Một ngày Chúa Nhật ở Kiều Đông (năm 1912)

Thứ sáu - 22/11/2019 19:49
x
 
Nhà thờ Kiều Đông năm 1939

MỘT NGÀY CHÚA NHẬT Ở KIỀU ĐÔNG (NĂM 1912
Annales MEP, 1912, tr. 316-319


 


Bức thư này có kèm theo lời xác nhận sau đây để độc giả quan tâm đến cha Perreaux và những nhu cầu trong giáo xứ của ngài.

Tôi xin các hội viên của Hội những người ra đi (Oeuvre des Partants) thương giúp giáo xứ của cha Perreaux, thật sự đáng được giúp đỡ.

Đức cha Damien Grangeon
Đại diện tông tòa Đông Đàng Trong

***

Năm giờ sáng! Tiếng trống vang, tôi bật dậy, suy gẫm và rồi ra hiên nhà thờ để đọc kinh nhật tụng.
- Thưa cha, xin cha giải tội cho con?
Tôi bỏ cuốn sách kinh, vào tòa giải tội chỉ là bức tường khoét lỗ che miếng vải mềm màu đỏ.

… Xong xuôi, một câu kinh ngắn, tôi cầm lại cuốn kinh nhật tụng. Người ta tìm đến một lần nữa và thế là tôi phải quay lại tòa giải tội. Cuối cùng khi trở về nhà xứ thì thánh lễ đầu tiên sắp bắt đầu, giáo dân đã đọc kinh. Tôi đã chuẩn bị nghỉ ngơi đôi chút để cử hành thánh lễ sau đó ít lâu.

Nhưng rồi người ta và trẻ con lại đến. Họ đã đi năm, tám, mười cây số, đôi khi xa hơn nữa, đói bụng vì giữ chay để có thể rước lễ; tôi giải tội cho họ. Kết thúc đọc kinh, một linh mục Việt đọc Thánh Thư và Tin Mừng trong ngày, tiếp theo là bài giảng. Ông giảng khoảng một khắc, hai mươi phút; dài hơn nữa thì thật là không khôn ngoan. Cuối cùng, tôi đến để điểm danh từng giáo họ. Chỉ cần vài phút nhưng việc điểm danh này giúp tôi biết được những sở họ nào thường bỏ lễ và cũng để các sở họ ganh đua với nhau. Sau một vài lời khen ngợi hay trách mắng, tôi mặc áo lễ, trong khi giáo dân đọc một chương giáo lý. Cũng như đọc kinh, giáo dân chia làm hai bên, bên đàn ông, bên đàn bà. Lần lượt mỗi bên đọc một câu hỏi và câu trả lời.

… Tôi rút gọn thánh lễ một chút, vì không để cho những người ở trong nhà thờ phải chờ đợi quá lâu và bây giờ họ gặp tôi ở nhà xứ. Vừa nhấp ngụm cà phê vừa hút thuốc, tôi tiếp đón mọi người. Hôm nay trời đẹp, có ít người bệnh, buổi gặp gỡ kết thúc sớm.

 
- Thưa cha, con có đứa con bị đau mắt. – Thưa cha, xin cha cho con thuốc xức vết thương này ở chân được không? – Cha ơi, chồng con bị ho. – Thưa cha, con bị sốt. – Có đứa bé sinh trong gia đình này, ở sở họ kia, khi nào thì làm phép rửa tội cho nó, thưa cha? – Gặp nạn đói rồi cha ơi, cha có thể nuôi một trong những đứa con của con được không cha? – Cha ơi! Ông kia muốn kiện con về thửa ruộng đó. – Thưa cha, con muốn đi học. – Cha ơi, gia đình này muốn trở lại đạo. – Thưa cha, đứa con của con vừa được xức dầu hôm thứ Sáu, nó không ói mửa nữa và muốn lãnh của ăn đàng …
Chữa bệnh nơi này, an ủi nơi kia, chỗ khác là một lời hứa hẹn, một lời khuyên và cuối cùng, một linh mục Việt Nam và tôi, chúng tôi đã có thể ăn trưa vừa tiếp một người khách cuối cùng, người muốn xin ý kiến của tôi nhưng vẫn muốn theo ý kiến của riêng mình. Cứ kiên nhẫn, thời gian sẽ sắp xếp mọi sự, nhất là ở xứ sở này.

Ăn xong, tôi vào nhà thờ lấy Mình Thánh Chúa rồi đi Phú Thành. Tôi cứ để cho ngựa nhịp bước chân và, không màng chi đến những chướng ngại vật, tôi đọc kinh nhật tụng. Ngựa ở xứ này có bộ vó khỏe khoắn và đó là điều may mắn vì ta phải thường xuyên đi trên những bờ ruộng thường không quá hai mươi đến ba mươi centimét, bước qua những khoảng trổ để nước chảy từ đám ruộng này sang đám ruộng kia. Năm mươi phút sau tôi đến nhà bệnh nhân. Sau khi chăm sóc cho phần linh hồn, tôi nghĩ đến phần xác, cho ông ta vài liều thuốc rồi vừa uống bát trà xanh vừa trò chuyện với gia đình, sau đó tôi đọc vài lời cầu nguyện cho các cháu nhỏ.

Chúng tôi lên ngựa phi nước kiệu. Mười phút sau, chúng tôi đến Châu Thành. Người ta đánh trống, giáo dân dần dần đến chào và nói chuyện với tôi. Sở họ này không có nhà thờ, chỉ có một mái nhà mà nó cũng cong vẹo như thể năm tháng tác động đến nó. Trận bão đã thay thế cho thời gian! Phân phát vài liều thuốc và chúng tôi lại lên đường.

Trên đường đi, chúng tôi gặp một chị ẵm đứa con 4 đến 5 tuổi, nhận ra chị là giáo dân, tôi cũng biết được lý do chị không đi lễ sáng nay. Chồng mất, phải giữ con, nghèo khổ; đó là những lý do đáng để cho chị đồng 2 xu và tượng ảnh cho đứa bé. Cuối cùng, chúng tôi cũng rời bỏ những cánh đồng và phi nước kiệu qua chợ Gò Găng, nơi có một số đông người Trung Hoa bóc lột người bản xứ, như tất cả các ngôi chợ khác. Chúng tôi nhanh chóng ra đến đường cái quan nối liền Sàigòn với Hà Nội, đi thêm hai cây số nữa trên đoạn đường còn ở trong tình trạng tốt. Nhưng rồi lại một lần nữa phải men theo những cánh đồng và bờ ruộng nhỏ.

Chúng tôi đến Hòa Dõng. Ở Phú Thành có nhà thờ nhưng không có nhà xứ; ở Châu Thành có nhà xứ nhưng không có nhà thờ; còn ở đây không có nhà thờ lẫn nhà xứ. Vì thế, chúng tôi vào nhà một giáo dân và nói chuyện về một địa sở và nhà thờ trong tương lai; chúng tôi cũng bàn chuyện tôn giáo với hai lương dân ở đó. Phải luôn gieo hạt, biết đâu lời này tiếng kia mang lại kết quả?

Chúng tôi mất nửa tiếng để đi từ Châu Thành đến Hòa Dõng, nhưng chỉ cần hai mươi phút để từ đây đến Tân Hóa nếu không phải trò chuyện với giáo dân gặp trên đường hay với vài lương dân. Khi chúng tôi đến nhà thờ thì giáo dân ở địa sở này đang đọc kinh trưa. Đã ba giờ chiều, hiếm hoi những chiếc đồng hồ cũng là điều tốt. Sau khi đọc kinh xong thì tôi mới có thể rửa tội cho một em bé mà người ta đã báo với tôi hồi sáng nay. Sau nghi thức, tôi hỏi han mấy đứa trẻ, ghi dấu thánh giá cho những đứa bé nhất và phát tượng ảnh. Rồi chúng tôi lại ra đi, lần này là trở về nhà.

Tuy nhiên còn phải dừng lại ở Kiều An, chúng tôi ghé qua và nói đôi ba chuyện trong nhà một giáo dân, ở đây vẫn chưa xây dựng lại nhà xứ và nhà thờ từ khi một cơn bão đã quật ngã tất cả; chúng tôi nói về vài gia đình mà vì nạn đói đã đi vào thành phố, hy vọng kiếm sống được dễ dàng ở đấy. Rồi chúng tôi lại lên ngựa.

Hai mươi phút sau, chúng tôi trở về đến Kiều Đông. Vừa bước xuống ngựa, tôi lại phải ra tay chữa bệnh và băng bó cho một giáo dân bị vết loét gặm hết nửa chân. Thật kinh khủng và thúi không thể tả!

Người Việt Nam theo tôi đã không giải quyết được nên bỏ ra ngoài. Tôi phải băng bó và, trời ạ! Phải thú thiệt là thật ghê tởm.

Khi trở về, trong khi giáo dân đọc kinh tối và sau khi đọc kinh thì trẻ em học giáo lý trước nhà thờ, tôi viết vội mấy hàng này xin được cầu nguyện và trợ giúp cho địa sở Kiều Đông nghèo nàn này mà Thiên Chúa nhân lành đã giao phó cho tôi.

 
x

Nhà vuông Kiều Đông năm 1939
  
Lm. Phaolô Nguyễn Minh Chính
chuyển ngữ

 
 

Tác giả bài viết: Lm. Phaolô Nguyễn Minh Chính chuyển ngữ

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

lich cong giao 2022 - 2023
tapsanmucdong
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập59
  • Máy chủ tìm kiếm30
  • Khách viếng thăm29
  • Hôm nay13,240
  • Tháng hiện tại78,950
  • Tổng lượt truy cập29,058,488

Chúng tôi trên mạng xã hội

CÁC GIÁO HẠT
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây