Trang mới   https://gpquinhon.org

Giảng lễ Thánh Matthêô

Đăng lúc: Thứ sáu - 20/09/2013 21:00
GIẢNG LỄ THÁNH MATTHÊÔ
Nhà thờ Chính Tòa Qui Nhơn, ngày 21.9.2013



Một khách du lịch đang đi trên đường phố, tận hưởng sự sung sướng của một ngày nhàn hạ. Bổng nhiên, ông giật mình vì tiếng thét của một phụ nữ đang quỳ gối khóc lóc trước một đứa trẻ đang đứng mặt mày tái mét. Qua quan sát, ông nhận ra rằng đứa trẻ bị hóc vật lạ trong cổ. Ông tiến lại gần, nắm chân thằng nhóc lên, dốc ngược, giũ lên giũ xuống vài cái thì một đồng tiền rớt ra. Tai qua nạn khỏi, người đàn bà cám ơn rối rít: “Thật không biết nói gì để cám ơn ông, thật không có ông tôi chẳng biết làm thế nào nữa. Nhưng làm sao mà ông biết cách lấy nó ra vậy, ông có phải là bác sĩ không mà biết cách lấy đồng tiền ra như vậy?” Người khách du lịch đáp: “Ồ! Không! Tôi không phải là bác sĩ, tôi là thuế vụ!”

Một đồng xu nuốt trong bụng rồi mà cũng không yên với thuế vụ, phải bị moi ra cho bằng được. Và tôi cũng không biết là ông du khách thuế vụ kia có bỏ luôn đồng xu đó vào túi mình hay không. Nếu có, chúng ta cũng nên thông cảm bởi vì đối với ông thì việc bỏ tiền người khác vào túi của mình chỉ là thói quen nghề nghiệp. Đó là cái nghề đáng ghét nhưng là nghề của người mà chúng ta gọi Thánh Matthêô đã làm để kiếm sống. Cái cách léo lận như là một bí quyết nghề nghiệp đã đem lại cho ông nhiều tiền nhiều bạc nhưng đồng thời cũng khiến ông bị khinh rẻ tỷ lệ với những đồng tiền ông moi móc được cách bất chính. Chính vì thế mà ông cố gắng che đậy sự giàu có của mình. Có thể ông sống trong một ngôi nhà bình thường ở Capharnaum, nhưng ai cũng biết ông có nhà ở Giêrusalem và không chừng một vài căn nữa ở Capharnaum. Ông giả dạng thường dân và nếu sống ở Việt Nam, người ta sẽ gọi ông là người “ăn gà bằng kéo”. Nghĩa là sao? Nghĩa là chung quanh ông biết bao người phải chật vật kiếm miếng ăn thì ông vẫn có thịt gà trong bữa ăn sang trọng hằng ngày, nhưng phải sử dụng kéo để ăn bởi vì nếu dùng dao thớt thì hàng xóm sẽ nghe thấy tiếng chặt thịt. Tiếng dao thớt sẽ tố cáo sự giàu có bất chính của ông, thôi cứ dùng kéo cho nó yên lành. Ông đã là tù nhân trong sự giàu có bất chính của mình.

Và tù nhân Matthêô hôm nay đã được Chúa Giêsu mở toang cánh cửa ngục để tiếp xúc với ánh sáng, với tự do, với ân sủng. Ông như một bệnh nhân lâu năm gặp được một thầy thuốc chuyên trị sau bao năm chạy chữa vô hiệu. Chính những bệnh nhân như Matthêô mà Chúa Giêsu cần tìm đến. Ngài sẽ là một thầy thuốc tồi nếu chỉ đến thăm nhà những người mà sức khỏe rất tốt, không có vấn đề. Bổn phận của ngài là đi đến với những ai cần mình. Diogenes là một trong những triết gia lớn của Hy Lạp cổ đại. Ông luôn so sánh sự suy đồi của thành Athens, nơi ông đang sống, với sự giản dị của thành Sparta. Một ngày kia có người nói với ông rằng: “Nếu ông cứ nghĩ về thành Sparta thì tại sao ông không đến đó mà ở?” Ông trả lời: “Dù có muốn làm gì đi nữa thì tôi vẫn phải ở nơi mà người ta cần tôi nhất”.” Vì thế, những người tội lỗi là những người cần Chúa Giêsu nhất và đó là lý do Ngài đã đến với họ. Khi Chúa Giêsu nói “Tôi không đến để kêu gọi người công chính, nhưng để kêu gọi người tội lỗi”, nói như vậy không phải là Chúa Giêsu muốn nói rằng có những người công chính, và tốt lành đến nỗi họ không cần bất cứ điều gì mà ngài có thể cho họ được; lại càng không có ý nói rằng ngài không quan tâm đến những người công chính, những người quá tốt. Thực ra, ý ngài muốn nói rằng: “Tôi không đến để kêu mời những ai quá tự mãn về chính mình đến độ không cần sự giúp đỡ của người khác. Tôi đến để kêu mời những người ý thức về tội lỗi của mình và vô vọng tìm kiếm một người có thể giúp đỡ mình. Chỉ có những người như vậy mới thấy họ cần tôi như thế nào và sẵn sàng chấp nhận lời mời gọi của tôi”

Không phải tình cờ mà bài tường thuật về ơn gọi của Thánh Matthêô nằm ở cuối và kết thúc hàng loạt những phép lạ mà Chúa Giêsu đã làm. Ngay trước trình thuật về ơn gọi của thánh Matthêô là trình thuật về phép lạ chữa lành người bị bại liệt. Theo lệnh Chúa Giêsu, ông đứng dậy vác chõng mà đi. Người bại liệt ấy có phải là hình ảnh của người thu thuế Matthêô không? Chính xác từng milimét, không còn nghi ngờ gì nữa. Chúng ta nhớ lại lời Chúa Giêsu nói rõ ràng với người bại liệt: “Để anh biết con người có quyền tha tội trên mặt đất này thì: hãy đứng dậy vác chõng mà về nhà của anh đi” (Mt 9,6). Đấy chẳng phải chính xác những gì Matthêô đã làm hay sao? Thánh Matthêô, theo lệnh của Chúa Giêsu, đã đứng dậy rời khỏi bàn thu thuế, ôm theo đống sổ sách mà ông đã chết chìm trong đó, ông đã gắn liền với nó như người bại liệt dán mình trên chiếc chõng. Nay người vác chõng người ôm sổ, cả hai đều về lại « căn nhà của mình ». Và ở “căn nhà” của Matthêô, Chúa Giêsu đang đợi đấy để cả hội cùng nhau mở tiệc ăn mừng vì « một người con đã chết nay sống lại, đã mất nay lại tìm thấy » (Lc 15,24).

Ngày xưa ở Capharnaum và ngày nay ở thế giới mà chúng ta đang sống, Chúa Giêsu vẫn đưa ánh mắt tìm kiếm đầy thương xót về phía mỗi người chúng ta. Ngài vẫn nhìn về phía những người đang bận tâm với vấn đề tiền của và nói với họ : « Hãy theo thầy ». Ngài vẫn nhìn về phía những người mặc cảm vì trót dính vào những công việc tội lỗi và nói : « Hãy theo thầy ». Có thể một lúc nào đó, chính mỗi người chúng ta đã nghe thấy tiếng gọi ấy, nhưng còn ngại ngần vì chưa biết phải bắt đầu từ đâu và như thế nào cho xứng đáng. Nhưng khi nhìn lại cuộc đời và ơn gọi của Thánh Matthêô, chúng ta nhận ra một tin vui khá hiển nhiên là không cần phải thật hoàn hảo để bắt đầu làm một điều gì đó tốt đẹp. Chỉ một lần gặp gỡ Đức Kitô, chỉ cần để cho hồn mình gặp được người rất cần thiết cho nó, chỉ cần thật tâm đón nhận ơn tái sinh thì Chúa sẽ biến đổi cuộc đời mình như thánh Matthêô. Mà không chỉ có một mình Matthêô thôi đâu. Trong việc lựa chọn các môn đệ chúng ta thấy cái cách mà việc Thiên Chúa làm: ngài chọn những người bình thường, thậm chí dưới cả mức bình thường. Thế nhưng, Chúa Giêsu đã chọn các tông đồ không phải vì họ là gì nhưng vì họ sẽ là gì dưới sự hướng dẫn và quyền năng của Thiên Chúa. Vậy thì khi Thiên Chúa kêu gọi chúng ta phục vụ Ngài, chúng ta không cần phải suy nghĩ nhiều về con người hèn kém của bản thân mình. Chỉ cần dâng lên chính con người của mình với tất cả những hèn yếu của nó và để tùy ngài sử dụng theo cách của ngài. Công việc của chúng ta cần làm luôn đặt mình trước sự hiện diện của Chúa. Chính chúng ta sẽ lựa chọn sự quyết định của mình từng ngày một và chính sự quyết định của chúng ta sẽ làm cho mình trở nên người tông đồ trung thành hay kẻ phản bội.

Hôm nay cũng là ngày lễ mừng bổn mạng của Đức cha Matthêô. Đó là lý do tại sao hôm nay, trong nhà thờ này, cộng đoàn chúng ta đông hơn bình thường, nhiều màu sắc hơn, nhiều thành phần hơn. Sự hiện diện của các thành phần trong cộng đoàn chúng ta hôm nay sẽ thay lời chúc mừng không cần phải nói ra. Điều mà Đức cha cần chính là những lời cầu nguyện của chúng ta hơn là “những lời xông hương xông khói”. Trong trách vụ của ngài, những cuộc hành trình dọc ngang theo chiều dài giáo phận ắt sẽ vắt kiệt sức lực nếu không có một sức khỏe cực tốt. Vậy thì chúng ta cầu xin Chúa gìn giữ và ban cho Đức cha một sức khỏe thật là dồi dào, một sức khỏe mà theo như lời sách Châm Ngôn 3, 8 nói rằng: “Một sức khỏe từ đầu tới rốn và thấm đến tận xương cốt”. Chúng ta cầu xin Chúa gìn giữ và ban cho Đức cha một sức khỏe thật là dồi dào để chúng ta có thể trả lời với mọi người như các anh em của Giuse ở Ai Cập, khi được Giuse hỏi về sức khỏe của Giacóp, thì họ trả lời rằng: “Tôi tớ của Ngài là Cha chúng tôi vẫn còn rất khỏe mạnh!” (St 43, 28). Giuse bằng lòng với câu trả lời đó và làm hòa với các anh em sau đó. Miệng lưỡi khôn ngoan đó là sức khỏe (Cn 12, 18). Chúng ta cầu cho Đức cha có được sức khỏe tinh thần là sự khôn ngoan của Chúa Thánh Thần để đối phó với bao vấn nạn trong Giáo phận. Và cuối cùng, cùng với của lễ mà chúng ta sắp dâng lên nhân ngày kính thánh Matthêô, bổn mạng của Đức cha giáo phận, chúng ta chuẩn bị tâm hồn tham dự bàn tiệc Thánh với niềm vui, một niềm vui mà theo lời nguyện kết lễ thì đó chính là niềm vui của thánh Mátthêô khi người hân hoan đón tiếp Chúa Cứu Thế đến dùng bữa trong nhà mình. Amen
 
Tác giả bài viết: Lm. Phaolô Nguyễn Minh Chính
Nguồn tin: Gpquinhon.org
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

 

   

LƯỢT XEM TRANG

  • Đang truy cập: 23
  • Khách viếng thăm: 14
  • Máy chủ tìm kiếm: 9
  • Hôm nay: 4339
  • Tháng hiện tại: 136731
  • Tổng lượt truy cập: 12280991