Đức Giám mục Giáo phận kinh lý Giáo xứ Gia Chiểu

Thứ hai - 12/08/2019 07:17

CUỘC KINH LÝ CỦA ĐỨC GIÁM MỤC GIÁO PHẬN TẠI GIÁO XỨ GIA CHIỂU


Ngày 11.08.2019, Chúa Nhật 19 Thường niên năm C, Đức cha Matthêô Nguyễn Văn Khôi đến kinh lý, chủ sự Thánh lễ ban bí tích Thêm Sức và cho một số em rước lễ lần đầu tại giáo xứ Gia Chiểu, thuộc giáo hạt Bồng Sơn, một giáo xứ thuộc huyện miền núi Hoài Ân, tỉnh Bình Định.

Cuộc kinh lý bắt đầu vào lúc 7g30, trong sự đón tiếp niềm nở của cha sở, cha phó và đông đủ cộng đoàn dân Chúa giáo xứ Gia Chiểu.

Cộng đoàn dân Chúa được nói đến ở đây, theo lời giới thiệu của cha sở Giuse Nguyễn Đình Bút, là các đoàn thể: Hội đồng giáo xứ, Ca đoàn, Mến Thánh Giá tại thế, Đội trợ táng, Lòng Chúa Thương Xót, Giúp lễ và tất cả giáo dân trong giáo xứ. Riêng các đoàn thể, dù không đông đảo nhưng tinh thần phục vụ rất đáng kính nể. Đây chính là điều để giáo xứ tiếp tục phát triển vững vàng như lời nhận định của Đức Cha trong lời chào thăm đầu cuộc kinh lý. Cũng trong lời chào thăm này, Đức Cha có nhắc đến việc thành lập đội Legio Mariae, như là đội tiên phong trong hoạt động truyền giáo.

Ngoài ra, Đức Cha còn nhắc đến việc gặp gỡ, trao đổi thân tình với mọi người, nhằm giải quyết những khó khăn, khúc mắc trong đời sống đạo và đời sống hằng ngày. Đặc biệt, Đức Cha nhắc đến việc qui tụ trong bầu khí ngày Chúa nhật hôm nay, như  là dịp thuận lợi để cùng nhau hướng về tiền nhân, bởi Gia Chiểu là một giáo xứ kỳ cựu đã có truyền thống giữ đạo lâu đời và nhiều vị cha ông anh dũng giữ vững đức tin. Đức Cha cũng gửi lời chúc mừng đến gia đình của 70 em lãnh nhận bí tích Thêm Sức và 23 em được rước lễ lần đầu.

1. Lược sử và hiện tình giáo xứ Gia Chiểu
Trước sự hiện diện của Đức Giám mục giáo phận, cha Tổng Đại Diện và cộng đoàn dân Chúa, cha phó Phêrô Trần Quốc Cường lược lại lịch sử hình thành và phát triển của giáo xứ Gia Chiểu từ những năm đầu truyền giáo cho đến hôm nay.

Trên mảnh đất xa xôi này, nhiều dấu ấn lịch sử truyền giáo đã được ghi lại và truyền lửa yêu mến cho biết bao thế hệ. Từ thời các thừa sai Phanxicô đến loan báo Tin Mừng vào đầu thế kỷ 18, mảnh đất này đã lưu dấu chân của các vị anh hùng tử đạo, tiêu biểu là Thánh linh mục Phanxicô Isidore Gagelin Kính, Thánh Giám mục Stêphanô Cuénot Thể; bên cạnh đó còn có Linh mục Phanxicô Xaviê Nguyễn Do, người mở đường truyền giáo Tây nguyên, và nhiều người khác nữa. Các vị đã để lại cho con cháu một nền móng đức tin vững mạnh dù trải qua biết bao trăng trầm gian khổ. Từ nền móng ấy, giáo xứ Gia Chiểu đã được chính thức thành lập năm 1939, sau đó vì hoàn cảnh chiến tranh giáo dân ly tán, nhưng đã được tái lập năm 2009 và phát triển. Nhờ đó, hạt giống đức tin trên vùng rừng núi xa xôi này vẫn chưa bao giờ tàn lụi.

Cha sở Giuse Nguyễn Đình Bút tiếp tục phần trình bày về hiện tình giáo xứ cũng như tình hình sống đạo của giáo dân tại 14 giáo họ và ngay cả tại giáo họ Gia Chiểu. Đa số giáo dân rất mong muốn được giữ đạo và sống đạo đàng hoàng. Tuy nhiên, cũng không ít người hùa theo xu thế tục hóa, sống đạo bê tha, không quan tâm đến việc giữ gìn đức tin cho mình, cho gia đình. Thậm chí, không ít người đã chuyển sang Tin Lành. Ngoài ra, vì lý do địa bàn rộng, bị ngăn cách bởi đường sá đi lại khó khăn nên cũng ảnh hưởng rất nhiều đến việc giữ đạo, nhất là giữ lễ ngày Chúa nhật, học giáo lý và cử hành các bí tích.

Hiện tình giáo xứ cũng liên quan nhiều đến việc các khu đất nhà thờ bị chiếm dụng, giáo dân không có nơi sinh hoạt kinh lễ, bị ngăn cấm và phân biệt đối xử trong đời sống hằng ngày. Việc di dân cũng là vấn đề đáng quan tâm trong việc chăm sóc mục vụ, nhất là vấn đề hôn phối.

Tuy nhiên, đứng trước những khó khăn, số giáo dân ngày một tăng không chỉ về số lượng mà còn về chất lượng là điều đáng mừng, đáng hy vọng. Thêm nữa, việc đang xây dựng nhà thờ Nghĩa Điền, cách nhà thờ Gia Chiểu 27 km, là một điều hết sức đáng mừng hơn nữa cho tương lai của giáo xứ.

2. Trao đổi mục vụ
Các vấn đề mà đại diện giáo dân đưa ra liên quan đến mấy vấn đề chính sau:

+ Việc đi dự đám cưới của người Công giáo mà không có phép đạo?
Việc kết hôn theo phép đạo là để Thiên Chúa chúc phúc cho hạnh phúc cho chính đôi hôn nhân. Nó trở thành bí tích do chính Chúa Giêsu thiết lập. Cho nên, những ai trong đạo kết hôn với người lương mà không có phép đạo, ít là phép chuẩn, hoặc kết hôn theo luật đời thì không thành sự. Đôi hôn phối và ngày cả chính cha mẹ, những người đứng ra tổ chức đám cưới, cũng phạm tội đồng lõa. Đó là tội công khai, cần phải cảnh cáo và ra hình phạt. Còn đối với những người đi dự đám cưới cũng phạm tội đồng lõa trong sự xấu. Tội ấy cần phải được sám hối và sửa sai. Về vạ thì hình phạt là treo tòa trong một thời gian, có thể đến 6 tháng hoặc 1 năm, tùy trường hợp nặng nhẹ. Vạ không phải là loại trừ người đó, nhưng để họ có cơ hội ăn năn hối cải về lỗi của mình. Cho nên, cha sở và cộng đoàn giáo xứ phải quan tâm động viên và giúp lời cầu nguyện cho họ nhiều hơn.

+ Việc hỗ trợ xây dựng nhà xứ.
Tòa giám mục không có nguồn thu nhập nào như thời trước 1975. Ruộng đất và các nguồn thu khác đều không còn. Cho nên, việc xây dựng nhà xứ, nhà thờ, cũng như các công trình khác tại các giáo xứ đều nhờ vào sự vận động của cha sở và sự đóng góp của tất cả mọi người. Mong rằng tinh thần chung tay góp sức đó tiếp tục được giữ gìn để tất cả mọi người đều ý thức bổn phận góp công góp sức xây dựng giáo xứ, Giáo hội của mình.

+ Bị câm điếc có được xưng tội, rước lễ và chịu các bí tích không?
Câm điếc không phải là ngăn trở để một người không được chịu các bí tích. Nếu người đó vẫn còn có khả năng để hiểu biết, như biết đọc dù không thành tiếng, hoặc bằng một cách nào đó, thì cần có phương cách riêng để cho người đó học giáo lý và xưng tội rước lễ bình thương.

+ Đất đai nhà thờ bị chiếm dụng.
Do hoàn cảnh chiến tranh, giáo dân tứ tán, số còn lại rất ít, lại không dám hoặc không đủ sức để gìn giữ các cơ sở tôn giáo, nhà thờ nhà nguyện nên chúng ta đã bị mất mát rất nhiều. Việc đòi lại các cơ sở đó rất khó khăn. Cho nên, nếu được chúng ta tính đến phương án mua đất để dành. Chờ thời điểm thuận lợi sẽ xây dựng lại các cơ sở đó. Việc trước mắt là xây dựng đền thờ trong tâm hồn của mình, là giữ vững đời sống đạo và đức tin của chính mỗi người.

+ Vấn đề Lòng Chúa Thương Xót và giáo điểm Tin Mừng.
- Cần phân biệt việc sùng kính Lòng Chúa Thương Xót và việc cử hành phụng vụ tại giáo điểm Tin Mừng của cha Trần Đình Long (Tổng Giáo phận Sài Gòn). Việc sùng kính Lòng Chúa Thương Xót đã có từ lâu, như việc Đức giáo hoàng Gioan Phaolô II lập ra ngày lễ kính Lòng Chúa Thương Xót vào Chúa nhật thứ hai Phục sinh, hay năm kính Lòng Chúa Thương Xót do Đức Phanxicô thiết lập. Còn việc bà con giáo dân đọc kinh Kính Lòng Chúa Thương Xót vào mỗi 3 giờ chiều là việc đạo đức bình dân rất tốt để cầu nguyện với Chúa Giêsu, xin ơn chữa lành hồn xác. Đó là việc phổ biến trên toàn thế giới, không liên quan đến cha Long nên mình vẫn cứ làm việc kính Lòng Chúa Thương Xót hằng ngày.

- Còn việc cử hành phụng vụ Thánh lễ tại Giáo điểm Tin Mừng của cha Long có nhiều điều vượt quá qui định của Giáo hội. Việc điều chỉnh của Tòa giám mục Sài Gòn là điều hợp lý. Thêm nữa việc làm chứng hoặc đặt tay chữa lành có thể gây hiểu lầm, hoặc biến đức tin thành một cảm nhận thiên về cảm tính, dễ ảnh hưởng không tốt đến những người yếu đức tin.

- Chúng ta cũng cẩn thận trước những tin đồn gây chia rẽ trên các trang mạng. Những người ấy mình chưa biết chắc chắn là ai thì đừng tin, bởi chính cha Long cũng đã thừa nhận những thiếu sót của mình, cũng như sẵn sàng vâng lời Đức Giám mục thuyên chuyển về Trung tâm mục vụ Sài Gòn. Việc thuyên chuyển ấy là một điều bình thường trong Giáo hội.

+ Ngoài ra còn có các vấn đề liên quan đến việc xây dựng lại các nhà thờ nhà nguyện tại những nơi đã bị phá hủy; việc đoàn kết chung lòng trong việc xây dựng và hỗ trợ lẫn nhau trong các họ đạo…

3. Tổng kết và định hướng mục vụ
Thay lời Đức Giám mục Giáo phận, cha Tổng Đại diện Giuse Trương Đình Hiền tóm kết những vấn đề trao đổi giữa Đức Cha và cộng đoàn dân Chúa. Đồng thời, qua đó ngài cũng đưa ra các định hướng mục vụ cho cộng đoàn giáo xứ.

  • Cộng đoàn giáo xứ Gia Chiểu là một cộng đoàn mang tính phục sinh sau những năm dài bị vùi dập vì chiến tranh tàn phá. Nay với 2640 giáo dân (cuối năm 2018), với 14 giáo họ, giáo xứ có thể sinh hoạt là một điều diệu kỳ chỉ có thể do Thiên Chúa thực hiện.

  • Cộng đoàn giáo xứ giống như một cộng đoàn Giáo hội sơ khai bị bách hại, phải tản mát khắp nơi. Tuy nhiên, chính điều đó lại làm cho hạt giống Tin Mừng được gieo vãi khắp nơi. Và giờ đây là lúc chúng ta thu hoạch những hạt giống tốt ấy.

  • Một cộng đoàn được mời gọi hợp sức xây dựng và phát triển cả về đức tin và đời sống. Chính hoàn cảnh sống rải rác của anh chị em, buộc anh chị em phải đoàn kết với nhau hơn nữa.

  • Cộng đoàn hướng đến tương lai và truyền giáo. Giáo xứ của anh chị em nằm ở vùng truyền giáo, khó khăn tư bề. Thế mà chúng ta vẫn có được một nhà thờ Nghĩa Điền đang xây dựng. Thật là một tương lai hứa hẹn cho thế hệ trẻ. Vậy anh chị em hãy tận tâm đào tạo cho thế hệ trẻ của mình biết sống đạo và hăng say truyền đạo cho mọi người. Điều đó được biểu hiện qua niềm vui mừng 70 em lãnh nhận bí tích Thêm Sức và 23 em được rước lễ lần đầu. Xin quý anh chị em giúp đỡ con em của mình giữ mãi trong lòng niềm vui của ngày hôm nay để sống đạo thật tốt.


4. Kiểm tra sổ sách
Theo thông lệ, cuộc kinh lý đi kèm với việc kiểm tra sổ sách. Sổ Rửa tội, sổ Thêm sức, sổ hôn phối, sổ tình trạng các gia đình,… đều được Đức Giám mục xem xét kỹ càng. Điều này thể hiện sự quan tâm của Đức Giám mục cũng như nhắc nhở các cha xứ biết chu toàn bổn phận quản lý và theo dõi giáo dân của mình, hầu kịp thời có phương cách giúp đỡ họ hiệu quả.

Sau khi kiểm tra sổ sách, Đức Cha chủ sự Thánh lễ ban bí tích Thêm Sức và cho các em trong giáo xứ rước lễ lần đầu.

Sau bài cám ơn của vị đại diện giáo xứ vào cuối thánh lễ, Đức cha ngỏ lời chúc mừng đến cộng đoàn giáo xứ nhân dịp giáo xứ vừa đúng 80 năm thành lập (1939-2019), trong đó có 10 năm tái lập (2009-2019). Đức cha cũng chia vui với cha sở, cha phó, và các phụ huynh của các em lãnh nhận bí tích thêm sức và được rước lễ lần đầu trong thánh lễ hôm nay.

Trước khi trở về, Đức Cha, cha Tổng Đại diện và cha sở đã đến nhà thờ Nghĩa Điền đang xây dựng, cách nhà thờ Gia Chiểu 27 km. Nằm giữa rừng núi bao bọc, nhà thờ Nghĩa Điền như là biểu tượng cho đức tin vững vàng của giáo dân ở vùng xa xôi này. Tuy chưa hoàn thành nhưng sự xuất hiện của một ngôi thánh đường tại nơi này hứa hẹn một tương lai tốt đẹp cho giáo xứ và giáo phận.

Kết thúc cuộc viếng thăm mục vụ, ước mong rằng, sau khi đã trao đổi hết lòng và lắng nghe hết mực với Đức Giám mục Giáo phận, mọi thành phần trong giáo xứ Gia Chiểu đều được Chúa Thánh Thần đốt cháy lửa yêu mến, để cùng nhau xây dựng đức tin vững mạnh và giáo xứ phát triển.

 

1
 
1
 
1
 
1
 
1
 
1
 
1
 
1
 
1
 
1
 
1
 
1
 
1
 
1
 
1
 
1
 
1
 
1
 
1
 
1
 
1
 
1
 
1
 
1
 
1
 
1
 
1
 
1
 
1
 
1
 
1
 
1
 
1
 
1
 
1
 
1
 
1
 
1
 
1
 
1
 
1
 
1
 
1
 
1
 
1
 
1
 
1
 
1
 
1
 

Tác giả bài viết: Phaolô Nguyễn Bá Định

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

lich cong giao 2022 - 2023
tapsanmucdong
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập57
  • Máy chủ tìm kiếm25
  • Khách viếng thăm32
  • Hôm nay12,913
  • Tháng hiện tại627,670
  • Tổng lượt truy cập28,943,039

Chúng tôi trên mạng xã hội

CÁC GIÁO HẠT
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây