Trang mới   https://gpquinhon.org

Lễ Thánh Tâm Chúa Giêsu

Đăng lúc: Thứ hai - 08/06/2015 18:49
LỄ THÁNH TÂM CHÚA GIÊSU





Lời nói được phát ra trên cửa miệng của những người giàu sang hay của những người nông dân bình thường: “Là con người thì làm việc gì cũng phải có lương tâm”. Câu nói rất đơn sơ nhưng nó khẳng định một chân lý rất sâu xa: “Thiên Chúa là tình yêu”. Thiên Chúa đã đặt trong trái tim của con người một tình yêu sâu thẳm vì “con người là hình ảnh của Thiên Chúa”.
Cảm nghiệm được điều đó Đức Giáo Hoàng Phanxicô viết trong Tông Huấn “Niềm Vui của Tin Mừng” từ số 197 đến số 199: “Trong trái tim của Thiên Chúa có một chỗ đặc biệt cho người nghèo, vì chính Thiên Chúa “đã trở nên nghèo khó” (2 Cr 8,9). Toàn thể thể lịch sử cứu độ được đánh dấu bởi một sự hiện diện của người nghèo. Ơn cứu độ đến với chúng ta qua lời thưa “Xin Vâng” thốt ra từ một thiếu nữ nghèo hèn xuất thân từ một làng nhỏ ở ngoài rìa của một đế quốc vĩ đại. Đấng Cứu Thế sinh ra trong một máng cỏ, giữa đàn súc vật, giống như bao trẻ em của các gia đình nghèo; Ngài được dâng trong Đền Thờ với một cặp bồ câu non, là loại lễ vật của những người không có khả năng mua một con chiên con (Lc 2,24 ; Lv 5,7); Ngài được nuôi dạy trong một gia đình lao động bình thường kiếm sống hằng ngày bằng bàn tay lao động của mình. Khi Ngài bắt đầu rao giảng Nước Thiên Chúa, đám đông dân chúng nghèo hèn đi theo Ngài,…”
Về vần đề này trong một cuộc phỏng vấn, Mẹ Têrêxa Calcutta đã phát biểu: “Trong 20 năm phục vụ người nghèo, càng lúc tôi càng ý thức cô đơn là căn bệnh khủng khiếp nhất của con người… Chính Chúa Giêsu cũng cảm nhận điều đó. Mang lấy thân phận con người, chia sẻ khổ đau với con người, Ngài cũng không thoát khỏi cô đơn. Nỗi niềm ấy đã dâng cao trong những giờ phút Ngài bị treo trên khổ giá, trong lúc Ngài cảm thấy như bị Chúa Cha ruồng bỏ!...
Nhờ đó Ngài mạc khải cho loài người chúng ta biết Thiên Chúa là Tình yêu., Chỉ trong tình yêu Thiên Chúa, loài người mới thắng vượt cô đơn. Với trái tim yêu thương của Chúa Giêsu, chúng ta được ban sức mạnh cần thiết để đáp trả tình yêu của Thiên Chúa qua người anh em chúng ta”.
Và Mẹ Têrêxa Calcutta nói tiếp: “Ngày hôm nay cũng như trước đây, khi Chúa Giêsu đến giữa những người thân yêu của Ngài. Ngài đến trong những thân thể hôi thối của người nghèo. Ngài cũng đến với những người giàu đang ngộp thở trong sự giàu sang của họ, trong cô đơn của trái tim họ. Chúa đến với bạn và cả với tôi. Và thường rất thương chúng ta đã để cho Ngài đi qua mà không mời gọi tiếp đón Ngài…” (Theo “Mẹ Têrêxa, biểu tượng của tình thương”)
Và điều này được thực hiện trong cuộc đời của Mẹ Têrêxa thành Calcutta, Mẹ  đã tìm gặp ơn gọi sống tận hiến cho Chúa lúc 18 tuổi. Mẹ vào Dòng của các nữ tu Đức Mẹ Loretto, và sang làm việc truyền giáo tại Calcutta bên Ấn Độ.
Trong khung cảnh ơn gọi tu sĩ, Mẹ Têrêxa nhận được một ơn gọi mà theo Mẹ là ơn gọi thứ hai, và không nghịch lại với ơn gọi thứ nhất, đó là ơn gọi sống ngoài đường phố để giúp đỡ những người nghèo khổ nhất. Mẹ phục vụ thực sự những người nghèo, đòi hỏi một lòng hy sinh và sự can đảm.
Mẹ Têrêxa đã tâm sự về những giây phút đầu tiên trong cuộc đời phục vụ người nghèo của Mẹ như sau:
“Tôi cần có một nơi để làm nhà tạm trú cho những con người bị bỏ rơi và bất hạnh nhất trong xã hội. Để tìm ra một ngôi nhà cần thiết đó, tôi đã phải đi rảo qua hết đường này đến phố nọ. Đi mãi cho đến lúc không còn sức để đi tìm được nữa. Lúc đó tôi mới hiểu thêm cảnh khổ cực của những người nghèo phải đi lang thang để tìm thức ăn khi đói, tìm thuốc uống khi đau, tìm bất cứ điều gì có thể giúp mình sống qua ngày. Tôi cũng bị cám dỗ nhớ lại và muốn trở về với cuộc sống tiện nghi ngày trước”.
Nhưng rồi Mẹ đã quyết tâm vượt qua những cơn cám dỗ đó. Mẹ đã cầu nguyện với Chúa như sau: “Lạy Chúa con đã tự nguyện sống như thế này, chỉ vì tình yêu Chúa mà thôi, con muốn ở lại sống như thế này để chu toàn thánh ý Chúa. Không, con sẽ không muốn quay trở lại với đời sống tiện nghi ngày trước. Cộng đoàn tu trì mới của con là những người nghèo, sự an ninh của họ cũng là sự an ninh của con. Sức khoẻ của họ là sức khoẻ của con. Nhà của con là bất cứ nơi nào con sống với người nghèo. Và không phải chỉ nghèo mà thôi, mà là nghèo nhất trong số những người nghèo. Đó là những người mình đầy ghẻ lở bệnh tật, là những con người không còn can đảm đi xin ăn trên đường phố, vì họ không có quần áo để che thân, là những người không còn có thể ăn uống được nữa chỉ đơn giản là vì họ không còn sức để ăn uống, những kẻ đang hấp hối gần chết. Chúa muốn cho con sống cuộc sống phục vụ này, chắc chắn Chúa sẽ giúp con chu toàn điều Chúa muốn”. 
Đó là lời cầu nguyện của Mẹ Têrêxa thành Calcutta. Mẹ hiểu rõ đâu là điều tiên quyết để dấn thân phục vụ người nghèo thật sự. Với cô thiếu nữ đầu tiên đến xin theo Mẹ để phục vụ người nghèo, Mẹ đã lưu ý đến điều căn bản sau đây: “Con phải tập từ bỏ chính mình, cuộc đời phục vụ con muốn thực hiện từ nay, sẽ là một cuộc đời từ bỏ mình liên lỉ”.
Tất mỗi người  chúng ta biết rằng: “Sống ở đời, ai ai cũng có những lúc tối lửa tắt đèn, có lúc lá rách cần lá lành, có lúc chị ngã em nâng. Sống ở đời ai ai mà không cần tới tình yêu. Nhưng ít người thực hiện tình yêu. Hay nếu có, lại chỉ vọn vẹn trong khuôn cảnh gia đình hay trong một luỹ tre làng chật hẹp. Cho nên cũng vì vậy mà trần gian mất đi nhiều nguồn vui thật”. (TMCGK ngày trong tuần”)
Tình yêu phát sinh sức mạnh. Thánh Augustinô quả quyết: “Cứ yêu rồi  thì hãy làm điều gì mình muốn”. Tình yêu sẽ thúc đẩy chúng ta phải làm một điều gì đó cụ thể cho anh chị em mình, một điều gì đó mà anh chị em mình thực sự mong đợi. Chúng ta không thể nói yêu mến Chúa mà lại làm ngơ trước nhu cầu cấp bách của anh chị em mình.
Như vậy Chúa dạy chúng ta phải biết rung động trước sự khổ đau của những người nghèo khó. Như trường của em bé gái dưới đây khiến tất cả mọi người chúng ta phải suy nghĩ lại về chính mình:
Một thương gia giàu có kia nọ bước vào quán ăn bắt gặp một em bé đứng run rẩy vì đói trước cửa tiệm. Ông ta liền mời em cùng vào ăn với mình. Nhưng ngạc nhiên làm sao khi ông thấy em bé không hề tỏ ra xúc động và thèm thuồng khi nhìn đĩa thức ăn trước mặt mình.
Em đưa mắt nhìn qua cửa sổ một cách buồn bã. Người thương gia liền hỏi: “Tại sao con không ăn? Hay là con không thích món ăn này?”
Em bé nghèo trả lời giọng đầy xúc động: “Không, con đói lắm. Con rất muốn ăn, và ăn thật nhiều... Nhưng làm sao con có thể ăn được, vì con còn một đứa em nữa cũng đang đói đứng chờ ở ngoài kia”. Vừa nói em bé vừa đưa tay chỉ cho vị thương gia thấy một em bé trai nhỏ hơn, mặc quần áo rách rưới, đang đưa đôi mắt thèm thuồng nhìn đĩa thức ăn đang đặt trên bàn.
Câu trả lời thành thật và đơn giản của em bé “Làm sao con có thể ăn được khi con còn một đứa em trai cũng đang đói đứng chờ ở ngoài kia”. Có thể trở thành một câu nói mẫu mực về tình liên đới giữa người với người, giữa ta và anh chị em bên cạnh đang thiếu thốn, cần đến sự trợ giúp thông cảm của ta!
Thánh Phanxicô đã hát lên trong lời Kinh Hòa Bình rằng: “Chính khi cho đi là khi được nhận lãnh. Chính khi thứ tha là khi được tha thứ, chính lúc chết đi là khi vui sống muôn đời…”.
Và điều này Đức Hồng Y Danielou có nói: “Chúng ta hãy tự khai mở niềm hy vọng của người bất hạnh, cho dù điều đó đe doạ đến của cải chúng ta”.
Còn Cha Charles de Foucauld thì quả quyết: “Chỉ có một số người có khả năng làm chứng bằng lời nói, nhưng mọi người đều có thể làm chứng bằng đời sống lương thiện, gương mẫu, và bằng đời sống Kitô hữu sinh động”.
Vì vậy chúng ta hãy làm một điều thiện nào đó cho mọi người.
Mahadma Gandhi, vị cha già đã dùng phương pháp đấu tranh bất bạo động để giải phóng đất nước Ấn Độ khỏi ách nô lệ của người Anh đã nói: “Tình thương là sức mạnh vĩ đại nhất mà nhân loại có trong tay. Bao lâu nhân loại chưa thấy sức mạnh ấy, thì bấy lâu bạo động vẫn còn tồn tại và chính con người tự biến thành một thứ khí giới để tự hủy và sát hại người khác”.
Vâng đúng như vậy nếu loài người chúng ta sống không đúng như giới răn Chúa dạy là “Mến Chúa yêu người”, thì chúng ta sẽ trở thành một khí giới vô cùng độc hại khi chúng ta sống “vị kỷ”, khi chúng ta sống ích kỷ hại người còn ai sống chết khổ sở mặc kệ ai,  chúng ta cứ hưởng giàu sang vui sướng…
Thế giới đều biết rằng sau khi lật đổ nhà độc tài Marcos, dân chúng Phi Luật Tân lũ lượt kéo nhau xem dinh tổng thống; nơi hai ông bà Marcos sống đế vương hơn 20 năm, trong khi người dân nghèo đói khổ sở. Mọi người dở khóc, dở cười khi nhìn thấy tận mắt cảnh giàu sang vương đế của đôi vợ chồng bạo chúa nầy!...
Dinh tổng thống đã trở thành bảo tàng viện, không phải để cất giữ những báu vật của quốc gia, nhưng để phơi bày tội ác và lòng tham của con người. Người dân Phi Luật Tân phải muôn đời ghi nhớ sự nhục nhã hèn hạ ích kỷ nầy…
Con người đối xử với nhau như thế. Nhìn thấy như vậy, chúng ta mới hiểu tình thương vô biên của Thiên Chúa, Ngài thương nhân loại đến nỗi ban Con Một của Ngài để rồi chịu chết khổ giá chuộc tội mọi người. Ngài thương loài người, cho Con Một Ngài chịu lưỡi gươm đâm thấu trái tim, để nên nguồn ơn cứu rỗi cho mọi người. Ngài kêu gọi mọi người noi theo gương của Ngài: “Các con hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu các con”.
Và điều nầy còn cho chúng ta thấy rõ trong đời sống hôn nhân, đời sống gia đình. Trong thực tế cho thấy rằng nhiều gia đình vì bị thiếu rượu nồng tình yêu và ân sủng như là những yếu tố then chốt. Họ vọng ngoại và muốn thay đổi nơi bên ngoài. Như Cha Nguyễn Tầm Thường qua quyển sách mang tựa đề : “Kẻ đi tìm” qua bài “Cana: Adam và Evà” Ngài đã viết : Họ vọng ngoại muốn thay đổi nơi bên ngoài:
Bằng cớ là có những tháng ngày họ chỉ mong được đủ ăn. Hôm nay họ chết vì ê chề thức ăn, mà họ vẫn không hạnh phúc. Bằng cớ là họ nói có được một căn nhà, vợ chồng sẽ hạnh phúc. Hôm nay họ làm chủ mấy căn hộ. Họ vẫn ly dị.
Bằng cớ là họ bảo ngày nào có con, con sẽ là gạch nối của tình yêu. Hôm nay vì con mà họ đổ lỗi cho nhau.
Họ hỏi ai cứu tôi khỏi cái chết này. Họ tìm nhiều thế lực, đó là : tâm lý, là bảo hiểm, là giải trí, là nhan sắc, là công trình, là bạn hữu… Không có một thế lực nào giải thoát họ trọn vẹn được”.
Trong Tông Huấn “Niềm Vui của Tin Mừng”, số 09 phần mở đầu, Đức Thánh Cha Phanxicô đã viết: “Lòng tốt luôn có khuynh hướng lan tỏa. Tự bản chất, mọi kinh nghiệm đích thực về lòng tốt đều tìm cách lớn lên trong chúng ta, và bất cứ ai đã từng trải nghiệm một sự giải thoát sâu xa đều trở nên mẫn cảm với nhu cầu của người khác. Khi lan tỏa, lòng tốt sẽ bén rễ và phát triển. Nếu chúng ta muốn muốn có một cuộc sống xứng đáng và sung mãn, chúng ta vươn tới người khác và mưu cầu cầu lợi ích cho họ. Hiểu theo nghĩa nầy, một số câu nói của thánh Phaolô sẽ không làm cho chúng ta ngạc nhiên: “Tình yêu của của Đức Kitô thúc bách tôi”...”
Vì vậy chúng ta hãy làm một điều thiện nào đó cho mọi người, hầu mọi người có thể nhìn vào cuộc sống của mỗi người chúng ta mà nhận biết “Thiên Chúa là nguồn mạch Tình Yêu”. Amen.
Tác giả bài viết: Lm. Gioakim Nguyễn Ngọc Minh
Nguồn tin: Gpquinhon.org
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin cũ hơn

Ý kiến bạn đọc

 

   

LƯỢT XEM TRANG

  • Đang truy cập: 22
  • Khách viếng thăm: 11
  • Máy chủ tìm kiếm: 11
  • Hôm nay: 3581
  • Tháng hiện tại: 138042
  • Tổng lượt truy cập: 12282302