Nhà in Làng Sông - Qui Nhơn phổ biến chữ Quốc ngữ: Truyện “Lục súc tranh công”

Thứ năm - 05/08/2021 19:03
 

NHÀ IN LÀNG SÔNG - QUI NHƠN PHỔ BIẾN CHỮ QUỐC NGỮ:
TRUYỆN “LỤC SÚC TRANH CÔNG”

Lm. Phaolô Nguyễn Minh Chính


Lục súc tranh công (六畜爭功) là câu chuyện ngụ ngôn, thuộc nền văn chương cổ Việt Nam. Truyện được một tác giả “khuyết danh” viết bằng chữ Nôm và Trương Vĩnh Ký phiên âm sang Quốc ngữ vào năm 1887. Trên bình diện nội dung sơ đẳng, câu chuyện mượn hình ảnh sáu con vật nuôi phổ biến trong gia đình Việt Nam thời xưa để nói lên sự cạnh tranh công trạng giữa những công việc phục vụ khác nhau. “Sáu con ấy là: trâu, ngựa, chó, dê, gà và lợn. Trâu thì làm ăn vất vả, có công sinh ra thóc, gạo, ngô, đỗ; chó thì rằng có công coi nhà giữ trộm; ngựa thì rằng có công đem chủ đi quán về quê, đánh đông dẹp bắc; dê thì rằng có công trong việc tế lễ; gà thì rằng có công gáy sáng, xem giờ; lợn thì rằng có công trong việc quan, hôn, tang, tế. Sáu con cùng tranh luận, người chủ phải can thiệp vào mới yên”.[1] Qua nội dung, tác giả ngụ ý muốn nói rằng trong cuộc sống mọi người đừng tị nạnh lẫn nhau, mỗi người cứ làm đúng khả năng và nhiệm vụ của mình là được.

Thôi thôi! Đừng nhĩ ngã thiệt hơn
Phú lưỡng bạn tịnh sanh, tịnh dục.
(Thôi đừng có phân bì bạn với mình, cả hai cùng sinh cùng dưỡng với nhau)

Chấp sự giả các tư kỳ sự
(Hai bên như nhau, làm việc gì phải chuyên việc ấy)


Tuy nhiên, vì là ngụ ngôn, nên câu chuyện muốn chuyển tải một điều gì đó xa hơn ý nghĩa ban đầu. Các nhà phân tích cho rằng lục súc đại diện cho lục bộ luôn tranh chấp công trạng với nhau trong triều đình. “Sáu con vật (lục súc) được sử dụng cách khôn khéo để nhạo và biếm họa sáu bộ (lục bộ) của triều đình Annam trước đây, mà những người đứng đầu các bộ này thường kiêu hãnh và ưa thích theo khuôn mẫu cơ cấu điều hành của Trung Hoa. Thật vậy, người ta nói sáu con vật này đại diện cách sống động cho các vị thượng thư các bộ Công, Hộ, Binh, Lễ, Lại, Hình. Trong khi hỏi “Giống nào là giống chẳng có tài?” và “Người đâu dễ không người nhờ vật?”, tác giả vô danh của câu chuyện, phải là một người học thức và thông thạo chữ Hán cũng như phong tục Việt Nam, đã cho phép mỗi một bộ trong kinh đô (biểu tượng bằng sáu con vật) nhấn mạnh đến tính hiệu quả và phục vụ của mình đồng thời hạ giá các bộ khác. Ý nghĩa bên dưới của bài thơ châm biếm gồm 452 câu dường như muốn chuyển tải lời khuyên cần thiết cho từng người và mỗi người trong hệ thống quan lại của đất nước phải tận tình chu toàn bổn phận mình và phấn đấu hơn là phê bình các đối thủ đồng sự”.[2] 

Hiển nhiên, câu chuyện được viết bằng văn vần, nhưng thuộc thể loại nào? G. Cordier  cho rằng nó thuộc thể loại Vãn: “Bài thơ dễ đọc, đơn giản và cũng không có ý bàn luận đến những vấn đề luân lý cao xa. Nó chỉ đưa ra một số những chi tiết trong đời sống hằng ngày. Âm luật được sử dụng là thể loại vãn gồm thất ngôn hỗn hợp, âm luật khá hiếm khi được sử dụng cho những thể loại thơ như thế này”.[3] Ông Dương Quảng Hàm cho rằng thuộc thể văn Nói lối: “Bài này viết theo thể “nói lối””.[4] Còn tác giả Văn Tân thì cho rằng nó thuộc thể văn Tuồng trong giai đoạn chuẩn bị chuyển mình sang một thể văn mới là Hát chèo: “Lục súc tranh công sở dĩ có được một nghệ thuật tính cao như vậy, là vì Lục súc tranh công đã thừa hưởng những tinh hoa của thể văn tuồng từ bao thế kỷ. Nhưng đọc Lục súc tranh công, ta thấy thể văn hát tuồng của tác phẩm hình như đang chuẩn bị để chuyển mình, biến sang một thể văn mới là thể văn hát chèo. Vì tính cách khôi hài, trào lộng rất dí dỏm ý nhị của Lục súc tranh công làm cho tác phẩm này có ít nhiều tính chất của một vở chèo. Và chèo cũng chỉ là một biến thái của tuồng, sau khi tuồng đã ra khỏi cung đình để bước vào dân gian và trở thành một nghệ thuật của sân khấu dân gian”.[5] 

Dựa vào phân tích văn chương, căn cứ vào nội dung và cách sử dụng từ, người ta đã có thể suy đoán được tác giả là người miền nào cũng như câu chuyện được viết trong thời kỳ nào. Tuy không thể là những kết luận chính xác nhưng đó là những giả thiết có sức thuyết phục.

Khi viết lời giới thiệu cho bản dịch tiếng Anh “The Quarrel of the Six Beasts” của dịch giả Huỳnh Sanh Thông, Giáo sư Nguyễn Ngọc Huy đã viết: “Câu chuyện ngụ ngôn có thể được viết bởi một người miền Nam vào khoảng thời gian cuối triều Hậu Lê (1428-1788) và đầu triều đại cuối cùng của Việt Nam, Nhà Nguyễn (1802-1945), nghĩa là “trong thời hoàng kim của nền văn chương Việt Nam bằng tiếng phổ thông”.[6] Dân gian gán tác giả bài thơ cho vua Tự Đức, ông Petrus Ký thì cho là vua Thiệu Trị. Cha Henri Denis, khi viết lời giới thiệu cho cuốn “Lục súc tranh công”, nhà in Qui Nhơn xuất bản vào năm 1911, đã không đề xuất tên tác giả nhưng nói rằng nó được viết muộn nhất là vào những năm đầu triều Minh Mạng: “Bài thơ này rất phổ biến ở Trung kỳ (Annam), song lại ít được biết đến ở Bắc Kỳ (Tonkin), được gán cho vua Tự Đức. Ông Petrus Ký thì cho rằng nó được vua Thiệu Trị sáng tác. Còn Cha Denis thì nói rằng: “Còn tôi, tôi nghĩ rằng nó phải được viết muộn nhất là vào những năm đầu dưới triều vua Minh Mạng; thật vậy, tỉnh ở trong bài được gọi dưới tên là trấn, mà ta biết rằng từ thời Minh Mạng thì các trấn được gọi là tỉnh”.[7] Cha Denis đã căn cứ vào câu: “Anh đã từng vào dinh, ra trấn” (c. 263) để giả thiết thời gian sáng tác văn phẩm. Từ cuối năm 1831 (tháng 10 âm lịch) đến 1832, vua Minh Mạng (trị vì 1820 – 1841) đổi tên các đơn vị hành chính: Trấn đổi thành Tỉnh. Như vậy, có thể là tác phẩm được viết muộn nhất là trước năm 1832, những năm đầu triều đại Minh Mạng.  

Khi xếp loại tác phẩm vào thể loại Tuồng, tác giả Văn Tân cũng đã suy đoán ra tác giả và thời gian ra đời của tác phẩm: “Văn Lục súc tranh công như ta đã biết là thể văn tuồng…. Trong Lục súc tranh công có những thổ ngữ Trung bộ như ghe, lóng, bươi v.v.… Như vậy, tác giả phải là người quê quán ở Trung bộ. Nếu ta nhớ rằng nghệ thuật hát tuồng hồi thế kỷ 18 và đầu thế kỷ 19 chỉ phát đạt trên khoảng đất từ sông Gianh trở vào Nam, thì ta có thể đoán rằng tác giả Lục súc tranh công là người sinh trưởng ở miền Thuận Hóa, Quảng Ngãi, Quảng Nam, Qui Nhơn gì đó…. Ở Lục súc tranh công, ta thấy rất nhiều thổ ngữ địa phương. Như vậy, có phải vì tác giả là người ít ra khỏi địa phương mình và chỉ loanh quanh ở mất tỉnh nói trên?”.[8]

Thật tình, khi đọc bản văn, ta không thể không đồng tình với suy đoán của tác giả Văn Tân và nhiều tác giả khác về bổn quán của tác giả Lục súc tranh công: những từ ngữ rất quen thuộc với con người miền Trung nói chung.

- Giận, thày lay vạch lá tìm sâu (c. 132)
- Khắn khắn cũng một lòng phò chủ. (c. 134)
- Đêm năm canh, con mắt như chong.  (c. 137)
- Bao quản chui gai, lướt gốc?
Chi này múa mỏ, lòn hang? (c. 143-144)
- Anh trâu sao chẳng biết thương?
Nỡ lại tra lời sanh nạnh! (c. 146-147)

- Ăn thì môn sượng, khoai sùng. (c. 148)
- Gẫm giống ấy nết na giớn giác. (c. 195)
- Đã nhiều thuở ngăn thành, thủ phủ,
Lại ghe phen đụt pháo xông tên. (c. 223-224)
- Đừng đừng buông lời nói khật khù
Bớt bớt thói chê ai giớn giác. (c. 233-234)
- Gẫm giống chi hữu đầu vô vĩ,
Hình con con, bụng lớn chang bang;
Cháng náng như đứa có hạ nang,
Sớn sác tợ con chàng kẻ cướp. (c. 251-254)
- Túc nhau bươi chếch gốc, trốc cây. (c. 320)
- Cho ăn rồi quẹt mỏ, sấp lưng
Trời chưa tối, đà lo việc ngủ. (c. 325-326)

Chẳng lạ gì khi đọc những câu chữ này, không ít người đã sẵn sàng thu hẹp các tỉnh miền Trung nói chung về một tỉnh miền Trung … nói riêng!  

Và với mục đích phổ biến chữ Quốc ngữ, giữ gìn các văn bản xưa, Thư quán - Nhà in Qui Nhơn[9] đã in và tái bản đến lần thứ tư cuốn Lục súc tranh công này trong kho tàng văn chương Việt Nam. Năm 1911, Nhà in Qui Nhơn đã lần đầu tiên in cuốn Lục súc tranh công, bản in bằng chữ Quốc ngữ và bản dịch có chú thích sang tiếng Pháp của Cha Henri Denis. Trong bộ sách Bibliotheca indosinica, ông Henri Cordier giới thiệu tóm tắt về cuốn sách này: “Lục súc tranh công. Les six Animaux domestiques. Poésie satirique attribuée à Tự Đức. H. Denis. (Collection de textes annamites transcrits en Quốc ngữ, traduits et notés en francais, no1), Librarie-Imprimerie de Quinhơn, 1911”. [10] [Dịch: Lục súc tranh công. Thơ châm biếm được gán cho vua Tự Đức. H. Denis. (Bộ sưu tập các bản văn Việt Nam phiên âm bằng Quốc ngữ, dịch và chú thích bằng tiếng Pháp, tập số 1), Thư quán – Nhà in Qui Nhơn, năm 1911]. Tập san Bulletin de l'École française d'Extrême-Orient của Viện Viễn Đông Bác Cổ cũng đã có lời giới thiệu về bản in này: “Thừa sai Henri Denis đã xuất bản ở Librairie-Imprimerie de Quinhon bản văn “Lục súc tranh công” bằng Quốc ngữ và bản dịch sang tiếng Pháp với các chú thích. Tác phẩm bằng thơ châm biếm này được gán cho vua Tự Đức và rất phổ biến ở Trung kỳ. Một bản từ vựng tất cả các từ và những thành ngữ được giải thích đã kết thúc cho cuốn sách nhỏ này, là cuốn đầu tiên trong bộ sách mà tất cả những người chủ trương Việt hóa sẽ hân hoan đón nhận cuốn tiếp theo”.[11] Và không để mọi người phải chờ đợi lâu, năm 1913, Nhà in Qui Nhơn đã xuất bản tiếp cuốn thứ hai trong “Bộ sưu tập các bản văn Việt Nam phiên âm bằng Quốc ngữ, dịch và chú thích bằng tiếng Pháp” đã được bắt đầu này: Cuốn “Trê cóc tân truyện” (Le Crapaud et le Silure. Conte nouveau), sách dày 77 trang, Cha H. Denis dịch và chú thích bằng tiếng Pháp. 

Cha Henri Denis (1880-1933) sinh tại Boulogne-sur-Mer (Pas-de-Calais) ngày 17 tháng Tám năm 1880, nhập chủng viện Hội Thừa sai Hải ngoại Paris ngày 25 tháng Tư năm 1901, thụ phong linh mục ngày 7 tháng Ba năm 1903, nhận bài sai đi Bắc Đàng Trong (Huế) ngày 29 tháng Tư năm 1903. Sau thời gian học tiếng Việt, được Đức cha Caspar đặt tên Việt Nam là Thuận, ngài được bổ nhiệm làm giáo sư Tiểu chủng viện An Ninh và đến năm 1908 thì phụ trách địa sở mới Nước Mặn (Thừa Lưu). Năm 1913 trở lại Tiểu chủng viện An Ninh và năm 1918 thì ngài thành lập đan viện Xitô ở Phước Sơn (Quảng Trị), đặt tên là Notre-Dame d’Annam (Đức Bà Việt Nam). Ngày 2 tháng Hai năm 1920, ngài mặc áo dòng, lấy tên là  Benoît Thuận, và khấn trọn ngày 21 tháng Ba năm 1926. Ngài qua đời tại Phước Sơn ngày 25 tháng Bảy năm 1933.

Như vậy, dựa theo tiểu sử, cha Denis dịch và chú thích cuốn “Lục súc tranh công” trong thời gian làm cha sở Nước Mặn. Khi thấy giáo dân túng thiếu ngài phải vay “hơn 1.000 phật lăng” để giúp đỡ họ. Trong một bức thư gởi cho cha mẹ trong thời gian này, ngài viết: “Con mới dịch xong một quyển sách, cũng kiếm được ít xu. Nhà in họ hứa cho con được năm hoặc tám chục, bấy nhiêu không là bao song cũng giúp con đút – nút ít nhiều lỗ nợ. Con còn dọn hai ba quyển nữa bằng tiếng Việt – Nam hoặc chữ Hán và dịch sử ký nhà Nguyễn, song dài lắm, con mới dịch xong một phần về đời XVII thôi. Làm các việc ấy chẳng vui đâu, cực chẳng đã con mới phải làm để kiếm tiền giúp kẻ bần hàn kẻo nó chết đói”.[12] Quả là một tài năng ngôn ngữ khi chỉ trong một thời gian ngắn mà cha Denis Thuận đã rành tiếng Việt, thông thạo chữ Quốc ngữ lẫn chữ Hán để làm thơ và dịch sử ký nhà Nguyễn.

Trong cuốn “Catalogue” (Thư mục) của Nhà in Qui Nhơn năm 1934, phần IV Littérature (Văn chương), số 2 Poésies (Thơ ca), có giới thiệu hai bản in “Lục súc tranh công” của cha Denis. Một cuốn “Lục súc tranh công của cha Henri Denis đã dịch ra tiếng Tây và thêm chú giải”, bìa mềm giá 0$30; franco 0$40 – bìa cứng giá 0$50; franco 0$61. Cuốn khác là “Lục súc tranh công không dịch ra tiếng Tây”, bìa mềm giá 0$04; franco 0$07.

Chúng tôi xin giới thiệu lời “bàn luận” bằng thơ của Cha Henri Denis (Benoît Thuận) và bản văn có đánh số câu trong cuốn “Lục súc tranh công”, in lần thứ bốn, Imprimerie de Quinhon (Annam), 24 trang, in năm 1929.
 
[1] Dương Quảng Hàm, Việt nam thi văn hợp tuyển, Bộ Quốc gia Giáo dục, 1951, tr. 40-41.
[2] Nguyễn Đình Hòa, “Reviewed Works: The Quarrel of the Six Beasts (Lục súc tranh công): A Bilingual Edition by Huỳnh Sanh Thông”, World Literature Today, Vol. 63, No. 1 (Winter, 1989), tr. 168
[3] G. Cordier, Morceaux choisis d'auteurs annamite: Précédes d'un Abrégé de l'histoire de la littérature annamite à l'usage de l'enseignement secondaire franco-indigène et des classes supérieures de l'enseignement secondaire francais, Nhà in Lê Văn Tân, Hà Nội, 1932, tr. 227
[4] Dương Quảng Hàm, Ibid.
[5] Văn Tân, “Lục súc tranh công”, Tập san Văn sử địa, số 16, tháng 4, 1956, tr. 50 (38-50).
[6] Nguyễn Đình Hòa, Ibid.
[7] G. Cordier, Ibid.
[8] Văn Tân, Ibid.
[9] Nhà in được tái lập tại Làng Sông năm 1904 và chuyển về Qui Nhơn năm 1935. Tuy nhiên, các sách in trước năm 1935 vẫn được ghi là “Imprimerie de Quinhon” (Nhà in Qui Nhơn) hay “Librarie – Imprimerie de Quinhon” (Thư quán – Nhà in Qui Nhơn).
[10] Henri Cordier, Bibliotheca indosinica. Dictionnaire bibliographique des ouvrages relatifs à la péninsule indochinoise, Vol. IV, Ernest Leroux, 1912, tr. 2315.
[11] “Notes biographiques”, trong Bulletin de l'École française d'Extrême-Orient, Vol. 11, No. 3/4 (juillet-décembre 1911), tr. 458
[12] http://hoidongxitothanhgia.com/cha-to/hanh-tich-cha-benoit-thuan-2755.html
 


Bàn luận về tuồng “Lục súc”

Bất luận người nào
Xem vào sách ấy
Dầu có thật thà cho mấy,
Thảy đều hiểu thấu như chơi.
Trâu, ngựa, dê há dễ buông lời?
Gà, chó, lợn lẽ nào biết nói?
Chẳng qua là mượn lời đáp đối,
Ngỏ đặng cho ngụ ý chích châm.
Chẳng có ai lầm,
Hản cho sự thật.
Đà rằng xuẩn vật,
Sao rằng “chí linh”?
Long, Lân chẳng thấy nhơn hình;
Tay người vẽ tô nắn tốt.
Qui, Phụng cũng giơ thật mặt,
Tài nó bay đỗ, bò đi,
Chẳng tỏ điều linh ứng chi chi,
Cũng loài vật tầm thường mãi mãi.
Hồn chó “giữ cầm âm giái
Vốn sự mơ màng.
Giò gà” biết sự thế gian,
Cũng điều quỷ trá.
Vậy phải biết có chơn, có giả,
Lẽ bên phân bên thị, bên phi.
Nói phỉnh phờ những kẻ ngu si,
Để lừa dối các người trí huệ!
H. Denis


LỤC SÚC TRANH CÔNG
Khuyết danh
 
1.  Trời hóa sanh muôn vật
Đất dong dưỡng mọi loài,
Giống nào là giống chẳng có tài;
Người đâu dễ không nhờ vật?
5.  Long chức quản bổ thiên, dục nhựt.
Lân quyền tư giúp thánh, phò thần.
Qui thông hay thành bại, kiết hung.
Phụng lảu biết thạnh suy, bĩ thái.
Trong trời đất ba ngàn thế giái,
10.  Đều xưng rằng: tứ vật chi linh.
Nhẫn đến loài lục súc hi sinh,
Trời cho xuống hộ người dương thế.

NGƯU

Trâu mỏi nhọc, trâu liền năn nỉ:
"Một mình trâu ghe nỗi gian nan,
15.  Lóng canh gà vừa mới gáy tan,
Chủ đã gọi thằng chăn vội vã.
Dạy rằng: đuổi trâu ra thảo dã,
Cho nó ăn ba miếng đỡ lòng.
Chưa bao lâu thoát đã rạng đông;
20.  Vừa đến buổi cày bừa bua việc.
Trước cổ đã mang hai cái niệt,
Sau đuôi thêm kéo một cái cày;
Miệng đã dàm, mũi lại dòng dây;
Trên lưng ruồi bâu, dưới chơn đỉa cắn,
25.  Trâu mệt đà thở dài, thở vắn,
Người còn hầm hét, mắng ngược mắng xuôi;
Liệu vừa đứng bóng mới thôi.
Đói hòa mệt, bước khôn dời bước.
Ai thong thả, trâu nào ben đặng ?
30.  Trâu nhọc nhằn, ai dễ thế cho?
Cày ruộng sâu, ruộng cạn cho no,
Lại vườn đậu, vườn mè khiến trở,
Làm không kịp thở,
Ăn không kịp nhai.
35.  Tắm mưa, trải gió chi nài?
Đạp tuyết, giày sương bao sá?
Có trâu, sẵn tằm tơ, lúa má,
Không trâu, không hoa quả, đậu mè.
Lúa gặt cất lên đà có trâu xe,
40.  Lúa chất trữ lại, để dành trâu đạp,
Từ tháng Giêng cho đến tháng Chạp,
Kể Xuân, Hè, nhẫn đến Thu, Đông,
Việc cày bừa, nông vụ vừa xong,
Lại xe gỗ, dầm công liên khói ,
45.  Bất luận xe rào, xe củi.
Nhẫn đến loài phân bổi , tranh tre;
Hễ bao nhiêu nhất thiết của chi,
Thì đã phú mặc trâu chuyên chở.
Bao quản núi non hiểm trở?
50.  Chi nài khe suối dầm dề?
Cong lưng chịu việc nặng nề,
Cay đắng những lời dức lác!
Ăn thì những rơm khô, cỏ rác,
Ở quản chi ràn lấm, tráp nè?
55.  Trâu dựng nên nông nọ, nỗi kia;
Trâu làm đặng căn trên, bồ dưới.
Nghĩ suy lại công trâu cho phải,
Lẽ cho trâu thao lụa mặc dày.
Không chi thì quần vải, dải gai,
60.  Không chi thì khố lưỡi cày cũng khá.
Ăn cho phải những cơm với cá,
Không nữa thì rau cháo cũng nên.
Đến mai sau già cả sức hèn,
Cũng bảo dưỡng bổ công lao lý.
65.  Khi mạng một chẳng đơm, chẳng tế;
Lẽ "sanh cư, tử táng", mới ưng.
Thuở sống đà không dạ yêu đương,
Khi thác lại đoạn tình siêu độ!
Bảo nhau sắm con dao, cái rổ,
70.  Khiến nhau vơ mớ củi, nhắm nè.
Rằng: Trâu này cốt Phật xưa kia,
Phát đình liệu cho hồn thăng thiên giái,
Còn hình tích giống chi để lại,
Người người đều bàn bạc với nhau:
75.  Kẻ thì rằng: Tôi lãnh cái đầu,
Người lại nói: Phần tôi cái nọng.
Kẻ giành lòng bóng ép gối mà kê,
Còn sừng đem về ép thoi, làm lược;
Kẻ thì chuốc hoa tai, làm ngạt quạt,
80.  Người lại tiện chén rượu, bầu liều.
Làm tù và mà thổi cũng kêu,
Tiện con cờ mà đánh cũng tốt.
Kẻ thì làm cái mõ, cái hộp,
Người lại tỉa cán quạt, cán dao.
85.  Còn giò chia nhau,
Làm nham, làm thấu.
Trâu gẫm lại là loài cầm thú.
Phận sao chịu vậy, dám nài?
Trâu thác, đã công nghiệp phủi rồi,
90.  Trâu sống lại kiện nài với chủ?
Không nhớ thưở bôi chuông đường hạ,
Ơn Tề vương vô tội khiến tha?
Tưởng chưng khi sức mỏn tuổi già,
Cám Điền Tử dạy con chớ bán.
95.  Lời cổ nhân còn dặn,
Sao ông chủ vội quên?
Chẳng nhớ câu "Dĩ đức hành nhân".
Lại lấy chữ "Dĩ ân báo oán!"
Nói chi nữa cho dài chuyện vãn?
100.  Thưa chủ xin nói thép một lời:
Nhưng loài muông, vô tướng, vô tài,
Nuôi giống ấy làm chi cho nhọc?
Ăn cho lớn, dưỡng vai, dưỡng vóc,
Giỡn với nhau, vạch cửa, vạch sân.
105.  Một ngày ba bữa chực ăn,
Thấy đến việc lánh mình bét bét.
Chưa rét đà phô rằng rét;
Xo ro đuôi quít vào trôn.
Vậy bếp người, tro trấu chẳng còn.
110.  Ba ông táo lộn đầu, lộn óc.
Chưa sốt đà nằm dài thở dốc,
Lè lưỡi ra phỏng ước dư gang.
Lại thấy người lơ đĩnh lơ hoang
Tài ăn vụng thôi thì hơn chúng.
115.  Như muông biết cày trưa, bừa ruộng,
Thì muông kể biết mấy công ơn?
Muông người cho ăn cháo, ăn cơm,
Trâu người bắt nhai rơm, nhai cỏ.
Khi muông thác tống chung, an thổ,
120.  Có gạo tiền cấp táng toàn thân,
Trách một lòng chủ ở bất công,
Hậu ư bạc, bạc đem làm hậu".

KHUYỂN

Muông nghe nói, giận đau phế phổi,
Liền chạy ra sủa mắng vang tai:
125.  "Trời đã sinh các hữu kỳ tài,
Lớn việc nặng, bé thì việc nhẹ.
Bởi vì đó lớn vai, lớn vế,
Thì chuyên lo nông bổn cày bừa.
Vốn như đây ốm yếu chơn tay,
130.  Cũng hết sức gia trung xem xét.
Trách, sao khéo thổi lông tìm vít?
Giận, thày lay vạch lá tìm sâu.
Ai ai đều phận thú như nhau;
Khắn khắn cũng một lòng phò chủ.
135.  Kẻ đầu kia, người việc nọ,
Đứa coi ngoài có đứa giữ trong.
Đêm năm canh, con mắt như chong;
Đứa đạo tặc nép oai khủng động.
Ngày sáu khắc, lỗ tai hằng trống,
140.  Đứa gian tham thấy bóng cũng kinh.
Lại đến ngày kỵ lạp tiên sinh,
Cũng ra sức săn chồn, đuổi sóc.
Bao quản chui gai, lướt gốc?
Chi này múa mỏ, lòn hang?
145.  Anh trâu sao chẳng biết thương?
Nỡ lại tra lời sanh nạnh!
Ăn thì cơm thừa, canh cặn,
Ăn thì môn sượng, khoai sùng.
Tới bữa ăn, chẳng luận ít nhiều,
150.  Có cũng rằng, không cũng chớ.
Trâu rằng: trâu ăn rơm với cỏ,
Mà còn có một thằng chăn,
Tốn áo quần cùng tốn cơm ăn,
Nỗi lại tới gạo tiền đằng khác;
155.  Tính chắt lót một năm hai đạc,
Về thằng chăn đã hết một trâu.
Cũng mạnh cày, mạnh kéo nên giàu,
Hãy cho nhẹm mình trâu là quí!
Vốn như đây gia tài hủy ký,
160.  Mà chủ không tốn kém đồng nào.
Nếu không muông coi trước giữ sau,
Thì của ấy về tay kẻ trộm.
Trâu biết nói, trâu không biết xét,
Suy mình muông công nghiệp đã dày;
165.  Khi sống thì gìn giữ của đời,
Khi thác xuống giữ cầu âm giái.
Người có phước, muông đưa ra khỏi,
Ai vô nhơn, qua chẳng đặng đâu!
Chủ có lòng suy trước,xét sau,
170.  Khi lâm tử gạo tiền tống táng.
Chủ đã có công dày ngãi rộng,
Muông dễ không tiếp rước đãi đưa,
Thấy anh trâu chưa biết căn do,
Nói vài chuyện, kẻo chê muông dại".
175.  Trâu với muông hai đàng đối nại,
***
Chủ nghe qua khó nỗi xử phân:
"Thôi, thôi! đừng nhĩ ngã thiệt hơn,
Phú lưỡng bạn dĩ hoà vi quí".
Hai vật đã tương đồng hoan hỉ,
180.  Lại cùng nhau từ tạ một lời.
"Như luận trong công nghiệp hai tôi:
Ăn có bữa, lo không có bữa.
Dám thưa người, báu gì giống ngựa;
Mà trau tria lều trại nhọc nhằn?
185.  Ăn cho ăn những cháo đậu xanh,
Ở thì ở những tàu lợp ngói.
Bữa bữa dạo chơi, tắm gội,
Ngày ngày chấn vó, hớt mao.
Sắm sửa cho, chẳng biết chừng nào,
190.  Suy tính lại, dư trăm, dư chục.
Sắm lá vả, sắm yên, sắm lạc,
Sắm chơn đưng, hàm thiếc, dây cương.
Rơi tiền, rơi hậu bao vàng,
Thắng đái, dây cương hàm thếp bạc.
195.  Gẫm giống ấy nết na giớn giác,
Tính khí chàng ràng,
Tuy đang khi mọi vẻ nghiêm trang,
Trong gia sự nhiều điều ngơ ngáo.
Nghề cày bừa, nghe coi lếu láo,
200.  Việc bắn săn coi cũng ương tài.
Chủ nuôi, không biết chủ là ai;
Nhà ở, chẳng biết nhà mà lại.
Dại không ra dại,
Khôn chẳng nên khôn;
205.  Ngất ngơ như ốc mượn hồn.
Nuôi giống ấy làm chi cho rối?"



Ngựa nghe nói, tím gan, nổi phổi,
Liền chạy ra hầm hí vang tai;
“Ớ! Nầy, nầy, tao bảo chúng bay
210.  Đố mặt ai dài bằng mặt ngựa?
Tuy rằng thú, cũng hai giống thú. Thú như tao ai dám phen lê?
Tao đã từng, đi quán, về quê,
Đã ghe trận đánh Nam dẹp Bắc.
215.  Mõi gối nưng phò xã tắc,
Mòn lưng cúi đội vương công.
Ngày ngày chầu chực sân rồng,
bữa bữa dựa kề loan giá
Ông Cao tổ năm năm thượng mã,
220.  Mới dựng nên cơ nghiệp Lưu gia.
Ông Quan công sáu ải thoát qua,
Vì vậy có Thanh Long, Xích Thổ;
Đã nhiều thuở ngăn thành, thủ phủ,
Lại ghe phen đụt pháo xông tên.
225.  Đàng xa xuôi ngàn dặm quan sơn,
Ngựa phi đệ một giờ liền thấu.
Các chú đặng ăn no, nằm ngủ,
Bởi vì ta cần cán giữ gìn
Khắn khắn lo nhà trị nước yên
230.  Chốn chốn đặng nông bo lạc nghiệp.
Các chú những nằm trong xó bếp,
Tài các ngươi ở chốn quê mùa.
Đừng đừng buông lời nói khật khù,
Bớt bớt thói chê ai giớn giác.
235.  Nếu tao chẳng lo trong việc nước,
Giặc đến nhà ai để chúng bay?
Thật biết một mà chẳng biết mười,
Chớ lừng lẫy cậy tài , cậy thế.
Ngựa nói lâu, gẫm càng hữu lý,
240.  Vậy chủ bèn phân giải một lời:
“Đại tiểu các hữu kỳ tài,
Vô đắc tương tranh nhĩ ngã”.
***
Trâu với ngựa cũng muông ba gã,
Mới ra ngoài từ tạ phân nhau.
245.  Ngựa giận dê, đứng lại giây lâu,
Bèn phát trạng cáo nài với chủ:
"Dê với ngựa cũng là giống thú,
Chăn đồng chăn, nuôi cũng đồng nuôi,
Dê, người cho ăn nhảy chơi bời,
250.  Ngựa, người bắt kỵ biêu luân tế.
Gẫm giống chi hữu đầu vô vĩ,
Hình con con, bụng lớn chang bang;
Cháng náng như đứa có hạ nang,
Sớn sác tợ con chàng kẻ cướp.
255.  Nghề tế kiệu coi đà xấu vóc,
Việc cày bừa nhắm bóng cũng ươn;
Hễ thấy người thấp thoáng đôi bên,
Liền hả miệng kêu la: bé bé!

DƯƠNG

Dê nghe ngựa nói dê quá tệ,
260.  Liền chạy ra vác mặt, vinh râu;
Dê nói rằng: "Ta đọ với nhau,
Thử anh lớn hay là tôi lớn.
Anh đã từng vào dinh, ra trấn,
Sá chi tôi tiểu thú quê mùa?
265.  Mạnh thì lo việc nước, việc vua.
Song chớ khá cậy tài, cậy tướng.
Ai có tài, chủ ban chủ thưởng,
Ai không công, tay làm hàm nhai,
Chẳng dám ăn lúa má, môn khoai;
270.  Không hề phạm đậu mè, hoa quả.
Khuyên khuyên chớ nói ngang nói ngửa,
Bớt bớt, đừng ỷ thế, cậy tài,
Ai chẳng biết đuôi ngựa thì dài,
Dài thì để xua mòng, đuổi muỗi;
275.  Vốn như đây đuôi tuy vắn vỏi,
Đây cũng không mượn ngựa nối thêm.
Ngàn dặm trường, mặc ngựa khoe êm.
Ba gò sỏi, dê đà xong việc.
Việc dê thì dê biết,
280.  Việc ngựa thì ngựa hay
Bừa cày, có thú bừa cày,
Kiệu tế, có muông kiệu tế,
Dê vốn thật thuộc về việc lễ,
Để hòng khi về hạng tư văn;
285.  Để dành khi tế thánh, tế thần,
Lại có thuở kỳ yên, kỳ phước.
Hễ có việc, lấy dê làm trước,
Dê dâng vào, người mới lạy sau.
Ngựa tuy rằng: hình tượng lớn cao,
290.  Tam sanh lễ, ai dùng đến ngựa?
Dầu đến việc làm đình, làm chợ,
Cũng lấy dê trảm thảo, bồi cơ;
Nhẫn đến ngày mạng tướng suất sư,
Cũng lấy dê khấn cầu Tổ đạo.
295.  Lễ Cốc sóc thánh nhơn còn bảo:
Tử Cống sao dê sống bỏ đi?
Ngựa nói ngang mà chẳng biết suy,
Dê nào có thiếu chi công trạng ?
Nói cho xứng đáng,
300.  Há dễ cơ cầu.
Dê tuy rằng vô vĩ, vô đầu,
Quan phong chức Trường tu chủ bộ.
Hèn như dê mà dám đọ?
Tiện như dê, quí bất khả ngôn.
305.  Ngựa rằng: Ngựa ở chốn quyền môn.
Phong cho ngựa chức chi nói thử?
Thưa chủ nghiệm việc dê với ngựa,
Cân mà coi, ai trọng, ai khinh.
***
Ngựa nghe qua tỏ đặng sự tình,
310.  Dê rằng: bé, ai hay chức lớn?
Dê nói lại tài dê cũng rắn,
Ngựa thưa qua, sức ngựa thêm rồng,
Chủ phê cho lưỡng bạn tương đồng,
Chắp sự giả các tư kỳ sự.
***
315.  Lời tự thuận hai đàng xong xả,
Dê phát ngôn, bèn trở nại gà:
"Nuôi chúng tôi lợi nước lợi nhà,
Nuôi giống gà thật vô ơn ngãi.
Thấy chủ vãi đám ngò, vạc cải,
320.  Túc nhau bươi chếch gốc, trốc cây.
Thấy người trồng đám đậu, vồng khoai,
Rủ nhau vầy nát bông, nát lá.
Rất đến đỗi thấy nhà lợp rạ,
Kéo nhau lên vậy vã tâng bầng.
325.  Cho ăn rồi quẹt mỏ ,sấp lưng
Trời chưa tối, đà lo việc ngủ.
Ba cái rác nằm không yên chỗ,
Mấy bụi rau nào để bén dây?
Cả ngày thôi những khuấy, những rầy,
330.  Nuôi giống ấy làm chi vô lối?"



Gà nghe nói, nóng gan, nóng phổi,
Liền nhảy ra, chớp cánh, giương đầu.
“Này, này! gà ngũ đức thẳm sâu:
Nhơn, ngãi, tín, võ, văn, gồm đủ.
335.  Trên đầu đội văn quan một mũ;
Dưới chân đeo hai cựa thần thương.
Đã ghe phen đến chốn chiến trường.
Lập công trận vang tai, lói óc,
Thưở Tây Lũng tam canh trống thúc;
340.  Gà gáy đầu ba tiếng đêm khuya,
Một tiếng rằng: thiên nhựt tác thì;
Hai tiếng rằng: quốc tợ tác xương,
Ba tiếng rằng: nhơn gian tác lạc,
Đã cứu nạn, Mạnh thường đặng thoát;
345.  Lại khuyên người Tống sĩ năm canh.
Hễ ai toan cải dữ về lành,
Gà cũng biết tỉnh, mê, giấc điệp.
Nhẫn đến chuyện như gia bá nghiệp,
Coi giò gà xét biết thịnh suy.
350.  Dóng canh khuya vui dạ kẻ tiêu y.
Cất tiếng gáy, toại lòng người đãi đán,
Cứ mấy điều mà đoán,
Đã tỏ việc phải chăng?
Giận anh dê cứ nói việc ăn,
355.  Khéo kiếm chác những điều xoi tệ.
Dê biết lễ, gà cũng biết lễ,
Dê phong chủ bộ, gà chức tư thần.
Nói vài điều, đã biết xứng cân,
Huống gà có ngoại khoa biết mấy?
360.  Chưa biết ai hay rầy, hay khuấy,
Chưa biết ai ngủ sớm, ngủ mê.
Gà không người chăn giữ, đi về,
Nên gà mới lỗi lầm bươi móc.
Dê lầm thế không ai xem sóc,
365.  Việc phá dê bằng chín bằng mười.
Bữa ăn gà tốn kém mấy hơi?
Nói những chuyện so chày buộc chặt!
Kể ít chuyện cho dê biết mặt,
Kẻo rằng gà vô thú trong đời.
370.  Chẳng nhớ xưa đêm sáng, tối trời,
Xui kẻ nhớ vợ hiền thêm chạnh.
Thức vua Thuấn làm lành giấc tỉnh.
Gà thua dê một hàm râu nịnh,
Nghĩ lại coi không ích lợi chi.
375.  Gà dễ đâu có dám phân bì,
Nói phân phải mà nghe cho đặng?"
***
Dê nghe nói công lênh nhẹ nặng,
Mới biết suy hơn thiệt mọi điều:
"Thôi, thôi, nói ít biết nhiều,
380.  Dê xin chịu lập tờ tự thuận"
Gà còn hãy chưa nguôi nổi giận,
Bèn phát ngôn thưa chủ một lời:
"Như chúng gà vốn đạo làm tôi,
Giữ một tiết thức khuya dậy sớm.
385.  Thưở ấu thơ người còn triu trớn;
Đến lớn khôn đều có riêng quan.
Ai siêng bươi, siêng móc thì no,
Bằng biếng tìm, biếng lặt, thì đói.
Gà gẫm lại thân gà thêm tủi,
390.  Làm tôi người không đặng nhờ chi.
Heo ăn rồi ngủ ngáy sì sì,
Giả ngây dại, biết gì việc chủ.
Ngắm diện mạo, dị hình, dị thú,
Xem duông nhan, khác thế lạ đời!
395.  Như nuôi chơi, chẳng phải giống chơi
Chạy rau cám, như tiền nội án.
No đủ mỡ, nhảy quanh, nhảy quất,
Đói xếp hông, cắn máng, cắn chuồng.
Mỗi một ngày ba bữa ròng ròng,
400.  Đã chẳng thấy bữa nào sai chạy,
Báu bối gì mà người yêu vậy ?
Mù quáng chi mà phải bảo cô?"

THỈ

"Chú gà chớ lung lăng múa mỏ,
Giữ có ngày cắn cổ chẳng tha!
405.  Ghét thương, thì mặc lượng chủ nhà,
Chớ thóc mách kiếm lời phỉ báng.
Như các chú lao đao đã đáng,
Heo thong dong, ăn nhảy, mặc heo.
Nội hàng trong lục súc với nhau,
410.  Ai sánh đặng mình heo béo tốt ?
Vua ngự lễ Nam giao đại đột,
Phải có heo mới gọi tam sanh,
Đừng đừng quen lời nói lanh chanh,
Bớt bớt thói chê ai ăn ngủ,
415.  Kìa những việc hôn nhơn, giá thú.
Không heo ra, tính đặng việc chi?
Dầu cho mời năm bảy chuyến đi,
Cũng không thấy một người thấp thoáng.
Việc hòa giải, heo đầu công trạng,
420.  Thấy mặt heo nguôi dạ oán thù.
Nhẫn đến khi ngu phụ, ngu phu,
Giận nhau đánh giập đầu, chảy máu.
Làng xã tới lao đao, láu đáu,
Nào thấy ai gỡ rối cho xong?
425.  Khiêng heo ra để lại giữa dòng,
Mọi việc rối liền xong như chải.
Phải chăng, chăng phải,
Nghĩ lại mà coi,.
Việc quan, hôn, tang, tế, vô hồi,
430.  Thảy thảy cũng lấy heo làm trước.
Bởi gà nhỏ nói lời lấn lướt,
Nên phải phân ít chuyện mà nghe.
Dễ heo nào có dạ dám khoe ?
Khắn khắn cũng lo làm việc phải.
435.  Heo cũng biết đền ơn báo ngãi,
Heo cũng hay tiêu họa, trừ tai,
Toán thân phấn chi nài?
Nát thịt tan xương bao quản?
Lòng thờ chủ ngay đà tỏ rạng.
440.  Thân mình này ví bẵng như không.
Tại chú gà lời nói khùng khùng,
Mới sinh sự so đo trường đoạn".
***
Vậy chủ bèn phân đoán,
Phê một câu khúc tận kỳ tình:
445.  "Gà biết chữ xả sinh thủ ngãi;
Heo đặng câu sát thân thành nhơn.
Thôi thôi! Đừng nhĩ ngã thiệt hơn
Phú lưỡng bạn tịnh sanh, tịnh dục.
***
Nhơn rảnh thảo ra một lúc,
450.  Chép ra cho rõ sự đời
Sự này cũng sự nói chơi,
Ai muốn thì đọc mà cười cho vui.

CHUNG

 

Tác giả bài viết: Lm. Phaolô Nguyễn Minh Chính

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

lich cong giao 2022 - 2023
tapsanmucdong
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập79
  • Máy chủ tìm kiếm31
  • Khách viếng thăm48
  • Hôm nay25,534
  • Tháng hiện tại619,578
  • Tổng lượt truy cập28,934,947

Chúng tôi trên mạng xã hội

CÁC GIÁO HẠT
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây