Trang mới   https://gpquinhon.org

Lễ Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời

Đăng lúc: Thứ hai - 12/08/2013 02:43
ĐỨC MẸ HỒN XÁC LÊN TRỜI.
 (Kh 11,9a ; 12,1-6a.10ab ; 1 Cr 15,20-26 ; Lc 1,39-56)
 


A. LỊCH SỬ NGÀY LỄ

Việc tin tưởng Đức Mẹ hồn xác lên trời đã có từ lâu đời trong Hội Thánh. Ngay từ thời Hội Thánh sơ khai, các giáo đoàn tiên khởi đều tôn kính Đức Maria. Và hằng năm, nhiều nơi đã mừng kính lễ này với nhiều tên gọi khác nhau, như lễ : Đức Mẹ an giấc, Đức Mẹ chuyển biến, Đức Mẹ sinh ra trên trời, Đức Mẹ được nâng lên trời [1]

Đặc biệt sau Công đồng chung Êphêsô (năm 431), lễ Đức Mẹ an giấc [2] được mừng kính khắp nơi trong Giáo Hội Đông phương. Còn trong Giáo Hội Tây phương thì từ thế kỷ VII mới bắt đầu mừng lễ này.

Ngày 1.11.1950, Đức Piô XII long trọng tuyên bố tín điều: Đức Mẹ Hồn Xác Về Trời.

Như chúng ta biết, Đức Mẹ đã hiện ra tại La Vang vào những ngày của tháng 8 năm 1798, nên giáo phận Huế đã tổ chức Đại Hội La Vang vào tháng 8 hằng năm. Khởi đầu Đại Hội là năm 1901 thì chưa có lễ Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời, lễ này chỉ có sau năm 1950 (tức là năm tuyên bố tín điều Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời).

Trước đây, Đại Hội La Vang tổ chức vào ngày lễ Đức Mẹ xuống tuyết, nay gọi là Lễ Cung hiến Đền Thờ Đức Bà Cả, ngày 5 tháng 8, đơn giản cũng chỉ là chọn một lễ kính Đức Mẹ trong tháng 8 thôi. Ngày xưa, bởi vì Mẹ La Vang hiện ra vào tháng 8, cho nên Giáo Hội kỷ niệm hằng năm và tổ chức Đại Hội vào tháng 8. Còn ngày hôm nay, bởi vì đã có lễ trọng Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời, cho nên Đại Hội La Vang dời về lễ này cho thêm phần long trọng, và 1 công 2 việc.

Trước đây, Đức cố giáo hoàng Gioan Phaolô II đã đặc ân ban cho chúng ta Năm Toàn Xá Đức Mẹ La Vang nhân dịp kỷ niệm 200 năm Đức Mẹ hiện ra tại La Vang : 1798 – 1998. Với Năm Toàn Xá Đức Mẹ La Vang kéo dài trong 1 năm 8 tháng đó, thì chúng ta không chỉ nhớ về quá khứ yêu thương chăm sóc của Mẹ Thiên Chúa với con dân Việt Nam, mà còn được nhắc nhở rằng chúng ta vẫn còn sống trong tình yêu thương đặc biệt của Mẹ La Vang với hiện tại này, cũng như những năm 1798 ngày xưa vậy.

Và tuy rằng Năm Toàn Xá Đức Mẹ La Vang đã qua đi, nhưng tình Mẹ, sự hiện diện chăm sóc của Mẹ thì vẫn còn mãi, nếu chúng ta tin tưởng, phó thác cậy trông, yêu mến Mẹ.

Mẹ hiện ra tại La Vang, cũng như các nơi khác, là bằng chứng cho biết rằng, dù đã được lên trời hồn xác, hạnh phúc viên mãn bên Chúa, nhưng Mẹ vẫn thương đến con cái đang trên đường lữ thứ chưa về. Mẹ hiện ra khi cần để an ủi nâng đỡ. Mẹ luôn luôn bên Chúa để cầu xin nguyện giúp cho chúng ta, và xin ơn Chúa đổ xuống trên chúng ta là con cái Mẹ.

Thật là trùng hợp khi Dâng Thánh Lễ hôm nay vào đúng ngày giáo xứ (giáo họ) chúng ta chọn lễ Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời làm bổn mạng của mình, tức là chúng ta ý thức rằng chúng ta đặt mình dưới sự che chở của Đức Mẹ ; và khi Mừng lễ Đức Mẹ Hồn Xác Về Trời là cách để mỗi 1 người trong giáo xứ (giáo họ) chúng ta nhìn ngắm Đức Mẹ, người “hướng dẫn và nâng đỡ niềm hy vọng của dân Chúa đang còn lữ hành”.

B. Ý NGHĨA VIỆC ĐỨC MẸ HỒN XÁC VỀ TRỜI

Thật vậy, kính thưa quý ông bà và anh chị em. Mừng kính Đức Mẹ hồn xác về trời chính là cách chúng ta mừng những sự kỳ diệu Thiên Chúa đã làm nơi Đức Maria : Mẹ Thiên Chúa vô nhiễm nguyên tội.

Ơn được lên trời cả hồn lẫn xác này là do sự kiện Đức Mẹ là Mẹ Thiên Chúa : Thiên Chúa “đã gìn giữ cho khỏi hư nát trong mồ thân xác đã cưu mang Con của Người và đã sinh ra cho thế gian Đấng ban sự sống”.

Được làm Mẹ Thiên Chúa đã là 1 hồng ân cho cả thế giới thế nào, thì việc Đức Mẹ được về trời cả hồn lẫn xác cũng khai mở việc nhân loại sau này sẽ được về với Chúa cả hồn lẫn xác như vậy.
Trong đoạn Tin Mừng hôm nay, Đức Maria đã thốt lên Bài ca “Magnificat” (“Linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa”)[3]. Ngày nay, chúng ta cũng thế : nếu chúng ta có đức tin mạnh mẽ và lòng mến Chúa dạt dào, thì chắc chắn chúng ta không thể không thốt lên lời ca tụng cảm tạ hồng ân bao la mà Chúa đã dành cho chúng ta, như Đức Maria xưa, khi được thiên thần báo tin cưu mang Chúa trong lòng, Đức Mẹ đã vang lên những lời tán dương ca ngợi tình thương vô biên của Chúa.

Những chuẩn bị để mừng kỷ niệm 400 năm Tin Mừng lần đầu tiên đến với giáo phận Qui Nhơn tại Nước Mặn (1618-2018) ; những tấm gương của Đức Cha Stêphanô Thể ; những tâm tư của Đức Cha giáo phận nhà trong thư Mùa Vọng 2010 ; sứ điệp của Đại hội Dân Chúa 2010 ; đặc biệt nhất là những tâm tình của dịp bế mạc năm thánh Giáo Hội tại Việt Nam ở La Vang và Đại hội hành hương Đức Mẹ La Vang lần thứ 29 từ ngày 4-6.1.2011 có thể đem lại cho chúng ta 1 kinh nghiệm sống động của đời sống đức tin, và là những chất liệu giúp ta cầu nguyện, suy gẫm, dấn thân, hy sinh, để qua đó ca tụng hồng ân Thiên Chúa, như ngày xưa Đức Mẹ đã làm.

Vào dịp bế mạc năm thánh Giáo Hội tại Việt Nam ở La Vang vào ngày 4-6.1.2011, trong bài giảng của mình, vị Đặc sứ của Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI là Đức Hồng Y Ivan Dias, Tổng trưởng Thánh bộ Phúc Âm Hoá Các Dân Tộc, đã nhấn mạnh đến 3 tâm tình của Đức Mẹ qua 3 từ ngữ sau : Fiat – Magnificat – Stabat.

+ Fiat : Chúng ta hãy biết thưa tiếng Xin Vâng theo thánh ý Chúa và đặt hết niềm tin vào Ngài, giữa 1 thời đại mà người ta chỉ biết tin vào sự kiểm chứng của khoa học thực nghiệm.

+ Magnificat : Chúng ta hãy biết Ngợi Khen Chúa, vì biết bao điều kỳ diệu mà Thiên Chúa đã thi thố trên con người, trong khi con người thời đại chỉ biết chạy theo chủ nghĩa vô thần và phủ nhận sự hiện hữu cũng như vai trò của Thiên Chúa.

+ Stabat : Chúng ta hãy biết Đứng Bên thập giá Chúa, là điều mà thế gian nhục mạ, khinh khi và coi đó là sự điên rồ.

Chỉ khi nào chúng ta sống trọn vẹn 3 tâm tình nói trên, có như vậy thì chúng ta mới có thể sống trọn vẹn cho Thiên Chúa và sống trọn vẹn cho mọi người, như mẫu gương của Đức Mẹ. Vì chưng, hơn ai hết, Đức Maria đã được tuyên dương là người có phúc nhất, được lên trời trước nhất, là tạo vật đầu tiên được hưởng vinh quang huy hoàng nhất, vì Mẹ đã được Thiên Chúa yêu và nhất là vì Mẹ đã biết thương yêu nhiều nhất : Mẹ đã sống trọn vẹn cho Thiên Chúa và sống trọn vẹn cho mọi người.
 
Kính thưa cộng đoàn phụng vụ.

Đức Maria là người đầu tiên đáp lại tình yêu thương của Chúa cách nồng nàn nhất. Dĩ nhiên đó là ân huệ của Thiên Chúa đã thực hiện, như lời Mẹ thú nhận trong Tin Mừng hôm nay : “Chúa đã làm cho tôi những việc trọng đại” (Lc 1,49). Nhưng cũng phải nói là do nỗ lực, do công lao, do cố gắng hy sinh của Mẹ ở trần gian, trong cuộc sống tại thế này, để qua việc nỗ lực, cố gắng hy sinh đó của Mẹ mà làm cho hạt giống ơn Chúa được nẩy nở phát triển đến mức tối đa cho tới ngày nở hoa đẹp nhất, bông hoa cao cả nhất, bông hoa quý hoá nhất của Mầu nhiệm Nhập thể, đó là việc vui hưởng tròn đầy vĩnh phúc cả hồn xác bên cạnh Ba Ngôi Thiên Chúa.

Có thể nói rằng, việc Mẹ về trời sẽ là nguồn phấn khởi rất lớn cho tâm hồn chúng ta, và là 1 khích lệ đầy tin tưởng cho mỗi người chúng ta, cũng như sẽ là 1 lời nhắc nhở mà Chúa muốn nói với chúng ta, rằng : nếu muốn về trời với Mẹ thì hãy bắt chước Mẹ sống cuộc đời trong sạch, thánh thiện, chuyên chăm nghe Lời Chúa và thực hành điều Chúa dạy.

 Và đó cũng chính là sứ điệp của Lời Chúa hôm nay.
 

[1] Nghĩa là: Đã có những thánh lễ nói về giây phút chấm dứt cuộc đời trần thế của Đức Maria. Ai cũng tin cuộc chấm dứt này phải tốt đẹp, nhưng như thế nào thì không ai dám khẳng định.
[2] Thánh lễ “An giấc” (Dormitio) của Đức Mẹ đã được long trọng cử hành trong Giáo Hội Đông Phương. Hoàng đế Môrích (582-602) xác định thánh lễ này vào ngày 15 tháng 8 hằng năm. Mãi đến thế kỷ thứ 7, thánh lễ này mới du nhập vào Giáo Hội Tây Phương.
[3] “Magnificat anima mea Dominum” (Lc 1,46).
 
Tác giả bài viết: Lm. Giuse Phan Văn Hay
Nguồn tin: Gpquinhon.org
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

 

   

LƯỢT XEM TRANG

  • Đang truy cập: 29
  • Khách viếng thăm: 27
  • Máy chủ tìm kiếm: 2
  • Hôm nay: 4339
  • Tháng hiện tại: 137582
  • Tổng lượt truy cập: 12281842