Trang mới   https://gpquinhon.org

Cuộc vượt qua không thể hẹn chờ (Thứ tư Lễ Tro)

Đăng lúc: Thứ ba - 12/02/2013 17:11
 
THỨ TƯ LỄ TRO
 
DẪN NHẬP TRƯỚC CA NHẬP LỄ :
 
Hôm nay toàn thể Dân Chúa long trọng cử hành lễ khai mạc Mùa Chay, khai mạc một thời kỳ đặc biệt trong Năm Phụng vụ Kitô giáo.
 
Quả thật, đúng như lời Thánh Kinh “Đây là lúc thuận tiện, đây là ngày cứu độ”. Bởi vì bắt đầu từ hôm nay, toàn dân Công giáo, lớn bé trẻ già, trước đòi hỏi căn bản của đức tin, trước tiếng kêu mời khẩn thiết của Lời Chúa, và trước sự chào đón, gọi mời của các cử hành phụng vụ, tất cả cùng đứng lên, bừng dậy, tiến vào chặng đường 40 ngày chay tịnh, ăn năn, sám hối, để xứng đáng cử hành và hội nhập sâu xa vào cuộc Vượt Qua vĩ đại của Đức Kitô, mà Hội Thánh sẽ long trọng “Tưởng-Niệm-Tái-Diễn” vào dịp đại lễ Phục sinh.
 
Chay tịnh nói chung đối với người kitô hữu, và cách riêng Mùa Chay dọn mừng lễ Phục sinh, trước hết, đó là một nỗ lực mới lên đường trong đức tin, với sự thành tâm đổi đời, thay đổi toàn bộ cuộc sống đã bị mòn mõi, yếu hèn, lệch lạc, vì những tập quán ươn hèn, và những “chào thua” trước cám dỗ và tội lỗi. Đó cũng chính là một cương quyết cắt đứt những bận tâm, lo âu chồng chất để tâm hồn thanh thản chăm chú nghe Lời Chúa dạy và tăng cường tập luyện sống theo những đòi hỏi của Lời Ngài. Đó cũng chính là thời kỳ để mỗi người nhìn vào đáy sâu thân phận và bản tính mỏng dòn yếu đuối của chính mình và của anh em, hầu biết mạnh dạn tiết chế và giảm thiểu những nhu cầu hưởng thụ, ưu đãi, để biết hy sinh và chia sẻ, trong niềm siêu thoát, khó nghèo và huynh đệ.
 
Đứng trước những ý nghĩa sâu xa, cũng như những đòi hỏi nghiêm túc và thiết thân của phụng vụ Mùa Chay, tất cả cộng đoàn chúng ta hãy mở rộng cõi lòng và hân hoan tham dự cử hành phụng vụ hôm nay cách sốt sắng.
 
DẪN NHẬP TRƯỚC CÁC BÀI ĐỌC :
 
Bài đọc 1 : Phụng vụ mượn lời hiệu triệu chay tịnh sám hối trong sách ngôn sứ Giô-en để thúc dục cộng đoàn tín hữu hôm nay mạnh mẽ, hăng hái bước vào Mùa Chay Thánh, mùa của ăn năn trở về với Chúa, mùa của cầu nguyện hy sinh, mùa của sẻ chia và bác ái. Chúng ta cùng lắng nghe Lời Chúa.
 
Bài đọc 2 :  Thánh Phaolô trong thư thứ hai gởi giáo đoàn Cô-rin-tô đã tha thiết mời gọi cộng đoàn trở lại làm hòa với Thiên Chúa. Đây là một thái độ đức tin đúng đắn và phải được thực hiện thường xuyên. Vì đối với Thiên Chúa, mọi lúc đều “thời Thiên Chúa thi ân” đều là “ngày Thiên Chúa cứu độ”. Chúng ta cùng lắng nghe Lời Chúa.

GIẢNG LỄ TRO

Cuộc “vượt qua” không thể hẹn chờ.


(THỨ TƯ LỄ TRO 2013)


Ở giữa những ngày Tết, ngày Xuân vui vẻ như thế nầy, mà người Ki-tô hữu chúng ta hôm nay lại nhắc đến “con người là tro bụi” và buộc phải ăn chay kiêng thịt ! Như thế có quá nghịch lý và gai chướng không ? Tôi nghĩ là không. Bởi vì mới ngày Mồng Hai Tết, ở xã Bình Thạnh, có 3 em nữ sinh : Phạm thị Ngọc Phú, Phạm Tiểu Hương và Đặng thị Như Thảo đi chơi Tết, xuống tăm biển ở bải biển Khe Hai, và rồi bị bị sóng cuốn chết. Riêng em Thảo thì cho tới hôm nay vẫn chưa tìm thấy xác. Đấy ! Vui đó, sống đó rồi chết đó. Kiếp người là tro bụi còn gì !
 
Trong tiếng Do Thái, ADAMAH có nghĩa là BỤI ĐẤT. Và từ “bụi đất” Thiên Chúa đã làm nên con người ADAM. Vì thế, hai chữ ADAMAH (bụi đất) và ADAM (con người, người đàn ông) là hai chữ đồng âm. Có lẽ tác giả Kinh Thánh đã dùng kiểu chơi chữ đặc biệt nầy để nhắc nhở cho chúng sinh về cái hữu hạn, phù vân, tầm thường của kiếp người. “Con người vốn đến từ bụi tro rồi sẽ trở về tro bụi”. Chúng ta cũng có thể tìm thấy ý nghĩa đó trong một vài ca khúc quen thuộc :
 
:“Hạt bụi nào hóa kiếp thân tôi, để một mai tôi về làm cát bụi. Ôi cát bụi mệt nhoài... (TCS)
Sống trên đời này người giàu sang cũng như người nghèo khó. Trời đã ban cho ta cám ơn trời dù sống thương đau. Mai kia chết rồi trở về cát bụi giàu khó như nhau.(Lê Dinh)
 
Cũng chính trong ý nghĩa nầy, hôm nay Giáo Hội đã khai mạc một thời gian Phụng Vụ đặc biệt, Mùa Chay, bằng một ngày đặc biệt “NGÀY TRO BỤI” hay “THỨ TƯ TRO BỤI” (tiếng Anh là DAY of ASHES hay ASH Wednesday), và Phụng vụ LỄ TRO luôn là một lễ quan trọng đối với mọi người Kitô hữu ; và chút nữa đây, chúng ta sẽ đón nhận chút tro trên đầu hay trên trán trong khi Lời Chúa trong Sách Sáng Thế âm vang như một điệp khúc :
 
 “Hỡi người, hãy nhớ mình là tro bụi, một mai người sẽ trở về bụi tro...”
 
Trong ngôn ngữ của Thánh Kinh, tro được dùng làm biểu tượng nói lên một cõi lòng buồn đau tan nát, một cõi lòng thống hối ăn năn vì tội lỗi. Trong lịch sử Israel, những lúc nước mất nhà tan, những lúc Thiên Chúa đánh phạt Dân Ngài bằng tai ương hoạn nạn, người ta rủ nhau rắc tro lên đầu, mặc đồ vải thô, mặt mũi sầu buồn ủ rũ, dâng lên những lời kinh ảo não để cầu xin Thiên Chúa dủ lòng thương xót thứ tha.
 
Trong Cựu Ước, khi dân Do Thái muốn xin Chúa thứ tha thì họ ngồi trên đống tro và xức tro lên đầu. Khi Giô-na báo cho dân thành Ni-ni-vê rằng Thiên Chúa sẽ hủy diệt thành phố của họ nếu họ không hoán cải, vị vua đã hành động như sau:
 
Ông rời khỏi ngai vàng, cởi áo choàng, khoác áo vải thô và ngồi trên tro.” (Giô-na 3,6). Và cả thành phố đều làm như thế. Về phần Gióp, ông gặp mọi điều bất hạnh: mất hết của cải, con cái chết đi, thân ông bệnh hoạn. Ông nghĩ rằng Chúa trừng phạt ông vì ông không đủ tốt lành, vì thế ‘ông ngồi trên đống tro’ (G 2,8).
 
Thưa Anh Chị Em,
 
Hôm nay cũng thế, Mẹ Giáo Hội rắc tro lên đầu con cái mình để mời gọi chúng ta mở đầu một mùa ăn năn thống hối. Một lời kinh tôi thú nhận, một cử chỉ đấm ngực ăn năn mà thôi không đủ, cần cả một mùa ăn năn thống hối, thống hối tội lỗi bản thân, tội lỗi của Dân Chúa và tội lỗi của toàn thể nhân loại. Để từ cuộc hoán cải, ăn năn hối tội, một con người mới được hồi sinh, một cuộc sống mới được tác thành trong Đức Kitô Tử nạn-Phục sinh.
 
Đức Cố Giáo Hoàng Gioan-Phaolô II cắt nghĩa một cách sâu sắc ý nghĩa nầy trong bài giảng Lễ Tro năm 2003 :
 
Khi ghi dấu tro trên trán tín hữu, người chủ tế lặp lại câu: “Hỡi người, hãy nhớ rằng mình là tro bụi, và sẽ trở về với bụi tro”. Trở về với bụi tro, ấy là vận mệnh của mọi người và mọi vật. Tuy nhiên, con người không chỉ là thân xác, mà còn là thần khí. Nếu xác thịt buộc phải trở về với cát bụi, thì thần khí mãi mãi là bất diệt. Ngoài ra, tín hữu biết rằng Chúa Kitô đã sống lại, và qua đó, xác thân Ngài đã chiến thắng tử thần. Chính Ngài cũng bước đi trong hy vọng theo viễn ảnh đó.
 
Như thế, nhận tro trên trán có nghĩa là tự nhận mình là loài thọ tạo, được dựng nên từ bùn đất và sẽ trở về bùn đất (x. St 3,19); điều này cũng có nghĩa là tự cáo mình là tội nhân, cần được Chúa thứ tha để có thể sống theo Tin Mừng (x. Mc 1,15); cuối cùng, điều ấy có nghĩa là khơi dậy niềm hy vọng vào một cuộc gặp gỡ viên mãn với Chúa Kitô trong vinh quang và trong bình an của Nước Trời.
 
Và như thế, cho dù được mời gọi dấn thân vào một “mùa hy sinh khắc khổ”, chúng ta vẫn hân hoan tuyên xưng rằng : Tro bụi cuộc đời vẫn ươm mầm hy vọng vinh quang. Hay cụ thể hơn, khi ý thức thân phận bụi tro của chính mình, chúng ta sẽ sẽ bắt đầu một cuộc đời mới, cuộc đời không bám rễ nơi trần gian hữu hạn nầy, nhưng vươn tới niềm hy vọng phục sinh trong quê trời hằng sống.
 
Anh chị em thân mến, với lễ Tro hôm nay, Phụng vụ nhắc chúng ta rằng : “cuộc hành trình của kiếp sống con người tại thế rồi sẽ trở về tro bụi”. Tuy nhiên, cũng chính hôm nay, niềm tin lại nhắc chúng ta rằng “xác loài người ngày sau sẽ sống lại”.
 
Chính vì thế, trong cuộc hành trình 40 ngày chay tịnh nầy, ước gì chúng ta cũng biết để cho Lửa Thánh Thần thiêu rụi con người cũ thành tro bụi, rồi mạch nước Thánh Thần lại dùng chính tro tàn ấy mà dưỡng nuôi cho ta trở nên con người mới, đó là con người mà giáo huấn của Đức Kitô trong Tin Mừng hôm nay vừa nhắn gởi chúng ta :
 
- Hãy làm việc bác ái trong khiêm hạ và kín đáo, không phô trương.
 
- Hãy cầu nguyện trong thái độ chân tình với Thiên Chúa như cuộc tâm sự của cha con.
 
- Hãy ăn chay trong thái độ vui tươi, bình an như là một cử hành của tình yêu và ân sủng.
 
Như thế việc ăn chay của chúng ta, Mùa Chay của người Kitô hữu không phải giới hạn hay dừng lại với những việc làm thể chất bên ngoài (nhịn ăn một bữa, không ăn vặt, kiêng thịt...) mà cốt yếu đó là nỗ lực hoán cải và canh tân cuộc sống, trở về với Thiên Chúa trong con đường thiện hảo như Lời Chúa trong sách Giona hôm nay :
 
“Đừng xé áo nhưng hãy xé lòng. Hãy trở về cùng Đức Chúa là Thiên Chúa của anh em”. (Bđ1) hay như lời cầu nguyện của tác giả TV 50 : “Lạy Chúa Trời, xin tạo cho con một tấm lòng trong trắng, đổi mới tinh thần cho con nên chung thủy...” (ĐC)
 
Mà trở về với Thiên Chúa không gì khác hơn là tái khám phá và canh tân Đức Tin, thực hành Đức Ái, như trong lời kết của Sứ Điệp Mùa Chay 2013 của Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI gởi cho Dân Chúa :
 
“Anh chị em thân mến, trong Mùa Chay này, như là dịp chúng ta chuẩn bị kỷ niệm biến cố Tử Nạn và Phục sinh – một biến cố mà tình yêu Thiên Chúa đã cứu độ thế giới và chiếu tỏa ánh sáng vào lịch sử - tôi ước mong rằng tất cả anh chị em có thể dùng thời gian này để thắp lại ngọn lửa đức tin vào Đức Giêsu. Nhờ đó chúng ta có thể cùng với Ngài đi vào tình yêu đầy năng động dành cho Cha, cho anh chị em mình, những người mà chúng ta gặp gỡ trong đời sống của chúng ta.”
           
Và như thế, “40 ngày chay tịnh” sẽ là cuộc lên đường trong niềm tin yêu và hy vọng, trong hân hoan phấn khởi, trong nỗ lực và cố gắng của toàn thể anh chị em trong gia đình con cái Chúa. Đây chính là một cuộc “xuất hành mới của đoàn Dân Mới” với “40 ngày chiến đấu của Đức Ki-tô”, để cùng với Ngài, vượt qua và chiến thắng những cơn cám dỗ của “bánh mì đam mê vật chất”, của “tháp cao kiêu ngạo, cậy mình’, của “sự giàu sang và quyền uy thế tục”. Cuộc vượt qua và chiến thắng nầy không thể hẹn chờ, lấp lửng rày mai, mà phải tức khắc, dứt dạc. Bởi vì : “Đây là thời Thiên Chúa thi ân, đây là ngày Thiên Chúa cứu độ” (Bđ2). Amen.


 
Tác giả bài viết: LM. Giuse Trương Đình Hiền
Nguồn tin: Gpquinhon.org
Từ khóa:

Giảng lễ, Lễ Tro

Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

 

   

LƯỢT XEM TRANG

  • Đang truy cập: 93
  • Khách viếng thăm: 75
  • Máy chủ tìm kiếm: 18
  • Hôm nay: 11832
  • Tháng hiện tại: 207767
  • Tổng lượt truy cập: 12497479