Làm sao Chúa Giêsu lại là “Trưởng tử giữa những kẻ chết”?

Thứ ba - 18/05/2021 19:18
Làm sao Chúa Giêsu lại là “Trưởng tử giữa những kẻ chết”?

Mở đầu sách Khải huyền, thánh Gioan gửi lời chào đến các giáo hội của ngài như sau:

“Ân sủng và bình an cho anh em, do tự Ðấng đang có, đã có và sẽ đến, và do tự bảy thần khí trước ngai của Người, và do tự Ðức Giêsu Kitô, chứng nhân trung thành, trưởng tử giữa các vong linh, thủ lĩnh các đế vương cõi đất” (Kh 1,4-5).

Tước hiệu “trưởng tử giữa những kẻ chết” của Chúa Giêsu rất quan trọng về mặt thần học, đặc biệt trong bối cảnh mùa Phục sinh. Tiếng Hy Lạp của từ “trưởng tử” mà thánh Gioan sử dụng là  prōtotokos, theo nghĩa đen, từ này liên quan tới thứ tự sinh nở để chỉ đứa con đầu lòng. Khái niệm này mang ý nghĩa rất lớn trong Cựu ước, nơi đứa con đầu lòng được kế thừa vị trí đứng đầu gia đình của người cha, nhận sự chúc lành của ông và hưởng gấp đôi phần di sản (Đnl 21,17). Sau cuộc Vượt qua ở Ai cập, Thiên Chúa phán với dân rằng, mọi con đầu lòng phải được dành riêng cho Người (Xh 13,2), và toàn thể dân Israel được xem là “con đầu lòng” của Thiên Chúa (Xh 4,22).

Vì ý nghĩa Thánh kinh đi liền theo khái niệm, từ ngữ “con đầu lòng” hàm chứa một nghĩa ẩn dụ và còn được quy chiếu đến thân phận đặc biệt của đứa con ấy, là người con và kẻ thừa tự ưu việt. Trong Tân ước, Chúa Giêsu được trình bày như “Israel mới”, là chóp đỉnh và sự thành toàn lời Thiên Chúa hứa để ban phúc lành cho mọi dân tộc thông qua dòng dõi Abraham (Gl 3,7). Bằng đời sống toàn hảo và hy sinh mạng sống, Chúa Giêsu hoàn thành vai trò được đặt định cho Israel trong tư cách trưởng tử tín trung của Thiên Chúa, và Ngài được Thiên Chúa minh nhận qua sự phục sinh vinh hiển.

Khi xem Chúa Giêsu là trưởng tử giữa những kẻ chết, thánh Gioan lấy lại những từ ngữ và hình ảnh trong Tv 89, là Thánh vịnh ca tụng vương triều Đavít và dòng dõi với những cụm từ như “trưởng tử”, “vị tối cao trên vua chúa trần gian”, cùng ý tưởng về vương quyền Messiah sẽ là “chứng tá trung thành chốn cao xanh”. Việc gọi Chúa Giêsu là trưởng tử miêu tả Ngài như người kế thừa của Đavít, người được nâng cao và vinh thăng như vị đại diện cho dân.

Nhiều lần khác trong Tân ước, Chúa Giêsu được kể đến như là prōtotokos, tức trưởng tử:

“Vì chưng những ai Người đã biết đến từ trước, thì Người cũng đã tiền định cho họ được nên đồng hình đồng dạng với hình ảnh Con của Người, để Ngài nên trưởng tử giữa một đoàn em đông đúc” (Rm 8,29).

“Ngài là hình ảnh của Thiên Chúa vô hình là trưởng tử giữa mọi thụ sinh” (Cl 1,15).

“Và Ngài là đầu của Thân mình, tức là Hội thánh. Ngài là khởi nguyên, là trưởng tử giữa các vong nhân, ngõ hầu trong muôn sự Ngài là đệ nhất vô song” (Cl 1,18).

“Song khi Người dẫn Trưởng tử của Người vào vũ trụ, Người lại phán nữa rằng: ‘Thiên Thần của Thiên Chúa hết thảy, hãy thờ lạy Người’” (Dt 1,6).

Có hai đoạn văn khác cũng truyền tải chung ý tưởng nhưng với một ngôn ngữ hơi khác biệt:

“[Các ngôn sứ và Môsê đã tuyên bố] rằng Ðức Kitô phải chịu khổ nạn, và là người thứ nhất trong kẻ chết sống lại, Ngài sẽ loan báo sự sáng cho dân và các dân ngoại” (Cv 26,23).

“Nhưng kỳ thực, Ðức Kitô đã sống lại từ cõi chết, tiên thường của các vong linh. Vì chưng sự chết do bởi một người, thì sự kẻ chết sống lại cũng do bởi một người. Quả thế, cũng như nơi Ađam mọi người đều phải chết, thì trong Ðức Kitô, mọi người cũng sẽ được tác sinh. Nhưng ai theo thứ tự nấy, tiên thường là Ðức Kitô, rồi đến các kẻ thuộc về Ðức Kitô, vào buổi Quang lâm của Ngài” (1Cr 15,20-23).

Trong tư cách “trưởng tử giữa những kẻ chết”, Chúa Giêsu vừa đứng đầu về mặt thời gian lẫn ưu quyền. Là người đầu tiên được cho trỗi dậy từ cõi chết, Chúa Kitô là Đấng sáng lập và khởi xướng kỷ nguyên mới. Đây là điều Thiên Chúa đang mang đến qua chiến thắng của Chúa Giêsu trên tội lỗi và sự chết. Sự phục sinh từ cõi chết của Chúa Giêsu mở ra con đường cho tất cả những ai tin vào Ngài để theo Ngài bước vào sự phục sinh khi Ngài quay trở lại. Điều này quan trọng bởi nó cho thấy rằng hy vọng tối hậu của chúng ta không chỉ là để linh hồn chúng ta được lên thiên đàng, nhưng còn cả thân xác thể lý của chúng ta cũng được cho trỗi dậy trong một đời sống mới như Chúa Giêsu đã từng. Ngài là trưởng tử của sự phục sinh.

Trong Kh 1,5 chúng ta cũng thấy nghĩa ẩn dụ của thuật từ này, khi nó thể hiện uy thế và vương quyền tối thượng của Chúa Giêsu hậu phục sinh. G.K. Beale, một học giả Kinh thánh giải thích rằng:

“Gioan xem Chúa Giêsu là vị vua Đavít lý tưởng ở cấp độ tăng cường mang tính cánh chung, cái chết và sự phục sinh đem lại vương quyền vĩnh cửu cho Ngài và cả con cái yêu dấu của Ngài… ‘Trưởng tử’ ám chỉ địa vị cao cả và ưu vượt mà Chúa Kitô có được như là hệ quả của sự phục sinh từ cõi chết… Chúa Kitô lãnh nhận địa vị tối cao trên vũ trụ như thế, không phải theo nghĩa Ngài được thừa nhận là thụ tạo đầu tiên của mọi thụ tạo hay là nguyên ủy của công trình tạo dựng, nhưng theo nghĩa, bằng sự phục sinh mình, Ngài là Đấng khai mở công trình tạo dựng mới.”

Chúng ta có thể tổng hợp những điều này lại để thấy rằng có hai ý tưởng trung tâm của danh hiệu “trưởng tử giữa những kẻ chết” trong Kh 1,5. Đầu tiên, việc ám chỉ đến Tv 89 cho thấy Chúa Giêsu hoàn thành toàn thể lịch sử trong tư cách là vị Vua thiên sai xuất thân từ dòng dõi Đavít. Thứ nữa, là “trưởng tử giữa những kẻ chết”, nghĩa là Chúa Giêsu vừa là người đầu tiên trỗi dậy vừa nắm quyền tối thượng. Ngài là người đầu tiên trỗi dậy từ cõi chết, và do đó, cũng đứng đầu trong công trình tạo dựng mới. Ngài cũng là Đấng khai mở cho công trình tạo dựng mới này và nắm quyền tối cao trên mọi sự. Ngài là người thừa kế hợp pháp tất cả.

Các Kitô hữu có một niềm hy vọng xác đáng rằng, một ngày kia, chúng ta sẽ bước theo Chúa Kitô vào trong sự phục sinh và công trình tạo dựng mới, và, bởi vì chúng ta ở trong Chúa Kitô, chúng ta sẽ thống trị với Ngài trong tư cách là con đầu lòng của Thiên Chúa, là những người thừa kế mọi sự trên trời dưới đất. Hãy hân hoan! Chúa Kitô đã sống lại. Ngài đã thực sự sống lại.

Nguồn: https://www.christianity.com/jesus/is-jesus-god/names-of-jesus/how-is-jesus-the-firstborn-of-the-dead.html
Tác giả: Justin Holcomb
Grêgôriô Võ Trần Nhựt chuyển ngữ

Tác giả bài viết: Grêgôriô Võ Trần Nhựt chuyển ngữ

Tổng số điểm của bài viết là: 13 trong 3 đánh giá

Xếp hạng: 4.3 - 3 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

lich cong giao 2022 - 2023
tapsanmucdong
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập52
  • Máy chủ tìm kiếm31
  • Khách viếng thăm21
  • Hôm nay25,534
  • Tháng hiện tại624,782
  • Tổng lượt truy cập28,940,151

Chúng tôi trên mạng xã hội

CÁC GIÁO HẠT
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây