Chúa Thánh Thần, nguyên lý và nguồn hiệp thông

Thứ hai - 17/05/2021 09:58

(Tu sĩ Phương Tế Các Lương, C.Ss.R.)

Dẫn nhập

Hội Thánh Công Giáo đang bước đi trong cuộc lữ hành trần thế, biết bao nhiêu sóng gió ập vào, biết bao bất đồng từ chính bên trong Giáo Hội. Thế nhưng, Hội Thánh vẫn vững vàng bước đi trong sự quan phòng của Thiên Chúa, trong sự dẫn dắt của Thần Khí, vẫn là sự hiệp nhất trong hiệp thông. Có được điều đó bởi sự hiệp thông đến từ Thiên Chúa. Trước khi “bỏ thế gian mà về với Chúa Cha”, trong lời nguyện hiến tế (Ga 17), Chúa Giêsu đã cầu xin với Chúa Cha cho các môn đệ của Ngài được hiệp nhất với nhau như chính Chúa Cha và Chúa Con là một, sự nên một trong Thần Khí, điều sẽ được làm rõ trong các phần tiếp theo.

 
1. Chúa Thánh Thần là mối liên kết giữa Chúa Cha và Chúa Con
 
Trong kinh Tin Kính của Công đồng Nicea-Constantinop, Chúa Thánh Thần được tuyên xưng là Thiên Chúa, Đấng ban sự sống, Ngài được phát xuất từ Chúa Cha và Chúa Con, là một Ngôi Vị trong Ba Ngôi Thiên Chúa khác với Thiên Chúa Cha và Thiên Chúa Con, và đồng thời liên kết mật thiết với Ngôi Cha và Ngôi Con; Ngài là sự phong nhiêu của Thiên Chúa. Diễn tả theo chức năng, thế giới được tạo thành bởi Chúa Cha, Chúa Con nhập thể và cứu độ, còn Chúa Thánh Thần đóng vai trò thánh hóa những gì đã có, làm nên sự hiệp nhất mà sự hiệp nhất tròn đầy là sự hiệp nhất giữa Chúa Cha và Chúa Con. Ngài là sự hiệp thông, phục vụ cho sự gặp gỡ vĩnh hằng giữa Chúa Cha và Chúa Con, là dây liên kết thần linh giữa Cha và Con.[1]

Theo Thánh Augustinô thì: Chúa Thánh Thần là Thần Khí của Chúa Cha cũng là Thần Khí của Chúa Con, là hồng ân của Chúa Cha cũng là của Chúa Con, cũng như Thánh Thần là Tình Yêu liên kết giữa hai ngôi Cha và Con, vì thế Thánh Thần phải xuất phát từ Cha và Con.[2]

 
2. Chúa Thánh Thần là Đấng Bảo Trợ
 
Trở về bản văn Thánh Kinh, với Tin Mừng theo thánh Gioan, Chúa Thánh Thần được nói đến như là Đấng Bảo Trợ. Trong diễn từ cáo biệt, Đức Giêsu đã tỏ cho thấy các mối dây liên kết hỗ tương hợp nhất Chúa Cha, Chúa Con và Đấng Bảo Trợ. Thần Khí xuất phát từ Chúa Cha (Ga 15,26) và Chúa Cha ban “Thần Khí nhân danh Chúa Con” (Ga 14,26). Nhưng mặt khác, Đức Giêsu tuyên bố và hứa ban Thần Khí nhân cuộc “ra đi” của Người bằng con đường thập giá: “Nếu Thầy đi, Thầy sẽ gửi Đấng ấy đến với anh em” (Ga 16,7). Như vậy, Chúa Cha dùng quyền năng làm Cha của mình sai Chúa Thánh Thần như Ngài đã sai Chúa Con (Ga 3,16-17.34 ; 6,57 ; 17,3 ; 18,23). Chúa Thánh Thần cũng được Chúa Con sai đi: “Thầy sẽ sai Ngài đến với anh em”.[3]

Như vậy, Chúa Thánh Thần là Chúa được xuất phát bởi Chúa Cha và Chúa Con, là mối liên kết giữa Chúa Cha và Chúa Con. Cùng với Chúa Cha và Chúa Con làm nên công trình tạo dựng và cứu độ, là mối dây liên kết tuyệt hảo được ban cho nhân loại này.

3. Thánh Thần là quà tặng tự thân cho thụ tạo sống động

 
Trong công trình tạo dựng, Thiên Chúa tạo dựng mọi là qua Lời sáng tạo và tạo dựng con người theo hình ảnh và giống Người, việc tạo dựng con người là khởi điểm cho việc Thiên Chúa tự ban tặng chính mình để cứu độ. Trong việc tạo dựng này, có Chúa Thánh Thần hiện diện và tác động, để với hơi thở mang sự sống Thiên Chúa, con người mang lấy sự sống và bước đi trong kế đồ cứu độ của Người. Chính trong công trình tạo dựng, Thiên Chúa trao ban sự hiện hữu cho con người và thụ tạo. Con người được chia sẻ sự hiện hữu, khôn ngoan và tốt lành của Thiên Chúa. Cũng chính vì lẽ đó, thực trạng con người và toàn thể vũ trụ hiệp thông với Thiên Chúa. Xét về mặt ý nghĩa cứu độ, mục đích của tạo dựng là sự hiệp thông, là “Thánh Thần” một cách sâu xa và đạt đến được sự hiệp thông sâu xa nhất nơi cuộc phục sinh của Đức Giêsu Kitô, khi mà nhân tính ở lại trong công trình cứu chuộc. Lúc đó tạo dựng và cứu độ đạt được sự hiệp nhất.

Trong sự sống nội tại, Thiên Chúa là Tình yêu (x. 1 Ga 4,8.16), một tình yêu thuần bản chất thuộc về cả Ba Ngôi Vị: tình yêu cá vị chính là Chúa Thánh Thần, được xem như Thánh Thần của Chúa Cha và của Chúa Con. Vì cùng bản thể với Chúa Cha và Chúa Con trong thiên tính, Chúa Thánh Thần vừa là Tình yêu, vừa là Ân Huệ (không do sáng tạo – tự hữu), từ Ân Huệ này như nguồn mạch (fons vivus) tuôn trào mọi thứ ân huệ khác được ban cho thụ tạo (ân huệ được sáng tạo); ân huệ ân sủng được trao ban cho con người do nhiệm cục cứu độ. Thánh Phaolô viết: “Thiên Chúa đã đổ tình yêu của Người vào lòng chúng ta, nhờ Thánh Thần mà Người ban cho chúng ta” (Rm 5,5).[4]

Kết luận: Sống hiệp thông, sống theo Thần Khí

Từ nội tại, Thiên Chúa Ba Ngôi là sự hiệp thông mà Chính Chúa Thánh Thần là nguyên lý và là nguồn hiệp thông, liên kết giữa Chúa Cha và Chúa Con. Trong công trình tạo dựng và cứu độ, Thánh Thần luôn hiện diện và làm nên sự chia sẻ hiện hữu, trao ban ơn cứu độ. Tạo dựng và cứu độ đạt đến sự hiệp nhất viên mãn nơi biến cố cứu độ (như một toàn thể), cũng là sự hiệp nhất nơi Ba Ngôi Thiên Chúa và Thánh Thần được trao ban cho nhân loại; nói cách khác, nơi biến cố cứu độ Thiên Chúa và con người hình thành một toàn thể trong Thánh Thần, làm thành một cộng đoàn yêu thương và hiệp nhất. Nhờ hoạt động của Chúa Thánh Thần, con người sống chiều kích thần khí, tức đời sống thiêng liêng trong Chúa Thánh Thần. Một khi sống trong Thần Khí, con người đạt đến sự hợp nhất xác-hồn, được chia sẻ sự hiện hữu của Thiên Chúa, có được sự khôn ngoan và tốt lành của Thiên Chúa. Chỉ khi sống theo Thần Khí và sống trong Thần Khí, con người mới có thể “sống cùng và sống với” tha nhân, từ đó họ nhận biết được căn tính của mình. Chỉ có một Chúa, một Đức Tin, Một Phép rửa, một Thần Khí, một niềm hy vọng (x. Ep 4,4-6). Do vậy, dù có sự đa dạng trong cuộc sống thì con người cũng cần hướng đến sự hiệp nhất trong sự hiệp thông, một sự hiệp thông của Thần Khí và nơi Thần Khí.
Lý Sơn, Mùa Phục Sinh 2021
Người viết: Tu sĩ Phương Tế Các Lương, C.Ss.R.
 (Học viện Thánh Anphongsô  DCCT)


 
TÀI LIỆU THAM KHẢO

ĐGH Gioan Phaolô II. Thông Điệp Dominum Et Vivificantem.
Nguyễn Văn Trinh. Thánh Thần Học. Sài Gòn: Đại Chủng Viện Thánh Giuse, 2016.
 

[1] Bùi Văn Đọc, “Suy Tư Thần Học Về Chúa Thánh Thần.”
[2] De Trin. XV 17, 29, trích trong Nguyễn Văn Trinh, Thánh Thần Học (Sài Gòn: Đại Chủng Viện Thánh Giuse, 2016), 135.
[3] x. ĐGH Gioan Phaolô II, Thông Điệp Dominum Et Vivificantem, #8.
[4]  x. ĐGH Gioan Phaolô II, Thông Điệp Dominum Et Vivificantem, #9.

Tác giả bài viết: Tu sĩ Phương Tế Các Lương, C.Ss.R.

 Tags: thần học

Tổng số điểm của bài viết là: 4 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 4 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

lich cong giao 2022 - 2023
tapsanmucdong
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập71
  • Máy chủ tìm kiếm29
  • Khách viếng thăm42
  • Hôm nay25,534
  • Tháng hiện tại623,524
  • Tổng lượt truy cập28,938,893

Chúng tôi trên mạng xã hội

CÁC GIÁO HẠT
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây