Trang mới   https://gpquinhon.org

Phép lạ Giona (Lc 11, 29-32)

Đăng lúc: Thứ ba - 19/02/2013 17:40
PHÉP LẠ GIONA (Lc 11, 29- 32)
Giảng lễ tĩnh tâm linh mục
Thứ Tư, ngày 20/02/2013



 

Mỗi lần đọc bài tin mừng này, chúng ta dễ dàng thấy được đây là một trình bày phép lạ Chúa đã làm cho Tiên tri Giona và mục đích của phép lạ này tiên báo việc Chúa Giêsu chịu chết sau ba ngày sống lại ban ơn cứu độ cho con người. Hôm nay có dịp chúng ta tìm hiểu phép lạ để chúng ta nhận dạng nó và nuốt chửng từng phép lạ trong đời mình cách ngọt ngào thơm tho.

Phép lạ là gì? theo từ điển Anh ngữ Webster định nghĩa về phép lạ như là một biến cố hay như một hậu quả xem ra đi ngược lại với luật tự nhiên, và do đó được xem như là một can thiệp của những sức mạnh siêu nhiên. Còn theo quan niệm thông thường  khi có một giá trị thực hiện cách tích cực không thể giải thích được thì đó là một phép lạ. Đối với người Công giáo phép lạ là sự can thiệp của Thiên chúa vì yêu con người và vì thế luôn tin ở phép lạ.

Trường hợp của Tiên tri Giona là một trường hợp hoàn toàn ngược lại với qui luật tự nhiên. Không ai có thể sống thiếu không khí đến 3 ngày ba đêm. Một sự kiện xảy ra cho dân thành Ninivê hết sức tích cực, toàn dân thở phào nhẹ nhỏm thoát chết. Rõ ràng đây là sự can thiệp của Thiên chúa. Thiên chúa yêu dân thành Ninivê, yêu Tiên tri Giona mới hành động cách ngược đời như vậy. Theo quy luật tự nhiên không ai có thể sống được trong bụng cá. Chuyện Giona là một phép lạ rõ ràng.

Phải chăng phép lạ là một tên gọi khác của mầu nhiệm, của mạc khải? Rất có thể vì khi so sánh chúng ta thấy chúng có những điểm giống nhau như: tin mà không thể hiểu được, không thể giải thích được cách thỏa mãn cho tất cả mọi người và có chung mục đích vì yêu con người. Sở dĩ tôi muốn liên kết phép lạ với mầu nhiệm và mạc khải là để chúng ta dễ nhận dạng nó, vì khi học chúng ta không có học môn học phép lạ mà chỉ có học môn mầu nhiệm và mạc khải. Thực ra phép lạ là một hậu quả đi liền sau đó. Có Mạc khải có Mầu nhiệm, có Mầu nhiệm có đức tin, có đức tin có phép lạ. Tin là điều kiện cần để có phép lạ thì mạc khải và mầu nhiệm là điều kiện đủ để có đức tin. Thánh Phaolô chẳng khẳng định “Làm sao họ tin Đấng họ không được nghe? Làm sao mà nghe, nếu không có ai rao giảng? Làm sao mà rao giảng, nếu không được sai đi?” (Rm 10, 14-15)  nghĩa là một phép lạ phải có người thiết kế. Đó chính là Thiên chúa. Theo một trình tự, đức tin đi trước phép lạ theo sau nhiều lần Chúa Giêsu đã nói “Đức tin của con đã cứu chữa con”( Lc 8, 48. 18, 42, Mc 10, 52). Phép lạ để làm gì ? có phải vì vinh quang Chúa ? không, Thiên chúa không cần vinh quang “Những lời chúng ta ca tụng chẳng thêm gì cho Chúa”(lời Tiền tụng chung IV). Có phải Thiên chúa hành động ngẫu nhiên như con Tạo, rồi sau đó ngồi cười trêu con người như Cung Oán Ngâm Khúc: “trẻ Tạo hóa tành hanh quá đáng, chết đuối người trên cạn mà chơi” ? không, Thiên chúa chúng ta là Thiên chúa yêu thương “Thiên chúa là tình yêu” (1Ga 4, 16) và tất cả mọi việc Ngài làm vì yêu con người không có gì khác. Tình yêu là dấu căn bản nhận ra phép lạ.

Phép lạ đã xảy ra trong suốt dòng lịch sử thánh, từ Cựu ước sang Tân ước và mãi mãi về sau cho đến phép lạ sau cùng là phép lạ Chúa Giêsu quan lâm lần chót. Khi Chúa Giêsu Phục sinh mọi quyền bính được trao vào tay Người, mọi sự kiện mọi biến cố đã đang và sẽ xảy ra được qui Kitô. Vì thế, đức Gioan Phaolô II nói: “Ngoài Đức Kitô không có ơn cứu độ”. Một câu nói nổi tiếng và lừng danh rất củng cố niềm tin chúng ta, một câu nói hết sức tự hào về niềm tin của chúng ta giữa một thế giới đa tôn giáo. Ngoài việc củng cố và tự hào ấy, Đức Giáo Hoàng còn có ý truyền giáo là kêu gọi tất cả mọi người hãy nhìn lại niềm tin của mình. Có một lúc người ta gây xôn xao về câu nói ấy và thậm chí người ta còn lên án. Rồi sau đó người ta không còn đặt vấn đề khi nhìn vào đời sống của ngài mà trái lại người ta yêu mến Ngài. Một con người nhân từ đức độ giàu lòng bao dung và tha thứ. Sau cái chết của Ngài, người ta đã hiểu nói “Ngoài Đức Kitô không có ơn cứu độ” hay nói ngoài tình yêu không có ơn cứu độ cũng vậy thôi vì “Thiên Chúa là tình yêu” đã qui Kitô. Mầu nhiệm lớn nhất là Đức Kitô, Mạc Khải trọn vẹn là Đức Kitô.

Nếu chúng ta thừa nhận tình yêu là dấu căn bản nhận ra phép lạ thì chúng ta đừng ngồi đó mà đợi phép lạ vì tình yêu Chúa ban cho chúng ta quá nhiều quá đủ để chúng ta thông phần ơn cứu độ rồi. Khi nghĩ đến năm 2018 kỷ niệm 400 năm tin mừng đến với Giáo phận, làm sao nâng số tín hữu lên bằng cách mỗi người giúp một người trở lại đạo thôi thì chúng ta cũng thấy tiếng thở dài thay cho lời trông đợi phép lạ. Đừng bắt Thiên chúa phải hành động miễn cưỡng như đã làm cho Giona, cũng đừng vì đồng hương hay họ hàng mà yêu sách “những gì ông đã làm tại Caphanaum ông hãy làm tại đây”( Lc 4, 23). Hãy ra đi với một tình yêu đích thực, phép lạ tất xảy ra.

Phép là sự can thiệp của Thiên Chúa, điều đó cho chúng ta thấy vai trò của chúng ta không thể thiếu trong phép lạ mà thậm chí còn là một vai trò quan trọng. Năm chiếc bánh và hai con cá trên triền núi khi xưa là của con người, nước lả tại tiệc cưới Cana là con người, Giona là con người và chốc nữa đây bánh rượu là của con người trở nên Mình và Máu Thánh Chúa Kitô, một Tình Yêu đích thực cho chúng ta.

Có thể có người trông phép lạ, có người không nhưng tình yêu thì ai cũng trông đợi. Đó là một điều chắc chắn. Cho đến giờ, con người vẫn chưa có câu định nghĩa chính xác về tình yêu và mãi mãi người ta phải nại vào Ông trời “xin trời giải nghĩa yêu”. Dù không hiểu hết về tình yêu nhưng người ta vẫn tin tình yêu là cứu cánh “sống trên đời chỉ có thân phận và tình yêu, thân phận thì mong manh mà tình yêu thì vô cùng. Chúng ta phải làm sao để cho tình yêu cứu rỗi thân phận trên cây thập giá đời” (Trịnh Công Sơn). Dù vậy, tình yêu mà Trịnh nói đến là một tình yêu mơ hồ, không xác định. Còn chúng ta, chúng ta xác định rõ ràng tình yêu tuyệt hảo là Thiên chúa “Thiên chúa là tình yêu”(1Ga 4, 16). Thay vì trông đợi phép lạ hãy trông đợi tình yêu mà tình yêu không đến nỗi thiếu để chúng ta trông đợi, vì tình yêu đang bao phủ trên chúng ta “ơn Ta luôn đủ cho các con” hay “thầy ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế”(Mt 28, 20). Đúng vậy, ngoài Đức Kitô không còn phép lạ nào cả thể và ngoài tình yêu không có ơn cứu độ. Chỉ có tình yêu đích thực mới đem lại cho chúng ta ơn cứu độ từ đời này sang đời sau.

Như vậy phép lạ không còn xa lạ với chúng ta nữa vì tình yêu của Thiên Chúa đang bảo phủ trên chúng ta mọi nơi mọi lúc. Nếu Chúa không gọi nắng thì hoa đâu nở bên thềm, nếu Chúa không gọi chúng ta thì chúng ta đâu là Linh mục của Chúa. Đây không phải là một phép lạ cả thể của đời mình sao ? Thậm chí việc làm phép lạ Chúa cũng thông ban cho chúng ta năng quyền. Đúng thế, mỗi ngày chúng ta làm phép lạ ít là một lần mà nhiều khi mình không biết. Giờ đây chúng ta hãy chuẩn bị tâm hồn làm cho bánh và rượu trở nên Mình và Máu Thánh Chúa để chúng ta và muôn dân được hưởng ơn cứu độ. Giá trị của của phép lạ Giona là cứu dân thành Ninivê khỏi chết một lần, còn bí tích Thánh thể cứu chúng ta và nhiều người khỏi chết đời đời. Amen.



 
Tác giả bài viết: Lm. Giuse Nguyễn Đình Bút
Nguồn tin: Gpquinhon.org

Ý kiến bạn đọc

 

   

LƯỢT XEM TRANG

  • Đang truy cập: 48
  • Khách viếng thăm: 35
  • Máy chủ tìm kiếm: 13
  • Hôm nay: 8195
  • Tháng hiện tại: 157769
  • Tổng lượt truy cập: 12447481