình nghỉ ngơi, niềm an bình mà họ đã không hề được nếm hưởng trong cuộc sống trên trần gian, vì đã bị sự dữ và bạo lực cướp mất. Nói cách khác, các tín hữu đã bị bắt bớ vì lòng tin sẽ được bước vào hưởng cuộc sống hạnh phúc bất diệt trong Nước của Thiên Chúa, được chia sẻ chiến thắng của Chúa Kitô, vĩnh viễn khải hoàn trên các lực lượng sự dữ và cái chết. Còn những người hung bạo, gian tham ác độc, hằng bách hại các tín hữu sẽ là mồi ngon cho sự hư mất đời đời. Nghĩa là cụ thể mà nói, họ sẽ bị khai trừ khỏi cuộc sống hiệp thông với Chúa Giêsu một cách vĩnh viễn.
 
Từ ngữ dùng trên đây diễn tả các lược đồ tôn giáo và văn hóa do thái. Nhưng đàng sau và bên kia từ vựng đó nổi bật lên, trong tất cả tính chất triệt để của nó, số phận trái ngược đang đón chờ các kẻ bạo hành và các nạn nhân của phường bạo lực, các kẻ áp bức và những người bị áp bức, các kẻ đóng đanh và những người bị đóng đanh. Ở đây quan niệm thưởng phạt trong truyền thống do thái vang dội trong một văn bản kitô. Xác tín sâu thẳm rằng Thiên Chúa là Đấng công bằng, được diễn tả ra qua niềm hy vọng là trong ngày phán xét của thời cánh chung tình thế sẽ lật ngược. Những kẻ từng gây ra chết chóc thê lương cho tín hữu sẽ phải gánh chịu cái chết đời đời. Trái lại, những người đã phải chết vì bạo lực và cái gian ác của kẻ dữ sẽ được hưởng sự sống mới vĩnh cửu. Đó là cuộc sống chia sẻ và kết hiệp hạnh phúc với Thiên Chúa.

 Cho tới đây, những gì tác giả trình bầy phát xuất từ các xác tín truyền thống do thái, mà kitô hữu học biết trở lại trong dòng tư tưởng luân lưu họ thừa hưởng được của Do thái giáo. Tuy nhiên cũng không thiếu các nét đặc thù của kitô giáo. Sắc thái đặc thù thứ nhất đó là chính sự khước từ hay đón nhận lời rao giảng Tin Mừng định đoạt cho án phạt hư mất hay ơn cứu độ của mỗi một người. Ở đây văn bản nối kết chặt chẽ và đối chọi hai loại người với nhau: các kẻ bách hại là những người không tin vào Chúa và các tín hữu là những người bị bắt bớ. Trên bình diện bình giải chúng ta thấy rõ ràng tương quan mật thiết một mặt giữa sự khước từ Tin Mừng và hành động đàn áp bạo lực, mặt khác giữa sự tiếp đón sứ điệp của Chúa Kitô và lòng kiên trì khổ đau chống lại phong ba bão táp của các lực lượng bất công vùi dập tín hữu. Trong dòng lịch sử thế giới Tin Mừng của Chúa là một dấu chỉ chia cắt nhân loại và chia cắt mỗi một người trong chính tận cùng thẳm tâm lòng mình. Khước từ Tin Mừng của Chúa đồng nghĩa với bạo lực, đàn áp bất công, nghĩa là chọn lựa đứng cùng chiến tuyến với các lực lượng của sự chết. Trong khi đó chấp nhận sống theo Tin Mừng của Chúa có nghĩa là lựa chọn đứng về phía những người yêu chuộng sự sống và tạo dựng sự sống trong lịch sử. Vượt bên kia các từ ngữ tôn giáo, Tin Mừng của Chúa Giêsu cũng dạy cho chúng ta biết luật nhân quả của bạo lực và chết chóc: ai gieo vãi chết chóc và bạo lực thì sẽ gặt hái chết chóc và bạo lực. Trong khi chiến đấu cho sự sống sẽ gặt được hoa trái của sự sống, ít nhất là về lâu về dài sau này. Niềm tin tôn giáo vào sự phán xử sau cùng của Thiên Chúa trong lịch sử, như được mục sư Dietrich Bonhoeffer thích diễn tả bằng thứ từ ngữ không tôn giáo, có nghĩa là quyết liệt tố cáo bạo lực và các lực lượng vô nhân tha hóa chà đạp con người và nhất định chọn lựa đứng về chiến tuyến của các lực lượng khởi xướng và xây dựng các chương trình sự sống.

 Nét đặc thù kitô thứ hai được trình bầy trong quan niệm thưởng phạt ở đây: đó là chính sự can thiệp định đoạt của Chúa Kitô biệt định cho tương lai tối hậu của nhân loại. Văn bản thư thứ II gửi tín hữu Thêxalônica miêu tả sự can thiệp đó với các mầu sắc các lần Thiên Chúa tự tỏ hiện ra cho con người như trình thuật trong Cựu Ước, hay với các mầu sắc của nền văn chương khải huyền do thái truyền thống hơn. Chẳng hạn Chúa Giêsu Kitô sẽ từ trời xuống, sẽ quang lâm (Đn 7), có các thiên sứ thuộc triều thần thiên quốc hộ tống. Các vị là những đấng phục vụ Thiên Chúa là Vua quyền uy (4 Esd 7,28; 13,32). Chúa Giêsu sẽ tỏ hiện vẹn toàn trong ánh sáng rạng ngời của lửa hồng (Xh 3,2; Is 66,15). Tất cả các hình ảnh đó muốn nói rằng Chúa Giêsu Kitô sẽ can thiệp với quyền năng mạnh mẽ siêu việt của Ngài. Là Thẩm Phán lãnh nhận nhiệm vụ phán xử từ Thiên Chúa Cha, Ngài sẽ đưa ra lời phán quyết công minh mà loài người không thể khiếu nại vào đâu được. Ở đây cũng thế, cần phải chú ý đừng để cho các kiểu dùng từ ngữ và hình ảnh đánh lừa kéo lôi chúng ta vào các con lộ của tưởng tượng kỳ quái. Trái lại cần đọc hiểu được nòng cốt sứ điệp dấu ẩn sau các ngôn ngữ và hình ảnh đó. Sứ điệp đó là: tương lai tối hậu của cuộc đời con người, số phận sau hết của đời ta được định đoạt ngay từ bây giờ đây, giữa lòng lịch sử của thế giới này, qua thái độ chấp nhận hay khước từ tin theo Chúa Giêsu và sống các giáo huấn Tin Mừng của Ngài. Thái độ tin hay nổi loạn không tin trong cuộc sống hiện tại sẽ có các âm hưởng và hậu quả định đoạt đối với chân trời tận thế của lịch sử. Sự thật này đã được chính Chúa Giêsu nói lên trong giáo huấn về ngày tận thế, như thánh Luca viết trong chương 12,8-9: Ai công nhận Ta trước mặt loài người thì Con Người cũng sẽ công nhận người ấy trước mặt các thiên thần của Thiên Chúa. Còn ai chối bỏ Ta trước mặt thiên hạ, thì cũng sẽ bị chối bỏ trước mặt các thiên thần của Thiên Chúa. Chúa Kitô và Tin Mừng của Ngài phán xử thực tại sự hiện diện của con người trong dòng lịch sử và các lực lượng đối nghịch nhau trong lịch sử đó, vượt xa mọi vẻ bên ngoài của chúng.
 
Tóm lại, văn bản nói về việc tính sổ đời với Chúa trên đây là một kiểu kitô hữu đọc lại niềm tin về sự thưởng phạt của Do thái giáo trong thời Cựu Ước. Đặc biệt câu 9 trích lại sách ngôn sứ Isaia chương 2,10 khẳng định số phận của kẻ dữ là phải án phạt trầm luân và đời sống cách xa mặt Chúa và ánh quang quyền năng của Ngài. Chỉ khác là ở đây nhân vật chính không phải là Giavê Thiên Chúa như trong Cựu Ước, mà là Chúa Giêsu Kitô phục sinh vinh hiển. Tất cả để nêu bật rằng: ơn cứu độ hay sự hư mất của mỗi một người trong gia đình nhân loại giờ đây tùy thuộc nơi liên hệ của họ với Chúa Giêsu thành Nagiarét. Tác giả kết thúc với lời nguyện xin Thiên Chúa giúp sức trợ lức các tín hữu để họ luôn sống xứng đáng với ơn gọi lòng tin kitô của họ và dấn thân hiện thực nó mỗi ngày, trong khi chờ đợi được chia sẻ vinh quang của Chúa Giêsu trong ngày sau hết.
 
Đọc lại trong chiều sâu của lịch sử cứu độ lời nguyện này nêu bật sáng kiến không ngừng của Thiên Cha và của Chúa Giêsu trong cuộc đời người tín hữu, từ lúc họ được mời gọi bước vào cuộc mạo hiểm của lòng tin, trong suốt con đường lịch sử cho tới ngày lịch sử kết thúc khi họ được bước vào Nước Thiên Chúa. Dĩ nhiên mọi người đều tự do đáp trả lại tiếng Chúa kêu mời với tinh thần trách nhiệm. Nhưng nỗ lực nhân loại không thôi không đủ, mà cần phải có sự trợ lực và ơn thánh của Chúa nữa. Mỗi tín hữu tiến bước về Nước Chúa với đôi chân của riêng mình, nhưng họ luôn có Thiên Chúa Cha và Chúa Giêsu đồng hành và ban ơn giúp sức.

2. NGÀY CHÚA ĐẾN QUY TỤ VÀ HIỆP NHẤT TÍN HỮU

Chương 2 thư thứ II gửi tín hữu Thêxalônica là một thị kiến đề cập tới ngày Chúa đến quy tụ và hiệp nhất tín hữu. Nhưng trước đó các tín hữu sẽ phải sống kinh nghiệm sức đánh phá của các lực lượng sự dữ phản kitô.
 
Mục đích đầu tiên soạn giả nhắm tới khi viết văn bản này (2 Ts 2,1-12) là đả phá xác tín sai lầm của một số tín hữu trong cộng đoàn cho rằng ngày Chúa Kitô quang lâm trở lại đã gần. Vì xác tín như thế nên họ sống bôn chôn và gây rối loạn giữa các tín hữu bằng cách phao đồn các tin thất thiệt. Các tín hữu này lạm dụng uy thế của thánh Phaolô để tự giới thiệu như là các ngôn sứ hay các nhà thuyết giảng được linh ứng. Do đó tác giả khuyên các tín hữu Thêxalônica như sau: Anh chị em đừng để cho bất cứ ai quyến rũ theo con đường lầm lạc. Qua lời khuyên này tác giả cũng sửa sai viễn tượng thời cánh chung của thư thứ I nêu bật biến cố Chúa Giêsu Kitô sắp quang lâm.
 
Tuy nhiên, ở đây tác giả đưa ra các lý chứng thần học bằng cách cống hiến cho tín hữu giáo đoàn một khung cảnh mang tất cả sắc thái khải huyền của ngày sau hết. Như thế lời kêu gọi đi đôi với giáo huấn liên quan tới vấn đề Chúa Kitô quang lâm. Kiểu dùng một chuỗi các yếu tố khải huyền cho thấy văn bản song song với diễn văn về ngày cánh chung của Chúa Giêsu, như được ghi lại trong các Phúc Âm Nhất Lãm. Do đó cần đọc hiểu ý nghĩa sứ điệp dấu ẩn đàng sau các hình ảnh và kiểu hành văn khải huyền cổ điển này.
 
