Phạm Văn Ký và Nguyễn Văn Xiêm: Những làn hương “độc lạ” giữa miền thơ Bình Định

Thứ bảy - 08/07/2023 20:02
Pham Van Ky

Phạm Văn Ký chuyện trò với Simone de Beauvoir và J. P. Sartre


PHẠM VĂN KÝ VÀ NGUYỄN VĂN XIÊM
NHỮNG LÀN HƯƠNG “ĐỘC LẠ”
GIỮA MIỀN THƠ BÌNH ĐỊNH

Lm. Phaolô Nguyễn Minh Chính


Trong nền văn chương Việt Nam hiện đại, quê hương Bình Định đã ghi danh với tên tuổi của nhiều nhà thơ trong phong trào “Thơ mới”: Hàn Mặc Tử, Chế Lan Viên, Quách Tấn, Yến Lan của nhóm “Bàn thành tứ hữu”, …. Tuy nhiên, điều khá bất ngờ đối với nhiều người là có một nhóm các nhà thơ Bình Định khác là Nguyễn Văn Xiêm, Đào Văn Phúc, Phạm Văn Ký, Nguyễn Vỹ, Hoàng Diệp, Xuân Khai, Lữ Giang, Nam Xuyên, Huy Vân, Tường Khanh hay Việt Chi. Họ là những người được sinh ra hay trải qua thời niên thiếu tại vùng đất Bình Định nhưng dường như ít người biết đến vì họ làm thơ bằng … tiếng Pháp! Đây là những làn hương độc lạ của trời thơ Bình Định mà chúng tôi xin giới thiệu hai trong số họ: Phạm Văn KýNguyễn Văn Xiêm. Nhưng trước hết, xin được đề cập đến bối cảnh văn chương Việt Nam hiện đại.

Văn chương Việt Nam hiện đại

Sự xâm chiếm của Trung Hoa đã làm gián đoạn sự hình thành “văn tự sơ khai không theo hình mẫu Hán” của các tộc Choang – Tày –  Việt. Người Việt dùng chữ Hán trong nghìn năm Bắc thuộc nhưng không có văn học viết. Số bài văn do người Việt viết còn lại vỏn vẹn 25 văn bản trong suốt nghìn năm đó.[1] Sau độc lập về chính trị vào năm 939 với chiến thắng Bạch Đằng giang của Ngô Quyền, khi chưa thể xây dựng nền giáo dục, văn học của riêng mình, người Việt vẫn tiếp tục sử dụng chữ Hán với các thể loại, phong cách, điển cố và cách diễn đạt trong văn bản hành chính và sáng tác văn thơ, ngay cả thi cử. Chữ Nôm là một nỗ lực “thoát Hán” theo cách của mình mãi cho đến khi chữ Quốc ngữ được chấp nhận, nền văn chương Việt Nam hiện đại bắt đầu hình thành từ đây.  

Không thể phủ nhận là nền văn chương Việt Nam hiện đại là sản phẩm của sáng tạo chữ viết Quốc ngữ, bắt đầu từ thời thuộc địa Pháp và tiếp tục cho đến hiện nay, bao gồm tất cả các tác phẩm viết bằng chữ Quốc ngữ không biệt khu vùng này miền kia, vì đã viết bằng tiếng “mẹ đẻ” thì đâu đó thấp thoáng những buồn vui, tâm hồn của dân tộc Việt. Làm gì có ai có thể đứng lên trên tất cả để phân loại, chấp nhận cái này, phủ nhận cái kia chứ? Ở đầu thời kỳ, nền văn chương này song hành với những tác phẩm dịch từ tiếng Pháp sang tiếng Việt, được xem như giai đoạn trung gian giữa nền văn chương Pháp và văn chương Việt Nam. Người Việt bắt đầu tiếp cận với những thể loại và cách diễn đạt mới. “Qua chữ viết tiếng Việt theo mẫu tự Latinh, văn học Pháp thâm nhập vào văn học Việt Nam trên hai mặt: Ðem lại những thể loại mới vào văn học Việt Nam như thơ ngụ ngôn, tiểu thuyết văn xuôi. Cách tân hình thức, thay đổi diễn xuất, phong cách, tạo ra nguồn cảm hứng mới, thoả mãn những thị hiếu mới, đề xuất những tư tưởng mới”.[2]

1. Văn xuôi.
Bản dịch văn xuôi đầu tiên là tác phẩm Aventure de Télémaque của Fenelon,[3] do Trương Minh Ký dịch (1855-1900), xuất bản tại Sài Gòn năm 1887 dưới tiêu đề Tê-lê-mạc phiêu lưu ký. Nhưng sớm hơn cả là tập thơ dịch 16 bài ngụ ngôn của La Fontaine, Chuyện Phang-sa diễn ra quốc ngữ, cũng do Trương Minh Ký dịch, xuất bản tại Sài Gòn năm 1884. “Phải nhìn nhận rằng bộ ba Trương Vĩnh Ký, Huỳnh Tịnh Của, Trương Minh Ký, những nhà nho miền Nam tiên phong trong việc dùng chữ quốc ngữ và có hấp thụ được văn hoá Âu Tây không phải là những tác nhân tích cực cho việc truyền bá văn chương Pháp. Vai trò này về sau dành cho Nguyễn Văn Vĩnh và Phạm Quỳnh và nhất là nhóm Nam Phong từ nhị thập niên thế kỷ 20 trở đi. Trái lại một người như Huỳnh Tịnh Paulus Của quả xứng đáng là một nhà Việt Nam học có công trong sự nghiệp giữ gìn, làm giàu, tăng niềm tin tưởng vào tiếng Việt và chữ quốc ngữ qua cuốn Ðại Nam Quấc Âm tự vị, Saigon, Imprimerie Rey, Curiol & Cie, 1895, 596 trang”.[4] Miền Nam đã luôn đi trước đón đầu, ít ra là trong lãnh vực văn hóa khi tiếp cận sớm với văn chương phương Tây. Điều này có được là nhờ chữ Quốc ngữ sớm được chấp nhận ở Nam kỳ là thuộc địa Pháp vì người dân ở đây không sùng bái chữ Hán, chữ Nho như ở Bắc kỳ và Trung kỳ. Với Hiệp ước Patenôtre năm 1884, xem như Pháp đã có quyền thống trị trên toàn cõi Việt Nam, dù hình thức thống trị khác nhau: Nam kỳ là xứ thuộc địa, Bắc kỳ là xứ bảo hộ, Trung kỳ là xứ nửa bảo hộ (vì ở đó vẫn duy trì triều đình nhà Nguyễn). Các quan lại triều Nguyễn không dễ dàng từ bỏ chữ Nho hay sách Khổng Tử, vì họ đã dành cả đời để học và thăng quan tiến chức nhờ đó.   

2. Thơ mới.

“Sau 10 thế kỷ bị Trung Hoa đô hộ, Việt Nam đã tự giải phóng bằng một chiến thắng quân sự vào năm 939. Các triều đại nối tiếp nhau sau đó với những cuộc chiến định kỳ với Trung Hoa nhưng không bao giờ thua cuộc. Lịch sử Việt Nam là một “lỗ đen” trong suốt 10 thế kỷ bị đô hộ (43-939). Không gì được viết về thời kỳ này. Chữ viết, văn chương, nghệ thuật, … chỉ được phát triển sau khi giành được độc lập. Vào thế kỷ XIX, Việt Nam lại bị Pháp đô hộ trong tám mươi năm, cho đến năm 1945. Suốt lịch sử, thi ca Việt Nam luôn sống động, rất phong phú và đa dạng trong nội dung. Nó phản ảnh sự tiến hóa của xã hội Việt Nam qua dòng lịch sử của mình. Như vậy, ảnh hưởng của thơ Trung Hoa và thơ Pháp đã ghi dấu sâu đậm phong cách và nội dung của mình. Nền thi ca này đã có một bước ngoặt lớn vào thập niên 1930, với sự xuất hiện của một thế hệ các nhà thơ tài năng. Có nhiều tài liệu về các nhà thơ này và những tranh luận rất lý thú đã xảy ra vào thời kỳ này về chủ đề thơ mới”.[5]

Ba thập kỷ đầu của thế kỷ XX là thời kỳ của những bài thơ dịch từ trường phái thơ lãng mạn của Pháp. “Ba trăm bài thơ được dịch từ sáu mươi nhà thơ Pháp và xuất hiện trên hai mươi tạp chí Việt từ năm 1917 đến 1937”.[6] Trong số ba trăm bài thơ này, phân nửa (139 trên 300) dịch từ bốn nhà thơ lớn thuộc trường phái lãng mạn Pháp thế kỷ XIX và một nhà thơ thời Phục hưng: Alphonse de Lamartine (41 bài), Victor Hugo (35 bài), Alfred de Musset (23 bài), Pierre de Ronsard (21 bài), Paul Verlaine (19 bài). Những bài thơ còn lại thuộc về khoảng sáu mươi tác giả khác. Ảnh hưởng của chủ nghĩa lãng mạn Pháp đặc biệt được ghi nhận với việc khai sinh phong trào “Thơ mới”, từ năm 1932 đến 1962.[7] Thơ mới là tên gọi của thể loại thơ hoàn toàn thoát khỏi những giới hạn và luật lệ cứng nhắc của thơ Đường luật, cắt đứt triệt để với thể loại thơ trước đây được gọi chung là Thơ cũ. Như một phá cách, Thơ mới chú trọng đến những tình cảm cá nhân, những cảm xúc sâu xa của con người, những sắc thái tinh tế của tâm hồn, từ chối những hình ảnh theo lược đồ, những ẩn dụ cố định trong thể loại thơ cũ. Về vần luật, nhà thơ mới hoàn toàn tự do, tùy ý quyết định độ dài của câu thơ và gieo vần theo ý mình. Ảnh hưởng chủ nghĩa lãng mạn của phương Tây trên thơ mới khá mạnh mẽ đến nỗi đôi khi có ấn tượng rằng đó chỉ là sự bắt chước, thậm chí là dịch từng chữ những câu thơ Pháp. Chẳng hạn câu “Yêu là chết trong lòng một ít” của nhà thơ Xuân Diệu (1916-1985), rõ ràng cảm hứng từ câu “Partir, c’est mourir un peu” của Edmond Haraucourt (1865-1941). Hai câu trong bài “Giục giã”: Mau với chứ, vội vàng lên với chứ / Em, em ơi, tình non đã già rồi, không xa với sự thôi thúc mà Alfred de Musset nhắn với George Sand: “Dépêche-toi, notre amour est vieux”.[8]

“Tuy nhiên, điều quan trọng là dù chịu nhiều ảnh hưởng như thế nào, thơ mới vẫn không làm mất đi bản sắc, truyền thống của tâm hồn, tư tưởng Việt Nam mà ngược lại chính là điều quan trọng để phát huy tinh thần dân tộc ấy. Đó cũng chính là nhận xét mà cách đây hơn 50 năm Hoài Thanh[9] đã viết về phong trào thơ mới: “Hồn thơ Pháp hễ chuyển được vào thơ tiếng Việt đã là Việt hóa hoàn toàn … Thi văn Pháp không làm mất bản sắc Việt Nam. Những sự mô phỏng ngu muội lập tức bị đào thải”.[10]

3. Tiểu thuyết.

Nhưng thể loại đặc biệt của văn chương Việt Nam hiện đại là tiểu thuyết (roman). Tiểu thuyết là gì? “Là một truyện viết bằng văn xuôi đặt ra để tả tình tự người ta, phong tục xã hội hay là những sự lạ tích kỳ, đủ làm cho người đọc có hứng thú. Như vậy, phạm vi của tiểu thuyết rộng lắm. Phàm sách gì không phải là sách dạy học, sách lý luận, sách khảo cứu, sách thi ca, thì là tiểu thuyết cả, mà tiểu thuyết có khi lại gồm được cả các lối kia, vì trong một bộ tiểu thuyết, cũng có chỗ nghị luận, chỗ khảo cứu, chỗ ngâm vịnh, chỗ khuyên răn. Cứ nghĩa hai chữ “tiểu thuyết” (小 說 ) trong sách Trung Hoa thời lại rộng lắm nữa: Phàm sách gì không phải là “chính thư” (nghĩa là sách để học, như kinh, truyện, sử…), đều là tiểu thuyết cả, nhưng tiểu thuyết đây tức là tạp thuyết, có khác với nghĩa tiểu thuyết bây giờ…. Nói tóm lại thì tiểu thuyết là một truyện bịa đặt mà có hứng thú”.[11] 

Thể loại văn chương này xuất hiện ở Việt Nam như là một thể loại văn chương mới hoàn toàn. Viết tiểu thuyết, một phần, đó là sự cắt đứt với nền văn chương cũ vốn chỉ được viết bằng thơ, chuộng điển cố điển tích Trung Hoa, tầm chương trích cú. Đàng khác, nó minh chứng cho sự nổi lên mạnh mẽ của tiếng Việt, được hiện đại hóa nhờ hình thức chữ viết theo bảng chữ cái Latinh, và cho các văn sĩ Việt Nam từ nay đào sâu những ý tưởng của mình, khám phá những tình cảm trong một thể loại văn chương mà có thể diễn đạt ý tưởng cách tự do và rộng rãi hơn. Có tự do mới có phát triển, tìm kiếm được những chân trời tươi đẹp mới lạ, còn theo khuôn theo phép thì muôn đời vẫn chỉ là sự nhai lại nhàm chán. “Nhà triết học nước Anh Bacon (Trung Hoa dịch là Bồi Căn) có nói rằng: ‘Người ta có cái giá trị cao quý hơn muôn vật là không có cái tính cam tâm, không chịu lấy sự hiện tại làm mãn nguyện, bao giờ cũng muốn đứng núi này trông núi nọ, thoát ly cái cuộc đời thường của mình mà tưởng tượng ra một cuộc đời khác thú hơn’. Ấy triết lý của tiểu thuyết chính là thế.”[12]

Sớm hơn hết, tiểu thuyết được công nhận như là một thể loại riêng biệt ở miền Nam Việt Nam với cuốn “Ai làm được” của Hồ Biểu Chánh (1885-1958) vào năm 1912. Miền Bắc thì chậm hơn, công chúng chỉ biết đến thể loại tiểu thuyết vào năm 1925 với việc xuất bản cuốn “Quả dưa đỏ” của Nguyễn Trọng Thuật (1883-1940) và cuốn “Tố Tâm” của Hoàng Ngọc Phách (1896-1930). Tiểu thuyết Việt Nam giai đoạn đầu này (1920-1930) cũng chịu ảnh hưởng sâu đậm về chủ đề và hình thức tiểu thuyết Pháp thế kỷ XIX: Hồ Biểu Chánh được gọi là Alexandre Dumas của Việt Nam vì lối viết tự nhiên và đầy hứng thú của ông; nhà văn Phú Đức (1901-1970), người mở đường cho thể loại trinh thám ở Việt Nam với thiên tiểu thuyết đăng báo nhiều kỳ “Châu về hiệp phố” (1926), được xem như là bản sao của Maurice Leblanc; còn cuốn “Tố Tâm” của Hoàng Ngọc Phách thì dường như được gợi hứng từ cuốn La Princesse de Clèves của Madame de La Fayette.[13]

Hai làn hương độc lạ giữa miền thơ

1. Ông Phạm Văn Ký

“Rất ít điều về ông được biết đến ở nơi ông đã sinh ra và lớn lên. Với một tài năng văn học có những thành tựu đáng kể như ông (bốn tiểu thuyết được nhà Gallimard xuất bản, cùng với giải thưởng lớn của Viện Hàn Lâm Pháp là mơ ước không chỉ của một nhà văn nhập cư bình thường mà còn là khát khao của nhiều nhà văn Pháp), ông đáng được biết đến, nhớ đến nhiều hơn thế”[14] Thật vậy, giữa trời văn thơ Bình Định lạc lõng đâu đó và rơi vào lãng quên là một Nguyễn Văn Ký tài năng. Ông là nhà thơ, nhà văn và là nhà soạn kịch, một người đa năng. Có lẽ ít người biết đến “ở nơi ông đã sinh ra và lớn lên” vì ông thuộc nhóm nhà văn người Việt viết bằng tiếng Pháp (écrivains vietnamiens francophones) vào đầu thế kỷ XX như Pierre Đỗ Đình (Thạch), Phạm Duy Khiêm, Nguyễn Mạnh Tường, Nguyễn Tiến Lãng, Cung Giũ Nguyên, Trần Văn Tùng, Trần Đức Thảo…

Phạm Văn Ký chào đời tại làng mai cảnh Thanh Liêm, huyện An Nhơn, tỉnh Bình Định.[15] Sinh ngày 10 tháng 7 năm 1910,  ông là con cả trong một gia đình quan lại quyền quý gồm 12 anh chị em. Cha ông là võ quan Phạm Văn Nghị và mẹ là bà Bùi Thị Túc. Các em ông cũng là những người làm nghệ thuật: Nhà thơ Phạm Hổ, họa sĩ Phạm Tăng và nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ, tác giả ca khúc “Bông hồng cài áo”. Năm 13 tuổi, ông được gởi ra Hà Nội, học ở trường bảo hộ “Lycée Albert Sarraut”, làm quen với ngôn ngữ và văn minh Pháp. Con đường khám phá nền văn chương Pháp của ông bắt đầu từ đây, khởi từ một gia đình “văn võ song toàn” nơi quê hương “đất võ trời văn”! Các nhà văn viết bằng tiếng Pháp, “Mỗi người bước vào lãnh vực văn chương theo cách của mình, song họ đều đã xác định những chiến thuật để thích ứng với những không gian văn hóa mới, từ thuộc địa đến giải trừ thuộc địa hay hậu thuộc địa. Trong số những văn nhân này, Phạm Văn Ký là trường hợp ngoại thường, không chỉ vì ông là người viết rất nhiều, nhưng còn vì con đường của ông xem ra mâu thuẫn nhau, có nhiều dữ kiện để khám phá”.[16]

Bước vào giai đoạn lịch sử đầu thế kỷ XX, “Nền văn học mới ở Việt Nam đã hình thành và phát triển trong hoàn cảnh đau thương và bi tráng của dân tộc khi song hành với sự xâm lược của thực dân Pháp. Sự ra đời của nó gắn với các tiền đề văn hóa xã hội là nền giáo dục mới, chữ quốc ngữ Latinh, các cơ sở in ấn, xuất bản và đặc biệt là báo chí quốc ngữ. Nền giáo dục mới đã đào tạo ra một tầng lớp độc giả mới và những nhà văn mới. Bên cạnh việc viết văn bằng chữ quốc ngữ, những nhà văn được nhà trường Pháp Việt đào tạo hoặc du học ở phương Tây cũng thử sức mình khi viết văn bằng tiếng Pháp, tạo thành một “trường phái văn học Pháp ngữ Đông Dương”. Thậm chí họ đã đạt được nhiều giải thưởng văn chương cao quý của Pháp. Phạm Văn Ký với tác phẩm “Perdre la demeure” (Mất nơi ở) đã đoạt Giải thưởng lớn cho tiểu thuyết của Viện Hàn lâm Pháp. Thơ của ông và Lư Khê cũng đã đoạt giải Jeux Floraux”.[17] Không thể chối cãi rằng nền văn chương Việt Nam hiện đại được định nghĩa như là sản phẩm của sáng tạo chữ Quốc ngữ, và nó bắt nguồn từ thời thuộc địa và được tiếp tục cho đến hiện nay.  

Tuy nhiên, ông Phạm Văn Ký bắt đầu sự nghiệp văn chương trong vai trò … nhà báo. Ở độ tuổi đôi mươi, ông đã là chủ bút (rédacteur en chef) của tờ L’Impartial (Trung lập) phát hành ở Sài Gòn. Sau đó, ông cộng tác với nhật báo Tràng An báo và rồi làm chủ bút tờ Gazette de Huê, một tạp chí văn chương bằng tiếng Pháp. Đến năm 1936, ông cộng tác với tờ La Nouvelle Revue indochinoise mà nhà văn Christiane Fournier đã sáng lập dựa trên khuôn mẫu của tờ La Nouvelle Revue française. Tài năng văn chương của ông đã dần bộc lộ, chiếm một vị trí quan trọng trong thế giới văn chương Việt trước khi sang Pháp, trước hết với tư cách một nhà báo rồi sau đó là nhà thơ.

Ông ủng hộ và góp phần phổ biến phong trào “thơ mới” đã được khởi động ở Việt Nam, tách ra khỏi hình thức cổ điển của thơ Trung Hoa để chấp nhận kỹ thuật diễn tả của phương Tây. Ông nói: “Tôi càng tỏ ra truyền thống trong thơ Pháp thì tôi càng phản ứng lại với khuôn mẫu của thơ Việt”.[18] Đặc biệt, “khi quyết định viết bằng tiếng Pháp, ông đi theo con đường của giới trí thức mà từ năm 1862, ngày quân Pháp bắt đầu chiếm đóng, họ đã hiểu rằng đất nước phải được Tây phương hóa để đối đầu với địch thủ bằng vũ khí của chính họ”.[19] Giới tinh hoa Việt đặt hy vọng của mình vào Phạm Văn Ký cũng như những trí thức trẻ khác để dẫn đưa Việt Nam đến cuộc cách mạng xã hội và văn hóa mà theo họ là điều kiện cần thiết cho nền độc lập của đất nước. Ông đã đi diễn thuyết nhiều lần nhiều nơi về Thơ mới. Trong lần diễn thuyết ở Qui Nhơn, ông đã gặp nhà thơ Hàn Mặc Tử để rồi sau đó viết lời tựa cho tuyển tập thơ “Gái quê” của nhà thơ trẻ Hàn Mặc Tử xuất bản năm 1936, khích lệ ông theo đuổi lối thơ này. “Thế hệ của Phạm Văn Ký (chẳng hạn như Trần Văn Tùng, Cung Giũ Nguyên, Nguyễn Tiến Lãng) cố thoát khỏi sự gò bó của Khổng giáo. Nền văn chương Việt Nam từ những năm 1930 được đánh dấu bằng lời mời gọi có tính lãng mạn của nhóm Tự lực văn đoàn và phong trào Thơ mới, nhận lấy sức nặng của cá tính và tìm cách canh tân dựa vào khuôn mẫu của chủ nghĩa lãng mạn. Đối mặt với những tiếp xúc giữa các nền văn hóa, nó đã thấy mình chạm trán với thời phôi thai của sự toàn cầu hóa về văn hóa và văn chương, do sự đô hộ thực dân và sự phát triển của phương tiện thông tin đại chúng (người ta thường quên vai trò quan trọng của truyền thanh (radio) trong sự phát triển các ý thức hệ và những hình thức văn chương vào thế kỷ XX”.[20] 

Đến Pháp năm 1939, ông ghi danh học ngành văn chương tại Sorbonne và chuẩn bị luận án ở Học viện Trung hoa Paris (Institut des Hautes Études chinoises),[21] một luận án về khoa học tôn giáo. Tuy nhiên ông buộc phải dừng lại vì Đệ nhị thế chiến và cái chết của người hướng dẫn là Marcel Mauss, “cha đẻ Dân tộc học Pháp”. Đề tài nghiên cứu luận án của ông là ý niệm Kiao, mà theo ông giải thích là một thứ tương giao thâm sâu giữa vũ trụ vi mô (microcosme) và vũ trụ vĩ mô (macrocosme).

Bài viết cũ nhất được giữ trong kho lưu trữ của ông ghi ngày tháng Mười năm 1945. Đó là một truyện ngắn nhan đề “Ba De ou les Parents terribles”. Công chúng Pháp ban đầu có thể quan tâm đến khía cạnh ngoại lai (exotique) và màu sắc dân gian trong truyện của ông. Nhưng ngay sau đó, Phạm Văn Ký đã gợi lên trong những câu chuyện của mình những vấn đề sâu xa hơn phát sinh từ hai nền văn hóa: sự xâu xé giữa hai nền văn minh, nỗi buồn nhớ về quê mẹ, sự xung đột giữa hai nền văn hóa khác nhau. Trong những năm 1940 và 1950, tên tuổi ông được biết đến khi liên tục xuất bản những truyện ngắn và bài báo phê bình về nghệ thuật ở Viễn Đông. Ông cộng tác với những tạp chí quan trọng vào thời ấy như Esprit, Les Temps modernes, Les Cahiers du Sud, La Nef, Synthèses, L’Âge nouveau, Les Nouvelles littéraires, Preuves, Paru

“Bên cạnh tiểu thuyết, các truyện ngắn chủ yếu được xuất bản trong các tờ tạp chí cũng đã tiết lộ mối tương quan giữa người viết với quá khứ gia đình và sự hình thành căn tính xã hội của ông. Chẳng hạn, chúng ta hãy xem qua vài nét đặc sắc trong truyện L’Ogre qui dévore les villes.[22] Ý niệm về cội nguồn – được diễn tả qua lối nói “gia phổ” (arbre généalogique) – là mối quan tâm chính, nó vượt qua chiều kích gia đình để diễn tả “gia phổ” của một quê hương và tất cả những gì hình thành nên nền tảng căn tính của một đất nước. Sau khi khóc than cho số phận của cảng Qui Nhơn, sinh quán của tác giả, người kể hướng về Kinh đô Huế, “bị tách ra làm hai: Thành phố Pháp với những khối vuông màu trắng, và bên kia là những khu người Việt với những sự bí ẩn của hàng rào ba lớp. Và rồi Hà Nội với thành Cổ Loa, chùa Một Cột, các Hồ lớn nhỏ, rồi đến Sài Gòn “Hòn ngọc Viễn Đông” với “thành phố chết tiệt”, những cửa hàng cửa tiệm, những khu chợ. Người kể suy tư ngang dọc về Việt Nam từ Nam ra Bắc, từ Đông sang Tây. Nhưng những hình ảnh quê hương này gợi lên trong ông một cảm giác cay đắng: “Tôi than vãn, như con “gia gia”, bị chia cách với gia đình tôi! Tôi nhớ nhà như con chim “quốc quốc”! Chưa bao giờ tôi nhắc đến nó với biết bao yêu thương như thế này, mảnh đất hình chữ S, gập lại trên chính mình, bị lưỡi cày của Khổng Tử rạch nát, tắm trong nụ cười của Đức Phật! (tr. 251)”.[23]

Dưới cái nhìn của ông, Qui Nhơn như một doi cát nhát đảm thu mình lại trước đại dương bao la để rồi bị thay đổi xới tung lên, mang thương tích. “Cảng Qui Nhơn không đứng vững vàng. Nó rụt rè hướng mũi về phía biển Đông. Rồi, như sợ phải mạo hiểm đi vào nơi xa lạ, nó đột nhiên co rúm lại, khoanh một nửa vòng tròn, một bề mặt nước nhỏ tạo thành cái đầm […]. Đàng khác, mặt đất trở thành một vết thương sống. Kẻ chiếm đóng đã khai thác tức thì, ngay khi an vị trong văn phòng của mình […] Những con người này đã từng tự hào về sự khôn ngoan ngàn năm, nay rên xiết, bị hạ nhục. Người ta sửa những tuyến đường của họ, thay đổi kiến trúc xây dựng những ngôi nhà, đảo ngược cấu trúc những kỳ quan. Người ta làm mờ đi những nơi dành cho thần thánh, đảo nghịch những chỗ dành cho con người và cây cối, làm lung lay những giá trị đã được nhìn nhận, những dấu hiệu rõ ràng”.[24] Quê hương ông có đáng như vậy không? Đâu rồi nền văn minh ngàn năm văn hiến? Đất nước này đâu có rỗng về văn hóa trước khi phương Tây đến! “Một trong những nhiệm vụ của thực dân có phải là đem lại văn minh cho những dân tộc được gọi là “không phát triển”? Khi trình bày những giá trị văn hóa, chính trị và xã hội của đất nước mình, Phạm Văn Ký muốn gián tiếp chứng minh rằng thực dân đã sử dụng những lập luận xảo quyệt để xâm lược dân bị đô hộ. Nói cách khác, trước khi phương Tây đến, Việt Nam không phải là trống rỗng về văn hóa. Không phải thế! Những cuốn tiểu thuyết Frères de sangCelui qui règnera cho chúng ta thấy sự năng động của phần đất Á châu này. Trong chiều hướng này, ta có thể nói đây là những cuốn tiểu thuyết chiến đấu về văn hóa dù rằng tác giả không cổ vũ sử dụng bạo lực chống lại kẻ đô hộ”.[25] Ông  dùng bộ não, hướng về chân trời tri thức và văn hóa phương Tây khi cho mình một nhiệm vụ cao cả: Cuộc truy tìm chân lý. Cái cao cả của nhiệm vụ này gợi lên trong ông hình ảnh vĩ đại và có tính thi vị, hình ảnh của Tam Tạng trong truyện ngắn “L’Ogre qui dévore les villes”: “Tôi chợt nghĩ đến hình ảnh Tam Tạng huyền thoại, có nhiệm vụ thỉnh kinh Phật từ Tây phương về, đã được biến đổi qua chuyến hành trình dài này, không phải là không chịu nhiều gian nan. Tôi thích phóng đại tầm quan trọng nhiệm vụ của tôi, nâng nó lên cao độ của người truy tìm chân lý!”[26] 

J’ai voulu, dans ma vie, faire oeuvre d’homme
Pour servir ma Patrie.
À mon pays, j’ai voulu donner la somme
De mes forces, de mes folies. […]
Annam, mesureras-tu mon impuissance,
Et ma foi inassouvie?
À quel idéal, à quel Dieu, à quelle démence,
Vouer toute ma vie? […][27]

Trong cuộc sống, tôi muốn thực hiện chí trai
Để phục vụ Tổ quốc
Cho đất nước tôi, tôi muốn cống hiến trọn vẹn
Sức lực và những hành động điên rồ của tôi … 
Đất Việt hỡi, người có đắn đo trước sự bất lực
Và niềm tin chưa đủ của tôi?
Cho lý tưởng nào, thần linh nào, sự điên rồ nào
Mà trọn đời tôi hiến dâng?

Bị giằng xé giữa nền văn hóa phương Tây và Việt Nam, Phạm Văn Ký trong vai trò người kể chuyện và là nhân vật chính đã sống trong sự âu lo thật sự của hiện hữu. Sau nhiều năm sống ở Âu châu, ông thấy mình “Pháp” hơn là “Việt”. Ông lấy vợ người Pháp là nữ diễn viên Yvonne Gaudeau. Tuy nhiên ông không từ chối văn hóa Việt Nam của mình. “Mối xung đột giữa hiện đại và truyền thống trong những cuốn tiểu thuyết Frères de sangCelui qui règnera không được mô tả bằng những hạn từ bạo lực giữa người bị đô hộ và kẻ đô hộ nhưng được diễn dịch qua sự đối nghịch các giá trị giữa những nền văn minh: Giá trị của đạo Khổng (thờ kính tổ tiên và nhà vua), Phật giáo (tôn giáo của đa số người Việt), những nguyên tắc nền tảng của Khổng giáo, và tất cả niềm tin bắt nguồn từ những phong tục tập quán ngàn năm của người Việt được lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác và sự hiện đại được tôn vinh do người kể và là nhân vật chính đã sống cả mười năm ở hải ngoại và là người không còn nhìn thấy thế giới như những đồng bào mình ở lại đất nước. Người kể sống trong âu lo thật sự được tỏ bày trong mọi hành động của sự sống qua sự đối nghịch giữa hiện đại và các truyền thống”.[28]       

 “Biết rằng mình phải chạm trán với “nhiều thử thách” trong cuộc tìm kiếm chân lý, chàng thanh niên Phạm Văn Ký cố làm chủ “chiếc xe đạp” của mình trong cuộc hòa giải giữa “tiếng nói phương Đông” với “tiếng nói phương Tây”. Nói cách ẩn dụ, như người mới học đi xe đạp cố giữ thăng bằng khi chạy trên hai bánh xe, ông phải học đặt mình “vào vị trí giữa hai nền văn minh chạm trán nhau”.[29] Ông như chàng thi sĩ đong đưa giữa vô vàn chọn lựa, thơ viết rồi nhưng chẳng biết treo vào đâu:

Je suis jaloux, et de qui?
Dieu! – d’un mort et un vivant,
Et le vent me soufle: “Ky,
Écris tes vers sur le sable mouvant” […]
Et l’arbre me dit: “Sois sage,
Suspens tes poèmes sur mes fruits verts …” […]
Et l’humus noir me crie “Ils vont pourrir”. […]
Tu es donc jaloux de qui?
Hélas d’un mort et un vivant.
Avoir la muse me dit: “Ky,
Écris tes vers vengeurs dans l’ouragan”. [30]

Tôi ghen tỵ ai?
Chúa tôi! – với kẻ chết và người sống,
Và gió thì thầm với tôi: “Ký
Hãy viết thơ mình lên cát lún”
Và cây cối bảo tôi: “Hãy khôn ngoan
Treo thơ mình lên những trái xanh của tôi”
Và bùn đen hét vào tôi “Chúng sẽ thối rửa”
Thế mày ghen tỵ với ai?
Ôi trời! với người chết và kẻ sống
Nàng thơ bảo tôi: “Ký,
Hãy viết những vần thơ báo thù của mình vào trong bão tố”.

 “Thoát thai từ hai nền văn hóa, phương Đông và Pháp, Phạm Văn Ký đã không ngừng muốn cả hai xích lại gần nhau: “Thật sự tôi suy nghĩ như Tagore rằng tách biệt tinh thần phương Đông và tinh thần phương Tây sẽ đi đến chỗ tự sát về tinh thần. Không thể chối cãi rằng nhiệm vụ trọng đại giải phóng con người là ở phương Tây, cũng không thể chối cãi rằng phương Đông vẫn còn là nguồn khôn ngoan và hiểu biết”. Ông là người bảo vệ ngôn ngữ Pháp mà theo ông, vì ngữ vựng phong phú, chính xác và cú pháp của nó, tiếng Pháp đã mang đến sự chính xác cho tư tưởng Việt Nam mà không chối từ những nguồn gốc của mình. Mỗi một sản phẩm văn chương của ông là một cuộc viễn chinh đến một thời đại luôn luôn xa hơn”.[31]  

Từ năm 1970, người ta không còn nghe nói gì về Phạm Văn Ký nữa, ông không xuất bản gì ngoài vở kịch Le Rideau de pluie được diễn vào năm 1974. Năm 1970, ông ở trong đoàn Việt Kiều được mời về thăm Bắc Việt. Trở về Paris, ông viết tiểu luận Le Défi vietnamien, nói lên nhiều cảm xúc sau ba mươi hai năm xa xứ. Trong bài viết “Những kỷ niệm về anh tôi”, em ông là nhà thơ Phạm Hổ đã nhấn mạnh đến mối liên hệ giữa chuyến trở về này với sự rút lui của Phạm Văn Ký ra khỏi giới xuất bản: “Trong những năm cuối cùng, anh đã gặp khó khăn. Vì từ khi trở về nước cho đến khi anh mất, các nhà xuất bản lớn của Pháp không xuất bản bất kỳ bản thảo nào của anh. Ngay cả một dự án tiểu thuyết mà anh ký với nhà Gallimard trước chuyến trở về Việt Nam, khi trở lại, anh hiểu rằng nhà xuất bản đã tìm cớ để hủy bỏ nó”. Tình trạng này chắc hẳn vì sự chuyển biến rõ ràng trong lối viết của Phạm Văn Ký kể từ ngày đó. Từ năm 1970, các bản thảo của ông đa phần là về lịch sử Việt Nam. Tập cuối cùng trong cuốn tiểu thuyết “L’Ennemi qui nous ressemble” nói về thuyền nhân, một biến cố lịch sử chỉ xảy ra từ năm 1975. Gồm 2.176 tờ chia làm bảy tập, cuốn tiểu thuyết này có là “tuyệt tác” đời ông không? Phạm Văn Ký có thấy mình bị các nhà xuất bản ở Paris từ chối vì chuyến trở về nước của ông mang ý nghĩa chính trị? Họ có lý do của riêng mình và chỉ muốn tìm ở ông một làn hương độc lạ của một nền văn hóa khác mà ông là người trung gian tuyệt vời. Đi ra ngoài giới hạn này chắc gì họ đã cần đến ông! Ông mất tại Créteil (Val-de-Marne), ngày 20-04-1992.

“Phạm Văn Ký là hiện tượng sáng chói trong gia đình trí thức văn nghệ tiêu biểu miền đất võ trời văn, được dư luận đánh giá là nhà văn Việt viết bằng Pháp ngữ có nhiều tác phẩm được xuất bản và tán thưởng vào hạng nhất đương thời. Với giải thưởng lớn của Viện Hàn lâm Pháp, ngoài ý nghĩa văn hóa xã hội, là việc dành cho các nhà văn có cống hiến nghệ thuật đặc biệt trong việc làm đẹp và làm giàu tiếng Pháp, một giải thưởng đâu chỉ các nhà văn nhập cư mà ngay các nhà văn chính quốc cũng khát khao ngưỡng mộ. Việc tên tuổi ông được đặt bên cạnh những tên tuổi lớn Francois Mariac, Saint Exupery, Patrick Rambaub, Pierre Schoendorffer, Jean d’Ormesson… đã là một khẳng định tuyệt vời về trí tuệ và nhân cách Việt trong thế giới văn chương phương Tây”.[32]

2. Nguyễn Văn Xiêm

Nguyễn Văn Xiêm, ông là ai mà được kể đến như một nhà thơ Bình Định? Khác với Phạm Văn ký, ông không sinh trưởng tại đây nhưng đã trải qua thời niên thiếu tại miền thơ này. Có thể nói ông Nguyễn Văn Xiêm là người đầu tiên và là nhà thơ duy nhất người Việt làm thơ bằng tiếng Pháp vào tiền bán thế kỷ XX. Với danh hiệu này, ông được ghi tên vào Hội các nhà thơ Pháp ở Đông Dương (Poètes Français d’Indochine).[33]

Sinh ngày 6 tháng 8 năm 1886 ở Thiềng Đức, tỉnh Vĩnh Long. Xuất thân từ hai gia đình nội ngoại làm quan kỳ cựu, từ rất sớm, ông ở với ông nội là Phó đô ngự sử tại triều đình Huế, rồi sau đó đến sống ở Qui Nhơn khi ông nội về hưu tại đây. Sau khi ông nội mất, ông về lại Vĩnh Long, rồi học Trường Chasseloup-Laubat ở Sài Gòn. Ra trường ông hành nghề thư ký, nhưng lại từ chức để ra sống ở Phan Rang, nơi cha ông làm Quản đạo tỉnh Phan Rang. Năm 1906, ông sang Pháp học ở École Colonial, rồi tiếp tục học ở École Lavoisier và École spéciale d’électricité Bréguet, ra trường với tấm bằng kỹ sư điện. Ông trở về Việt Nam, làm việc ở Nhà máy điện Sài Gòn và mất năm 1916.

Trong thời gian lưu lại ở Pháp, ông cộng tác với nhiều tờ báo và tạp chí như Provençal, Argonautes, Nouvelliste, Pensée de France, etc… Năm 1913, ông xuất bản ở Sài Gòn tập thơ Mes Heures perdues (Những giờ trôi mất), trong đó có những bài: l’Harmonie du soir, Nocture, A mes amis, Les premiers baisers, A un vandale, Le Devin Aveugle, Le Départ du Dieu du Foyer, Fumeur d’opium, Combat de coqs, Tombeau Royal, Cap Pandaran, Cuisine Chinoise, Dac-Ky … Giới thiệu tập thơ này, tờ Pensée de France nói rằng: “Phải ca ngợi sự duyên dáng xa xôi và lạ lẫm của những bài thơ, màu sắc và sự nhạy cảm của chúng. Chúng ta hy vọng rằng ông Nguyễn Văn Xiêm nhanh chóng bổ túc và thêm nhiều vào tập thơ vì khuyết điểm duy nhất của nó là quá mỏng”. Với sự mỉa mai, hài hước, hẳn nhiên là cộng thêm một ít u buồn, ông so sánh đức “công, dung, ngôn, hạnh”, “lễ nghĩa, gia phong” giữa các cô gái Việt ngày xưa và ngày nay qua cặp bài thơ vần điệu như họa với nhau. Quá khứ luôn là thời vàng son để tiếc nuối nhớ về, chuyện chẳng lạ gì: Laudator temporis acti se puero![34]

“Jeune fille Annamite d’autrefois”

Elle savait choisir une bijouterie
Honnête, tisser, coudre ou broder avec l’art
Mettre, quand il fallait, une robe en brocart
Ou de coton, avoir une mine fleurie.
Comprenant le danger de la coquetterie,
Elle savait montrer un visage sans fard,
Devant tout ce qui blesse abaisser le regard,
Elle savait qu’aussi le coeur humain varie.
Elle faisait très peu de cas d’un madrigal,
Voyait dans tout galant se disant son vassal,
Un maître tyrannique ou pître de théâtre.
Fuyant les vains plaisirs et plus encore le jeu,
Elle savait pourtant, des vertus idolâtres,
Rincer une marmite ou cuire un pot-au-feu!

“Cô gái Việt xưa” (tạm dịch)

Cô biết chọn lựa một món trang sức
Tính chân thật, biết dệt, may vá thêu thùa
Khi cần, biết may váy gấm
Hay váy vải, có một vẻ mặt tươi như hoa .
Hiểu sự nguy hiểm của đỏm dáng
Cô biết để mặt mộc
Cúi mắt trước những ai xúc phạm
Cô biết rằng trái tim con người thay đổi.
Cô không màng đến lời huê tình,
Thấy trong mọi lời tán tỉnh
Xưng gọi mình là kẻ chư hầu của cô,
Rằng đó là một ông chủ độc tài hay một anh hề. 
Trốn những thú vui qua mau hay cờ bạc,
Tuy nhiên, trong những nhân đức đáng quý,
Cô biết rửa xoong nồi hay nấu một bát phở!

“Jeune fille Annamite moderne”

Mannequin chargé d’or d’une bijouterie
A la mode, elle sait arranger avec art
Un chignon ou porter une robe en brocart,
Composer à propos une mine fleurie.
Elle savait la vertu d’une coquetterie,
Le secret des parfums, l’illusion d’un fard,
La puissance d’un mot et l’effet d’un regard
Mais elle sait qu’aussi son petit coeur varie.
Elle lit le Quôc-ngu, comprend un madrigal,
D’un bel indifférent sait faire son vassal,
Elle aime les bonbons, les chevaux, le théâtre …
Ardent à la musique et plus encore au jeu,
En un mot, de tout les doux plaisirs idolâtre,
Elle savait, en rêvant, bruler un pot-au-feu.

“Cô gái Việt nay” (tạm dịch)

Là mẫu “mannequin” đeo trang sức bằng vàng
Theo thời thượng, cô biết phối hợp
Một búi tóc hay mặc váy gấm
Để làm nên một vẻ mặt tươi như hoa.
Cô biết làm đỏm dáng,
Biết bí mật của mùi nước hoa, ảo tưởng của son phấn,
Quyền lực của một lời nói và hiệu quả của ánh nhìn,
Nhưng cô cũng biết rằng trái tim mình thay đổi.
Cô đọc chữ Quốc ngữ, hiểu một lời huê tình,
Biết biến một chàng đẹp trai thờ ơ,
thành chư hầu của mình
Cô yêu kẹo ngọt, ngựa, rạp hát …
Cháy bỏng với âm nhạc và cờ bạc,
Tắt một lời, trong những thú vui dịu dàng,
Cô biết làm cháy khét cả nồi phở khi mơ màng!  

Alain Guillemin, Viện quốc tế Pháp ngữ, đã viết: “Nguyễn Văn Xiêm được xem như nhà thơ đầu tiên của Việt Nam viết bằng tiếng Pháp. Tập thơ Mes Heures perdues (Những giờ trôi mất) của ông đã xuất bản vào năm 1913. Những bài thơ cho thấy ông có một kiến thức sâu rộng về thơ Pháp thế kỷ XX. Chịu ảnh hưởng Victor Hugo, Lamartine và Baudelaire, ông sử dụng các thể loại thơ: Sonnet, ballade, rondel và ngay cả pantoum điêu luyện như Baudelaire. Sự làm chủ ngôn ngữ này, do là một kỹ sư được đào tạo ở ngay kinh thành Paris, đã không làm mất đi nền văn hóa Việt Nam thấm đẫm trong ông, Khổng giáo, Đạo giáo, Phật giáo và thơ ca dân gian. Ảnh hưởng văn hóa Việt nguồn này thấy rõ trong bài thơ “Harmonie du Soir”. Đây cũng là tựa đề một bài thơ của Baudelaire, nhưng trong khi  Baudelaire nói về sự lâu dài của kỷ niệm thì Nguyễn Văn Xiêm lại ca tụng sự mau phai của mọi sự”.

Ông mất sớm vì bệnh lao phổi vào năm 1916. “Nguyễn Văn Xiêm tội nghiệp! … Thần Chết đã bắt đầu phủ bóng tối của đôi cánh mình trên vầng trán ông nơi có dấu hiệu ngôi sao sáng lòa của những người được tuyển chọn. Phải tiếc thương cho cái kết sớm của nhà thơ trẻ này. Bằng ý muốn giải thoát mạnh mẽ, ông đã thành công khi giải phóng nàng thơ của mình khỏi quá nhiều ảnh hưởng dễ nhận thấy, khỏi những xiềng xích nham hiểm và bạo ngược của ký ức sách vở. Những bài thơ với nguồn cảm hứng Đông dương đã chứng minh điều đó. Xuống mộ, ông mang theo mình một tác phẩm thật sự nguyên bản, rất cá biệt, lạ kỳ về tất cả mọi mặt mà ông đã không hề bỏ lỡ để đem lại cho chúng ta”.[35]

Khi ta ở, chỉ là nơi đất ở / Khi ta đi, đất đã hoá tâm hồn!” (Chế Lan Viên – Tiếng hát con tàu). Cái “miền thơ” đã hóa thành “hồn thơ” nhập vào hai thi nhân Bình Định “francophones” này, làm nên những làn hương “exotiques”: một Nguyễn Văn Xiêm là người Việt đầu tiên viết thơ tiếng Pháp, một Phạm Văn Ký là người viết nhiều và đa dạng thể loại nhất. Công trạng của họ là “Pháp với người Pháp”, cho thế giới nói tiếng Pháp biết đến một nền văn hóa truyền thống Việt đã hiện diện đồng thời với dân tộc Việt, dù rằng được truyền khẩu hay viết ra dưới bất kỳ chữ viết nào: Hán, Nôm, Quốc ngữ hay … Pháp ngữ! Họ cùng với các thi nhân ở miền thơ đất võ đã dùng tài năng để trả nợ văn chương cho mảnh đất mình sinh ra hay lớn lên. Họ đã quen tay “vay mãi non sông” nơi doi đất Qui Nhơn hình vầng trăng khuyết rụt rè thu mình lại và dãi đất Việt Nam hình chữ S kiêu hãnh ưỡn mình ra biển Đông này. Chẳng phải là họ cùng hội cùng phường “mượn hoài trời đất” văn chương với chàng thi sĩ bán thơ rong Hàn Mặc Tử đó sao?

Ai mua ta bán túi thơ đây
Đổi lấy tiền tiêu với tháng ngày
Vay mãi non sông coi hổ mặt
Mượn hoài trời đất đã quen tay…
Nhắn khách văn chương trong bốn bể
Bằng lòng mua lấy trả tiền ngay!
(Hàn Mặc Tử - Bán thơ rong)


(Nguyễn Minh Chính, Ngả bóng thời gian, Nxb Hồng Đức, 2021, tr. 299-322)
 
[1] Xem Trần Nghĩa, Sưu tầm và khảo luận tác phẩm chữ Hán của người Việt trước thế kỉ thứ X, Nxb Thế giới, Hà Nội, 2000.
[2] Gs. Nguyễn Phú Phong, Việt Nam, Chữ viết, Ngôn ngữ và Xã hội. Xem  http://chimviet.free.fr/giaoduc/nguyenphuphong/vnchuviet/npph06_phan2ch04.htm.
[3] François de Salignac de la Mothe-Fénelon, thường được gọi ngắn gọn là François Fénelon (6.8.1651 – 7.1715), người Pháp, Tổng giám mục Cambrai, nhà thần học, văn sĩ là nhà thơ. Ông được biết đến như là tác giả của cuốn Les aventures de Télémaque, xuất bản lần đầu vào năm 1699.
[4] Gs. Nguyễn Phú Phong, Ibid.
[5] H. T. Diep, La poésie vietnamienne, CRTF. Vietnam littéraire, Diffusion Belles Lettres, tr.11-27.
[6] Phạm Đán Bình, “Romantisme vietnamien et poésie française (1917-1937): essai de bilan historique des traductions”, Cahier d’études vietnamiennes, no 10, 1989-1990, tr. 33.
[7] Xem Maurice DurandNguyễn Trần Huân, Introduction à la littérature vietnamienne, Paris, G.P. Maisonneuve et Larose, coll. “Introduction aux littératures orientales”, 1696, tr. 147.
[8] Xem Nguyễn Phú Phong, “L’avènement du Quốc-ngữ et l’évolution de la littérature vietnamienne, quelques considérations linguistiques”, Cahiers d’études vietnamiennes, no 9, 1987-1988.
[9] Hoài Thanh – Hoài Chân, Thi nhân Việt Nam, Nxb Văn Học, Hà Nội, 1988, tr. 29.
[10] Tào Văn Ân, Ảnh hưởng của văn học Pháp đối với thơ mới Việt Nam giai đoạn 1932-1945, Tạp chí Khoa học, Trường Đại học mở Tp. HCM, số 2 (1) 2007, tr. 9-10
[11] Phạm Quỳnh biên dịch, Khảo về tiểu thuyết, Đông kinh ấn quán, Hà Nội, 1929, tr. 8.
[12] Phạm Quỳnh, Ibid., tr. 46.
[13] Xem Đào Đăng Vỹ, Évolution de la littérature et de la pensée vietnamienne depuis l’arrivée des Français jusqu’au nos jours (1865-1946), Hue, Editions Tao-dan, 1948, tr. 15-16. 
[14] Thu Hà, Phạm Văn Ký - một số phận văn chương "mất nơi ở", https://tuoitre.vn/pham-van-ky---mot-so-phan-van-chuong-mat-noi-o-130504.htm.
[15] Thuộc địa bàn Giáo xứ Kim Châu hiện nay.
[16] Phạm Văn Quang, “La trajectoire littéraire de Pham Van Ky étudiée à travers les périodiques francophones”, trong Nguyen, Giang-Huong (dir.), Pham Van Ky et son œuvre: Un taoïsme littéraire,  Nouvelle édition [en ligne]. Paris: Demopolis, 2018, tr. 60.
[17] Ts. Võ Văn Nhơn, Văn học, https://heritage.bnf.fr/france-vietnam/vi/litterature-article-vi.
[18] Jean-Jacques MayouxPham Van Ky, “Voix d’Est, Voix d’Ouest. Un dialogue entre Jean-Jacques Mayoux Pham Van Ky”, Les Lettres nouvelles, no 38/39, 1956, tr. 730.
[19] Thuong Vuong-Riddick, “Le Drame de l’occidentalisation dans quelques romans de Pham Van Ky”, Présence Francophone, n°16, 142.
[20] Bernard Krespine, “Une tentative d’évasion hors de la sphère maternelle, À propos de Des femmes assies ça et là”, trong Nguyen, Giang-Huong (dir.), Pham Van Ky et son œuvre: Un taoïsme littéraire,  Nouvelle édition [en ligne]. Paris: Demopolis, 2018, tr. 42-43.
[21] Được Paul Pelliot và Marcel Granet thành lập năm 1921, và được Collège de France quản trị vào năm 1972. Linh mục Triết gia Lương Kim Định cũng tốt nghiệp Nho học tại Học viện này.
[22] Xuất bản trong tạp chí Les Temps modernes, n°14, 1946.
[23] Phạm Văn Quang, L’écrivain francophone Pham Van Ky : une identité paradoxale,
https://mondesfrancophones.com/debats/francophonies-et-theories/lecrivain-francophone-pham-van-ky-une-identite-paradoxale/.
[24] Phạm Văn Ký, “Orgre qui dévore la ville”, Les Temps moderne, no 14, 1946, tr. 241-242.
[25] Souleymane Fofana, “La Littérature vietnamienne entre modernité et traditions: étude des romans Celui quie règenera et Frères de sang de Pham Van Ky”, Chimères, 27 (1):59, April 2003, tr. 71.
[26] Phạm Văn Ký, “Orgre qui dévore la ville”, Les Temps moderne, no 14, 1946, tr. 241.
[27] Phạm Văn Ký, “Presque sur la voie”, trong Une voix sur la voie, Asper, Saigon, 1936, tr. 137.
[28] Souleymane Fofana, Ibid., tr. 65.
[29] Phạm Văn Quang, “La trajectoire littéraire de Pham Van Ky étudiée à travers les périodiques francophones”, trong Nguyen, Giang-Huong (dir.), Pham Van Ky et son œuvre: Un taoïsme littéraire,  Nouvelle édition [en ligne]. Paris: Demopolis, 2018, tr. 70.
[30] Pham Van Ky, “Je suis jaloux”, trong Une voix sur la voie, Asper, Saigon, 1936, tr. 33-34.
[31] https://data.bnf.fr/fr/14656525/van_ky_pham/.
[32] Nguyễn Thanh Mừng, Hào kiệt văn chương,
https://vanhocsaigon.com/hao-kiet-van-chuong/
[33] Xem Mat Giang, “M. Nguyên-van-Xiêm: un Annamite, poète français”, trong tạp chí Les pages indochinoises, Octobre 1926, tr. 313-318, được sử dụng làm tài liệu để viết về ông Nguyễn Văn Xiêm trong bài viết này.
[34] Người cứ luôn miệng ca ngợi thời mình còn bé (Horace, Ars Poetica).
[35] Mat Giang, Ibid., tr. 318

Tác giả bài viết: Lm. Phaolô Nguyễn Minh Chính

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

lich cong giao 2022 - 2023
tapsanmucdong
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập47
  • Máy chủ tìm kiếm18
  • Khách viếng thăm29
  • Hôm nay9,621
  • Tháng hiện tại163,345
  • Tổng lượt truy cập29,142,883

Chúng tôi trên mạng xã hội

CÁC GIÁO HẠT
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây