Tường trình năm 1932 của Địa phận Qui Nhơn

Chúa nhật - 11/08/2024 18:36
 
Đức cha Augustinô Tardieu Phú
Giám mục Địa phận Qui Nhơn từ năm 1929 đến 1942

TƯỜNG TRÌNH NĂM 1932
Địa phận Qui Nhơn (Đông Đàng Trong)

RAPPORT ANNUEL 1932
 
Số người Công giáo................................. 80.470 
Rửa tội người lớn.......................................  4.212
Rửa tội trẻ em ngoại giáo.......................    723


Đức Cha Tardieu viết cho chúng tôi rằng hoạt động năm 1931-32 vẫn nằm trong biên niên sử của Địa phận Qui Nhơn, được đánh dấu bằng những sự kiện hết sức quan trọng.

Ngài viết: “Trước hết, đó là việc phân chia Địa phận và thiết lập Kontum thành một Hạt đại diện Tông tòa. Vào tối ngày 25 tháng 12 năm 1931, một số thừa sai đã tập trung tại Tòa giám mục Qui Nhơn, quanh Bề trên tổng quyền (MEP) là Đức cha De Guébriant,[1] đã đến đây ngày hôm trước. Một trong số họ đã nói với vị khách lừng danh này rằng:

 
“Trọng kính Đức cha, có cần thiết phải kể cho ngài nghe chi tiết những gì con cái ngài đã làm trong hơn 250 năm kể từ khi họ rời bỏ nhà mẹ mình không? Như ngài khẳng định trong khu vực triển lãm các Địa phận tại Triển lãm Thuộc địa ở Paris,[2] rằng họ đã làm được rất nhiều với một số ít người. Bất chấp những điều tồi tệ nhất, những cuộc đàn áp đẫm máu nhất và phải luôn làm lại từ đầu, họ vẫn kiên trì, thậm chí họ còn lớn mạnh và sinh sôi nảy nở, nhờ ơn Chúa giúp đỡ. Thưa Cha yêu dấu, nhờ Cha, mong ước của Thánh Kinh đã được thực hiện nơi chúng con; Đức cha đã thấy là bên cạnh chúng con còn có cháu chắt của Đức cha, Sài Gòn và Huế là hai cô con gái đầu lòng của chúng con, và cháu gái Phnompenh của chúng con, tất cả ngày nay đều cao lớn và xinh đẹp hơn cả mẹ của chúng, chưa kể đến những hy vọng tương lai cho cô con gái thứ ba của chúng con đã đạt đến độ tuổi tự lập, mặc dù tính khiêm tốn tự nhiên của cô ấy phủ nhận điều này, chưa nói đến những tham vọng xa vời hơn đối với cô thứ tư, thậm chí thứ năm, cũng sắp đến tuổi trưởng thành”.

Mười lăm ngày sau, Rôma đã thực hiện “những niềm hy vọng gần”của chúng tôi, và vào ngày 14 tháng 1 năm 1932, Đức Hồng y Bộ trưởng Thánh bộ Truyền giáo đã gởi cho Tòa Giám mục Qui Nhơn, cùng với Tòa khâm sứ Tòa thánh Đông Dương, lá thư viết như sau: “Tôi thông báo cho quý ngài biết rằng Đức Thánh Cha, vào ngày 11 tháng 1, đã hạ cố chấp nhận chia lãnh thổ của Địa phận Qui Nhơn và thành lập Hạt Đại diện Tông tòa mới là Kontum, mà ngài đã giao cho các thừa sai của Chủng viện Truyền giáo Hải ngoại Paris chăm sóc”. Sắc lệnh thành lập chính thức đề ngày 18 tháng 1, xuất hiện trong Acta Apostolicae Sedis vào ngày 5 tháng 8 sau đó.

Trong khi chờ đợi Đoản sắc bổ nhiệm vị Tân Đại diện Tông tòa, vui lòng cho phép người mẹ giới thiệu con gái của mình với độc giả của bản tường trình này.

Mở bản đồ của Địa phận ra: Lãnh thổ của Hạt Đại diện Qui Nhơn được chia làm hai phần từ Bắc xuống Nam, dọc theo dãy Trường Sơn, bao gồm về phía đông, gồm sáu tỉnh dân sự của Việt Nam là Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Nha Trang và Phan Rang; phía Tây là ba tỉnh Kontum, Attopeu[3] và Ban Mê Thuột.

Ba tỉnh này là nơi sinh sống của năm hoặc sáu trăm nghìn người dân tộc, chia thành những bộ tộc theo tên gọi, ngôn ngữ và phong tục khác nhau, trong đó có tộc người Bahnar mà trung tâm là Kontum; các bộ tộc này sống dưới chế độ bảo hộ của Pháp.

Trong số hàng trăm nghìn người dân tộc sinh sống trên cao nguyên này, phải kể thêm ít nhất ba mươi nghìn người Việt nhập cư từ vùng đồng bằng, số lượng ngày càng tăng lên, đặc biệt trong hai tỉnh Kontum và Ban Mê Thuột.[4]

Chính lãnh thổ của ba tỉnh này, mà cho đến nay thường được gọi chung là Giáo miền của người dân tộc Bahnars, hình thành nên cái mà Sắc lệnh của Thánh bộ Truyền giáo gọi là Giáo miền Kontum: Một vùng rộng lớn dài khoảng 600 km, rộng trung bình 150 km, ranh giới phía Bắc giáp vùng nội địa hoang sơ của Địa phận Huế, ở độ cao lý tưởng đi từ Tourane tới Saravane,[5] về phía Nam giáp tỉnh Đà Lạt của Địa phận Sài Gòn, phía Tây giáp Địa phận Campuchia và Lào, đến phía đông giáp các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên và Nha Trang của Địa phận Qui Nhơn.

Từ góc nhìn dân sự, hai tỉnh Kontum và Ban Mê Thuột trực thuộc Tòa khâm sứ Trung kỳ (Résidence Supérieure en Annam), tỉnh Attopeu vẫn trực thuộc Lào. Kontum nối liền với Qui Nhơn, Ban Mê Thuột nối với Nha Trang, về phía bờ biển, bằng đường bộ hoạt động quanh năm; Ban Mê Thuột và Kontum thông thương với nhau theo cùng một cách; xung quanh Kontum và Ban Mê Thuột có hàng trăm cây số đường bộ tốt nối các địa điểm quan trọng nhất; Từ Kontum đến Attopeu, chỉ có một vài đường mòn xuyên rừng khó đi lại.

Mỗi tỉnh này đều có các dịch vụ hành chính thiết yếu: Trú sứ Pháp, ở Kontum và Ban Mê Thuột có các quan lại người Việt; lực lượng cảnh sát; bưu điện và điện tín; hỗ trợ y tế; các công trình công cộng. Từ khá lâu, việc truyền thông đã trở nên dễ dàng, nguồn cung cấp được đảm bảo, an ninh gần như hoàn thiện.

Cha Dourisboure nói, “Chỉ sau Chúa, chính Đức Cha Chân phước Cuénot có vinh dự thiết lập Địa phận giữa những người dân tộc Bahnars”. Nỗ lực xâm nhập đầu tiên qua ngả Phú Yên vào năm 1842, lần thứ hai và lần thứ ba qua Quảng Nam và Quảng Ngãi trong những năm tiếp theo đều thất bại; Năm 1848, Bình Định thực hiện chuyến thứ tư và thành công. Khởi đầu thật khó khăn, những cuộc cải đạo rất hiếm và ít vững chắc; nhiều người là nạn nhân của bệnh sốt rừng và thiếu thốn đủ các loại. Giáo miền trì trệ mãi cho đến năm 1887. Từ lúc ấy, nhiệt tình và sự cống hiến của các thợ tông đồ đã vượt qua mọi trở ngại, Giáo miền Bahnar ngày càng lớn mạnh và Thánh bộ Truyền giáo xét đã đến lúc trao quyền tự chủ.

Tự chủ là điều đáng ước ao. Thực tế, Giáo miền người dân tộc Bahnar không giống với các Giáo miền Việt Nam về bất kỳ điểm nào: Đất nước, chủng tộc, ngôn ngữ, phong tục, hành chính dân sự, phương pháp tông đồ, mọi thứ đều khác biệt. Cũng thế, trên thực tế, Kontum dần dần trở thành một cơ thể riêng biệt trong Địa phận Qui Nhơn rộng lớn, hầu như có đời sống khác biệt hoàn toàn. Từ nay trở đi, một Bề trên tự trị, với đội ngũ nhân sự, ngân sách, công việc, trách nhiệm của mình, chắc chắn sẽ giúp công cuộc truyền giáo cất cánh nhanh hơn nhiều.

Tự thân đã đáng mong ước, liệu quyền tự chủ này có là cơ hội và có thể thực hiện được ngay lập tức không? Hãy đánh giá qua những gì sau đây. Giáo miền mới có tổng cộng 20.000 người Công giáo, trong đó có gần 4.000 người Việt, trải rộng trên 21 huyện và 167 địa sở, tất cả đều ở tỉnh Kontum. Các trung tâm chính: Kontum với khoảng 4.000 giáo dân, đa số là người Việt, trong bán kính bốn hoặc năm cây số; Pleiku, trung tâm hành chính của một cao nguyên phì nhiêu và khí hậu trong lành, nơi các đồn điền cà phê và chè thu hút ngày càng nhiều người Việt nhập cư. Các thừa sai chủ yếu hoạt động như vết dầu loang, chỉ có một số địa sở ở cách xa 50, thậm chí 100 km; hầu hết chỉ cách Kontum 10, 20 hoặc 40 km nên Kontum đã trở thành căn cứ vững chắc và trung tâm ảnh hưởng ở vùng hoang sơ này. Cuộc tiến bước đã vững chắc ngày càng gia tăng trong nhiều năm nay. Số người lớn được rửa tội vẫn ở mức trung bình từ 400 đến 500 người mỗi năm; con số này đã vượt quá 800 trong năm hiện tại và tương lai vẫn đầy hứa hẹn ở tỉnh Kontum, đặc biệt về phía Bắc, nhiều làng xin cải đạo; ở Ban Mê Thuột, họ yêu cầu có được nhà truyền giáo.

Ở Kontum, cũng như những nơi khác trong Địa phận, về nguyên tắc cũng như trên thực tế, hầu như ở đâu cũng có nhà thờ và nhà nguyện cũng như có nhiều địa sở. Hầu hết chỉ là những mái lều tranh khiêm tốn theo phong cách hoang sơ được cải tiến đôi chút. Nói chung, về nhà ở cũng thế.  Tuy nhiên, các nhà thờ và nhà xứ ở Kontum, Rohai, Phương Quí, Phương Hòa, Habâu, Konmeney, Konhoring là những trường hợp ngoại lệ. Các nhà thờ Kontum và Robai thậm chí rất đẹp, và nhà xứ Kontum được nối với nhà thờ. Nhà thờ Chính tòa và Tòa giám mục Qui Nhơn khó sánh bằng.

Hơn 16.000 giáo dân người dân tộc, chưa kể người Việt, đó chẳng phải là một kết quả tốt, một khởi đầu đẹp sao? Nhưng đời sống Kitô giáo của những đứa con rừng xanh này như thế nào? Chắc chắn là không nồng nàn lắm, bởi vì ngay cả ở đây nguyên tắc nổi tiếng cũng được áp dụng: “quidquid recipitur per modum recipitur” (Điều gì nhận được thì được nhận theo cách của người nhận). Các địa sở mới thành lập vẫn xoàng xĩnh trong một thời gian dài: Những người dân tộc tốt lành này, sống theo tự nhiên và khá lạc hậu, họ biếng nhác, nghiện rượu và mê tín! Một số giáo dân lớn tuổi thì khá tốt. Ít nhất cũng chắc chắn rằng, nhất là kể từ hai mươi năm qua, não trạng hoang dã đã được cải thiện. Để thuyết phục về điều này, chỉ cần so sánh giữa một làng ngoại giáo và một làng Kitô giáo là đủ. Sau ân sủng của Chúa, những yếu tố quan trọng là thời gian và kiên nhẫn.

 Hiện nay, để canh tác bụi cây khá khô cằn này có 14 thừa sai và 15 linh mục bản xứ, trong đó có 12 người Việt xuất thân từ Đại chủng viện Qui Nhơn, và 3 người Bahnars học tại Đại chủng viện Pinang; khoảng 10 thầy giảng người Việt và hơn 150 thầy giảng (Yao Phu) người Bahnar, phần lớn đã kết hôn; một trường đào tạo thầy giảng người dân tộc, gọi là Trường Chân phước Cuénot, rất có ích cho việc truyền bá tinh thần Kitô giáo và biến đổi não trạng hoang dã về mọi mặt; một nữ tu viện Mến Thánh Giá gồm các nữ tu người Việt, cống hiến hết mình để phục vụ Trường Cuénot; một trường nội trú cho trẻ nữ và một trường bán trú cho nam, chưa kể đến vô số trường sơ cấp còn phôi thai trong các giáo xứ, nơi những đứa trẻ người dân tộc học những bài học đọc và viết đầu tiên; một nhà in tương đối kém phát triển, nhưng đủ để in các sách giáo lý và đạo đức, các sách phổ biến các quan niệm thực hành về y học và vệ sinh, một tờ báo nhỏ bằng tiếng thổ ngữ, cầu nối giữa các nhân sự làm tông đồ; một nhà quản lý, được đặt tại Trường Cuénot, để phục vụ đặc biệt cho các thừa sai và các linh mục bản xứ trong vùng. Đó là hiện tại. Trong tương lai, tại Đại chủng viện có 1 phó tế và 2 thầy triết học, trong đó có 1 người Bahnar ở Pinang; tại tiểu chủng viện, có khoảng mười lăm trẻ em trong đó có hàng chục trẻ người Bahnar.

Về vấn đề này, chẳng phải lễ phong chức vào ngày 27 tháng 6[6] là điềm hạnh phúc nhất, và liệu Địa phận Mẹ,[7] khi gả cưới con gái mình, đã có thể tặng cho cô ấy một món quà hồi môn nào quý giá và kịp thời hơn là ba linh mục bản xứ đầu tiên này không?

Các linh mục người Bahnars! Có phải chúng ta chỉ tin điều đó mới cách đây hai mươi hay ba mươi năm? Chúng ta dường như đã quên rằng chức linh mục không phải là độc quyền, và Giáo hội, mặc dù đòi hỏi tối thiểu về hiểu biết và nhân đức, vẫn chấp nhận mọi chủng tộc, mọi màu da. Đức cha đã nói với các tân linh mục này vào ngày thụ phong: “Các con là một “thành tựu”, “thành tựu cao nhất của hơn 80 năm nỗ lực. Các con cũng là một khởi đầu, là thành quả đầu mùa của hàng giáo sĩ người Bahnar;  việc tấn phong của các con mang lại mọi hy vọng cho Địa phận còn non trẻ của chúng ta. Cầu mong các con trở thành những người anh cả xứng đáng trong chức linh mục của nhiều anh em và nhờ các nhân đức linh mục và tông đồ của các con, các con trở nên những công cụ cứu rỗi cho đồng bào của các con”.

Sau 3 linh mục người Bahnar đầu tiên của chúng tôi vào ngày 29 tháng 6 tại Đại An là 10 thầy đầu tiên của Dòng anh em hèn mọn Thánh Giuse vào ngày 16 tháng 7 tại Nhà Đá.  Lại một ngày ân phúc nữa cho Địa phận Qui Nhơn. Do Đức Cha Grangeon sáng lập từ năm 1897, lúc ngài còn là một thừa sai, chúng tôi đã có một trường dạy các thầy giảng, phục vụ rất đắc lực. Năm 1926, người sáng lập đã biến trường này thành một dòng tu nam juris dioecesani (thuộc quyền giáo phận), với những lời khấn đơn và vĩnh viễn và buộc phải tuân theo một bản luật. Hội dòng đã phát triển mạnh mẽ dưới sự điều hành của cha Sion, và sau quá trình tham khảo ý kiến ​​của Thánh bộ Truyền giáo, vị Đại diện Tông tòa đã có thể ban cho hội dòng mới quy chế hiện hữu theo giáo luật.  Ngày nay, dòng có 46 đệ tử, 8 thỉnh sinh, 6 tập sinh và kể từ ngày 16 tháng 7, có 10 khấn sinh. Lễ khấn dòng tại Nhà Đá diễn ra rất đơn sơ và cảm động. Đức cha và 11 linh mục vây quanh các thầy Anh em hèn mọn trong nhà nguyện chật hẹp.  Sau vài lời khuyên nhủ của Đức cha về dấu hiệu của một ơn gọi đích thực, và sau khi hát kinh cầu các Thánh, Đức cha ban phép lành cho 10 khấn sinh phủ phục dưới chân bàn thờ, họ tiến lên từng cặp một, và trước sự chứng kiến ​​của Bề trên, họ tuyên khấn trước Giám mục của mình, nhận áo dòng, thánh giá tuyên khấn và một bản sao quy luật từ tay ngài.

Đức cha đã nói với tân tu sĩ sau buổi lễ: “Để cải đạo đất nước này, vốn vẫn hầu hết là ngoại giáo, tôi trông cậy rất nhiều vào các thầy, tôi muốn nói không chỉ là vào việc giảng dạy của các thầy, mà còn là hương thơm đức hạnh của người tu sĩ. Vì lợi ích của Địa phận, tôi xin tặng cho các thầy, cho các thầy và cho tất cả những ai sẽ theo các thầy, nhân danh Địa phận, cũng như nhân danh các nhà hảo tâm quảng đại mà chỉ một mình Thiên Chúa biết đến và là những người không yêu cầu được đến đáp bằng sự biết ơn qua những lời cầu nguyện của các thầy, tôi hiến tặng cho các thầy ngôi trường Gagelin cũ ở Kim Châu, để đổi lấy những túp lều tồi tàn đã che chở cho những ngày khởi đầu của các thầy. Nó là của các thầy, từ nay trở đi nó sẽ là “Nhà dòng các anh em hèn mọn Thánh Giuse”. Bốn ngày sau, cộng đoàn các anh em hèn mọn Thánh Giuse rời Nhà Đá đến đến định cư tại Kim Châu.

Chính từ nơi đó một tháng sau, các tân khấn sinh đã ra đi để đảm nhận các vị trí tương ứng của mình; cũng chính nơi ấy mà các đệ tử¸ thỉnh sinh và tập sinh sẽ tiếp tục tiến triển về kiến ​​thức và nhân đức, cho đến ngày đến phiên họ được kêu gọi đi dạy dự tòng, chuẩn bị cho trẻ em Rước lễ lần đầu, điều hành các trường học, tóm lại là giúp đỡ các thừa sai trong mọi công việc tông đồ của mình.

Trường Gagelin được chuyển về Qui Nhơn. Các sư huynh đến ở nhà mới vào cuối tháng 6 và khai trường vào ngày 1 tháng 9.  Vị trí tráng lệ của cơ sở, vẻ ngoài đẹp đẽ và trên hết là danh tiếng của các sư huynh là bảo chứng cho sự thành công. “Crescat!” (Cầu chúc phát triển), đây là mong muốn mà tất cả chúng tôi bày tỏ sự ủng hộ với các anh em trợ tá tận tụy phục vụ các địa phận là các thầy Dòng Sư huynh các trường Công giáo.[8]

Các thầy đại chủng sinh của chúng tôi cũng đã tạm biệt Đại An, “terra invia et inaquosa” (Mảnh đất hoang khô cằn, không giọt nước – Tv 63,2), và đến kỳ nghỉ hè từ tháng 7 đến tháng 8, đã tiếp nhận Đại Chủng viện mới ở Qui Nhơn.[9] Cơ sở tuy chưa hoàn thiện nhưng đã hoạt động từ ngày 1/9. Nó vững chãi, thiết thực, thậm chí trang nhã và có vị trí đẹp bên bờ biển. Các linh mục bản xứ và các chủng sinh của chúng tôi không giấu được sự hài lòng của mình. Cám ơn cha Dorgeville, kiến trúc sư và giám đốc công trình. Cám ơn tất cả những người mà lòng bác ái của họ đã cho phép chúng tôi hoàn thành công trình xây dựng quan trọng này. Xin gửi tới Hội đồng Trung ương của Hội  MEP, các độc giả của tạp chí Missions Catholiques, các thân hữu của Giám mục Đại diện Tông tòa Qui Nhơn, đến giáo phận Mende và những nơi khác, tới các nhà hảo tâm muốn giấu tên, tới các thừa sai, các linh mục bản xứ và các giáo dân trong Địa phận, những người có thể đã đến hoặc sẽ đến để hỗ trợ chúng tôi. Dù nỗ lực đã đạt được, chúng tôi vẫn hết sức túng thiếu, nhưng rất vui vì đã hoàn thành bổn phận của mình, vì hàng giáo sĩ bản địa.

Sáu nữ tu Phan Sinh thừa sai Đức Mẹ, đã hứa hẹn từ tháng 12 năm 1930, đã rời cảng Marseille vào ngày 23 tháng 9. Hai trăm bệnh nhân phong của chúng tôi, đang kiên nhẫn chờ đợi, cuối cùng sẽ thấy ước mơ của mình được thực hiện vào cuối tháng 10, nếu điều ấy làm vui lòng Chúa. Một cơ sở khác đã được công bố và đang được tiến hành ở Nha Trang, đó là một trường học và một bệnh viện nhỏ của các nữ tu dòng Thánh Vinh Sơn Phaolô.

 Để khép lại chuỗi phúc lành dồi dào và để an ủi chúng ta khỏi những âu lo, Chúa Quan Phòng nhân lành đã ban cho chúng tôi 4.214 người lớn được rửa tội, trong đó chỉ có 138 phép rửa tội cho người nguy tử. Chúng tôi phải quay lại ký ức của mình khoảng ba mươi năm trước, để tìm được một mẻ lưới hiệu quả như vậy. Ba linh mục bản xứ Khoa, Ninh và Đức ở Quảng Nam đã rất vui mừng: Họ lần lượt rửa tội cho 1.037; 944 và 381 người lớn, tất cả đều ở cùng một vùng. Đó là cả một xứ sở mở rộng cửa đón nhận Tin Mừng và ở đó, 4 hoặc 5 năm trước chỉ có 150 tín hữu gắn bó với các địa sở lân cận, ngày nay chúng ta thấy 3 linh mục, khoảng 10 thầy giảng và gần 4.000 tân tòng phân bổ trong một bán kính khá hạn hẹp, vào khoảng ba mươi địa điểm quan trọng ít nhiều.

Phong trào cải đạo, không hề chậm lại, trái lại dường như còn lan rộng xuống phía Nam, trong các tỉnh Quảng Ngãi và Bình Định, đến những nơi từng chứng kiến ​​công việc và nỗi đau khổ của các thừa sai đầu tiên của chúng ta, và nơi Giám mục Chân phước Cuénot và những các bạn đồng hành đã bị bắt và dẫn đến cái chết. Tại địa sở Xóm Nam,[10] nơi trước đây phải vất vả nhặt nhạnh mấy bông lúa, lần này Cha Chỉ[11] đã thu hái một bó gồm 115 người được rửa tội. Ngài hãnh diện nói thêm: “Năm sau sẽ nhiều hơn”. Phải chăng đây là sự báo thù của các bậc tiền bối anh hùng và các đấng từ đạo anh dũng của chúng ta?

Thật không may, niềm vui thu hoạch đầy tay của chúng tôi không hoàn toàn được. Cần phải duy trì các linh mục và thầy giảng nơi các tân tòng, ở những nơi thiếu nguồn lực; giúp đỡ người nghèo, và họ luôn đông đảo nhất, trong suốt thời gian hướng dẫn cho họ; xây dựng các lớp dự tòng và thậm chí một vài nhà nguyện đơn sơ nữa;  giữ thầy giảng ở giữa các tân tòng một thời gian để vừa đưa họ đến bí tích rửa tội, hầu đảm bảo cho họ những bước đi đầu tiên. Ngoài ra, năm nay cũng cần phải sửa chữa ngay các nhà thờ, nhà xứ, trường học và các cơ sở khác bị ảnh hưởng nặng nề bởi cơn bão tàn phá tỉnh Phan Rang hồi tháng 5. Tôi im lặng bỏ qua những đòi hỏi tài chính rất gắt gao đối với các miền truyền giáo tội nghiệp của chúng tôi. Tất cả điều này xảy ra vào thời điểm mà một cuộc khủng hoảng chưa từng có đang tích tụ những đống đổ nát khắp nơi. Đấng Quan Phòng đã dành cho chúng tôi những gì? Thừa sai là người đầu tiên cười trên sự nghèo nàn về lương thực và nơi ở của mình, thậm chí ông còn cam chịu trước tình trạng trống trước trống sau nơi nhà thờ của mình; nhưng khi nói đến một phong trào cải đạo do lòng nhiệt thành của mình khơi dậy, thì thật là đau lòng, nếu ông thấy mình bị buộc phải từ bỏ nó mà không có hy vọng vì thiếu tiền! Xin Chúa cất đi khỏi chúng con nỗi đau buồn lớn lao này!

Một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng hơn đang được cảm nhận sâu sắc, đó là vấn đề nhân sự. Cái chết, nếu lần này nó tha cho các linh mục bản xứ của chúng tôi, thì cũng đã nhanh chóng cướp đi hai thừa sai, các cha Poyet và Guénot, một người kiệt sức ở tuổi 45, người còn lại sau 42 năm ở Đông Dương. Kiến thức của các bác sĩ, sự chăm sóc của các nữ tu ở bệnh viện Angier đều không giúp được gì. Họ an nghỉ bên cạnh các đồng nghiệp của mình, trên đất bạn, ở Sài Gòn tại nghĩa trang Adran. Một số người khác đã phải rời bỏ vị trí để sang Pháp hoặc Hồng Kông phục hồi sức khỏe đang suy yếu. Đối với tất cả những cuộc ra đi vĩnh viễn hoặc vắng mặt nhất thời này, trước một mùa gặt dường như đã chuyển sang chín vàng ngút tầm mắt, chỉ còn lại một phương thuốc, đó là lời cầu nguyện dâng lên Chủ mùa gặt: Lạy Chúa, xin hãy sai thợ gặt với chúng con!

Trước khi kết thúc tường trình này được soạn thảo vào đêm trước ngày Kontum sẽ được tách khỏi lãnh thổ Qui Nhơn để hình thành Hạt Đại diện Tông tòa độc lập, không phải là không ích gì khi có một cái nhìn tổng thể về tiến bộ của các miền truyền giáo, từ quan điểm dân số Công giáo trong cánh đồng tông đồ.

Chúng ta biết rằng Qui Nhơn, Sài Gòn, Huế, Phnompenh và Kontum, cho đến năm 1844, chỉ là một Hạt đại diện Tông tòa: Đàng Trong. Các tông đồ đầu tiên của đất nước này là các tu sĩ Đa Minh, Dòng Phanxicô, Dòng Tên từ Malacca, Manila và Nhật Bản, vào hậu bán thế kỷ XVI và đầu thế kỷ XVII. Năm 1650, đã có khoảng 20.000 tín hữu. Chỉ đến năm 1659, theo sáng kiến ​​của tu sĩ Dòng Tên Alexandre de Rhodes, người đến Rôma vào năm 1649 để xin Tòa thánh cử các giám mục đến phong chức cho các giáo sĩ bản xứ và tổ chức hàng giáo phẩm ở An Nam, thì Giáo hoàng Alexandre VII mới ra sắc lệnh thiết lập Hạt Đại diện Tông tòa Đàng Trong, giao cho Hội Truyền giáo Hải ngoại Paris chăm sóc. Giám mục Đại Diện Tông tòa đầu tiên là Đức cha Lambert de la Motte, một trong hai người sáng lập Hội. Giám mục cuối cùng của Địa phận gọi là Đàng Trong là Đức cha Chân phước Cuénot.[12]

Số giáo dân đạt con số khoảng 80.000 người vào năm 1680, và 100.000 người vào năm 1750, giảm xuống còn 58.000 vào năm 1795, và tăng trở lại lên 75.000 vào năm 1844. Năm đó, Đức Cha Cuénot lần đầu tiên tách Địa phận Sài Gòn khỏi Qui Nhơn cùng với 23.000 giáo dân, sau đó vào 1850 tách Địa phận Huế ra với 25.000 giáo dân. Cũng chính vị Chân phước này đã bắt đầu công cuộc truyền giáo ở Kontum vào năm 1848. Sau khi chia cắt Huế ra, 32.000 giáo dân còn thuộc Địa phận Qui Nhơn; năm 1862, chỉ còn 26.000 người, và giảm mạnh chỉ trong vài tháng, từ 42.000 xuống còn 18.000 người vào năm 1885. Năm 1932, con số này lại tăng lên 80.470 người, trong đó 19.808 người sẽ được tách ra để thành lập Hạt Đại diện Kontum non trẻ.

Phong trào dân số Công giáo này có thể được giải thích như sau; tiến bộ, nhờ sự anh dũng và nỗ lực truyền giáo, và nhờ thực tế là người Việt dễ tiếp cận hoạt động tông đồ; sự suy tàn do nội chiến và những vấn đề khác, nghèo đói, sự quay trở lại của một số người lầm lạc với những mê tín ngoại giáo, và trên hết bởi những cuộc bách hại bạo lực gợi lại những cuộc bách hại trong những thế kỷ đầu tiên của Giáo hội, liên tục kể từ năm 1644, thời kỳ mà thầy giảng Anrê Phú Yên mở đầu cho loạt nạn nhân mãi đến năm 1862, ngày ký hiệp ước hòa bình tôn giáo, một nền hòa bình phiến diện, lại bị xáo trộn bởi những vụ thảm sát tập thể làm đổ máu Giáo hội Việt Nam vào năm phong trào văn thân 1885, và Hạt Đại diện Tông tòa Qui Nhơn phải gánh chịu thiệt hại hơn bất kỳ nơi nào khác.

Bất chấp mọi trở ngại, vẫn có một sự chuyển động đi lên rất rõ ràng. Ta so sánh giữa lãnh thổ mênh mông của Địa phận Đàng Trong vào năm 1844 và cũng lãnh thổ này vào năm 1932: Năm 1844 chỉ có một Địa phận duy nhất lên tới 75.000 giáo dân; vào năm 1932, có năm Địa phận với tổng số gần 340.000 giáo dân.

Như vậy, trong các địa phận, được Chúa dẫn dắt, con tàu của Giáo hội, luôn chao đảo nhưng không bao giờ bị nuốt chửng, với ​​số lượng các linh hồn ngày càng tăng, chắc chắn sẽ đi đến bến cứu độ. Thiên Chúa Người Hoa Tiêu nói với chúng ta rằng: “Quid timidi estis?” (Các con sợ điều chi?). Còn lý do nào mạnh mẽ nào hơn nữa để tin tưởng và khuyến khích các thợ tông đồ, bạn bè và các ân nhân của họ?

Lm. Phaolô Nguyễn Minh Chính
Chuyển ngữ
 
[1] Bề trên tổng quyền đầu tiên của Hội MEP được bầu trong đại hội đồng đầu tiên ở Hồng Kông năm 1921 (các chú thích trong bài là của người dịch)
[2] Triển lãm Thuộc địa Quốc tế (L’Exposition coloniale internationale) được tổ chức tại Paris từ ngày 6 tháng 5 đến ngày 15 tháng 11 năm 1931
[3] Attapeu (Chữ Lào: ອັດຕະປື, phát âm như Át-ta-pừ) là một tỉnh nằm ở phía Đông Nam của Lào; phía Bắc giáp với tỉnh Sekong; phía Tây giáp với tỉnh Champasak; phía Đông giáp với dãy Trường Sơn, tách Attapeu khỏi Việt Nam, phía Nam có đường ranh giới trùng với biên giới Lào và Campuchia.
[4] Đơn vị hành chánh được công nhận chính thức của thành phố lớn nhất Tây Nguyên là Buôn Ma Thuột, nhưng đơn vị tôn giáo là Giáo phận Ban Mê Thuột, theo cách gọi đã có từ rất lâu.
[5] Saravane (tiếng Lào: ສາລະວັນ, phiên âm: Xa-la-van) là một tỉnh ở phía nam Lào.
[6] Ba linh mục đầu tiên người dân tộc Bahnar là Antôn Den (Học), Giuse Châu và Phêrô Hóa. Sau thời gian đào tạo tại Tiểu chủng viện Làng Sông, Đại chủng viện Penang (Mã Lai) và Đại chủng viện Đại An (Qui Nhơn), các thầy đã được Đức cha Jannin (Phước), giám mục tiên khởi của Hạt Tông Tòa Kontum vừa được tách ra khỏi Hạt Tông Tòa Qui Nhơn (18-01-1932), phong chức linh mục vào ngày 27 tháng 6 năm 1932.
[7] Nguyên văn là “Mission-mère”, tức Địa phận Qui Nhơn.
[8] Tiếng Pháp là Frères des Écoles chrétiennes, tiếng Latinh  là Fratres Scholarum Christianarum, viết tắt là FSC, cũng thường gọi là Dòng Sư huynh trường Thiện giáo. Ngoài ra, cũng được gọi là Dòng La San, gọi theo tên của vị sáng lập dòng là Jean-Baptiste de La Salle. Hệ thống các trường thuộc dòng này có chất lượng giáo dục tốt nhất trên thế giới.
[9] Hiện nay là Thư viện Đại học Qui Nhơn. Xem bài viết về cơ sở này tại:
https://gpquinhon.org/q/lich-su-giao-phan-giao-xu/nguon-goc-cua-trung-tam-thong-tin-tu-lieu-dai-hoc-quy-nhon-mot-co-so-ton-giao-1878.html
[10] Tên gọi trước đây của Giáo xứ Nam Bình.
[11] Cha Giacôbê Huỳnh Văn Chỉ, cha sở Nam Bình từ 1923 đến 1939.
[12] Ngày 02 tháng 3 năm 1844, Đức Giáo Hoàng Grêgôriô XVI ký tự sắc Exponendum nobis curavit chia đôi giáo phận Đàng Trong ra thành Tây Đàng Trong và Đông Đàng Trong.

Tác giả bài viết: Lm. Phaolô Nguyễn Minh Chính chuyển ngữ

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

lich cong giao 2022 - 2023
tapsanmucdong
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập94
  • Máy chủ tìm kiếm62
  • Khách viếng thăm32
  • Hôm nay21,846
  • Tháng hiện tại238,968
  • Tổng lượt truy cập31,818,701

Chúng tôi trên mạng xã hội

CÁC GIÁO HẠT
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây