Trang mới   https://gpquinhon.org

"Lạy Cha chúng con ở trên trời" (Mt 6, 7-15)

Đăng lúc: Thứ hai - 18/02/2013 17:40
LẠY CHA CHÚNG CON Ở TRÊN TRỜI
Giảng lễ tĩnh tâm linh mục
Thứ Ba, 19/02/2013



 


Phải chia sẻ bài Tin Mừng này trong ngày hôm nay quả là một điều không may cho con trong ngày đầu năm đầu tháng. Đúng là xuất hành không đúng giờ đúng hướng gặp ngay “núi Thái Sơn” trước mặt! Chúng ta đã có loạt 7 bài “Kinh Lạy Cha của linh mục trong Năm Đức Tin” của Đức Cha Matthêô đăng trên trang web của Giáo phận. Kinh Lạy Cha, Linh mục, Năm Đức Tin: mọi chiều kích đều được khai thác một cách đầy đủ và rất thích hợp cho cuộc tĩnh tâm linh mục như thế này. Trước mọi cánh cửa bị bịt kín thì xem ra con chỉ còn cách đi ngõ sau để hầu may ra còn tìm chút mảnh vụn rơi rớt từ trên bàn tiệc Lời Chúa thịnh soạn này.

Kinh “Lạy Cha” mà Chúa Giêsu dạy các môn đệ hôm nay thì không phải chỉ có Giáo Hội và các tín hữu mới đọc khi cầu nguyện. Trước mỗi phiên họp, Quốc Hội Úc đều bắt đầu bằng kinh Lạy Cha. Xem ra đây là lời cầu nguyện thông dụng nhưng cũng thường hay bị hiểu sai. Thật sự, Chúa Giêsu nhiều lần nói về sự cầu nguyện và chính bản thân Ngài cũng cầu nguyện rất nhiều. Trong khi rao giảng, có đến 42 lần Ngài nhắc đến việc cầu nguyện và các Tin Mừng ghi lại chính Ngài cũng đã cầu nguyện đến 28 lần. Các Tin Mừng ghi lại rằng Ngài cầu nguyện ở bất cứ nơi đâu: ở trên núi  (Mt 14, 23; Mc 6, 46; Lc 6, 12; 9, 28), nơi hoang mạc, trong Đền Thờ, Vườn Giếtsêmani và ngay cả trên Thập giá. Lời cầu nguyện là một phần trong cuộc sống như hơi thở của Ngài. Chính vì thế mà các môn đệ đến và xin Ngài dạy họ cách cầu nguyện (Lc 11, 1). Và Chúa Giêsu ban cho họ cũng như cho chúng ta lời kinh này là để giúp khỏi phải dài dòng kinh kệ những lời cầu vô ích như người Do Thái thường làm.

Là người Do Thái, sống trong môi trường Do Thái, các môn đệ hẳn đã quá biết cung cách cầu nguyện của dân tộc mình. Người Do Thái có thói quen cầu nguyện 3 lần mỗi ngày. Khi đến giờ, họ lập tức cầu nguyện dù đang làm gì hay ở đâu. Những người Do Thái giả hình mà Chúa Giêsu nói đến ở đây là họ cố tình tính toán làm sao để khi đến giờ cầu nguyện thì mình đang ở góc phố đông người qua lại, để khi cầu nguyện mọi người sẽ trông thấy lòng đạo đức của họ. Họ lớn tiếng cầu nguyện để mọi người có thể nghe thấy. Thái độ của họ cũng là thái độ của Đaniel. Đaniel vẫn cầu nguyện công khai 3 lần một ngày và lớn tiếng dù đang chịu sự giám sát của nhà vua và rất nhiều người. Trong sách Đaniel 6, 10: “Mỗi ngày ba lần, ông quỳ gối, cầu nguyện và ngợi khen Thiên Chúa của ông, y như ông đã làm từ trước đến nay. Bấy giờ những người ấy đổ xô lại và bắt gặp ông Đaniel đang cầu nguyện và thống thiết nài van Thiên Chúa của ông”. Ông không từ bỏ thói quen cầu nguyện mặc dù biết rằng mình có nguy cơ bị bỏ vào hầm sư tử. Có gì khác nhau giữa thái độ của Đaniel và những người Pharisiêu? Những người Pharisiêu vào thời Chúa Giêsu cầu nguyện để tôn vinh chính mình còn Đaniel cầu nguyện để vinh danh Thiên Chúa. Hai ý hướng hoàn toàn khác nhau mặc dù cùng một cách diễn tả. Chính vì để khỏi lạc hướng trong lời cầu nguyện cũng như đem lại một thái độ đúng đắn mà Chúa Giêsu đã dạy kinh Lạy Cha.  

Đây là lời kinh mẫu, một bài học mà Chúa Giêsu dạy chúng ta phải cầu như thế nào và cầu xin điều gì. Nó bao trùm lên mọi nhu cầu của tâm hồn và thân xác chúng ta nhưng cũng quan tâm đến nhu cầu của những anh em khác nữa. Mục đích của lời kinh là ca tụng danh Chúa và xin cho ý Ngài được thể hiện trên mặt đất này. Nó bắt đầu bằng những gì có liên quan đến Chúa chứ không phải của chúng ta: Danh Chúa, Nước Chúa và Ý Chúa. Chúng ta không cầu xin cho ý con người được thể hiện trên trời mà là Ý Chúa được thể hiện trên mặt đất. Mỗi một lời cầu không nhằm đến sự việc chóng qua ở đời này nhưng có tính cách vĩnh cửu là Nước Trời, Ý Chúa và Danh Cha. Người ta kể chuyện trong thời Sôviết, có một tù nhân tên là Ivan bị giam nghiêm nhặt. Một ngày kia, anh đang cầu nguyện với đôi mắt nhắm nghiền ngước mặt lên trời thì một bạn tù trông thấy và chế giễu: “Cứ cầu nguyện đi, nó chẳng giúp mày mau ra khỏi chổ này đâu”. Vẫn nhắm mắt, Ivan trả lời: “Tôi không cầu xin ra khỏi chổ này nhưng chỉ cầu để làm theo ý Chúa”.

Điều người ta thường thắc mắc là tại sao phải cầu nguyện khi Thiên Chúa yêu thương và biết hết mọi nhu cầu của chúng ta? Bởi vì lời cầu nguyện là sự kết hiệp với Thiên Chúa, mà sự kết hiệp với Thiên Chúa là nhu cầu đầu tiên và trước hết của linh hồn con người. Tất cả mọi nhu cầu lớn nhỏ khác đều nằm trong đó. Chính vì thế mà mọi lời cầu nguyện đều phải được bắt đầu bằng mối liên hệ này với Thiên Chúa, Nói cách khác, ngay cả khi biết hết mọi nhu cầu, Thiên Chúa muốn chúng ta cầu nguyện là để củng cố mối liên hệ này với Thiên Chúa. Do đó, cầu nguyện không phải là thông báo cho Chúa biết nhu cầu của mình mà là chia sẻ tâm hồn mình với Ngài như một người bạn tốt và quảng đại, đó là điều trước hết còn mọi điều khác chỉ là phụ thuộc. Trong triều của Alexander Đại đế có một triết gia rất tài năng nhưng luôn túng thiếu. Ông thường hỏi xin Alexander và người ta nói rằng ông có thể lấy từ kho tàng của hoàng gia tùy theo nhu cầu. Nhưng có lần ông ta đòi một số tiền khá lớn thì bị người thủ quỹ từ chối. Và cũng để chắc chắn, người thủ quỹ trình lên Hoàng đế sự việc thì được Alexander trả lời rằng: “Cứ đưa số tiền ấy cho ông ta ngay lập tức. Ông ấy đã cho ta một vinh dự độc nhất. Khi đòi một số tiền quá lớn như vậy thì ông ấy nhìn nhận lòng quảng đại của ta”.

Đôi lúc chúng ta vẫn thường hay phàn nàn rằng Thiên Chúa không đáp ứng những lời cầu xin của con người. Tuy nhiên, Thiên Chúa vẫn luôn trả lời cho mọi lời cầu xin và nhu cầu của con người nhưng đôi khi câu trả lời của Ngài là “Không!”, và điều đó mang đến cho chúng ta một sự tốt đẹp hơn. Chính Chúa Giêsu trên thập giá đã cầu xin cho thoát khỏi chén đắng nhưng câu trả lời của Chúa Cha vẫn là “Không!” và điều đó đã mang lại cho chúng ta ơn cứu rỗi. Đó là chưa kể đến ý kiến của triết gia Épicure, ông nói: “Nếu mà các thần linh đáp ứng mọi lời cầu xin của con người thì toàn thể nhân loại này sẽ nhanh chóng biến mất bởi vì con người thường cầu xin sự dữ cho người khác!”. Và Oscar Wilde cũng đã nói rằng: “Không nên đáp ứng mọi lời cầu nguyện bởi vì nếu điều đó xảy ra thì lời cầu nguyện không phải là lời cầu nguyện nữa mà là một cuộc trao đổi”. Còn Thánh Giacôbê trong Gc 4, 3 thì lý luận chặc chẽ hơn: “Anh em không có, là vì anh em không xin; anh em xin mà không được, là vì anh em xin với tà ý, để lãng phí trong việc hưởng lạc”.

Do bản tính, con người là homo sapienshomo faber, đồng thời cũng là homo religiosus (con người tôn giáo), bởi vì “khát vọng về Thiên Chúa được khắc ghi trong tâm khảm con người, vì con người được sáng tạo bởi Thiên Chúa và cho Thiên Chúa” (Giáo lý Công giáo, số 27)…. Cũng giống như con người thời hang động, con người “kỹ thuật số” ngày nay cũng cần tìm kiếm những kinh nghiệm tôn giáo để vượt thắng sự hữu hạn của mình cũng như bảo đảm cho cuộc phiêu lưu đầy bất trắc trên dương thế … Họ thấy cần phải mở lòng ra với Đấng có thể lấp đầy chiều rộng chiều sâu của khát vọng về Thiên Chúa trong con người. Tùy theo lịch sử, thời đại, khoảnh khắc, ân sủng và ngay cả tội lỗi của con người, khát vọng về Thiên Chúa này đã mặc lấy nhiều hình thức. Và như thế, con người cũng đồng thời là người cầu nguyện, một homo orans. Chính thái độ bên trong này, chính khát vọng về Thiên Chúa này đã có trước mọi thực hành và mọi công thức cầu nguyện. Đây là cách thế con người hiện diện trước mặt Chúa trước khi thi hành các nghi thức cầu nguyện hay nói lên lời cầu nguyện. Phú mình cho tình yêu Thiên Chúa là Đấng luôn đi trước, biết trước và đồng hành với chúng ta, đó là nguyên tắc căn bản trong cuộc đối thoại với Ngài. … Không cần phải đạt cho bằng được những gì chúng ta cầu xin, món quà lớn lao nhất mà Thiên Chúa có thể trao ban cho chúng ta đó chính là tình bằng hữu với Ngài, sự hiện diện của Ngài và tình yêu của Ngài. Người tặng còn quý giá hơn tặng vật gấp trăm nghìn lần. (Đức Bênêđictô XVI, Giáo lý về sự cầu nguyện).

“Thiếu cầu nguyện là lý do hàng đầu xét theo thời gian cũng như tầm quan trọng trong việc sa ngã của Phêrô và của các linh mục. Đời sống thiêng liêng của linh mục sa sút thì thế nào hành động cũng đến thay thế việc cầu nguyện. Phêrô không cầu nguyện mà chỉ biết tuốt gươm, một việc mà Chúa Giêsu không khen chút nào”. Lời cảnh báo của Đức cha Matthêô trong lời nguyện thứ VI, “Kinh Lạy Cha của linh mục trong Năm Đức Tin”, rất đáng để chúng ta lưu tâm và siêng năng hơn trong việc cầu nguyện để được "cứu khỏi mọi sự dữ” và “khỏi sa chước cám dỗ". Amen.   

 
Tác giả bài viết: Lm. Phaolô Nguyễn Minh Chính
Nguồn tin: Gpquinhon.org

Ý kiến bạn đọc

 

   

LƯỢT XEM TRANG

  • Đang truy cập: 46
  • Khách viếng thăm: 28
  • Máy chủ tìm kiếm: 18
  • Hôm nay: 16689
  • Tháng hiện tại: 244320
  • Tổng lượt truy cập: 12534032