Ca dao địa danh Bình Định từ góc nhìn văn hóa

Chúa nhật - 01/10/2023 20:15

Anh về Bình Định thăm nhà,
Tháng Hai trở lại, tháng Ba cưới nàng
Cưới nàng đôi nón Gò Găng,
Xấp lãnh An Thái một khăn trầu nguồn.


Ai đã từng ghé thăm quê hương Bình Định, ai đã từng sinh ra và lớn lên trên mảnh đất rợp bóng dừa với những cánh đồng ôm bóng tháp Chàm cổ kính, hằn những vết của thời gian, hẳn vẫn nghe câu hát về những địa danh nổi tiếng gắn liền với bao thăng trầm lịch sử, là những chiếc nón Gò Găng nên thơ hay làng võ An Thái một thời oanh liệt… Lời ca mộc mạc, chân tình, khắc họa những nét đặc trưng, duyên dáng riêng độc đáo của con người xứ Nẫu.

1. Những thuộc tính cơ bản của ca dao địa danh

1.1. Tính địa phương được phản ánh như  một quy luật đặc thù

Ca dao địa danh là những câu ca dao gắn liền với một địa danh (tên đất, tên làng, tên sông suối…). Đó là những sáng tác dân gian của một vùng miền nhất định nên chúng có những nét đặc sắc riêng biệt mà vùng khác không thể có. Ca dao địa danh miền Bắc có nội dung sâu sắc, đằm thắm, hình thức được chải chuốt với sự thể hiện uyển chuyển dịu dàng của con người ở vùng kinh lịch, đất Tràng An. Kết hợp với những nét văn hóa Thăng Long – Hà Nội, hun đúc bởi cái lịch lãm của kẻ sĩ Bắc Hà, chẳng hạn:

Cây đa cũ bến đò xưa,

Người xưa có nghĩa nắng mưa cũng tìm.

Hình ảnh “cây đa cũ”, “bến đò xưa” đã khơi gợi ý niệm về những hình ảnh không gian cổ tích, trầm lắng nhẹ nhàng của ngày xưa. Những hình ảnh tha thiết ấy gắn bó với người lao động, thành biểu tượng chung có tính chất phổ quát cho người dân xứ Bắc. Cũng mang âm điệu hình thức của câu ca xứ Bắc, câu ca của người xứ Nẫu lại gắn liền với những hình ảnh cụ thể và tấm lòng chân chất của vùng Bình Định:

Cây Me cũ, bến Trầu xưa, 

Dẫu không nên tình nghĩa cũng đón đưa trọn niềm.

Chỉ cần có một sự thay đổi nhỏ thôi cũng đã biểu lộ những sắc thái tình cảm khác biệt, đó là những tình cảm trước sau như một, thật thà không câu nệ của tình người. Đó là tấm hào hiệp, trượng nghĩa của vùng đất võ Tây Sơn. Cái làm nên nét khác biệt giữa hai câu ca là những hình ảnh biểu trưng với những biểu tượng khác nhau, đậm tính chất địa phương. Sự khác biệt là một trong những tiêu chí giúp ta phân biệt những nét đặc thù mang tính địa phương.

Có thể nói, yếu tố địa phương là một trong những thuộc tính của ca dao và trở thành quy luật cơ bản của sáng tác ca dao, mà bộ phận ca dao địa danh là biểu hiện rõ nét nhất.

1.2 Phản ánh những đặc trưng văn hóa cơ bản của địa phương

Ca dao địa danh Việt Nam nói chung là một tập hợp ca dao địa danh của các địa phương cụ thể. Địa danh là tên gọi riêng của một địa phương nào đó, nó đi vào ca dao địa phương như một phương thức trữ tình của người bản xứ.

Ca dao địa danh Bình Định là một bộ phận của ca dao Việt Nam nói chung, do đó, ngoài những đặc điểm riêng biệt, nó cũng mang những đặc điểm chung vốn có của ca dao Việt Nam. Với tư cách là ca dao địa phương, ca dao địa danh luôn phản ánh những tính chất, đặc điểm cục bộ của địa phương đó. Nghiên cứu ca dao địa danh của một địa phương (ở đây cụ thể là vùng Bình Định) là nghiên cứu lời ăn tiếng nói, tâm tư tình cảm của cả một vùng đất.

Bình Định có núi Vọng Phu, 
Có đầm Thị Nại, có Cù Lao Xanh.
Em về Bình Định cùng anh,

Được ăn bí đỏ nấu canh nước dừa.

Rõ ràng đây là một lời tán tỉnh dễ thương của một chàng trai đất võ, chàng trai đã khéo léo phác họa về bức tranh quê hương sơn thủy hữu tình. Bình Định với hòn Vọng Phu đậm chất truyền thuyết, với đầm Thị Nại trong xanh, với Cù Lao Xanh duyên dáng bên bờ biển Đông, hơn thế nữa là những đặc sản dân dã của vùng quê rợp bóng dừa “bí đỏ nấu canh nước dừa”. Bình Định qua lời ca của chàng trai vừa thơ mộng vừa chân thực, hấp dẫn nhưng cũng rất đơn sơ. Những địa danh được liệt kê trong đó vừa mang tính cụ thể trong sự biểu hiện vừa mang tính chất khu biệt, địa phương hóa.

2. Những giá trị văn hóa được thể hiện qua ca dao địa danh Bình Định 

2.1. Ca dao địa danh Bình Định góp phần phản ánh những giá trị lịch sử, văn hóa, danh thắng và con người xứ Nẫu

Nói đến tính cách con người xứ Nẫu, không ai không khen tính thật thà đến thô kệch của những chàng trai, những chàng sĩ tử đất võ, thân ái, thủy chung và khí phách…

Hà Thanh nước mãi trong xanh,
Đèo Son thắm mãi mối tình đôi ta. 
Sông sâu cầu đã bắc qua,

Nén hương bên tháp gọi là đền ơn.

Nhắc đến Bình Định, người ta còn nghĩ đến đây là một vùng núi non hiểm trở. Trong dãy Tây Sơn trùng điệp có hoa Xà Cú nổi tiếng. Nơi đây từng là cơ quan đầu não, là nơi xuất binh của anh hùng Mai Xuân Thưởng thuộc Linh Đỗng – Đồng Le – Bình Khê, nằm phía Tây Lộc Đỗng – Đồng Hưu, cách Hầm Hô vài cây số đường chim bay nhưng phải đi bằng đường núi khúc khuỷu, quanh co. Cho nên, sau khi đại bại ở Bàu Sấu (An Nhơn), Mai Nguyên Soái về ẩn mình tại đây, quân giặc truy lùng nhưng không thể biết được tung tích. Do đó, mỗi khi nhắc đến tên Linh Đỗng, người Phú Phong (quê hương Mai Xuân Thưởng) thường hát:

Ngó vô Linh Đỗng mây mờ
Nhớ Mai nguyên soái dựng cờ đánh Tây
Hầm Hô cữ nước còn đây,

Còn gương phấn dũng còn ngày vinh quang.

Phải chăng địa linh sinh nhân kiệt? Vùng Tây Sơn nói riêng, Bình Định nói chung là “thang mộc địa” (Phan Huy Chú), phong cảnh núi non hùng vĩ, sông ngòi chằng chịt đã rèn đúc nên những nhân tài kiệt xuất cho đất nước. Với địa thế là đất long xà, sông ngòi chằng chịt đã hun đúc nên khí thiêng sông núi, tính cách con người thượng võ, nghĩa hiệp, Tây Sơn là đất tiềm ẩn “long mạch” của Tây Sơn tam kiệt mà nhiều đời đều cho rằng đây là “hoành sơn đại địa” (Phan Huy Chú). Vì có núi Bút, non Nghiên, núi Kiếm, những địa danh này đã đi vào lịch sử nước nhà, luôn có mặt trong những thời khắc vĩ đại của đất nước trong những cuộc kháng chiến chống ngoại xâm, đặc biệt là gắn liền với thời kỳ đầu của cuộc khởi nghĩa nông dân Tây Sơn của anh em nhà Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ. Cũng từ đó, mảnh đất thiêng liêng này của xứ Nẫu đã đi vào thơ ca, tiếng hát của quần chúng lao động như một đặc sản văn hóa đặc thù với một niềm trân trọng tự hào: Ai về Bình Định mà coi/ Con gái Bình Định bỏ roi đi quyền.

Một trong những di sản của tiền nhân còn sót lại trên vùng đất này là những tháp Chàm cổ kính, rêu phong với thời gian, và người Bình Định khi ly hương không ai là không nhớ những ngọn tháp cổ kính, nghiêm trang soi bóng vào dòng chảy của lịch sử quê hương. Xuân Diệu – một nhà thơ của làng Tùng Giản, Tuy Phước, nhớ về quê mẹ Gò Bồi vẫn không thể quên những hình ảnh có tính chất biểu trưng ấy:

Quê mẹ gió Nồm thổi lên tươi mát,
Bình Định lúa xanh ôm bóng tháp Chàm

                                       (Nhớ quê Nam)

Hầu hết những bóng tháp Chàm đều đi vào ca dao địa danh của Bình Định:

– Ngó lên hòn tháp Cánh Tiên

Cảm thương ông Hậu thủ thiền ba năm

– Tháp Bánh Ít đứng sít cầu Bà Gi,

Non xanh nước cũng xanh rì.

Những ngọn tháp ấy đã trở thành những danh lam thắng tích, cổ kính, tô đậm nét đẹp quê hương, sáng rỡ cảnh đẹp đất võ, đó là không gian văn hóa đặc trưng trong ca dao địa danh Bình Định, đây cũng là một nét tư duy mang tính biểu tượng của con người xứ Nẫu. Sự ghi nhận địa danh trong ca dao thể hiện tình cảm gắn bó thủy chung, những nét đặc trưng tình cảm, những nếp tư duy về con người cảnh vật của con người đất võ… nó nhắc nhở người ta luôn nhớ về cội nguồn nơi chôn nhau cắt rốn và dưỡng dục ta lớn khôn, chỉ có những cảm xúc thật sự thương yêu gắn bó với quê hương mới có thể phác họa được vẻ kỳ thú của mảnh đất này:

Gió cầu Tấn đêm ngày thổi mát
Đường Quy Nhơn lắm cát dễ đi
Phương Mai, Gành Ráng tương tri

Ngâm câu thủy tú sơ kỳ thảnh thơi.

Triết lý về quê hương, sự gần gũi gắn bó giữa người và cảnh trong tâm hồn của thi nhân, nghệ nhân dân gian hay những con người bình dân thật dung dị, nó đã được thổi hồn bởi những cảm xúc thật chân chất, mộc mạc, chân tình. Những địa danh đi vào các câu ca dân gian vừa làm sống dậy những nỗi niềm, vừa ngợi ca những thắng tích nhưng cũng là giới thiệu những danh lam cùng bè bạn. Sự hòa quyện đó làm cho ca dao địa danh Bình Định thêm duyên dáng, xinh tươi.

2.2 Ca dao địa danh Bình Định phản ánh tình cảm đôi lứa

Trong ca dao địa danh Bình Định, số lượng câu ca về tình cảm đôi lứa vẫn chiếm tỷ lệ lớn. Điều này cũng dễ hiểu, bởi lẽ tình yêu là đề tài muôn thuở của con người xưa nay. Tình cảm đó có thể là tình cảm vợ chồng chưa chăn ấm gối êm đã vội chia tay vì việc binh lửa, người chồng đi lính thú, vợ vượt đèo trèo núi thăm chồng. Đây là tiếng hát ai oán của một người như vậy:

Tiếng ai than khóc nỉ non

Hay vợ chú lính trèo hòn Cù Mông.

Đôi lứa thương nhau thường hẹn biển thề non, mượn những vật có giá trị lâu bền như một người bảo chứng cho tình cảm của mình:

– Anh nguyền cùng em Chợ Giã cho chí Cầu Đôi

Nguyền lên Cây Cốc, vạn Gò Bồi ngược xuôi…

– Bao giờ Trường Úc hết vôi

Đôi ta hết đứng hết ngồi với nhau.

– Cầu Đôi mà tháp cũng Đôi

Dễ chi nhân ngãi mà rời được nhau.

Hình ảnh cô gái trong đêm dệt vải mà lòng trông vọng về Đập Đá, Gò Găng, những thị tứ sầm uất của vùng An Nhơn như muốn nhắn gửi tấm lòng mong đợi đến chàng trai, người quân tử hãy còn rong ruổi trên đường công danh Anh về Đập Đá, Gò Găng/ để em dệt vải sáng trăng một mình. Họ cách xa nhau, đợi chờ nhau nhưng không bao giờ chia ly bởi giữa họ có mối dây ràng buộc là chiếc nón Gò Găng duyên dáng và xấp vải lụa An Thái làm mối thề nguyền.
 


Tháp Bánh Ít. Ảnh: Đào Phan Minh Cần

Song song với những lời ca hẹn biển thề non là những câu, những lời bộc lộ lòng quyết tâm sắt đá của tình cảm lứa đôi:

Bốn mùa xuân hạ thu đông
Thiếp ngồi dệt vải nghỉ trông bóng chàng
Dừa xanh trên bến Tam Quan

Dừa bao nhiêu trái dạ trông chàng bấy nhiêu.

Quê hương Tam Quan trồng dừa thành rừng, ai đó nếu một lần được đặt chân chắc sẽ nghe câu hát:

Tam Quan nước ngọt dừa xiêm

Cha từ, mẹ bỏ cũng tìm theo anh.

Hình ảnh xứ dừa xuất hiện trong câu ca như là tấm lòng yêu thương da diết của chàng trai, chàng vì yêu nàng đã vượt suối băng sông tìm đến với nàng:

Đường lên An Lão cheo leo

Thương em anh mới leo trèo đến đây.

Vẻ đẹp chân tình, mộc mạc có phần thô ráp của con người đất võ được phản ánh qua những câu ca dao địa danh càng góp phần khẳng định và tôn vinh những đặc trưng văn hóa của đất và người Bình Định. Nó khẳng định đời sống tình cảm mãnh liệt, đa dạng và phong phú trong đời sống lao động. Những địa danh ấy như những chất xúc tác đưa con người ngày càng gần nhau hơn.

An Hành năm bữa một phiên

Gặp cô hàng bún nên duyên vợ chồng.

2.3 Ca dao địa danh thể hiện sự phong phú về sản vật của Bình Định

Muốn ăn bánh ít lá gai,

Lấy chồng Bình Định sợ dài đường đi.

Nói đến Bình Định ngoài những chiến công oanh liệt, người ta còn nhắc đến những sản vật địa phương như những biểu tượng làm nên truyền thống của vùng đất ấy. Cùng với bánh ít, trong văn hóa ẩm thực vùng Tuy Phước, món nem Chợ Huyện mà mỗi khi nhắc đến vẫn còn thòm thèm:

Ai về Tuy Phước ăn nem

Ghé qua Hưng Thạnh mà xem tháp Chàm.

Theo các tài liệu cũ, nem Chợ Huyện có hai loại: nem chua và nem nướng. Nem thường được gói bằng lá ổi bên trong, bên ngoài gói lá chuối, vuông vức và xâu thành chùm. Cầm chiếc nem nhấm nháp với ngụm Bàu Đá thì sảng khoái vô cùng. Do đó không phải ngẫu nhiên mà nem Chợ Huyện được đưa vào câu ca như vậy:

Muốn ăn đi xuống
Muốn uống đi lên
Dạo khắp bốn bên
Chợ Thành, chợ Giã
Chợ Dinh bán chả

Chợ Huyện bán nem…

Cùng với Tuy Phước, đầm Thị Nại cũng là nơi có sản vật phong phú, Thị Nại giàu cá và tôm nên có câu:

Mong về xứ sở Vinh Quang
Ăn canh cua bấy, tôm rang thỏa tình
Hai xóm Quang Hiển, Quang Vinh

Ăn cá lá nướng, cá kình nấu chua.

Đầm Thị Nại là vùng nước lợ, dân địa phương gọi là nước xà hai, kéo dài từ thành phố Quy Nhơn đến Cồn Chim rồi chạy dài ra đến vạn Gò Bồi, đây cũng là nơi sản xuất nước mắm nổi tiếng với những ghe thuyền buôn bán của Triều Châu vận chuyển ngược xuôi:

– Anh về dưới Vạn Gò Bồi,

Bán mắm, bán cá lần hồi cưới em.

– Gò Bồi nổi tiếng mắn ngon

Ai đi cũng nhớ cá tôm Gò Bồi.

Ở đất võ Bình Định, mỗi địa phương nổi tiếng với một sản vật, do đó quần chúng đã truyền tụng:

Nón ngựa Gò Găng
Bún Song Thằng An Thái
Lụa Đậu Ba An Ngãi

Xoài tượng chín Hưng Long.

Những sản vật ấy cùng với những địa danh đã đi vào đời sống dân dã thành nguồn nước không bao giờ vơi cạn. Nó luôn đậm đà như lòng người Bình Định chân thành hiếu khách.

2.4. Địa danh – một yếu tố đảm bảo tính xác thực trong ca dao địa danh Bình Định

Chiều chiều én liệng Truông Mây

Cảm thương chú Lía bị vây trong thành.

Một địa danh, một nhân danh đã xuất hiện trong câu ca. Truông Mây còn gọi là Hóc Sấu, thuộc xã Ân Đức, huyện Hoài Ân, chạy từ thôn Phú Thuận ở phía Bắc thôn Vĩnh Hòa phía Nam, có độ dài chừng vài cây số, hai bên dây mây mọc thành rừng, gai góc mọc tua tủa nên người địa phương gọi là Truông Mây. Lía là trang tuấn kiệt, xuất thân bần hàn, sống vào thời nhà Nguyễn. Xét về mặt lịch sử, cuộc khởi nghĩa do Lía cầm đầu là cuộc khởi nghĩa thuộc phong trào nông dân cuối thế kỷ XIX, mục đích là để tiêu diệt bọn tham quan ô lại, lấy của nhà giàu bạc ác chia cho dân nghèo. Cuộc khởi nghĩa này được Nhân dân ủng hộ, Lía qua đời, Truông Mây trở thành chốn linh thiêng. Như vậy, địa danh là Truông Mây, nhân danh là chú Lía, đó là những yếu tố đảm bảo tính xác thực về mặt lịch sử. Do đó những địa danh, nhân danh trong những câu ca dao địa danh là không chỉ là tín hiệu thẩm mỹ đặc trưng của tâm hồn xứ Nẫu mà còn là những chứng cứ xác thực minh chứng cho tâm hồn, nhân cách của con người đất võ trung chính, nghĩa tình.

Như thế, địa danh trong ca dao Bình Định ngoài việc đảm bảo tính xác thực địa phương thì nó còn mang tính hư cấu phi thực tế, song những hư cấu này lại rất cần thiết trong vấn đề trao đổi tình cảm lứa đôi, đó cũng là một trong những thủ pháp quen thuộc trong ca dao địa danh Bình Định.

Có thể nói, ca dao địa danh không chỉ phản ánh những tâm tư nguyện vọng thật thiết tha, chân tình của người và đất Bình Định mà còn là những biểu hiện rõ nhất về đặc tính văn hóa của xứ Nẫu. Tiếp cận hệ thống ca dao viết về địa danh, đặc biệt là bộ phận ca dao địa danh Bình Định, ta cảm thấy mến yêu hơn quê hương đất võ, nơi đã sản sinh và nuôi dưỡng người anh hùng áo vải Quang Trung – Nguyễn Huệ, là vùng đất thép anh hùng của các cuộc kháng chiến chống quân xâm lược qua bao thế hệ. Bộ phận ca dao này đã góp mặt làm phong phú hơn kho tàng ca dao Việt Nam, là những cứ liệu lịch sử, là đối tượng nghiên cứu của các nhà nghiên cứu địa danh học, văn hóa, Hán Nôm, tín ngưỡng dân gian địa phương…

TS. VÕ MINH HẢI

Nguồn:
https://vannghebinhdinh.vn/ca-dao-dia-danh-binh-dinh-tu-goc-nhin-van-hoa/

 

Tác giả bài viết: Ts. Võ Minh Hải

Nguồn tin: https://vannghebinhdinh.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

lich cong giao 2022 - 2023
tapsanmucdong
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập66
  • Máy chủ tìm kiếm10
  • Khách viếng thăm56
  • Hôm nay25,404
  • Tháng hiện tại202,458
  • Tổng lượt truy cập29,181,996

Chúng tôi trên mạng xã hội

CÁC GIÁO HẠT
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây