Các tôi tớ Chúa tử đạo: Thầy Giacôbê Tuyền, chú Giuse Nghiêm, ông Gioakim Quả, và bà Mađalêna Lưu

Thứ năm - 18/10/2018 03:10
x




Các vị nầy đã bị bắt cùng với Đức Cha Thể, tại nhà bà Lưu, sau đó bị giải về tỉnh để điều tra và chịu xử trảm tại Gò Chàm.

Thầy Giacôbê Tuyền, quê ở Quảng Nam, địa sở Trà Kiệu, cha mẹ là người đạo dòng. Khi thầy được 13 tuổi, cha Triết còn làm thầy phó tế. Thấy thầy Giacôbê Tuyền lanh lợi, đứng đắn, đức hạnh hiền hậu, hòa nhã, vui vẻ, cha đem theo vào giúp Đức cha. Một ít lâu Đức cha gửi thầy qua Pinăng học bảy năm. Sau đó, Đức cha gọi về, phong cho bốn chức, và theo giúp Đức cha, lo việc nhà thờ, cho đến khi bị bắt cùng với Đức cha.

Chú Nghiêm là người Phú Yên, họ Lò Giấy, cha mẹ cho chú theo giúp cha Hiền. Khi cha Hiền qua đời, thì theo giúp cha Thủ. Cha Thủ thấy chú có tính tốt, nết na nhu mì, thì giới thiệu cho Đức cha. Đức cha muốn cho chú đi học; nhưng vì bị tật con mắt bên trái thấy không rõ nên giữ lại để giúp ngài.

Ông Quả người Bình Định, ở Xóm Quán, cha mẹ đạo dòng. Lớn lên, ông lập gia đình, sinh được hai trai hai gái, chẳng may vợ ông qua đời. Ông xin Đức cha vào ở nhà chung, giữ mình thủ tiết, lo giúp việc Chúa, đem theo bốn người con. Hai người con trai vào Chủng viện và cũng được gởi đi học ở Pinăng. Người con cả tên Quả làm linh mục còn người con út về lập gia đình. Cả hai đã qua đời. Hai người con gái cũng đi tu và đều làm bà nhất, một người đã chết tên là Quyết, còn bà Có hãy còn sống, nay đã già nên về giữ tổ nghiệp.

Ông Quả từ khi nhận việc, luôn ân cần săn sóc, không hở tay, tiền bạc sổ sách, thu vào phát ra luôn ngay thẳng, chẳng hề sai chạy. Luôn đi nơi nọ sang nơi kia để lo quản lý đất đai địa phận, công việc rất mệt nhọc, nhưng ông vẫn vui vẻ giúp Đức cha cho đến khi bị bắt với ngài.

Bà Lưu sinh tại Xóm Quán, cha là cả Tuần, đạo đức sốt sắng, mẹ tên là Tánh cũng ngoan đạo như chồng. Bà Lưu khi được 17 tuổi, cha mẹ gả về làm dâu ông lái Sĩ ở Gò Bồi. Rủi thay, người chồng khô đạo nên bà phải lâm phiền muộn. Nghĩa chồng thì giữ nhưng ghét tật hư thói xấu của chồng, tuy nhiên bà vẫn một lòng kính sợ Chúa, ân cần coi sóc, dạy dỗ con cái. Bà làm nghề buôn bán, tính ngay thật chẳng hơn thiệt với ai, sẵn lòng cho kẻ vay người mượn, giúp đỡ người gặp khó khăn. Bốn năm trước, chồng bà qua đời. Bà ở vậy nuôi con cho đến khi bị bắt vì chứa chấp Đức cha trong nhà.

Khi ấy, Gò Thị bị động nên Đức cha mới sai ông Quả tìm đường chạy lên phía tây nguyên. Nhưng các ngõ đều bị chặn đi không được nên phải ghé vào Gò Bồi, trú tại nhà bà Lưu, có thầy Tuyền chú Nghiêm đi theo.

Đức cha ở được vài hôm thì hỏi bà Lưu rằng: con chứa cha trong nhà như vậy có sợ không? Bà thưa rằng: con sợ lắm nhưng chẳng nhẽ không cho cha ở? Lúc ấy Đức cha bảo: cha có năm nén bạc, khi nào quan bắt cha, con hãy lấy lo lót cho quan, rồi liệu đem cha ra khỏi nhà để khỏi hại đến nhà con.

Khi ở tại nhà bà Lưu được 13 ngày, ông Quả ra thăm thì vừa lúc quan quân vây nhà. Lý do là vì chú Sai và chú Võ bị bắt khi đang coi khai phá ruộng ở Đồng Sim. Quan tra hỏi làm ruộng cho ai? Hai chú khai ra cha Thọ đang ở nhà ông nhà lái Sĩ.

Quan nghe được liền truyền quân lính bao vây nhà lái Sĩ để tìm cha Thọ. Lục soát ở đó và nhà bà Quờn là dâu ông lái Sĩ, họ không tìm thấy gì nên kéo lên nhà bà Lưu. Bà nầy biết được mới báo Đức cha, thầy Tuyền, chú Nghiêm trốn xuống hầm. Bà ra chặn ngay cửa, kéo dài thời gian mở cửa để chị Phò cất giấu đồ đạc của Đức cha đi. Nhưng tính không xong, bà mở cửa ra thì lính ùa vào bắt gặp đồ Đức cha, họ kiểm kê những đồ đạc ấy và của cải bà Lưu.
Khi ông Quả thấy sự việc xảy ra thì nghĩ rằng Chúa định liệu cho ông vừa tới nơi. Ông lo lót lính để trốn đi. Ông nói chị Phò lót bốn quan tiền nhưng không xong vì quan bắt gặp liền đánh tên lính ấy. Nó nhốt ông lại trong nhà, không cho ra. Ông Quả tìm ngõ trốn, trèo lên mái nhà, nó lại bắt được, kéo xuống, gông lại, dẫn ra để một chỗ với những người đã bị bắt.

Quan ở đó cả ngày, chiều tối hỏi bà Lưu rằng những đồ đạc ấy có phải của ông Quả không. Bà thưa rằng không phải vì ông ấy là giáo dân chứ không phải linh mục. Quan lại nói rằng bà là phụ nữ sao chứa chấp đàn ông trong nhà thì bà thưa ông ấy là chú mình. Quan liền mắng bà lươn lẹo, truyền trói lại đánh 19 roi, bắt bước qua thánh giá nhưng bà không chịu. May trời vừa mưa, quan dạy nhổ nọc và hỏi còn giấu ai trong nhà nữa không, bà thưa rằng không còn ai.

 Sáng ngày quan còn ở lại, lo tịch biên nhà bà Lưu. Tối đến bà lo với làng xã, kiếm cách cho Đức cha đi khỏi nơi ấy. Bà đi mua rượu, a phiến cho quan và thức ăn cho quân lính thì gặp mấy ông trong làng. Họ không cho đi và nói rằng bà báo hại cho làng xã mà giờ tìm cách trốn tránh sao được nên họ bắt bà trở về nhà.

Khi ấy Đức cha và mấy người ở dưới hầm đã hai ngày đêm, không cơm không nước; vừa đã đói lại khát, tù túng nóng cực; lợi dụng đêm tối thầy Tuyền bò ra vì chịu không nổi nữa. Không may gây tiếng động nên lính canh gác nghe được. Họ soi đuốc thấy nên liền bắt trói lại. Một lúc sau thì chú Nghiêm bò ra và cũng bị bắt. Rồi Đức cha cũng ra sau đó, quân canh thấy ngài thì la hoảng lên, lính chạy đến bắt trói Đức cha tại chân giường. Quan phi báo về lập tức, ngay chiều hôm ấy thì tỉnh phái viên quan và đoàn quân tám người xuống tiếp giải về tỉnh. Khi tới nơi thì trời đã tối, không kịp giải về tỉnh nên họ làm một cái chuồng nhốt mọi người vào trong, bọn lính bao quanh ngồi trêu chọc chơi. Ông Quả thấy vậy nên cho đàn bà vào giữa và đàn ông ngồi xung quanh để che cho khuất. Nhưng rủi thay đêm ấy có mưa lớn, mọi người đều bị ướt mà cổ lại mang gông nên là rất là cực khổ. Đến sáng lính thả ra và cột dính gông lại với nhau.

Đức cha thì bị bỏ vào củi khiêng đi trước, 14 người cả ông lẫn bà theo sau. Tình cảnh thật đáng thương: trời mưa ướt đường trơn trợt, mấy người bị trói gông cột lại với nhau nên một người trợt ngã thì kéo theo những người khác. Quan thấy thế cũng tỏ lòng thương hại, sai bỏ dây cột ra, mỗi người có hai tên lính cầm giáo mác áp đi hai bên.

Đến chợ Nước Mặn thì lính dừng lại tại chợ để cho thiên hạ cười nhạo chơi. Tuy nhiên, người ta vẫn điềm nhiên, chỉ có mình lũ lính nói tục tĩu nhục mạ mà thôi. Chúng lại dẫn đến chợ Bình Ngãi và làm như thế rồi giải ngay về tỉnh.  Khi vào bẩm thì quan dạy đem vô để bên hè. (Lúc nầy không có bà Lưu vì còn bị cầm lại để lấy khẩu cung, niêm phong tài sản. Nhưng bà lén giấu được thoi vàng, sau giao cho bà Sĩ để mua ruộng cho con mình).

Quan hỏi ông Quả tính danh quê quán thì ông khai tên là Khoa ở họ Xóm Quán, đoạn dạy nọc đánh ba mươi roi. Quan hỏi thầy Tuyền tên gì, quê ở đâu và theo tây khi nào. Thầy thưa rằng gặp nhau dưới sông và đi theo. Quan nghe vậy bực mình la mắng rằng gặp người lạ giữa sông mà dám đi theo và cho rằng nói ngoa nên bảo lính căng ra đánh ba mươi roi.

Quan lại hỏi chú Nghiêm, thì chú khai rằng mình là người Phú Yên. Trong ấy tình hình không yên ổn, may gặp Đức cha tại sông nên xin theo để nhờ tấm thân. Quan cũng truyền đánh ba mươi roi thì mặt trời vừa lặn nên bảo giam tất cả lại.

Sáng hôm sau lại dẫn cả ba ra trước tòa, ba quan hiệp nghị tra khảo ông Quả trước. Ông khai thật rằng mình vốn là giáo dân, vợ mất nên xin vào giúp việc nhà chung, trông coi ruộng đất. Quan lại càng đánh thêm nữa bảo khai cho hết nhưng ông cũng nói bấy nhiêu mà thôi. Sau đó thầy Tuyền, chú Nghiêm cũng bị đánh đòn đến thịt nát xương tan rồi giải về trại tống giam, cổ mang gông chân bị cùm, cựa quậy khó khăn đứng ngồi không yên.

Bảy ngày sau, bà Lưu bị giải lên cùng bốn đứa con. Mẹ và hai con gái lớn bị đóng gông. Quan đánh bà hai lần theo luật: một lần bảy roi, và một lần ba roi, hỏi ai nuôi Đức Cha. Bà thưa rằng các thầy, các chú. Quan lại hỏi ai đào hầm giấu. Bà khai hai người em chồng mà quan đã bắt giam.

Tình cảnh bà Lưu thật tội nghiệp! Bị đánh đòn rồi còn phải chịu giam cùng bốn con dại, nhà cửa tan nát, tiền rương lúa lẫm mà giờ trắng tay. Thân mình đã cực khổ lại thêm họ nhà chồng phỉ báng phàn nàn, vì chứa Đức Cha mà báo hại bà con phải bị vạ lây. Đứa con gái út lại bị phỏng nước sôi, mẹ ẵm bồng mà không phương chạy chữa. Đến khi con lành lặn thì bà bị đau mắt, đau nhức cho đến khi đi xử. Lại thêm một điều rất đáng buồn là ông cha chồng trách bà rằng: dâu trưởng nam trả ơn trả thảo cho tôi như vầy! Thật là rất khổ tâm nhưng bà bằng lòng cam chịu, không lời than van năn nỉ.

Bốn vị nầy lúc ở trại giam, quan thường xuyên gọi lên để ép bỏ đạo nhưng không ai vâng lệnh. Tuy ở trong ngục, nhưng họ xưng tội, đọc kinh lần hạt và gẫm đàng thánh giá thường xuyên hơn bình thường đến nỗi quân lính la mắng cũng không màng.

Án tử hình về trước hai ngày, các vị nầy càng lo dọn mình hơn nữa. Phần bà Lưu, kẻ quen người biết dập dìu đến thăm nên không lo phần linh hồn được. Ông Quả nói em bà là chị Phò đưa bà đi nơi khác để yên thân mà lo phần mình. Bà dọn mình tử tế, đi thăm ông già và các ông chức việc. Đêm trước ngày ra pháp trường, bà thay đồ ăn mặc sạch sẽ, lạy tạ bà Sĩ lần sau hết, xin tha các điều lỗi lầm và gởi bốn người con lại cho bà. Bà cũng xin người ta gẫm 14 chặng đàng thánh giá để bà suy niệm theo.

Trời vừa sáng, bà lót lòng chén cháo đủ để cho đứa con nhỏ nó bú. Khi con vừa ngủ, bà nhẹ lén bước ra, lập tức lính dẫn đi pháp trường cùng với ba vị kia đứng mà nghe tuyên án.

Khi bốn vị này đi ra pháp trường thì ăn mặc tử tế, gẫm đàng thánh giá lớn tiếng cùng nhau. Mỗi người có hai tên lính cầm gươm hộ tống hai bên: trước chiên trống, sau võng giá ngựa xe quan. Vừa đến chợ Gò Chàm, theo tục lệ thì cho nghỉ ngơi để ăn bữa cơm cuối cùng nhưng không ai ăn. Họ đứng dậy và qua sông. Bà Lưu thấy giỏ cột trên đầu sào cắm gần bờ sông, nhưng bà cũng cứ đi như các vị kia lại nơi xử, cởi bỏ gông ra và qùi xuống để chịu chém. Ông Quả và chú Nghiêm một gươm bay đầu. Bà Lưu hai gươm thì đầu rơi còn Thầy Tuyền không biết mấy gươm mới đứt nên thầy thét la nhiều lắm.

Bà Lưu bị án chứa chấp đạo trưởng tây nên đầu phải bị bêu ba ngày, sấp mặt xuống để cho mọi người nhìn thấy. Nhưng thân nhân lo lót xin quan nên chưa đầy hai ngày đã được hạ xuống. Người ta đào mồ, dỡ hòm ra để lắp đầu vào.

Bà con giáo dân lo táng xác các vị này tại chỗ xử. Cha Triết và thầy Khoa vâng lịnh Đức Cha Trí truy tìm các hài cốt cải táng về Gò Thị. Đến năm 1885, những người Văn Thân đã tiêu hủy xóa hết mọi dấu vết.


 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

lich cong giao 2022 - 2023
tapsanmucdong
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập45
  • Máy chủ tìm kiếm14
  • Khách viếng thăm31
  • Hôm nay22,286
  • Tháng hiện tại570,989
  • Tổng lượt truy cập28,886,358

Chúng tôi trên mạng xã hội

CÁC GIÁO HẠT
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây