Trang mới   https://gpquinhon.org

Lễ Thánh Phanxicô Xaviê

Đăng lúc: Chủ nhật - 01/12/2013 17:48
LỄ THÁNH PHANXICÔ  XAVIE
(1 Cr 9, 16-19. 22-23; Mc 16, 15-20)



Kính thưa quý ông bà và anh chị em

Đức Thánh Cha Benedictô XVI đã từng kêu gọi các tín hữu hãy đi hành hương tại nơi sinh của thánh Phanxicô Xaviê, quan thầy của các xứ truyền giáo, để giúp cho chuyến đi của họ là một biến cố tràn đầy đức tin. Đức Thánh Cha khẳng định điều này trong một điện văn do Đức Hồng Y Tarcisio Bertone, Quốc Vụ Khanh chuyển cho Tổng Giám Mục Francisco Pérez González tại Pamplona. Bản văn được báo Tây Ban Nha Ecclesia xuất bản. Ngài khuyến khích các tham dự viên cuộc hành hương “Javieradas”, đến nơi sinh của vị thánh theo truyền thống hàng năm vào tháng Ba, để “bắt chước nhà truyền giáo cao quý này đã đi khắp thế giới rao truyền Phúc Âm."

Nói đến thánh Phanxicô Xaviê, người Kitô hữu ngày nay nghĩ ngay đến một trong những chứng nhân tiêu biểu nhất của lòng nhiệt thành truyền giáo. Thánh nhân như dấu chỉ Thiên Chúa dùng để chứng tỏ cho nhân loại thấy được tính phổ quát của Giáo hội mà Đức Kitô đã lập và không ngừng tác động cho nó tăng triển sâu rộng. Nếu ai trong chúng ta có dịp đọc các thư của thánh Phanxicô Xaviê, ai cũng phải nhìn nhận đó là một con người hoàn toàn vị tha. Ngài luôn luôn nghĩ đến người khác, không màng đến lợi lộc, danh vọng, địa vị, và cả đến mạng sống mình nữa. Có khi ngài quan tâm đến một thanh niên cần chút vốn để về quê; có khi là một cô gái mồ côi vô danh cần lấy chồng. Tuy nhiên, quan tâm lớn nhất của ngài là phần rỗi linh hồn con người “Được lời lãi cả thế gian mà đánh mất sự sống mình thì nào được ích gì?” (x.Mt 16,26)

Trong bài đọc I thánh Phaolô muốn chia sẻ ý thức trách nhiệm và thái độ cần phải có của một người ra đi rao giảng Lời Chúa cho tín hữu Côrintô. Ngài rao giảng không phải để tự hào, nhưng đó là sự cần thiết mà lương tâm bắt buộc ngài phải làm. Ngài rao giảng với thái độ của một người tự do, không lệ thuộc vào ai, nhưng tự nguyện chấp nhận trở thành nô lệ của mọi người vì phần rỗi của họ, và theo lời Thầy Giêsu mời gọi: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo”. (x.Mc 16, 15).

Như vậy Lời Chúa đã chỉ rõ, việc rao giảng Tin Mừng không hề có biên giới, cũng không phân biệt màu da hay chủng tộc, tầng lớp giai cấp hay chính kiến xã hội...Tất cả mọi người đều có quyền được thông chia phần phúc của Tin Mừng. Mệnh lệnh truyền giáo này là di chúc của Đức Giêsu gửi đến tất cả các tông đồ và tất cả chúng ta trong thế giới hôm nay.

Kính thưa quý ông bà và anh chị em.

Cuộc đời của con người luôn đi liền với một hành trình lịch sử của chính họ. Để biết được hành trình dấn thân loan báo tin mừng mà vị thánh chúng ta mừng kính hôm nay, thiết nghĩ, chúng ta cùng nhau nhìn lại đôi nét lý lịch chính yếu nơi thánh Phanxicô Xaviê.

Thánh Phanxicô Xaviê sinh ngày 07.04.1506 tại lâu đài Xavie trong Vương quốc Navarra ở phía bắc nước Tây Ban Nha. Năm 19 tuổi, gia đình gửi Ngài du học bên Pháp với ý định tạo cho con một địa vị, một thế giá trong xã hội. Thánh nhân học rất thành công, chỉ tám năm sau khi được du học, thánh nhân đã đỗ đạt cao và trở thành giáo sư nổi tiếng tại đại học Pháp. Phanxicô xaviê là con người có trí thông minh vượt trổi và Ngài luôn theo đuổi danh vọng thế tục. Nhưng việc gì Thiên Chúa định, Thiên Chúa hướng dẫn con người theo ý định của Người đúng như lời thánh Phaolô viết trong thư gửi giáo đoàn Roma rằng: “…Không ai hiểu được tâm tư của Chúa, cũng chẳng ai biết được ý định của Người. Đường lối của Người khác với đường lối của con người”. Qua cha Ignatius thế là Thiên Chúa đã đánh bại Phanxicô Xaviê để chiếm đoạt Ngài trọn vẹn.

Không thể cưỡng lại với Lời Chúa, Phanxicô Xaviê đã đến Montmartre để cùng với Ignatius sống đời khó nghèo, khiết tịnh và phục vụ tông đồ theo sự hướng dẫn của Đức Thánh Cha. Đến năm 1537, nghĩa là 3 năm sau khi đã tuyên khấn, Phanxicô Xaviê lãnh chức Linh mục. Từ Italia, cha  Phanxicô Xaviê sang Lisbon và từ đó ngài dong buồm đến Ấn Ðộ, cập bến làng Goa ở bờ biển phía tây nước Ấn. Trong vòng 10 năm tiếp đó, ngài đã tích cực hoạt động để đem đức tin đến cho rất nhiều dân tộc, trong đó có người Ấn Ðộ, Mã Lai và Nhật Bản.

Thánh Phanxicô Xaviê là hiện thân của Tin Mừng phổ quát, không biên giới. Ngài nhận ra giá trị đích thực của Tin Mừng, và bổn phận của người tôi tớ Chúa. Từ giã vinh hoa phú quí, thánh nhân rong ruổi trên những nẻo đường Á Châu xa lạ. Cuộc đời của ngài là một chia sẻ cảm thông sâu xa với những người nghèo khổ, bất hạnh thuộc mọi chủng tộc, mọi quốc gia. Ngài phục vụ họ suốt hành trình không biết mệt mỏi, nhưng luôn tràn ngập niềm vui, mà chỉ những người phục vụ trong yêu thương mới có được.

Ngày xưa, Thánh Phanxicô Xavier đã quảng đại đáp lại lệnh truyền của Chúa Giêsu khi ngài rao giảng khắp thế giới từ Châu Âu cho đến Ấn Độ, từ Srilanka cho tới Nhật Bản để loan báo Chúa Kitô. Ngài đã chết ở cửa ngõ vào Trung Quốc vào trước rạng đông sáng thứ bảy 3-12-1552, trong một chòi tranh. Lúc này, Ngài mới chỉ 46 tuổi. Ngài đã để lại cho Giáo hội nói chung, cách riêng giáo hội Nhật Bản một gương mẫu truyền giáo do chính tay Ngài vun trồng là 188 vị tử đạo đã được Giáo hội nhắc lên bậc chân phước vào ngày 24 tháng 11 năm 2008.

Còn tôi và anh chị em, chúng ta có dám lên đường sống chứng nhân cho Chúa không? Đem Tin Mừng của Chúa đến cho muôn dân muôn nước không? Hay là tôi và anh chị em chỉ dậm chân tại chỗ: rồi lên án, chia rẽ tình đoàn kết, sống thiếu bác ái với anh chị em xung quanh mình. Xem người khác là kẻ thù, là “cái rác” trong mắt mình. Như vậy, liệu rằng, chúng ta đã sống đúng nghĩa với danh hiệu kitô hữu tức là người có Chúa Kitô ở trong cuộc đời của mình hay chưa?

Tất cả mọi người chúng ta đều được mời gọi để “ra đi và rao giảng cho muôn dân” (x. Mt 28,19). Chúng ta không nhất thiết phải đi đến những nơi xa xôi để rao giảng, mà hãy rao giảng ngay trong gia đình, cho con cái, vợ chồng, và những người cùng làm việc với chúng ta. Và sự rao giảng không chỉ bằng lời nói, nhưng còn qua đời sống hàng ngày. Chính nhờ sự hy sinh, từ bỏ tất cả những gì của riêng mình, mà Thánh Phanxicô Xaviê mới có tự do để đem Tin Mừng đến cho người khác. Hy sinh là quên đi cái tôi của mình vì lợi ích cao cả hơn, lợi ích của sự cầu nguyện, lợi ích khi giúp đỡ người có nhu cầu, lợi ích khi lắng nghe người khác. Món quà lớn nhất của tôi và anh chị em là thời giờ, và Thánh Phanxicô Xaviê đã hy sinh thời giờ của ngài cho người khác. Còn tôi và anh chị em có dám hy sinh thời gian của mình cho Chúa vài phút, có dám từ bỏ ý riêng của mình để hòa nhập vào cuộc sống chung của mọi người hay không. Hay chúng ta coi Chúa chỉ như tên “ăn mày thời giờ” của con người, chờ con người bố thí một ít thời gian.

Xin Thánh Phanxicô Xaviê khơi dậy nơi chúng ta tinh thần truyền giáo để người kitô hữu hôm nay biết sống vì, sống với và sống cho người khác hầu danh Chúa được tỏ sáng.
 
Tác giả bài viết: Lm. Phêrô Lê Hoàng Vinh
Nguồn tin: Gpquinhon.org
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

 

   

LƯỢT XEM TRANG

  • Đang truy cập: 31
  • Khách viếng thăm: 22
  • Máy chủ tìm kiếm: 9
  • Hôm nay: 4257
  • Tháng hiện tại: 138718
  • Tổng lượt truy cập: 12282978