Đề tài chính của giáo huấn ở đây là biến cố Chúa Giêsu phục sinh trở lại trong ngày cánh chung để quy tụ mọi tín hữu và dẫn đưa họ cùng Ngài bước vào trong Nước của Thiên Chúa Cha (2 Ts 2,1; cf. 1 Ts 4,14.17; 5,10). Nhưng sự thực là tác giả chú ý tới các dấu chỉ cảnh cáo báo trước ngày Chúa quang lâm. Ông kê khai ra một chuỗi các thực tại nối tiếp nhau có thứ tự. Trước hết là sự hiện diện và hoạt động của “mầu nhiệm sự gian tà”. Nó cũng giống như hoạt động của một nhân vật không đươc xác định, có nhiệm vụ cầm chân không cho tên phản kitô dễ sợ tung hoành trong thế giới. Tiếp theo là các hiện tượng chối bỏ khước từ Thiên Chúa, và sau cùng tên phản kitô mới xuất hiện. Nó được mệnh danh là “Kẻ Gian Tà”, “Kẻ đã bị hư mất”, “Kẻ Thù”, “Tên Hỗn Xược” chống lại tất cả những gì nhắc nhớ và liên quan tới Thiên Chúa. Nó được người ta tôn thờ đến độ chính nó ngự trị trên ngai trong đền thờ của Thiên Chúa và tự tuyên xưng mình là Thiên Chúa. Biến cố “Kẻ Gian Tà” tới được ghi dấu bằng hoạt động của Satan và biểu lộ ra qua tất cả mọi việc quyền năng, các phép lạ và dấu chỉ kỳ diệu phỉnh gạt, cũng như các quyến rũ của bất công. Sau cùng mới là ngày thế mạt với biến cố Chúa Kitô chiến thắng mọi lực lượng satan của “Tên Phản Kitô”.
 
“Mầu nhiệm của sự gian tà” ở đây ám chỉ sự hiện diện và hoạt động của các lực lượng ma quái của sự dữ và thái độ khước từ Thiên Chúa trong lịch sử nhân loại. Trong ngôn ngữ của thánh Phaolô mầu nhiệm này có thể là một vật, một người, một giáo thuyết bí ẩn mà trí óc con người không thể nào hiểu thấu được. Sự gian tà là một mầu nhiệm, bởi vì nó bước vào trong chương trình cứu rỗi của Thiên Chúa, khiến cho chúng ta kinh ngạc và không tài nào hiểu nổi. Sự gian tà đó ám chỉ sự dữ dưới tất cả mọi hình thái của nó, giờ đây chưa được vén mở hoàn toàn. Nó sẽ chỉ được tỏ lộ trong ngày sau hết và hoạt động của nó sẽ chỉ đều khắp, khi tới thời mạc khải của “Kẻ Gian Tà”. Chương trình nhiệm mầu của Thiên Chúa giờ đây chỉ cho phép nó can thiệp một cách kín đáo và phiến diện chống lại hoạt động cứu rỗi của Ngài đối với thế giới. Ở đây chúng ta nhận ra tất cả quan niệm của truyền thống kinh thánh loại trừ thuyết nhị nguyên lành dữ, thiện ác, nhưng chấp nhận sự hiện diện của các nhân vật gian ác có ảnh hưởng tiêu cực trong lịch sử loài người. Dù chúng có là con rắn như được nói tới trong chương 3 sách Sáng Thế, hay Satan trong hai chương đầu sách ông Giốp hoặc trong chương 2,23-24 sách Khôn Ngoan, chúng đều tùy thuộc ý muốn tối thượng của Thiên Chúa. Nghĩa là Satan và mọi lực lượng sự dữ không vượt thoát được quyền năng của Thiên Chúa.
 
Trên bình diện chú giải, tưởng cũng cần để ý tới ảnh hưởng của các quan niệm thần thoại diễn tả một tư tưởng vẫn còn có giá trị đối với cả những người ngày nay không nhận ra sự can thiệp của ma qủy hay các nhân vật thần thiêng gian ác trong cuộc sống con người. Đó là đề tài con quái vật bị Thiên Chúa chế ngự ngay từ khởi nguyên, như tìm thấy trong một số thần thoại, và được truyền thống khải huyền do thái lấy lại. Con quái vật đó tên là “Behemốt” hay “Léviathan”, bị đánh bại và xiềng xích từ thời khai nguyên vũ trụ. Vào thời sau hết nó sẽ được thả ra để tự do tung hoành, nhưng sau cùng nó sẽ bị Thiên Chúa hủy diệt. Hiện giờ thì nó chỉ bị cầm chân thôi. Tuy các hình ảnh Kinh Thánh dùng xem ra ngô nghê, nhưng chúng diễn tả một thực tại vô cùng nghiêm trọng. Chúng đặt để chúng ta trước thực tại sự dữ hiện diện và hoạt động trong các guồng máy tâm lý của con người và nhập thể chung quanh con người, qua nhiều cấu trúc và lực lượng xã hội gian ác đang tung hoành trong dòng lịch sử và giữa lòng thế giới.
 
Ở đây chúng ta phải chọn lựa giữa một quan niệm lạc quan hay đôi khi hời hợt về lịch sử và tiến trình của nó và một kiểu nhìn lịch sử, mà không nhắm mắt trước sự dữ đang tung hoành giữa lòng xã hội trong các góc cạnh và nếp gấp kín ẩn nhất của các biến cố xảy ra trong cuộc sống con người. Trong thế giới này không phải tất cả đều là ánh sáng, niềm vui và sự sống, mà còn có tối tăm, khổ đau, bất công, vô nhân và cái chết nữa. Và nếu muốn sống một cách cụ thể, mỗi người đều phải tính sổ với mặt trái đó của cuộc đời. Trái đất này không phải chỉ là vườn hoa, mà còn là bãi chiến, nơi có các xung đột đổ máu giữa các lực lượng đối nghịch nhau, giữa ánh sáng và bóng tối.

 Liên quan tới “sự gì” hay “ai đó” cầm chân, khiến cho “Kẻ Gian Tà” chậm xuất hiện để lừa phỉnh thế giới, giới chú giải kinh thánh đưa ra nhiều giả thuyết khác nhau. Trước hết phải ghi nhận đây là một yếu tố mới mẻ trong khung cảnh các trình thuật khải huyền cổ điển. Tác giả khẳng định rằng tín hữu Thêxalônica đã biết thực tại bí ẩn ấy rồi. Nhưng vì thời gian qúa xa, chúng ta không biết thực tại bí ẩn ấy là gì hay là ai. Ở đây tác giả dùng hai từ để diễn tả sự cầm chân ấy. Một lần ở thể trung tính “to katékhon”, có nghĩa là “cái cản trở” và một lần ở giống đực “ho katékhôn”, có nghĩa là “người cản trở”. “Kẻ Gian Tà” sẽ xuất hiện trước khi Chúa Kitô quang lâm. Nhưng có “cái gì đó” hay “một ai đó” khiến cho sự xuất hiện của “Kẻ Gian Tà” bị chậm lại. Các nhà chú giải Kinh Thánh xưa nay đã đưa ra nhiều giả thuyết, trong đó có hai giả thuyết chính. Thứ nhất, chướng ngại đó chính là đế quốc Roma, là cái cầm chân “Kẻ Gian tà” và hoàng đế Roma, tức là người cầm chân “Kẻ gian Tà”. Lý do là vì đế quốc và hoàng đề Roma bảo đảm trật tự và hòa bình khắp nơi, ngăn chận các cuộc nổi dậy và chiến tranh, mà truyền thống vẫn thường coi là dấu chỉ của ngày thế mạt. Đây là lập trường của đa số các nhà chú giải, đặc biệt các nhà chú giải cổ xưa.

 Giả thuyết thứ hai cho rằng cái cầm chân và người cầm chân “Kẻ Gian Tà” đó chính là lời rao giảng Tin Mừng và thánh Phaolô. Đây là lập trường của các nhà chú giải như Théodore thành Mopsueste, Théodoret, Calvin, hay mới hơn nữa là O. Cullmann. Kiểu giải thích này dựa trên lời Chúa Giêsu nói với các môn đệ rằng ngày tận thế sẽ chỉ tới sau khi Tin Mừng đã được loam báo cho mọi dân tộc ngoại giáo trên trái đất này (Mc 13,10; Mt 24,14). Nhưng các thư của thánh Phaolô không cho thấy thánh nhân ý thức được mình lại có một vai trò như thế trong lịch sử cứu độ. Giả thuyết thứ ba cho rằng chính hoạt động của Chúa Thánh Thần cầm chân, chưa cho Tên Phản Kitô đó xuất hiện để đánh phá thế giới. Giả thuyết thứ tư cho rằng chính hoạt động của Tổng lãnh thiên thần Micael cầm chân “Kẻ Gian Tà” (B, Rigaux, Saint Paul. Les épitres aux Thessaloniciens, 274-279).
 
Chúng ta phải công nhận đây là một bí ẩn chưa giải quyết được. Mọi cố gắng cá biệt hóa đều chỉ có tính cách ước đoán mà không có gì chắc chắn. Thật ra văn bản chương hai thư thứ II gửi tín hữu Thêxalônica không cung cấp cho chúng ta yếu tố nào khác giúp xác định xem “cái cầm chân” hay “người cầm chân” “Kẻ Gian Tà” ấy là gì hay là ai. Nếu được phép đưa ra một nhận xét hướng dẫn, chúng ta có thể dựa trên tư tưởng kinh thánh cổ điển hơn để nói rằng quyền năng của Thiên Chúa chế ngự được sự dữ và ma qủy. Nhưng đây cũng lại chỉ là một kiểu giải thích. Tuy nhiên sự kiện không hiểu được bí ẩn ấy không cản ngăn chúng ta hiểu tư tưởng chung của tác giả. Đó là biến cố tín hữu chối bỏ Thiên Chúa và biến cố “Kẻ Gian Tà” đến sẽ xảy ra trước biến cố Chúa Kitô quang lâm. Nhưng cho tới lúc đó thì chưa có gì xảy ra cả. Dù vậy tác giả vẫn khuyên các tín hữu như sau: Tuy các dấu chỉ báo trước ngày thế mạt chưa lộ hiện, nhưng phải tiếp tục sống trong thái độ đợi chờ Ngày Chúa đến, ngày mà không ai biết khi nào sẽ xảy ra (Cf. Mc 13,28-37; 1 Ts 5,1-11).
 
Tóm lại, dù có gì xảy ra đi nữa, kitô hữu vẫn có thể lạc quan tin tưởng nơi con người, bởi vì con người có thể chiến đấu chống lại ma qủy và bóng tối sự dữ đang bủa vây nó tứ bề. Nói cách khác, tác giả khẳng định với chúng ta rằng: loài người có thể loại bỏ hoạt động tàn phá của sự dữ và cái chết. Loài người có thể dựng chiến lũy để cầm chân, để ngăn chận sự dữ và cái chết. Loài người có thể chống trả lại ma qủy và chiến thắng được chúng.

3. CÁC DẤU CHỈ BÁO TRƯỚC NGÀY THẾ MẠT

 Chương 2 thư thứ II gửi tín hữu Thêxalônica là một văn bản khải huyền vén mở cho thấy các dấu chỉ báo trước ngày thế mạt. Trước hết là sự hiện diện và hoạt động của “mầu nhiệm của sự Gian Tà”, tức các lực lượng ma quái của sự dữ chống lại chương trình cứu độ của Thiên Chúa. Tiếp đến là “cái gì” hay “ai đó” cản ngăn sức tung hoành của tên phản kitô trong lòng thế giới. Mặc dầu giới chú giải kinh thánh đưa ra nhiều giả thuyết, cho tới nay người ta không biết được yếu tố khiến cho “Kẻ Gian Tà” chậm xuất hiện và tác oai tác quái đó là gì hay là ai. Người thì cho rằng đó là đế quốc và hoàng đế Roma có công bình định thế giới nên cản ngăn các cuộc nổi loạn khởi nghĩa và chiến tranh là hai dấu chỉ của ngày tận thế. Vị khác nghĩ rằng đó chính là lời rao giảng Tin Mừng và thánh Phaolô. Có vị khác nữa thì cho rằng đó chính là hoạt động của Chúa Thánh Thần hay của Tổng lãnh thiên thần Mikael.
 
Qua những khẳng định trên đây soạn giả đặt để tín hữu trước một thực tại vô cùng nghiêm trọng: đó là sự dữ hiện diện và hoạt động trong tâm lòng con người cũng như trong các guồng máy và lực lượng xã hội gian ác tung hoành trong dòng lịch sử và giữa lòng thế giới. Dù muốn dù không, mọi người đều phải đối diện với sự dữ trong cuộc sống trên trần gian này. Tuy nhiên, con người có thể hoạt động chống lại sự dữ và ngăn cản nó, chống lại cái chết, chống lại ma qủy và chiến thắng chúng. Tuy nhiên đây mới chỉ là những biến cố xảy ra trong hiện tại. Trước khi Chúa Kitô quang lâm sẽ còn có các dấu chỉ khác báo trước: đó là sự kiện các tín hữu khước từ Thiên Chúa, chối đạo và sức đánh phá tung hoành của Tên Phản Kitô.
 
Bắt đầu từ sách Đaniel, được biên soạn ra hồi thế kỷ thứ II trước công nguyên, người ta tin rằng trong số các dấu hiệu báo trước ngày thế mạt có biến cố các tín hữu phản bội lòng tin. Đây là điều dễ hiểu, nếu chúng ta tham chiếu lịch sử do thái thời đó. Hồi năm 175 trước công nguyên vua Antioco Epifane IV thuộc dòng họ Seleucide phát động chiến dịch hy lạp hóa đất Palestina, bằng cách áp đặt nền văn hóa và tôn giáo hy lạp trên cuộc sống của người do thái. Rất nhiều người do thái trong đó có giới thượng lưu đã nhượng bộ, chối bỏ lòng tin vào Giavê Thiên Chúa để tôn thờ các thần hy lạp. Phong trào chối đạo lan tràn trong dân do thái. Những tín hữu do thái nào không chịu bỏ đạo và chấp nhận cúng tế các thần hy lạp theo lệnh của vua Antioco IV đều bị sát hại. Đây cũng là thời kỳ do thái giáo bị bách hại tàn khốc chưa từng thấy trong dòng lịch sử. Cao trào kháng chiến chống ngoại xâm của anh em nhà Macabây đã nảy sinh trong thời gian này. Sách Đaniel đã được biên soạn ra trong thời điểm này của lịch sử nhằm mục đích kêu gọi tín hữu do thái kiên trì giữ vững lòng tin vào Giavê Thiên Chúa, đừng lùi bước trước các bắt bớ, khổ đau và cái chết. Sách Đaniel thuộc loại văn chương của thời kỳ khủng hoảng lòng tin. Vì thế nên kể từ đó chối bỏ lòng tin trở thành một “topos”, nghĩa là một yếu tố xác định đặc trưng của các thị kiến khải huyền.
 
Sự kiện các tín hữu khước từ lòng tin, bỏ Chúa để chạy theo tôn thờ các thần linh giả tạo khác đi sóng đôi với sự xuất hiện của “Kẻ Gian Tà”, của “Kẻ bị hư mất”, của “Tên Thù Địch”, của “Tên Hỗn Xược” chống lại tất cả những gì liên quan tới Thiên Chúa và nhắc nhớ tới Thiên Chúa. Hắn tiếm đoạt địa vị của Thiên Chúa và bắt mọi người phải tôn thờ hắn. Hắn vào ngự trong đền thờ của Thiên Chúa và tuyên xưng mình là Thiên Chúa. Tất cả các kiểu nói trên đây cho chúng ta thấy căn cước của một nhân vật phù hợp với các miêu tả của nền văn chương khải huyền. Nó biểu tượng cho cái nòng cốt của sự dữ, và là sức mạnh chống lại mọi tôn giáo. Nó kiêu căng ngạo mạn chiếm chỗ của Thiên Chúa và tự phong mình là Thiên Chúa. Nhin vào lịch sử do thái chúng ta nhận ra ngay nhân vật đó là ai. Đó là bạo chúa Antioco IV, một kẻ mắc chứng cuồng vinh cho rằng mình là hiện thân trên trần gian này của thần Zeus là thần Mặt trời trong thần thoại Hy lạp. Ông làm cho đền thánh Giêrusalem trở thành ô uế bằng cách cho đặt tượng thần Zeus trong đền thờ và cắt đặt các dịch vụ cúng bái thần Zeus, là thần của các thần hy lạp. Tuy nhiên, các hình ảnh biểu tượng của nền văn chương khải huyền còn ám chỉ tất cả mọi thực tại tương tự trong dòng lịch sử do thái cũng như trong dòng lịch sử nhân loại. Nó diễn tả mọi quyền lực chính trị kinh tế và ý thức hệ trần gian tự nâng mình lên địa vị của tôn giáo, chễm chệ ngồi trên ngai và bắt buộc dân chúng tôn thờ như thần linh. Và lịch sử thế giới cổ kim đều chứng minh cho chúng ta thấy các hậu quả tàn khốc của thái độ kiêu căng ngạo mạn bệnh hoạn này của các bạo chúa. Biết bao thế hệ tín hữu đã bị sát hại vì cương quyết không phục bái lậy thờ các quyền lực chính trị tự tôn mình lên hàng tôn giáo ấy. Tên Phản Kitô được thánh Gioan nói tới trong thư thứ nhất chương 2,18.22 và thư thứ hai câu 7, không xuất hiện ở đây, nhưng nó cũng là một yếu tố của quang cảnh báo trước ngày thế mạt. Tuy từ ngữ có thay đổi, nhưng chúng đều ám chỉ biến cố các lực lượng sự dữ ồ ạt tấn công trong giờ sau hết của lịch sử thế giới và lịch sử nhân loại. Trong cuộc chiến thê thảm cuối cùng đó không thể vắng bóng Tên Phản Kitô. Nó sẽ hoạt động với quyền năng của Satan. Nó sẽ làm các phép lạ và công việc kỳ diệu để quyén rũ loài người và dẫn đưa loài người bước vào con đường của sự hư mất. Và nó sẽ thành công trong mưu toạn ác độc đó, nhưng nó sẽ chỉ thành công với những ai đã khước từ chấp nhận sự thật, nghĩa là mạc khải của Thiên Chúa về Đức Kitô.
 
Tới đây tác giả thư thứ II gửi tín hữu Thêxalônica khai triển suy tư về thái độ không tin, các lý do và hậu quả của nó. Ngoài thái độ khước từ, văn bản còn nói tới thái độ ưa thích dối trá. Các kẻ bỏ đạo, các kẻ khước từ Thiên Chúa và chối bỏ lòng tin của mình cũng là những kẻ yêu thích điều trái nghịch với Tin Mừng, tức là sự dối trá. Và họ khép kín tâm lòng với Lời Chúa Kitô, Đấng là Đường là Sự Thật và là Sự Sống. Sở dĩ sự quyến rũ của Tên Phản Kitô thành công, là vì có sự đồng lõa nội tại của các tín hữu liên hệ. Và thế là mọi sự đều dẫn họ tới sự hư mất. Tệ hơn nữa tác giả còn dùng kiểu nói nhân hình, để khẳng định rằng chính Thiên Chúa gửi tới cho họ một luồng ảnh hưởng của sai lầm, để cho họ tin vào sự dối trá. Đây là một kiểu diễn tả trong tư tưởng cổ điển của truyền thống Kinh Thánh. Tư tưởng cổ điển này của truyền thống kinh thánh không phân biệt giữa muốn sự dữ và cho phép sự dữ xảy ra. Vì không muốn chấp nhận thuyết nhị nguyên, nghĩa là không chấp nhận nguyên lý sữ dữ hoạt động đối đầu với Thiên Chúa và ngang hàng với Ngài, các soạn gỉa kinh thánh gán mọi sự cho ý muốn tối thượng và hoạt động toàn năng của Thiên Chúa, kể cả các quyến rũ xấu xa của sự dữ. Xem ra nó là điều trái nghịch, nhưng kiểu diễn tả này là một cách tuyên xưng lòng tin vào quyền tói thượng của Thiên Chúa. Các soạn giả kinh thánh muốn nói rằng không có gì trong cuộc sống con người mà không tùy thuộc vào quyền năng của Thiên Chúa, kể cả các hoạt động và ảnh hưởng của sự dữ cũng do Thiên Chúa kiểm soát và chế ngự. Ở đây tác gỉa muốn nói rằng thái độ khước từ sự thật của con người có cái luận lý nội tại của nó. Khi không muốn chấp nhận sự thật và sống theo sự thật, là con người chạy theo dối trá gian tà và càng ngày càng lún sâu vào vòng kiềm tỏa của dối trá gian tà, đến độ không còn khả năng phân biệt lành dữ, thiện ác nữa. Khi đóng kín tâm lòng với Lời Chúa Kitô, khi khước từ ánh sáng sự thật thiên linh Chúa Kitô cống hiến qua Tin Mừng của Ngài, con người nhào sâu xuống hố tối tăm của dối trá và diệt vong. Trao phó hồn xác mình vào vòng tay các lực lượng sự dữ và để cho chúng lèo lái chỉ huy có nghĩa là vượt thoát ra khỏi sự hướng dẫn của Thiên Chúa, Đấng đưa con người tới tình yêu thương qua con đường sự thật. Qua đó tác gỉa nêu bật trách nhiệm của mỗi một người đối với ơn cứu độ hay sự hư mất của chính mình. Lực lượng sự dữ ngoại tại chỉ có thể hãm hại con người và dẫn đưa con người tới sự hư mất, khi nó tìm thấy trong tâm lòng con người thái độ đồng lõa, ước muốn và ưa thích được nó hướng dẫn.
 
Thế Tên Phản Kitô đó là gì hay là ai vậy? Nó là một nhân vật cá biệt hay là một tập thể, một phong trào hay một cá nhân? Văn chương khải huyền Tân Ước đã coi nó như là một gương mặt đối đầu với Chúa Kitô. Nó là một thực tại linh động được nhân cách hóa và biểu tượng cho các lực lựơng đối nghịch với Tin Mừng của Chúa Giêsu, chiến đấu để đem thắng lợi về cho sự dữ. Ở đây tưởng cũng nên nhắc lại rằng trong tư tưởng kinh thánh lịch sử là một bãi chiến trường, nơi các lực lượng sự thiện và lực lượng sự dữ giao đấu ác liệt. Ngày tận thế mới là giây phút định đoạt của cuộc chiến đó. Và trận đánh cuối cùng sẽ vô cùng tàn khốc định đoạt cho cả hai bên. Sẽ không thiếu các nạn nhân phải ngã gục trong trận chiến này, trong đó có rất nhiều tín hữu trung kiên của Chúa Giêsu. Trong dòng lịch sử thế giới hoạt động cứu độ của Chúa Kitô không chỉ gặp các chống đối và khó khăn, mà còn gặp nhiều lực lượng liên minh quyết tâm đánh phá nữa. Sự dữ không chỉ hiện diện chung quanh, mà còn ở ngay trong tâm lòng con người nữa. Mỗi một người là một bãi chiến. Do đó biết sáng suốt lựa chọn phải kiên trung chiến đấu bên nào là điều vô cùng quan trọng, vì nó liên hệ tới vận mệnh tối hậu của từng người là được cứu rỗi hay phải hư mất đời đời. Tuy nhiên viễn tượng khải huyền trong văn bản chương hai thư thứ II gửi tín hữu Thêxalônica không kết thúc với sự xuất hiện và hoạt động tàn phá của Tên Phản Kitô, mà kết thúc với chiến thắng của Chúa Giêsu Kitô phục sinh. “Kẻ Gian Tà” sẽ bị lột mặt nạ, và Chúa Kitô sẽ tiêu diệt hắn với hơi thở từ nơi miệng Ngài. Màn cuối cùng của trận chiến thê thảm đó là chiến thắng toàn vẹn của Chúa Kitô trên các lực lượng sự dữ và cái chết. Do đó tác gỉa khuyến khích tín hữu cứ vững tin và đừng lo sợ, bởi vì phần thắng cuối cùng sẽ về tay những người kiên trung sống theo Tin Mừng yêu thương và sự thật của Chúa Giêsu Kitô.

4. LAO ĐỘNG NHƯ MỘT PHẦN CỦA ƠN GỌI LÀM NGƯỜI

Ngoài đề tài ngày tận thế, thư thứ II gửi tín hữu Thêxalônica còn đề cập tới một vấn đề quan trọng khác có tính cách nội bộ: đó là vấn đề lao động. Trong chương 3,6-15 tác giả khuyến khích tín hữu trong cộng đoàn biết chăm lo làm việc để có phương tiện sinh sống, chứ đừng “ăn không ngồi rỗi”, bởi vì thái độ sống đó đẩy đưa họ rơi vào cảnh “nhàn cư vi bất thiện”. Nó không chỉ biến họ trở thành những người “ngồi lê mách lẻo”, gây hoang mang rối loạn trong cộng đoàn, mà còn khiến cho họ trở thành gánh nặng cho các anh chị em khác, vì họ như loài ký sinh trùng, ăn bám người khác, sống trên mồ hôi và công việc lao nhọc của kẻ khác.
 
Chúng ta không thể giải thích được lý do khiến cho lá thư thứ II sắp kết thúc với các lời chào ở đầu chương ba, lại bắt sang đề tài “nhàn cư vi bất thiện” của một số tín hữu trong cộng đoàn. Có điều chắc chắn đó là văn bản này là văn bản duy nhất trong toàn Tân Ước trình bầy về vấn đề lao động chân tay. Lời khuyên nhủ kitô hữu hãy biết làm việc để mưu sinh mang một ý nghĩa vô cùng quan trọng. Đặc biệt bởi vì trong bối cảnh xã hội hy lạp-roma thời đó, các công dân tự do khinh rẻ việc lao động nặng nhọc. Người ta quan niệm rằng công việc tay chân là công việc của hàng nô lệ và lớp con ăn đầy tớ. Khi khuyến khích kitô hữu làm việc tay chân, là tác giả cách mạng một tâm thức và quan niệm sai lầm của xã hội thời bấy giờ. Giáo huấn này đi ngược dòng đời và vạch ra một hướng đi nhân chủng mới mẻ. Tâm thức chung của xã hội hy lạp bấy giờ chỉ coi một người là đã hiện thực được cuộc sống của mình, khi họ bước vào khung cảnh của chiều kích tinh thần. Do đó công việc tay chân, những sinh hoạt liên hệ tới vật chất đâu có giá trị gì đáng kể, đáng cho con người để tâm. Nhưng đây không phải là quan niệm mà Kitô giáo thừa hưởng được từ Do thái giáo.
 
Trong truyền thống do thái, con người là một sinh vật nhập thể và nhập thế. Trình thuật tạo dựng như ghi trong hai chương đầu sách Sáng Thế cho thấy Thiên Chúa trao cho con người nhiệm vụ giữ vườn Eđen và canh tác đất đai. Như thế lao động, làm việc, canh tác cũng là một phần của ơn gọi làm người. Con người lao động không phải là một con người thấp kém. Trái lại, lao động giúp con người hiện thực trọn vẹn ơn gọi la người của mình, vì cho phép con người tham dự vào sinh hoạt tạo dựng, sắp đặt và biến đổi thế giới. Lao động giúp con người trở thành giống Thiên Chúa là Đấng luôn luôn làm việc, như Chúa Giêsu khẳng định trong Phúc Âm thánh Gioan. Điều quan trọng, như vậy, là phải giữ gìn làm sao để các tương quan giữa con người và vũ trụ cũng như với các thụ tạo khác không bị tha hóa đi. Vì thế có thấp kém và lệch lạc chăng là kiểu cách làm việc và tổ chức hay dùng công việc làm của con người trong tương quan với tha nhân và trong tương quan giới vũ trụ thiên nhiên. Lao động là vinh quang, vì nó giúp con người hiện thực ơn gọi làm người của mình. Nhưng nó sẽ không còn là vinh quang nữa, khi con người dùng lao động như phương thế để khai thác bóc lột, hành khổ và trừng phạt nhau. Lao động sẽ không là vinh quang nữa, khi nó tha hóa con người, khi nbó biến con người trở thành loài trâu ngựa, phục dịch các kẻ cầm quyền gian ác. Nó cũng không là vinh quang nữa, khi nó biến con người trở thành nô lệ cho chính mình và các ham muốn vơ vét chiếm đoạt của cải của mình. Nó không là vinh quang nữa, khi con người coi nó là tất cả mục đích đời mình và chỉ còn cắm đầu cắm cổ hùng hục làm việc như cái máy vô hồn, đến quên mọi nhu cầu tâm linh, đến quên tình quên nghĩa, quên vợ quên cơn, quên bạn bè thân thuộc. Lao động sẽ không là vinh quang nữa, nếu vì lòng tham vô đáy, con người khai thác các tài nguyên thiên nhiên một cách vô chừng mực, bừa bãi, thiếu trách nhiệm, khiến cho môi sinh hư hoại và để lại cho các thế hệ tới sau một môi trường bị ô nhiễm và hủy hoại.
 
Trên bình diện hình thái văn chương văn bản dùng thể sai khiến: “Hỡi anh chị em, chúng tôi viết cho anh chị em nhân danh Chúa Giêsu Kitô là Chúa chúng ta”, “Thật thế, đây là lệnh chúng tôi truyền cho anh chị em”, “Chúng tôi truyền cho các người ”ăn không ngồi rỗi” ấy và chúng tôi tha thiết van nài họ nhân danh Chúa Giêsu Kitô. Các kiểu nói này đều diễn tả một lời nói đầy quyền bính, của một người ý thức được rằng mình đang nói lên ý muốn đòi hỏi của Chúa Kitô hiện diện trong Giáo Hội như là Đấng nắm giữ quyền bính tối thượng. Tác giả nói “nhân danh Chúa Giêsu Kitô” và “trong Chúa Giêsu Kitô”. Tín hữu trong cộng đoàn, đặc biệt những người sống ươn lười, là những người được khuyến khích.
 
Tình trạng sống bê bối của các tín hữu này được miêu tả trong câu 11. Có một số kitô hữu sống mà không làm gì cả, trái lại còn xía mũi vào mọi chuyện của người khác. Đã lười biếng không làm việc để tự nuôi thân, họ lại còn hăng hái một cách trống rỗng, vô lối và không đâu, suốt ngày chỉ “ngồi lê mách lẻo”, chuyện gì cũng xía vào, cái gì cũng cho là mình thông biết, chuyện gì cũng đòi can thiệp, làm như mình là cái “ông trời con”. Và thái độ sống bôn chôn như con lòng tong ấy của họ gây xáo trộn, hoang mang và ảnh hưởng xấu trên các tín hữu cộng đoàn. Do đó tác gỉa yêu cầu họ hãy sống an bình và để cho người khác được an bình. Dĩ nhiên, ở đây phải ghi nhận rằng chính quan niệm và xác tín ngày Chúa Kitô sắp quang lâm và thời tận thế gần kề đã khiến cho các tín hữu nói trên có thái độ sống bôn chôn, đến xáo trộn này, chứ đây không phải chỉ là hiện tượng của một cuộc sống lười biếng thuần túy hay thái độ ký sinh trùng ăn bám cộng đoàn mà thôi. Chính vì xác tín rằng ngày tận thế sắp đến, nên các tín hữu này mới bỏ bê mọi công ăn việc làm, suốt ngày lê la hết nơi này sang nơi khác để bàn tán xôn xao, đưa ra phỏng đoán này, ý nghĩ nọ, khiến cho các tín hữu khác cũng bôn chôn và bầu khí cộng đoàn trở nên sôi động.
 
Biện pháp đầu tiên được tác gỉa đề nghị với cộng đoàn ở đây là không được thụ động chứng kiến hiện tượng bệnh hoạn này, trái lại phải nắm vai chủ động, bằng cách cô lập hóa các tín hữu kể trên, xa lánh họ, không cho họ có dịp phổ biến các ý kiến sai lầm của họ, không để cho họ gây ảnh hưởng xấu trên cộng đoàn và phổ biến kiểu sống gây gương mù gương xấu ấy. Thứ hai, tác giả nhắc cho tín hữu nhớ rằng các anh chị em gây rối loạn trong cộng đoàn như thế sống ngược lại các giáo huấn mà thánh Phaolô đã để lại cho các tín hữu. Và thứ ba, tác giả nêu bật gương sống của thánh Phaolô và khuyến khích tín hữu noi theo kiểu sống đó của thánh nhân và các cộng sự viên truyền giáo của ngài. Trong chương 9 thư thứ I gửi tín hữu Côrintô, thánh Phaolô nói rõ cho tín hữu biết rằng cho dù có quyền đòi hỏi họ phải chu cấp cho các nhu cầu vật chất của mình và các thừa sai, vì đó là thói quen mà dân chúng hồi đó thường làm đối với các vị thầy giảng dạy giáo thuyết cho họ, thánh nhân và các thừa sai cộng sự viên đã không làm như thế. Trái lại các vị đã cố gắng tự lực mưu sinh qua nghề đan lều. Nghĩa là ngoài thời giờ dùng để giảng dạy, khuyên nhủ tín hữu và tổ chức giáo đoàn, các vị đã phải thức khuya dậy sớm, nai lưng làm việc phụ trội, để có tiền trang trải các chi phí thường ngày, kể cả tiền thuê các nơi hội họp để rao giảng Tin Mừng. Và nhất là để không trở thanh gánh nặng tài chánh cho các tín hữu, và không phải nhờ vả ai. Vì rất thường khi sự lệ thuộc tài chánh cũng điều kiện hóa và cản trở các thừa sai không được hoàn toàn tự do loan báo Tin Mừng của Chúa. Kiểu sống đó của thánh Phaolô đã trở thành mẫu gương và là một giáo huấn rất uy tín đối với kitô hữu hồi cuối thế kỷ thứ I. Sự kiện tham chiếu gương sống trong qúa khứ của thánh Phaolô minh chứng cho thấy thế hệ của tác giả thứ thứ II gửi tín hữu Thêxalônica xem ra đã là thế hệ hậu sinh.
 
Không kể các lý do nhân chủng, tâm lý và thần học trên đây, nguyên tắc mà tác giả đưa ra ở đây có giá trị ở khắp mọi nơi và trong moi lúc: “Ai không làm việc thì cũng đừng ăn”. Tiếp đến tác giả trực tiếp kêu gọi những tín hữu lười biếng: “Chúng tôi truyền cho các anh chị em này và tha thiết nài van họ nhân danh Chúa Giêsu Kitô, hãy ăn cơm bánh mà họ kiếm ra qua việc làm trong an bình”. Nghĩa là mỗi người hãy làm việc để mưu sinh, chứ đừng ngồi lê mách lẻo, gây rối loạn trong cộng đoàn và ăn bám kẻ khác.
 
Trong phần cuối tác giả khuyến khích tín hữu không ngừng làm việc thiện. Ở đây trong bối cảnh của cộng đoàn Thêxalônica có nghĩa là làm việc lành cho tha nhân. Rồi hình như sợ rằng các biện pháp đề nghị trên đây không có kết quả, ông nói tới một số biện pháp kỷ luật mạnh, cần phải triệt để áp dụng trong nội bộ cộng đoàn, mà không được ngần ngại lùi bước. Dĩ nhiên ở đây không thể nói rằng tác gỉa áp dụng luật ra vạ tuyệt thông cho các tín hữu không thực tâm hoán cải. Nhưng cho dù có cô lập hóa họ, hay có phải đưa ra biện pháp mạnh mẽ quyết liệt thế nào đi nữa, cộng đoàn cũng không được quên rằng họ vẫn là các anh chị em cần được cảnh cáo và sửa bảo với tình yêu thương.

Tác giả bài viết: Giuse Linh Tiến Khải

 Tags: Thánh Phaolô

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

lich cong giao 2022 - 2023
tapsanmucdong
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập52
  • Máy chủ tìm kiếm24
  • Khách viếng thăm28
  • Hôm nay17,993
  • Tháng hiện tại425,279
  • Tổng lượt truy cập29,404,817

Chúng tôi trên mạng xã hội

CÁC GIÁO HẠT
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây