Đôi nét về vị trí địa lý nơi sinh trưởng của linh mục Gioakim Đặng Đức Tuấn

Thứ năm - 28/09/2023 20:53
Linh mục Gioakim Đặng Đức Tuấn (1806-1874) sau khi bắt và giải lên tỉnh đường tỉnh Quảng Ngãi đã viết tờ cung khai lý lịch của mình. Mở đầu bảng cung khai, Linh mục viết: “Quê tôi Bình Định/ Làng chánh Qui Hòa/ Giữ đạo truyền gia/ Mẹ cha đã mất/ Không lập gia thất/Có một mình tôi/ Anh em chết rồi/ Không còn ai cả”.

Linh mục Gioakim Đặng Đức Tuấn sinh năm 1806 vào thời điểm ấy tỉnh Bình Định gọi là dinh Bình Định (Năm Gia Long thứ 7 [1808] đổi dinh Bình Định thành trấn Bình Định, năm Minh Mạng thứ 13 [1832] đổi trấn Bình Định thành tỉnh Bình Định)[1].

Thời điểm năm 1811 khi lập địa bạ thì làng Quy Hòa gọi là ấp Quy Hòa và ấp Quy Hòa thuộc tổng Thượng, huyện Bồng Sơn, phủ Qui Nhơn, trấn Bình Định. Trong tổng Thượng có 5 xã. Trong 5 xã có xã Liễu Đề và xã Liễu Đề gồm 5 ấp, cùng thuộc một phường là phường Gia Hựu. Trực thuộc xã Liễu Đề có ấp An Sơn (chánh hộ ấp). Trực thuộc phường Gia Hựu có 4 ấp: Chương Hòa (khách hộ ấp), Gia An (khách hộ ấp), Lân Đê (khách hộ ấp) và Quy Hòa (khách hộ ấp)[2]. Như vậy ấp Quy Hòa (khách hộ ấp) thuộc phường Gia Hựu, xã Liễu Đề. Ấp Qui Hòa đông tây tứ cận:

   -Đông giáp ấp Gia An và sông.

   -Tây giáp ấp An Sơn, ấp Lân Đê có cọc gỗ làm giới.

   -Nam giáp ấp Gia An có cọc gỗ làm giới.

   -Bắc giáp ấp Chương Hòa, ấp Hy Thế (xã Bồ Đề), ấp Lân Đê có cọc gỗ làm giới

Diện tích điền thổ toàn ấp Qui Hòa là 145 mẫu 3 sào 6 thước 9 tấc 8 phân 3 ly 5 hào[3].

Năm Minh Mạng thứ 20 (1839) tỉnh Bình Định làm địa bạ lần 2. Thời điểm này không còn gọi “ấp” nữa mà gọi là “thôn”. Thôn Quy Hòa thuộc tổng Thượng, huyện Bồng Sơn, phủ Hoài Nhơn (năm Minh Mạng thứ 12[1833] đổi phủ Qui Nhơn thành phủ Hoài Nhơn), huyện Bồng Sơn. Tổng Thượng có 41 thôn và thôn Quy Hòa là  1/41 thôn của tổng Thượng[4]. Thôn Quy Hòa đông tây tứ cận cũng giống như địa bạ năm 1811.

Thời vua Tự Đức, địa danh Quy Hòa đã được đổi thành Quy Thuận và tổng Thượng được đổi thành tổng An Sơn. Mở đầu bản điều trần thứ 1 và 2 của Linh mục Gioakim Đặng Đức Tuấn đều ghi: “Bình Định tỉnh, Bồng Sơn huyện, An Sơn tổng, Quy Thuận thôn, Trưởng đạo Đặng Đức Tuấn…”[5]. Thời điểm đổi tên từ tổng Thượng thành tổng An Sơn và từ thôn Quy Hòa thành thôn Quy Thuận chưa chưa xác định được.

Thời vua Đồng Khánh (1886-1888) tổng An Sơn có 38 thôn: An Sơn, Đăng Thạnh, Cự Nghi, Cự Lễ, Tân Bình, Cự Tài, Phụng Du, Nhuận Phú, Phú Thọ, Phú Lương, Phú Mỹ, Tuy An, Cẩn Hậu, An Hội, Phú Nông, Thành Sơn, Tường Sơn, Túy Thạnh, An Đổ, Hy Tường, Hy Văn, Gia Hựu, Huân Công, Thạnh Mỹ, Háo Thiện, Lân Đê, Quy Thuận, Dĩnh Thạnh, Tân Định, Tứ Chánh, An Hảo, Thiện Xuân, Trường Xuân, Chương Hòa, Trường Thạnh, Tân Mỹ, Hy Thế, Túy Sơn[6].

Thôn Quy Thuận là một trong 38 thôn của tổng An Sơn. Sau phong trào “Bình Tây sát Tả” năm Ất Dậu (1885), triều vua Đồng Khánh (1886-1888) cho thống kê lại các xã thôn có người theo đạo Da tô và  trong tổng An Sơn có 11 thôn “theo Tả đạo gián tòng”[7]: Quy Thuận, Túy Sơn, Cẩn Hậu, Thành Sơn, Lân Đê, An Hội, An Sơn, Háo Thiện, Gia Hựu, Tứ Chánh, Tường Sơn[8].

Hiện nay thôn Quy Thuận là một trong 10 thôn của xã Hoài Châu Bắc[9], thị xã Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định: Bình Đê, Chương Hòa, Gia An, Gia An Đông, Gia An Nam, Hy Thế, Liễu An, Liễu An Nam, Quy Thuận, Tuy An.


Chú thích
[1]-  Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam nhất thống chí tập 3, Nxb Thuận Hóa, tr. 8
[2][3]- Nguyễn Đình Đầu, Nghiên cứu địa bạ triều Nguyễn- Bình Định I, Nxb TPHCM, tr. 85, 240
[4]- Nguyễn Đình Đầu, Nghiên cứu địa bạ triều Nguyễn – Bình Định II, Nxb TPHCM, tr. 553 & 610
[5]-Võ Ngọc Nhã, Linh Mục & Lam Giang, Giáo sư, Đặng Đức Tuấn tinh hoa Công giáo ái quốc Việt Nam, Tủ sách Nước Mặn xuất bản, tr. 502 (dòng thứ nhất tính từ bên phải qua), 505 (dòng thứ nhất tính từ bên phải qua). Phiên âm: “Bình Định tỉnh, Bồng sơn huyện, An Sơn tổng, Vi Thuận thôn”. Trong bản sao ấy ghi là “Vi” chứ không phải “Quy”. Đúng theo như trong địa bạ thì phải là Quy Thuận thôn (chữ “vi” gồm 8 nét thuộc bộ Trảo, chữ “quy” gồm 14 nét thuộc bộ Chỉ)
[6]- Đồng Khánh địa dư chí tập 2, Nxb Thế giới, 2003, tr. 1548 (nguyên văn chữ Hán không phiên âm, trang 1583)
[7]- Phiên âm nguyên văn chữ Hán: “Tòng Tả (gián tòng) giả” được dịch nghĩa: “Theo Tả đạo gián tòng”. Sự thực thì từ “tả đạo”, “dữu dân” để gọi những người theo đạo Da tô được triều đình Huế bãi bỏ từ tháng 12 năm Mậu Thìn (1869)[Đại Nam thực lục tập 7, Nxb Giáo dục, tr. 1149], nhưng khi các tỉnh soạn Đồng Khánh địa dư chí của tỉnh mình thì có nhiều tỉnh vẫn dùng từ “tả đạo”. Tỉnh Quảng Nam thì dùng cụm từ: “Gián hữu tòng Thiên Chúa giáo”, tỉnh Quảng Ngãi gọi: “hạt dân gián hữu tòng đạo”. Gián tòng là dân đạo sống xen kẻ với dân lương trong cùng một thôn. Toàn tòng là cả thôn cùng theo đạo Da tô. Ở Khánh Hòa thời vua Đồng Khánh có thôn Tiên Hương (tiền thân là thôn Na Gai- một họ đạo kỳ cựu ở Khánh Hòa) là toàn tòng, Phú Yên có thôn Lạc Chỉ, Quảng Nam có thôn An Ngãi, Tùng Sơn, Phú Thượng đều là những thôn toàn tòng.
[8]- Đồng Khánh địa dư chí tập 2, Nxb Thế giới, 2003, tr.1548 (Nguyên văn chữ Hán không phiên âm, trang 1584)
[9]- Ngày 7/11/1986 chia xã Hoài Châu thành 2 xã: Hoài Châu và Hoài Thuận. Ngày  3/6/1993 đổi tên xã Hoài Thuận thành xã Hoài Châu Bắc.

Tác giả bài viết: Nguyễn Văn Nghệ - Giáo xứ Cây Vông - Nha Trang

 Tags: lịch sử

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

lich cong giao 2022 - 2023
tapsanmucdong
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập67
  • Máy chủ tìm kiếm44
  • Khách viếng thăm23
  • Hôm nay22,717
  • Tháng hiện tại611,940
  • Tổng lượt truy cập28,927,309

Chúng tôi trên mạng xã hội

CÁC GIÁO HẠT
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây