Trang mới   https://gpquinhon.org

Mồng Ba Tết Quý Tỵ

Đăng lúc: Thứ sáu - 08/02/2013 03:08
BÀI SUY NIỆM MỒNG BA TẾT
(St 2, 4b- 9.15 ; Cv 20, 32 – 35; Ga 5, 16 -20)
 
 
 
 

Bài đọc trong sách sáng thế cho chúng ta thấy hình ảnh của Thiên Chúa tạo dựng mọi sự tốt đẹp vì yêu thương. “vì Thiên Chúa là tình yêu” (1Ga 4, 8b).Tính chất của tình yêu là luôn cho đi và sinh ra điều gì mới mẻ. cũng từ đó nảy sinh những  việc làm  nhằm thể hiện bản chất của tình yêu. Cha mẹ, vì yêu thương nên sinh ra con và làm việc vì sự tồn tại, phát triển của con cháu. Cũng vì thế mà chúng ta hiểu được rằng bao lâu, nhân loại không chịu sinh ra, là bấy lâu con người sống trong ích kỷ, mang lại tai hại là nền văn minh sự chết ra đời.  Ngay từ ban đầu Thiên Chúa đã hành động bày tỏ bản chất yêu thương của Ngài bằng việc tạo dựng mọi sự tốt đẹp, trong đó, con người được Thiên Chúa đặt vào vườn Êđen để cày cấy và canh giữ đất đai. Thiên Chúa đã làm việc vì tình yêu và có lẽ Ngài muốn con người cũng làm việc vì tình yêu như vậy.

Thánh vịnh 103, cất lời ca tụng công việc Thiên Chúa đã làm cho mọi loài thọ tạo:

“Lạy Chúa là Thiên Chúa con thờ
Chúa muôn trùng cao cả
Ngài khiến mọc cỏ xanh nuôi sống đàn gia súc
Làm tốt tươi thảo mộc cho người thế hưởng dùng
Từ ruộng đất họ kiếm ra cơm bánh
Chế rượu ngon cho phấn khởi lòng người…”

Trong thời gian công khai rao giảng, Chúa Giêsu đã chỉ dạy chúng ta cần phải làm việc. khi còn tại thế, Ngài đã dành nhiều thời gian, trong suốt ba mươi năm âm thầm sống và làm việc trong gia đình cùng với Thánh Giuse: “Ông ta không phải là bác thợ, con bà Maria và anh em của các ông Giacôbê, Gioan, Giuđa và Simon sao?”. Người Việt Nam có câu “ nhàn cư vi bất thiện”, còn Chúa Giêsu thì luôn không đồng tình và thậm chí lên án cách sống lười biếng, không làm việc, điều này chúng  ta thấy rõ trong dụ ngôn về người đầy tớ vô dụng, biếng nhác đem chôn tiền bạc của chủ giao cho, đối lại Ngài hết lòng khen ngợi người đầy tớ nào chăm chỉ làm việc: “Người đã lãnh năm nén tiến lại gần, đưa năm nén khác và nói: thưa ông chủ, ông đã giao cho tôi năm nén, tôi đã gây lời được năm nén khác đây”. Ông chủ nói với người ấy: “khá lắm! hỡi đầy tớ tài giỏi và trung thành! Được giao ít mà anh đã trung thành, tôi sẽ giao nhiều cho anh. Hãy vào mà hưởng niềm vui của chủ anh” (Mt 25, 20 – 23). Điều thứ bảy trong bảy mối tội đầu thì dạy chúng ta rằng Siêng năng việc Đức Chúa Trời chớ làm biếng”.

Làm việc, một tính chất của con người trong qui luật sống. khi Thiên Chúa tạo dựng, trật tự sống của mọi loài thọ tạo đều mang dấu ấn của tính chất làm việc, rõ ràng nhất là nơi con người: “Đức Chúa là Thiên Chúa đem con người đặt vào vườn Êđen, để cày cấy và canh giữ đất đai” (St 2, 15).

Ngày Mồng ba tết, phụng vụ lời Chúa mời goi chúng ta thánh hóa công việc làm ăn. Tự đó, chúng ta hiểu rằng, đối với Kitô hữu, không chỉ làm việc như mọi người trong cách sống thường ngày, nhưng được mời gọi làm cho công  việc của mình trở nên thánh thiên tốt đẹp mang lại lợi ích bác yêu thương vì cuộc sống của con người. công việc của người kitô phải mang đậm dấu ấn của tình yêu, đem lại cho mình và người khác những hoa quả đạo đức. kinh nguyện của Giáo Hội đã nói cho chúng ta điều đó “Cúi xin Chúa sáng soi, cho chúng chúng con được biết việc phải làm, cùng khi làm xin Chúa giúp đỡ, cho mỗi kinh mỗi việc chúng con, từ khởi sự cho đến hoàn thành đều nhờ bởi ơn Chúa. Amen”

Tin Mừng hôm nay cho chúng ta thấy rõ cách thức làm việc của Chúa Giêsu mang lại ơn ích thiêng liêng vì lời ích cứu độ người khác: “Anh ta, đi nói với người Do Thái: Đức Giêsu là người đã chữa anh khỏi bệnh…..vì Người hay chữa bệnh trong ngày sa-bat. Nhưng đức Giêsu đáp lại:” cho đến nay, Cha tôi vẫn làm việc, thì tôi cũng làm việc” (Ga 5 15 – 17).

 Thánh Phao lô còn chỉ dạy phải làm việc như thế nào khi ngài nói : “ chúng tôi đã chẳng ăn bám ai, trái lại, đêm ngày chúng tôi đã làm lụng vất vả khó nhọc, để khỏi nên gánh nặng cho người nào trong anh em. Không phải vì chúng tôi không có quyền hưởng sự giúp đỡ, nhưng là để nêu gương cho anh em bắt chước… nhân danh Đức Giêsu Kitô, chúng tôi truyền dạy và khuyên nhủ những người ấy hãy ở yên mà làm việc, để có của nuôi thân. Anh em hãy làm việc thiện, đừng sờn lòng nản chí” (Tx 3, 8-13). ĐGH Phaolô VI nói về lao động như sau: “sau nữa là bài học về lao động. Ôi căn nhà Nadarét, ngôi nhà của người con bác thợ mộc. Hơn bất cứ nơi nào khác, tại đây chúng tôi muốn hiểu và ca tụng lề luật tuy khắt khe nhưng mang tính cứu chuộc đòi buộc con người phải lao động. Tại đây tôi ước mong mọi người ý thức lại  về sự cao cả của lao động. Tại dưới mái mái nhà nầy, tôi muốn nhắc nhở rằng lao động tự nó không phải là cùng đích. Đàng khác, sự tự do và tính cao cả của lao động không hệ tại ở các giá trị kinh tế mà thôi, nhưng còn ở những giá trị hướng lao động đến cứu cánh đích thực của nó” (trích huấn từ của ĐGH Phaolô VI (5-1-1964).

 Trong bài đọc thứ 2, trích từ sách Công Vụ Tông Đồ, Thánh Phaolô còn cho chúng ta thấy thánh nhân đã làm việc vì yêu thương và vì lợi ích cho người khác như thế nào: “Chính anh em biết rõ: những gì cần thiết cho tôi và cho những người sống với tôi, đôi tay này đã tự cung cấp. Bằng mọi cách tôi đã tỏ cho anh em thấy rằng phải giúp đỡ những người đau yếu bằng cách làm lụng vất vả như thế, và phải nhớ lại lời Chúa Giêsu đã dạy: cho là có phúc hơn là nhận” (Cv 20, 34 – 35).

Người kitô hữu được mời gọi làm việc không dừng lại ở giá trị kinh tế mà còn nhắm đến sự kiện toàn cuộc sống. để công việc trở thành phương thế rèn luyện nhân cách, và giúp người khác được thăng tiến. Vì thế công việc làm ăn của người kitô cũng mang tính chất phúc âm hóa cuộc sống con người. Amen.



 
Tác giả bài viết: Lm. Tađêô Lê Văn Ý
Nguồn tin: Gpquinhon.org

Ý kiến bạn đọc

 

   

LƯỢT XEM TRANG

  • Đang truy cập: 84
  • Khách viếng thăm: 45
  • Máy chủ tìm kiếm: 39
  • Hôm nay: 20601
  • Tháng hiện tại: 248232
  • Tổng lượt truy cập: 12537944