Cercle d’études Franco-Annamite de Quinhon: Quy chế và những hoạt động văn hóa xã hội

Chúa nhật - 26/12/2021 17:46
CERCLE D’ÉTUDES FRANCO-ANNAMITE
DE QUINHON
QUY CHẾ VÀ
NHỮNG HOẠT ĐỘNG VĂN HÓA XÃ HỘI


Lm. Phaolô Nguyễn Minh Chính
(Lm. Phaolô Nguyễn Minh Chính, Ngả bóng thời gian, Nxb. Hồng Đức, 2021, tr. 283-297)
 
 

 


“Cercle d’études Franco-Annamite de Quinhon” là tên gọi chính thức của câu lạc bộ văn hóa mà thời xưa gọi là học hội hay học xá, của giới trí thức người Việt cũng như Pháp, được cha Maheu thành lập vào thứ Bảy ngày 10 tháng Mười Một năm 1928 tại thành phố Qui Nhơn sau một thời gian chuẩn bị. “Ra đời trong bối cảnh xã hội Việt Nam đầu thế kỷ 20, Hội học Pháp Nam Qui Nhơn là một biến cố văn hóa lớn của Đông Dương nói chung và của Địa phận Qui Nhơn nói riêng. Chính vì thế mà ngày khai trương đã được đồng loạt loan tin rộng rãi trên các báo chí khắp nơi, ở Pháp cũng như tại Đông Dương”.[1]

Vì là một tổ chức được giáo quyền Địa phận Qui Nhơn khởi xướng nên cơ sở hoạt động được Đức cha địa phận lúc bấy giờ là Đức cha Grangeon “nhường cho sử dụng, ngôi nhà thứ ba từ sở Quản lý Nhà Chung đến chợ cũ”.[2] Một ngôi nhà được xác định rõ ràng ở một đầu là sở Quản lý Nhà Chung mà hiện nay còn có thể biết được nhưng “chợ cũ” nằm đâu ở đầu kia? Những người đã từng biết được vị trí của cơ sở này phải là người trưởng thành vào năm 1928 là năm thành lập và phải là một trí thức được chọn lọc qua … phẩm cách, bởi vì theo quy chế của hội thì thành viên phải có thanh danh tốt ngoài kiến thức nào đó về tiếng Pháp! Trong thời gian “tiêu thổ kháng chiến”, chắc chắn ngôi trụ sở này đã bị phá hủy cùng với những cơ sở khác ở Qui Nhơn, nên những người lớn tuổi hiện nay cũng chưa chắc biết gì về vị trí của nó, chưa kể phải là người trí thức. Thời gian là viên thuốc quên lãng thần kỳ sẽ là “kẻ hủy diệt” cuối cùng nên cũng chưa thể lần tìm ra vết tích! 

Nhưng ta có thể biết nhiều về những hoạt động của “Cercle d’études” này. Điều kiện để gia nhập làm hội viên như thế nào? Điều được phép và những điều cấm kỵ? Tất cả những điều này đã được quy định trong “statuts” của “Cercle d’études Franco-Annamite de Quinhon” mà chúng tôi xin tạm dịch và giới thiệu sau đây.

Quy chế của
“Cercle d’études Franco-Annamite de Quinhon”[3]

Điều 1. “Cercle d’études Franco-Annamite de Quinhon” được thành lập ở Qui Nhơn, dưới sự bảo trợ của Giám mục Qui Nhơn, trong khu đất được Nhà Chung ưu ái giao tặng để tùy nghi sử dụng.

Điều 2. Học hội mở cửa cho tất cả mọi người, những người Pháp và Việt có học: Thương gia, công chức, thông ngôn, giáo viên, thư ký, etc, không phân biệt tôn giáo.

Điều 3. Các hội viên của Hội này tự nguyện quy tụ lại để:

a) Cùng nhau nghiên cứu về những vấn đề luân lý, tôn giáo, khoa học, kinh tế và xã hội;
b) Tổ chức những  cuộc Hội thảo bằng tiếng Pháp và tiếng Việt về những vấn đề khác nhau.
c) Cùng quy tụ và giải trí với nhau cách đứng đắn.

Điều 4. Trong những cuộc họp riêng hay chung, Học hội cấm mọi thảo luận chính trị và tôn giáo nói riêng.

Điều 5. Một Thư viện miễn phí dành cho mọi hội viên sử dụng.

Điều 6. Học hội gồm:

Các hội viên danh dự
Các hội viên ân nhân
Các hội viên vĩnh viễn
Các hội viên hoạt động.

Điều 7. Học hội được điều hành bởi:

Một hội trưởng
Một hội phó
Một thư ký
Một thủ quỹ
Một quản thủ thư viện
Hai ủy viên.

Điều 8. Giám đốc được Giám mục Qui Nhơn chỉ định, là Cố vấn của Ủy ban điều hành. Ông tổ chức Học hội và phải được tham khảo về mọi quyết định mua hay quà tặng sách vở và báo định kỳ cũng như mọi biên lai và chi tiêu trên 30 $.

Điều 9. Ban đầu, một Ủy ban tạm thời được bổ nhiệm và sau đó trong Cuộc họp toàn thể, một Ủy ban cuối cùng sẽ được bầu mỗi hai năm.

Việc thay thế một thành viên của Ủy ban thiếu đi vì một lý do nào đó, sẽ được Hội nghị thường kỳ (Assemblée ordinaire) của các thành viên Học hội chấp thuận, được tập họp theo ý kiến của ông Hội trưởng khi cần thiết. Trong khi chờ Hội nghị thường kỳ, một thành viên khác giữ tạm quyền.   

Mỗi năm, vào khoảng ngày 1 tháng Giêng, tất cả các hội viên của Hội được triệu tập trong một Hội nghị toàn thể (Assemblée générale) để nghe cáo cáo của ông Hội trưởng và ông thủ quỹ về hiện trạng tổng quát và tài chánh trong năm vừa qua và để quyết định những vấn đề hữu ích cho sự phát triển của Hội. Cuối cùng là để tiến hành bầu cử các thành viên của Ủy ban nếu năm ấy là năm bầu cử.

Điều 10. Các hội viên ân nhân là những người tặng Hội 50 $ và hơn nữa. Họ sẽ nhận được Bằng do Hội trưởng và Thủ quỹ ký.

Điều 11. Để làm hội viên hoạt động, ngoài kiến thức nào đó về tiếng Pháp, phải có thanh danh tốt và gởi cho ông Hội trưởng đơn xin nhập hội - Ứng viên phải trả quyền gia nhập là 1 $ và một khoản đóng góp theo quý, có thể trả trước, là 1 $ 50.

Các hội viên hoạt động đóng một lần số tiền 20 $ sẽ được xem như hội viên vĩnh viễn.

Điều 12. Các hội viên hoạt động có quyền:

a) Tham dự tất cả những buổi họp của Hội trong một phòng dành riêng và mở cửa mọi ngày từ 17 giờ đến 22 giờ, Chúa Nhật và ngày lễ từ 8 giờ sáng đến 11 giờ và chiều từ 15 giờ đến 22 giờ.
b) Tham dự tất các các buổi hội nghị và hội thảo.
c) Tham khảo ở Thư viện tất cả các báo điịnh kỳ, sách và các tài liệu có ở đó.
d) Tham dự các trò chơi và giải trí khác được tổ chức riêng cho họ.

Điều 13. Không bao giờ được sử dụng các thức uống có thể làm cho say ở Học hội.

Điều 14. Vào ngày được ông Hội trưởng xác định, theo ý kiến của Hội đồng quản trị, người ta sẽ tổ chức trong một căn phòng đặc biệt những buổi diễn thuyết khác nhau do các hội viên của Hội là những người đã trình bản văn cho cha Giám đốc, hoặc do những người ngoài.

Luân phiên với những buổi diễn thuyết này là những buổi họp gọi là Académiques, nơi các hội viên đọc những tác phẩm văn chương của chính mình và là nơi người ta chiếu hình đứng hay hoạt hình. Họ có thể mời dự những buổi diễn thuyết hay hội thảo các bạn bè của họ, người Âu hay người Việt, cũng như học sinh các trường, được cấp thẻ mời do ông Hội trưởng và Phó hội trưởng ký.

Điều 15. Dự thảo hiện thời của Quy chế Cercle d’Etudes Franco-Annamite, đã được phê chuẩn bởi Đức cha Đại diện Tông tòa Địa phận Qui Nhơn, được đệ trình để ngài Khâm sứ Trung kỳ (Huế) phê chuẩn qua ngài Trú sứ Pháp ở Qui Nhơn.

Làm tại Qui Nhơn, ngày 2 tháng Chín năm 1928.

Giám đốc: Cha Maheu
Hội trưởng: Nguyễn Văn Tờn
Phó hội trưởng: Lê Thông
Đã xem: Trú sứ Volny Dupuy
Đã xem và phê chuẩn:
Huế, ngày 6 tháng Mười Một năm 1928.
Khâm sứ Trung kỳ: Jabouille

Và những hoạt động văn hóa xã hội…

Sau một năm thành lập, con số hội viên là 117 người mà trong đó có 31 người Pháp. Trong một thành phố nhỏ nằm ở miền Trung heo hút với số dân cư là 4.832 người theo thống kê vào những thập niên 1920 và 1930, thì nơi thu hút số đông trí thức, học sinh, giáo chức, viên chức các công sở là Nhà Xẹc Qui Nhơn (Câu lạc bộ Pháp Việt). Đây là nơi tập trung để đọc sách báo, chơi cờ tướng, nghe diễn thuyết … Trong hai năm 1938-1939 ở đây tổ chức liên tiếp các cuộc diễn thuyết của Nguyễn Xuân Lữ nói về tự do dân chủ, Phan Thanh nói về cải cách dân chủ và truyền bá chữ Quốc ngữ”.[4]

Ngoài một lớp dạy tiếng Việt cho người Pháp do ông Ung Lang phụ trách thường xuyên, mỗi ngày thứ Năm có các buổi diễn thuyết và nói chuyện. Các đề tài diễn thuyết liên quan đến những vấn đề thiết thực và hữu ích. Chẳng hạn, bác sĩ Le Moine nghiên cứu và diễn thuyết về những vấn đề xã hội như nhà ở sạch, vệ sinh và giá rẻ, vấn đề bệnh lao phổi và truyền nhiễm gia tăng “vì phần lớn nhà cửa của chúng ta chật chội, người chen chúc, không khí chỉ vào được qua các cánh cửa nhỏ và vị bác sĩ tốt nhất là ánh sáng thì lại hầu như không bao giờ được vào nhà”.[5] Thứ Năm ngày 11 tháng Sáu năm 1936, ông Trần Kiêm Mỹ diễn thuyết bằng tiếng Pháp với đề tài “Nước Nam ta với lối hùng biện”. Ông “đã tỏ cho khán giả biết trực tiếp cái ảnh hưởng mãnh liệt của lời nói. Ông kết luận rằng lối hùng biện ta có thể tập lấy được, như Démosthène khi xưa ở Hy Lạp”.[6] Đêm 21 tháng 5 (1941) Học hội đã tổ chức một buổi diễn thuyết do ông Trần Văn Hích, giáo sư ở Phan Thiết, nói về sự hợp tác giữa gia đình và học đường trong việc giáo dục trí dục và thể dục cho học sinh. Những ví dụ cho thấy các đề tài rất đa dạng nhằm nâng cao trình độ dân trí.

Rõ ràng hơn, tác giả Minh Sơn đã tóm tắt chủ đề và nội dung 5 buổi diễn thuyết về văn hóa, xã hội và lịch sử được Học hội tổ chức chỉ trong năm 1938, đặc biệt là chủ đề “tự do” rất hợp thời, hợp tình hợp lý, đáng để suy ngẫm về hai chữ “tự do”. Bài viết  “Hội Pháp Việt Học Xá Qui Nhơn” được đăng trên Tràng An báo, số ngày 12 tháng Bảy năm 1938, tr. 3:

“Chúng tôi phải nhận rằng hội Pháp Việt Học Xá Qui Nhơn năm nay đã tỏ ra rất hoạt động. Từ đầu năm đến giờ, hội ấy đã tổ chức nhiều cuộc diễn thuyết bằng tiếng Pháp có, tiếng Nam có. Ông Nguyễn Vỹ, chủ bút báo Phụ Nữ nói về vấn đề “Phụ nữ  Việt Nam giữa đời mới”. Ông Trần Kiêm Mỹ, hôm 11 tháng Năm, đã hiến chúng ta một câu chuyện ý vị và rất đặc sắc: “Bình Định lắm  duyên với thi sĩ” mà riêng Tràng An đây có tường thuật liên tiếp trong ba số 326, 327, và 328. Ông Trần Cầu, diễn giả khác, nói về “Vấn đề giáo dục ở nước Nam” tỏ ra ông ấy đã có công nghiên cứu và suy nghiệm thiết thực. Mới đây, thứ Sáu 24 tháng Sáu, chủ nhiệm báo Nhánh Lúa trước kia, có diễn về vấn đề “Tự do”. Khởi đầu, ông giảng về nghĩa tự do, thế nào là nô lệ. Sau, ông kể lịch trình của nhân loại về phương diện phấn đấu đòi tự do. Hiện nay chúng ta có tự do gì hơn loài người ở các thế kỷ trước không? Diễn giả bảo rằng có nhưng rất ít. Thông thường người ta chia tự do ra hai thứ: Tự do trọng tài nghĩa là cái quyền tuyệt đích muốn làm gì thì làm, theo ý mình, thứ tự do ấy không thể hợp với sự sống chung đụng giữa loài người với nhau. Còn tự do xã hội, dựa vào bản tuyên bố nhân quyền của Cách mạng Pháp là cái quyền một cá nhân nầy có thể làm thứ gì tùy ý, miễn không phạm đến tự do của một cá nhân khác, thứ tự do xã hội dựa vào lịch sử của một thời đại, kết quả sự phấn đấu trưởng giả chống phong kiến mà thôi, chưa phải là sự giải phóng hoàn toàn của xã hội. Có một hạng người lợi dụng thứ tự do ấy để chống lại sự phát triển của khoa học, và duy trì hiện tình nhân loại, trong cảnh bất công. Họ tự do phá máy móc, tự do đốt lúa mì, cà phê, tự do phá hoại. Làm thế nào cho có một thứ tự do khác, công bình hơn, và hợp chân lý hơn? Theo diễn giả, chỉ có tổ chức lại nền kinh tế, nó là đầu dây của tất cả mọi vấn đề khác. Làm thế nào cho sinh sản không hỗn độn, phân phối cho quân bình, mỗi người đều có đủ quyền trong xã hội mà ai nấy đều tin rằng mình không bị bóc lột, lợi dụng, sai khiến, mình làm việc cốt để sinh sản và cải thiện sự sinh hoạt của nhân loại, cải tạo lại xã hội, tổ chức lại nền kinh tế, lúc ấy mọi người mới được tự do hoàn toàn.

Kể ra buổi diễn thuyết nào của Pháp Việt Học xá cũng đều được bà con trong thành phố hoan nghênh, vì mỗi buổi đều có mỗi đặc sắc riêng. Với vấn đề “Phụ nữ”, diễn giả lại lóm lỉnh dễ thương. Với “Bình Định lắm duyên với thi sĩ”, diễn giả hùng hồn, có lúc mạnh mẽ như đánh vào óc năm sáu trăm thính giả hôm ấy, rằng Bình Định có nhiều duyên, có lúc thiết tha như muốn nhủ thầm với với đám thính giả toàn “xinh như mộng” rằng thi sĩ Bình Định đáng yêu đáng quý. Với vấn đề “Giáo dục”, diễn giả lại trang nghiêm ra vẻ nhà giáo. Và sau hết, với vấn đề “tự do”, diễn giả lại sôi nổi hăng hái như trái tim của  hạng bình dân đang phẩn uất vì chế độ xã hội hiện thời”.


Ngày 10 tháng Tám năm 1942, nhân ngày giỗ của thi hào Nguyễn Du, tại rạp Morin Frères, học hội cũng tổ chức đêm diễn thuyết với một hình thức mang hơi hướng hiện đại thu hút người tham dự: “Truyện Kiều” được ngâm theo các điệu Bắc và Nam, thêm phần văn nghệ giúp vui. Tràng An báo số ngày 24 tháng Chín năm 1942 đã có bài tường thuật về sự kiện này:

Hôm mồng 10 tháng 8 vừa rồi, nhân ngày cụ Nguyễn Du tạ thế, Hội quán ở Qui Nhơn đã tổ chức một đêm diễn thuyết văn và hòa nhạc rất đầy đủ. Đúng 8 giờ rưỡi tối, ông Hội trưởng Davy đứng lên cám ơn cử tọa và lễ kỷ niệm bắt đầu cử hành giữa làn hương trầm nghi ngút. Quang cảnh nhà chiếu bóng Morin Frères hôm ấy có vẻ tôn nghiêm lạ thường. Hơn 600 thính giả gồm cả các quan đại diện hai chính phủ, Đức giám mục Qui Nhơn, quan năm nhà binh và hầu hết các nhà tai mắt trong thành phố cùng đến dự lễ theo chương trình sau đây:

1) Ông Trương Xuân Nam, bào chế sư trường thuốc Paris diễn thuyết bằng Pháp văn về “Triết lý truyện Kiều”. Công chúng người Pháp rất hoan nghênh tài hùng biện của ông.

2) Ông Hoàng Diệp, giáo viên quốc văn nói về “Nàng Kiều, một nữ gián điệp Trung Hoa, 600 năm về trước”. Với công nghiên cứu, với giọng rõ ràng, ông đã đưa khán giả trở về cả một thời cổ xứ Trung Hoa dưới triều nhà Minh.

3) Ba cô nữ sinh Kim Hoàng, Túy Diêu và E. Fajolle lần lượt đi giới thiệu sách Nguyễn Du cho khán giả và làm lễ đốt trầm trên bàn thờ cụ Tiên Điền đặt trước hai bức chân dung của Thống chế Pétain và Đức Kim Thượng.

4) Tiếp đến việc bình văn theo lối Sa mạc (Bắc), Nam ai (Huế), Vọng cổ (Saigon) do cô Huyền Châu, một nghệ sĩ tài tử giúp vui, theo tiếng đàn của bà Ưng Cán (tranh), các ông Liêu (violon) và Dậu (kìm). Cuộc bình văn, ngâm và hát này được công chúng đặc biệt hoan nghênh. Đúng 10 giờ rưỡi, lễ kỷ niệm cụ Nguyễn Du bế mạc, kết quả rất mỹ mãn nhờ tấm lòng sốt sắng của ông Lê Bá Khánh, Hội trưởng, tận tâm làm việc. 

Nơi giới thiệu đặc sản văn hóa Bình Định …

Tháng 10 năm 2019, UBND tỉnh Bình Định ban hành văn bản số 6156/UBND-VX chấp thuận đặt 5 khối đá khắc trích đoạn thơ của các nhà thơ Xuân Diệu, Hàn Mặc Tử, Yến Lan, Chế Lan Viên, trên tuyến đường Xuân Diệu, con đường đẹp nhất Qui Nhơn chạy dọc theo bờ biển. Với các hình tượng bánh ít lá gai, rượu Bàu Đá, nón lá Gò Găng và các thế võ “khó đỡ”… đã được dựng sẵn, nay người Bình Định muốn giới thiệu thêm một đặc sản khác của quê hương đất võ: Các nhà thơ, để khẳng định này là đất võ trời văn hay chính xác hơn là đất võ trời thơ.  

Quách Tấn và Hàn Mặc Tử, Yến Lan và Chế Lan Viên, những nhà thơ trong “Bàn Thành tứ hữu”, nhóm bốn người bạn ở thành Đồ Bàn hay nhóm thơ Bình Định, đã làm nên tên tuổi cho vùng đất này. Tuy nhiên, đây chỉ là những nhà thơ tiêu biểu, còn bao thi nhân đã sinh trưởng hay đi qua thời niên thiếu tại vùng đất này để góp phần làm nên một đặc sản văn hóa khác của Bình Định: Nguyễn Văn Xiêm, Đào Văn Phúc, Phạm Văn Ký, Nguyễn Vỹ, Hoàng Diệp, Xuân Khai và Lữ Giang, Nam Xuyên, Huy Vân, Tường Khanh hay Việt Chi, …. Những nhà thơ này ngày nay ít ai biết đến nhưng họ đã được vinh danh trong bài diễn thuyết của ông Trần Kiêm Mỹ tại “Cercle d’études Franco-Annamite de Quinhon” vào năm 1938: “Bình Định lắm duyên với thi sĩ”.  

Vừa rồi tại nhà hội Pháp Việt học xá Qui Nhơn có cuộc diễn thuyết của ông Trần Kiêm Mỹ về tỉnh “Bình Định lắm duyên với thi sĩ”. Trước mặt trên 400 người (gồm cả số đông đàn bà và thiếu nữ), ông Trần Kiêm Mỹ lần lượt giới thiệu các nhà thi sĩ mà tỉnh Bình Định đã sản xuất trong mấy năm vừa rồi. Lúc đầu, ông nói sơ qua các nhà thơ Pháp văn như Nguyễn Văn Xiêm, Đào Văn Phúc, Phạm Văn Ký và Nguyễn Vỹ. Ông Đào Văn Phúc, Phạm Văn Ký vốn sinh trưởng ở Bình Định. Còn hai ông Nguyễn Văn Xiêm và Nguyễn Vỹ tuy không phải là người xứ sở tỉnh nhà nhưng đã sống thời niên thì ở đấy và đã có khiếu làm thơ ngay từ lúc ấy. Ông Đào Văn Phúc hiện đã quá cố tại thành Bordeaux (Pháp quốc) vào năm 1934 và đời nghệ sĩ ngắn ngủi của Đào quân đã được ông Jean Desthieux nhắc nhở, khen ngợi trong báo “L’Homme libre” xuất bản ở Paris. Với tập “Mes heures perdues” (Những giờ trôi mất), tác giả Nguyễn Văn Xiêm vẫn được người ta nói đến luôn tuy ông đã thành người thiên cổ. Ông Trần Kiêm Mỹ chỉ nói sơ qua các thi sĩ Pháp văn vì nói đến thơ Pháp – theo ý ông – thì phải nói trong một cuộc diễn thuyết về tiếng Pháp mới tỏ được ý sâu xa của thơ họ.

Trong thơ Hàn Mặc Tử người ta thấy toàn cả cái trần truồng lơi lả, cái khao khát khó chịu, cái say và cái mơ ngông cuồng. Ông muốn “rượt” theo trăng, ghì lấy gió, ông kết nó bằng sương, chắp cánh cùng mây để bay tìm một ít đường mật trong lời chim, giọng suối.

Ông Lan Viên lấy họ Chế. Rồi đêm đêm ông đem biếu cho ta nào là xương khô sọ trắng, nào là chán nản u buồn … Như lời của diễn giả: “Thơ Lan Viên tả cảnh như tả những hình bóng và tả tình như tả những hình của người cõi âm”.

Cạnh ông Lan Viên điên cuồng, muốn đi xa, khác người bao nhiêu thì ông Xuân Diệu lại muốn sát lại gần người bấy nhiêu. Ông muốn dính vào người, đi sâu vào lòng người một cách lặng lẽ âm thầm và diễn tả tất cả cảm giác và trạng thái của người trong đời sống thực…. Tâm hồn ông Xuân Diệu có nhiều cảm xúc mạnh mẽ, nhiều cảm giác sâu xa chung quanh sự sống của loài người.

Một thi sĩ khác lại quá đau khổ là ông Hoàng Diệp … Ông đau khổ chính vì một thiếu nữ. Lúc ông mới đặt chân vào xứ Bình Định, ông đã ôm theo từ xa lại một mối tình tuyệt vọng. Rặng liễu và sóng bể Qui Nhơn đã quyến rũ ông, và trước cảnh ấy, ông mới nhìn nhận được cái chán nản, cái u sầu nó vỗ về, an ủi ông. Tập “Xác Thu” …

Trái với ông Hoàng Diệp, một trái tim âm thầm thu nhận trăm nghìn cái đau khổ, hai thi sĩ Bình Định khác: ông Xuân Khai và Lữ Giang lại quá bồng bột, hăng hái. Hai ông nầy có biệt tài làm thơ thật nhanh và thật nhiều, cho nên cảm xúc của họ vội vàng, đến nỗi họ ghi lên giấy cũng một cách rất vội vàng. Xuân Khai là tác giả ba tập thơ “Lưu luyến”, “Bóng mây” và “Ghé bến”, “Giếng loạn”.

Lữ Giang vẫn còn trôi nổi ở phương trời, đang bập bềnh trên sông Dương Tử (Trung Hoa). Vì ông là một chàng lính thủy trong hạm đội Pháp ở Canton. Ông cũng muốn tìm nguồn thơ mới giữa cảnh tàn khốc của chiến tranh. … Ông Xuân Khai và ông Lữ Giang có nhiều cảm xúc mạnh, vội vàng. Trái lại, ông Nam Xuyên có một nỗi hoài vọng đằm thắm ở chốn hương thôn và ông Huy Vân thường hay ca tụng cánh đồng lách, rừng sim. Hai ông vừa kể trên đều sinh trưởng ở Bình Định. Một thi sĩ nữa: Ông Việt Chi, học sinh trường Qui Nhơn. Ông Tường Khanh hay là ông Việt Chi có một lối thơ tả cảnh thật êm dịu và dễ cảm. Ông Phạm Văn Ký huyền bí, ông Hàn Mặc Tử ngây ngất,  ông Lan Viên hoảng hốt, ông Hoàng Diệp não nuột, ông Xuân Khai linh hoạt, ông Lữ Giang bồng bột … Ví một ngày kia, có khách lạ đến xứ Bình Định, nếu gặp giữa ban đêm một cậu học sinh trẻ tuổi ngồi cạnh tháp Chàm thì nên hiểu ngay là ông Chế Lan Viên. Nếu gặp một chàng xinh trai mơ màng
nhìn trăng và nghe gió, chính là ông Xuân Diệu. Nếu thấy một anh thích giả làm con gái để trộm xem cô bạn đương trần truồng tắm dưới hồ sen, đây là ông Hàn Mặc Tử. Và nếu thấy một chàng đầu tóc bơ phờ, sau một trận mưa thu, đi nhặt lá vàng rơi rụng trên vệ đường, ấy là ông Hoàng Diệp. Nếu gặp một công tử, nét mặt buồn rầu, ngồi trên miệng giếng, đó là ông Xuân Khai. Nếu thấy một người lính thủy lặng đi bãi bể Qui Nhơn chính là ông Lữ Giang, một chàng đi tìm đường về quê mẹ là ông Nam Xuyên, và một anh chàng nghịch ngợm bắt trăng nhốt vào mồm là ông Việt Chi. Nói tóm lại, đất Bình Định đã se duyên với lắm thi sĩ.[7]

Qua bài diễn thuyết, diễn giả Trần Kiêm Mỹ đã trình bày như một bảng liệt kê tổng hợp về các nhà thơ đã bén duyên với Bình Định nhưng chưa lý giải được tại sao miền đất này lại lắm “người làm thơ” đến thế! Có phải vì rằng “tình bạn thơ” và “xứ đất võ trời thơ Bình Định luôn đẹp và quyến rũ như tứ thơ bất chợt” chăng? “Có lẽ ngày xưa các cao nhân trong Bàn Thành tứ hữu là Hàn Mặc Tử, Chế Lan Viên, Quách Tấn, Yến Lan và có lúc đón thêm Xuân Diệu, Bích Khê hay Trần Thanh Mại, Trần Thanh Địch, Nguyễn Vỹ… cũng có những hoàng hôn lãng mạn trong tình bạn thơ bên dòng Cửa Tiền với bến Trường Thi uống rượu ngâm thơ. Xứ đất võ trời thơ Bình Định luôn đẹp và quyến rũ như tứ thơ bất chợt. Người đi trước biết liên tài, yêu quý, nâng niu nhau để cùng sáng tạo nên những áng thơ vượt thời gian. Người đi sau, tại sao không?”[8]

Tóm lại, với mục đích “cùng nhau nghiên cứu về những vấn đề luân lý, tôn giáo, khoa học, kinh tế và xã hội” được khẳng định trong quy chế, Học hội đã góp phần thực hiện phương châm “Khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh” của phong trào Duy Tân đang được cổ vũ vào nửa đầu thế kỷ XX. Nhìn vào quy chế và các hoạt động văn hóa xã hội của “Cercle d’études Franco-Annamite de Quinhon”, ta cũng phải thừa nhận rằng “các tư tưởng tiến bộ của Hội Học Pháp Nam Qui Nhơn đã khai mở và nuôi dưỡng đời sống trí thức của người Việt đang bắt đầu tiếp cận và hòa nhập với đời sống văn minh của giai đoạn lịch sử Việt Nam thời cận đại (1858-1945) mà ngày nay ta đang thừa hưởng”.[9]


 
 
[1] Cf. Lm. Phaolô Nguyễn Minh Chính, “Cha Maheu (Cố Mỹ) và Hội học Pháp Nam”, trong Xuôi ngược thời gian, Tủ sách Nước Mặn, 2019, tr. 35-54.
[2] Mémorial de Quinhon, số tháng Chín năm 1928, tr. 142.
[3] Cercle d’études Franco-Annamite de Quinhon, Statuts, Nhà in Qui Nhơn, 1928.
[4] Đỗ Bang – Nguyễn Tấn Hiểu, Lịch sử Thành phố Quy Nhơn, Nxb Thuận Hóa, 1998, tr. 295.
[5] L‘Écho annamite, 18 Mars 1930.
[6] Tràng An báo, 30 tháng Sáu 1936.
[7] Tràng An báo, các số 326, 327, 328, tháng 6/1938. 
[8] Phan Hoàng, Về với đất võ trời thơ Bình Định,
http://www.baophuyen.com.vn/93/153519/ve-voi-dat-vo-troi-tho-binh-dinh.html.
[9] Lm. Phaolô Nguyễn Minh Chính, “Cha Maheu (Cố Mỹ) và Hội học Pháp Nam”, trong Xuôi ngược thời gian, Tủ sách Nước Mặn, 2019, tr. 37.

 

Tác giả bài viết: Lm. Phaolô Nguyễn Minh Chính

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

lich cong giao 2022 - 2023
tapsanmucdong
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập63
  • Máy chủ tìm kiếm41
  • Khách viếng thăm22
  • Hôm nay27,427
  • Tháng hiện tại642,561
  • Tổng lượt truy cập28,957,930

Chúng tôi trên mạng xã hội

CÁC GIÁO HẠT
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây