Trang mới   https://gpquinhon.org

Lễ Chúa Hiển Dung

Đăng lúc: Chủ nhật - 04/08/2013 18:45
CHÚA HIỂN DUNG
Một cuộc đời ba cuộc vượt qua.


 
Hôm nay lễ Chúa hiển Dung hay nôm na hơn là lễ Chúa biến hình . Bài Tin mừng nói đến một sự kiện thật lạ . Với vẻ uy nghi rực rỡ tràn  ngập ánh sáng bởi trời, rực rỡ mà không chói lọi khiến các tông đồ nhìn mà say mê, mà tràn ngập hoan lạc .Và hai gương mặt nổi bật nhất trong thời cựu ước xuất hiện: Môsê và Êlia. Họ đàm đạo với Chúa Giêsu. Những tưởng họ nói về vinh quang, nói về cuộc khải hoàn vẻ vang, nói về chiến thắng, đang trong cuộc hiển dung đầy vinh quang mà. Ấy thế mà họ lại nói về cuộc xuất hành, nói tới cuộc tử nạn, nói đến cái chết ô nhục trên thập giá của Chúa Giêsu. Phải chăng chỉ là tình cờ khi mà cả hai nhân vật cựu ước xuất hiện chỉ vì họ đại diện cho nhà lập pháp và cũng như đại diện cho các ngôn sứ? Thực ra hai nhân vật cực kỳ quan trọng trong cựu ước này cũng gắn liền với những cuộc xuất hành hay còn gọi là vượt qua. Và phải chăng bài TM muốn nhắn nhủ chúng ta về những cuộc xuất hành của đời mình: một cuộc đời với những cuộc xuất hành vượt qua để có thể đến được hay đạt được hạnh phúc nước trời.  Cuộc xuất hành khởi đi từ cuộc xuất hành của Môsê vượt qua biển đỏ; cuộc xuất hành vượt qua của Êlia vượt qua những thần Baal; và cuộc xuất hành vượt qua cuối cùng của Chúa Giê su vượt qua tất cả, vượt qua cái chết cuối cùng để vào nơi hằng sống muôn đời. Đó phải chăng cũng là những cuộc xuất hành vượt qua của mỗi người chúng ta, và từ đó chúng ta cũng được như Chúa Giêsu vượt qua cái chết để vào nơi hằng sống. Chúng ta cùng nhau rảo qua những cuộc xuất hành vượt qua của cả ba đấng để tìm mối tương quan giữa cuộc đời chúng ta và của các Ngài .

Cuộc xuất hành vượt qua của Môsê chẳng phải là giải phóng dân  Do thái khỏi ách nô lệ  Pharaô vua Ai Cập sao ? Và lý do mà ông Môsê đưa ra là để dân đi tế lễ cho Chúa là Thiên Chúa của họ. Trước khi đi tế lễ, dân phải đi qua, mà nói theo từ ngữ Thánh Kinh là vượt qua Biển Đỏ. Dân Do thái trước khi đến núi Sinai tế lễ cho Đức Chúa là Thiên Chúa của họ, và cũng từ nơi đây họ ký kết một giao ước với Đức Chúa: Đức  Chúa sẽ là Thiên Chúa của họ và họ sẽ là sẽ là dân được tuyển chọn, là dân thánh, dân riêng của Đức Chúa ;một dân chuyên lo việc tế tự. Họ đã được nước biển đỏ thanh tẩy và theo các nhà chú giải: biển đỏ chính là hình bóng của bí tích rửa tội mà những người tín hữu phải chiụ thanh tẩy trước khi trở thành con Thiên Chúa. Cũng thế, Chúa Giê Su trước khi về trời đã truyền cho các môn đệ rằng: các con hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo, ai tin và chịu phép rửa, sẽ được cứu độ. Tức là như lời thánh Phaolô: khi chúng ta chịu bí tích rửa tội là chúng ta được giải thoát khỏi quyền lực của Satan, nô lệ của tội lỗi. Và thánh  Phêrô cũng  khẳng định: còn anh em, anh em là giống nòi được tuyển chọn, là hàng tư tế vương giả, là dân thánh, dân riêng của Thiên Chúa, để loan truyền những kỳ công của Người, Đấng đã gọi anh em ra khỏi miền u tối, vào nơi đầy ánh sáng diệu huyền. Xưa anh em chưa phải là một dân, nay anh em đã là Dân của Thiên Chúa. Như vậy , rõ ràng khi chịu phép rửa tội , chúng ta cũng như dân Do thái xưa đã vượt qua biển đỏ, là bí tích rửa tội. Chúng ta cũng ký kết với Thiên Chúa một giao ước mới để được trở thành Dân thánh, Dân riêng của Thiên Chúa một Dân chuyên lo việc tế tự. (1Pr 2, 9-10)

Nói thế, khi đã được rửa tội, chúng ta đã thực sự là dân thánh dân riêng của Thiên Chúa chưa? Tất cả mọi người ai trong chúng ta cũng biết rõ mình như thế nào. Dân Do thái xưa, khi đã vào được đất hứa sống trong ân sủng của Thiên Chúa, sống trong đất tràn đầy sữa và mật, nhưng vẫn chạy theo thần Ba-an tức là thần phong nhiêu, thần giầu có và sung túc. (Nói cho dễ hiểu là thần của cải, thần tiền bạc,hay bây giờ người ta gọi là thần tài). Đến độ, vào thời vua Akhap Thiên Chúa đã sai ngôn sứ  Êlia đến nói với dân riêng của Người rằng: các ngươi nhẩy khập khiễng hai chân cho tới bao giờ? Nếu Đức Chúa là Thiên Chúa hãy đi theo Người; còn nếu là Ba-an thì cứ theo nó. Và sách các vua quyển thứ nhất chương mười tám kể lại rằng:  Êlia đề nghị, ông và bốn trăm năm mươi người là những ngôn sứ của Ba-an mỗi bên lấy một còn bò mộng làm lễ tế thần của mình. Thần của bên nào nhận của lễ tiến dâng thì như lời ngôn sứ Êlia: vị thần nào đáp lại bằng lửa thì Vị đó chính là Thiên Chúa. Như chúng ta đã biết làm gì có thần ba-an tiền của  và thần Ba- an tiền của mà họ sùng bái tôn thờ này làm sao đốt được của lễ mà các ngôn sứ  của họ dâng lên. Và thế là cả bốn trăm năm mươi ngôn sứ theo thần ba –an đều bị dân chúng theo lệnh của ngôn sứ Êlia  giết sạch trong một ngày. Dân do thái, một lần nữa lại được giải thoát khỏi thần ba-an là lòng ham mê của cải. Nói một cách khác: họ đã được ngôn sứ Êlia lãnh đạo làm một xuất hành vượt qua khỏi lòng ham mê của cải vật chất. Họ đã có cuộc xuất hành vượt qua thứ hai. Chúa Giê su nói với dân chúng thời của Ngài cũng như mọi người chúng ta rằng: chẳng có thể vừa làm tôi Thiên Chúa vừa làm tôi tiền của được. Và như lời thánh Phaolô: cội rễ sinh ra mọi điều ác là lòng ham muốn tiền bạc, vì buông theo lòng ham muốn đó, mà nhiều người đã lạc xa đức tin và chuốc lấy bao nỗi đớn đau xâu xé (1Tm6, 10). Và hơn thế nữa, những kẻ muốn làm giầu thì sa chước cám dỗ, sa vào cạm bẫy, và nhiều ước muốn ngu xuẩn độc hại; đó là những thứ làm cho con người chìm đắm trong cảnh hủy diệt, tiêu vong ( 1Tm 6, 9 ). Xã hội ngày nay, với chủ nghĩa vô thần, chủ nghĩa duy vật, con người cho rằng: không có Thiên Chúa cũng chẳng có thần minh nào cả, Thiên Chúa hay thần minh chỉ là sản phẩm do con người tạo nên. Và với chủ nghĩa hưởng thụ, đề cao cá nhân, con người ngày nay chạy theo lợi nhuận. Họ cũng như dân Do thái xưa, đã đặt tiền bạc như và còn hơn một vị thần. Tiền bạc với họ có thể giải quyết rất nhiều vấn đề, đến độ tiền là tiên là phật. Không tiền làm sao chữa bệnh, không tiền sao có thể đóng học phí cho con; không tiền làm sao có được cuộc sống ấm no: không tiền làm sao công việc làm ăn trôi chảy, vì thủ tục đầu tiên vẫn là tiền đâu. Trong bối cảnh xã hội coi tiền bạc như một vị thần, như chúa tể, giáo hội như ngôn sứ Êlia xưa giải phóng hay đúng hơn có nhiệm vụ dẫn dắt đoàn chiên của mình xuất hành vượt qua thói thờ thần tiền bạc, giải phóng các tín hữu các đam mê xác thịt. Và mỗi người chúng ta cũng phải biết lắng nghe những vị ngôn sứ được Chúa sai đến là những thánh luôn sống đúng giáo huấn của Chúa mà thời nào trong suốt lịch sử giáo hội đều được Chúa sai đến để cảnh tỉnh con người chúng ta.

Và trong bài Tin Mừng hôm nay kể lại với chúng ta rằng: ông Mô sê và ông Êlia hiện ra đàm dạo với Chúa Giêsu về cuộc xuất hành vượt qua của Ngài tại Giêrusalem. Chúng ta cũng dư biết cuộc xuất hành đó như thế nào: Con Người sẽ phải chịu nhiều đau khổ, chịu các kỳ lão thượng tế bắt nộp cho dân ngoại, chịu đánh đòn, chịu chết và ngày thứ ba sẽ sống lại. Tức là sao? Đức GiêSu đã bị giết chết, và chính khi Ngài bước vào cái chết Ngài đã đánh bại tử thần,hay là Ngài đã xuất hành vượt qua cái chết để bước vào cõi sống. Nếu hạt lúa mì gieo xuống đất mà không thối đi thì nó trơ trọi một mình nhưng nếu nó thối, nó sẽ sinh nhiều bông hạt cho cuộc sống mai sau. Chỉ khi Đức Kitô Ngài mới đánh bại được tử thần, chỉ khi Đức Kitô Ngài mới vượt qua được cái chết để bước vào cõi sống muôn đời. Hơn thế nữa, Chỉ khi Đức Kitô chết đi và sống lại, thì như lời thánh Phaolo đã trở nên hoa quả đầu cho những kẻ an giấc. Ngài (thánh Phaolô) còn khẳng định nếu Đức Kitô không sống lại thì chúng ta (những tín hữu) là những kẻ đáng thương hại nhất. vì nếu chúng ta được giải thoát khỏi tội lỗi, khỏi đam mê xác thịt rồi khi chết lại cũng chỉ trở về hư vô trống rỗng thì chẳng đáng thương hại quá hay sao. Nhưng Đức Ki tô đã sống lại và đã trở nên căn nguyên cứu rỗi đời đời cho những ai được tuyển chọn

Theo sách giáo lý công giáo (số 1214) thì  mọi người tín hữu khi nhận bí tích rửa tội theo nghĩa là “dìm xuống”: đây là nghi thức chính yếu trong bí tích Thánh tẩy. Dìm xuống nước tượng trưng cho việc người dự tòng chịu mai táng trong cái chết của Đức Kitô, và từ đó cùng sống lại với Người (Rm 6,3-4). Tức là cùng với Đức Kitô chúng ta xuất hành vượt qua cái chết và cùng với Ngài đi vào cõi hằng sống. Tuy nhiên, khi lãnh bí tích thánh tẩy rổi không phải chúng ta sẽ được vào nơi hằng sống như Đức Giêsu ngay đâu. Và theo Thánh Phaolô thì khi được thanh tẩy trong sự chết của Đức Kitô, thì tính xác thịt của chúng ta không còn sống nữa mà phải sống theo Thần Khí, tức là chúng ta phải chết đi trong tính xác thịt, tính xác thịt không còn sống, không còn hoạt động gì trong chúng ta nữa. Nó phải được xuất hành vượt qua. Và khi cái chết cho tính xác thịt kia được vượt qua cho tới lúc cả cái chết về thân xác này cũng được và chắc chắn xảy ra thì chúng ta mới được vào nơi hạnh phúc muôn đời cùng với Đức Kitô. Và một vấn đề cũng cực kỳ quan trọng không kém đó là chúng ta cũng phải sinh nhiều bông trái và để bông trái chúng ta tồn tại, thì thánh Gioan nói với chúng ta rằng Đức Kitô đã chết vì anh em để anh em được sống thì đến lượt anh em cũng phải chết đi cho người khác, những người liên hệ mà Thiên Chúa đã đặt để trở nên hoa quả của mỗi người chúng ta cho họ cũng được sống. Vì khi chúng ta chết đi theo tính xác thịt và sống theo Thần Khí, sống cách sống của những yêu sách của chức vị là Con Cái Thiên Chúa, chúng ta sẽ sinh bông trái là những anh em mình, chúng ta mới có thể mang những anh em mình về với Thiên Chúa, làm cho anh em mình cũng như chúng ta trở thành con cái Thiên Chúa. Thánh Phao lô nói tôi đã quằn quại đau đớn cho đến khi Đức Kitô sinh thành nơi anh em. Chính nhờ cái chết của Đức Kitô, của các tông đồ, của biết bao vị thánh kéo dài cho tới ngày nay mà giáo hội công giáo mới tồn tại và phát triển và chúng ta mới trở thành con cái Thiên Chúa.

Xuất hành luôn hàm chứa sự vượt qua. Vì nói đến xuất hành là nói đến một chuyển động mà có chuyển động nào lại không đi từ nơi này tới nơi kia. Để đến được nơi kia ,nơi mới thì điều kiện tối cần là phải bỏ nơi cũ cái đã. Xuất hành là để vượt qua.  Để trở thành con  Thiên Chúa phải xuất hành vượt qua đời sống nô lệ tội lỗi và đời sống làm con cái ma quỉ; để trở thành dân thánh , dân riêng của Thiên Chúa chuyên lo việc tế tự phải xuất hành vượt qua khỏi những thần tiền của, thần giầu có,  thần đam mê xác thịt. Và cuối cùng để có thể sinh bông trái và vào được vào nơi hằng sống muôn đời phải xuất hành vượt qua cái chết của chính thân xác  này mà sống theo Thần Khí đã được ban cho chúng ta khiến chúng ta kêu lên “Abba, Cha ơi!”. Amen
Tác giả bài viết: Lm. Phaolô Lộc Nguyễn Kim Điện, CMC
Nguồn tin: Gpquinhon.org
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

 

   

LƯỢT XEM TRANG

  • Đang truy cập: 37
  • Khách viếng thăm: 22
  • Máy chủ tìm kiếm: 15
  • Hôm nay: 4339
  • Tháng hiện tại: 136148
  • Tổng lượt truy cập: 12280408