Tôi thú nhận ...

Thứ hai - 20/11/2023 17:27

 Edward Sri
BƯỚC VÀO THÁNH LỄ QUA KINH THÁNH

 

A Biblical walk through the Mass
Understanding What We Say and Do in the Liturgy
Ascension Press, 2010,
 

 

PHẦN II: TÔI THÚ NHẬN ...


Mục Lục


Tôi thú nhận cùng Thiên Chúa toàn năng
và cùng anh chị em.
Tôi đã phạm tội nhiều trong tư tưởng, lời nói,
việc làm và những điều thiếu sót:
lỗi tại tôi, lỗi tại tôi,
lỗi tại tôi mọi đàng.
Vì vậy tôi xin Đức Bà Maria trọn đời đồng trinh,
các thiên thần, các thánh
và anh chị em,
khẩn cầu cho tôi trước toà Thiên Chúa,
Chúa chúng ta.

Suốt thời Cựu Ước, việc Thiên Chúa bày tỏ sự hiện diện thần linh của Người cho dân thường hoàn toàn bất ngờ. Họ đáp trả bằng phản ứng sợ hãi thánh thiện, đôi khi phủ phục xuống đất, hoặc lấy tay che mặt, y như họ nhận ra sự bất xứng của mình khi đứng trước nhan Thiên Chúa (St 17,2; 28,17; Xh 3,6; 19,16). Các tông đồ Phêrô, Giacôbê, và Gioan cũng phản ứng tương tự khi các ngài đột nhiên chứng kiến vinh quang của Chúa Giêsu được mặc khải trong biến cố Hiển Dung (Mt 17,6), và đó cũng là cách đáp trả của thánh Gioan khi bất ngờ thấy Chúa Kitô vinh quang trong thị kiến trên trời (Kh 1,17).

Tuy nhiên, khi dân chúng được báo trước cho biết Thiên Chúa sẽ đến giữa họ, họ dành thời gian để chuẩn bị chu đáo cho cuộc gặp gỡ thánh thiêng này. Chẳng hạn, ở núi Sinai, dân Ítraen có ba ngày để sẵn sàng gặp Chúa, Đấng sẽ đến với họ trong sấm chớp, mây mù và phán những lời giao ước – tức là Thập điều – trực tiếp cho dân. Trong những ngày chuẩn bị đó, họ được chỉ dạy dâng hiến bản thân cho Chúa và giặt quần áo sạch sẽ (Xh 19,9-19).


Chúng ta cũng được mời gọi để chuẩn bị chính mình cho cuộc gặp gỡ thánh thiêng với Chúa mỗi khi tham dự Thánh lễ. Nhưng cuộc gặp của chúng ta với Thiên Chúa sâu sắc hơn bất kỳ người nào trong dân Ítraen xưa đã từng nghĩ đến. Bởi vì, trong phụng vụ thánh, chúng ta không chỉ tiến lại gần một cuộc thần hiện của Thiên Chúa dưới hình thức đám mây, nhưng còn đến với Mình và Máu của Chúa chúng ta, là Đức Giêsu Kitô trong Bí tích cực thánh. Và chúng ta sẽ đón Chúa vào cư ngụ trong mình một cách bí tích khi hiệp lễ.



Chúng ta thực sự không xứng đáng tham dự tất cả các cử hành này. Thực vậy, tội lỗi nơi chúng ta hoàn toàn trái ngược với những việc chúng ta sẽ thực hiện trong Thánh lễ. Vì thế, linh mục chủ tế mời gọi chúng ta “chuẩn bị chính mình để cử hành các mầu nhiệm thánh”, bằng cách khiêm nhường công khai thú nhận tội lỗi trước Thiên Chúa toàn năng và cộng đoàn. Như dân Ítraen cần giặt giũ quần áo trước khi đến gần Thiên Chúa trên núi Sinai, chúng ta cũng cần thanh tẩy linh hồn khỏi tội lỗi trước khi đến gần Thiên Chúa trong Thánh lễ. Thực vậy, thanh tẩy là một hình ảnh Kinh Thánh về việc tẩy xoá tội lỗi: “Xin rửa con sạch hết lỗi lầm, tội lỗi con, xin Ngài thanh tẩy… xin rửa con cho sạch, con sẽ trắng hơn tuyết” (Tv 50,2.7).

Tôi thú nhận

Kinh này được gọi là kinh Thú nhận – Confiteor – từ đầu tiên trong bản kinh La Tinh, có nghĩa là “Tôi thú nhận” – diễn tả một truyền thống Kinh Thánh dài về việc thú nhận tội lỗi. Đôi khi, việc thú nhận tội lỗi được thực hiện trong nghi lễ sám hối công cộng trang trọng (Nkm 9,2). Khi khác, đó là lời đáp trả bộc phát của một cá nhân (Tv 32,5; 38,18). Việc thú nhận tội lỗi được khuyến khích trong các sách Khôn ngoan (Cn 28,13; Gv 4,26) và luật Cựu Ước đòi hỏi dân chúng phải thú nhận tội lỗi nào đó (Lv 5,5; Ds 5,7). Một số cá nhân trong Cựu Ước, bằng một hành động thống hối có tính quốc gia, thú nhận tội lỗi cho toàn dân Ítraen (Đn 9,20; Nkm 1,6).

Việc thú tội vẫn tiếp tục trong Tân Ước, bắt đầu với đám đông theo ông Gioan Tẩy Giả và thú nhận tội lỗi của họ khi lãnh nhận Phép rửa thống hối (Mt 3,6; Mc 1,5). Ở chỗ khác, Tân Ước khuyến khích những người theo Chúa Kitô làm như thế. Thánh Gioan dạy rằng chúng ta nên thú tội với niềm xác tín Chúa sẽ tha thứ cho chúng ta: “Nếu chúng ta thú nhận tội lỗi, Thiên Chúa là Đấng trung thành và công chính sẽ tha tội cho chúng ta,và sẽ thanh tẩy chúng ta sạch mọi điều bất chính”(l Ga 1,9). Thánh Giacôbê cũng khuyến khích chúng ta thú nhận tội lỗi của mình với người khác, xin họ cầu nguyện cho để chúng ta có thể được giải thoát khỏi tội lỗi: “Anh em hãy thú tội với nhau và cầu nguyện cho nhau để được cứu thoát” (Gc 5,16).

Bởi vì, việc thú tội là thói quen phổ biến ở Ítraen cổ và trong thời Tân Ước, nên chẳng lạ gì khi các Kitô hữu sơ khai thú nhận tội lỗi trước khi tham dự Thánh Thể. Điều này được thấy ở một trong các tài liệu cổ nhất ngoài Kinh Thánh mà chúng ta có về Thánh Thể, được tìm thấy trong tác phẩm Kitô giáo đầu thế kỷ II được gọi là Didache (hoặc “Giáo huấn của các Tông đồ”): “Anh em hãy tập họp trong ngày của Chúa, bẻ bánh và dâng Thánh Thể, nhưng trước tiên, anh em hãy thú nhận tội lỗi của mình, để hy lễ của anh em có thể trở nên tinh tuyền.”1 Thói quen ban đầu này do sách Didache mô tả có thể phản chiếu lời khích lệ của thánh Phaolô: “Ai nấy hãy tự xét mình trước khi tham dự Thánh Thể, để người ấy không ăn Bánh và uống Chén của Chúa cách bất xứng” (1Cr 11,28.27).

Tự vấn lương tâm  xét mình

Trong kinh Thú nhận, chúng ta thú nhận tội lỗi không chỉ cùng “Thiên Chúa toàn năng”, nhưng còn với “anh chị em”. Vì thế, kinh này thể hiện lời khích lệ của thánh Giacôbê, “hãy thú tội với nhau” (Gc 5,16), đồng thời cũng nêu bật ảnh hưởng xã hội của tội. Tội lỗi ảnh hưởng đến mối tương quan của chúng ta với Thiên Chúa và với nhau.

Kinh Thú nhận cũng đòi hỏi chúng ta nghiêm túc suy xét bốn lãnh vực mà chúng ta có thể phạm tội trong “tư tưởng, lời nói, việc làm và những điều thiếu sót”. Bốn điểm này như là một cách tự vấn lương tâm tuyệt vời:

Thứ nhất, trong tư tưởng: Thánh Phaolô khuyến khích chúng ta bảo vệ tư tưởng của mình, giữ cho tư tưởng luôn tập trung vào điều gì là tốt: “Ngoài ra, thưa anh em, những gì là chân thật, cao quý, những gì là chính trực tinh tuyền, những gì là đáng mến và đem lại danh thơm tiếng tốt, những gì là đức hạnh, đáng khen, thì xin anh em hãy để ý” (Pl 4,8). Trong bài giảng trên núi, Chúa Giêsu đã đưa ra nhiều cảnh báo về những cách chúng ta có thể phạm tội trong tư tưởng. Chẳng hạn, không làm hại ai về thể lý, nhưng chúng ta có thể phạm tội khi giận người khác (Mt 5,22). Không động chạm vào thân thể ai, nhưng chúng ta có thể phạm tội ngoại tình trong lòng bởi những tư tưởng dâm dục (Mt 5,27-28). Xét đoán người khác (Mt 7,1), lo lắng cho tương lai, hoặc rơi vào nỗi tuyệt vọng là những cách khác mà tư tưởng có thể dẫn chúng ta phạm tội (x. Mt 6,25-34).

Thứ hai, trong lời nói: Thư thánh Giacôbê cảnh báo rằng cái lưỡi là một ngọn lửa. Lời nói có thể được dùng để chúc lành hay nguyền rủa, và khi được sử dụng để làm điều ác, nó gây ra rối loạn lớn. Cứ xem tia lửa nhỏ bé dường nào, mà làm bốc cháy đám rừng to lớn biết bao! (Gc 3,5). Kinh Thánh chỉ ra nhiều cách cho thấy lời nói của chúng ta có thể được sử dụng nhằm gây hại. Chẳng hạn, ngồi lê đôi mách (2 Cr 12,20; 1 Tm 5,13; Rm 1,29), nói xấu (Rm 1,30; 1 Tm 3,11), xỉ nhục (Mt 5,22), nói dối (Cl 3,9; Kn 1,11; Gv 7,12-13) và khoe khoang (Tv 5,5; 75,4; 1Cr 5,6; Gc 4,16). Những tội này và những tội khác do lời nói phải được xưng thú trong Kinh thú nhận.

Thứ ba, trong việc làm: Lãnh vực này bao gồm những gì hầu hết mọi người thường nghĩ về tội – hành động trực tiếp gây tổn thương cho người khác và cho mối tương quan của chúng ta với Thiên Chúa. Theo hướng này, Thập điều thường được sử dụng như là căn cứ để tự vấn lương tâm.

Thứ bốn, trong những điều thiếu sót: Đây là phần khó khăn nhất. Chúng ta không chỉ có trách nhiệm về các hành động ích kỷ, kiêu căng và tội lỗi của mình đã thú nhận, nhưng còn phải trả lẽ trong ngày phán xét về những điều tốt chúng ta đã không làm! Thư thánh Giacôbê dạy: “Vậy kẻ nào biết làm điều tốt mà không chịu làm thì mắc tội” (Gc 4,17).

Phần này của Kinh thú nhận nhắc nhở chúng ta rằng con đường Kitô giáo không chỉ là một con đường tiêu cực – via negative – tránh tư tưởng, lời nói, ước muốn và hành động tội lỗi. Kitô giáo chung cuộc là imitatio Christi – bắt chước Chúa Kitô. Chúng ta phải mặc lấy Chúa Kitô và các nhân đức của Người. Thánh Phaolô khuyến khích tín hữu Côlôxê hãy có lòng thương cảm, nhân hậu, khiêm nhu, hiền hoà và nhẫn nại – và nhất là bác ái – (Cl 3,12-15). Chúa Giêsu không muốn chúng ta chỉ tránh tội mà thôi, Người còn muốn chúng ta lớn lên trong tình yêu hy hiến của Người.

Điều này giải thích tại sao tội của người thanh niên giàu có lại trở thành bi kịch. Anh là một người Do Thái rất ấn tượng, đã giữ tất cả các điều răn – quả thực, đó là một chiến công không nhỏ! Tuy nhiên, anh không sẵn sàng đáp lời mời gọi của Chúa Kitô. Anh không thể bán tài sản của mình, cho người nghèo và đi theo Chúa Giêsu. Và điều này làm anh sa sầm nét mặt. Mặc dù, có lẽ anh đã nhận điểm “A” trong ba cấp độ tự vấn lương tâm đầu tiên theo Kinh Thú nhận, nhưng anh đã không theo đuổi sự thiện cao hơn mà Chúa Kitô mời gọi anh, và vì thế, anh vẫn còn xa Nước Trời (Mt 19,16-24). Phần này của Kinh Thú nhận trong Thánh lễ đòi hỏi chúng ta tự vấn xem có điều gì đó trong cuộc sống – thậm chí không phải là điều xấu – giống như tài sản của anh thanh niên giàu có, đã giữ chặt tâm hồn và ngăn cản chúng ta bước theo tiếng gọi của Chúa Kitô.

Lỗi nặng nhất của tôi là gì?  Lỗi tại tôi mọi đàng

Cuối cùng, chúng ta hãy suy xét hai điểm của kinh nguyện này, vốn tỏ ra phù hợp với bộ lễ La Tinh và giúp chúng ta nhấn mạnh tính chất nghiêm trọng của tội. Thứ nhất, khi bắt đầu kinh Thú nhận, thay vì đọc: “Tôi đã phạm tội”, chúng ta đọc: “Tôi đã phạm tội nhiều”. Điều này vọng lại những lời thống hối của vua Đavít:“Con đã phạm tội nặng khi làm việc này. Giờ đây, xin bỏ qua lỗi lầm của tôi tớ Ngài, vì con đã hành động rất ngu xuẩn (1Sb 21,8). Thứ hai, thay vì chỉ đọc: “lỗi tại tôi”, chúng ta lặp lại câu này ba lần trong khi đấm ngực như một dấu chỉ thống hối:

“Lỗi tại tôi, lỗi tại tôi,
lỗi tại tôi mọi đàng…”

Việc lặp lại này diễn tả cách đầy đủ hơn nỗi đau đớn vì tội lỗi chúng ta đã phạm. Khi phạm lỗi nhẹ, có lẽ chúng ta chỉ nói với người mà chúng ta gây lỗi: “Xin lỗi”. Nhưng nếu đó là vấn đề nghiêm trọng, và chúng ta cảm thấy hết sức đau buồn vì hành động của mình, đôi khi chúng ta xin lỗi nhiều lần và bằng nhiều cách khác nhau: “Tôi xin lỗi… Tôi thực sự hối tiếc vì đã làm điều đó… Xin vui lòng tha thứ cho tôi…” Trong phụng vụ, câu này giúp chúng ta nhận ra rằng phạm tội chống lại Thiên Chúa thì không phải là vấn đề nhẹ. Chúng ta phải chịu trách nhiệm về bất cứ điều sai trái nào mình đã làm, hoặc bất cứ điều tốt nào chúng ta phải làm nhưng đã không làm. Do đó, trong Thánh lễ, chúng ta không chỉ tạ lỗi với Thiên Chúa. Trong kinh Thú nhận, chúng ta bày tỏ lòng thống hối chân thành và khiêm tốn thú nhận rằng tôi đã phạm tội: “Lỗi tại tôi, lỗi tại tôi, lỗi tại tôi mọi đàng”.

1. Didache, 14, bản dịch của  Maxwell Staniforth trong Early Christian Writings (New York: Penguin Books, 1987).

 

(Bản dịch của https://thinhviendaminh.net/)

Tác giả bài viết: https://thinhviendaminh.net/

 Tags: phụng vụ

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

lich cong giao 2022 - 2023
tapsanmucdong
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập71
  • Máy chủ tìm kiếm43
  • Khách viếng thăm28
  • Hôm nay22,334
  • Tháng hiện tại611,557
  • Tổng lượt truy cập28,926,926

Chúng tôi trên mạng xã hội

CÁC GIÁO HẠT
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây