Trang mới   https://gpquinhon.org

Lễ Mẹ Thiên Chúa

Đăng lúc: Thứ bảy - 29/12/2012 21:07
LỄ MẸ THIÊN CHÚA
 Maria Mẹ Của Niềm Tin
(Lc 2,16-21)

 
 


 
Lm. Gioakim Huỳnh Công Tân
 

Đêm 22/06/ 431 tại Êphêsô dân làng và vùng phụ cận đổ ra đường trên tay cầm đuốc sáng, miệng tung hô: “Thánh Maria Đức Mẹ Chúa Trời”. Tìm hiểu sự kiện, sở dĩ có cuộc rước đuốc này vì Nestoriô, tổng giám mục, giáo chủ thành Constantinople chối Đức Maria không phải là Mẹ Thiên Chúa. Theo ông, không thể gọi Đức Maria là Mẹ Thiên Chúa vì Đức Maria không sinh ra thần tính của Đức Giêsu mà chỉ sinh ra nhân tính. Như vậy Nestoriô đã tách Ngôi Lời ra khỏi Đức Kitô, và phân chia Ngôi Hai nhập thể thành hai ngôi vị riêng biệt nhau, rồi ông chủ trương: Đức Maria chỉ là Mẹ Đức Kitô chứ không phải là Mẹ Thiên Chúa.

Trước chủ trương của Nestoriô, công đồng chung được triệu tập tại Êphêsô để giải quyết vấn đề. Sau nhiều ngày hội họp và tranh luận, công đồng đi đến kết luận: cách chức Nestoriô vì lập luận của ông sai lầm, là lạc thuyết, đồng thời chấp nhận ý kiến của thánh Cyrillo và tuyên bố: “Đức Kitô tuy có hai bản tính, nhưng chỉ là một ngôi, cho nên Đức Maria là Mẹ Đức Kitô thì cũng là Mẹ Thiên Chúa.”

Hiệp với sự vui mừng của dân thành Êphêsô năm xưa, hôm nay chúng ta dù tay không cầm đuốc sáng xuống đường, nhưng miệng hân hoan ca hát: THÁNH MARIA ĐỨC MẸ CHÚA TRỜI CẦU CHO CHÚNG CON, đồng thời hân hoan  đón mừng một năm mới (2013) trong lời cầu BÌNH AN. Quả thật, dân thành Êphêsô đã bị khủng hoảng đức tin bởi những lạc thuyết, thì cuộc sống của chúng ta hôm nay cũng không thoát khỏi những khủng hoảng bỡi những trào lưu, những chủ nghĩa tục hoá  do ảnh hưởng của thời đại đề cao lối sống vật chất và hưởng thụ (Thư mục vụ) nên không muốn nhìn nhận sự hiện hữu của Thiên Chúa. Hiện tượng đó ĐTC Bênêdictô XVI gọi là Thiên Thực (Éclipse de Dieu): “Trong xã hội hiện nay chúng ta phải nhìn nhận có một thứ Thiên Thực nào đấy, một chứng bệnh mất trí nhớ nào đấy, hay hơn thế nữa đó là sự phủ nhận Kitô giáo, sự từ chối kho tàng Đức Tin đã lãnh nhận làm cho chúng ta đánh mất những đặc tính sâu xa nhất của chúng ta” (Lm. Phaolô Nguyễn Minh Chính, “Tự sắc Cánh cửa Đức Tin và việc canh tân Đức Tin”).

Ý nghĩa Thiên Thực đây cũng giống như nhật thực hay nguyệt thực tức là tình trạng bị ăn mất. Vào thời xa xưa khi con người còn trong vòng u mê tăm tối, mỗi khi có nguyệt thực, dân làng hò hét nhau đem nồi niêu xoong chảo ra đánh om xòm để đuổi con gấu đi sợ rằng nó ăn mất mặt trăng. Đối với chúng ta ngày nay trong thời đại gọi là văn minh khoa học, dĩ nhiên không thể chấp nhận cái hành vi… đuổi gấu bởi thuần tuý đó chỉ là dị đoan mê tín. Mặt trăng không thể bị gấu ăn mà nó chỉ nhất thời bị che khuất. Thiên Chúa cũng vậy, Ngài là Đấng Tự Hữu, chưa khi nào ngừng hiện hữu dù chỉ trong giây phút.

Cùng với những ưu tư lo lắng ấy của Hội Thánh trong năm Đức Tin, xin mỗi người chúng ta hãy đi lại hành trình Đức Tin của Mẹ Maria, nhân ngày đầu năm kính Mẹ Thiên Chúa, để cùng củng cố đức tin và làm cho đức tin nên mạnh mẽ không gì thay thế được.

       1. Mẹ Maria được gọi là Mẹ của niềm tin.

 
 Bà thánh Isave đã ngợi khen đức tin của Đức Maria: “Phúc cho Bà là kẻ đã tin” (Lc 1,45). Giáo Hội tuyên xưng Đức Maria là Mẹ của các tín hữu, nghĩa là Mẹ của các kẻ tin. Thánh Âugustinô quả quyết: “Ngài thụ thai Con Thiên Chúa bằng đức tin và Ngài sinh hạ Con Thiên Chúa cũng bằng đức tin. ”

Tin mừng hôm nay thuật lại, đứng trước mầu nhiệm Giáng Sinh và những sự kiện xảy ra chung quanh, Đức Maria “hằng ghi nhớ mọi kỷ niệm ấy và suy đi nghĩ lại trong lòng” (Lc 2,19). Đó là thái độ của niềm tin. Chính niềm tin và sự vâng phục thánh ý Thiên Chúa đã khiến cho Mẹ cưu mang Đấng Cứu Thế trong tâm hồn trước khi cưu mang Ngài trong thân xác. Vì lẽ đó điều trước tiên khiến cho Đức Maria trở thành Mẹ Thiên Chúa, thành người có phúc nhất trong các phụ nữ, chính là niềm tin và việc hiến dâng tâm hồn để vâng phục thánh ý Chúa, chứ không phải chỉ vì Đức Mẹ cưu mang cách thụ động Đấng Cứu Thế trong thân xác mình.

       2. Hành trình Đức Tin của Mẹ Maria

Đọc lại Tin Mừng chúng ta thấy rõ hành trình Đức Tin của Mẹ Maria không phải luôn luôn bằng phẳng, dễ dàng. Khi truyền tin, mặc dù thiên thần Gabriel làm tất cả mọi sự để cho Mẹ dễ tin: nào là thái độ hết sức cung kính, thánh thiện và nghiêm trang của một thiên sứ,  nào là nói đúng theo lời các tiên tri từ xưa đã loan báo về Đấng Cứu Thế, nào là trưng ra phép lạ của người chị họ Isave đã già cả son sẻ mà vẫn sinh con.  Nhưng với Mẹ, vẫn thấy có điều thật khó tin: một là, người phàm trần như Mẹ, thì làm sao được trở nên Mẹ của Con Thiên Chúa được; hai là, một người nữ giữ mình đồng trinh tuyệt đối như Mẹ, thì làm sao thụ thai được?

Dầu vậy, khi thiên sứ quả quyết rằng không có việc gì mà Thiên Chúa không làm được, thì Đức Maria đã thưa “Xin Vâng”. Đức Maria là người đầu tiên trong số những kẻ đã tin dù chưa được thấy: “Phúc cho ai không thấy mà tin” (Ga 20,29). 
      
 Tin nghĩa là tin điều không thấy và đã thấy thì không cần phải tin. Vì thế, để sống đức tin của mình, Mẹ Maria đã luôn chiến đấu với những thử thách.

Thử thách đầu tiên là không thấy, nhưng vẫn phải tin. Khi sinh Con Thiên Chúa, Đức Mẹ không thấy bên ngoài có gì để tin đó là Con Thiên Chúa cao sang vô cùng: một trẻ thơ yếu hèn, run lên vì lạnh, khóc lên vì yếu, nơi sinh thì hôi hám. Khi thấy Con mình chết, bị người ta chế nhạo, bị môn đệ chạy trốn bỏ rơi, không có gì là quyền năng vô biên của một Thiên Chúa. Dù không thấy gì bề ngoài, Đức Mẹ vẫn tin mạnh mẽ đây là Con thật của Thiên Chúa quyền năng vô cùng.

Thử thách thứ hai, là thấy những điều hoàn toàn trái ngược, nhưng vẫn tin. Biết Con mình là Con Thiên Chúa toàn năng như lời quả quyết của thiên sứ Gabriel, nhưng Đức Maria chỉ thấy những cảnh thất bại của Con mình: thất bại khi sinh ra, phải chạy trốn; thất bại khi lớn khôn ở Nadarét, phải đổ mồ hôi trong vai người thợ mộc nhọc nhằn; thất bại khi ra giảng đạo, bị mọi người tìm cách xa lánh và bắt giết; thất bại khi chết nhục nhã trên thập giá. Dẫu vậy, Đức Maria vẫn tin đó là Con Thiên Chúa.

       3. Đức tin của chúng ta

Với người công giáo chúng ta, Đức tin là điều đặc biệt nhất. Đức Tin  là cửa mở vào Đạo, hay nói cách khác, nó chính là nội dung làm nên tôn giáo. Không có Đức Tin, tôn giáo chỉ còn là cái vỏ hình thức vô hồn.

Ngày lãnh bí tích rửa tội, chúng ta trở thành con cái của Thiên Chúa, trở thành con cái của Giáo Hội, khi chủ lễ hỏi: “Con xin gì cùng Hôi Thánh? – Thưa, con xin Đức Tin.   - Đức Tin sinh ơn ích gì cho con? – Thưa, Đức Tin đem lại cho con sự sống đời đời.”  (Nghi thức rửa tội người lớn). Đức Tin làm cho chúng ta biết được Thiên Chúa là Cha chúng ta: “Tôi tin kính một Thiên Chúa là Cha toàn năng...” và chúng ta luôn cầu nguyện: “Lạy Cha chúng con ở trên trời…”.

Nhưng Đức Tin cần phải có việc làm vì “Đức Tin không việc làm là Đức Tin chết” (Gc 2,17). Mẹ Maria đã kiên vững trong Đức Tin qua những thử thách. Mẹ Maria đã chiến thắng những thử thách, vì Mẹ đã không cậy dựa vào sức mình nhưng cậy dựa vào chính Thiên Chúa. Cậy trông để Thiên Chúa dẫn Mẹ đi.

Ngày đầu năm mới, ta cầu chúc cho nhau những điều tốt đẹp nhất. Để năm mới được hoàn toàn tốt đẹp, ta hãy noi gương Đức Mẹ ghi nhớ và suy niệm những biến cố để tìm thánh ý Chúa. Đặc biệt trong Năm Đức Tin  ta hãy siêng năng suy niệm Lời Chúa như Mẹ “ghi nhớ tất cả những sự ấy và suy niệm trong lòng”. Như thế, năm mới, với những chương trình mới, với quyết tâm mới, cùng với ơn Chúa qua lời cầu của Mẹ Maria, mọi sự sẽ được tốt đẹp. Amen.



 
Tác giả bài viết: Lm. Gioakim Huỳnh Công Tân
Nguồn tin: Gpquinhon.org
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

 

   

LƯỢT XEM TRANG

  • Đang truy cập: 68
  • Khách viếng thăm: 52
  • Máy chủ tìm kiếm: 16
  • Hôm nay: 26311
  • Tháng hiện tại: 235607
  • Tổng lượt truy cập: 12525319