Đời sống cộng đoàn tu trì : Lề luật và Đức ái

Thứ sáu - 10/05/2019 05:55

Chúa Nhật IV Phục Sinh, Chúa Nhật Chúa Chiên Lành, ngày cầu nguyện cho ơn thiên triệu linh mục và tu sĩ đã sắp đến. Thiết nghĩ những bạn trẻ muốn đi tu cần đọc bài viết sau đây để hiểu biết thêm về đời sống cộng đoàn tu trì.
 

ĐỜI SỐNG CỘNG ĐOÀN TU TRÌ:
LỀ LUẬT VÀ ĐỨC ÁI

Đời sống cộng đoàn là cốt yếu cho bất kỳ hình thức đời tu nào trong Hội Thánh Công Giáo. Trong Tông huấn về Đời Sống Thánh Hiến, số 41, Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II khẳng định: “Bằng việc liên tục thúc đẩy tình yêu huynh đệ, dưới hình thức đời sống chung, đời thánh hiến cho thấy sự tham dự vào sự hiệp thông Ba Ngôi có thể thay đổi các tương quan con người và tạo ra những kiểu liên đới mới. Bằng cách đó, đời thánh hiến nói cho con người về vẻ đẹp của hiệp thông huynh đệ cũng như về những con đường dẫn tới sự hiệp thông ấy”.

Vậy là đời sống cộng đoàn tu trì diễn tả tương quan Ba Ngôi và thông dự vào đời sống của Ba Ngôi. Chính chiều kích tương quan thần linh này làm cho cộng đoàn tu trì có được vị trí ưu tiên so với cá nhân trong suốt truyền thống lịch sử văn hóa của đời thánh hiến.

Nhưng có một căng thẳng đôi ngã hiện sinh giữa “tôi” và “chúng ta”
Một cộng đoàn tu trì bao giờ cũng có thời khóa biểu, thiết lập một trật tự những giờ giấc sinh hoạt nói chung, có một khuôn khổ sống, có những quy định… Trong khi đó, cá nhân người tu lại có hoàn cảnh riêng với tính tình, biến cố tâm hồn, sức khỏe bản thân, nhu cầu công việc… Thế nên, từ “cái riêng” cụ thể của mỗi thành viên đến “cái chung” cố định của cộng đoàn là một khoảng cách không nhỏ. Khoảng cách này tạo nên mối căng thẳng giằng co, đến nỗi khó tìm thấy sự hòa hợp giữa “tôi” và “chúng ta”.

Do đó, không thiếu những trường hợp cộng đoàn rơi vào tình trạng vì phải đảm bảo nề nếp sinh hoạt chung nên quên đi cá nhân người tu trong cộng đoàn. Điều này dẫn đến thái độ sống chỉ nỗ lực tu trì bằng cách cố gắng tuân giữ những giờ giấc sinh hoạt theo kiểu là một thói quen đều đặn, thiếu đi sự dấn thân làm cho đời tu đạt tầm mức trưởng thành. Sống những gì “chung” là đương nhiên trong đời sống tu trì, nhưng nếu quá lệ thuộc thì người ta sẽ trở thành một con số mất hút trong đám đông của cộng đoàn. Và khi bị áp lực phải bảo đảm lề luật bằng mọi giá, người ta sẽ rơi vào việc yên tâm với đời sống chung mà không có tình hiệp thông huynh đệ. Nếu cộng đoàn không còn khả năng mở ra quy tụ và đón nhận những khác biệt thì cộng đoàn sẽ bị nghèo đi và khả năng loại trừ nhau là rất lớn.

Ngược lại, nếu cứ sống theo lối dễ dãi, hoặc là thường xuyên loại bỏ những quy định chung thì sự đổ vỡ trong đời sống sẽ là trầm trọng. Trình trạng người tu không hướng đến thái độ tự do tuân phục, tự chủ, lãnh nhận trách nhiệm đối với bản thân và cộng đoàn, thì cá nhân người tu sẽ rơi vào tình trạng không có khả năng đón nhận nề nếp chung như một giá trị đỡ nâng bản thân, sống chỉ là đối phó với tình thế.

Như vậy, vẫn luôn có một quãng đường rất dài từ “tôi” đến “chúng ta”, giữa “đời sống chung” và “hiệp thông đời sống”.

