Trang mới   https://gpquinhon.org

Thánh lễ an táng nữ tu Catarina Albertine Nguyễn Thị Thôi

Đăng lúc: Chủ nhật - 16/02/2014 17:58
           
Lúc 14 giờ ngày 15/02/2014, Đức Cha Matthêô Nguyễn Văn Khôi, Giám mục Giáo phận Qui Nhơn long trọng cử hành Thánh lễ An táng Nữ tu Catarina Albertine Nguyễn Thị Thôi tại nhà nguyện Cộng đoàn hưu dương Ghềnh Ráng, Qui Nhơn.

Cùng đồng tế có Đức Cha Phêrô Nguyễn Soạn, nguyên Giám mục Giáo phận, cha Phêrô Hoàng Kym, Tổng Đại diện Giáo phận Qui Nhơn, cha Hạt trưởng Bình Định, hơn 30 Cha thuộc giáo hạt Bình Định và cha Marcello Đoàn Minh thuộc Giáo phận Đà Nẵng. Hiện diện Thánh lễ có đông đảo thành phần chị em trong Hội dòng, đại diện quý Soeurs Dòng thánh Phaolô, Dòng Phan Sinh Thừa Sai Đức Mẹ Qui Hòa, Cộng đoàn Nữ Tỳ Chúa Giêsu tình thương, quý anh chị em Mến Thánh Giá Tại thế, quý bà con thân quyến của chị Albertine cùng một số giáo dân Giáo xứ Ghềnh Ráng.

Trước Thánh lễ, Hội dòng điểm qua vài nét sơ lược tiểu sử của Nữ tu Catarina Albertine với những điểm son: đơn sơ, hiền lành, khiêm tốn trong phục vụ. Hầu hết cuộc đời của Chị gắn bó với những trẻ thơ bị bỏ rơi trong công việc chăm sóc, nuôi nấng, giáo dục như người mẹ hiền. Chị trút hơi thở cuối cùng lúc 07 giờ 10 phút sáng thứ sáu ngày 14/02/2014. Cái chết êm nhẹ, bình thản như cuộc sống âm thầm của Chị.

Chúa đã gọi Chị về nhà Cha vào đúng ngày lễ Valentine, ngày của tình yêu. Tnh yêu mà Thiên Chúa đã dành cho Chị và Chị cũng đã đáp trả bằng trọn cuộc đời âm thầm vui vẻ, hy sinh, tin tưởng tuyệt đối vào tiếng gọi của Đấng luôn yêu thương Chị. Sự ra đi như một cuộc hẹn hò đầy thi vị và trọn vẹn với Đấng Phu Quân Giêsu: “Tôi thuộc về người yêu của tôi, và người yêu của tôi thuộc về tôi” (Dc 6, 3). Tạ ơn Chúa vì Chị đã hoàn tất cuộc đời: 85 năm hồng ân dương thế, 60 năm ân phúc khấn dòng. Lễ Ngọc khánh khấn dòng năm nay Chị được mừng với Đấng Phu Quân trên Thiên Quốc.

Bước vào Thánh lễ, Đức Cha Matthêô chia sẻ: thật là ý nghĩa vì 60 năm khấn dòng của bà, bà đã sống trọn vẹn tình yêu tha thiết của mình đối với Đức Kitô. Giờ đây, bà được Thiên Chúa đưa về để hưởng trọn hoa trái tình yêu cùng với Thiên Chúa trên trời… Những công việc  phục vụ, hy sinh, những đóng góp của bà đối với Hội dòng và với dân Chúa khắp nơi là những kết quả của tình yêu dâng lên Thiên Chúa, nên rất đáng trân trọng và dâng lời tạ ơn Thiên Chúa. Qua Thánh lễ này, chúng ta cùng hiệp ý cầu nguyện để cho Linh hồn Nữ tu Catarina của chúng ta được sớm trở về yên nghỉ muôn đời với Chúa, để từ đây bà mãi mãi gắn bó với Đức Kitô là lang phu của mình, là người tình chung thủy vẫn luôn luôn yêu thương bà và giờ đây đón nhận Bà.

 Trong bài giảng lễ, Cha Marcello Đoàn Minh, đồng hương với Chị và thay mặt cho Cha cháu Antôn Nguyễn Trường Thăng kể về cuộc đời của Chị từ khi chào đời mang một ý nghĩa: “Dù tên dì là “Thôi nhưng không bao giờ dì thôi yêu thương, thôi phục vụ”. Vâng. Nơi Dì cái đang kết thúc là cuộc sống trần gian mang thân cát bụi, nhưng điều không vơi cạn là bình dầu khiêm tốn hy sinh, đóng đinh con người cũ với tội lỗi mình vào Thập giá Chúa Kitô; điều không bao giờ chấm dứt là lời ca ngợi tình yêu Thiên Chúa mà Dì muốn hát lên từ thâm tâm và bằng tất cả đời sống hiến dâng của mình.

Kết thúc Thánh lễ, chị Tổng Phụ trách Maria Võ Thị Tuyết thay mặt Hội dòng và người chị quá cố trân trọng tri ân hai Đức Cha Giáo phận, quý Cha đồng tế và cộng đồng dân Chúa.

Sau Thánh lễ, mọi thành phần chị em trong Hội dòng, một số cha, cộng đoàn Nữ tỳ Chúa Giêsu tình thương, bà con thân quyến của Chị, anh chị em Mến Thánh Giá Tại thế đưa tiễn Chị đến nơi an nghỉ cuối cùng tại Nghĩa trang Bùi Thị Xuân, Qui Nhơn.
 
 
TRỞ NÊN DẤU CHỈ THỜI CÁNH CHUNG
 
(Bài giảng của cha  Marcello Đoàn Minh trong thánh lễ an táng dì CATARINA ALBERTINE NGUYỄN THỊ THÔI tại nguyện đường nhà hưu dưỡng Ghềnh Ráng, 15/02/2014)[1]

Ngày 25 tháng 1 năm 1929, một bé gái chào đời tại Xóm Bàu, giáo xứ An Ngãi, giáo phận Đà Nẵng. Cha mẹ của em: ông Batôlômêô Nguyễn Hữu Thái và bà Catarina Nguyễn thị Nghiệm, đặt tên cho bé là ‘Thôi’ có ý dừng lại chuyện sinh nở ở người con thứ chín này. Nhưng ý Chúa muốn bé mang tên đó để sống cho một điểm dừng khác là chỗ tận cùng của thời gian, là thời cánh chung mà tiên tri Isaia trong một thị kiến mô tả: đó là ngày “Chúa các đạo binh sẽ thết đãi các dân trên núi này một bữa tiệc… Ngài sẽ cất chiếc khăn che phủ mọi dân và tấm màn trùm lên muôn nước. Ngài sẽ vĩnh viễn tiêu diệt tử thần. Đức Chúa là Chúa Thượng sẽ lau khô dòng lệ trên khuôn mặt mọi người và sẽ xóa sạch trên toàn cõi đất nỗi ô nhục của dân Người” (Is. 25, 8). Lời này chỉ về thời tận thế, khi Chúa Kitô đến lần thứ hai bày tỏ quyền năng và vinh quang của Ngài. Ngày đó, Chúa vĩnh viễn đặt một dấu chấm tận cho đau khổ và sự chết để khởi đầu đời sống mới bất tận trong ‘công chính, hoan lạc và bình an’. Tuy nhiên thời kỳ đó đã bắt đầu trong Nước Thiên Chúa mà Chúa Giêsu đã đến thiết lập trên trần gian như hạt giống gieo xuống đất đang nảy mầm lớn lên. Từ muôn đời Chúa gọi bé Thôi đi vào đời thánh hiến để làm dấu chỉ triều đại Nước Chúa đang tới.    
   
Bé út Thôi khi nhỏ được cả nhà, nhất là bốn cô chị yêu mến nâng niu, ẵm bồng; lớn lên, được đi học và kế thừa trí nhớ người mẹ, học đâu nhớ đó. Quả thật mẹ em, bà biện Thái, mù chữ nhưng có thể đọc thuộc làu 400 câu lục bát của cha Đặng Đức Tuấn, vài trăm câu Vản Đức Bà, các kinh bổn cổ xưa. Lên mười tuổi, vào năm 1938, em được xưng tội rước lễ lần đầu (gọi là ‘bao đồng’), rồi mười hai tuổi được ‘xức trán’ tức lãnh Bí tích Thêm Sức. Đời sống đạo đức của người anh, thầy Tađêô Mừng, của các dì phước bà con và dì giúp xứ, các giáo dân anh dũng chết vì đức tin, hằng thôi thúc cô theo tiếng Chúa gọi để đến năm 1944, cô bé 15 tuổi từ giã gia đình vô Qui Nhơn, gia nhập nữ tu viện Mến Thánh Giá Gò Thị. 

Chiến tranh cắt đứt đường giao thông, người nữ tu trẻ theo tiếng Chúa cũng bị cắt chia tình ruột thịt vì không có điều kiện gặp lại người thân nữa. Mười năm sau, sau ngày khấn dòng, ngày 22 tháng 8 năm 1954, chị Thôi về thăm quê nhà thì mấy anh chị đã ra người thiên cổ. Ngày anh bảy Tađêô Nguyễn Hữu Mừng thụ phong linh mục vào năm 1951, cũng là ngày Bạn Tình Giêsu xin chị thêm một thánh giá bởi chị không có mặt trong ngày hồng phúc của người anh mà mình dâng cho bao lời cầu nguyện và hi sinh âm thầm.

Chuyện đời tu của dì Catarina Albertine gợi lại một dấu ấn không phai nhòa trong lịch sữ truyền giáo của Hội Dòng Mến Thánh Giá tại Việt Nam. Đó là thời mà các nữ tu ít được học hành, chủ yếu đọc kinh xem lễ và làm việc giúp bổn đạo, cha sở như đi coi gặt, trồng dâu, nuôi tằm, trồng khoai, làm bà đỡ, bán thuốc cao đơn hoàn tán, v.v. Các nữ tu được gọi là ‘Dì’, là em của mẹ, lối xưng hô nói lên tính cách gần gủi thân thương của người nữ tu với người chung quanh mình, không kể lương giáo. Vào thời kỳ mà dân chúng đa số đi chân đất, các dì ở Phú Thượng được gọi là dì phước “dép mo”. Tuy không đứng lớp nhưng những dì phước mang dép mo cau đó đã làm cho những từ ngữ thần học rất khó hiểu mà ngày nay được nói tới nhiều như: linh đạo, đặc sủng, hội nhập văn hóa, bối cảnh hóa kitô học, làm thần học trong bối cảnh, đối thoại với người nghèo, đối thoại với văn hóa, Giáo Hội vì người nghèo… trở nên dễ hiểu và đi vào trong tâm khảm những ai sống với các dì. Những kiểu nói như làm chứng nhân, dấu chỉ Nước Trời chắc chẳng bao giờ ở trên môi miệng các dì, nhưng nội dung các từ ngữ đó trở nên trong sáng trong nếp sống đơn giản nghèo khó của các dì. Đó là hạt giống Nước Thiên Chúa đang mọc lên.    
  
Chuyện đời tu của dì Catarina Albertine cũng gắn kết với số phận của các trẻ em mồ côi: 09 năm ở Dục anh Nam Gò Thị, 02 năm ở cô nhi viện Trà Kiệu, 06 năm ở cô nhi viện Hòa Khánh, 09 năm ở cô nhi viện Kim Châu. Chúa đã cho một em bé được yêu chiều trong gia đình, học hành giỏi dang để sau ngày khấn dòng dâng hiến 27 năm đời mình chia sẻ tình yêu cho những trẻ em thiếu vắng vòng tay của cha, hơi ấm của mẹ.


Thưa anh chị em.

Chúa Giêsu đã hỏi chị Matta: “Thầy là sự sống lại và là sự sống. Ai tin vào Thầy  dù đã chết cũng sẽ được sống. Ai sống và tin vào Thầy sẽ không bao giờ phải chết. Chị có tin điều đó không?” (Ga 11, ..). Dì Catarina Albertine của chúng ta đã tin lời đó và cuộc đời của Dì cho thấy rằng: niềm tin đó làm cho cuộc đời Dì nên cao đẹp và đáng sống. Cháu của Dì, cha Antôn NGUYỄN TRƯỜNG THĂNG, vì lí do sức khỏe, không tới dự lễ tang hôm nay, đã viết về người dì yêu quí của mình rằng: “Dù tên dì là ‘Thôi’ nhưng không bao giờ dì thôi yêu thương thôi phục vụ”. Vâng. Nơi Dì cái đang kết thúc là cuộc sống trần gian mang thân cát bụi, nhưng điều không vơi cạn là bình dầu khiêm tốn hi sinh, đóng đinh con người cũ với tội lỗi mình vào thập giá Chúa Kitô; điều không bao giờ chấm dứt là lời ca ngợi tình yêu Thiên Chúa mà Dì muốn hát lên từ thâm tâm và bằng tất cả đời sống hiến dâng của mình. Amen.

 

 

[1] Quê ngoại của cha Marcello ở Cồn Dầu, nơi anh của dì là cha Tađêô Nguyễn Hữu Mừng làm quản xứ nhiều năm và dì Albertine đã đến đó phục vụ (từ 1983-2001) . Các thông tin về dì Albertine trong bài dựa vào bài viết về Di trên blog riêng của cha Antôn Nguyễn Trường Thăng.  




























 


Tác giả bài viết: MTGQN
Nguồn tin: Gpquinhon.org
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

 

   

LƯỢT XEM TRANG

  • Đang truy cập: 16
  • Khách viếng thăm: 15
  • Máy chủ tìm kiếm: 1
  • Hôm nay: 1947
  • Tháng hiện tại: 132069
  • Tổng lượt truy cập: 12276329