Những trợ giúp cho việc giáo dục đức tin

Thứ sáu - 09/08/2013 01:31
NHỮNG TRỢ GIÚP CHO VIỆC GIÁO DỤC ĐỨC TIN
Lời Chúa - Bí tích - Phụng vụ
 

 
Mở đầu
 
Theo tinh thần chung của Giáo Hội và nhịp sống của giáo phận trong Năm Đức Tin, chúng ta sẽ tìm hiểu đề tài “những trợ giúp cho việc giáo dục đức tin: Lời Chúa, Bí Tích và Phụng vụ” chủ yếu qua Sách Giáo lý Hội Thánh và các văn kiện công đồng Vaticanô II[1].

Đề cập mối liên hệ chặt chẽ giữa đức tin với việc nghe Lời Chúa, việc lãnh nhận các bí tích và tham dự phụng vụ, sắc lệnh của công đồng Vaticanô II về chức vụ và đời sống linh mục (Presbyterorum Ordinis), số 4 nói rõ: «Chính nhờ nghe rao giảng Phúc Âm mà người ta đi tới đức tin và lãnh nhận những bí tích ban ơn cứu rỗi. Còn trong chính cộng đoàn Kitô giáo, nhất là đối với những người có vẻ ít hiểu và ít tin những điều họ quen thực hành, cần phải rao giảng Lời Chúa để dẫn họ đến chịu các bí tích, vì đây là những bí tích đức tin, mà đức tin lại được phát sinh và nuôi dưỡng bằng lời giảng dạy, điều này đặc biệt thể hiện trong phần phụng vụ lời Chúa khi cử hành Thánh Lễ».

Như vậy, việc rao giảng Lời Chúa phải làm sao giúp đưa người khác đến đức tin rồi lãnh nhận các bí tích, cách riêng là các bí tích khai tâm Kitô giáo. Và việc lắng nghe Lời Chúa đồng thời lãnh nhận các bí tích, cách riêng là bí tích giải tội và bí tích thánh thể lại củng cố và nuôi dưỡng đức tin. Đức tin lại cần được thể hiện qua việc cử hành phụng vụ.

I. Đức tin và Lời Chúa
1. «Có đức tin là nhờ nghe giảng, mà nghe giảng là nghe công bố lời Đức Kitô» (Rm 10,17)
Dòng lịch sử cứu độ cho ta thấy mối quan hệ chặt chẽ giữa đức tin và Lời Chúa (nhân vật tiêu biểu: Abraham, cha kẻ tin). Đức tin đó được thành toàn nơi việc gặp gỡ Đức Kitô. Tác giả thư gởi tín hữu Do Thái tóm tắt lộ trình nầy khi viết «Thuở xưa, nhiều lần nhiều cách, Thiên Chúa đã phán dạy cha ông chúng ta qua các ngôn sứ, nhưng vào thời sau hết nầy, Thiên Chúa đã phán dạy chúng ta qua Thánh Tử» (Dt 1,1-2).

Mạc khải Thánh kinh thiết yếu là Lời của Thiên Chúa nói với con người. Việc rao giảng Lời Chúa làm phát sinh đức tin như thánh Phaolô khẳng định «Có đức tin là nhờ nghe giảng, mà nghe giảng là nghe công bố lời Đức Kitô» (Rm 10,17).

Trong một lần khi Thánh Phêrô công bố Tin Mừng về mầu nhiệm tử nạn-phục sinh của Đức Kitô đã đem đến kết quả tuyệt vời là trong ngày ấy, đã có thêm lối ba ngàn người tin vào Đức Giêsu Kitô (Cv 2,41) và từ đó số tín hữu của Chúa Kitô càng đông đảo và lan rộng trên khắp thế giới.

Đứng trước Lời Chúa, thái độ căn bản của con người là lắng nghe và «phải bày tỏ ‘sự vâng phục bằng đức tin’ (Rm 16,26; x. Rm 1,5; Cr 10,5-6) đối với Thiên Chúa, Đấng mạc khải. Nhờ sự vâng phục đó, con người tự do ký thác mình trọn vẹn cho Thiên Chúa bằng cách dâng lên Thiên Chúa, Đấng mạc khải, sự quy phục trọn vẹn của lý trí và ý chí và bằng cách tỏ ý ưng thuận mạc khải Người đã ban»[2].

Chính việc biết lắng nghe là cửa ngỏ để Lời Chúa làm phát sinh hiệu quả nơi tâm hồn. Từ Cựu ước đến Tân ước, từ các ngôn sứ đến Chúa Giêsu luôn lập lại lời mời gọi “hãy lắng nghe” (Am 3,1; Gr 7,2, Mc 4,3,9...) và trở thành một mệnh lệnh (Dnl 6,4; Mc 12,29). Trong ngôn ngữ Thánh kinh, từ ngữ nghe, không có nghĩa chỉ lắng tai chăm chú, nhưng là mở lòng (tim) mình ra với Thiên Chúa (Cv 16,14), là thực thi Lời Chúa (Mt 7,24), là vâng lời của đức tin khi nghe lời rao giảng (Rm 1,5; 10,14)[3].
Việc nghe và giảng Lời Chúa không thuần túy như nghe giảng ở trên giảng đường đại học và được tiếp nhận như những kiến thức nhân loại. Lắng nghe – đức tin – dấn thân nằm đồng trục từ trong (tim) ra ngoài, tạo nên sự đồng nhất và sức mạnh tổng hợp. Giáo lý Hội Thánh đã dạy «việc công bố Lời Chúa không dừng lại ở lời giảng dạy, nhưng mời gọi người nghe đáp trả bằng đức tin, nghĩa là họ phải ưng thuận và dấn thân vào giao ước giữa Thiên Chúa và Dân Người. Cũng chính Chúa Thánh Thần ban ơn đức tin, giúp đức tin lớn lên và vững mạnh trong cộng đoàn. Cộng đoàn phụng vụ trước hết là sự hiệp thông trong đức tin»[4].

Chúng ta cũng nên lưu ý rằng để chống lại khuynh hướng thuần lý và trừu tượng về mạc khải, Công đồng Vaticanô II qua hiến chế Dei Verbum, số 1, đã có chủ ý trình bày mạc khải như là cuộc đối thoại yêu thương giữa Thiên Chúa và con người, để đưa con người vào "hiệp thông với Chúa Cha và với Đức Giêsu Kitô" (1Ga 1,2-3).

2. Đức tin được củng cố và nuôi dưỡng bằng Lời Chúa

Lắng nghe Lời Chúa là một lệnh truyền của Chúa và cũng là nhu cầu cần thiết cho con người. Chúa muốn con người biết lắng nghe Lời Chúa không phải Chúa muốn đem lại uy thế cho mình nhưng là vì lợi ích cho con người. Lời Chúa là hồng ân Chúa ban, Lời hằng sống đem lại sự sống cho con người. Bởi đó việc lắng nghe Lời Chúa không những làm phát sinh đức tin mà còn nuôi dưỡng và kiện toàn đức tin nữa. Quả thật, «chính Lời cứu độ nuôi dưỡng đức tin trong tâm hồn tín hữu; chính đức tin này khai sinh và phát triển cộng đoàn tín hữu»[5]. Chúng ta xác tín rằng «Lời Thiên Chúa sống động và hữu hiệu» (Dt 4,12), «có sức xây dựng và ban cho anh em được hưởng gia tài cùng với tất cả những người đã được thánh hiến» (Cv 20,32).

Thật vậy, ta thấy rõ tác động của Lời Chúa mạnh mẽ trong đời sống đức tin của Hội Thánh, cộng đoàn và cá nhân. Tự bản tính Lời Chúa là một quyền năng cứu độ, sự tăng trưởng của Hội Thánh được đồng hóa với tăng trưởng của Lời Chúa (x. Cv 6,7; 12,24; 19,20); xiềng xích không trói được Lời Chúa (2Tm 2,9); đó là Lời sự sống (Pl 2,16), Lời cứu độ (x. Cv 13,26). Đặc biệt, đối với cá nhân, Lời Chúa đem lại sự tái sinh (x. 1 Pr 1,23; Gc 1,18, Ep 5,26). Lời Chúa sắc bén như dao hai lưỡi, xuyên thấu tâm hồn, «Lời Thiên Chúa là Lời sống động, hữu hiệu và sắc bén hơn cả gươm hai lưỡi: xuyên thấu chỗ phân các tâm với linh, cốt với tuỷ; lời đó phê phán tâm tình cũng như tư tưởng của lòng người. Vì không có loài thụ tạo nào mà không hiện rõ trước Lời Chúa, nhưng tất cả đều trần trụi và phơi bày trước mặt Đấng có quyền đòi chúng ta trả lẽ» (Dt 4,12-13). Do đó, Lời Chúa có sức chữa lành những thương tổn nơi tâm hồn con người.

Mẫu gương biết lắng nghe, đón nhận và để Lời Chúa hướng dẫn đời mình là chính Đức Maria. Mẹ Maria thật có phúc vì đã tin rằng Chúa sẽ thực hiện những gì Người đã nói nơi Mẹ (x. Lc 1,45). Mẹ có phúc, vì Mẹ có đức tin, Mẹ đã đón tiếp vào lòng mình Ngôi Lời Thiên Chúa và Mẹ để cho mình được Lời Thiên Chúa biến đổi.

Trong lịch sử Hội Thánh không thiếu gương các thánh được Lời Chúa tác động mạnh mẽ và nâng đỡ đức tin trong cuộc đời của mình. Thánh Antôn, khi nghe Lời Chúa trong một thánh lễ chiều: «Nếu anh muốn nên hoàn thiện, hãy đi bán tài sản của anh và đem cho người nghèo, anh sẽ được một kho tàng trên trời. Rồi hãy đến theo tôi» (Mt 19,21) đã thực hiện đúng như thế và đã trở thành một tu sĩ nổi tiếng đạo đức. Thánh Augustinô khi đọc đoạn Lời Chúa Rm 13,13, ngài cảm nghiệm rằng những lời đó như một ánh sáng của sự an tâm được đổ vào trong tâm hồn của thánh nhân, và tất cả những bóng tối của sự nghi ngờ biến mất. Thánh nhân đã thú nhận với Thiên Chúa rằng «Ngài đã xuyên thủng trái tim chúng con bằng tình yêu của Chúa, và chúng con mang lời Ngài, Lời đã được cắm sâu vào trong lòng chúng con»[6].

Tông huấn Verbum Domini kể ra gương một số thánh nhân đã để cho Lời Thiên Chúa uốn nắn, qua việc lắng nghe, đọc và chuyên chăm suy niệm: thánh Phanxicô Assidi, khi nghe câu Lc 9,3 lập tức lòng thánh nhân hớn hở vui mừng và reo lên: “Đây là điều tôi mong mỏi, đây là điều tôi tìm kiếm, đây là điều tôi hết sức ước muốn thực hiện!”; Thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu đã khám phá ra tình yêu như ơn gọi riêng của người khi nghiền ngẫm Kinh Thánh, đặc biệt các ở 1Cr 12 -13, thánh nữ đã nói: “Em chỉ việc liếc vào Tin Mừng, là lập tức em ngửi thấy hương thơm cuộc đời Chúa Giêsu và em biết em phải chạy về phía nào”. Mỗi vị thánh giống như một tia sáng phát xuất từ Lời Thiên Chúa: thánh Inhaxiô Lôiôla khi người đi tìm kiếm chân lý và phân định thiêng liêng; thánh Gioan Bốtcô với niềm say mê giáo dục giới trẻ; thánh Gioan Maria Vianney với ý thức về sự cao cả của chức linh mục như hồng ân và bổn phận[7].

Đối với những người trong bậc sống thánh hiến, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II nhấn mạnh «Lời Chúa là nguồn mạch đầu tiên cho mọi linh đạo Kitô giáo. Lời Chúa nuôi dưỡng tương quan thân tình với Thiên Chúa hằng sống, với ý định cứu chuộc và thánh hóa của Người […] Nhờ đọc Sách thánh mà Lời Thiên Chúa thấm vào cuộc sống, chiếu dọi ánh sáng của sự khôn ngoan, hồng ân Thánh thần»[8].

Nói tóm lại, «Lời Chúa có sức mạnh và quyền năng có thể nâng đỡ và tăng cường Hội Thánh, ban sức mạnh đức tin, là lương thực linh hồn, nguồn sống thiêng liêng, tinh tuyền và trường cửu cho con cái Hội Thánh»[9].

3. Vài điều suy nghĩ và thảo luận

Như trên đã nói, Lời Chúa không những làm phát sinh mà còn nuôi dưỡng và kiện toàn đức tin nữa. Từ những điều nói trên đây về Lời Chúa và đức tin, chúng ta nhớ lại lời mời gọi của công đồng Vaticanô II là «phải mở rộng đường cho các Kitô hữu đến với Thánh Kinh»[10].

Chúng ta biết Kinh thánh là cuốn sách đã được sao chép nhiều lần nhất, cuốn sách đã được in trước nhất bằng máy in, được dịch ra nhiều thứ tiếng nhất, và được giải thích nhiều nhất của tất cả mọi thời đại. Rey-Mermet đã nhận xét rằng người Hồi giáo sùng bái kinh Coran, tuyển tập các bài giảng của Đức Mahômét, như là cuốn sách linh thiêng mà trên đường tìm kiếm Thượng đế Allah họ chỉ tin nhận những chân lý trong sách đó. Đối với người Do thái cũng vậy, khi muốn nghe lời Thiên Chúa, bao giờ cũng chạy đến kinh thánh: đối với họ, Torah (Ngũ Thư) là hiện thân của sự khôn ngoan của Thiên Chúa. Còn đối với chúng ta, câu hỏi được đặt ra là các kitô hữu có phải là một “dân tộc của kinh thánh” như người Hồi giáo hay Do thái giáo không? Hiến chế tín lý về mạc khải muốn trả lời rằng “phải”[11]. Chính tông huấn về Lời Chúa (Verbum Domini) của Đức Giáo Hoàng Bênêđictô VI ban hành năm 2010 cũng cho ta thấy điều đó khi đề cập Lời Thiên Chúa trong đời sống và sứ mạng của Hội Thánh dưới nhiều góc độ khác nhau.

Về phần mình, chúng ta phải làm sao để cộng đoàn (giáo xứ, hội đoàn, hội dòng…) của chúng ta trở nên “cộng đoàn kinh thánh” thực sự, nghĩa là cả cộng đoàn phải có sự hiểu biết, yêu mến và sống Lời Chúa một cách sâu sắc.

Mỗi nơi có đều có những sáng kiến rất hay để đưa Lời Chúa vào cuộc sống cá nhân, gia đình và cộng đoàn. Ngoài những cách thông thường như giảng lễ, học giáo lý, tổ chức tĩnh tâm, suy niệm Lời Chúa, chúng ta còn thấy có hái lộc Lời Chúa, tặng mỗi gia đình một cuốn Kinh thánh, đọc Kinh thánh tại gia, mỗi ngày một câu Kinh thánh, thi tìm hiểu Kinh thánh, 5 phút Lời Chúa mỗi ngày, phút suy niệm. Cách thực hiện cũng rất phong phú như đưa Lời Chúa lên internet, làm thành tờ bướm hay in thành tập mỏng để phân phát, làm trình chiếu powerpoint, làm các videoclip, Lời Chúa cho screen saver, tạo các tiện ích về Lời Chúa cho iphone…

Phải nói rằng trong xã hội hiện đại, «Giáo Hội cần khám phá những cách thế để tận dụng mọi phương tiện truyền thông đại chúng vào kế hoạch mục vụ và hoạt động mục vụ, nhờ biết sử dụng cách hữu hiệu mà sức mạnh của Tin Mừng có thể đến và tiếp xúc một cách rộng rãi với từng cá nhân cũng như với toàn cả các dân tộc, đưa các giá trị của Nước Trời thâm nhập vào các nền văn hóa của Châu Á»[12]. Trong Sứ điệp ngày Thế giới Truyền thông Xã hội (1.2013), Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI đã nêu tầm quan trọng của các trang mạng xã hội như là “cổng thông tin của sự thật và đức tin”, và là “không gian mới cho việc loan báo Tin Mừng” và khuyến khích người công giáo trên toàn cầu sử dụng tốt hơn các phương tiện truyền thông và các hình thức thông tin khác để chia sẻ Tin Mừng cho tất cả mọi người nam nữ. Hiện nay giáo phận chúng ta đã có website (gpquinhon.org) được rất nhiều người quan tâm truy cập mỗi ngày. Tuy nhiên theo thống kê hầu hết các truy cập là chỉ để xem tin tức và hình ảnh còn tại các mục suy niệm Lời Chúa, tìm hiểu Kinh thánh hay thần học thì ít hơn rất nhiều. Điều đó phần nào cho thấy Kinh thánh chưa thực sự đi vào cuộc sống.

Trong thời đại mà nhiều nơi người ta thừa thải vật chất, “bội thực thông tin” thì cần phải “gieo một nạn đói”, «không phải đói bánh ăn, không phải khát nước uống, mà là đói khát được nghe Lời Đức Chúa” (Am 8,11). Nói cách khác, phải làm sao để Lời Chúa trở nên lương thực thiết yếu cho con người và đó là một trọng trách của người mục tử.

II. Đức tin và Bí tích

Giáo lý Hội Thánh khẳng định rằng «các bí tích có mục đích thánh hóa con người, xây dựng Thân Thể Chúa Kitô và sau cùng thờ phượng Thiên Chúa. Tuy nhiên vì là những dấu chỉ, các bí tích còn giữ vai trò giáo huấn nữa. Không những các bí tích giả thiết phải có đức tin, mà còn dùng lời nói và sự vật để nuôi dưỡng, củng cố và diễn tả đức tin đó. Do đó, được gọi là các bí tích đức tin»[13]. Chúng ta sẽ xét vai trò giáo huấn và nuôi dưỡng đức tin trong việc cử hành các bí tích.

1. Vai trò giáo huấn, nuôi dưỡng đức tin của bí tích

Ta nên biết rằng từ mysterion trong tiếng Hy lạp khi chuyển ngữ sang tiếng latin thành hai từ là mysterium có nghĩa là mầu nhiệm và sacramentum có nghĩa là bí tích. Từ sacramentum diễn tả dấu chỉ hữu hình của thực tại vô hình ẩn giấu ơn cứu độ, thực tại ẩn giấu đó được diễn tả bằng từ mysterium (mầu nhiệm). Theo nghĩa đó, Đức Kitô là mầu nhiệm ơn cứu độ và Hội Thánh là dấu chỉ hữu hình chứa đựng và thông truyền ân sủng vô hình là ơn cứu độ cho mọi người[14]. Ở đây chỉ xin nói về vài yếu tố hữu hình.

a. Dấu chỉ và biểu tượng

Chúng ta thấy rằng có thể dùng dấu chỉ và biểu tượng vật chất (khả giác) để diễn tả một thực tại tinh thần (thiêng liêng). Dấu chỉ và biểu tượng sử dụng trong đời sống hàng ngày có một tầm quan trọng nhất định nào đó, như để chuyển tải một thông điệp, hay được dùng như một ngôn ngữ giao tiếp. Điều nầy cũng đúng trên bình diện tôn giáo[15].

Thiên Chúa (vô hình) nói với con người qua những dấu chỉ và biểu tượng vật chất (ánh sáng, đêm tối, lửa, gió, nước, đất, hoa trái,…). Đó là đường lối sư phạm của Thiên Chúa và là một loại ngôn ngữ Thiên Chúa nói với con người[16]. Dòng lịch sử cứu độ cho ta thấy rõ điều đó, cách riêng là qua những dấu chỉ giao ước, ví dụ cắt bì, xức dầu, đặt tay, các hy lễ, nghi lễ vượt qua[17].

Chúng ta thấy chính Đức Kitô khi tại thế cũng sử dụng những dấu chỉ và biểu tượng, lời nói và việc làm để mạc khải những mầu nhiệm và chuyển thông ơn thánh. Chính Người là một bí tích xét vì Người là dấu chỉ làm cho chúng ta biết Chúa Cha, và còn thấy sự hiển hiện của Chúa Cha nơi Người «ai thấy Thầy là thấy Cha». Thật vậy, «nhân tính của Người xuất hiện như một ‘bí tích’ nghĩa là, một dấu chỉ và dụng cụ của thần tính của Người và của ơn cứu độ mà Người mang lại: những gì hữu hình trong cuộc đời trần thế của Người, dẫn chúng ta đến mầu nhiệm vô hình, là địa vị làm Con Thiên Chúa của Người và về sứ vụ cứu chuộc của Người»[18].

Khi Chúa Giêsu không còn hiện diện thể lý trên trần gian, thì Chúa Thánh Thần thực hiện việc thánh hóa qua các dấu chỉ bí tích của Hội Thánh. Hơn nữa, các bí tích còn hoàn tất những tiên trưng và hình bóng của Cựu Ước, biểu thị và thực hiện ơn cứu độ do Đức Kitô đem lại, báo trước và tiền dự vinh quang thiên quốc[19].

Bảy bí tích trong Hội Thánh đều do Đức Kitô thiết lập và ủy thác lại cho Hội Thánh. Như đã nói, các bí tích xét như là hành động của Đức Kitô và Hội Thánh, là những dấu chỉ và phương thế biểu lộ và củng cố đức tin, cử hành việc thờ phượng Thiên Chúa và thánh hóa con người. Các cử hành bí tích đều sử dụng những dấu chỉ và biểu tượng khả giác cũng như lời nói và hành động kèm theo để chỉ thực tại ơn thánh thiêng liêng.

b. Lời nói và hành động

Không chỉ các dấu chỉ và biểu tượng, lời nói và các hành động dùng trong trong cử hành bí tích rất quan trọng và có ý nghĩa đặc biệt vì «việc cử hành bí tích là cuộc gặp gỡ của con cái Thiên Chúa với Cha mình, trong Đức Kitô và Chúa Thánh Thần, và cuộc gặp gỡ nầy diễn ra như một cuộc đối thoại, qua các hành động và lời nói. Tuy các hành động biểu tượng chính là một thứ ngôn ngữ, nhưng cần có Lời Chúa và lời đáp lại của đức tin đi kèm và làm sống động các hành động ấy, để hạt giống của Nước Chúa mang lại hoa trái nơi thửa đất tốt. Các hành động phụng vụ, nói lên Lời Chúa diễn tả: đó là sáng kiến nhưng không của Thiên Chúa, đồng thời là lời đáp lại đức tin của dân Ngài»[20].

Lời giảng dạy và hành động của Đức Kitô nhằm mục đích tối hậu đem lại cho con người ơn đức tin để được cứu rỗi. Đức Kitô là hiện thân của mầu nhiệm cứu độ; vì thế, ai gặp, tiếp xúc và chạm vào Người với niềm tin, là được lành mạnh (x. Mt 9, 20-22), Người chữa lành người phong cùi (x. Mt 8,3tt) hoặc tha thứ tội lỗi (x. Mt 9,2); muốn chia sẻ vinh quang với các bạn hữu mình (x. Ga 17,24) và mang ơn cứu độ đến cho cả đồng bào từ chối đón nhận Người (x. Mt 23,37); làm dụng cụ để Thiên Chúa hòa giải thế gian với chính mình (x. 2Cr 5,19). Thân thể của Người là nguồn trường sinh (x. Ga 6,53tt), và ngoài Người ra thì chẳng có được ơn cứu độ (x. Cv 4,12). Vậy Đức Kitô chính là căn nguyên của mọi bí tích.

Chúa Giêsu đã lập 7 bí tích và một tổng quát ta thấy các bí tích nầy liên quan đến tất cả các giai đoạn và thời điểm quan trọng của đời sống người tín hữu: có bí tích làm khai sinh và kiện toàn đức tin (rửa tội, thêm sức, và thánh thể), có bí tích chữa lành (giải tội và xức dầu bệnh nhân) và có bí tích xây dựng tình hiệp thông (truyền chức thánh và hôn phối)[21]. Với cách nhìn đó, ta thấy các bí tích hợp thành một cấu trúc hữu cơ mà trong đó mỗi bí tích có vai trò rất sinh động như một tiến trình của cuộc sống trên đường hướng về cùng đích của con người.

2. Vài điều suy nghĩ và thảo luận

a. Nguy cơ từ việc hành chính hóa

Hiện nay chúng ta có thể thấy nguy cơ tiềm ẩn trong việc thủ tục hành chính hóa việc ban bí tích (thủ tục ghi danh nhập học, đủ thời gian và điểm số để “được lên lớp” để được rước lễ lần đầu, xưng tội, thêm sức, hôn phối…). Thủ tục và hình thức thì cần thiết để tổ chức tốt hơn, nhưng quá chú trọng thì có thể “bị chương trình hóa”, “tự động hóa” chiều kích đức tin.

Khi người có trách nhiệm đối thoại và quan tâm đến người lãnh nhận bí tích (đặt biệt giai đoạn trước và sau khi lãnh nhận), nhất là bí tích khai tâm Kitô giáo, thì việc lãnh nhận các bí tích có tác dụng lớn hơn rất nhiều trong giáo dục đức tin cho người lãnh nhận.

b. Sử dụng việc ban bí tích như biện pháp chế tài hoặc thể hiện quyền bính

Nói chung, đối với một tổ chức, biện pháp chế tài là không thể thiếu. Giáo Hội hay giáo phận, xét phương diện tổ chức như xã hội cũng vậy. Ngoài những qui định trong giáo luật, giáo phận chúng ta cũng có một số quy định riêng về việc áp dụng các hình phạt cấm xưng tội rước lễ, cấm cử hành bí tích hôn phối… cho một số trường hợp đặc biệt[22].

Tuy nhiên, cần lưu ý rằng, khác với đời sống xã hội, “cực chẳng đã” Giáo Hội mới sử dụng hình phạt, đặc biệt những hình phạt ảnh hưởng đến sự hiệp thông, ví dụ như vạ tuyệt thông, cấm chế, “treo tòa”, “treo chén”.

Hình phạt cấm lãnh nhận một số bí tích trong Giáo Hội, thực chất không phải là cách giáo dục đời sống kitô hữu, cách riêng là về đức tin. Nhiều khi áp dụng không đúng tinh thần và cách thức, hình phạt sẽ có tác dụng ngược. Thực tế cho thấy nhiều người bỏ đạo vì hình phạt; nhiều người mừng vị bị cấm dự lễ, cấm xưng tội rước lễ. Rõ ràng không thể dùng việc ban bí tích để giáo dục đức tin bằng cách đe dọa hay ra oai đối với người muốn lãnh nhận.

Bởi đó, khi ra hình phạt liên quan đến lãnh nhận các bí tích có tính hiệp thông, phải giải thích và luôn rộng đường để đón nhận người bị phạt trở lại, “đánh kẻ chạy đi, không đánh kẻ chạy lại”. Phạt ai, không có nghĩa là cộng đoàn hay người có trách nhiệm bỏ rơi người đó, nhưng ngược lại càng phải quan tâm nâng đỡ đức tin còn non yếu của họ nhiều hơn[23].

Sau nữa, lưu ý rằng «các Kitô hữu có quyền được lãnh nhận từ các vị chủ chăn có chức thánh sự giúp đỡ do các ơn thiêng liêng của Giáo Hội, nhất là Lời Chúa và các bí tích»[24]. Đặc biệt liên quan đến bí tích thánh thể và bí tích sám hối, Cha sở phải cố gắng lo cho các Kitô hữu được nuôi dưỡng nhờ việc sốt sắng cử hành các bí tích, đồng thời trong việc phụng vụ thánh cha sở, phải điều hành trong giáo xứ của mình và phải canh chừng đừng để xảy ra một sự lạm dụng nào[25].

Tóm lại, trong việc giáo dục đức tin, rõ ràng sử dụng máy móc biện pháp ban hay không ban một bí tích nào đó như là cách thông thường để trừng phạt (chế tài) hoặc hay thể hiện quyền bính của mình vừa không được phép, vừa không đúng tinh thần người mục tử nhân làn

III. Phụng vụ và giáo dục đức tin

Từ ngữ phụng vụ (liturgia), theo sách Giáo lý Hội Thánh có nhiều nghĩa:

- Xét theo nguồn gốc có nghĩa là “công vụ”, việc phục vụ nhân danh dân vì dân
- Theo truyền thống kitô giáo, có nghĩa là dân Thiên Chúa dự phận vào công việc của Chúa; hay nói cách khác là phục vụ Thiên Chúa và con người trong đó bao gồm việc cử hành nghi lễ phụng thờ Thiên Chúa (x. Cv 13,2; Lc 1,23), việc rao giảng Tin Mừng (x. Rm 15,16; Pl 2,14-17.30) và việc thực thi đức ái[26].

Công đồng Vaticanô II cho ta một định nghĩa hết sức phong phú về phụng vụ thánh: Phụng vụ là «việc thực thi chức vụ tư tế của chính Chúa Giêsu Kitô, trong đó công cuộc thánh hóa con người được biểu tượng nhờ những dấu chỉ khả giác và được thể hiện hữu hiệu cách khác nhau theo từng dấu chỉ, và trong đó việc phụng tự công cộng vẹn toàn cũng được thực thi nhờ Nhiệm Thể Chúa Kitô, nghĩa là gồm cả Ðầu cùng các chi thể của Người»[27]. Theo đó, rõ ràng phụng vụ không phải như nhiều người hiểu đó là những nghi thức, lời nguyện được xếp đặt theo một trật tự nhất định và được bề trên có thẩm quyền ấn định để thi hành.

Ở đây chúng ta không đi sâu phân tích ý nghĩa sâu xa của định nghĩa nầy nhưng nhấn mạnh một vài khía cạnh liên quan giúp ta thấy rõ vai trò giáo dục đức tin qua phụng vụ cũng như gợi lên suy nghĩ và thảo luận cách thức làm thế nào thích hợp nhất để có tác dụng giáo dục đức tin tốt hơn.

1. Tham dự trọn vẹn, linh động và ý thức

Theo công đồng Vaticanô II, «cần phải hết sức để tâm lo cho toàn dân được tham dự trọn vẹn và linh động. Sự tham dự như thế là nguồn mạch đầu tiên trong việc canh tân và khôi phục giá trị cho phụng vụ thánh, và thiết yếu mà tín hữu phải đến để múc lấy tinh thần Kitô giáo đích thật; và vì thế, trong mọi hoạt động mục vụ, các chủ chăn phải nồng nhiệt dùng các phương thế sư phạm cần thiết để theo đuổi cho được sự tham dự tích cực ấy»[28].

Khi dùng hai tiếng “tham dự” thì công đồng đã ngầm hiểu tính cộng đoàn trong cử hành phụng vụ. Nhờ bí tích rửa tội, người tín hữu thông phần vào ba chức vụ tư tế, ngôn sứ và vương đế của Đức Kitô, đồng thời việc tham dự phụng vụ trở thành quyền lợi và bổn phận của người tín hữu.

Tham dự trọn vẹn, linh động và ý thức: người tín hữu không phải là người khán giả đến “xem lễ” nhưng phải phải tham dự cách sinh động như cùng hát, cầu nguyện, đứng ngồi quỳ cho thích hợp, không tự cô lập mình, đặt mình ra khỏi cộng đoàn dù đang hiện diện giữa cộng đoàn. Dù cho các bí tích cử hành có hiệu quả ex opera operato nhưng không có tính cách tự động đối với người tham dự và đòi hỏi họ cần có đức tin để việc lãnh nhận sinh hiệu quả. Đức tin nầy lại được nâng đỡ và sinh động nhờ những dấu chỉ liên hệ trong cử hành như lời nói, cử chỉ, nghi thức trong phụng vụ.

2. Thích nghi phụng vụ

Chúng ta thấy rằng theo công đồng Vaticanô II, Giáo Hội tôn trọng cũng như phát huy những vẻ đẹp tinh thần, những đặc tính của những dân tộc khác nhau. Theo đó, những tập tục của các dân tộc, không liên quan chặt chẽ đến những điều dị đoan và lầm lạc có thể được Giáo Hội nhận vào trong phụng vụ, miễn sao cho chúng hòa hợp với những nguyên tắc của tinh thần phụng vụ đích thực và chân chính[29].

Do vậy trong các cử hành phụng vụ, đặc biệt liên quan hôn nhân, tang chế, lễ giỗ, nếu chúng ta thích nghi với những tập tục địa phương (dĩ nhiên phải được phép) thì sẽ vừa có sức nâng đỡ đức tin vừa có tác dụng truyền giáo rất tốt.

3. Năm phụng vụ và ngày của Chúa

Theo công đồng Vaticanô, «Mẹ Hội thánh ý thức mình có bổn phận cử hành công trình cứu chuộc của Đấng Phu Quân chí thánh bằng việc tưởng niệm linh thiêng suốt cả năm, vào những ngày nhất định. […] Hội thánh còn trải dài trọn mầu nhiệm Đức kitô trong chu kỳ một năm, từ Nhập thể, giáng sinh đến Thăng thiên, Hiện xuống… Đến nỗi những mầu nhiệm ấy có thể nói là trở thành hiện diện suốt tất cả thời gian, để các tín hữu được tiếp xúc với các mầu nhiệm ấy và được tràn đầy ơn cứu chuộc»[30].

Cách riêng đối với ngày Chúa Nhật, «là ngày lễ nguyên thủy phải được đề cao và in sâu vào lòng đạo đức của các tín hữu, để ngày ấy trở thành ngày vui mừng và ngày nghỉ việc. Các cuộc lễ khác, nếu không thật sự là rất quan trọng thì không được lấn át ngày Chúa nhật, bởi vì ngày Chúa nhật là nền tảng và trung tâm của năm phụng vụ»[31].

Trước thực tế nhiều tín hữu ngày nay chưa sống đúng hay xem nhẹ ý nghĩa ngày Chúa Nhật, năm 1998 Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô đã ra tông thư Dies Domini (Ngày của Chúa) trong đó mời gọi người tín hữu sống ngày Chúa Nhật để tăng trưởng đời sống đức tin. Nội dung tông thư nầy rất phong phú gồm 5 chương với năm tư tưởng chính: 1) Dies Domini - Ngày của Chúa - Ngày Chúa Nhật. Ngày kính Thiên Chúa tạo dựng vũ trụ; 2) Dies Christi - Ngày của Chúa Kitô, ngày cử hành Mầu Nhiệm Phục Sinh của Chúa Giêsu Kitô; 3) Dies Ecclesiae - Ngày của Giáo Hội - ngày cộng đoàn Giáo hội quy tụ lại để cử hành bí tích Thánh Thể; 4) Dies Hominis - Ngày của con người, ngày con người được nghỉ, hưởng niềm vui, sống tình liên đới; 5) Dies Dierum - Ngày của mọi Ngày, ngày lễ của mọi ngày lễ, ngày biểu lộ cho chúng ta biết ý nghĩa của thời gian. Nếu hai chương đầu có tính chất tổng quát với nền tảng thần học và Kinh thánh, thì các chương còn lại phần lớn là những hướng dẫn, gợi ý rất tốt cho mục vụ ngày Chúa Nhật.

Trong thực tế hiện nay với nhiều lý do, kinh tế cũng có, mà ham vui chơi giải trí cuối tuần cũng có, mà nhiều người bỏ lễ ngày Chúa Nhật hay tham dự cho có lệ. Vấn đề đặt ra là việc mục vụ ngày Chúa Nhật thời hiện đại phải được tổ chức như thế nào để giúp người Kitô hữu sống ngày của Chúa được tốt hơn và từ đó có thể giáo dục và nâng đỡ đức tin cho họ?

4. Lời Chúa và giảng lễ

Lời Chúa trong phụng vụ, trong các cử hành bí tích có vai trò quan trong trong đời sống đức tin. Thật vậy, «Phụng vụ Lời Chúa là phần cốt yếu trong các cử hành bí tích. Để nuôi dưỡng đức tin của các tín hữu, phải tôn kính những gì liên quan đến Lời Chúa: Sách Thánh (sách Bài Đọc hay sách Tin Mừng), nghi thức tôn kính (kiệu Sách Thánh, xông hương, hầu đèn), nơi công bố (giảng đài), cách đọc dễ nghe dễ hiểu, bài giảng của thừa tác viên sau khi công bố Lời Chúa, những lời xướng đáp của cộng đoàn (những lời tung hô, thánh vịnh, kinh cầu, tuyên xưng đức tin)»[32]. Tất cả những điểm đó có tác dụng giáo dục đức tin rất tốt.

Trong Tông huấn Verbum Domini số 53, nhấn mạnh đến tương quan giữa Kinh thánh và hành động bí tích, trong đó phụng vụ Lời Chúa là một yếu tố quyết định trong việc cử hành các Bí tích của Giáo Hội. Đứng trước thực tế là các tín hữu không phải lúc nào cũng ý thức về mối liên hệ này và không phải lúc nào cũng nhận ra được tính duy nhất giữa cử chỉ và lời nói, tông huấn mời gọi đào sâu mối liên hệ giữa Lời và Bí tích, trong hành động mục vụ của Giáo Hội cũng như trong nghiên cứu thần học; đặt biệt khi cử hành các Bí tích, các linh mục và phó tế phải nêu bật sự duy nhất giữa Lời và Bí tích trong thừa tác vụ của Giáo Hội.

Giảng lễ là chuyện “biết rồi nói mãi!”. Nhưng có một thực tế là ngày nay người giáo dân rất chú trọng đến các bài giảng lễ. Giảng lễ có ảnh hưởng rất lớn đến đời sống đức tin người tín hữu. Họ khao khát được nghe và hiểu Lời Chúa qua các bài giảng. Có những đến dự lễ chỉ để thích nghe giảng, đôi khi họ mời những người bạn không có đạo đến nghe giảng nữa. Không ít trường hợp nhiều người được ơn hoán cải hay đức tin nhờ một vài lời giảng dạy thấm thía của người giảng lễ. Qua đó ta thấy bài giảng hay sẽ có tính “thẩm thấu”, chậm mà chắc vào tâm hồn người nghe.

Liên quan đến vấn đề giảng lễ, chúng ta có thể xem lại các huấn dụ của Đức Cha Phêrô và Đức Cha Matthêô nhân dịp tĩnh tâm thường niên 2012 và 2013 vừa qua, trong đó có những chỉ dẫn mục vụ ngắn gọn nhưng thiết thực và bổ ích[33].

5. Bài hát phụng vụ - nhạc khí

Có lẽ chúng ta ai cũng thấy được ý nghĩa và tầm quan trọng như thế nào của thánh nhạc trong phụng vụ. Theo công đồng Vaticanô II «truyền thống âm nhạc của toàn thể Giáo Hội đã kiến tạo nên một kho tàng vô giá, vượt hẳn mọi diễn tả nghệ thuật khác, nhất là vì điệu nhạc thánh đi liền với lời ca, góp phần cần thiết hoặc trọn vẹn trong phụng vụ trọng thể. […] Do đó Thánh Nhạc càng liên kết chặt chẽ với hoạt động phụng vụ bao nhiêu thì càng thánh hơn bấy nhiêu. Thánh Nhạc vừa phát triển lời cầu nguyện một cách dịu dàng hơn, vừa cổ võ sự đồng thanh nhất trí, lại vừa làm cho các nghi lễ thêm phần long trọng»[34].

Chúng ta đều biết trong phụng vụ, “hát là cầu nguyện hai lần”. Hát trong phụng vụ có ảnh hưởng tâm tình đạo đức thiêng liêng của người tham dự rất lớn. Do đó, nếu biết áp dụng đúng mực và thích hợp các nội dung bài hát, cách thể hiện (cá nhân, ca đoàn và cộng đoàn…), sử dụng các nhạc cụ (ngày nay rất phong phú), bố trí không gian kết hợp với hệ thống âm thanh tương hợp,… sẽ góp phần không nhỏ cho người tham dự được “trọn vẹn, sinh động và ý thức” qua đó tạo sự nâng đỡ đức tin và đời sống cầu nguyện của họ.

Chúng ta chú ý rằng, dù nhìn nhận bình ca là lối hát riêng của phụng vụ Roma, nhưng Giáo Hội không hẳn loại trừ các loại thánh nhạc khác trong những khi cử hành phụng vụ[35]. Thật vậy, «thánh ca bình dân phải được khéo léo cổ võ để tín hữu có thể ca vang lên tiếng hát trong những việc đạo đức thánh thiện cũng như trong chính hoạt động phụng vụ»[36]. Sau nữa, Giáo Hội chấp nhận sử dụng cả mọi thứ nhạc khí khác trong phụng vụ nếu chúng có thể giúp diễn tả đức tin và lời nguyện[37].

Theo đó, chúng ta có thể sáng tác thánh ca theo làn điệu dân ca, sử dụng các nhạc cụ dân tộc trong phụng vụ. Trong những dịp lễ đặt biệt, chẳng hạn như lễ giới trẻ cho sử dụng đàn guitar, trống, kèn, kết hợp những vũ khúc thích hợp...

Kết luận

Qua một vài nét chấm phá trên đây chúng ta dễ thấy mối liên hệ chặt chẽ hữu cơ giữa Lời Chúa – Bí tích – Phụng vụ. Một đàng, Lời Chúa chính là nguyên nhân phát sinh đức tin (Rm 10,17), đức tin dẫn đến kết quả là phải lãnh nhận các bí tích, việc lãnh nhận cần thể hiện ra bên ngoài qua các nghi thức phụng vụ (PO 4). Đàng khác, Lời Chúa, Bí Tích và phụng vụ lại nuôi dưỡng và củng cố đức tin hay nói cách khác là hỗ trợ việc giáo dục đức tin cho người tín hữu.

Từ thực tế chúng ta thấy nảy sinh một vài điều cần suy nghĩ trong công việc mục để giúp nâng đỡ và giáo dục đức tin cho chính mình và người khác. Chẳng hạn như tìm cách đưa Lời Chúa vào đời sống thường nhật của người tín hữu cần có sự liên tục, kiên nhẫn chứ không chỉ theo phong trào “nổi lên và chóng xẹp”; trong việc ban và lãnh nhận các bí tích phải ý thức rằng đó những hồng ân Chúa ban tặng chứ không phải của con người để tránh lạm dụng và dùng nó như cách để “làm giàu ở đời nầy”, hoặc để trừng phạt và thể hiện quyền uy. Sau nữa, trong các cử hành phụng vụ: cần lưu ý chính bản thân người cử hành và giúp người khác tham dự trọn vẹn, linh động và ý thức; biết cách thích nghi với những tập tục lành mạnh của địa phương, tổ chức chu đáo mục vụ ngày Chúa Nhật, chú trọng việc giảng lễ, chú ý đến thánh nhạc và nhạc cụ sử dụng trong phụng vụ…

Trên đây chúng ta chỉ phân biệt để dễ tìm hiểu những trợ giúp trong giáo dục đức tin giữa Lời Chúa, Bí tích và phụng vụ. Vì mối liên hệ hữu cơ giữa chúng, chúng ta cần có sự đồng bộ trong thực hiện để đạt đến sự giáo dục đức tin tốt nhất.
 


 

[1] Xem Bênêđictô XVI, Tự sắc Porta Fidei về Năm Đức Tin (11.10.2011) số 11 và 12.
[2] Công đỒng vaticanô II, Hiến chế tín lý về Mạc Khải của Thiên Chúa Dei Verbum (DV), số 5.
[3] X. Mục từ “ Lắng nghe” và “Tim” trong Điển Ngữ Thần học Thánh Kinh (Vocabulaire de Théologie Biblique, Éditions du Cerf, Paris, 1971) (Bản dịch việt ngữ của Giáo hoàng học viện thánh Pio X), Dalat, 1976.
[4] GLHTCG số 1102
[5] công đỒng Vaticanô II, Sắc lệnh về linh mục, Presbyterorum Ordinis (PO), số 4.
[6] Augustinô, Confessions 1.9, II, 3. Trích theo cuốn Dẫn nhập vào Lectio Divina của Bernard Phạm Hữu Quang, Huế- Việt Nam, Fukuoka-Japan, 2008, tr.37.
[7] Xem BÊNÊĐICTÔ XVI, Tông Huấn Verbum Domini số 48 (bản dịch việt ngữ của Ủy Ban Kinh Thánh, thuộc HĐGM Việt Nam).
[8] Gioan Phaolô II, tông huấn Đời sống thánh hiến, Vita consecrata, (4.1996), số 94.
[9] DV số 21.
[10] DV số 22
[11] Xem TH. REY-MERMET, Sống đức tin theo công đồng Vaticanô II, (nguyên tác: CROIRE, tome 3: Vivre la foi avec le Concile Vatican II, Drogue-Ardant 1979), bản dịch việt ngữ, lưu hành nội bộ, tr. 48-49.
[12] Gioan Phaolô II, Tông huấn Ecclesia in Asia, Giáo Hội tại Á Châu, số 48.
[13] GLHTCG số 1123.
[14] Xem GLHTCG số 774.
[15] GLHTCG số 1149.
[16] X. GLHTCG số 1145, 1146
[17] X. GLHTCG số 1150
[18] GLHTCG số 515.
[19] Xem GLHTCG 1152.
[20] GLHTCG số 1153.
[21] Xem GLHTCG số 1210-1211.
[22] Bản Thông Tin giáo phận Qui Nhơn, số 114 tháng 10 năm 2007, tr. 539-553; và trong tài liệu TÒA GIÁM MỤC QUI NHƠN, Mục vụ giáo xứ, khóa thường huấn linh mục giáo phận Qui Nhơn, 03/06 - 060/6/2008, tr. 156-245.
[23] Cần chú ý những chỉ dẫn mục vụ rất thực tế đối với những gia đình có hoàn cảnh đặc biệt, nhất là những hoàn cảnh bị cấm xưng tội rước lễ; chẳng hạn trường hợp hôn nhân thử, sống chung không hôn nhân, những người công giáo kết hôn mà chỉ có có hôn thú dân sự, những người công giáo ly dị tái hôn. Xem Gioan Phaolô II, Tông huấn về gia đình, Familiaris Consortio, (1981), các số từ 80 đến 85.
[24] Giáo Luật 213.
[25] Giáo luật 528§2.
[26] Xem GLHTCG số 1069-1070.
[27] Công đỒng Vaticanô II, Hiến chế về phụng vụ thánh, Sacrosanctum Concilium, (SC) số 7.
[28] SC số 14
[29] Xem SC số 37.
[30] SC số 102.
[31] SC số 106.
[32] GLHTCG số 1154.
[33] Xem Bản Thông Tin Giáo phận Qui Nhơn lần lượt các số 167 tháng 3.2012, tr. 190-191 và số 178 tháng 2.2013, tr. 133-143.
[34] SC số 112
[35] Xem SC số 116.
[36] SC số 118
[37] Xem SC số 120.
 
Tác giả bài viết: Lm. Giuse Huỳnh Văn Sỹ
Nguồn tin: Gpquinhon.org

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

lich cong giao 2022 - 2023
tapsanmucdong
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập56
  • Máy chủ tìm kiếm31
  • Khách viếng thăm25
  • Hôm nay26,402
  • Tháng hiện tại641,159
  • Tổng lượt truy cập28,956,528

Chúng tôi trên mạng xã hội

CÁC GIÁO HẠT
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây