Trang mới   https://gpquinhon.org

Lễ Thánh Stêphanô Thể

Đăng lúc: Thứ hai - 11/11/2013 17:58
LỄ THÁNH STÊPHANÔ CUÉNOT THỂ
(Kn 3,1-9; Rm 8,31b-39; Ga 12,
24-26)


Kính thưa cộng đoàn phụng vụ,

Hôm nay giáo phận Qui Nhơn chúng ta long trọng mừng kính trọng thể sinh nhật trên trời lần thứ 152 năm của thánh giám mục Stêphanô Cuénot Thể. Thánh nhân là vị anh hùng đã có công xây dựng và tô thắm mảnh vườn giáo phận, mà ngày nay chúng ta được diễm phúc hưởng dùng những hoa trái thiêng liêng. Cuộc đời tận tụy hy sinh vì đàn chiên và cái chết anh hùng tử đạo của ngài tự nó đã là một bài giảng hùng hồn hơn bất kỳ một bài giảng nào. Với đạo lý dân tộc “Uống nước nhớ nguồn” nhân ngày sinh nhật trên trời của thánh nhân, chúng ta hãy cùng nhau ôn lại đôi nét về cuộc đời và cái chết anh hùng của ngài dưới ánh sáng của phụng vụ Lời Chúa hôm nay.

Thánh Stêphanô Cuénot chào đời ngày 8 tháng 2 năm 1802 tại Bélieu, một giáo xứ nhỏ miền Besançon nước Pháp. Ngài là con đầu lòng trong gia đình 11 người con. Vì gia cảnh chật vật nên ngài phải bỏ học để đi chăn chiên thuê. Mãi đến năm 1816, nhờ sự can thiệp của một người bà con là linh mục Claude François Cuénot, chính xứ Bonnetage, ngài mới có thể tiếp tục học hành và năm 1821 ngài được nhận vào chủng viện. Sống trong chủng viện lúc nào Stêphanô cũng ấp ủ trong lòng giấc mộng đi truyền giáo ở phương xa. Ngày 24 tháng 9 năm 1825, ngài thụ phong linh mục lúc vừa tròn 23 tuổi. Ngày 3-7-1828 ngài lên tàu tại Bordeaux để sang Việt Nam. Sau 5 năm hoạt động tông đồ nhiệt thành và gặt hái nhiều kết quả, ngài được tấn phong giám mục khi vừa tròn 32 tuổi. Giáo phận ngài cai quản lúc đó là một giải đất chạy dài từ sông Gianh vào cho hết miền Nam Việt Nam, bao gồm cả nước Kampuchia ngày nay, gọi là giáo phận Đàng Trong. Qua những năm cấm đạo dưới triều Minh Mạng và nhất là Tự Đức, giám mục Stêphanô luôn luôn phải trốn tránh, nhưng vẫn không ngừng hoạt động khắp nơi. Ngài đặt tòa giám mục tại Gò Thị. Mối quan tâm hàng đầu của ngài là đào tạo hàng linh mục bản xứ. Vì thế, trong gần 30 năm làm giám mục, ngài đã gửi nhiều chủng sinh sang Penang và đã phong chức cho nhiều linh mục. Ngài muốn các linh mục trở nên thật thánh thiện và gương mẫu. Năm 1841, ngài đã triệu tập công nghị giáo phận tại Gò Thị, để ban cho các linh mục một hiến chương đời sống và những chỉ dẫn mục vụ quí giá. Mặc dù quan tâm tối đa đến việc đào tạo các linh mục như thế, nhưng đứng trước cánh đồng truyền giáo mênh mông, ngài vẫn thấy thiếu những tay thợ gặt lành nghề, vì vậy ngài đẩy mạnh việc tổ chức và đào tạo các thầy giảng và các chức việc. Những người này có nhiệm vụ dạy giáo lý, giải hòa các tranh chấp, chủ tọa các buổi cầu kinh, rửa tội trẻ em, chứng hôn phối và giúp kẻ liệt. Ngoài ra, để khuyến khích việc học giáo lý, ngài còn tổ chức những cuộc thi kinh và giáo lý rất hào hứng. Suốt gần 30 năm sống với đàn chiên và chia sẻ gian nan với đàn chiên, giờ đây đã đến lúc chủ chăn phải cùng chết với đàn chiên. Ngày 28-10-1861, ngài bị bắt trong khi đang ẩn nấp tại nhà bà Mađalêna Huỳnh Thị  Lưu ở Gò Bồi, rồi bị nhốt vào củi và giải về thành Bình Định trong cơn mưa tầm tã đầu mùa đông. Con đường từ Nước Mặn đến Bình Định đã từng ghi dấu chân các nhà truyền giáo đầu tiên là các cha Buzomi, De Pina và Borri vào năm 1618, nay lại in dấu chân đẫm máu của vị chủ chăn anh hùng, cho dù trận mưa tầm tã ngày hôm ấy cũng không thể xóa nhòa được. Trận mưa tầm tã hay hồng phúc ấy như giọt nước đong đầy những tháng năm dài lao tâm lao lực, vì đàn chiên rải rác trên một địa bàn dài hàng ngàn cây số. Vì thế, khi vừa đến Bình Định, ngài đã ngã bệnh nặng không ăn uống gì và ngày càng kiệt sức. Giữa khuya 14-11-1861, ngài đã qua đời trong ngục thất. Sáng hôm sau, các quan tiếp được án lệnh triều đình gửi về truyền xử bá đao và chặt đầu đạo trưởng Cuénot. Các quan truyền đem xác ngài ra chặt đầu rồi bó chiếu đem chôn. Vẫn chưa xong, ba tháng sau, một lệnh mới truyền quăng xác ngài xuống sông. Dòng sông đã khép lại đưa thi hài của ngài về chốn an nghỉ vĩnh hằng. Ngày 13-2-1899, ĐGH Lêô XIII đã đưa tên ngài vào danh sách các vị đáng kính. Đúng 10 năm sau, vào ngày 2-5-1909, ngài được Đức thánh giáo hoàng Piô X tôn lên hàng chân phước. Và ngày 19-6-1988, ĐGH Gioan-Phaolô II tôn vinh ngài lên hàng hiển thánh.

Như vậy, sau những giây phút chịu khổ nhục, ngài đã được vinh dự lớn lao, vì Chúa đã thử thách ngài như thử vàng trong lửa và chấp nhận ngài như của lễ toàn thiêu. Giờ đây linh hồn của ngài ở trong tay Thiên Chúa và chẳng cực hình nào động tới được nữa, như lời sách Khôn Ngoan đã nói trong bài đọc I. Bởi lẽ khi còn sống, không gì có thể tách ngài ra khỏi lòng mến của Chúa Kitô, cho dù đó là gian truân, khốn khó, đói rách, hiểm nguy, bắt bớ hay gươm giáo. Trong tất cả thử thách ấy ngài đã toàn thắng nhờ Đấng đã yêu thương ngài, như lời thánh Phaolô đã quả quyết với các tín hữu Rôma trong bài đọc II. Qua bao năm sống trong cảnh hầm trú, để rồi kết thúc với một cái chết trong ngục tù tối tăm, ngài đã như hạt lúa mì gieo vào lòng đất, chịu mục nát để từ đó làm phát sinh nhiều cây lúa mới, như lời Chúa Giêsu đã dạy trong đoạn Tin Mừng hôm nay. Quả thật, là con người, ai mà không sợ đau khổ, ai mà không tham sống sợ chết, nhưng vì lòng yêu mến Chúa, đã giúp thánh nhân vượt thắng tất cả: thắng vũ lực, thắng quyền bính vua chúa trần gian và thắng chính mình. Thánh nhân đã nhẫn nại và can trường trong đau khổ, vì đã có được Đức Kitô là nền tảng đích thực của niềm hy vọng hằng sống: “Các con hãy vui mừng vì phần thưởng dành cho các con ở trên trời thật lớn lao” (Mt 5,12). Cái chết của ngài không những đem lại cho ngài sự sống vinh quang bất diệt, mà còn góp phần làm cho Giáo Hội lớn lên. Di hài của thánh giám mục Stêphanô Thể ngày nay không còn nữa, nhưng vẫn còn đó một tấm gương đức tin kiên trung, một đài tưởng niệm vô hình về lòng nhiệt thành tông đồ, một khuôn mặt kiệt xuất của một nhà tổ chức đại tài, một hình ảnh của một người cha khả ái và một tâm tình kính mến tri ân nơi tâm khảm mỗi người tín hữu chúng ta hôm nay.

Cộng đoàn phụng vụ kính mến,

Ngày nay, cho dù không còn cảnh bắt đạo, không còn những cuộc điệu ra pháp trường, không còn xử trảm, không còn máu chảy như các thánh ngày xưa nữa, nhưng không vì thế mà không có những anh hùng sống đạo, vẫn còn rất nhiều những cái chết khác nhau để gieo mầm cho niềm tin của mình, chẳng hạn: Để sống đúng lương tâm công giáo, chúng ta phải chối từ những mối lợi bất chính. Để chu toàn luật Chúa, chúng ta phải từ chối những hưởng thụ ngọt ngào. Để thực hành luật yêu thương tha thứ, chúng ta phải chịu nhịn nhục. Để chọn Chúa, chúng ta phải vác thánh giá. Thật vậy, đời sống mỗi người Kitô hữu chúng ta không nhiều thì ít đều dệt bằng những hy sinh vất vả khổ cực. Nhưng hơn nhau ở chỗ chúng ta biết biến những thứ đó thành của lễ tiến dâng Chúa, biết chấp nhận phấn đấu với tấm lòng nhẫn nhục, biết hướng tâm hồn lên cao, không để cho những đau khổ đó chế ngự, chi phối hay đè bẹp chúng ta, biết quên mình xả thân vì hạnh phúc anh chị em, biết tha thứ cho những ai gây đau khổ cho chúng ta, không nổi loạn, không oán hận, không thù ghét. Những lựa chọn đó nhiều khi khiến lòng chúng ta đau đớn. Thế nhưng, chỉ có lựa chọn như thế chúng ta mới xứng đáng là môn đệ Chúa và xứng đáng là con cháu các bậc anh hùng tử đạo. Chính những lựa chọn đó mới đem lại cho chúng ta sự sống đích thực, và đưa chúng ta đến hạnh phúc vĩnh cửu.

Ước gì nhờ công nghiệp và lời cầu bầu của thánh giám mục Stêphanô Thể, xin Chúa ban cho chúng ta luôn biết sống trọn vẹn niềm tin của mình và can đảm chiếu sáng niềm tin đó cho những người xung quanh, bằng một đời sống gương mẫu, đầy tình bác ái, sống yêu thương phục vụ và can đảm làm chứng cho Chúa cho đến hơi thở cuối cùng. Đó là cách thế sống động chứng tỏ tình yêu đối với Thiên Chúa và cũng là cách thế tử đạo liên lĩ trong đời sống của mỗi người chúng ta. Amen.
 

 
 
Tác giả bài viết: Lm. Carôlô Nguyễn Phan Huy Dũng
Nguồn tin: Gpquinhon.org
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 4 trong 1 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

 

   

LƯỢT XEM TRANG

  • Đang truy cập: 22
  • Hôm nay: 4339
  • Tháng hiện tại: 135935
  • Tổng lượt truy cập: 12280195