Kiến tạo sự hiệp nhất giữa “tôi” và “chúng ta”, “sống chung” và “hiệp thông đời sống”
Sống đời tu là sống trong cộng đoàn, nơi đó điều lý tưởng luôn là cộng đoàn sống hết mình cho sứ vụ trong linh đạo của hội dòng. Tuy nhiên, nếu “cái chung” trở thành tiêu chuẩn giá trị duy nhất trong đời sống mà không lưu tâm để ý đến sự trưởng thành và thái độ chủ động của cá nhân thì không thể có một sự hiệp thông đích thực. Sự hiệp thông đích thực chỉ có được khi mỗi cá nhân được nâng đỡ, được biết đến, để họ tự do và tự nguyện sống tâm tình thuộc về, tức là sống thái độ chấp nhận bỏ mình để thuộc về nhau. Do đó, văn kiện “Đời sống huynh đệ cộng đoàn” của Bộ Tu sĩ dạy: “Cần phải tìm kiếm một sự quân bình chính đáng [...] Sự quân bình đó phải tránh sức mạnh phân rẽ của chủ nghĩa cá nhân lẫn khía cạnh cào bằng của chủ nghĩa cộng đồng. Cộng đoàn tu sĩ là nơi diễn ra cuộc vượt qua hằng ngày và kiên trì từ cái “tôi” đến “chúng ta”, từ công tác của tôi đến công tác được ủy thác cho cộng đoàn; từ việc tìm kiếm “những điều thuộc về tôi” đến việc tìm kiếm “những điều thuộc về Đức Kitô”[1].

Vậy có hai chiều kích luôn hiện diện trong đời sống cộng đoàn của người tu trì: một là ý thức mạnh mẽ về sự tin tưởng cá nhân, nghĩa là ý thức về giá trị của riêng mình, nơi những người làm nên cộng đoàn; hai là ý thức về sự liên đới với tất cả mọi người tham dự vào kinh nghiệm cộng đoàn ấy. Hai chiều kích đó bổ túc trong cùng một thực tại duy nhất là cộng đoàn. O’Murchu chỉ ra đặc điểm của một cộng đoàn tiêu biểu cho thế giới ngày nay: “Cộng đoàn có nghĩa là sự chấp nhận, tính hỗ tương, tình bạn và tình đồng đoàn. Ở bình diện sâu hơn, cộng đoàn bao hàm sự tăng trưởng và thách đố. Ở đâu có được cộng đoàn đích thực ở đấy chúng ta đi vào trong một điều gì còn sâu hơn: sự tăng trưởng thiêng liêng và sự biện phân. Tầng lớp sâu xa cần đến tầng lớp thông thường như một cửa ngõ đi vào, và việc bồi đắp sự chấp nhận và làm bạn với nhau là những đức tính chủ chốt cho tất cả các giai đoạn. Tạo ra ý thức cộng đoàn này là một nhu cầu mục vụ cấp bách của thời đại chúng ta, một nhu cầu mà người tu được mời gọi tham dự vào với vai trò môi giới và sáng tạo”[2].

Thế nên, vấn đề là cần có sự đồng hành trong cộng đoàn, bằng việc lắng nghe đầy cảm thông để có những chọn lựa các giá trị thích hợp trong chấp nhận và liên đới. Điều này đòi hỏi một đức ái nỗi bật, đặc biệt nơi bề trên, và một ý thức rõ ràng về lề luật, cái khuôn khổ vừa mang tính định hình vừa là khung cho cộng đoàn hoạt động, nơi tất cả mọi người.

Trong thực tế O’Murchu đã nhận định rất đúng: “Người tu tỏ ra kém cỏi khi phải xây dựng cộng đoàn. Mặc dù đa số các Hiến pháp dành trọn nhiều đoạn cho việc xây dựng cộng đoàn và trình bày nó như lý tưởng hàng đầu, trong thực tế, chính con người chức năng mới chiếm ưu tiên chứ không phải con người tương quan của chúng ta. Hầu hết các dòng tu đều tổ chức lối sống của mình không phải xung quanh giá trị của cái (hiện hữu) mà là xung quanh giá trị của cái làm(hành động)[3]. Do đó, sám hối và canh tân là điều luôn cần thực hiện cho mỗi cá nhân và cộng đoàn trong đời sống tu trì.

Đón nhận thực tế và mạnh mẽ bước đi
Văn kiện “Đời sống Huynh đệ trong Cộng đoàn” số 26, nhắc nhở: “Lý tưởng cộng đoàn không được làm chúng ta mù quáng trước sự kiện này là mọi thực tại Kitô giáo được xây dựng trên sự mỏng manh yếu đuối của con người. Chưa có “một cộng đoàn lý tưởng”: sự hiệp thông hoàn hảo của các thánh là mục tiêu của chúng ta ở Giêrusalem trên trời.

Thời của chúng ta bây giờ là thời khởi công và kiên trì xây dựng. Chúng ta luôn luôn có thể cải thiện và cùng nhau đi tới một cộng đoàn khả dĩ sống trong tha thứ và yêu thương. Các cộng đoàn không thể tránh được hết mọi xung đột va chạm. Sự hiệp nhất mà chúng ta phải xây dựng là sự hiệp nhất được thiết lập bằng cái giá của sự hòa giải. Sự bất toàn trong cộng đoàn không được làm chúng ta nản chí.

Mỗi ngày, cộng đoàn lại lên đường, được giáo huấn của các Tông Đồ nâng đỡ:“Hãy thương mến nhau với tình huynh đệ, coi người khác trọng hơn mình” (Rm 12,10); “Hãy đồng tâm nhất trí với nhau” (Rm 12,16); “Hãy đón nhận nhau, như Đức Kitô đã đón nhận anh em” (Rm 15,7); “Tôi tin chắc rằng anh em … có khả năng khuyên bảo nhau” (Rm 15,14); “Anh em hãy đợi chờ nhau” (1Cr 11,33); “Hãy lấy đức mến mà phục vụ lẫn nhau” (Gl 5,13); “Hãy an ủi nhau” (1Tx 5,11); “Hãy lấy tình bác ái mà chịu đựng lẫn nhau” (Ep 4,2); “Phải có lòng thương xót và biết tha thứ cho nhau” (Ep 4,32); “Vì lòng kính sợ Đức Ki-tô, anh em hãy tùng phục lẫn nhau” (Ep 5,21); “Hãy cầu nguyện cho nhau” (Gc 5,16); “Hãy lấy đức khiêm nhường mà đối xử với nhau” (1Pr 5,5); “Chúng ta được hiệp thông với nhau” (1Ga 1,7); “Khi làm điều thiện, chúng ta đừng nản chí, … nhất là cho những anh em trong cùng đại gia đình đức tin” (Gl 6,9-10)”.

Theo thiển nghĩ, vì hậu quả chính yếu của tội tổ tông là sự chia rẽ trong nhân loại, nên công trình cứu độ của Thiên Chúa, không gì khác hơn, là tái tạo sự hiệp nhất của một nhân loại mới. Thế nên, lời cầu nguyện “để họ được nên một như chúng ta là một” (x. Ga 17,21-22) làmột viễn tượng mà tự lý trí con người vô phương đạt tới, nếu người ta không đi vào đường nét đặc trưng của chương trình cứu độ. Đó là chính nhờ Tình Thương Cứu Độ của Thiên Chúa mà người ta yêu mến nhau, đón nhận nhau, liên đới với nhau để hiến dâng. Thánh Kinh dạy rằng tình yêu mến Thiên Chúa không thể tách rời với tình yêu tha nhân, vì tất cả đều tóm lại trong lời này: “Hãy thương yêu người thân cận như chính mình... Yêu thương là chu toàn Lề Luật vậy” (Rm 13,9-10).

Đời sống cộng đoàn của người tu sĩ cắm rễ sâu trong mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi nên đức ái là bản chất, lề luật là cái khung để đức ái thể hiện. Không thể có đức ái nếu không cầu nguyện; không thể chu toàn lể luật nếu không có hy sinh./
                     

Nguồn : trích từ tập san « Nhịp Cầu Thánh Hiến và Mục Vụ » số 20 của Ban Tu Sĩ Giáo Phận Qui Nhơn.

 


[1] Văn kiện Đời sống huynh đệ trong cộng đoàn. Số 39.

[2] Diarmuid O’ Murchu, Reframing Religious Life, Quezon City: Claretian Publications, 2001,p.103.

[3] Sđd. Tr 104.

Tác giả bài viết: Lm. Đaminh Trần Thật, CSsR

 Tags: Hội dòng

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

lich cong giao 2022 - 2023
tapsanmucdong
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập173
  • Máy chủ tìm kiếm21
  • Khách viếng thăm152
  • Hôm nay22,286
  • Tháng hiện tại574,964
  • Tổng lượt truy cập28,890,333

Chúng tôi trên mạng xã hội

CÁC GIÁO HẠT
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây