Thầy Phêrô Huy ở Đông Đàng Trong được chữa lành nhờ ơn Đức Mẹ Lavang

Thứ tư - 31/07/2019 19:05
x


THẦY PHÊRÔ HUY Ở ĐÔNG ĐÀNG TRONG
ĐƯỢC CHỮA LÀNH NHỜ ƠN ĐỨC MẸ LAVANG

Eugène Lemasle[1]
Thừa sai Bắc Đàng Trong
Annales MEP, Mai-Juin 1918, No 121, tr. 489-492




Ngày 11 tháng Bảy 1917, có hai đại chủng sinh thuộc miền truyền giáo Đông Đàng Trong đến Quảng Trị. Một trong hai người là Phêrô Huy, thầy chức nhỏ, đến để tạ ơn Đức Mẹ Lavang vì đã được ơn lành do sự can thiệp của Mẹ. Vì rất bận rộn chuẩn bị cử hành nghi lễ trọng thể cầu cho linh hồn Đức cha Caspar, nguyên Đại diện tông tòa của chúng tôi, vừa mới qua đời tại Pháp, nên tôi không có thời gian hỏi chuyện thầy Phêrô Huy như mong muốn. Tất cả những gì tôi biết được lúc ấy là sức khỏe của ông thầy trẻ nầy rất kém vì bệnh nặng từ nhiều tháng qua, đã được chữa lành nhờ ơn Đức Mẹ Lavang. Tôi thật sự vui mừng tạo điều kiện thuận lợi để thầy có thể tham dự thánh lễ ngày hôm sau trong đền thánh Đức Mẹ danh tiếng, cách xa nơi tôi ở đến sáu bảy cây số, nơi không có linh mục ở tại đó. Sáng ngày 12 tháng Bảy, sau khi làm các việc đạo đức cách sốt sắng, hai người hành hương của chúng ta đã lên đường trở về Đông Đàng Trong nên tôi không thể biết được chi tiết và chính xác những ơn lành mà thầy Phêrô Huy xem như mình chịu ơn Đức Mẹ nhân lành. Sau đó là phải lo tổ chức cuộc hành hương toàn quốc Đức Mẹ Lavang, được ấn định vào ngày 22 tháng Tám, công việc này khiến tôi mất rất nhiều thời gian. Tuy nhiên, tôi không ngừng dõi theo người đại chủng sinh thân yêu này, người đã không ngần ngại vượt chặng đường dài đến tận đền thánh để tạ ơn Đức Trinh Nữ, và tôi dự định một ngày nào đó, khi có chút ít thời gian rảnh rỗi, sẽ tường thuật lại cuộc chữa lành của thầy Phêrô Huy, và như thế cũng góp phần vào việc tôn vinh Đức Mẹ nhân lành của chúng ta.

Vì thế, vào khoảng tháng Chín, tôi gởi thư cho cha Eugène Mugnier (Cố Lý), Bề trên Đại chủng viện (Đại An) của miền truyền giáo Đông Đàng Trong, nơi thầy Phêrô Huy đang học thần học. Người anh em dễ mến này đã hạ cố thỏa mãn mọi ước muốn của tôi và tôi hết lòng cám ơn ở đây. Đây là điều mà ngài đã viết cho tôi trong thư đề ngày 25 tháng Mười: “Tôi sẽ bảo thầy Huy (tên của người được ơn lạ) tường thuật lại cho cha chi tiết về căn bệnh và cuộc chữa lành của thầy, dường như là một phép lạ, vì các nữ tu Pháp ở nhà thương Kim Châu, theo như vị bác sĩ ở Qui Nhơn, đã không chữa được”. Không bao lâu sau đó, một bức thư khác của cha Mugnier viết rằng: “Tôi vội gởi cho cha thư của thầy Huy, kể lại những hoàn cảnh khác nhau về bệnh tình và việc chữa lành của thầy. Tất cả những gì thầy viết đều chính xác…. Và đây là bài tường thuật này:

“Khoảng giữa năm 1913, con bị sốt ngã nước, bề trên đưa con vào bệnh viện Qui Nhơn. Y sĩ tiêm cho con nhiều mũi thuốc đẩy lùi được cơn đau nhưng con lại bị một sự dữ khác: cơn sốt biến mất nhưng lại bị abcès, có lẽ là do các mũi chích. Người ta mổ abcès, tìm cách làm chúng biến mất hết sức có thể, nhưng vô ích: sau 5 tháng điều trị,  chúng luôn mưng mủ, và con ngày càng đau đớn hơn: y sĩ và bệnh nhân, mọi người đều mệt mỏi và thất vọng.

Khi ấy người ta cho phép con đến Kim Châu, nơi con hy vọng được các nữ tu người Âu chữa lành, họ chăm sóc bệnh nhân rất kỹ. Các sơ bắt đầu chữa bệnh cho con nhưng căn bệnh khốn nạn của con dường như cứ muốn chiến đấu chống lại lòng tốt của họ; các bà càng cố làm cho nó biến đi thì nó càng ương ngạnh lớn dần lên đến nỗi cuối cùng con không thể đi đứng được; con phải nằm một bên, máu và mủ từ hai vết loét cứ chảy ra. Các sơ nói với con rằng chữa trị bình thường khó mà lành được; các bà dục con chạy đến Đức Trinh Nữ và uống nước Đức Mẹ Lộ Đức. Nhưng Mẹ nhân lành không muốn chữa trị con lúc này và tình trạng của con cứ nặng thêm lên.

Con xin thử thuốc Đông y. Căn bệnh của con vẫn hoàn toàn bất trị. Con càng dùng thuốc thì càng thấy đau hơn. Khi ấy con thật sự thấy bất hạnh! Người ta phải đặt trên giường của con một cái chậu để hứng máu và mủ chảy càng ngày càng nhiều, dần nhỏ thành giọt, mình mẩy con bắt đầu căng lên, bụng dạ từ chối mọi thức ăn, mọi thuốc thang; Con không còn cố gắng chấm dứt cơn đau nữa. Nằm bẹp trên giường, thất vọng, con chờ chết khi cha Perreaux (Cố Qui) đến thăm con, người mà ngày xưa con từng đi giúp cho ngài khi làm thầy giảng. Cha nói với con về Đức Mẹ Lavang, nói rằng Đức Mẹ đã làm nhiều phép lạ ở đó, rằng dường như Mẹ muốn ban nhiều ơn huệ cho đất nước Annam của chúng ta dưới tên hiệu này. Ngài bảo con: “Hãy cầu xin Mẹ chữa lành cho con và khấn hứa rằng sẽ đi viếng đền thánh Đức Mẹ ngay khi con có thể đi lại được”. Ngài hứa sẽ xin giáo dân trong miền truyền giáo lần chuỗi Bảy Sự Thương Khó cầu nguyện cho con và gởi cho con hình Đức Mẹ Lavang để tăng thêm lòng tín thác nơi con. Con làm theo những gì ngài chỉ dạy. Niềm hy vọng của con đã không bị lừa phỉnh và lời kinh của các giáo dân đã không vô ích. Đức Trinh Nữ đã chữa con khỏi bệnh: chỉ có điều là vì con bất xứng với một phép lạ, bệnh của con đã không lành ngay lập tức mà Đức Mẹ đã dùng một con đường vòng.

Một trong những giáo dân của cha Perreaux, ông câu họ đạo Gò Găng[2], xin đem con về nhà để chăm sóc. Đây là chuyện rất lạ! Chúng con không họ hàng gì với nhau mà đưa con về nhà thì khác nào khiêng vào nhà mình một xác chết! Bề trên của con đã chấp thuận lời xin này để tránh làm con buồn; nhưng con thấy rằng ngài không hy vọng gì về chuyện bình phục của con. Hôm trước ngày con đi, ngài đến thăm và nói với con rằng: “Vì con còn chút ít hy vọng lành bệnh, cha không muốn cấm con đi chuyến này, nhưng đừng quá trông cậy vào những phương thuốc, hãy đặt hết lòng tin tưởng của con vào Đức Trinh Nữ”. Thấy rằng bề trên đã mất hết hy vọng vào các phương tiện của con người, con chợt nghĩ rằng có thể đây là những lời cuối mà ngài muốn nói với con. Từ đó trở đi, con làm những gì ngài đã căn dặn và cầu xin Đức Mẹ với tất cả sự sốt sắng có thể được.

Con nghiệm thấy chân lý của lời Thánh Bernađô rằng: “Chưa từng nghe ai nói rằng kêu cầu cùng Đức Mẹ mà chẳng được nhậm lời”. Cho đến lúc ấy thì mọi phương thuốc mới mẻ nào cũng đều làm gia tăng cơn đau; nhưng lần này thì ngược lại; vừa khi đến Gò Găng thì con cảm thấy khá hơn. Những vết loét trước đây mà  những thần dược đều chỉ làm cho nó lở thêm ra thì giờ đây chỉ cần băng bó sơ sài mà dần dần lành lặn lại; khoảng chừng bốn tháng thì con hoàn toàn bình phục, con được sống lại. Người ta nói rằng ít nhất con cũng phải nằm liệt; nhưng không phải thế, con đi được như mọi người.

Rõ ràng chính Đức Mẹ Lavang đã cứu chữa con và con hết lòng tạ ơn Mẹ. Những nhà thông thái, các thánh đều tuyên bố rằng mình không thể nào ca tụng Đức Mẹ nhân lành cách xứng đáng. Con chỉ là một kẻ ngu muội không biết phải diễn tả thế nào; con không thể lãnh lấy nhiệm vụ khó khăn đến thế kia đâu, song qua những hàng này, được viết ra dưới lệnh bề trên, con muốn nói với tất cả mọi người rằng Đức Mẹ Lavang không bao giờ bỏ rơi ai kêu cầu Mẹ.”

Với bài tường thuật vừa thú vị vừa giản đơn này, tôi thêm vào mấy chi tiết mà cha Mugnier đã viết cho tôi. Thầy Phêrô Huy đã làm tuần cửu nhật dâng kính Đức Mẹ Lavang để cầu xin khỏi bệnh và khấn hứa rằng sẽ hành hương đến đền thánh Đức Mẹ khi bình phục và được bề trên cho phép. Trong suốt tuần cửu nhật, bệnh tình cải thiện thấy rõ, và khoảng 1 tháng sau thì các vết lở loét hoàn toàn liền lại. Nhưng vì thân thể quá kiệt quệ qua cơn bệnh dai dẵng kéo dài đến hơn một năm, nên phải mất bốn tháng thầy mới bình phục hoàn toàn.

Khi tôi gặp thầy Phêrô Huy ở Quảng Trị, ngày 11 tháng Bảy 1917, lúc ấy thầy đã phải mất 2 năm và 5 tháng mới được lành bệnh. Có vẻ như thầy có một sức khỏe rất tốt và tôi có ấn tượng rằng đây là một chủng sinh khiêm tốn và đạo đức. Xin Đức Mẹ Lavang là đấng ban cho thầy một dấu hiệu bảo vệ rõ ràng, tiếp tục giúp thầy leo lên những bậc thềm của đền thánh và làm cho thầy thành một linh mục nhiệt thành ca tụng vinh quang của Mẹ trong miền truyền giáo của chúng ta.[3]         

 

(Lm. Phaolô Nguyễn Minh Chính, Xuôi ngược thời gian, Ban Thường Huấn, Tủ sách Nước Mặn, 2019, tr. 210-215)
 
 
[1] Cha François Arsène Jean Marie Eugène Lemasle Lễ (1874-1946) sau này làm giám mục Đại diện tông tòa Huế từ 1937 đến 1946.
[2] Ông câu Liên ở Gò Găng đem về nhà và nhờ thầy lương y Thọ ở Cảnh Hàn chữa trị.
[3] Thầy Phêrô Đặng Quyền Huy chịu chức linh mục ngày 29.6.1921. Năm 1945, cha được đặt làm Đại Diện Thừa Ủy, điều hành cách khôn ngoan công việc giáo phận Qui Nhơn (vùng Liên khu V) trong khi Đức cha Piquet ở Nha Trang. Sau hiệp định Genève 1954, cha ở tại Dòng Mến Thánh Giá Gò Thị và mất tại đó vào ngày 23.11.1955.

Tác giả bài viết: Lm. Phaolô Nguyễn Minh Chính chuyển ngữ

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

lich cong giao 2022 - 2023
tapsanmucdong
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập73
  • Máy chủ tìm kiếm54
  • Khách viếng thăm19
  • Hôm nay25,534
  • Tháng hiện tại615,397
  • Tổng lượt truy cập28,930,766

Chúng tôi trên mạng xã hội

CÁC GIÁO HẠT
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây