Nỗi niềm trong giờ Chầu

Thứ hai - 06/09/2021 05:26
NỖI NIỀM TRONG GIỜ CHẦU
 

Tôi ngồi đây viết lại dòng cảm xúc này khi lệnh phong tỏa tại Phường Hải Cảng sau 48 tiếng (từ đêm 30/8 -1/9) đã được gỡ bỏ.

Vẫn giờ Chầu bình thường theo phiên của mình nhưng hôm ấy có một cảm giác rất lạ, tôi không nghĩ mọi sự trở nên im ắng đến như thế!

 
Cùng giờ này của những ngày trước lệnh phong tỏa, tiếng xe cộ qua lại, tiếng rao bán thức ăn vặt về đêm, tiếng hét hào hứng thắng trận của mấy đứa nhóc chơi game nơi tiệm internet bên kia đường có làm tôi bực bội trong lúc cầu nguyện nhưng nó đã trở nên quen thuộc, bình thường của cuộc sống.
 
Chỉ có hai ngày mà cái vắng lặng thật đáng sợ, không phải tôi không biết quý trọng sự tĩnh lặng. Cái im lặng giữa mùa đại dịch trong khu phố của mình làm tôi hồi hộp sợ có chị em trong cộng đoàn, có ai đó trong gia đình hàng xóm bị máy test nhanh cho kết quả dương tính với Covy, sợ tiếng hú còi xe cấp cứu đến mang ai đó đi cách ly… ngồi đây bên Thánh Thể mà tâm chẳng yên dù bầu khí thật tĩnh lặng.
 
Giữa tĩnh lặng tràn ngập ấy, những tin tức, những sự kiện thực tế tiếp tục kéo tôi đi xa đến cuộc sống của anh chị em ở những vùng tâm dịch tận Sài Gòn, Bình Dương trong những ngày này, họ phải đón nhận bầu khí căng thẳng đến mức nào! Từ những người có trách nhiệm trong đạo, ngoài đời đến các cộng đoàn dòng tu và từng gia đình người dân… mọi người phải ở trong nhà, mọi hoạt động cuộc sống dừng lại là cách chung tay chống chọi với sự nguy hiểm của virus Corona nó đến từ hai năm nay và đến giờ vẫn còn căng như dây đàn.

Thêm nữa, những chia sẻ của mấy đứa trẻ cứ lập lại trong tâm trí :
- Mẹ ơi, đưa con đi học đi, sao nghỉ học lâu thế mẹ, hết thứ Bảy, Chúa Nhật rồi mà…
-  Con trả bài rồi sao đến giờ lớp con chưa được Xưng tội Rước lễ …?
…đến tin Bà Phương Hằng là gì trong thế giới truyền thông mà lên sóng đả phá người Công Giáo (quanh chuyện bà ta nói về Bí Tích Giải Tội) cùng bao nhiêu thông tin tốt xấu giữa mùa dịch bệnh cứ tràn về,
Phút chốc, tôi kéo được mình trở lại với thực tại, trải lòng trước những thực trạng mà bao con người từ trẻ đến già vì giãn cách xã hội phải ghánh chịu trước Chúa Giêsu Thánh Thể,
Chúa ơi, giữa cơn đại dịch này, không phải chỉ riêng con mà nhiều anh chị em hỏi sao Chúa im lặng lâu zậy !
Phải chăng Chúa đang sửa dạy cách ăn thói ở, nếp sống vô thường của con người ngày nay ?   

Bởi còn đó, giữa trăm ngàn khó khăn bất ổn vì dịch bệnh mà người ta vẫn lợi dụng để trục lợi cho bản thân, dùng miệng lưỡi để nói xấu nhau, đưa nhau lên mạng xã hội chế diễu, cười cợt làm tổn thương đến phẩm giá người khác…

Lạy Chúa ! bầu khí im ắng này cho con nghiệm ra cái im lặng của Chúa, Chúa có cách của Chúa để con người nhìn lại chính mình. Chúa im lặng để nhìn cách con người hành xử với nhau. Chúa im lặng để con người bộc lộ tột cùng sự dữ và sự ác của mình. Con virus quái ác này không phải do Chúa, không do thiên nhiên mà do từ cái tâm độc ác của con người.

Chúa ơi, lúc này Chúa đang mời gọi con “Anh em hãy sống hoà thuận với hết mọi người, hãy ăn ở thánh thiện, chẳng vậy không được nhìn thấy Thiên Chúa. Anh em hãy coi chừng, đừng để mất ơn Chúa, đừng để một rễ cay đắng nào mọc chồi gây xáo trộn và làm cho nhiều người bị nhiễm độc” (x. Dt 12, 4-7, 11-15).

Con đang ở đây, trong giờ này để thờ phượng Chúa thay cho những linh mục, tu sĩ, nhân viên y tế, thiện nguyện viên đang ở tuyến đầu chăm sóc bệnh nhân nhiễm Covid-19… Xin Chúa gia tăng thêm sức mạnh thể chất và tinh thần cho từng thành phần dân Chúa trong thời gian giãn cách xã hội. Trong khi các nhà thờ, các sinh hoạt tôn giáo không được hoạt động thì niềm tin sống động vẫn luôn được duy trì và thể hiện nơi các giờ cầu nguyện của cá nhân, giờ kinh chung, cơm chung, giải trí chung với nhau nơi các mái ấm gia đình. "Chính cha mẹ có nhiệm vụ tạo cho gia đình một bầu khí thấm nhuần tình yêu cũng như lòng thành kính đối với Thiên Chúa và tha nhân. Để giúp cho việc giáo dục toàn diện của con cái họ trong đời sống cá nhân và xã hội được dễ dàng. Do đó gia đình là trường học đầu tiên dạy các đức tính xã hội mà không một đoàn thể nào khác có thể vượt qua được” (ĐSGĐ 38)   

Giữa những lời qua tiếng lại của truyền thông, xin Chúa cho mọi Kitô hữu sống Đức Ái Kitô Giáo triệt để hơn, không chỉ bằng việc đọc kinh dâng lễ, chia sẻ cơm áo vật chất, động viên tinh thần với người nghèo mà còn phải biết phân định khi sử dụng mạng xã hội Mạng Xã Hội chính là cánh cửa của sự thật và đức tin, không gian mới cho việc chia sẻ Tin Mừng và hy vọng”. (ĐTC Bênêđichtô XVI ), nhưng phải thận trọng“Giáo hội trải qua khủng hoảng là bởi vì Giáo hội đang sống, không giống như người chết thì không gặp khủng hoảng.” Vậy nên, điều cần là mỗi người “phân định ý Chúa trong cuộc sống hàng ngày”. Mỗi sự kiện lớn nhỏ xảy ra cuộc sống đều là phương tiện giúp ta kết hiệp với Chúa và tìm kiếm ý Ngài(ĐTC Phanxicô).

Cám ơn Chúa vì sự hy sinh cao cả của các y bác sĩ, nhân viên y tế, các thiện nguyện viên, sự dấn thân của họ cho con cảm nghiệm“tình yêu mạnh hơn sự chết”, đây là bằng chứng sống động, cụ thể thiết thực của những tâm hồn đã chạm được Chúa; con thật sự xúc động nhưng không thể xách balô lên đường “đi ra” như họ bởi đây không phải Ý Chúa muốn nơi con, con hiểu rằng lúc này “con phải đi vào trong nội tâm của chính mình”, khi đạt tới một kinh nghiệm thiêng liêng trong cầu nguyện thâm sâu con sẽ có trải nghiệm để thực thi đức ái qua hành động phục vụ trong đời thường mà Chúa muốn nơi con. Amen.
 
 

 

Tác giả bài viết: Nt. Anna Lê

Tổng số điểm của bài viết là: 25 trong 5 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 5 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

lich cong giao 2022 - 2023
tapsanmucdong
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập119
  • Máy chủ tìm kiếm55
  • Khách viếng thăm64
  • Hôm nay16,761
  • Tháng hiện tại631,518
  • Tổng lượt truy cập28,946,887

Chúng tôi trên mạng xã hội

CÁC GIÁO HẠT
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây