Thánh nhạc và Thánh ca trong giáo huấn của Đức Thánh Cha Bênnêđictô XVI

Thứ tư - 30/09/2015 23:02
THÁNH NHẠC VÀ THÁNH CA 
TRONG GIÁO HUẤN
CỦA ĐỨC THÁNH CHA BENEĐICTO XVI

 
benedicot

Đức Thánh Cha Beneđicto XVI là con người yêu thích nghệ thuật và nhất là yêu thích âm nhạc. Ngài không chỉ yêu thích, nhưng cũng là nhạc sĩ và chơi phong cầm, ngay từ nhỏ trong đình của mình. Ngài yêu thích lắng nghe âm nhạc, như nhạc cổ điển, của Bach, Mozart, Schubert. Do đó, khi vừa được bầu làm Giáo Hoàng, các báo chí đã gợi ra một sự tò mò, không rõ Đức Giáo Hoàng còn có giờ để chơi phong cầm như từ trước tới nay không, và không rõ chiếc phong cầm Ngài vẫn chơi ngày còn làm Hồng Y tại Rôma sẽ được đưa vào Phủ Giáo Hoàng hay sẽ được thay thế bằng một chiếc phong cầm mới. Đàng nào cũng để, tất cả tùy thuộc Đức Thánh Cha. Rồi dần dần người ta thấy mọi sự được thu xếp theo ý Đức Thánh Cha. Những tấm hình chụp Ngài mặc áo trắng Giáo Hoàng đang chơi nhạc của Bach hay Mozart – hai nhạc sĩ Ngài ưa thích – được tung ra cho dân chúng biết. Như vậy Ngài tiếp tục sở thích âm nhạc của mình, ngay trong cương vị Giáo Hoàng, cũng như Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolo II, tiếp tục sở thích trượt tuyết của mình và sáng tác thơ phú, cả sau khi lên làm Giáo Hoàng.

Vì thế từ khi Đức Thánh Cha Beneđicto XVI lên làm Giáo Hoàng, người ta đã tổ chức những buổi hòa nhạc tỏ lòng mộ mến Ngài và để Ngài thưởng lãm[1]. Sau các buổi hòa nhạc này, Ngài đã có những lời cám ơn Nhạc trưởng, nhạc sĩ, ca đoàn, các ca sĩ đơn ca, song ca, và ban tổ chức buổi hòa nhạc. Sau đó Ngài đã nói qua về địa vị và vai trò của âm nhạc trong tương quan với tạo vật, với con người, nhất vai trò thờ phượng của âm nhạc là đem con người lên tới Thiên Chúa và đem lời ca đơn sơ của con người trần thế hòa nhập với ca đoàn thiên quốc để tôn vinh Thiên Chúa.

Truyền thống gia đình đã đặt để nơi Ngài lòng yêu mến đặc biệt với âm nhạc. Ngài nhắc lại yếu tố này như sau: “Trong khi nghe và thưởng lãm các bản hợp ca này làm Tôi nhớ lại một cách thật hân hoan những năm sống tại Ratisbon – những năm tuyệt đẹp mà nhờ người Anh của Tôi, Tôi đã có dịp gia nhập vào gia đình của Ca đoàn nhà thờ Chính Tòa Domspatzen. Vào thời gian sau cùng của suốt giai đoạn 30  năm phục vụ trong Ca Đoàn của anh chị em, Cha (Georg Ratzinger, chú thích của tôi) đã nói: ‘Thiên Chúa nhân lành đã không trao phó cho tôi một tác vụ nào khác tốt đẹp hơn tác vụ tôi đã thi hành”. Đây không chỉ là lời tạ ơn cá nhân vì ơn gọi cao đẹp này; nhưng đồng thời còn là một lời cầu chúc: chớ gì Ca Đoàn Domspatzen tiếp tục trở nên những sứ giả của vẻ đẹp, những sứ giả của đức tin, những sứ giả của của Thiên Chúa trong thế giới này, và luôn tìm ra được – theo ơn gọi chính yếu của mình – trung tâm điểm của hoạt động của họ trong tác vụ phụng vụ dâng lên lời tôn vinh Thiên Chúa”[2] . Tư tưởng nòng cốt này cũng sẽ là tư tưởng của người em là Đức Joseph Ratzinger, được diễn tả ra dưới hình thức này hay hình thức khác mà tôi muốn khám phá ra trong bài viết này.

Nói về âm nhạc, Đức Giáo Hoàng cũng cho biết vai trò của thánh ca, và từ đó là vai trò của ca đoàn trong các buổi cử hành phụng vụ, như ca đoàn Cappella Sistina tại Vaticano. Đức Thánh Cha diễn tả như sau: “Thật thế, lời ca tụng Thiên Chúa đòi hỏi phải có thánh ca. Vì thế trong tất cả Cựu Ước – như với Maisen và Đavít – cho tới thời Tân Ước, - trong Sách Khải Huyền – chúng ta còn nghe được những bài thánh ca mới của phụng vụ thiên quốc, nền phụng vụ hiến tặng cho chúng ta giáo huấn về  nền phụng vụ trong Giáo Hội của Thiên Chúa. Vì lý do đó, việc đóng góp của các Bạn rất thiết yếu đối với phụng vụ, đó không chỉ là một hình thức để trang hoàng bên ngoài, nhưng là chính phụng vụ đúng nghĩa đòi hỏi vẻ đẹp này, đòi hỏi những bài thánh ca để ca tụng Thiên Chúa và để đem lại cho những người tham dự niềm hân hoan.

Về sự đóng góp lớn lao của các Bạn (Cappella Sistina)[3] Tôi muốn nói lời cám ơn các Bạn với tất cả tấm lòng của Tôi. Phụng vụ của Đức Giáo Hoàng, phụng vụ cử hành tại Đền thờ Thánh Phêrô, phải là phụng vụ gương mẫu cho tất cả thế giới. Các Bạn biết rằng qua truyền hình và truyền thanh, ngày nay khắp nơi trên trái đất này bao nhiêu người theo dõi phụng vụ này. Họ học hỏi được từ đây, hay không học hỏi từ đây, để biết phụng vụ là gì, làm sao cử hành phụng vụ cho đúng. Vì thế, thật là quan trọng, không phải vì các vị giám chức về phụng vụ dạy cho Đức Giáo Hoàng phải cử hành thế nào cho đúng phụng vụ, nhưng cả việc Ca đoàn Cappella Sistina trở nên gương mẫu  về việc làm sao đem lại vẻ đẹp trong các bài thánh ca để ngợi khen Thiên Chúa.

Tôi biết rõ – như ông Anh của tôi đã làm cho tôi đụng chạm tới bằng bàn tay của tôi vẻ đẹp của một ca đoàn gồm nguyên giọng trẻ nam – Tôi biết rằng vẻ đẹp này đòi hỏi nhiều dấn thân và hy sinh từ phía các Bạn. Các con thân mến, các con phải dậy sớm để đến trường: Cha biết xe cộ tại Rôma và vì thế Cha có thể đoán ra rằng làm sao mà đến được đúng giờ. Rồi người ta phải làm việc từ đầu cho đến phút chót, để đạt được vẻ hoàn thiện này, với tài năng mà lúc này chúng tôi vừa được thưởng lãm.

Về tất cả những điều này, Cha cám ơn các Con. Vì lý do nữa là trong các lễ này, trong khi bạn bè của các con đang đi du ngoạn, mà các Con phải ở lại trong Đền Thờ Thánh Phêrô để hát và đôi khi phải  chờ đợi hằng giờ mà chưa được hát. Tuy nhiên các Con luôn sẵn sàng đóng góp phần của các Con.
Lễ Giáng Sinh là lễ tặng quà. Thiên Chúa đã tặng cho ta một món quà thật lớn lao. Ngài đã cho chúng ta món quà chính thực là chính mình. Ngài đã nhập thể, trở thành một trẻ nhỏ. Thiên Chúa đã ban cho chúng ta món quà đúng nghĩa và như thế Ngài mời gọi chúng ta cũng phải cho đi, cho đi với tấm lòng của mình, cho Thiên Chúa và cho tha nhân một phần của chúng ta. Và cũng ban tặng dấu chỉ của lòng tốt của chúng ta, của ý chí muốn hiến tặng niềm vui cho người khác”[4] .

Về mối tương quan giữa cầu nguyện và  lời ca tiếng hát: cầu nguyện có thánh ca, Đức Thánh Cha nói: “Và chính vì các Bạn đã giúp chúng tôi nâng tâm trí của mình lên tới Thiên Chúa, nên Tôi xin nhắc lại nơi đây nhân danh tất ca mọi người một lời cám ơn chân thành từ đáy lòng tới các nhạc sĩ đầy khả năng của Dàn Nhạc, tới các ca viên và các người đã có sáng kiến và những người đóng góp tổ chức nên buổi hòa nhạc này. Tôi có ước muốn là làm sao để có sự hài hòa giữa thánh ca và âm nhạc, là thứ nghệ thuật không hề biết tới ranh giới xã hội hay tôn giáo, luôn thể hiện một lời mời gọi cho các kẻ tin và những người không tin mà có thiện chí để cùng nhau đi tìm kiếm một thứ ngôn ngữ phổ quát của tình yêu có sức làm cho con người có được khả năng kiến tạo một thế giới công bình và liên đới, mang hy vọng và bình an. Với lời cầu chúc này, Tôi khẩn xin trên mỗi người sự trợ giúp của Thiên Chúa, trong khi Tôi vui lòng ban phép lành cho tất cả những người có mặt nơi đây và những người theo dõi buổi hòa nhạc này qua truyền thanh và truyền hình”[5].

Với một số nhạc sĩ thời danh, Đức Thánh Cha đã mô tả tâm tình của họ qua các dòng nhạc được họ viết ra, và như thế âm nhạc quả thực là một diễn tả chân thành “cái tôi” chính thực của con người. Đức Thánh Cha nói về nhạc sĩ Beethoven như sau: “Bản hòa tấu số IX của Beethoven, quả là một kiệt tác vĩ đại, mà như Đức Hồng Y (Friedrich Wetter, Tổng Giám mục Munchen) đã nói, thưa Đức Hồng Y đáng quý mến, bản hòa tấu này thuộc về di sản của toàn thể nhân loại, luôn gợi ra cách mới mẻ nơi Tôi một sự lạ lùng và ngỡ ngàng: sau nhiều năm tự biệt lập do ý muốn của mình và sống đời sống ẩn dật, trong đó nhạc sĩ Beethoven đã phải chiến đấu với những khó khăn nội tại và ngoại tại, những điều đã gây ra nơi nhạc sĩ một cảnh chán chường và một nỗi cay đắng sâu xa, cũng như trở nên mối đe dọa ngay chính sự sáng tạo của nhạc sĩ về nghệ thuật, nên nhạc sĩ, lúc đó hoàn toàn đã bọ điếc, vào năm 1824, đã làm cho mọi người ngỡ ngàng với một sáng tác làm đánh tan hình thức truyền thống về hòa âm, và, trong khi cộng tác với nhạc đoàn, ca đoàn và các ca sĩ đơn ca, ông nâng hồn lên tới một khúc kết lạ lùng đầy lạc quan và hân hoan. Điều gì đã xẩy ra cho nhạc sĩ Beethoven ?

Với các thính giả sành điệu, âm nhạc làm cho cảm thấy qua trực giác điều gì đó nằm ở nền tảng có sức nổ tung ra một cách không ngờ trước về sự hân hoan. Tâm tình hân hoan trào dâng này được biến đổi ở đây thành âm nhạc không phải là điều gì tầm thường và ở bên ngoài: đó là một tâm tình chiếm hữu được với lao nhọc vất vả, khi vượt qua cái trống rỗng bên trong của con người mà do cái bệnh điếc, đã bị đẩy vào trong sự cô đơn – các khu vực trống rỗng ban đầu của chuyển động thứ nhất và qua nhiều lần lặp lại, cái nhảy vọt ra từ một bầu khí thật sâu thẳm, tất cả đã được diễn ta ra. 

Tuy nhiên sự cô đơn thinh lặng đã dạy cho nhạc sĩ Beethoven một cách thức mới để lắng nghe, đưa đẩy ông vượt qua khả năng đơn giản của việc cảm nghiệm trong hình ảnh âm thanh của các nốt nhạc được đọc lên hoặc được viết ra. Và ở đây người ta thấy diễn tả cách huyền nhiệm lời ngôn sứ Isaia, khi nói về chiến thắng của sự thật và của công lý, điều này đến với tâm trí của Tôi, trong bối cảnh này, khi Ngôn sứ nói: “Trong những ngày đó các người điếc sẽ nghe được các lời viết trong một cuốn sách [nghĩa là những lời chỉ được viết ra mà thôi]; được giải thoát khỏi cảnh mù lòa  và khỏi bóng tối, con mắt của người mù sẽ nhìn thấy”(xem Is 29, 18-24). Như thế người ta nhắc đến một việc cảm nhận ơn huệ từ Thiên Chúa mang theo ơn sủng giải phóng bên ngoài và bên trong”[6] .

Với nhạc sĩ Franz Schubert, người Áo, Đức Thánh Cha đã diễn tả tâm hồn nhạc của nhạc sĩ với sự hiểu biết thâm sâu về âm nhạc và con người của Schubert. Đức Thánh Cha nói: “Quả thật có 600 bài Lieder mà Schubert đã để lại cho chúng ta: nhạc sĩ sáng tác vĩ đại này, không phải luôn được người đồng thời của ông hiểu biết, như mọi người biết, ông được gọi là  “thủ lãnh của các bài ca “Lied”. Như người ta đọc trên bia mộ của ông, ông “làm vang lại tiếng của thơ phú và làm cho âm nhạc nói được”.  Có 24 bài ca Lieder được sáng tác theo các bài thơ lâm ly của Wilhelm Muller, trong đó nhạc sĩ Schubert biểu lộ một bầu khí thật dầy đặc của sự cô đơn buồn thảm, mà chính ông cảm nghiệm được từ tâm trạng bên trong của tâm hồn ông như đang bị đánh cho ngã gục xuống vì cơn bệnh lâu dài và vì những thiên tình cảm xẩy đến cho ông liên tục mang theo những thất vọng về tình cảm và nghề nghiệp. Đó là một hành trình hoàn toàn nội tâm (Die Winterreise = Hành trình Mùa Đông, tác phẩm tuyệt diệu của Schubert),  mà nhạc sĩ trứ danh người Áo này viết vào năm 1827, chỉ một năm trước khi ông qua đời, xẩy đến cho ông vào lúc còn trẻ trung,  mới 31 tuổi đời.

Khi nhạc sĩ Schubert làm việc trên một áng thơ trong khung trời âm thanh của ông, ông đã diễn tả nó qua một mạng luới chằng chịt các cung điệu thẩm thấu vào trong tâm hồn, với sự ngọt ngào, ghi vào người nghe,  làm cho họ thử nghiệm được chính cái tâm trạng đang nghiền nát mà nhạc sĩ đang cảm nghiệm, chính sự gợi ý tới chân lý của con tim này đi vượt qua mọi lý luận thường tình. Như vậy nảy sinh ra một tấm tranh vẽ ra cho thấy những sự kiện đời thường chen lẫn nhau, chằng chịt cuộn vào nhau, cùng với những tâm tình tiếc nhớ, thái độ hướng nội, thái độ hướng về tương lai. Tất cả nở rộ ra qua các cảnh vật: nào là tuyết rơi, nào phong cảnh, các vật thể, rồi nhân vật liên hệ, các biến cố, tất cả cùng chảy vào một dòng thật tàn bạo nặng chĩu những kỷ niệm. Đặc biệt đối với Tôi thì đây là một kinh nghiệm mới mẻ và tươi đẹp được nghe bản nhạc này trong lối trình diễn vừa thể hiện trước mặt chúng ta, nghĩa là với đàn violoncello thay cho tiếng hát của con người. Chúng ta đã không cảm thấy những lời của áng thơ, nhưng là phản ảnh của chúng và những tâm tình chứa đựng trong đó cùng vời “giọng nói” như là tiếng của con người do tiếng đàn violoncello phát ra.

Khi trình diễn bản Die Winterreise (= Hành trình Mùa Đông”) cho các bạn của mình, nhạc sĩ Schubert đã nói rằng: ‘Tôi sẽ hát cho các bạn một tập những bài Lieder đã đem đời tôi vào trong đó còn hơn là những gì đã xẩy ra cho tôi trước đây.  Các bản này làm tôi vui thích hơn hết, và chắc cũng làm các bạn hài lòng’. Đó cũng là những lời mà chúng ta cũng có thể đồng ý nơi chính chúng ta, sau khi đã nghe chúng trong ánh sáng của hy vọng và của đức tin chúng ta. Nhạc sĩ trẻ Schubert, một con người tự phát và tràn đầy sức sống, đã có khả năng truyền đạt cho chúng ta chiều hôm nay điều mà ông đã cảm nghiệm và đã sống.  Thật đích đáng khi chúng ta biết ơn, tâm tình mà đâu đâu người ta cũng biểu lộ ra với nhân tài siêu việt này về âm nhạc, điều làm làm vinh dự cho nền văn minh Âu Châu và cho nền văn hóa cũng như tu đức của Nước Áo Kitô Giáo và Công Giáo” [7].

Qua cái nhìn chung về âm nhạc nơi Đức Thánh Cha Beneđictô XVI, bây giờ chúng ta tìm hiểu một vài khía cạnh mà Đức Thánh Cha đã phân tích âm nhạc trong các mối tương quan khác nhau.

1. ÂM NHẠC BIỂU LỘ VẺ ĐẸP THIÊN NHIÊN

      Thiên Chúa tạo dựng con người từ bụi đất và đặt để họ trong thiên nhiên tạo dựng và thiên nhiên này thật tốt đẹp, như chính Ngài đã nói, mà sách Sáng thế lặp lại nhiều lần câu kết luận này: “Và Thiên Chúa thấy mọi sự thật tốt đẹp” (St 1, 10. 12. 18. 21. 25. 31). Như vậy vẻ đẹp thiên nhiên là điều hiển nhiên nơi tạo vật, Thiên Chúa đã đặt để trong đó. Rồi chính Ngài đã như “khám phá” ra và có một thái độ ngỡ ngàng về cái vẻ đẹp thiên nhiên, cũng như vẻ đẹp trong thiên nhiên và của thiên nhiên này. Chắc chắc thái độ “khám phá” và “ngỡ ngàng” này có một ý nghĩa, đó là thúc đẩy con người hãy tìm kiếm vẻ đẹp trong thiên nhiên để chiêm ngưỡng, để hưởng dùng và để ca tụng Thiên Chúa. Một trong những môi trường dễ dàng nhất để con người khám phá ra vẻ đẹp đó là âm nhạc, vì đó là tiếng nói, ngôn ngữ phổ quát của con người. Đức Thánh Cha nói: “Bởi vì ngôn ngữ âm nhạc mang tính cách phổ quát, chúng ta thấy được con người của mọi nền văn hóa và tôn giáo hoàn toàn khác nhau, nhưng đều lo lắng làm sao nắm bắt được thứ ngôn ngữ này và đồng thời để cho mình được hướng dẫn bởi âm nhạc và trở nên các hình thức diễn tả của các nền văn hóa đó. Tính cách phổ quát của âm nhạc ngày nay còn được nhấn mạnh cách đặc biệt nhờ các phương tiện điện tử và điện tính của ngành truyền thông. Biết bao nhiêu người ở những Nước thật xa nhau có thể tham dự, ngay trong nơi ở của họ, vào những buổi hòa nhạc hoặc có thể thưởng thức lại vào những lúc khác! Tôi xác tín rằng – và tại chỗ này đây Tôi đặc biệt nghĩ tới những nhạc sĩ thời danh như Mozart và, chiều nay đây, dĩ nhiên là nghĩ tới âm nhạc tuyệt vời của Gabrieli và bản “Mondo Nuovo” tráng lệ cuả Dvorák -  Tôi nhắc lại là Tôi xác tín rằng âm nhạc quả thật là ngôn ngữ phổ quát mô tả vẻ đẹp, có khả năng nối kết con người có thiện chí trên toàn thế giới hợp lại với nhau và đem họ lên tới Đấng Tối Cao và giúp họ nâng tầm nhìn lên và mở toang ra trước Sự Thiện và trước Vẻ Đẹp tuyệt đối, là những thực tại có nguồn gốc sau cùng nơi chính Thiên Chúa”[8].

          Trong Giáo Hội qua các thế kỷ có nhiều kho tàng về thánh nhạc và thánh ca thật quý giá mà ngày nay người ta cần bảo quản cách trung thành, tránh những hình thức quá độ về phía này hay phía kia, trọng quá khứ mà bỏ hiện tại và tương lại, cũng như thái độ bỏ qua hoàn toàn kho tàng trong quá khứ. Đức Thánh Cha nói: “Hội Fondazione Domenico Bartolucci nhắm mục đích là giữ gìn và phổ biến truyền thống cổ điển và hiện đại của nhạc đa âm (polyphonia), luôn khác với việc chỉ đặt trọng tâm vào việc hát thánh ca mà thôi, chứ không có đệm bằng nhạc cụ. Một cuộc canh tân chính nghĩa về phạm vi thánh nhạc không thể nào có được, nếu không dựa vào truyền thống vĩ đại đã có trong quá khứ, truyền thống của thánh ca gregoriano và của việc hát đa âm thánh (sacra polyphonia). Vì lý do này, trong phạm vi âm nhạc, cũng như trong mọi phạm vi khác liên hệ tới nghệ thuật, Cộng đồng Giáo Hội,  luôn thăng tiến và nâng đỡ những ai đi tìm những con đường mới có thể diễn tả mà không hề phủ nhận quá khứ, lịch sử tinh thần con người, cũng là lịch sử cuộc con người đối thoại với Thiên Chúa”[9].

          Về nhạc cụ, Giáo hội cũng đã biểu lộ một sự trân trọng đặc biệt với đàn phong cầm (organo, orgue). Đức Thánh Cha diễn tả điều này như sau: “Phong cầm, từ lâu đời và có lý do của nó, được coi trọng như là vua các nhạc cụ, bởi vì phong cầm lấy lại mọi âm thanh của tạo vật và – như người ta vừa nói trên đây – làm cho các tâm tình của con người đạt tới mức hoàn hảo trọn vẹn, từ niềm vui cho đến nỗi buồn, từ lời ca khen cho tới tiếng nức nở thở than. Ngoài ra. Khi nó vượt lên trên cái chiều kích đơn thuần là của con người, như mọi hình thức âm nhạc giá trị khác, phong cầm đem chúng ta đạt tới thế giới của Thiên Chúa. Sự đa dạng của các âm sắc khác nhau của đàn phong cầm, từ âm điệu thật êm dịu cho tới âm điệu lớn mạnh khác thường, điều này làm cho phong cầm trở nên một nhạc cụ vượt lên trên mọi thứ nhạc cụ khác. Phong cầm có thể gợi lại và gióng lên tất cả mọi lãnh vực của sự hiện hữu của con người. Khả năng lớn lao của phong cầm nhắc chúng ta nghĩ tới trong cách thế nào đó sự bao la cao cả của Thiên Chúa”[10]

          Hình ảnh của việc biểu diễn một bản hòa tấu giúp đi sâu vào tình liên đới và hợp tác giữa các phần tử cộng đoàn, nhát là cộng đoàn Giáo Hội. Một bản hòa tấu cho chúng ta thấy tính hài hòa và hợp nhất với nhau giữa các nhạc sĩ và giữa các phần từ của ca đoàn. Đức Thánh Cha nói: “Quý vị rất đáng kính, rõ ràng là trong vòng hơn 20 năm nay khi hoạt động chung với nhau trong những buổi hòa tấu, như bộ 4 kéo đàn dây (quartetti d’archi), các Bạn đã tạo ra cho mình một danh tiếng có tầm cỡ quốc tế, và hôm nay các Bạn còn xác nhận điều này trong buổi hòa tấu tại đây, với tính cách thật là thanh tao nhã nhặn và trong cách thế tuyệt vời cùng chơi đàn chung với nhau, với lối diễn tả phong phú qua các nét tỏ lộ ra bên ngoài một cách thật tế nhị và việc chung sức làm nên bản hòa âm tuyệt vời. Các nhạc cụ đơn lẻ mà cùng nhau chơi chung với nhau đòi hỏi mỗi nhạc sĩ không phải chỉ lo đem hết tài nghệ kỹ thuật và âm nhạc của mình ra mà thôi, nhưng đồng thời còn đòi hỏi phải làm sao lắng nghe được người khác một cách thật chú ý.  Chỉ khi nào người ta đạt được điều này, nghĩa là khi mỗi người không đặt mình ở trung tâm, nhưng, trong tinh thần phục vụ, người ta biết hòa nhập vào với nhau, và, có thể nói được là, khi người ta tự đặt mình nên như một “nhạc cụ”, để cho ý tưởng của vị sáng tác bản nhạc có thể trở nên âm thanh và như thế có thể đi tới con tim của thính giả, thì chỉ lúc này người ta mới có được một tác động diễn tả thật là vĩ đại – như buổi trình tấu mà chúng ta vừa được nghe. Và đây là một hình ảnh thật đẹp cho chúng ta, trong phạm vi đời sống Giáo Hội, cũng phải biết nên như những “nhạc cụ” để truyền thông cho người khác tư tưởng của Đấng “Sáng Tác” vũ đại, mà công việc của Ngài là sự hài hòa trong vũ trụ”[11] .

          Trên đây chúng ta đã thấy cảm tưởng của Đức Thánh Cha với nhạc sĩ Schubert, ở đây Ngài nói một vài cảm tưởng về nhạc sĩ Giuseppe Vivaldi. Ngài diễn tả như sau: “Tôi rất vui vì Ban nhạc và Ban Ca đoàn “Giuseppe Vivaldi” của Milano trở lại đây mà cách đây một năm chúng ta đã có dịp tán thưởng rất nhiều. Trong khi Tôi cám ơn Hội Giuseppe Vivaldi và những người khác bằng nhiều cách thế khác nhau đã cộng tác để tổ chức buổi hòa nhạc này, Tôi cũng nhắc lại lời khen thưởng của Tôi với mọi Nhạc Công và Ca Đoàn, đặc biệt người điều khiển, Cô Zhang Xian, và Ca trưởng, Bà Erina Gambarini, và 3 người hát đơn ca khác. Tài năng và sự thịnh tình của mỗi người đã đóng góp vào buổi trình diễn này,  đã trao ban cho các bản nhạc đề nghị một sức sống mới, các nhạc phẩm của 3 nhạc sĩ vào bậc thượng thặng: Vivaldi, Hayden và Mozart. Tôi thấy việc chọn lựa 3 nhạc phẩm rất thích hợp cho Mùa phụng vụ chúng ta đang trải qua: đó là Mùa Phục Sinh. Bản nhạc Sinfonia số 95 của Hayden – mà chúng ta nghe đầu tiên, được coi như là một hành trình mà chúng ta có thể nói là “hành trình vượt qua”. Bản nhạc bắt đầu với cung thứ (minore) của Thiên Chúa và qua một quãng đường luôn hoàn hảo và quân bình, nhưng không thiếu những bi ai, bản nhạc đạt tới khúc kết trong cung Do trưởng (maggiore). Điều này làm chúng ta nghĩ tới hành trình của linh hồn – được biểu trưng một cách đặc biệt do tiếng đàn violoncello – đi tới sự bình an và thanh thản. Ngay sau đó, Sinfonia 35 của Mozart đạt tới, và hầu như làm khuếch đại cũng như kết thúc cho câu xác quyết của cuộc sống trên cái chết, của niềm vui trên những phiền muôn. Trong cuộc sống này, quả thật chúng ta thấy vượt trổi hẳn lên một cách chắc chắn cảm nghiệm của tính cách lễ hội. Tiến trình rất là linh động, vào lúc cuối thì bản hạc như cuốn lấy tất cả, đảo lộn tất cả – và ở đây các nhạc công tài giỏi của chúng ta đã làm cho chúng ta cảm thấy như có sức mạnh nào đó giúp làm công việc làm hài hòa với ơn thánh. Và điều này đã xẩy đến vào mức độ tuyệt cao – nếu Tôi được phép nói như thế – trong tình yêu của Thiên Chúa, trong đó quyền năng và ơn thánh hoà lẫn với nhau.

Rồi tiếp theo là các giọng ca – Ca Đoàn -   hầu như để trao ban tiếng nói cho điều mà âm nhạc đã muốn diễn tả. Và không phải là vô tình, lời đầu tiên là lời “Magnificat”. Lời này thốt ra từ cõi lòng của Đức Maria – là Người được Thiên Chúa ưu ái hơn mọi người vì sự khiêm nhường của Mẹ – lời này đã trở nên bài thánh ca hằng ngày của Giáo Hội, chính vào lúc này đây khi hát Kinh chiều, giờ mời chúng ta  suy niệm về ý nghĩa của đời sống và lịch sử. Rõ ràng lời Magnificat đã loan báo trước biến cố Phục sinh, nghĩa là chiến thắng của Đức Kitô: trong Ngài Thiên Chúa đã thực hiện các lời hứa của mình, và lòng nhân từ của Ngài được mặc khải ra trong tất cả uy quyền xem ra mang tính cách đối ngược nhau. Cho tới đây, là  “lời”.

Còn âm nhạc của Vivaldi thì sao?  Trước tiên điều đáng lưu ý đó là sự kiện các giọng đơn ca mà Vivaldi đã sáng tác ra chính xác là để cho một số người hát là các học trò của ông tại Nhà Thương Pietà ở tỉnh Venezia : 5 cô bé mồ côi có khả năng phi thường để hát. Làm sao từ đây chúng ta không nghĩ tới sự khiêm nhường của Thiếu Nữ Maria, từ nơi Mẹ, Thiên Chúa đã làm nên “những việc trọng đại”? Như vậy 5 giọng đơn ca này biểu trưng cho giọng ca của Mẹ Maria Đồng trinh, trong khi đó các phần khác của ca đoàn diễn tả Giáo Hội là Cộng đoàn. Cả hai, Đức Maria va Giáo Hội, hợp nhất với nhau trong một bài thánh ca ngợi khen “Đấng Thánh”, ngợi khen Thiên Chúa, Đấng đã dùng quyền năng yêu thương mà thực hiện trong lịch sử kế đồ công chính của mình. Và sau cùng, Ca đoàn đã ban giọng hát cho tác phẩm kiệt tác là bài Ave Verum corpus của nhạc sĩ Mozart.  Ở đây suy tư nhường bước cho việc chiêm ngắm : cái nhìn của linh hồn hướng về Thánh Thể, để nhận ra đúng Corpus Domini, Thân Xác mà quả thực đã được hiến tế trên thánh giá và từ đó chảy vọt ra nguồn suối ơn cứu độ phổ quát. Nhạc sĩ Mozart sáng tác mottetto này trong thời gian ngắn trước khi qua đời, và trong đó người ta có thể nói rằng âm nhạc quả thực trở nên lời cầu nguyện, trao phó tất cả cho trái tim Thiên Chúa, cùng với một cảm nghiệm bình an thật sâu xa.

Kính thưa Tổng Thống, cử chỉ thật lịch sự và thật đẹp của Ngài đã có sức làm cho chúng tôi không chỉ được vui thích về khía cạnh mỹ  thuật, nhưng đồng thời cũng nuôi dưỡng tâm trí chúng tôi, và vì thế chúng tôi rất biết ơn Ngài. . . .  “[12].

          Tới đây chúng ta nhận ra ý tưởng của Đức Thánh Cha Beneđictô XVI về chính bản chất âm nhạc, nhất là trong tương quan với thiên nhiên. Sau đây chúng ta tìm hiểu xem Ngài nghĩ gĩ về âm nhạc trong cuộc sống xã hội, Giáo Hội và cộng đồng nhân loại.


2. ÂM NHẠC LIÊN KẾT CON NGƯỜI VỚI NHAU

          Nhiều lần Đức Thánh Cha Beneđicto XVI đã nói tới khía cạnh âm nhạc liên kết con người với nau: âm nhạc như là một dây liên kết giữa con người với con người.

Trước tiên Giáo Hội cũng như một dàn nhạc gồm có những ca viên và nhạc cụ khác nhau, hòa chung lại, mỗi thứ theo âm điệu của mình, để làm thành một buổi hòa tấu tuyệt vời làm cho người nghe hài lòng và có được sự thú vị bên trong. Điều này cũng lấy lại hình ảnh trong thư Thánh Phaolô gửi tín hữu tại Corintô (xem chương 12). Đức Thánh Cha Beneđicto XVI phát biểu sau một buổi hòa nhạc tại Đền Thờ Thánh Phaolô Ngoại Thành, Rôma, như sau: “Khi nghe bản hòa tấu thời danh tại Đền Thờ dâng kính Thánh Phaolô, tự nhiên người ta nghĩ tới một đoạn trong thư thứ nhất gửi cho tín hữu tại Corintô, trong đó Thánh Tông Đồ, sau khi đã nói về sự khác biệt và sự hiệp nhất các đặc sủng, đã so sánh Giáo Hội với thân thể con người, cấu thành do các phần tử rất khác nhau, nhưng tất cả lại cần thiết cho việc hoạt động tốt đẹp của cả thân thể (xem 1Cr 12). Dàn nhạc và ca đoàn cũng vậy, được cấu tạo thành do các nhạc cụ và các giọng ca khác nhau, nhưng khi hòa hợp lại giữa chúng với nhau, thì cúng hiến một điệu nhạc hòa hợp,  rất êm dịu cho tai nghe và cho tâm trí thính giả. Anh Chị Em thân mến, chúng ta tiếp nhận giáo huấn này, mà hôm nay được xác nhận trong buổi hòa nhạc tuyệt vời chúng taa vừa được thưởng lãm”[13].

          Rồi trong dịp Dàn Nhạc và Ca đoàn hợp xướng Thượng Hải, Trung Quốc, trình diễn buổi hòa tấu, dâng kính Đức Thánh Cha Beneđictô XVI, cơ hội này đã trở nên một lý do để Đức Thánh Cha nói về âm nhạc như là con đường mở ra đi tới các dân tộc, các nhóm người thuộc văn hóa, truyền thống khác nhau. Ngài nói: “Một lời nói sau cùng, Tôi muốn nói ra nhân dịp đặc biệt này khi chúng ta tụ họp nhau nơi đây. Phòng Họp này lớn lao, nơi Đức Giáo Hoàng tiếp các khách của mình và gặp gỡ những người đến gặp Ngài. Phòng này như một cửa sổ mở ra cho toàn thế giới, là nơi mà chúng ta gặp gỡ những người đến từ các nơi khác nhau trên thế giới, mỗi người mang theo lịch sử riêng của mình và văn hóa riêng của mình, mỗi người được tiếp đón với sự trân trọng và tình yêu mến. Chiều nay, khi đón tiếp các bạn, các Nghệ sĩ Trung Hoa thân mến, Đức Giáo Hoàng muốn đón tiếp trong tâm trí của mình toàn thể Dân Tộc của các Bạn, với một ý tưởng đặc biệt Tôi nghĩ tới các anh chị em đồng bào của các Bạn, đã cùng chia sẻ đức tin vào Chúa Kitô và hiệp thông qua một mối dây ràng buộc thiêng liêng với Người Kế Vị Thánh Phêrô. Bản nhạc “Requiem” phát sinh ra từ đức tin này, như lời cầu nguyện lên Thiên Chúa, Vị Thẩm Phán chí công và nhân từ, và chính điều này đánh động con tim của mọi người, giới thiệu cho mọi người như một diễn tả của một nền nhân bản phổ quát. Sau cùng, một lần nữa Tôi cám ơn các Bạn vì món quà đem lại thật nhiều thích thú này, và Tôi gửi qua các Bạn lời chào của Tôi, tới mọi người dân Trung Hoa, nơi đó sắp diễn ra Thế Vận Hội thế giới, để họ chuẩn bị sống biến cố có tầm mức giá trị thật lớn lao cho tất cả nhân loại”[14] .

          Từ suy tư về các phím đàn thật nhiều và khác nhau của đàn phong cầm, Đức Thánh Cha giúp chúng ta nhìn vào đời sống bác ái cộng đoàn của mình. Ngài nói: “Thánh vịnh 150, mà chúng ta vừa nghe và theo dõi trong cõi lòng của mình, nói tới tiếng trống và tiếng sáo thổi, đàn cầm và đàn tranh, não bạt và tù và, tiếng đàn cầm, đàn sắt . . . . : tất cả những nhạc cụ này được xử dụng để  đóng góp phần mình vào trong lời ca ngợi Thiên Chúa Ba Ngôi. Trong một chiếc phong cầm, có nhiều ống và dây phải liên kết lại làm nên một. Nếu chỗ này chỗ kia bị trục trặc, nếu một ống có cung giọng chói tai, điều này trước tiên chỉ nhận ra được do lỗ tai tinh vi tài nghệ. Nhưng nếu nhiều ống không còn kêu lên nữa, thì lúc đó người ta chỉ thấy tiếng chói tai và bắt đầu thấy là không còn chịu nổi được nữa. Ngay cả khi các ống của chiếc phong cầm này cũng bị rơi vào tình trạng là khí hậu đổi thay và chịu ảnh hưởng các yếu tố này cách tai hại khác. Đây là một hình ảnh của cộng đoàn Giáo Hội. Như trong chiếc phong cầm, thì một bàn tay con người điệu nghệ phải luôn tạo ra những nốt nhạc khác thường chung với các hòa âm dễ nghe, như thế trong Giáo Hội chúng ta cũng phải nhận ra rằng qua các khác biệt về ân điển và đoàn sủng, thì qua sự hiệp thông trong đức tin chúng ta luôn nhận ra một hòa âm mới trong lời ngợi khen Thiên Chúa và trong tình yêu tha nhân. Khi nào chúng ta càng để cho mình biến đổi thật trong Chúa Kitô qua Phụng vụ, thì lúc đó chúng ta càng có khả năng biến đổi thế giới, qua việc chiếu tỏa ra chung quanh lòng tốt, lòng thương xót và tình yêu cho mọi người thuộc về Chúa Kitô. Các nhà sáng tác nhạc vĩ đại đã muốn rõ ràng dùng âm nhạc, mỗi người theo cách thế của mình mà tôn vinh Thiên Chúa. Johann Sebastian Bach, trên tựa đề của rất nhiều tác phẩm của ông, đã viết tắt những chữ sau đây: S.D.G (Soli Deo Gloria) = “chỉ để tôn vinh Thiên Chúa mà thôi”. Ngay cả nhạc sĩ Anton Bruckner cũng viết ở đầu bản nhạc những chữ sau đây “Dedicato al buon Dio” = “kính dâng lên Thiên Chúa nhân lành”[15].

          Tính xã hội và giáo hội của âm nhạc thật rõ ràng và dễ nhận ra. Những ai trong ca đoàn đều hiểu được cách dễ dàng xác quyết này. Điều quan hệ là khi chúng ta cùng nhau ca hát chúc tụng Thiên Chúa, thì cũng cần có đức ái sâu trong sinh hoạt thường ngày của mình. Thánh ca đem chúng ta gần lại nhau. Chúng ta không chỉ hát bài ca “Ta thực hiện bác ái từ bi”[16],  của nhạc sĩ Nguyễn Duy Vi, nhưng phải thực sự sống châm ngôn đơn sơ và rất đòi hỏi này.
  1. ÂM NHẠC ĐEM CON NGƯỜI HIỆP VỚI CA ĐOÀN THIÊN QUỐC CA TỤNG THIÊN CHÚA
Tâm tình và mục tiêu trước tiên mà con người diễn tả ra qua thánh nhạc và thánh ca là đem con người lên tới Thiên Chúa. Đây là ý tưởng được diễn tả trong bài Huấn từ của Đức Thánh Cha Beneđicto XVI với Hội Fondazione Domenico Bartolucci:  “Vào lúc kết thúc buổi hòa nhạc này, thật đã gợi ra bao nhiêu ý nghĩ cao đẹp, do chính nơi tổ chức  – tại Cappella Sistina, Vaticano – mà chúng ta đang ngồi ở tại đây, buổi hòa nhạc còn mang tính cách gợi ý, vì tính cách đậm đặc về khía cạnh thiêng liêng của các bản nhạc được trình diễn, từ đây tâm hồn tự nhận ra nhu cầu phải ca ngợi, phải chúc  tụng, phải tạ ơn. Tâm tình này hướng tới trước tiên là Thiên Chúa, là tất cả sự thiện và sự hòa hợp, vì Ngài đã ban cho con người khả năng diễn tả chính mình ra qua ngôn ngữ của âm nhạc và những bài ca hát. “Con nâng hồn lên tới Chúa”như bài Ca tiến lễ do Nhạc sự Giovanni Pierluigi da Palestrina sáng tác, vừa được trình diễn trên đây, gợi lại lời Thánh vịnh (Tv 24, 1). Quả thật tâm hồn chúng ta được nâng lên cao tới Thiên Chúa, và từ đó Tôi muốn biểu lộ ra lòng biết ơn của Tôi với Nhạc trưởng Domenico Bartolucci và Hội Fondazione mang tên của ngài, đã có nhã ý đưa ra và thực hiện sáng kiến này”[17]. Đó là thừa tác vụ của âm nhạc, thánh nhạc và thánh ca.

Riêng cá nhân Đức Beneđictô XVI, Ngài tạ ơn Thiên Chúa vì tài năng âm nhạc mà Thiên Chúa đã ban cho Ngài. Về tâm tình tạ ơn này, Ngài biểu lộ một cách chân thành như sau: “Nhìn lại cuộc đời của Tôi, Tôi xin tạ ơn Thiên Chúa vì đã đặt Tôi bên cạnh âm nhạc như người bạn đường của Tôi, vì âm nhạc luôn đem lại cho Tôi sức mạnh mới và niềm vui mới. Tôi cũng tạ ơn vì những người mà ngay từ thời thơ ấu của Tôi trong gia đình, đã đem Tôi đến gần suối nguồn gợi hứng và an bình này. Tôi cám ơn những người đã kết hiệp âm nhạc với lời cầu nguyện trong bài ca tụng hài hòa dâng lên Thiên Chúa và vì các kỳ công của Ngài: các người này giúp chúng ta ngợi khen Đấng Sáng Tạo và Cứu Chuộc thế giới, vì chúng là tác phẩm tuyệt diệu do bàn tay Ngài làm ra. Và đây là lời cầu chúc của Tôi: chớ gì sự cao cả vĩ đại cũng như vẻ đẹp của âm nhạc có thể trao ban cho cả anh chị em nữa, thưa các Bạn, một gợi hứng mới và liên tục để xây dựng thế giới của tình thương, của liên đới và của hòa bình. Do đó Tôi cầu xin trên các Bạn, chiều nay tụ tập nơi đây tại Vaticano, và trên tất cả những người nối kết với chúng ta qua các đài phát thanh và truyền hình, sự trợ giúp liên tục của Thiên Chúa, của Thiên Chúa là tình yêu, để Ngài luôn thắp sáng lên trong con tim chúng ta ngọn lửa của sự thiện và luôn nuôi dưỡng ngọn lửa này bằng Ơn Sủa của Ngài. Xin Ngài là Chúa và là Đấng ban sự sống mới và bất biến, mà chúng ta mừng chiến thắng của Ngài trong niềm hân hoan của Mùa Phục Sinh này, chúc lành trên Anh Chị Em tất cả” [18].

Đức Thánh Cha Beneđicto XVI còn cho thấy giá trị của âm nhạc trong cái đời thường phức tạp và đôi khi thật cay nghiệt, của con người. Ngài nói: “Các tác phẩm mà chúng ta vừa nghe giúp chúng ta suy tư về tính cách phức tạp của đời sống hằng ngày và suy tư về những cái bé nhỏ xẩy đến trong đời sống thường ngày. Mỗi ngày là một mớ tơ giăng chằng chịt, gồm có niềm vui nỗi đau đớn, gồm có hy vọng và thất vọng, mong chờ và bất ngờ, cứ thay nhau xẩy đến một cách thật mạnh mẽ và đem ấn dấu vào trong tận cõi thâm sâu của chúng ta, với những câu hỏi nền tảng như chúng ta “từ đâu mà tới”, “chúng ta sẽ đi về dâu”. Và về ý nghĩa của chính sự hiện hữu của chúng ta. Âm nhạc, khi biểu lộ tất cả những cảm nghiệm này nơi tâm hồn chúng ta, thì hiến tặng trong một giờ như giờ phút này, cho người nghe khả thể tìm ra để biết rõ làm sao như trong một tấm gương, qua các biến cố của lịch sử cá nhân và của vũ trụ. Nhưng âm nhạc còn hiến tặng cho chúng ta một điều gì hơn thế nữa: vì qua các âm thanh dấu nhạc, âm nhạc đem chúng ta như tới một thế giới khác và tới sự hài hòa, tới cõi sâu thẳm của chúng ta. Tìm ra được một giây phút bình an, chúng ta có được khả năng nhìn thấy, như từ một cao điểm, các thực tại huyền nhiệm mà con người đang tìm cách khám phá ra và ánh sáng đức tin giúp chúng ta hiểu được cách rõ ràng hơn. Quả thật, chúng ta có thể tưởng tượng lịch sử thế giới như một bản hòa tấu kỳ diệu mà Thiên Chúa đã sáng tác ra và Ngài như một Nhạc Trưởng đại tài của dàn nhạc, đang điều khiển buổi trình diễn bản hòa tấu này. Cả những lúc phần dành cho chúng ta thực hiện thật là phức tạp và khó khăn, thì Ngài đã biết rõ bản nhạc lịch sử từ dấu đầu đến dấu cuối cùng. Chúng ta không được kêu gọi để cầm chiếc đũa của Vị Nhạc Trưởng điều khiển, và còn hơn thế nữa, chúng ta không được kêu gọi để thay đổi các hòa âm, điệu nhạc theo sở thích riêng của chúng ta. Nhưng chúng ta được kêu gọi để, mỗi người tùy theo địa vị của mình và theo khả năng riêng của mình, để cộng tác với Vị Nhạc Trưởng Vĩ Đại trong khi trình diễn nhạc phẩm kiệt tác lớn lao của Ngài. Trong suốt buổi trình diễn chúng ta sẽ được ban ơn cho dần dần hiểu được kế đồ kỳ diệu của bản nhạc của Thiên Chúa. Các Bạn thân mến, như thế chúng ta nhận ra là:  làm thế nào  âm nhạc có thể dẫn chúng ta tới việc cầu nguyện: âm nhạc mời gọi chúng ta và nâng tâm trí chúng ta lên tới Thiên Chúa để rồi tìm ra nơi Ngài các lý do của niềm hy vọng của chúng ta và tìm được sự nâng đỡ cho các khó khăn trong cuộc đời. Trung thành với các giới răn của Ngài và kính cẩn trước kế đồ cứu rỗi của Ngài, chúng ta có thể cùng nhau xây dựng một thế giới trong đó vang lên các cung điệu hòa hợp đầy an ủi của một bản hòa tấu siêu việt của tình yêu. Nhưng còn hơn thế nữa, chính Thánh Thần của Thiên Chúa làm cho chúng ta tất cả nên những nhạc cụ hòa hợp với nhau và cộng tác với nhau, trong tinh thần trách nhiệm về một buổi trình diễn kỳ diệu đã được diễn tả suốt bao thế kỷ kế đồ cứu rỗi phổ quát của Thiên Chúa “ [19].

Âm nhạc qua sự điều hành của các vị Ca trưởng, Các ca viên và Dàn nhạc tinh nhuệ giúp đem con người đến với thế giới linh thiêng. Tư tưởng này Đức Thánh Cha đã diễn tả rõ ràng trong bài huấn từ trong buổu hòa nhạc do Tổng Thống Đức tổ chức mừng Ngài. Sau khi nghe Dàn nhạc Wiener Philharmoniker trình diễn các bản nhạc của nhạc sĩ Anton Bruckner, Đức Thánh Cha Beneđicto XVI nói với các Nghệ sĩ  và nhạc sĩ như sau: “Tôi thật hân hoan và biết ơn chào mừng Dàn Nhạc Wiener Philharmoniker, mà hôm nay dưới sự điều khiển của Nhạc trưởng Christoph Eschenbach, lần thứ 7 trong hành trình trình diễn quốc tế về Âm nhạc và Nghệ thuật thánh, đã rót một niềm vui sâu xa vào tâm hồn thính giả của mình. Các Bạn thân mến, với tài nghệ và khả năng nghệ thuật của mình, các Bạn đã luôn thành công khi đánh động tâm hồn những người nghe các Bạn và làm cho rung cảm tất cả mọi phím  đàn của con người thính giả khi làm cho họ nghe bản nhạc tuyệt vời của nhạc sĩ Bruckner. Cùng với tài năng âm nhạc của mình, các Bạn đã đem sự chú vào những yếu tố của con người đạt tới thế giới thần linh. Do những điều này tôi nói với tất cả các Bạn lời “Vergelt’s Gott!” = Tạ ơn Chúa. Trong bản hòa tấu số 6, người ta thấy biểu lộ đức tin của tác giả, có khả năng thông truyền qua các bản nhạc do ông sáng tác một cái nhìn tôn giáo về cuộc sống và về lịch sử” [20] .

Khi đi thăm Giáo Hoàng Học Viện Thánh Nhạc (Pontificio Istituto di Musica Sacra = IMS)[21] tại Rôma ngày 13-10-2007, Đức Thánh Cha Benedictô XVI nhắc nhở cho tất cả mọi người về vai trò và tầm quan trọng thần học, tu đức và mục vụ của Thánh Nhạc trong Giáo Hội như sau: “Từ truyền thống kinh thánh và giáo phụ thật phong phú người ta có thể nhấn mạnh tới tính cách hữu hiệu của thánh ca và thánh nhạc giúp thúc đẩy tâm hồn và nâng cao tâm hồn lên, đi thấu tới, nếu có thể nói như thế, trong cõi thật thâm sâu của đời sống Thiên Chúa! Ý thức điều này, nên Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã nhận định rằng, nhận định này vẫn còn có giá trị hôm nay và luôn mãi, ba đặc tính phân biệt thánh nhạc trong phụng vụ : đó là “tính cách thánh thiện”, “tính cách nghệ thuật đích thực”, “tính cách phổ quát”, nghĩa là có thể giới thiệu cho bất cứ dân tộc nào hay loại cộng đồng nào (xem Thủ bút Mosso dal vivo desiderio” [= Được thúc đẩy bởi ý muốn mạnh mẽ] , ngày 22-11-2003)[22].

Một tác vụ khác của âm nhạc cũng như thi phú là chuyển tải giáo lý mặc khải cho tín hữu như các Giáo phụ đã làm. Đức Thánh Cha Beneđictô XVI lấy gương của ông Romano il Melode. Nói về tác giả Romano il Melode, Đức Thánh Cha nhận ra nơi ông là một nhà sáng tác các thánh thi phụng vụ, một nhà suy tư thần học, một nhà giảng thuyết bình dân và rất gần dân chúng tại một đền thánh nhỏ ở ngoài thành Constantinople[23]. Đức Thánh Cha ghi nhận như sau: “Romano il Melode, sinh vào khoảng năm 490 tại Emessa (ngày nay gọi là Oms) bên Siria. Ông là một nhà thần học, một thi sĩ và một nhà sáng tác âm nhạc; ông thuộc thế hệ lớn lao của các nhà thần học đã biến thần học thành áng thi văn. Chúng ta nghĩ tới người đồng hương của ông, Thánh Ephrem người Siria, sống 200 năm trước Romano di Melode. Nhưng chúng ta cũng phải nghĩ tới các nhà thần học bên Tây Phương, như Thánh Ambrosio, mà các thánh thi do Ngài sáng tác còn là phần của phụng vụ chúng ta và thấm nhập vào ngay trong con tim chúng ta; hay chúng ta nghĩ tới một nhà thần học khác, một nhà suy tư thần học vĩ đại, như Thánh Tôma tiến sĩ, là người đã để lại cho chúng ta các thánh thi hát trong Lễ Kính Mình và Máu Thánh Chúa Kitô ngày mai[24]; chúng ta cũng nghĩ tới Thánh Gioan Thánh Giá và bao nhiêu vị khác. Đức tin là tình yêu và vì thế tạo ra thi văn và tạo ra âm nhạc. Đức tin là niềm vui, vì thế tạo ra vẻ đẹp”[25].

Nói về nội dung thần học của các tác phẩm do Romano il Melode sáng tác, Đức Thánh Cha chia sẻ tiếp như sau: “Đó là nhân loại đang phập phồng, là sự nóng hổi của đức tin, một sự khiêm nhường sâu thẳm đang chảy tràn ra suốt các thánh thi của Romano il Melode. Thi sĩ đại tài này và nhà sáng tác vĩ đại này nhắc nhở lại cho chúng ta tất cả kho tàng văn hóa Kitô giáo, được phát sinh ra từ đức tin, phát sinh ra từ con tim đã gặp được Chúa Kitô, gặp được Con Thiên Chúa. Từ cuộc tiếp xúc của con tim này với Chân Lý là Tình Yêu, phát sinh ra văn hóa, phát sinh ra nền văn hóa vĩ đại của Kitô Giáo. Và nếu đức tin giữ được sống động thật nguyên vẹn, thì ngay cả gia tài văn hóa này sẽ không là một điều gì chết yểu nằm đó, nhưng là một thực tại sống động và hiện diện. Cả ngày nay nữa, các ảnh tượng vẫn còn nói vào con tim của tín hữu, không phải như những điều nằm trong quá khứ. Các nhà thờ chính tòa không phải là những đền đài của thời trung cổ, mà là những ngôi nhà của sự sống, nơi đó, chúng ta cảm thấy ở trong “nhà của mình”: chúng ta gặp gỡ Thiên Chúa và chúng ta gặp gỡ người khác. Ngay cả âm nhạc – như bình ca gregoriano, hoặc nhạc của Bach hoặc của Mozart – cũng không phải là những điều thuộc về qua khứ, nhưng sống động trong sức sinh động của phụng vụ và của đức tin của chúng ta. Nếu đức tin sống động, văn hóa Kitô Giáo sẽ không trở nên “quá khứ”, nhưng còn mãi là thực tại sống động và hiện diện. Và nếu đức tin sống động, thì cả ngày nay nữa chúng ta cũng có thể trả lời được cho đòi hỏi luôn được lặp lại và nên mới luôn trong các Thánh Vịnh: ’Anh em hãy hát ca mừng Thiên Chúa một bài ca mới’. Sáng tạo, đổi mới, bài ca mới, văn hóa mới và sự hiện diện của tất cả gia sản văn hóa nằm trong đời sống đức tin không loại bỏ nhau, nhưng chúng chỉ là một thực tại mà thôi; chúng là sự hiện diện của vẻ đẹp của Thiên Chúa và của niềm vui vì được làm con cái của Ngài” [26] .

Âm nhạc trần gian đem con người kết hợp với ca đoàn thiên sứ để dâng lời ca ngợi Thiên Chúa. Chúng ta thấy Đức Thánh Cha xác tín điều này qua lời phát biểu sau đây: “Trong đêm Chúa Cứu thế sinh ra các thiên thần đã loan báo cho các mục tử việc sinh ra của Đức Kitô với các lời sau đây: “Vinh danh Thiên Chúa trên các tầng trời, và bình an dướic thế cho người thiện tâm”. Truyền thống luôn xác tín rằng các thiên thần không chỉ nói như con người chúng ta, mà các thiên thần còn hát nữa và có lẽ là một bài ca nói lên vẻ đẹp thiên quốc, mô tả vẻ đẹp của Thiên Đàng. Truyền thống cũng xác tín rằng các ca đoàn với giọng trẻ nam có thể làm cho chúng ta cảm thấy một thể hiện của bài ca của các thiên thần. Đúng thật là qua thánh ca do Ca Đoàn Cappella Sistina trình diễn, trong các buổi phụng vụ đại trào, chúng ta có thể cảm thấy sự hiện diện của phụng vụ thiên quốc, một phần nào đó vẻ đẹp trong đó Chúa muốn truyền thông niềm hân hoan của Ngài cho chúng ta.
         
Thật thế, lời ca tụng Thiên Chúa đòi hỏi thánh ca. Vì thế trong tất cả Cựu Ước – như với Maisen va Đavít – cho tới thời Tân Ước, - trong Sách Khải Huyền – chúng ta còn nghe được những bài thánh ca mới của phụng vụ thiên quốc, nền phụng vụ hiến tặng cho chúng ta giáo huấn về  nền phụng vụ trong Giáo Hội của Thiên Chúa. Vì lý do đó, việc đóng góp của các Bạn rất thiết yếu đối với phụng vụ, đó không chỉ là một hình thức để trang hoàng bên ngoài, nhưng là chính phụng vụ đúng nghĩa đòi hỏi vẻ đẹp này, đòi hỏi những bài thánh ca để ca tụng Thiên Chúa và để đem lại cho những người tham dự niềm hân hoan” [27].
          
Lời thánh ca như lời cầu nguyện cộng đồng trước triều thần thiên quốc. Đức Thánh Cha diễn tả tư tưởng này khi lấy lại tư tưởng của Thánh Beneđictô nhắn nhủ con cái của mình. Đức Thánh Cha nói: “Trong Thánh Beneđictô, cầu nguyện và hát thánh ca của các đan sĩ có giá trị như một luật rõ rệt khi lấy lại lời của Thánh vịnh: Trước mặt các thiên thần, con đàn ca chúc tụng Chúa, lạy Chúa (Tv 138, 1). Ở đây người ta có được ý thức về việc ca hát trong khi cầu nguyện cộng đồng trước toàn thể triều thần thiên quốc và được đặt trước một tiêu chuẩn để thẩm định, đó là cầu nguyện và ca hát làm sao để như đặt mình hiệp nhất với ca nhạc của các thần thánh cao vời, được coi như là tác giả của sự hài hòa trong vũ trụ, của âm nhạc trong không trung. Khởi sự từ đó, người ta có thể hiểu rằng tính cách nghiêm chỉnh của việc suy tư của Thánh Bernarđo thành Chiaravalle, đã dùng một lời của truyền thống triết học Platone được thánh Augustino truyền đạt lại để thẩm định thế nào là một bài ca hát thật dở do các đan sĩ, là điều mà đối với ngài không phải là một điều xảy ra bình thường nhỏ bé, hơn nữa lại có tính cách phụ thuộc. Thánh Augustino thẩm định sự lộn xộn của một bài thánh ca được trình diễn một cách tầm thường, được coi như là một việc rơi xuống “vùng của sự khác biệt” (zona dissimilitudinis) – Thánh Augustino đã lấy lời này từ triết học Platone để cho thấy tính cách đặc biệt của tình trạng nội tâm trước khi thánh nhân trở lại (xem Confessioni VII, 10, 16): con người, được tạo dựng giống hình ảnh Thiên Chúa, tiếp theo sau đó đã rơi xuống “vùng của sự khác biệt”, không còn giống hình ảnh đó nữa, do hậu quả của việc họ từ bỏ Thiên Chúa – đi xa khỏi Thiên Chúa trong đó họ không còn nhìn thấy trong gương hình ảnh của Thiên Chúa và như thế họ trở nên khác lạ điều mà Thiên Chúa không muốn, nhưng do chính con người muốn, từ chính sự hiện hữu như là con người. Thật là hãi hùng nếu Bernardo, để thẩm định các bài thánh ca được hát một cách dở do các đan sĩ, đã dùng lời nói này, khi lời đó chỉ sự sa ngã của của con người đi xa khỏi Thiên Chúa. Nhưng điều này chứng tỏ rằng thánh nhân đã coi việc hát thánh ca một cách thật nghiêm chỉnh. Điều này chứng tỏ là văn hóa của thánh ca cũng là văn hóa của hiện hữu và chứng tỏ là các đan sĩ cùng với việc cầu nguyện và việc hát thánh ca phải tương xứng với sự cao cả của Lời được trao phó cho họ, phải tương xứng với đòi hỏi một vẻ đẹp chân thực. Từ đòi hỏi nội tại của việc nói với Thiên Chúa và ca hát mừng Ngài với những lời được chính Ngài ban cho họ, mà chúng ta thấy phát sinh ra âm nhạc vĩ đại của tây phương. Đó không phải là “sự sáng tạo” riêng tư, trong đó cá nhân dựng nên một tượng đài cho chính mình, dựa vào tiêu chuẩn chính là việc diễn lại chính mình. Nhưng đây đúng hơn là việc nhận ra một cách chú ý với “con mắt của con tim” các luật nội tại của âm nhạc của chính việc tạo dựng, những hình thức chính yếu của âm nhạc mà Tạo Hóa đã đặt vào trong thế giới và nơi con người, và như thế họ tìm ra được nền âm nhạc xứng với Thiên Chúa, và đồng thời cũng thực sự xứng đáng với con ngưòi và làm vang lên trong cách thế trong sáng địa vị của con người”[28].
         
          Qua một số bài phát biểu trong các dịp hòa nhạc mừng Ngài, Đức Thánh Cha Beneđicto XVI đã cho thấy cảm nghĩ của mình về âm nhạc nói chung, về thánh nhạc và thánh ca trong Giáo Hội công giáo. Từ những lời cám ơn và tán thưởng tài nghệ trình diễn âm nhạc của các nhạc đoàn, Đức Thánh Cha đã gợi ra một vài suy tư thần học và tu đức liên hệ tới âm nhạc, tới hoạt động của các ca đoàn, nhất là Ca Đoàn Cappella Sistina, Vaticano. Âm nhạc như một ơn huệ thiên nhiên, một lời ngợi khen Thiên Chúa, một nhịp cầu đem chúng ta tới gần nhau. Chúng ta đón nhận giáo huấn của Đức Thánh Cha và cố gắng đem vào thực hành trong các sinh hoạt mục vụ liên hệ tới thế giới âm thanh. 

Rôma, 27-5-2010.

Linh mục Phanxicô Borgia Trần Văn Khả
chuyển dịch và quảng diễn
 

[1]  Như  các dịp: Buổi hoà nhạc dâng kính Đức Thánh Cha do nhạc đoàn Munchen, Đức, Aula Paolo VI, ngày 20-10-2005; Buổi hoà nhạc dân kính Đức Thánh Cha do Nhạc doàn Regensburg Domspatzen, Capella Sistina, ngày 22-10-2005; Huấn từ cho các Ca Viên của Caoella Musicale Pontificia “Sistina”, Capelle Sistina, ngày 20-12-2005; Buổi hòa nhạc dâng kính Đức Thánh Cha do Hiệp Hội Fondazione Domenico Bartolucci, ngày 24-6-2006; Huấn từ dịp làm phép Phong cầm mới tại Alte Kapelle di Regensburg, ngày 13-9-2006;  Buổi hòa nhạc do Tông Thống Liên bang Đức kính tặng Đức Thánh Cha, Sala Clementina, Vaticana, ngày 18-11-2006; Huấn từ cho Học Viện Giáo Hoàng về Thánh Nhạc, tại Rôma, ngày 13-10-2007;  Buối hòa nhạc dâng kính Đức Thánh Cha do Dàn Nhạc và ca đoàn của Đài Phát Thanh Baviera, Aula Paolo VI, ngày 27-10-2007; Buổi hòa nhạc mừng sinh nhật thứ 80 của Đức Thánh Cha, ngày 16-4-2007; Buổi hoà nhạc mừng sinh nhật thứ 80 của Đức Thánh Cha, Aula Paolo VI, ngày 16-4-2007; Bài huấn từ, dịp Nhạc đoàn Trung Hoa và Ca Đoàn Thượng Hải, trình diễn kính Đức Thánh Cha, Aula Paolo VI, ngày 7-5-2008; Bài huấn từ trong dịp gặp gỡ các tín hữu ngày thứ tư hằng tuần, này 21-5-2008; Cuộc gặp gỡ giới Văn Hoá tại Collègee des Bernardins, Paris, ngày 12-9-2008;  Buổi Hòa nhạc do Tổng Thống Ý Giorgio Napolitano, dâng kính Đức Thánh Cha, dịp kỷ niệm năm thứ IV, lên Ngôi Giáo Hoàng, Aula Paolo VI, ngày 30-4-2009; Buổi hòa nhạc dân kính Đức Thánh Cha do Bayerisches Kammerorchester Bad Bruchenau, tại sân trong Biệt thư nghỉ hè Castelgandolfo, ngày 2-8-2009;
[2]               Benedetto XVI – Joseph Ratzinger, La Musica, un arte familiare al Logos, Libreria Editrice Vaticana – San Paolo, 2009, p. 46.
[3]   Cappella Sistina (Capella Musicale Pontificia), thời xưa cũng gọi là Schola Cantorum Romna, được thiết lập để lo các lễ nghi do Đức Thánh Cha cử hành. Đước Đức Giáo Hoàng Gregorio Cả tổ chức lại, nhất là thời Đức Giáo Hoàng Bonifatio VIII, và đạt tới vẻ huy hoàng tột mức vào thời kỳ này. Sau đó Cappella này bị khủng hoảng và không còn sinh hoạt bình thường, nhất là khi Đức Giáo Hoàng chạy sang Avignon (Pháp). Đức Giáo Hoàng Pio VII đã dành quyền bổ nhiệm các Vị Ca trưởng, trong số này, chúng ta thấy co những vị thời danh, như Lorenzo Perosi. Vào thời Chân phước Giáo Hoàng Gioan XXIII, Cappella Sistina cũng đã được xếp đặt lại như chúng ta thấy ngày nay. Ca đoàn này lo thánh ca trong các lễ nghi phụng vụ do Đức Giáo Hoàng và các Hồng cử hành.
[4] Bài huấn từ cho các Ca Viên trong Ca Đoàn của Phũ Giáo Hoàng “Cappella Sistina”, tại Cappella Sistina, ngày 26-11-2005, trong Sđd., p. 42.-43-
[5]   Bài huấn từ sau buổi hòa nhạc dâng kính Đức Thánh Cha Beneđicto XVI do Dàn Nhạc Monoaco di Baviera, tại Aula Paolo VI, ngày 20-10-2005, trong Sđd., p. 58.
[6]   Bài huấn từ dịp Nhạc đoàn và Ca đoàn Radio Baviera, thực hiến dâng kính Đức Thánh Cha Benedictô XVI, tại phòng Aula Paolo VI, Vaticano, ngày 27-10-2007, trong Sđd., p. 62.
[7]     Bài huấn từ dâng kính Đức Thánh Cha Benedicto XVI, Sala degli Svizzeri del Palazzo Apostolico di Castelgandolfo, ngày 24-8-2008, trong Sđd., p. 69-70.
[8]   Benedetto XVI – Joseph Ratzinger, La Musica, un arte familiare al Logos, Librereia Editrice Vaticana – San Paolo, 2009, p. 24.
[9]     Bài huấn từ của Đức Thánh Cha Benedicto XVI sau buổi hòa nhạc do Hội Fondazione Domenico Bartoluccci, tổ chức dâng kính Ngài, tại Capella Sistina, ngày 24-6-2006, trong Sđd. p. 16.
[10]   Bài huấn từ dịp làm phép đàn phong cầm mới tại Alte Kapelle di Regensburg, ngày 13-9.2006, trong Sđd., p. 33.
[11]   Bài huấn từ dịp Hòa nhạc dâng kính Đức Thánh Cha Beneđicto XVI do Tổng Thống Cộng Hòa Đức Quốc kính tặng, tại phòng Clementina, Vaticano, ngày 18-11-2006, trong Sđd., p. 38.
[12]   Bài huấn từ nhân buổi hoà nhạc do Tông Thồng Nước Cộng Hòa Ý, Ông Giorgio Napolitano kính tặng Đức Thánh Cha Beneđicto XVI, nhân dịp kỷ niêm lần thứ IV lên ngôi Giáo Hoàng, Aula Paolo VI, ngày 30-4-2009, trong  Sđd., p. 65-66.
[13] Bài huấn từ trong buổi hòa nhạc do Hội Fondazione Pro Musica e Arte Sacra kính tặc Đức Thánh Cha Beneđicto XVI, dịp Họp Thượng Hội Đồng Giám Mục Thế Giới, Đền thờ Thánh Phaolô Ngoại Thánh, ngày 13-10-2005, Sđd, p. 71.
[14]   Bài huấn từ trong buổi hoà nhạc của Dàn nhạc Opera di Shanghai, trình diễn, tại Aula Paolo VI, ngày 7-5-2008, Sđd., p. 28.
[15]   Baì huấn từ dịp làm phép chiếc Phong câm mới tại Alte Kapeịịe  di Regensburg, ngày 13-9.2006, trong Sđd., p. 34-35.
[16]   Nhạc sĩ đã làm bài “Ta thực hiện BÁC ÁI TỪ BI” vào năm 1963, khi có cuộcxung khắc giữa Công Giáo và Phật Giáo tại Sàigon. Giữa cảnh đối nghịch này Nhạc sĩ thấy không thể để cho sự cố xẩy ra cách vô tư, nên đã dùng dòng nhạc và lời ca đễ giúp mọi người sống yêu thương hòa hợp với nhau. Trong Bài hát có hai từ “Bác ái” là của giáo lý công giáo, còn từ “Từ Bi” là của giáo lý Phật Giáo. Như vậy tất cả đều phải thức hiện bác ái và từ bi.
[17]   Bài huấn từ trong buổi hòa nhạc do Hội Fondazione Domenico Bartoluccci, kính dâng Đức Thánh Cha Beneđicto XVI, tại Cappella Sistina, Vaticano, ngày 24-6-2006: trong Sđd., p. 15.
[18]   Bài huấn từ trong buổi hòa nhạc mừng sinh nhất bá tuần của Đức Thánh Cha Beneđicto XVI, Aula Paolo VI, ngày 16-4-2007, trong Sđd., p. 24.
[19] Bài huấn từ dịp Hòa nhạc dâng kính Đức Thánh Cha Beneđicto XVI do Tổng Thống Cộng Hòa Đức Quốc kính tặng, tại phòng Clementina, Vaticano, ngày 18-11-2006, trong Sđd., p. 38
[20]  Sđd, p. 71.
[21]   Nói về Giáo Hoàng Học Viện Thánh Nhạc, chúng ta có một vài yếu tố chính do Đức Thánh Cha Beneđicto XVI ghi lại vắn tắt như sau: “Giáo Hoàng Học Viện Thánh Nhạc đang thực hiện những bước thật lớn lao để mừng 100 năm thành lập, do ý định của Thánh Giáo Hoàng Piô X, thời đó muốn thành lập Một Trường Cao Đẳng về Thánh Nhạc” (Scuola Superiore di Musica Sacra) vào năm 1911, với Đoản Sắc “Expleverunt desiderii”; Trường này sau những lần can thiệp của Đức Giáo Hoàng Beneđicto XV và Đức Giáo Hoàng Piô XI, sau đó với Tông Hiến “Deus scientiarum Dominum” của chính Đức Giáo Hoàng Piô XI, đã trở thành Giáo Hoàng Học Viện về Thánh Nhạc (Pontificio Istituto di Musica Sacra), mà ngày nay vẫn còn tiếp tục dấn thân thực hiện các mục tiêu tiên khởi là phục vụ Giáo Hội hoàn vũ. Đông các sinh viên từ các nơi trên thế giới đến đây để học hỏi và được huấn luyện về môn thánh nhạc. Sau đó chính học trở thành các nhà giáo và huấn luyện thánh nhạc trong các Giáo Hội địa phương. Có thể nói là có biết bao nhiêu thành phần như thế trong suốt một thế kỷ qua! Lúc này Tôi vui mừng ngỏ lời chào vị đại diện, trong hành trình thật dài,  các vị khác nhắc nhở lịch sử của Học Viện và gới tới biết bao nhiêu người đã hoạt động tại đây: Nhạc trưởng Đức Ông Domenico Bartolucci” : Bài huấn từ dịp thăm viếng Giáo Hoàng Học Viện Thánh Nhạc, Rôma, ngày 13-10-1007, trong Sđd., p. 11).
[22] Bài huấn từ dịp thăm viếng Giáo Hoàng Học Viện Thánh Nhạc, tại Rôma, ngày 13-10-2007,  Sđd, p. 12.
[23] Xem bài huấn từ của Đức Thánh Cha Beneđicto XVI, trong buổi triều yết chung hằng tuần vào thứ tư, ngày 21-5-2008, trong Sđd., p. 17 và 18.
[24] Năm 2008, ngày thứ năm, 22-5-2008, là Lễ Kính Mình và Máu Thánh Chúa Kitô. Bài huấn từ này đọc vào thứ tư, 21-5-2008.
[25] Bài huấn từ trong buổi triều yết ngày thứ tư, ngày 21-5-2008, trong Sđd., p. 17.
[26] Bài huấn từ trong buổi triều yết chung, ngày thư tư, 21-5-2008, trong Sđd. p. 17-18.
[27] Bài huấn từ cho các Ca Viên trong Ca Đoàn của Phũ Giáo Hoàng “Cappella Sistina”, tại Cappella Sistina, ngày 26-11-2005, trong Sđd., p. 42.
[28] Bài huấn từ của Đức Thánh Cha Beneđicto XVI trong dịp gặp gỡ thế giới văn hóa tại Collége des Bernardins, Paris, ngày 12-9.-2009, trong Sđd., p. 54-55.

Tác giả bài viết: Linh mục Phanxicô Borgia Trần Văn Khả

 Tags: Thánh nhạc

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

lich cong giao 2022 - 2023
tapsanmucdong
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập140
  • Máy chủ tìm kiếm112
  • Khách viếng thăm28
  • Hôm nay16,914
  • Tháng hiện tại631,671
  • Tổng lượt truy cập28,947,040

Chúng tôi trên mạng xã hội

CÁC GIÁO HẠT
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây