Vài nét về trung tâm truyền giáo Mỹ Chánh

Thứ năm - 23/03/2023 03:45
Ngày 16 tháng 10 năm 1957, phái đoàn của dòng Đồng Công[1] do cha Matthêô Maria Phạm Hữu Hóa làm trưởng đoàn đến Qui Nhơn để chuẩn bị nhận việc truyền giáo. Ngày 28.10.1957, giáo phận giao Khu Truyền giáo Mỹ Chánh cho dòng Đồng Công. Nguyên khu truyền giáo nầy đã được cha Phêrô Trịnh Hoài Ân, cha sở Nước Nhỉ (1957- 1961) gầy dựng để truyền giáo cho dân cư tại các xã Mỹ Thọ, Mỹ Chánh, Mỹ An, Mỹ Thành, Mỹ Cát của huyện Phù Mỹ và xã Cát Minh của huyện Phù Cát. Trụ sở khu truyền giáo nầy được cha Phêrô Trịnh Hoài Ân đặt tại Mỹ Thọ, do đó  thường gọi là khu truyền giáo Mỹ Thọ.

Các cha Dòng Đồng Công chuyển trụ sở về Mỹ Chánh. Ngày 23.8.1958, Trụ sở của Trung tâm truyền giáo tại Mỹ Chánh được khánh thành. Trụ sở là một ngôi nhà gạch ngói dài 26 m, một nửa làm nhà thờ, một nửa làm nhà ở của các thừa sai.[2]

Một năm sau, Trường trung tiểu học Toàn Mỹ tại Mỹ Chánh được khai giảng vào ngày 15.8.1959. Dòng dạy miễn phí cho học sinh.

Ngày 7 và 9 tháng 6 năm 1960, cha Gioan Baotixita Nguyễn Văn Vàng, dòng Chúa Cứu Thế, đã về nói chuyện với đồng bào tại Mỹ Chánh, Phù Mỹ và Cát Trinh, Phù Cát.

Sau ba năm truyền giáo, khu truyền giáo Mỹ chánh đã có số tân tòng khá đông. Ngày 10.4.1961, Đức cha Phêrô Maria Phạm Ngọc Chi đã đến Mỹ Chánh ban Bí tích Thêm sức cho 1.200 tân tòng.

Ngày 28.7.1963, Đức cha Đaminh Hoàng Văn Đoàn, một số các cha và hai nữ tu dòng Nữ Y Viện Truyền Giáo đến Mỹ Chánh khánh thành Phòng phát thuốc. Nữ tu bác sĩ Marguerite đang phục vụ tại Bệnh viện Thánh Gia, một trong hai nữ tu đi trong đoàn, cắt băng khánh thành phòng thuốc. Nhân dịp nầy, tại nhà thờ Mỹ Chánh, chiều 28.7, Đức cha Đaminh làm phép Cắt tóc và sáng hôm sau, Đức cha truyền 4 chức nhỏ cho hai thầy dòng Đồng Công là Augustinô Hilariô Đặng Ngọc Hưởng và Matthia Trần An Tĩnh. Ngày 22 và 23.8.1963, tại nhà nguyện Tòa Giám mục, Đức cha truyền chức Năm và Sáu cho thầy Augustinô Hilariô Đặng Ngọc Hưởng.

Ngày 29.8.1963, Đức cha Đaminh Hoàng Văn Đoàn chuẩn nhận cho Dòng Đồng Công được lập nhà Mẹ tại Mỹ Chánh.

Ngày 01.9.1963, Đức cha Đaminh truyền chức Linh mục cho thầy Augustinô Hilariô Đặng ngọc Hưởng tại nhà thờ Mỹ Chánh. [3]

Sau khi được chuẩn nhận lập nhà Mẹ tại Mỹ Chánh, Dòng đã xây dựng một số cơ sở tại trung tâm truyền giáo Mỹ Chánh, gồm một nhà 2 lầu dài 60 m, rộng 12 m với khoảng 30 căn nhà trệt xây lợp tôn, vừa làm trụ sở truyền giáo, vừa làm trường trung học Toàn Mỹ.[4]

Vì tình trạng chiến tranh, năm 1964 khu truyền giáo Mỹ Chánh cùng với trường Toàn Mỹ phải tạm đóng cửa. Cuối năm 1965, Mỹ Chánh không có Thánh lễ hằng ngày cũng như Thánh lễ Chúa nhật.[5]

Năm 1967 khu truyền giáo Mỹ Chánh được mở lại. Trường Toàn Mỹ cũng được sinh hoạt cho đến cuối niên khóa 1969-1970, ngưng hoạt động. Từ tháng 4.1972, toàn bộ khu truyền giáo Mỹ Chánh không còn bóng dáng tu sĩ dòng Đồng Công.

Suốt từ năm 1957 đến 1972, Dòng Đồng Công đã tham gia vào khu vực truyền giáo này, đã kiến tạo tại các thôn xã chung quanh Mỹ Chánh được 5 ngôi nhà thờ xây trệt, lợp tôn, 7 ngôi nhà thờ xây trệt lợp tranh.[6] Trong số các ngôi nhà thờ nầy có ngôi nhà thờ An Mỹ tại xã Mỹ Cát được xây dựng trong thời cha  Hilariô Đặng Ngọc Hưởng làm mục vụ tại Phù Mỹ (1965-1967).

Trong thời gian chiến tranh, hầu hết dân chúng di cư, các cơ sở tại Mỹ Chánh cũng như ở các giáo họ bị hoang phế. Một số ít giáo dân tân tòng còn trụ lại nhưng không được chăm sóc mục vụ, như hạt mới nẩy mầm, gặp nắng, bị héo khô. Sau khi hòa bình vãn hồi, một số giáo dân tân tòng di cư trở về quê quán cũng không được chăm sóc mục vụ, phần lớn đức tin bị nhạt phai.

 
        TRƯỜNG TOÀN MỸ VÀ PHÒNG PHÁT THUỐC
 
TRƯỜNG TOÀN MỸ
  
[1] Tên gọi đầy đủ là dòng Đức Mẹ Đồng Công Cứu Chuộc, thường gọi là dòng Đồng Công. Từ ngày 07.04.2017, tên gọi mới của Hội dòng là: Dòng Mẹ Chúa Cứu Chuộc. Trong bài nầy vẫn dùng tên gọi dòng Đồng Công theo thời điểm lịch sử.
[2] Bản Thông tin địa phận Qui Nhơn, số 6, 1958, trang 7.
[3] Bản thông tin địa phận Qui Nhơn, số 38, 1963, trang 6.
[4] Ngôi trường nầy đã giúp cho học sinh trong vùng có được cái chữ cơ bản trong thời khó khăn, cách trở không thể cắp sách đến trường ở nơi đô thị. Trong số học sinh nầy có Tiến sĩ Nguyễn Hữu Lệ, được sinh ra trong một gia đình nghèo và lớn lên tại làng quê xã Mỹ Thọ, huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định  với nhiều cơ cực và tuổi thơ gian khó. Hiện ông là Giám đốc Công ty TMA, chuyên  ngành công nghệ thông tin. Ông đã đầu tư một chi nhánh tại thung lũng Quy Hòa, thành phố Qui Nhơn, tỉnh Bình Định. Ông thường nhắc đến những kỷ niệm tuổi thơ ở quê nhà, trong đó có trường Toàn Mỹ.
[5] Bản thông tin địa phận Qui Nhơn, số 46, 1965, trang 79.
[6] Số liệu nầy được sử của Dòng ghi. Tuy nhiên trên sơ đồ khu truyền giáo do nhà Dòng ghi chỉ có 10 giáo họ.

Tác giả bài viết: Ban biên tập Lịch sử Giáo phận Qui Nhơn

Lưu ý, khi copy bài viết trên website này xin quí vị để nguồn xuất xứ. Chân thành cám ơn.
 Tags: Tư liệu

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

lich cong giao 2022 - 2023
tapsanmucdong
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập132
  • Máy chủ tìm kiếm20
  • Khách viếng thăm112
  • Hôm nay20,742
  • Tháng hiện tại48,866
  • Tổng lượt truy cập29,028,404

Chúng tôi trên mạng xã hội

CÁC GIÁO HẠT
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây