Trang mới   https://gpquinhon.org

Lễ Các Thánh Anh Hài

Đăng lúc: Thứ tư - 26/12/2012 01:18
LỄ CÁC THÁNH ANH HÀI
(Mt. 2, 13-18)

 


 
Lm. Phaolô Trương Đình Tu

I) Trốn qua Ai-Cập.

- “Thiên thần Chúa hiện ra trong mộng cho Giuse và bảo”.Thế giới xưa hoàn toàn tin rằng Thiên Chúa loan báo sứ điệp của Ngài cho con người qua các giấc chiêm bao. Giuse được khuyến cáo phải tránh sang Ai-Cập là điều hoàn toàn tự nhiên. Một lệnh truyền ngắn gọn, yêu cầu một việc tựa khó khăn, nhưng phải làm ngay, phải thực thi cấp thời. Không chút chần chừ, nấn ná, Giuse lên đường. Giữa đêm trường, ông lên đường tị nạn cùng với vợ và con. Chúng ta thử suy gẫm thái độ sẵn sàng lạ lùng nầy. Vâng, Thiên Chúa có thể làm việc với Giuse, không một chút khó khăn nào cả. Cũng luôn có những con người như thế; Thiên Chúa chiếm ngự toàn diện tâm hồn họ. Giuse thuộc loại người mang tính chất đó! Một con người hoàn toàn tỉnh thức, lúc nào cũng chờ đợi những chỉ dẫn nhỏ bé nhất, cho biết đâu là thánh ý Thiên Chúa.

- “Đem Hài Nhi và Mẹ Ngài”. Trong hai chương đầu tiên của Tin Mừng, Matthêu không bao giờ nói khác hơn (2,11.13.14.20-21). Đó là Con Trẻ được nêu tên trước hết, trước cả người Mẹ có công sinh hạ. Và người ta không khi nào nói đến “cha mẹ” hay “gia đình” Con Trẻ. Giuse chỉ được nhắc đến một chút phớt qua khi liên hệ đến nhóm người đặc biệt nầy “Giêsu và Maria”, “Con Trẻ và Mẹ Ngài”.Trong kiểu nói đơn giản trên, bề ngoài như bình thường, lại hàm chứa một tư tưởng thần học hoàn toàn đúng đắn: Con trẻ là trung tâm mọi sự. Chính Ngài mới đứng đầu… tiếp đến mới là Mẹ Ngài. Tất cả chỉ là thế. Chúa Cha, người ta chưa nói đến lúc nầy. Chính Chúa Giêsu sẽ gọi tên Ngài lúc lên 12 tuổi, khi cha mẹ gặp lại Ngài trong Đền thờ Giêrusalem. Phải, có một vẻ uy nghi phi thường toát ra từ những trình thuật về thời thơ ấu nầy! Ngay mẹ Maria cũng chỉ có địa vị nhờ - ngang qua Bé thơ nầy, vì đó là Mẹ Ngài. Sự yếu đuối của Thiên Chúa lớn hơn những tự phụ đáng thương của chúng ta. Con Trẻ được đặt trong máng cỏ nầy, không chỉ được chiêm ngắm, mà phải thờ lạy. Đó là Chúa vinh hiển! Đó là Đấng Toàn năng.

- “Trốn qua Ai Cập”. Phải tránh qua Ai Cập là điều hoàn toàn tự nhiên. Thường trong những thời kỳ nhiễu nhương trước Chúa Giêsu, khi gặp nguy hiểm, bạo ngược, bắt bớ, khiến cho cuộc sống người Do Thái muôn phần cơ cực, họ đều tránh sang Ai Cập; do đó trong mỗi thành Ai Cập đều có cộng đoàn người Do Thái, và trong thành phố có vài quận coi như giao hẳn cho họ. Trong tình huống nguy cấp đó, Giuse cũng làm như những người khác đã làm. Khi Giuse, Maria đến Ai Cập, các ngài không cảm thất xa lạ, vì thành nào cũng có người Do Thái lánh nạn trước đó.

Có hai huyền thoại khả ái liên hệ với chuyến đi Ai Cập. a) Huyền thoại thứ nhất về tên trộm ăn năn lúc bị đóng đinh bên Chúa Giêsu. Huyền thoại gọi tên trộm là Dismas, không phải anh ta gặp Chúa Giêsu lần đầu tiên lúc cùng bị treo trên thập giá trên đồi Gongôtha. Câu chuyện như thế nầy: Trên đường sang Ai Cập, Giuse và Maria bị rơi vào tay bọn cướp. Một trong những tay thủ lãnh muốn giết các ngài để đoạt chút của cải. Nhưng có một cái gì đó từ Hài Nhi Giêsu chạm đến lòng Dismas cũng là một trong những tên thủ lãnh. Dismas phản đối không cho chúng làm tổn thương đến Chúa Giêsu hoặc cha mẹ Ngài. Anh ta nhìn Chúa Giêsu và nói: “Hỡi Hài Nhi rất được phước, khi nào có dịp để tỏ lòng thương xót tôi, thì hãy nhớ và đừng quên giờ phút nầy”. Và theo huyền thoại, Chúa Giêsu đã gặp lại Dismas trên thập giá. Dismas đã nhận được sự tha thứ và ơn thương xót cho linh hồn mình. b) Huyền thoại thứ hai là một câu chuyện về trẻ con nhưng rất dễ thương. Khi Giuse, Maria bồng Chúa Giêsu lên đường sang Ai Cập, chiều xuống, họ mệt mỏi, vào nghỉ trong một hang đá. Thời tiết thật lạnh và sương tuyết phủ kín mặt đất. Một con nhện nhỏ thấy Chúa Giêsu, nó muốn làm một điều gì đó để giúp Ngài ấm áp. Nó quyết định làm điều duy nhất nó có thể làm là giăng màng nhện ngang qua cửa hang như một bức màn. Một toán lính truy lùng Con Trẻ để giết theo lệnh của ông vua khát máu. Khi đến hang đá, bọn lính sắp sửa tiến vào lục soát, thì viên sĩ quan chỉ lớp màng nhện phủ sương lạnh trắng xóa bảo: “ Màng nhện còn nguyên, chẳng có ai trong hang đâu, vì người nào vào hang ắt sẽ xé tan màng nhện”. Vậy bọn lính tiếp tục đi để cho Gia Đình Thánh được bình yên. Người ta nói đó là lý do tại sao chúng ta giăng giây kim tuyến trên hang đá hay cây Noel tượng trưng cho màng nhện phủ bằng lớp sương lạnh trắng xóa giăng ngang qua lối vào cửa hang đá trên đường Chúa trốn sang Ai Cập. Câu chuyện khả ái nầy ít nhất cũng có một ý nghĩa rõ ràng là chẳng có lễ vật nào dâng cho Chúa Giêsu lại bị lãng quên.

- “Từ Ai Cập, Ta đã gọi Con Ta về”. Đây là thói quen đặc sắc của Matthêu. Ông thấy trong việc trốn qua Ai Cập ứng nghiệm lời ngôn sứ Hôsê 11,1:“Thuở Israel còn là trẻ bé, Ta đã mến thương và từ Ai-Cập, Ta đã gọi Con Ta”. Người ta có thể thấy ngay trong nguyên bản, câu Kinh Thánh nầy không liên quan gì đến việc lánh qua Ai Cập. Chẳng qua, đó là một lời khẳng định cách Thiên Chúa giải thoát dân Israel ra khỏi vòng nô lệ. Đó là cách dùng Cựu Ước độc đáo của Matthêu. Ông sẵn sàng coi như lời tiên tri về Chúa Giêsu bất cứ câu nào trong Cựu Ước mà ông thấy thích hợp, dù câu đó không có ý nói về Chúa Giêsu gì cả. Matthêu biết rằng hầu như chỉ có cách duy nhất thuyết phục người Do Thái chấp nhận Chúa Giêsu là Đấng Mêsia mà Thiên Chúa đã hứa ban, đó là chứng minh Ngài là Đấng làm ứng nghiệm lời ngôn sứ trong Cựu Ước. Ông sốt sắng làm công việc đó đến nỗi cho là những lời ngôn sứ cả những chỗ trong Cựu Ước không hề có ý nghĩa tiên tri gì cả. Khi chúng ta đọc một đoạn sách như thế, thì nên nhớ rằng dầu đối với chúng ta, nó có vẻ lạ lẫm, không mấy thuyết phục, thì lại rất hấp dẫn đối với người Do Thái là độc giả của Matthêu.

II) Cuộc thảm sát.

*“Hêrôđê…sai quân tru diệt hết các con trẻ tại Bêlem”.

Chúng ta biết rằng Hêrôđê là một bậc thầy trong nghệ thuật mưu sát. Vừa lên ngôi, ông đã giải tán tòa Công Luận, tòa án tối cao của người Do Thái. Sau đó ông tàn sát hết các thành viên trong tòa Công Luận không cần suy tính trước. Về sau ông lại giết vợ là Mariam và mẹ nàng là Alexandra, tiếp đến là con trưởng Antipater, hai con trai thứ là Alexander và Aritosbulus. Ông cũng đã sắp đặt trước để khi ông tạ thế, thì cuộc tàn sát các nhân sĩ tại thành Giêrusalem sẽ được thực hiện. Vì thế Hêrôđê không thể lặng lẽ chấp nhận một ấu vương nào đó mới ra đời. Hêrôđê cẩn thận tra hỏi các nhà chiêm tinh về thời điểm ngôi sao xuất hiện và đã quỉ quyệt suy tính tuổi của Hài Nhi, để trù tính biện pháp sát nhân và bây giờ ông nhanh chóng thi hành kế hoạch man rợ của mình. Ông truyền lệnh giết tất cả các bé trai từ hai tuổi trở xuống, tại thành Bêlem và các vùng phụ cận. Bêlem không phải là một thành lớn và số em trai dưới hai tuổi không quá 20-30. Chúng ta không nên nghĩ đến số hàng trăm em. Thật ra việc nầy không khiến tội ác của Hêrôđê kém phần khủng khiếp đâu, nhưng chúng ta phải có một cái nhìn đúng đắn. Đây cũng là hình ảnh đáng ghê tởm về cách loài người sẽ làm để loại bỏ Chúa Giêsu Kitô. Nếu một người đang say mê theo đường riêng của mình, mà Chúa Giêsu lại là người xen vào quở trách tham vọng của anh ta, thì điều duy nhất anh ta làm là trừ khử Ngài. Anh ta sẽ bị lôi cuốn vào những việc man rợ, không giết người thì cũng làm người khác đau khổ.

*“Bấy giờ đã nên trọn điều tiên tri Yêrêmia nói”.

Tại đây, chúng ta lại thấy đặc điểm của Mattthêu trong việc sử dụng Cựu Ước. Ông trưng dẫn Giêrêmia 31,15: “Kìa! Ở Rama vẳng nghe có tiếng ai oán, tiếng khóc xót xa, Rakhel khóc thương con cái bà mà không màng được an ủi, về con cái bà, bởi chúng không còn nữa!”. Chắc chắn khi nói câu nầy, Giêrêmia mô tả cảnh dân thành Giêrusalem bị dẫn đi làm phu tù. Trên bước đường sầu thảm đến nơi xa lạ, họ đi ngang Rama - và Rama là nơi mai táng Rakhen (1Sm 10, 2). Giêrêmia đã mô tả Rakhel đang ở trong mộ than khóc cho số phận đã giáng xuống trên dân. Ở đây Matthêu đang làm điều ông thường làm: Ông sốt sắng tìm ra một lời tiên tri ở một chỗ không có vẻ gì là tiên tri. Nhưng một lần nữa, chúng ta lại phải nhớ rằng điều có vẻ lạ đối với chúng ta, thì đối với độc giả của Matthêu thời đó, lại chẳng xa lạ chút nào. Chìa khóa của biến cố, một lần nữa, thánh sử đã tìm thấy trong Kinh Thánh. Vị tiên tri đã chết từ lâu, nhưng những tiếng than van khóc lóc vẫn còn tiếp tục. Và Thiên Chúa cũng vẫn tiếp tục nhạy cảm trước nỗi khổ đau nầy. Nỗi khổ đau của những bà mẹ mất con. Chúng ta tin như thế. Hãy cầu nguyện cho những bà mẹ mất con.

Cuộc giết hại khủng khiếp nầy, như việc sát hại mà Pharaon của Ai Cập xưa đã làm, sẽ không thể ngăn cản Thiên Chúa hoàn tất công cuộc của Ngài.

III) Gợi ý suy niệm

Bên máng cỏ của Hài Nhi Giêsu, chúng ta tiếp tục chiêm ngắm mầu nhiệm nhập thể. Là một mầu nhiệm khôn lường, nhưng việc nhập thể làm người Thiên Chúa không diễn ra một cách phi thường. Ngài đã đi vào tiến trình bình thường của một kiếp người, 9 tháng 10 ngày trong bụng mẹ, sinh ra là một thơ nhi yếu đuối mỏng manh. Yếu đuối mỏng manh nhưng đó lại là một sức mạnh khôn lường. Ðó là sức mạnh của tình yêu.

Giáng sinh là cuộc chiến thắng của tình yêu, một em bé thơ nhi yếu đuối mỏng manh đã trở thành hiện thân của tình yêu Thiên Chúa đối với con người. Với sức mạnh tình yêu Thiên Chúa, phẩm giá con người đã được hồi phục. Thật thế, sinh ra như một em bé nhỏ mỏng dòn, Thiên Chúa muốn khẳng định rằng: Mỗi một người sinh ra trên cõi đời này dù nghèo hèn dốt nát tàn tật đến đâu cũng đều có một phẩm giá bất khả di nhượng và bất khả xâm phạm. Thiên Chúa đã chiến thắng trong một thơ nhi. Mỗi một thơ nhi và mỗi một người nghèo hèn luôn là một lời mời gọi và nhắc nhở con người về tình yêu của Thiên Chúa. Thiên Chúa đã thể hiện tình yêu của Ngài trong những gì là trơ trụi nghèo hèn nhất của con người. Trong những ngày sau lễ Giáng Sinh, Giáo Hội tưởng niệm các Thánh Anh Hài tức là những thơ nhi bị sát hại sau khi Chúa Giêsu sinh ra, các em bé bị sát hại này là đại biểu của không biết bao nhiêu người trong xã hội ngày nay, những kẻ thấp cổ bé miệng, những người mà cách này hay cách khác bị người đời khai trừ, phẩm giá bị chà đạp.

Nếu Chúa Giêsu sinh ra như một bé thơ, thì tước đoạt quyền sống của một trẻ thơ, một thai nhi là khước từ tình yêu của Thiên Chúa và xúc phạm đến chính Ngài.

Chiêm ngắm Mầu Nhiệm nhập thể trong Hài Nhi Giêsu, chúng ta được thôi thúc để nhận ra Thiên Chúa của tình yêu được thể hiện trong những gì là trơ trụi nghèo hèn nhất của con người nhất là trong những con người nghèo hèn bé mọn nhất trong xã hội.

Lạy Chúa, trong cảnh trơ trụi nghèo hèn yếu đuối của hài nhi Giêsu trong máng cỏ.
Xin cho chúng con biết đón nhận tình yêu cao cả mà Chúa muốn mặc lấy cho mỗi người chúng con.
Xin cho ánh sáng từ máng cỏ của hài nhi Giêsu chiếu rọi vào cuộc sống của chúng con, để chúng con luôn biết đón nhận từng giây phút hiện tại như dấu ấn tình yêu của Chúa, và nhận ra phẩm giá cao trọng của mỗi người nhất là những người nghèo hèn kém may mắn nhất trong xã hội chúng con. Amen.




 
Tác giả bài viết: Lm. Phaolô Trương Đình Tu
Nguồn tin: Gpquinhon.org
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 3 trong 1 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

 

   

LƯỢT XEM TRANG

  • Đang truy cập: 45
  • Khách viếng thăm: 40
  • Máy chủ tìm kiếm: 5
  • Hôm nay: 14375
  • Tháng hiện tại: 169818
  • Tổng lượt truy cập: 12459530