Địa danh Tây Hòa trong ca dao

Thứ hai - 15/08/2022 19:27

Một góc làng quê ở xã Hòa Thịnh (huyện Tây Hòa). Ảnh: MINH CHÂU




Trong kho tàng ca dao sưu tầm trên vùng đất Tây Hòa, ngoài chủ đề lịch sử, con người, tình yêu đôi lứa, quan hệ gia đình và xã hội còn có các địa danh. Trải qua thời gian, những bài ca dao ấy lắng sâu trong tâm thức, trở thành nỗi nhớ thương và niềm tự hào của người dân Tây Hòa. 


Sâu nặng tình đất, tình người

 

Buổi đầu đoàn lưu dân người Việt (Kinh) đến khai phá vùng đất mới nay thuộc huyện Tây Hòa, trước cảnh rừng núi rậm rạp, hoang vu, u tịch, nguy hiểm trùng trùng, những tâm tư lo âu, sợ hãi, nỗi niềm đó được bày tỏ qua ca dao:

 

Đến đây sông nước lạ lùng,

Con chim kêu cũng sợ, con cá vùng cũng kiêng.

 

Vùng đất mới có làm họ lo sợ, hoang mang nhưng không nản chí, thoái lui. Bởi niềm mơ ước đổi đời, khát khao được sống yên lành, no đủ nơi vùng đất mới luôn thôi thúc họ thêm quyết tâm. Bằng sự cần cù lao động, không quản khó nhọc, gian lao, bao lớp người Tây Hòa đã ra sức khai sơn, phá thạch, tạo lập xóm làng:

 

Gió đưa gió đẩy tình nàng,

Ai đưa ai đẩy duyên chàng tới đây,

Đến đây thì ở lại đây,

Chừng nào bén rễ, xanh cây mới về.

 

Trong ca dao Tây Hòa, nhiều địa danh được nhắc đến như: Núi Chúa, Núi Lá, Vực Phun, Bàu Hương, Núi Hương…, và mỗi địa danh đều gắn với sự tích, truyền thuyết dân gian:

 

Con rồng nằm núi Chúa,

Con hạc múa xa chừng.

Tối trời quân tử dừng chân,

Khuyên em ở lại giữ xuân má đào.

Nơi nào lớn chức, quyền cao,

Tốt như tiên mặc kệ, em đừng trao ân tình.

 

Núi Chúa có độ cao 1.310m nằm trên dãy Đèo Cả, thuộc xã Hòa Thịnh. Trên đỉnh núi thường có mây ngàn, xa xa là những dải mây bồng bềnh trôi như rồng bay uốn lượn, ôm ấp núi rừng, cảnh vật lúc ẩn lúc hiện như thực, như mơ khơi gợi trí tưởng tượng. Núi Chúa còn gắn với tục xưa truyền lại rằng, mỗi khi ở kinh thành có vị vua chúa băng hà, thì tại núi này tự nhiên phát ra một tiếng nổ lớn như tiếng sấm, cho nên người dân địa phương mới đặt tên là Núi Chúa:

 

Ngắn lời kêu chẳng thấu chàng,

Vua băng Núi Chúa, bỏ ngai vàng lại đây!

Hòn Ông, Núi Lá, Vực Phun đều là những địa danh nổi tiếng của huyện Tây Hòa, và đi vào ca dao:

Vực Phun, Đồng Cọ, Đồng Lồi (Lầu)

Hòn Ông, Núi Lá, cát bồi ruộng dâu.

 

Vực Phun là một thác nước tự nhiên nằm ở sông Đá Đen thuộc xã Hòa Mỹ Tây, giữa hẻm vực của núi Hòn Trông và núi Hòn Chảo, có độ cao khoảng 50m. Cấu tạo địa chất phía trên vực gồm những tầng lớp đá granit rắn chắc, phía dưới vực gồm những tảng đá mềm bị xâm thực theo thời gian, tạo thành hồ nước vừa trong, vừa mát. Nước từ phía thượng nguồn đổ xuống một vực sâu tạo thành dòng thác lớn trắng xóa. Dưới vực có nhiều tảng đá lớn khiến nước dội ngược lên rất mạnh. Nhìn từ xa, ta có cảm giác như nước được phun lên từ lòng vực, người dân địa phương gọi đây là vực Phun.

 

Từ những ngày xa xưa, Đồng Cọ là tên gọi Hòa Thịnh, vì nơi đây bạt ngàn cây cọ mọc tự nhiên nên người dân địa phương đặt là Đồng Cọ. Những cơn mưa ở Đồng Cọ vừa lớn, vừa kéo dài làm cho đường sá lầy lội, nguồn nước nhiễm phèn, và những gian nan, vất vả đó được phản ánh qua ca dao:

 

Đồng Cọ mưa gió dầm dề,

Cánh đồng Tứ Mỹ bốn bề lúa xanh.

Đồng Cọ đỉa như bánh canh,

Có về Đồng Cọ với anh thì về!

 

Hay:

 

Anh về Đồng Cọ mà chi!

Nước giếng thì đục, đường đi thì sình!

 

Về mùa mưa, nước sông suối dâng cao, nhiều đoạn đường bị ngập sâu, để đến được Đồng Cọ còn phải đi đò:

 

Anh về Hòa Thịnh chiều mưa,

Qua sông bến Củi đò đưa ngược dòng.
 

 

Đầm sen ở xã Hòa Bình 1 (huyện Tây Hòa). Ảnh: MINH CHÂU


Tự hào vẻ đẹp làng quê

 

Trong ca dao Tây Hòa, hai địa danh nổi tiếng là Bàu Hương - Núi Hương được nhắc đến rất nhiều. Bàu Hương nằm trên địa phận các thôn: Mỹ Thạnh Tây, Mỹ Thạnh Trung (Hòa Phong), thôn Thạnh Phú (Hòa Mỹ Tây), thôn Vạn Lộc (Hòa Mỹ Đông) có chiều dài khoảng 3,5km, chiều rộng trung bình 60m, độ sâu từ 5-7m, cá biệt có một số chỗ sâu hơn 10m. Đây là một thủy vực rộng, sâu, dài của dòng sông Bàu Hương nối từ sông Đồng Bò qua sông Bánh Lái ở xã Hòa Đồng. Khi đến Núi Hương, con sông nhỏ chạy vắt qua chân núi rồi vòng xuống thôn Thạnh Phú. Tại đây, dòng chảy nhỏ phình to tạo thành bàu nước rộng mà dân gian gọi là Bàu Hương. Người thì cho rằng, Bàu Hương nằm cạnh Núi Hương nên gọi là Bàu Hương. Ý kiến khác lại nói, do trong bàu có nhiều sen mọc, đến mùa trổ bông, hương sen tỏa ra một mùi thơm ngào ngạt, nên mới có tên gọi là Bàu Hương.

 

Núi Hương nằm trong địa phận bốn xã: Hòa Phong, Hòa Phú, Hòa Mỹ Đông và Hòa Mỹ Tây, có diện tích khoảng 4km2. Tên gọi Núi Hương bắt nguồn từ một truyền thuyết cho rằng: Xưa kia trên Núi Hương có nhiều loài cây thuộc loại danh mộc, trong đó có một cây gió bầu lâu năm, lâu ngày biến thành kỳ nam to lớn, mùi hương tỏa khắp vùng. Tin lành đồn xa, ngày nọ có một người thợ rừng nghe tin ở Núi Hương có cây kỳ nam quý hiếm nên tìm đến và đem lễ vật cúng thần để khai thác, nhưng bị hai con trâu rượt đuổi đành bỏ chạy. Ít ngày sau, hai con trâu kéo cây kỳ nam xuống Bàu Hương mất hút. Xung quanh Núi Hương - Bàu Hương có nhiều sự tích lưu truyền trong dân gian như: Sự tích Bàu Trạnh, Sự tích giếng tiên… rất ly kỳ, huyền bí. Dưới chân Núi Hương có chùa Hương Tích được hòa thượng Vạn Ân khai sơn từ năm 1937, bốn mùa đông đảo phật tử, đạo hữu và khách thập phương viếng thăm.

 

Địa danh Bàu Hương còn gắn với vẻ đẹp của người con gái Tây Hòa, dân gian có câu: Trai ngũ Thạch/ Gái Bàu Hương. Ngũ Thạch là 5 thôn có chữ Thạch của hai xã: Hòa Xuân Tây (4 thôn: Thạch Chẩm, Thạch Tuân, Thạch Lương, Bàn Thạch) và Hòa Xuân Nam (1 thôn: Thạch Yên), huyện Đông Hòa (nay là TX Đông Hòa). Trai Ngũ Thạch có nhiều người học giỏi nên được nhận lời khen trên. Còn thiếu nữ Bàu Hương được sánh cùng trai Ngũ Thạch bởi vẻ đẹp dịu dàng, vừa đẹp người đẹp nết, ăn nói có duyên, đảm đang việc gia đình. Địa danh Bàu Hương còn gắn với nhiều chàng trai tài giỏi được ca dao nhắc tới:

 

Bàu Hương nằm giữa hai thôn,

Phú Nhiêu, Vạn Lộc, tiếng đồn xưa nay,

Trai tài, gái sắc bướm bay,

Việc nhà, việc nước tháng ngày lo toan.

 

Vùng đất Tây Hòa sản sinh ra những trai tài, gái sắc. Người dân Tây Hòa luôn tự hào về vẻ đẹp làng quê mình sinh sống, từ sông núi đến công trình văn hóa đều được phản ánh qua ca dao:

 

Ai về Hòa Mỹ quê ta,

Có sông Bánh Lái có bàu Núi Hương.

 

Hay:

 

Làng tôi có lẫm cổ lầu,

Lại có Núi Đất có Bàu Hương xinh.

 

Một làng Việt cổ nằm ven sông Đà Rằng có từ đầu thế kỷ XVIII là làng Phú Nông (xã Hòa Bình 1) với nhiều địa danh và nghề truyền thống được phản ánh qua ca dao:

 

Phú Nông hái củi Sông Trong

Phước Bình làm xáo chẳng ở không người nào.

Phước Mỹ ăn nói ồn ào,

Lạc Nghiệp ăn nói người nào cũng thương!

 

Người gắn bó với đất, đất không phụ công người. Mồ hôi, công sức đổ xuống qua tháng năm, rừng hoang rậm rạp, sình lầy, cỏ dại thành ruộng đồng, đất đai màu mỡ bởi bàn tay, khối óc con người và phù sa sông Bàn Thạch, Sông Ba bồi đắp nên thuận lợi cho nghề nông. Và khi thành quả đạt được từ sức lao động của mình, đó cũng chính là thỏa niềm hạnh phúc, ước mong:

 

Hòa Đồng gạo trắng nước trong,

Ai mà đến đó cũng thỏa lòng ước mơ.

NGUYỄN HOÀI SƠN
 

Tác giả bài viết: Nguyễn Hoài Sơn

Nguồn tin:

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

lich cong giao 2022 - 2023
tapsanmucdong
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập166
  • Máy chủ tìm kiếm16
  • Khách viếng thăm150
  • Hôm nay24,821
  • Tháng hiện tại162,867
  • Tổng lượt truy cập29,142,405

Chúng tôi trên mạng xã hội

CÁC GIÁO HẠT
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây