Cảm nhận bài thơ Sóng Ngát của thi sĩ Song Lam

Thứ sáu - 07/06/2019 22:07
Sóng Ngát

“Người cô yêu có gì hơn những chàng trai khác,
mà cô phải nài van như vậy?” 

(Dc 5, 9b)

1.Cát chớp mắt nghe sao hồn mệt mỏi
Biển Xanh Mơ! mau kéo Sóng vỗ về
Sóng Ngát ơi! bung giọt khiết đê mê
Xoáy cát bỏng trong Nguồn Thơm bất tận.

2.Sóng dịu dàng xoa nỗi đau kín ẩn
Khẽ dâng cao rồi vỗ nhẹ yêu thương
Nâng cát lên cuốn vào chốn thiên đường
Ngàn lấp lánh ngợp muôn triều hoan lạc.

3.Sóng rì rào du dương câu thần nhạc
Rửa cát mờ lóng lánh tựa trân châu
Cát trong thanh chớp Ánh Sáng muôn màu
Làm rực rỡ vầng Thái Dương tuyệt sắc.

4.Sóng òa vỡ Lời Tình Yêu réo rắt
Ngàn hương tơ chạm hồn cát xôn xao
Ơi Nguồn Thơ! thanh khiết đến ngọt ngào
Thơm thơm quá! cát mơ trào thi tứ.

5.Từng đêm lắng Sóng ngân nga tình tự
Ru cát mềm cháy bỏng nỗi cô đơn
Có tình nào cao quý tuyệt vời hơn
Được Sóng vỗ, ru trong làn Nước Biếc.

6.Sóng hãy vỗ và cứ ru mãi miết
Những Lời Thơ huyền nhiệm rất cao siêu
Và ngày ngày Sóng bung ngát Lời yêu
Cát lắng tiếng nuốt Lời vào tâm khảm.


Mừng lễ Đức Chúa Thánh Thần Hiện Xuống

Song Lam

CẢM NHẬN THƠ

Bài thơ mở đầu với một sự mệt mỏi đầy bất an:

“Cát chớp mắt nghe sao hồn mệt mỏi”

Và được kết thúc trong một niềm vui thật an bình:

“Cát lắng tiếng, nuốt Lời vào tâm khảm.

Điều gì đã khiến cho tâm hồn nhà thơ đang buồn phiền chán nản, đột nhiên trở nên hăng hái và đầy phấn khởi như thế. Có lẽ phải đọc hết bài thơ chúng ta mới thấy được động lực chủ yếu tác động đến cuộc sống của tác giả. Và từ những cảm nghiệm sâu thẳm đó, nhà thơ đã diễn tả niềm vui của mình trong Chúa Thánh Linh qua những câu thơ thật thi vị.
        
Theo cảm nhận cá nhân, bài “Sóng Ngát” của nhà thơ Song Lam đã cho tôi một cảm nghiệm về Chúa Thánh Thần một cách thật gần gũi và thân thương. Ngài không còn trừu tượng và xa cách như tôi nghĩ tưởng. Ngài đã chạm đến tôi, nhưng tôi chưa đủ tĩnh để cảm nhận. Ngài đã nói với tôi, nhưng tôi chưa lắng đủ để nghe.

Điều mà nhà thơ làm cho tôi cảm nghiệm được Chúa Thánh Thần thân thiết và gần gũi chính là tác giả đã khéo léo sử dụng một hiện thực khách quan trong thiên nhiên để diễn tả phần nào mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi: Biển, Nước và Sóng. Nói đến biển là tất nhiên nói đến nước và sóng. Nước và sóng không thể tách rời khỏi biển, và biển không thể là biển khi không có nước và sóng.
         
Có lẽ nhà thơ đã từng thả mình trên làn nước trong xanh của biển cả nên đã sử dụng những từ rất thơ để gọi Thiên Chúa Ba Ngôi một cách thật trân trọng: “Nguồn Thơm”, “Nguồn Thơ”, “Ánh Sáng”. Gọi Chúa Cha một cách thân thiết: “Biển Xanh Mơ”. Gọi Chúa Con một cách trìu mến: “Thái Dương”, “Nước Biếc”, “Lời Tình Yêu”, “Lời Thơ” và gọi Chúa Thánh Thần bằng một mỹ từ thật gần gũi: “Sóng Ngát”.
         
Khi hiểu được những mỹ từ mang tính tương trưng và được “Thiêng cách hóa” này, chúng ta sẽ dễ dàng cảm nhận được những ý tứ sâu lắng trong bài “Sóng Ngát” mà nhà thơ muốn chia sẻ với chúng ta trong ngày lễ mừng Đức Chúa Thánh Thần hiện xuống.

1.Cát chớp mắt nghe sao hồn mệt mỏi

1.Cát chớp mắt nghe sao hồn mệt mỏi
Biển Xanh Mơ mau kéo Sóng vỗ về
Sóng Ngát ơi! bung giọt khiết đê mê
Xoáy cát bỏng trong Nguồn Thơm bất tận.


Tại sao không mở mắt mà lại chớp mắt? Phải chăng có một khoảnh khắc hay một giây phút nào đó trong cuộc sống chúng ta như chững lại “Cát chớp mắt”. Chúng ta chững lại vì thấy sau nhiều năm tháng theo đuổi một mục đích nào đó nhưng giờ đã trở nên vô vọng. Có thể là bị thất bại trong công việc làm ăn hay vuột mất thời cơ thăng quan tiến chức. Có thể là nỗi đau vì một mối tình không trọn vẹn hay những mất mát tình cảm trong gia đình. Và cũng có thể công việc thiện quyện gặp nhiều trắc trở không được suông sẻ hay nhiệt tình theo Đức Ki-tô sống hy sinh phục vụ đã nhạt nhòa.

Những lúc ấy, hình như con mắt đức tin của chúng ta không còn bừng sáng, không còn trong xanh để thấy cuộc sống của mình có mục đích, có ý nghĩa. Con mắt đức tin đó chỉ hé chứ không mở, nó chỉ chớp rồi nhắm lại, khiến chúng ta thấy cuộc sống trở nên nhạt nhẽo vô vị. Chúng ta cảm thấy chán nản, không còn hăng hái, không còn nhiệt tình để tiếp tục công việc phục vụ, không còn thiết tha với những giờ kinh nguyện “nghe sao hồn mệt mỏi”.


(7) Rên siết đã nhiều nên con mệt mỏi,
trên giường ngủ những thổn thức năm canh,
t
ừng giọt vắn dài, lệ tuôn đẫm gối,
(8) mắt hoen mờ vì quá khổ đau,
thêm suy nhược bởi quân thù vây hãm.
                                                          (Tv 6, 7-8)

“Cát chớp mắt nghe sao hồn mệt mỏi”

Những lúc chán nản như vậy, chúng ta rất dễ đi tìm những thú vui bên ngoài để bù đắp lại những trống vắng trong tâm hồn và sự mỏi mệt nơi thân xác. Rượu bia không phải là năng lượng giúp chúng ta phục hồi lại sức mạnh của ý chí và nghị lực. Nó chỉ làm chúng ta tạm thời quên đi những thất bại và phiền muộn, rồi thất bại vẫn còn đó và phiền muộn lại càng đầy thêm. Hương sắc cũng không là niềm vui để xoa dịu những nỗi đau trong tâm hồn. Nó chỉ làm chúng ta thêm yếu đuối và sa đọa hơn. Thả mình nơi vũ trường ca nhạc hay phòng trà hút sách cũng không đem lại niềm vui và bình an cho tâm hồn.

Mỗi tháng và hằng năm, các linh mục và tu sĩ đều có những thời gian chững lại để tĩnh tâm. Đây là thời gian để các vị nhìn lại đời sống của mình đối với Thiên Chúa và cách mình ứng xử đối với mọi người, đồng thời kín múc nơi Thiên Chúa Ba Ngôi nguồn ân sủng để cũng cố thêm đức tin, kiên vững niềm trông cậy và dạt dào lòng yêu mến.

Cho nên, trong những giai đoạn mệt mỏi và bị thử thách như vậy, người Ki-tô hữu có đức tin phải biết tìm lại sức mạnh của ý chí, niềm vui trong tâm hồn bằng cách nương tựa vào lòng thương xót của Thiên Chúa. Đấng có đủ quyền năng để giúp đỡ chúng ta trong mọi nơi mọi lúc, miễn là chúng ta một lòng trông cậy vào tình thương bao la của Ngài “Biển Xanh Mơ!”.

(2) Lạy Chúa, xin lắng tai nghe lời con nói,
hiểu thấu điều con thầm thì nguyện xin.
(3)Lạy Đức Vua là Thiên Chúa con thờ,
xin Ngài nghe tiếng con đang cầu cứu.
(4)Vâng, lạy Chúa, chính Ngài là Đấng con van vỉ,
ngay từ sớm, Ngài đã nghe tiếng con.
Ngay từ sớm, con tỏ bày ước nguyện, rồi chăm chú đợi trông.
                                                                   (Tv 5, 2-4)

Chúng ta chăm chú đợi trông và cầu xin Thiên Chúa ban cho chúng ta điều gì? Phải chăng là xin đạt được mục đích đang mong ước, tranh thủ được thời cơ thăng quan tiến chức, thu lại được của cải đã mất, chiếm lại được tình cảm của người yêu thương, thuận lợi trong những công việc thiện ích tốt lành…

Dựa vào lời hứa của Chúa Giê-su Ki-tô, chúng ta không xin điều gì khác ngoài việc cầu xin Thiên Chúa ban cho chúng ta Đấng Bảo Trợ, Đấng giúp đỡ chúng ta là những kẻ yếu hèn, Đấng sẽ cầu thay nguyện giúp cho chúng ta. Ngài biết điều gì là thực sự cần thiết cho đời sống của chúng ta để phù trợ, nâng đỡ chúng ta đứng lên và tiếp tục bước đi trong cuộc sống của mình “mau kéo Sóng vỗ về”.

(26) Hơn nữa, lại có Thần Khí giúp đỡ chúng ta là những kẻ yếu hèn, vì chúng ta không biết cầu nguyện thế nào cho phải ; nhưng chính Thần Khí cầu thay nguyện giúp chúng ta, bằng những tiếng rên siết khôn tả. (27) Và Thiên Chúa, Đấng thấu suốt tâm can, biết Thần Khí muốn nói gì, vì Thần Khí cầu thay nguyện giúp cho dân thánh theo đúng ý Thiên Chúa.(Rm 8, 26-27).

“Biển Xanh thơ mau kéo Sóng vỗ về”

“Sóng Ngát ơi!” là một mỹ từ thân thiết mà nhà thơ sử dụng để gọi Chúa Thánh Thần một cách đầy yêu mến. “Sóng ngát ơi!” còn là một lời van vỉ tha thiết với Đấng An Ủi. Xin Ngài soi sáng và hướng dẫn chúng ta trong đêm tối đức tin. Xin Thần Linh Thiên Chúa đổ tràn trên chúng ta những ân sủng cần thiết, không những cho linh hồn, mà còn cho cả thân xác yếu đuối, mỏng giòn như chiếc bình sành dễ vỡ của chúng ta, để củng cố đức tin chúng ta ngày càng thêm vững mạnh hơn “bung giọt khiết đê mê”. Những giọt khiết đê mê mà tác giả nói ở đây phải chăng là muốn nhắc đến bảy ơn Đức Chúa Thánh Thần mà chúng ta lãnh nhận trong ngày chịu phép bí tích Thêm Sức.

“Lạy Thiên Chúa toàn năng, là Cha Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng con, Chúa đã tái sinh tôi tớ Chúa đây bởi nước và Thánh Thần khi giải thoát người này khỏi tội lỗi, thì lạy Chúa, xin ban Chúa Thánh Thần, Đấng an ủi đến trong người này, xin ban cho họ thần trí khôn ngoan và thông hiểu, thần khí lo liệu và sức mạnh, thần trí suy biết và đạo đức, xin ban cho người này ơn kính sợ Chúa. Nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con.”

Đa số chúng ta thích được người khác cho vật này, tặng vật nọ vào những dịp kỷ niệm hay những ngày lễ, ngày tết. Chúng ta rất trân trọng những bó hoa mau tàn úa và những đồ vật hư nát theo thời gian, nhưng lại rất ít khi nghĩ đến những ơn lành hồn xác mà Thiên Chúa ban tặng cho chúng ta mỗi ngày. Vậy trong tuần lễ mừng Chúa Giê-su lên trời và lễ mừng Đức Chúa Thánh Thần hiện xuống, chúng ta có nôn nao, có chờ đợi có mau mắn tham dự thánh lễ để đón nhận những hồng ân vô cùng quý giá mà Thiên Chúa vì lòng yêu mến đã hứa ban cho chúng ta không?

“Sóng Ngát ơi! bung giọt khiết đê mê”

Nếu chúng ta chưa thấy háo hức, chưa có chút hớn hở nào, không lóe lên một niềm vui nào để chuẩn bị đón nhận món quà ân sủng của Chúa Thánh Thần, thì có lẽ chúng ta cứ mãi “chớp mắt” và cứ mãi than thở “sao thấy hồn mệt mỏi”. Cho nên, chúng ta phải xin Chúa Thánh Thần xoáy chúng ta nóng lên trong tình yêu của Ngài.

Từ “Xoáy” có nghĩa là cuốn đi, là quay lộn. “Bỏng” có nghĩa là làm cho bừng lên, làm cho nóng lên. “Xoáy cát bỏng” là cuốn đi, là quay lộn, chà xát làm cho cát trở lên nóng bỏng. Như vậy “Xoáy cát bỏng” hàm nghĩa là xin Chúa Thánh Thần cuốn chúng ta vào trong nguồn ân sủng của Ngài, để thánh hóa chúng ta trở nên thanh sạch, làm bừng lên ánh sáng Đức Tin trong tâm hồn chúng ta, một ánh sáng đang rất yếu ớt như ngọn đèn sắp cạn dầu và đốt lên trong chúng ta lửa mến Chúa Ki-tô, một ánh lửa chỉ còn le lói không còn đủ sức sưởi ấm tâm hồn nguội lạnh của chúng ta.

ÐK: Hãy chiếu sáng tâm hồn con
ngọn lửa hồng từ ngàn đời
là tình yêu Chúa vượt qua đêm tối.
Và chiếu sáng trên trần gian
ngọn lửa hồng tự ngàn đời
để tình yêu Chúa cháy lên đốt lòng mọi người.

1. Xin cho con một tình yêu Chúa
như ánh sao đêm soi dẫn nẻo về
vượt tăm tối qua miền ánh sáng
dẫn đưa con thoát khỏi bến mê.

2. Xin cho con một đời như Chúa
biết hy sinh quên chính phận mình
ngày xưa Chúa giáng trần cứu thế
thắp yêu thương sáng hồn thế nhân.

3. Xin cho con niềm tin sắt đá
lúc an vui hay lúc khổ sầu
dù nguy khó trăm chiều chi sá
Chúa thương con vững dạ trước sau
.

(Lửa hồng ngàn đời –  Nt Trầm Hương)

Chúa Thánh Thần “xoáy” chúng ta nóng lên bằng cách nào? Phải chăng bằng gian lao thử thách, đói rách hiểm nguy, bắt bớ tù đày? Hay Ngài “xoáy” chúng ta trong quyền lực và sự quyến rũ của thế gian? Không phải thế  nhưng chính nhờ ơn Đức Chúa Thánh Thần, chúng ta đã toàn thắng những thử thách ấy nhờ Đấng đã yêu mến chúng ta.

(35) Ai có thể tách chúng ta ra khỏi tình yêu của Đức Ki-tô ? Phải chăng là gian truân, khốn khổ, đói rách, hiểm nguy, bắt bớ, gươm giáo ? (36) Như có lời chép : Chính vì Ngài mà mỗi ngày chúng con bị giết, bị coi như bầy cừu để sát sinh. (37)Nhưng trong mọi thử thách ấy, chúng ta toàn thắng nhờ Đấng đã yêu mến chúng ta.

Cái “xoáy” thực sự của Chúa Thánh Thần là “xoáy” chúng ta trong “Nguồn Thơm bất tận”. Nguồn Thơmbất tận chính là tình yêu của Ba Ngôi Thiên Chúa.
(
38) Đúng thế, tôi tin chắc rằng : cho dầu là sự chết hay sự sống, thiên thần hay ma vương quỷ lực, hiện tại hay tương lai, hoặc bất cứ sức mạnh nào, (39) trời cao hay vực thẳm hay bất cứ một loài thọ tạo nào khác, không có gì tách được chúng ta ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa thể hiện nơi Đức Ki-tô Giê-su, Chúa chúng ta. (Rm 8, 35-39)

Không “thơm” sao được khi mà Ba Ngôi Thiên Chúa đã ban cho chúng ta Tình Yêu của Ngài: Ngôi Hai Thiên Chúa là Chúa Giê-su Ki-tô và cả Ngôi Ba Thiên Chúa là Chúa Thánh Thần.

Cho nên đức tin và lòng mến của chúng ta vào Thiên Chúa Ba Ngôi không thể tìm được ở bất cứ một thần minh nào khác ngoài Chúa Thánh Thần. Ngài là tình yêu của Chúa Cha và Chúa Con. Ngài là nguồn ân sủng vô tận mà Thiên Chúa đã ban cho nhân loại chúng ta.

“Xoáy cát bỏng trong Nguồn Thơm bất tận.”

Bao la tình Chúa yêu con, mênh mông như biển Thái Bình.
Dạt dào như ngàn con sóng, vỗ về năm tháng đời con.
Tình Ngài như mưa đỉnh núi, suốt đời tuôn đổ dạt dào.
Một tình yêu vô biên, một tình yêu vô biên.

Hồng ân Chúa như mưa, như mưa.
Rơi xuống đời con miên man, miên man.
Nâng đỡ tình con trong tay, trong tay.
Vòng tay thương mến

Đời có Chúa êm trôi êm trôi.
Chúa dắt dìu con luôn luôn không thôi.
Có Chúa cùng đi con không đơn côi.
Ôi tình tuyệt vời.

(Bao la tình Chúa – Giang Ân)

2.Sóng dịu dàng xoa nỗi đau kín ẩn


2.Sóng dịu dàng xoa nỗi đau kín ẩn
Khẽ dâng cao rồi vỗ nhẹ yêu thương
Nâng cát lên cuốn vào chốn thiên đường
Ngàn lấp lánh ngợp muôn triều hoan lạc.

  
Đã mang lấy kiếp phàm nhân, dù cho bậc vua chúa hay thứ dân, ai ai cũng có những nỗi đau riêng. Có những nỗi đau có thể chia sẻ với người thân hay bạn bè, hoặc với những người linh hướng để có được sự thông cảm, nâng đỡ và ủi an. Nhưng cũng có những nỗi đau mà không một ai tháo gỡ, nỗi đau không biết chia sẻ cùng ai, nỗi đau lẳng lặng đem xuống tuyền đài “nỗi đau kín ẩn”.

Những nỗi đau kín ẩn đó thường làm cho một số người mất niềm tin. Họ thấy đời mình mất phương hướng và cuộc sống không còn ý nghĩa. Kết cục bi thảm là họ tuyệt vọng và tìm đến cái chết như là một phương cách giải thoát cho nỗi đau kín ẩn riêng mình.

Nhưng với chúng ta, những người đặt niềm tin vào Chúa Giê-su Ki-tô Phục Sinh tin rằng: có một Đấng quyền năng luôn hiện diện trong chúng ta. Ngài sẵn sàng hướng dẫn chúng ta những phương cách tối ưu để giải quyết các vấn nạn làm chúng ta bế tắc trong cuộc sống. Đấng quyền năng đó, chính là Thánh Thần Tình Yêu. Chỉ có Ngài mới hiểu được những nỗi đau thầm kín, cảm thông hết những uẩn khúc, tháo gỡ những rối rắm.

Sách Huấn ca đã viết:

(18) Người dò thấu vực thẳm và cõi lòng nhân thế,
hiểu rõ toan tính của con người,
vì Đấng Tối Cao am tường tất cả
và đưa mắt nhìn các dấu hiệu thời gian.
(20) Không một ý nghĩ nào Người không thấu suốt,
Chẳng một lời nào là bí ẩn đối với Người.
(Hc 42, 18.20)

Và trong thư thứ nhất gửi tín hữu Cô-rin-tô, Thánh Phao-lô còn xác tín rõ ràng hơn:

(10) Còn chúng ta, chúng ta được Thiên Chúa mặc khải cho, nhờ Thần Khí. Thật vậy, Thần Khí thấu suốt mọi sự, ngay cả những gì sâu thẳm nơi Thiên Chúa. (1 Cr 2, 10)

Vâng chỉ có chính Đấng đã tạo nên người phàm từ bụi đất, và thổi vào nó Thần Khí của Ngài, mới biết cách chữa trị những khiếm khuyết của nó mà thôi.

Ngài tha thứ muôn ngàn tội lỗi, và chữa lành những căn bệnh trầm kha của tinh thần:“Chúa tha cho ngươi muôn ngàn tội lỗi, thương chữa lành các bệnh tật ngươi” (Tv 103, 3).

Ngài băng bó những vết thương dập nát và đem lại niềm tin cho những tâm hồn đau thương thất vọng:“Người chữa trị bao cõi lòng tan vỡ, những vết thương, băng bó cho lành” (Tv 147, 3).

Và lòng thương xót của Thiên Chúa nhân từ còn được thể hiện:“Người chăm nom khi liệt giường liệt chiếu, lúc bệnh hoạn, Người chữa cho lành” (Tv 41, 4).

Vâng, chỉ có Ngài, duy nhất chỉ có Thánh Thần Thiên Chúa mới ban cho chúng ta đủ sức mạnh của niềm tin, nhiệt thành của lòng mến, để chúng ta có niềm vui và can đảm dấn thân đầy hy vọng và chia sẻ một cách quảng đại bằng một tình yêu nhưng không  “Sóng dịu dàng xoa”.

“Sóng dịu dàng xoa nỗi đau kín ẩn”

Tuy nhiên, các linh ân của Chúa Thánh Thần, không phải chỉ để băng bó, xoa dịu những vết thương nơi thân xác và trong tâm hồn chúng ta. Nhưng trên hết, các linh ân đó mài dũa, rèn luyện chúng ta biết cách vượt qua những gian nan thử thách, cảm nhận được sự đau đớn vì bệnh tật, sự đau xót vì bị phản bội, sự đau khổ vì bị bỏ rơi, sự thù ghét vì bị hiểu lầm, sự khinh miệt vì yếu đuối sa ngã… để cùng chia sẻ nỗi thống khổ với những người bất hạnh hơn chúng ta và nhất là để hiệp thông với sự đau khổ của Chúa Giê-su Ki-tô.

Cho nên sự dịu dàng mà Thánh Linh xoa bớt những nỗi đau kín ẩn của chúng ta không phải là Ngài cất đi những thử thách và đau khổ. Nhưng đôi lúc sự thanh luyện của Ngài làm cho chúng ta cảm thấy mình bị đày đọa hơn, đau khổ nhiều hơn. Nó làm lung lay cả niềm tin và hy vọng của chúng ta “Khẽ dâng cao”.

(71) Đau khổ quả là điều hữu ích,
để giúp con học biết thánh chỉ Ngài.
(72) Con coi trọng luật Chúa truyền ban
hơn vàng muôn bạc triệu. 
(Tv 119, 71-72)

Vì thế, chúng ta phải xin “Thần khí sức mạnh” ban cho chúng ta thêm đức tin như các thánh Tông Đồ đã xin Chúa Giê-su, để chúng ta có thể trung thành theo Chúa đến cùng.

(5)Các Tông Ðồ thưa với Chúa Giêsu rằng: "Thưa Thầy, xin thêm lòng tin cho chúng con". (6)Chúa đáp: "Nếu anh em có lòng tin lớn bằng hạt cải, thì dù anh em có bảo cây dâu này: "Hãy bật rễ lên, xuống dưới biển kia mà mọc", nó cũng sẽ vâng lời anh em. (Lc 17, 5-6)

Cho nên với “Thần trí thông hiểu”, nghĩa là trong con mắt đức tin, chúng ta phải hiểu rằng, tất cả những đau khổ và thử thách đều là những phương cách giúp chúng ta nên thánh. Chính trong những lúc chúng ta chịu gian nan thử thách, Thiên Chúa càng tuôn tràn ân sủng cho chúng ta – những người con thân yêu của Ngài.

Thật vậy, những ai kiên trì trong đức tin, đều dần dần cảm thấy ân sủng và tình thương của Thiên Chúa ẩn kín trong những thử thách đó. Vì vàng cần phải được thử trong lửa thì đức tin cũng cần được thử thách “rồi vỗ nhẹ yêu thương”.

(6)Trong thời ấy, anh em sẽ được hân hoan vui mừng, mặc dầu còn phải ưu phiền ít lâu giữa trăm chiều thử thách. (7)Những thử thách đó nhằm tinh luyện đức tin của anh em là thứ quý hơn vàng gấp bội, - vàng là của phù vân, mà còn phải chịu thử lửa. Nhờ thế, khi Đức Giê-su Ki-tô tỏ hiện, đức tin đã được tinh luyện đó sẽ trở thành lời khen ngợi, và đem lại vinh quang, danh dự. (1 Pr 1, 6-7)

“Khẽ dâng cao rồi vỗ nhẹ yêu thương”

Không riêng gì các vị thánh, mà những ai biết đón nhận “Ơn đạo đức” và “Ơn kính sợ” của Chúa Thánh Thần, đều cảm thấy có một niềm an ủi rất lạ khi được thông phần đau khổ với Chúa Giê-su Ki-tô. Chúng ta biết họ chịu đau khổ, nhưng vẻ mặt vẫn tươi vui. Thấy họ chịu thử thách, nhưng không hề tỏ lời than vãn. Thấy họ bị mất mát, nhưng không mất niềm tin. Thấy họ bị thua thiệt, nhưng không mất lòng trông cậy. Thấy họ bị phản bội nhưng không hề oán hận. Thấy họ bị thù ghét, nhưng vẫn rộng lòng tha thứ. Đối với họ, khi được chia sẻ đau khổ với Chúa Giê-su Ki-tô, không phải là họ bị chà đạp, bị vùi dập, bị khinh chê, bị loại trừ. Nhưng chính khi đó họ cảm nhận được Chúa Thánh Thần nâng họ lên trong tình yêu Thiên Chúa ở một cấp độ trỗi vượt hơn “Nâng cát lên”.

Bởi thế chúng ta không lấy làm lạ khi Chị Thánh Tê-rê-sa Hài Đồng Giê-su luôn xin cho mình được thêm đau khổ với Chúa. Chị coi đau khổ mà Chúa gửi đến như là một diễm phúc được tử đạo. Đó là con đường vào thiên đàng, con đường gặp được Chúa Giêsu – người yêu của Chị,  một cách nhanh nhất và gần nhất “cuốn vào chốn thiên đường”.

Chết vì Chúa, tử đạo tuyệt diễm phúc
Chính vì Người con muốn được khổ đau
Thiên sứ ơi, tấu thần khúc nhiệm mầu !
Con cảm thấy mình sắp lìa cõi thế !...

Lửa Yêu Mến, xin đốt con thêm nữa
Đời phút giây, Thập giá có trĩu vai !
Thỏa lòng con, Giêsu ơi! lạy Ngài
Một lần thôi, được chết vì yêu Chúa !...

Chết vì Yêu, hy vọng êm khôn tả
Khi lòng thấy xiềng xích vỡ tiêu tan
Phần thưởng con: Chúa – tuyệt nhất trần gian
Ngoài Chúa ra, còn chi mà ao ước ?
!

(Sống vì Yêu – Thánh nữ Têrêsa)

Chính vì thế mà “nỗi đau kín ẩn” của thánh nữ không phải là sự từ biệt gia đình thân thương để vào sống trong khuôn viên nhỏ bé của dòng Cát Minh, cũng không phải là sự tiếc nuối những niềm vui thế tục, càng không phải là sự tiếc rẻ mái tóc vàng óng ả đã cắt bỏ khi bước vào dòng tu. Nhưng trên hết và trên tất cả, “nỗi đau kín ẩn” của chị thánh chính là niềm khao khát mãnh liệt, niềm ước ao khôn vơi là sớm được ở bên Chúa để mãi mãi yêu Ngài.

Vâng, Chúa ơi, con khát khao ôm ấp
Muốn thấy Người, bên Người mãi mãi thôi
Chúa chính là Thiên Quốc cho con rồi
Đời con sống là yêu Người mãi mãi !!!...”


(Sống vì Yêu – Thánh nữ Têrêsa)

“Nâng cát lên cuốn vào chốn thiên đường”

Chốn thiên đường đó, không phải chờ đến khi chúng ta trở về Quê Hương vĩnh cửu với Thiên Chúa mới được hưởng hạnh phúc. Mà chốn thiên đường đó hiện hữu ngay trong tâm hồn chúng ta khi còn ở thế gian này nếu chúng ta biết đón nhận “Thần trí thông hiểu” và “Thần trí thông minh” của Chúa Thánh Thần. Chính các linh ân của Ngài sẽ soi sáng cho chúng ta hiểu được giá trị của sự đau khổ và ý nghĩa của mầu nhiệm thập giá. Để một khi hiểu được giá trị của đau khổ, chúng ta không còn thấy đó là những bóng đen u ám bao phủ cuộc đời chúng ta, làm chúng ta than thân trách phận, làm chúng ta chán nản và mất phương hướng trong cuộc sống.

Nhưng những thử thách đó là những kỷ niệm tuyệt vời của tình yêu. Nó là những bông hoa tươi đẹp mà Chúa Thánh Thần kết thành chiếc mũ triều thiên cho chúng ta. Đó là những tấm huy chương lấp lánh mà Chúa Thánh Thần trang điểm lên trên chiếc áo trắng thanh khiết của chúng ta, khi chúng ta được diễm phúc đón rước Đức Chúa quang lâm “Ngàn lấp lánh”.

Đó là niềm vui và vinh dự mà thánh Phê-rô đã viết: “Được chia sẻ những đau khổ của Đức Ki-tô bao nhiêu, anh em hãy vui mừng bấy nhiêu, để khi vinh quang Người tỏ hiện, anh em cùng được vui mừng hoan hỉ.” (1Pr 4,13).

Niềm vui đó sẽ trở thành niềm hạnh phúc khôn tả khi mỗi người chúng ta thực sự gặp gỡ và kết hiệp với Đức Giê-su Ki-tô – Chúa chúng ta. Đó là lúc mà các cô gái khôn ngoan được chàng rễ mời vào dự tiệc cưới “ngợp muôn triều hoan lạc”. Bởi vì đèn của các cô đã được thắp sáng bằng chính thứ dầu của đau khổ và thử thách. 

“Ngàn lấp lánh ngợp muôn triều hoan lạc.”

Hòa với tâm tình của nhà thơ, chúng ta hãy hát lên bài “Cho con vững tin” của Linh mục Nguyễn Duy, như là một lời cầu nguyện xin Chúa Thánh Thần ban cho chúng ta thêm Đức Tin trong những khi chịu đau khổ thử thách.

Con tưởng rằng con vững tin,
tin vào Chúa là Cha nhân hiền
Khi đời sống nhẹ trôi êm đềm,
với tháng ngày lặng lẽ bình yên
Nhưng khi đường đời gieo sóng gió,
bên trời ngập cơn mưa giông tố
Con lo âu lạc bến xa bờ,
con mới biết rằng con chưa vững tin.

Thì Lạy Chúa, Chúa biết con yếu đuối và đổi thay,
Con luôn cần đến Chúa từng phút giây
Nhờ ơn Chúa, con kiên trì tín thác kể từ đây
Khi an vui cũng như khi sầu đầy.


(Cho con vững tin – Lm Nguyễn Duy)


3.Sóng rì rào du dương câu Thần Nhạc

3.Sóng rì rào du dương câu Thần Nhạc
Rửa cát mờ lóng lánh tựa trân châu
Cát trong thanh chớp Ánh Sáng muôn màu
Làm rực rỡ vầng Thái Dương tuyệt sắc
.

 Nếu có thời gian lắng mình trên bãi biển về đêm, chúng ta sẽ nghe tiếng sóng rì rào tựa như những giai điệu thật ngọt ngào và êm dịu. Những giây phút thư giãn đó sẽ giúp chúng ta giải tỏa bớt những căng thẳng và lo âu của nhịp sống vội vã.

Về phương diện thiêng liêng, khi biết chững lại cho tâm hồn có những phút giây yên tĩnh. Chúng ta sẽ cảm nhận được Chúa Thánh Thần tác động vào tâm hồn chúng ta một cách nhẹ nhàng và vô cùng sâu lắng “Sóng rì rào”. Ngài không ban huấn từ, không ra lệnh, cũng chẳng mạc khải cho chúng ta điều gì khác, nhưng là để làm chứng cho Chúa Giê-su Ki-tô Phục Sinh, bằng cách nhắc nhớ cho chúng ta thấu cảm được những lời đã được viết trong Kinh Thánh và đổi mới cuộc sống của chúng ta. Bởi vì Chúa Thánh Thần là Thần Khí Sự Thật và là Thần Khí Sự Sống.

(26) Khi Ðấng Bảo Trợ đến, Ðấng mà Thầy sẽ sai đến với anh em từ nơi Chúa Cha, Người là Thần Khí sự thật phát xuất từ Chúa Cha, Người sẽ làm chứng về Thầy (Ga 15, 26).

(11) Lại nữa, nếu Thần Khí ngự trong anh em, Thần Khí của Đấng đã làm cho Đức Giê-su sống lại từ cõi chết, thì Đấng đã làm cho Đức Giê-su sống lại từ cõi chết, cũng sẽ dùng Thần Khí của Người đang ngự trong anh em, mà làm cho thân xác của anh em được sự sống mới (Rm 8, 11).

Cho nên những sách trong Kinh Thánh, đặc biệt là sách Thánh Vịnh, là những Lời Thiên Chúa được Thần Khí linh hứng cho các ngôn sứ viết lại thành những ca khúc tuyệt vời. Đây thực sự là những bài thơ trác tuyệt, là những bài diễm ca muôn thuở và đã trở thành lời kinh phụng vụ mà hằng ngày chúng ta hát lên để ca ngợi và tạ ơn Thiên Chúa “du dương câu Thần Nhạc”.

Nếu có dịp được tham dự các giờ kinh phụng vụ cùng với các đan sĩ, chúng ta sẽ nghe những giọng hát chân thành, đơn sơ và thanh khiết hòa quyện vào nhau tạo nên một âm hưởng thật thanh cao mà vô cùng lắng. Nó nhẹ nhàng nâng tâm hồn chúng ta lên cùng Thiên Chúa. Chúng ta hãy lắng nghe một đoạn thánh vịnh 63 (Tv 63, 2-9) được hát trong phụng vụ Kinh sáng Lễ Đức Chúa Thánh Thần hiện xuống sẽ cảm nhận được rất rõ những “câu Thần Nhạc”.

(2)Lạy Thiên Chúa, Ngài là Chúa con thờ,
ngay từ rạng đông, con tìm kiếm Chúa.
Linh hồn con đã khát khao Ngài,
tấm thân này mòn mỏi đợi trông,
như mảnh đất hoang khô cằn, không giọt nước.

(3)Nên con đến ngắm nhìn Ngài trong nơi thánh điện,
để thấy uy lực và vinh quang của Ngài.

(4)Bởi ân tình Ngài quý hơn mạng sống,
miệng lưỡi này xin ca ngợi tán dương.

(5)Suốt cả đời con, nguyện dâng lời chúc tụng,
và giơ tay cầu khẩn danh Ngài.
 

(6)Lòng thỏa thuê như khách vừa dự tiệc,
môi miệng con rộn rã khúc hoan ca.

(7)Con tưởng nhớ Chúa trên giường ngủ,
suốt năm canh thầm thĩ với Ngài.

(8)Quả thật Ngài đã thương trợ giúp,
nương bóng Ngài, con hớn hở reo vui.

(9)Trót cả tâm tình, con cùng Ngài gắn bó,
giơ tay quyền lực, Ngài che chở phù trì
.

(Kinh sáng Chúa Nhật Lễ Đức Chúa Thánh Thần Hiện Xuống)

“Sóng rì rào du dương câu Thần Nhạc”

Nhưng chúng ta thường là những hạt cát khô cứng chai lì. Chúng ta thích chạy theo những nhu cầu trần thế hơn là khát vọng những gì thuộc trời cao. Tuổi trẻ thích nghe những bản nhạc sôi động, người lớn lại thưởng thức những bài ca du dương, nên đi đâu cũng thấy họ ngồi rung nhịp hoặc mơ màng theo những lời ca tình tứ. Kể cả lúc làm việc, học hành, đi xe hay ngủ nghỉ, họ cũng tranh thủ đeo tai nghe để không bỏ sót một bản nhạc “hot” nào. Ít có ai chịu đeo tai nghe để lắng hồn trong những bài thánh ca hoặc suy gẫm những bài giảng của một Giám mục hay một Linh mục.

Cho nên chúng ta thường có thói quen thụ hưởng những gì êm ấm ngọt ngào hơn là chịu gian nan thử thách. Cứ nhìn những hạt cát nằm trên bãi cách xa sóng biển, nó thích nghe gió ru hơn là chịu để cho sóng rửa. Những hạt cát đó sẽ mất dần vẻ trong sáng ban đầu và khô sạm dưới nắng trời gay gắt.

Nhưng cứ nhìn những hạt cát được sóng đập tung lên rồi kéo xuống lòng biển, rồi lại xô vào bờ, đập tung lên, rồi kéo xuống và cứ như thế. Những hạt cát ấy rất trong và rất sạch, dù nắng trời có gay gắt đến mấy thì nó vẫn làm mát rượi bước chân người đi qua, chứ không làm cháy rát như những hạt cát sạm màu nằm cách xa biển.

Những làn gió tư tưởng và những nhu cầu của đời sống trần gian dễ làm cho chúng ta chao động mất đức tin, làm tâm hồn chúng ta bị ám mờ vì những uế tạp của ham muốn tội lỗi, nó mất đi vẻ trong sáng thuở ban đầu mà Thiên Chúa đã tạo dựng.

Nếu chúng ta chịu khó đọc Lời Chúa và lắng hồn vào trong Lời Huyền Nhiệm. Chúa Thánh Linh sẽ soi sáng cho chúng ta thấy cuộc đời của mỗi người dần dà thể hiện rất rõ nét trong từng lời Kinh Thánh. Những lời được Thánh Linh Thiên Chúa mặc khải sẽ gột rửa những tư tưởng bụi bặm đeo bám chúng ta và giải thoát chúng ta khỏi những nhu cầu bất chính “Rửa cát mờ”.

Chính khi chúng ta suy ngắm Lời Chúa và hoàn toàn tín thác đời mình cho lòng thương xót vô biên của Thiên Chúa. Thần Khí của Ngài sẽ thanh tẩy chúng ta bằng muôn vàn ân sủng, để những hạt cát uế tạp sẽ trở thành những viên ngọc quí đẹp long lanh. Có thể nói, trong đời sống ân sủng, khi can đảm chịu gian nan thử thách và vui lòng để cho Thần Khí thanh luyện chúng ta theo cách của Ngài, để cho những hạt cát đầy bụi bặm được nên trong sáng hơn. Bởi Thánh Thần biết rõ những ưu và khuyết điểm của mỗi người chúng ta, nên Ngài có đủ phương cách thích hợp và ban cho chúng ta dư tràn ân sủng để thánh hóa chúng ta trở nên những hạt cát tinh tuyền và thanh khiết hơn “lóng lánh tựa trân châu”.

Bác sĩ tâm lý Blenton chia sẻ rằng ông đã học hỏi Kinh Thánh mỗi ngày, các bệnh nhân của ông quá ngạc nhiên. Ông nói Kinh Thánh là sách giáo khoa vĩ đại nhất được góp nhặt để trình bày về các phẩm hạnh của con người. Nếu có đủ số người học hỏi, thấm nhuần và khởi sự sống lời Kinh Thánh thì hầu hết các bác sĩ tâm lý sẽ thất nghiệp. Cho thí dụ, ông nói về dụ ngôn ‘người con phung phá’ và những ai thật sự tin vào cốt lõi của câu truyện về lòng yêu thương tha thứ của Thiên Chúa vĩ đại vô biên hơn bất cứ lỗi lầm nào mà chúng ta có thể lỗi phạm, thì tất cả các bệnh nhân và tâm bệnh đang mang cảm giác tội lỗi, đều có thể được chữa lành và bước đi một cách tự do.

“Rửa cát mờ lóng lánh tựa trân châu”

Một khi đã trở nên tinh tuyền và thánh thiện nhờ ơn thánh hóa của Chúa Thánh Thần “Cát trong thanh”. Chúng ta không được khoe khoang thành tích, không nói mình được ơn này phúc nọ, càng không nên so sánh mình đức hạnh hơn ai. Bởi vì các ơn mà Chúa Thánh Thần ban cho chúng là để xây dựng nhiệm thể Chúa Ki-tô chứ không phải để cho chúng ta tự hào về tài năng của mình.

(4) Có nhiều đặc sủng khác nhau, nhưng chỉ có một Thần Khí. (5) Có nhiều việc phục vụ khác nhau, nhưng chỉ có một Chúa. (6) Có nhiều hoạt động khác nhau, nhưng vẫn chỉ có một Thiên Chúa làm mọi sự trong mọi người. (7) Thần Khí tỏ mình ra nơi mỗi người một cách, là vì ích chung. (8) Người thì được Thần Khí ban cho ơn hiểu biết để trình bày. (9) Kẻ thì được Thần Khí ban cho lòng tin; kẻ thì cũng được chính Thần Khí duy nhất ấy ban cho những đặc sủng để chữa bệnh. (10) Người thì được ơn làm phép lạ, người thì được ơn nói tiên tri; kẻ thì được ơn phân định thần khí; kẻ khác thì được ơn nói các thứ tiếng lạ; kẻ khác nữa lại được ơn giải thích các tiếng lạ. (11) Nhưng chính Thần Khí duy nhất ấy làm ra tất cả những điều đó và phân chia cho mỗi người mỗi cách, tùy theo ý của Người. (I Cr 12, 4-11)

Nếu chúng ta cứ tự hào mình là những tảng đá to, rồi nằm chắn giữa lối đi, hoặc che khuất cả ánh sáng cho cỏ cây bên dưới, thì chúng ta chỉ đón nhận ánh sáng cho riêng mình chứ không chia sẻ cho một ai khác. Chỉ khi chúng ta trở nên những hạt cát trong thanh nhỏ bé, chúng ta mới có thể đón nhận được muôn vàn ân sủng của Thiên Chúa “chớp Ánh Sáng muôn màu” và chia sẻ ánh sáng yêu thương đó cho những hạt cát chung quanh đang còn nằm trong bóng tối.

“Cát trong thanh chớp Ánh Sáng muôn màu”

Chính khi chúng ta trở nên những hạt cát trong thanh thì ân sủng của Chúa Thánh Linh càng làm cho những hạt cát trong thanh thêm lóng lánh và xinh đẹp hơn. Cát lấp lánh và xinh đẹp là nhờ sự bảo trợ của Chúa Thánh Linh. Ngài thánh hóa và gìn giữ những hạt cát bé bỏng là để cho chúng ta sống thánh thiện công chính trước nhan Thiên Chúa mà phụng thờ Ngài suốt cả đời ta. Chính khi ý thức được cuộc sống của chúng ta là để phụng thờ Thiên Chúa thì tất tả mọi tài năng mà chúng ta nhận lãnh từ Chúa Thánh Thần đều quy hướng về việc phục vụ Thiên Chúa “Làm rực rỡ vầng Thái Dương”.

Chúng ta sẽ không dùng các tài năng mà Thiên Chúa ban cho để tìm mưu tính kế tranh giành quyền lực, đua chen danh vọng, hoặc thực hiện những mưu mô kiếm cho nhiều tiền lắm của, hay chạy theo hương sắc nhằm thỏa mãn những nhu cầu của bản thân. Nếu chúng ta cứ mãi chạy theo những bả vinh hoa thì chúng không bao giờ mở mắt ra được mà cứ mãi là “Cát chớp mắt” và “sao thấy hồn mệt mỏi”.

Khi đó chúng ta không làm vinh danh Thiên Chúa “Làm rực rỡ vầng Thái Dương tuyệt sắc” mà trái lại, những việc làm không tốt và lối sống thiếu lành mạnh của chúng ta sẽ làm cho mọi người không hiểu đúng về một Thiên Chúa Tình Yêu đầy lòng thương xót. Có lẽ lúc đó chúng ta làm cho Chúa vô cùng buồn lòng vì “Làm mờ tối vầng Thái Dương héo sắc”

“Làm rực rỡ vầng Thái Dương tuyệt sắc.”

Và ca từ của bài “Ôi nhiệm mầu” của nhạc sĩ Xuân Tưởng thật thích hợp để diễn tả tình và ý của khổ thơ này.

ĐK:Ôi nhiệm mầu Tình yêu Chúa nuôi con suốt đời.
Ôi! Nhiệm mầu Tình yêu Chúa ru con tháng ngày.

-.Những lỗi lầm ngày tháng cũ tim con u buồn thống hối.
Những bước đường mờ ám đó nay con xin nguyện chia phôi.
Và, ngày ngày tháng tháng con cầu kinh.
Và, chiều chiều sáng sáng con nguyện xin.

-.Bỗng có một ngày, núi Thánh xa xôi nhưng lòng xôn xao.
Chắp cánh vàng tìm đến Chúa tin yêu muôn đời không phai.
Và đời đời có Chúa trong tình yêu.
Và đời đời với Chúa trong tình yêu.


(Ôi nhiệm mầu – Xuân Tưởng)

4.Sóng òa vỡ Lời Tình Yêu réo rắt

4.Sóng òa vỡ Lời Tình Yêu réo rắt
Ngàn hương tơ chạm hồn cát xôn xao
Ơi Nguồn Thơ thanh khiết đến ngọt ngào
Thơm thơm quá! Cát mơ trào thi tứ.


Ngắm những con sóng xanh biếc dâng cao, đua nhau xô vào bờ, những bọt nước trắng xóa trên đầu ngọn sóng vỡ vụn, chạy lăn tăn lướt mình trên bãi cát trông thật đẹp mắt. Tác giả đã dùng một hình ảnh trong thiên nhiên thật bình yên và thơ mộng để diễn tả ân sủng của Chúa Thánh Thần tràn trào trên chúng ta “Sóng òa vỡ”.

Những ân sủng của Chúa Thánh Thần ban cho không phải để chúng ta được phúc này lộc nọ. Nhưng thần trí thông minh và thần trí thông hiểu của Ngài ban cho là để giúp chúng ta hiểu được Lời Chúa hướng dẫn chúng ta cách ứng xử trong mọi tình huống của cuộc sống. Vì Lời Chúa là những lời rất huyền nhiệm, là Lời Khôn Ngoan, Lời Sự Thật và là Lời Sự Sống “Lời Tình yêu réo rắt”. Cho nên không phải ai đọc Kinh Thánh cũng đều có thể hiểu được những điều Thiên Chúa muốn nói cho chính bản thân của mình.
 
“Nhưng Đấng Bảo Trợ là Thánh Thần Chúa Cha sẽ sai đến nhân danh Thầy, Đấng đó sẽ dạy anh em mọi điều và sẽ làm cho anh em nhớ lại mọi điều Thầy đã nói với anh em.” (Ga 14, 26) 

Trong cuộc sống thường nhật, có quá nhiều người thường xuyên dán mắt cả ngày đêm trên những chiếc điện thoại thông minh, để nghe tin tức này, theo dõi thời sự nọ hoặc tìm kiếm những điều mình ưa thích. Tâm hồn họ lúc nào cũng xao động, nó không còn một chút nào yên tĩnh để lắng nghe tiếng Chúa Thánh Thần òa vỡ trong tâm hồn mình. Họ chỉ thiếu vỏn vẹn có 10 phút để đọc Lời Chúa và lắng nghe Chúa Thánh Linh khai tâm mở trí. Nhưng họ lại có dư cả 100 phút để xem phim và nghe ca nhạc. Cho nên dù “Sóng” có mơn man hay vỗ mạnh tới đâu, họ cũng không thể nào nghe được tiếng réo rắt của tình yêu, bởi vì họ đã mê phim, thích xem bóng đá và nghe ca nhạc hơn là nghe Lời Chúa.

Cho nên nếu chúng ta cứ buông thả sống theo điều mình thích, làm theo điều mình muốn thì chúng ta không khác gì những trẻ nhỏ bị sóng đánh trôi giạt theo mọi chiều gió đạo lý mà thánh Phao-lô đã nhắc nhớ trong thư gửi tín hữu Ê-phê-sô:
(14) Như vậy, chúng ta sẽ không còn là những trẻ nhỏ, bị sóng đánh trôi giạt theo mọi chiều gió đạo lý, giữa trò bịp bợm của những kẻ giảo quyệt khéo dùng mưu ma chước quỷ để làm cho kẻ khác lầm đường. (15) Nhưng, sống theo sự thật và trong tình bác ái, chúng ta sẽ lớn lên về mọi phương diện, vươn tới Đức Ki-tô vì Người là Đầu. (Ep 4, 14-15)
                       
“Sóng òa vỡ Lời Tình Yêu réo rắt”

Hầu hết chúng ta hay thích tìm lời hay ý đẹp để tô điểm cho cuộc sống thêm ý nghĩa và thi vị hơn. Lời hay ý đẹp đó thường là những câu nói của các danh nhân mà chúng ta thấy trích dẫn và được in trên các tờ lịch trong năm mà chúng ta thường đọc mỗi ngày. Những kinh nghiệm sống của các danh nhân chia sẻ là những điều quý giá đáng trân trọng. Những có cuốn sách ghi lại những điều còn quý giá hơn gấp bội: Kinh Thánh. Nhưng ngoài các linh mục và tu sĩ ra, mấy ai trong chúng ta chịu đọc các sách trong Kinh Thánh như sách Thánh vịnh, Khôn ngoan, Huấn ca, Giảng viên, Châm ngôn… và đặc biệt là các sách Tin Mừng để chọn ra những lời hay ý đẹp làm kim chỉ nam cho đời sống chúng ta.

Cho nên, nếu không suy ngẫm Lời Chúa được viết lại trong Kinh Thánh, làm sao chúng ta cảm hết được cái hay cái đẹp những lời khôn ngoan của Thần Khí. Chỉ khi chúng ta đọc Lời Chúa hằng ngày và lắng nghe Thánh Thần linh ứng, chúng ta mới cảm nhận Lời Chúa đem đến biết bao hoa trái tốt lành cho cuộc sống chúng ta “Ngàn hương tơ”.

Lời Chúa chỉ thật sự trở nên “Ngàn hương tơ” khi được Thánh Thần của Ngài đánh động vào tâm hồn cằn khô sỏi đá của chúng ta. Nó xoáy chúng ta cháy bỏng, làm chúng ta bừng tỉnh, bật mở cho chúng ta thấy cái đẹp của đời sống thần linh – kết hiệp với Chúa –  để dứt bỏ nếp sống buông tuồng của xác thịt mà chọn cách sống đúng với nhân phẩm làm người và thiên phẩm làm con Thiên Chúa “chạm hồn cát xôn xao”.

(22) Vì thế, anh em phải cởi bỏ con người cũ với nếp sống xưa, là con người phải hư nát vì bị những ham muốn lừa dối, (23)anh em phải để Thần Khí đổi mới tâm trí anh em, (24) và phải mặc lấy con người mới, là con người đã được sáng tạo theo hình ảnh Thiên Chúa để thật sự sống công chính và thánh thiện. (Ep 4, 22-24)

Trong khía cạnh tình yêu, khi chúng ta chân thành đón nhận ơn hiểu biết và ơn đạo đức của Chúa Thánh Thần, chúng ta sẽ hiểu và cảm nhận được Lời Chúa là “Lời Tình Yêu”. Đó là những lời chúc lành tốt đẹp và tuyệt vời nhất “réo rắt” mà Thiên Chúa sẽ thực hiện để ban cho những ai yêu mến Ngài “Ngàn hương tơ”. Đó là lời của Tình Yêu nói cho người mình yêu. Và những tâm hồn khao khát một tình yêu thánh thiêng sẽ thực sự rung động khi nghe những lời tỏ tình của Đấng mà mình yêu mến “chạm hồn cát xôn xao”.

“Ngàn hương tơ chạm hồn cát xôn xao”

Những lời tỏ tình đầy yêu thương của Thiên Chúa với dân Ngài được chép lại trong Kinh Thánh là nguồn cảm hứng bất tận cho các nghệ sĩ qua mọi thời đại “Ơi Nguồn Thơ”. Hơn hai ngàn năm qua, đã có không biết bao nhiêu áng thơ bất hủ, bao kiệt tác văn chương, bao nhạc phẩm để đời, bao bức họa nổi tiếng, bao bức tượng sống mãi với thời gian… để diễn tả những khía cạnh tình yêu của Thiên Chúa đối với con người.

Các nghệ sĩ đã tìm thấy nguồn cảm hứng bất tận mà vô cùng đẹp đẽ, rất chân thực và thanh cao từ Lời Chúa. Và chính tác động của Chúa Thánh Thần đã bật mở trí sáng tạo của các nghệ sĩ thành những kiệt tác để đời cho chúng ta chiêm ngưỡng “thanh khiết đến ngọt ngào”. Những ai đã có dịp tham quan viện bảo tàng Vatican sẽ lóa mắt trước những kiệt tác diễn tả tình yêu Thiên Chúa vượt không gian và thời gian.

Rõ ràng trong ân sủng của Chúa Thánh Thần, ít nhiều, chúng ta cũng đã cảm nếm được hương vị ngọt ngào từ sự thật của Lời Chúa. Sự ngọt ngào mà chúng ta cảm nhận có lẽ không đơn thuần là những lời đường mật xoa dịu nỗi đau, hay những lời mơn trớn để an ủi vỗ về. Nhưng còn hơn thế, Thánh Thần Thiên Chúa muốn chúng ta sống Lời Chúa một cách thực tế và sinh động. Khi sống Lời Chúa, chúng ta mới thấy “Lời” vô cùng thanh khiết. Khi sống Tình Ngài, chúng ta mới thấy “Lời” ngọt ngào ra sao.

(19) Những việc do xác thịt gây ra thì ai cũng rõ, đó là: dâm bôn, ô uế, phóng đãng, (20) thờ quấy, phù phép, hận thù, bất hòa, ghen tương, nóng giận, tranh chấp, chia rẽ, bè phái, (21) ganh tỵ, say sưa, chè chén, và những điều khác giống như vậy. Tôi bảo trước cho mà biết, như tôi đã từng bảo: những kẻ làm các điều đó sẽ không được thừa hưởng Nước Thiên Chúa.

(22) Còn hoa quả của Thần Khí là: bác ái, hoan lạc, bình an, nhẫn nhục, nhân hậu, từ tâm, trung tín, (23) hiền hòa, tiết độ. Không có luật nào chống lại những điều như thế. (24) Những ai thuộc về Ðức Kitô Giêsu thì đã đóng đinh tính xác thịt vào thập giá cùng với các dục vọng và đam mê.(Gl 5, 19-24)

Như vậy khi viết “Ôi Nguồn Thơ!”, có lẽ tác giả đã kín múc được những ân sủng đặc biệt nào đó nơi tình yêu Ba Ngôi Thiên Chúa nên mới có thể thốt lên “thanh khiết đến ngọt ngào”. Phải chăng sự thanh khiết của ân sủng đã giúp cho tác giả sống bác ái, nhẫn nhục, nhân hậu, từ tâm, trung tín, hiền hòa và tiết độ. Khi đã sống được như vậy, chắc chắn tác giả sẽ cảm nếm được sự ngọt ngào của hoan lạc và bình an.

“Ơi Nguồn Thơ! thanh khiết đến ngọt ngào”

Ai đã từng thả mình trên làn nước trong xanh của biển cả, từng đùa bỡn với những con sóng bạc đầu sẽ cảm nếm được hương vị thơm tho của nước biển bung lên từ những ngọn sóng trườn mình vào bờ cát. Cái mặn của hương biển không chát mà là ngọt, cái ngọt của sự tươi mát, trẻ trung và trong lành.

Tương tự như thế, ai đã từng thực hành và sống Lời Chúa trong ân sủng  của Chúa Thánh Linh sẽ không thấy biển đời là sóng to gió lớn, đầy phong ba bão táp. Mà dù cho có sóng to gió lớn, thì người sống trong đức tin luôn cảm thấy mình được Chúa Thánh Thần bảo vệ và dìu dắt đến bến bờ một cách bình an. Họ không thấy cuộc sống là khổ hình thập giá nhưng cuộc sống tràn đầy niềm vui và hy vọng “Thơm thơm quá!”

“Thơm thơm quá!” còn hàm nghĩa là “Vinh dự quá!”, “Hạnh phúc quá!”, “Tuyệt vời quá!”…

Không vinh dự sao được khi chúng ta là những thụ tạo bất trung đã bị nô lệ trong tội, đã mất ơn nghĩa cùng Chúa. Nay nhờ ơn cứu chuộc của Chúa Giê-su Ki-tô, chúng ta được rửa sạch mọi tội lỗi trong Nước và Thánh Thần và nhờ ơn Chúa Thánh Thần thánh hóa, chúng ta được phục hồi lại tước vị làm con Thiên Chúa.

(14) Quả vậy, phàm ai được Thần Khí Thiên Chúa hướng dẫn, đều là con cái Thiên Chúa. (15) Phần anh em, anh em đã không lãnh nhận Thần Khí khiến anh em trở thành nô lệ và phải sợ sệt như xưa, nhưng là Thần Khí làm cho anh em nên nghĩa tử, nhờ đó chúng ta được kêu lên : “Áp-ba ! Cha ơi !” (16) Chính Thần Khí chứng thực cho thần trí chúng ta rằng chúng ta là con cái Thiên Chúa. (17) Vậy đã là con, thì cũng là thừa kế, mà được Thiên Chúa cho thừa kế, thì tức là đồng thừa kế với Đức Ki-tô ; vì một khi cùng chịu đau khổ với Người, chúng ta sẽ cùng được hưởng vinh quang với Người. (Rm 8, 14-17)

Không hạnh phúc sao được, khi tội lỗi đã làm chúng ta mất sự sống thần linh, mất sự sống đời đời, không còn được sống trong tình yêu Thiên Chúa. Thì nay trong Đức Ki-tô, Thần Khí cũng ban cho chúng ta được trở nên công chính và được sống hạnh phúc trong tình yêu của Ba Ngôi Thiên Chúa.

(10) Nhưng nếu Đức Ki-tô ở trong anh em, thì dầu thân xác anh em có phải chết vì tội đã phạm, Thần Khí cũng ban cho anh em được sống, vì anh em đã được trở nên công chính. (11) Lại nữa, nếu Thần Khí ngự trong anh em, Thần Khí của Đấng đã làm cho Đức Giê-su sống lại từ cõi chết, thì Đấng đã làm cho Đức Giê-su sống lại từ cõi chết, cũng sẽ dùng Thần Khí của Người đang ngự trong anh em, mà làm cho thân xác của anh em được sự sống mới. (Rm 8, 10-11)

Và khi chúng ta cảm nhận được tình yêu Thiên Chúa dành cho chúng ta quá sức tuyệt vời, thì tức khắc niềm vinh dự và hạnh phúc đó “Thơm thơm quá!” sẽ khơi lên trong chúng ta – những hạt cát mong manh bé nhỏ không bao giờ dám mơ ước vì thấy mình bất xứng – muôn vàn lời ca ngợi và tạ ơn Thiên Chúa “cát mơ trào thi tứ”.

“Thơm thơm quá! cát mơ trào thi tứ.”

Những thi tứ đó được chúng ta viết lên trong đời sống bằng những hoa quả của Thánh Thần và chúng ta hãy xin Ngài ban cho chúng ta một trái tim mới, một Thần Trí để có thể yêu Chúa đến trọn đời.

 Xin ban cho con một trái tim mới.
Để con yêu Chúa đến trọn đời.
Xin ban cho con một Thần Trí mới.
Để con thi hành thánh ý Cha.

 Xin rảy nước trong ngần rửa con sạch mọi vết nhơ.
Xin đổi thay trái tim bao năm cằn khô sỏi đá.
Xin đặt Thần Trí Chúa vào lòng chúng con.
Xin ban tặng chúng con trái tim thịt mềm.

(Trái tim mới – Mi Trầm)

5.Từng đêm lắng Sóng ngân nga tình tự

5.Từng đêm lắng Sóng ngân nga tình tự
Ru cát mềm cháy bỏng nỗi cô đơn
Có tình nào? cao quý tuyệt vời hơn?
Được Sóng vỗ, ru trong làn Nước Biếc.


Đọc bài thơ “Cảnh nhàn” của Nguyễn Bỉnh Khiêm, chúng ta có cảm nhận hình như ông đã quá mệt mỏi nơi chốn quan trường, khi nhìn thấy cảnh đua chen phú quý và tranh dành quyền lực. Ông thích tìm nơi vắng vẻ để hưởng cái thú thanh tao của cuộc sống trần gian: sáng cuốc đất trồng cây, kiếm trùn câu cá; trưa thả mình trong hồ ao, đạm bạc với món măng trúc giá xào; chiều nhâm nhi chút rượu nồng cho ấm lòng vỗ đêm giấc ngủ.

Một mai, một cuốc, một cần câu
Thơ thẩn dầu ai vui thú nào
Ta dại, ta tìm nơi vắng vẻ
Người khôn, người đến chỗ lao xao
Thu ăn măng trúc, đông ăn giá
Xuân tắm hồ sen, hạ tắm ao
Rượu đến gốc cây, ta sẽ nhắp
Nhìn xem phú quí, tựa chiêm bao


(Cảnh nhàn – Nguyễn Bỉnh Khiêm)
         
Tác giả bài thơ “Sóng ngát” cũng “dại” như Nguyễn Bỉnh Khiêm là đi tìm nơi vắng vẻ “Ta dại ta tìm nơi vắng vẻ”. Nhưng cái dại của tác giả không phải để hưởng cái thú thanh nhàn như Nguyễn Bỉnh Khiêm, mà muốn cho tâm hồn mình có một độ lắng, để có thể nghe được nghe tiếng Chúa “Từng đêm lắng”.

Thật khó có thể nghe được tiếng Chúa nói trong tâm hồn chúng ta ở những nơi phồn hoa đô hội. Cho nên không lạ gì các tu viện, đặc biệt là các đan viện đều ẩn mình dưới những hàng cây xanh ngát nơi làng quê yên tĩnh, hay những nơi trong lành thanh vắng. Sự yên tĩnh và thanh vắng là môi trường bên ngoài cần thiết giúp cho tâm hồn người tu sĩ giảm đi sự lo ra chia trí để có thể “Từng đêm lắng”.

Cái lắng trong tâm hồn không phải là cái lắng để tĩnh những là cái lắng để động. Bởi vì nó lắng để nghe, chứ không lắng để ngủ. Nó nghe tiếng gọi bên trong chứ không phải nghe những tiếng động bên ngoài. Tiếng gọi bên trong chính là Chúa Thánh Thần tác động vào tâm hồn của những ai yêu mến Thiên Chúa và chọn người là Đấng Duy Nhất cho cuộc đời của mình “Sóng ngân nga tình tự”. 

“Từng đêm lắng Sóng ngân nga tình tự”

Những lời tình tự của Chúa Thánh Linh sẽ nâng đỡ sự yếu đuối của chúng ta. Chính Thánh Thần Thiên Chúa sẽ đốt lên trong chúng ta lửa đức tin và lửa yêu mến. Lửa tin mến này sẽ đốt nóng tâm hồn chúng ta khỏi buốt lạnh dù vắng bóng những người thân thương, vẫn thấy được sưởi ấm dù lẻ loi phục vụ. Bởi vì đức tin cho chúng ta biết, chúng ta luôn hiệp thông với tất cả mọi người trong Nhiệm Thể Chúa Ki-tô. Đồng thời đức tin cũng thâm tín cho chúng ta rằng: không gì có thể tách chúng ta ra khỏi lòng mến của Thiên Chúa trong Đức Ki-tô “Ru cát mềm”.

(38) Đúng thế, tôi tin chắc rằng: cho dầu là sự chết hay sự sống, thiên thần hay ma vương quỷ lực, hiện tại hay tương lai, hoặc bất cứ sức mạnh nào,(39) trời cao hay vực thẳm hay bất cứ một loài thọ tạo nào khác, không có gì tách được chúng ta ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa thể hiện nơi Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta. (Rm 8, 38-39)

Cứ nhìn cuộc sống của các đan sĩ, ngoài những giờ kinh nguyện, họ cũng vất vả cày cuốc như mọi người, nhưng trong thinh lặng. Chúng ta cứ ngỡ là họ sống lẻ loi trong cô đơn trống vắng. Nhưng thật ra tâm hồn họ đầy ắp sự hiện diện của Thiên Chúa và họ luôn kết hiệp mật thiết với Ngài trong tình yêu. Khi lao động, các đan sĩ không đeo tai nghe để thưởng thức bản nhạc này hay lời ca nọ nhằm tạo cho mình hứng khởi để làm việc. Niềm vui của họ chính là Chúa, động lực để họ lao động cũng chính là Ngài. Khi nghỉ ngơi, các đan sĩ cũng không dán mắt vào những chiếc điện thoại thông minh để tìm kiếm và ngắm xem những điều vô bổ. Nhưng là lúc để họ trải lòng mình với Chúa.

Cái “vắng vẻ” về quy ẩn của Nguyễn Bỉnh Khiêm không phải là cái “vắng vẻ” của các đan sĩ. Bởi cái “vắng vẻ” của các đan sĩ không phải là cái vắng vẻ không có một ai. Và “nỗi cô đơn” của các đan sĩ không phải là cái cô đơn tiêu cực, cái cô đơn của trống vắng, chán nản và sầu muộn. Nhưng cái cô đơn của các đan sĩ là cái cô đơn tích cực: cô đơn tránh xao động để hưởng niềm vui bình an, cô đơn không phải bị mất mà là vì được, cô đơn hy sinh từ bỏ để trọn vẹn yêu thương, cô đơn với bên ngoài để được kết hiệp với bên trong. Đó là cái cô đơn để được cháy bỏng trong tình yêu Thiên Chúa “cháy bỏng nỗi cô đơn”.
         
Cái “cháy bỏng nỗi cô đơn” chính là nỗi khao khát mà Thánh nữ Tê-rê-sa Hài đồng Giê-su muốn được ở một mình với Chúa. Chị mong cho mọi người đừng biết đến mình để chị có nhiều thời giờ ở với Chúa hơn. Nỗi cháy bỏng đó đã được chị viết trong bài thơ số 19 “Bạn tâm giao của Giê-su Thánh Thể” trong tập Hồn Thơ Tiên Sa.

1.Kiếp mỏng manh hạt bụi trần bé nhỏ
Nhưng con mong được nương ẩn suốt đời
Một góc hèn trong Nhà Tạm đơn côi
Để cùng ở với Tù Nhân Tình Mến.

2.Con ước muốn được khinh chê, quên hết
Để tâm hồn không vương vấn điều chi
Ủi an Người trong thinh lặng yêu si
Đấng Hy Hiến ngự mình trong Bình Thánh.

3.Con muốn để cho trần gian ghét bỏ
Coi khinh con chẳng ra tích sự gì
Bình an Chúa ngự lòng con tràn ngập
Là Mình Ngài luôn giúp đỡ phù trì.

Khi con đến tựa nương bên Mình Thánh
Dâng mọi lời thầm thỉ, Ngài lắng ru
Ôi hạnh phúc được thế gian quên lãng
Để muôn đời làm bạn thiết Giêsu …

4.Và đôi lúc bầu Trời chợt tăm tối
Không thể nào thấy hạt bụi bay lên
Con vui sướng ẩn mình trong thực tại
Nép thân ngay sát bên cạnh cửa đền.

Và khi ấy ánh thần thiêng chiếu rọi
Nguồn an vui cho người Chúa chọn riêng
Chính Ngôi Hai Giêsu, bạn thánh thiêng
Đến sưởi ấm tâm hồn trên mặt đất.

5.Dưới ánh sáng hồng ân trao ấm áp
Hạt bụi kia bừng tỏa ánh long lanh
Làn gió thơm thổi ngát phúc an lành
Hạt bụi khẽ đong đưa bay nhàn nhã.

Ôi! Hạnh phúc niềm sướng vui khôn tả
Còn sự gì tốt đẹp Người không ban
Hạt bụi trần yêu Đức Chúa nồng nàn
Vui được lọt ở ngay bên Mình Thánh.

6.Con xin hiến thân mình nơi cô quạnh
Trong Ngôi Nhà bé nhỏ chứa Tình Yêu
Theo thời gian đời dâng hiến sớm chiều
Vững tâm đợi một ngày kia sau hết.

Khi thử thách chông gai đều chấm dứt
Hạt bụi trần sẽ vui sướng bay lên
Bên thánh nhan Cứu Chúa sẽ đáp đền
Ở cùng với những người Ngài tuyển chọn.


 (Bạn tâm giao của Giê-su Thánh Thể - Thánh nữ Tê-rê-sa)

“Ru cát mềm cháy bỏng nỗi cô đơn”

Cảm nhận đến đây, tôi mới bật mở được ý nghĩa tại sao tác giả đã chọn câu Lời Chúa trong sách Diễm ca để làm ý tưởng chủ đạo của bài thơ “Người cô yêu có gì hơn những chàng trai khác, mà cô phải nài van như vậy?” (Dc 5, 9b).

Không nài van sao được khi mà tác giả xác tín rằng không có một phàm nhân nào trên thế gian có thể yêu mình tuyệt vời đến như thế? Nào ai có thể cảm thông hết “những nỗi đau kín ẩn”? Nào ai có đủ quyền năng để chữa lành mọi bệnh tật nơi thân xác? Nào ai có thể xoa dịu những nỗi đau trong tâm hồn? Nào ai có thể ở bên cạnh suốt ngày đêm mà không hề vắng bóng? Nào ai có thể kịp nâng dậy khi vừa vấp ngã? Cho nên nhà thơ mới thốt lên “Có tình nào?”

Và đã có một ai dám đứng ra bênh vực, khi chúng ta bị hiểu lầm? Có một ai sẵn sàng đền thay, khi chúng là lỡ làm hư hỏng? Có một ai vui lòng chịu tù thay, khi chúng ta phạm tội? Có một ai dám chết thay, khi chúng ta bị án tử? Chỉ duy có Thánh Thần Thiên Chúa là Đấng bào chữa cho chúng ta và Đức Giê-su Ki-tô là Đấng chịu chết thay cho chúng ta. Đó chính là Người mà nhà thơ yêu mến, bởi vì nơi trần gian này không có ai“cao quý tuyệt vời hơn?”.

“Có tình nào cao quý tuyệt vời hơn”

Như vậy, khi viết “Được Sóng vỗ” là tác giả có ý nói được Chúa Thánh Thần yêu thương chăm sóc. Được Ngài thánh hóa và phục hồi lại tước vị làm con Thiên Chúa mà chúng ta đã bị mất khi tổ tông không tuân phục huấn lệnh Thiên Chúa.

“Thần Khí làm cho anh em nên nghĩa tử, nhờ đó chúng ta được kêu lên Abba, Cha ơi!” (Rm 8,15).

Sự phục hồi lại tước vị cao trọng của chúng ta đã được Chúa Giê-su Ki-tô cứu chuộc bằng cái chết của Ngài, để chúng ta được thanh tẩy trong Nước và Thánh Thần.

“Không ai có thể vào Nước Thiên Chúa, nếu không sinh ra bởi nước và Thần Khí” (Ga 3,5).

Và tác giả đã ví von “Làn Nước Biếc” của đại dương bao la như là tượng trưng cho tình yêu và lòng thương xót vô biên của Ba Ngôi Thiên Chúa. Vì thế, khi được “ru trong làn Nước Biếc” có nghĩa là chúng ta được Thiên Chúa ôm ấp, được nâng niu, được bảo vệ trong tình yêu và lòng thương xót của Ngài.

Như vậy “cái dại” của những tâm hồn yêu mến Thiên Chúa không phải là tìm nơi vắng vẻ để vui thú điền viên, nhưng họ tìm nơi thanh tịnh để hưởng cái hạnh phúc tuyệt vời. Niềm vui đó chính là ngày ngày được Thiên Chúa yêu thương chăm sóc “Được Sóng vỗ” và đêm đêm được tựa vào lòng Ngài để say giấc bình yên “ru trong làn Nước Biếc”.

“Được Sóng vỗ, ru trong làn Nước Biếc.”

6.Sóng hãy vỗ và cứ ru mãi miết

6.Sóng hãy vỗ và cứ ru mãi miết
Những Lời Thơ huyền nhiệm rất cao siêu
Và ngày ngày Sóng bung ngát Lời yêu
Cát lắng tiếng nuốt Lời vào tâm khảm.


Khi cầu nguyện với Thiên Chúa, chúng ta thường xin cho được điều này, cho có điều nọ, nhưng hầu hết là xin đáp ứng các nhu cầu trong đời sống trần gian, mà ít khi xin cho được các ơn ích thiêng liêng để biết cách sống với Chúa và với mọi người. Đồng thời chúng ta cũng không dám xin Thiên Chúa trau chuốt, mài dũa chúng ta thêm tinh tuyền và thánh thiện hơn bằng những đau khổ và thử thách “Sóng hãy vỗ”.

Cho nên từ “vỗ” ở đây không có nghĩa là xin cho được vỗ về, mơn man bằng những con sóng nhẹ nhàng của mùa xuân êm mát, mà còn phải can đảm xin cho được “Thần Khí sức mạnh” để cát có thể chịu được sự xô dập trong những con sóng cuồng của mùa đông giông bão. Nhờ những cái “vỗ” đó, cát mới trở nên trong sáng và thanh khiết hơn.

Từ “ru” trong câu thơ này cũng có một hàm nghĩa tương tự như vậy. “Ru” không chỉ là xin cho được chăn êm nệm ấm, nhà cao cửa rộng, được chức này lộc nọ, không đau khổ bệnh tật…nhưng là xin được “Thần Khí kính sợ” để chúng ta biết sống với Chúa cho phải đạo và sống với mọi người cho đúng phép “Và cứ ru mãi miết”.

“Sóng hãy vỗ và cứ ru mãi miết”

Chúng ta “chớp mắt” rất nhanh khi đi ngang qua những shop hàng hiệu và nhận ra ngay những món hàng thật “hot” hợp thời trang. Nhưng chúng ta lại quá “mù lòa” đức tin và lòng mến đến độ không nhìn ra những dấu chỉ của Lời Thiên Chúa thể hiện trong cảnh nghèo túng, đau khổ và bệnh tật của những người chung quanh.   

Theo nghĩa thông thường, “Vỗ” là một sự tác động mạnh phát ra tiếng kêu, nó có thể làm êm nhưng cũng có thể gây đau khi chạm vào thân thể chúng ta. Trong đời sống thiêng liêng, từ “Vỗ” ở đây hàm nghĩa là đánh thức, làm chúng ta bừng tỉnh, mở rộng con mắt đức tin để thấy những điều trông rất bình thường trong cuộc sống, nhưng đó lại là những dấu chỉ để nhắc nhớ chúng ta sống đúng những điều Thiên Chúa mong muốn.

Vậy khi xin Đức Chúa Thánh Thần “vỗ” là chúng ta xin Ngài đánh thức và làm mở con mắt thần khí để chúng ta:
  • Không mê muội chạy theo những bả vinh hoa phú quí, những danh vọng hão huyền chỉ tồn tại trong một thời gian ngắn ngủi, mà không nhận ra mục đích cuộc đời chúng ta là sống để phục vụ Thiên Chúa, phục vụ Tin Mừng, phục vụ “Những Lời Thơ”.
  • Không lao đầu tìm kiếm những cái lợi trước mắt một cách mù quáng, những của cải phù vân nay còn mai mất, những của cải mà chúng ta không đem theo được, mà không chịu tìm kiếm Nước Thiên Chúa. Đó là kho tàng quý giá nhất mà mối mọt không đục khoét được. Kho tàng đó là “Những Lời Thơ”.
  • Không xâu xé, giành giật nhau miếng ăn cái mặc mà đúng lý ra chúng ta nên nhường bớt và chia sẻ cho nhau. Tại sao chúng ta cứ mãi tranh giành những của cải không phải là hạnh phúc đích thực, để rồi làm mất tình mất nghĩa, mất cha mất mẹ, mất anh mất em, mất bạn mất bè, mà không ai chịu tranh giành hạnh phúc khi có được Lời Chúa “Những Lời Thơ”.
“Nước Trời giống như chuyện một thương gia đi tìm ngọc đẹp. Tìm được một viên ngọc quý, ông ta ra đi, bán tất cả những gì mình có mà mua viên ngọc ấy.”(Mt 13,45-46)

Nhìn những bầy gà con mới nở, mẹ nào con nấy trông thật đầm ấm. Khi khe tiếng chiêm chiếp của chú gà con là gà mẹ nhận ra ngay con của mình dù cho màu lông của nó chẳng giống mẹ chút nào. Và dù chạy nô đùa chỗ nào, khi nghe tiếng gà mẹ túc túc là các chú gà con nhận ra ngay tiếng mẹ gọi và vội chạy về với mẹ của mình.

Hoặc như em bé đã quen nghe tiếng của người mẹ. Chỉ khi nghe tiếng mẹ ru, nó mới chịu ngủ yên, không quấy khóc. Vì bé biết có mẹ bên cạnh và nó cảm thấy bình an trong sự bao bọc của người mẹ. Còn tiếng ru của những người lạ sẽ rất khó dỗ giấc ngủ của bé.

Theo nghĩa trên, người được ru là người biết lắng nghe và nhận ra được tiếng của ai gọi mình. Như vậy khi xin Chúa Thánh Thần “ru”, nghĩa là xin Ngài mở tai đức tin để chúng ta biết nghe Lời Chúa và nhận ra Tiếng Chúa trong đời sống của mình. Không có Lời Chúa làm lẽ sống, chúng ta sẽ không có bình an đích thực. Không nghe Tiếng Chúa linh hướng, chúng ta sẽ đi lạc đường.

“Người ta sống không nguyên bởi bánh, nhưng bởi mọi lời do miệng Thiên Chúa phán ra.” (Mt.4,4).

Tuy nhiên Lời Chúa không phải là những chữ in trong sách vở để chúng ta đọc xong rồi quên đi, hoặc nghe nói nhưng rồi chẳng nhớ. Nhưng Lời Chúa là sự hiện diện của Ngài trong lương tâm mỗi người chúng ta. Lời Chúa là đèn soi cho chúng ta bước đi trong sự công chính. Lời Chúa là con đường dẫn chúng ta đến hạnh phúc đích thực. Lời Chúa là linh dược đem lại sự bình an cho chúng ta. Bởi vậy chúng ta phải xin “Thần trí thông hiểu” của Chúa Thánh Thần soi sáng để chúng ta có thể hiểu được những “huyền nhiệm rất cao siêu”.

Thần trí thông hiểu sẽ giúp chúng ta phân biện được đâu là “Những Lời Thơ huyền nhiệm rất cao siêu” và đâu là “Lời vu vơ dụ dỗ ta dại khờ”. Đã có bao người không biết đón nhận linh ân của Chúa Thánh Thần, nên họ không phân biện ra Lời của Thiên Chúa và lời của người phàm. Họ bị dụ dỗ nghe theo những tà thuyết viễn vông trái ngược với luân thường đạo lý, trái ngược với lẽ tự nhiên, mà vẫn cố chấp không nhận ra điều ngay lẽ phải. Họ không còn nhận ra Lời Thiên Chúa, Lời Tình Yêu, Lời đem lại bình an và hạnh phúc, Lời đem đến Sự Sống đời đời “Những Lời Thơ”.

“Những Lời Thơ huyền nhiệm rất cao siêu”

Kinh Thánh kể về câu truyện Thiên Chúa gọi cậu bé Sa-mu-en như sau:

(1) Cậu bé Sa-mu-en phụng sự ĐỨC CHÚA, có ông Ê-li trông nom. Thời ấy, lời ĐỨC CHÚA thì hiếm và thị kiến cũng không hay xảy ra. (2) Một ngày kia, ông Ê-li đang ngủ ở chỗ ông, mắt ông đã bắt đầu mờ, ông không còn thấy nữa. (3)  Đèn của Thiên Chúa chưa tắt và Sa-mu-en đang ngủ trong đền thờ ĐỨC CHÚA, nơi có đặt Hòm Bia Thiên Chúa. (4) ĐỨC CHÚA gọi Sa-mu-en. Cậu thưa : "Dạ, con đây !" (5) Rồi chạy lại với ông Ê-li và thưa : "Dạ, con đây, thầy gọi con." Ông bảo : "Thầy không gọi con đâu. Con về ngủ đi." Cậu bèn đi ngủ. (6)ĐỨC CHÚA lại gọi Sa-mu-en lần nữa. Sa-mu-en dậy, đến với ông Ê-li và thưa : "Dạ, con đây, thầy gọi con." Ông bảo : "Thầy không gọi con đâu, con ạ. Con về ngủ đi." (7) Bấy giờ Sa-mu-en chưa biết ĐỨC CHÚA, và lời ĐỨC CHÚA chưa được mặc khải cho cậu. (8) ĐỨC CHÚA lại gọi Sa-mu-en lần thứ ba. Cậu dậy, đến với ông Ê-li và thưa : "Dạ, con đây, thầy gọi con." Bấy giờ ông Ê-li hiểu là ĐỨC CHÚA gọi cậu bé. (9) Ông Ê-li nói với Sa-mu-en : "Con về ngủ đi, và hễ có ai gọi con thì con thưa : 'Lạy ĐỨC CHÚA, xin Ngài phán, vì tôi tớ Ngài đang lắng nghe.'" Sa-mu-en về ngủ ở chỗ của mình. (I Sm 3, 1-9)

Mặc dù đã được ở trong đền thờ để phụng sự Thiên Chúa, nhưng Sa-mu-en vẫn không nhận ra Tiếng Chúa gọi ông, cho dù Ngài đã gọi ông đến ba lần. Tiếng Chúa gọi ông rất rõ ràng và mạnh mẽ, nó mạnh đến nỗi ông phải bừng tỉnh để chạy đến hỏi thầy Ê-li. Và ban đầu, chính thầy Ê-li cũng không nghĩ rằng đó là Tiếng Chúa gọi Sa-mu-en, có lẽ cậu bé ngủ mơ. Phải đợi đến khi Chúa gọi Sa-mu-en lần thứ ba, thì thầy Ê-li mới tin chắc rằng Sa-mu-en đã được Chúa gọi. Và khi thầy Ê-li chỉ cho Sa-mu-en cách đáp trả lại Tiếng Chúa gọi thì ông mới nhận thức ra được đó là Tiếng Chúa chứ không phải là một giấc mơ bình thường.

Không như ngôn sứ Sa-mu-en được sống trong đền thánh Chúa. Chúng ta phải sống trong cảnh xô bồ của cuộc sống thường nhật, thì thật khó có thể nhận ra Tiếng Chúa gọi chúng ta giữa muôn vàn âm thanh hỗn độn trong ngày. Những âm thanh hỗn độn này làm cho thính giác của chúng ta quá mệt mỏi, khiến đầu óc chúng ta căng thẳng, thì còn lúc nào tĩnh lặng để cho lỗ tai tâm linh chúng ta bật mở để nghe được những lời của Thần Khí. Chúng ta đã và đang bị điếc về tâm linh. Mà đã điếc Lời Chúa thì làm sao chúng ta có thể nói được để rao giảng Lời Ngài, và như thế chúng ta cũng sẽ câm luôn về mặt tâm linh.

Chính Chúa Giê-su đã chẳng mất kiên nhẫn trước cái điếc không phải chỉ của con tim của dân chúng, của các kinh sư, của các người biệt phái nhưng của cả các môn đệ của Người sao? “Anh em chưa hiểu chưa thấu sao? Lòng anh em ngu muội thế! Anh em có mắt mà không thấy, có tai mà không nghe ư (Mc 8,17-18)?

Khi bị Chúa khiển trách như vậy, chúng ta hãy nghĩ lại mình một chút. Thiên Chúa ban cho chúng ta trí khôn ngoan để sáng tạo ra những chiếc điện thoại thông minh có thể bắt được mọi thông tin và thu giữ được các hình ảnh mà chúng ta tìm kiếm. Thế nhưng, Thiên Chúa cài đặt trong bộ não chúng ta hơn 100 tỷ tế bào thần kinh, mà chúng ta lại chẳng ghi nhận được một tiếng nói hay một hình ảnh nào của Thiên Chúa. Nói một cách ví von, chúng ta còn thua cả một chiếc điện thoại “cùi bắp”, nó có thể giúp ta trao đổi thông tin, ngoài trừ trường hợp chúng ta khóa máy. Vậy dù là chiếc điện thoại “cùi bắp”, chúng ta cũng hãy xin Chúa Thánh Thần mở máy tâm hồn để chúng ta có thể thu nhận tiếng Chúa vẫn luôn nhắc nhớ và mời gọi chúng ta.

Vì thế, không phải ngày một ngày hai mà trí khôn hạn hẹp của chúng ta có thể hiểu hết được những ý nghĩa vô cùng sâu lắng của Lời Chúa. Mà ngày ngày, chúng ta phải liên lỉ cầu xin Chúa Thánh Thần ban cho chúng ta “Thần trí thông hiểu” để nắm bắt được những điều kín ẩn mà Thiên Chúa muốn tỏ bày cho mỗi người chúng ta “Và ngày ngày”.

Vì Lời Chúa là Lời Tình Yêu, cho nên chỉ có Thánh Thần Tình Yêu mới có thể thấu suốt tường tận những bí nhiệm của tình yêu và chính Ngài sẽ giải thích cho chúng ta huyền nhiệm này một khi chúng ta biết đón nhận và để cho “Thần khí đạo đức” tác động vào tâm hồn chúng ta “Sóng bung ngát Lời Yêu”.

“Và ngày ngày Sóng bung ngát Lời yêu”

“Cát lắng tiếng” nghĩa là thế nào? Và tại sao cát cần phải lắng tiếng?

Theo tôi, “Cát lắng tiếng” có nghĩa là chúng ta cần phải có một sự thinh lặng trong không gian và thời gian. Sự thinh lặng đó là cần thiết để chúng ta có thể lắng nghe và nhận ra được Tiếng Chúa nói với chúng ta.
 
Trong các đan viện có một khoảng không gian cần phải được giữ thinh lặng gọi là “Nội vi”. Sự thinh lặng trong nội vi là để cho các đan sĩ có điều kiện gặp gỡ và kết hiệp với Thiên Chúa. Những giáo dân vật lộn với kế sinh nhai hằng ngày thì làm sao có một nội vi để lắng hồn với Chúa. Theo tôi, chúng ta vẫn có thể có một khoảng không gian nội vi của gia đình, đó là nơi đặt bàn thờ của gia đình. Và chúng ta còn có một nội vi riêng, đó là chiếc giường ngủ của mỗi người. Gia đình chúng ta có dành thời gian để cùng gặp nhau và gặp Chúa trong kinh nguyện mỗi tối với nhau không? Và chúng ta có dành thời gian để lắng hồn với Chúa trên giường ngủ của mình không?

Trong cuộc sống thường nhật, còn có một nội vi quan trọng hơn nữa, đó là chính là tâm hồn của mỗi người chúng ta. Đây là một nội vi di động chứ không cố định tại một tọa độ nào đó trong không gian. Chúng ta đi đâu, làm gì thì mặc. Nhưng tâm hồn chúng ta luôn có một khoảng thinh lặng nhất định để kết hiệp với Chúa trong mọi công việc hằng ngày của mình. Chúng ta trân trọng dành chốn nội vi sâu lắng này để tiếp một mình Thiên Chúa Ba Ngôi mà thôi. Và một khi đã biết lắng tiếng, chúng ta sẽ biết cách kiệm lời, không ba hoa những chuyện nhảm nhí vô bổ, đã không sinh ích lợi mà lắm lúc còn gây thêm bất hòa chia rẽ. 

Với sự yếu đuối của xác phàm, chúng ta không thể giữ được thinh lặng và tạo cho mình một nội vi tâm hồn để gặp gỡ Thiên Chúa mà không có ân sủng của Chúa Thánh Thần. Ví như chúng ta có giữ được một nội vi tâm hồn mà Chúa Thánh Thần không linh hướng, thì trong sự thinh lặng đó chúng ta lại bị chia trí nhiều hơn bởi những lời cám dỗ của ma quỷ và người phàm.

Và một khi biết đón nhận “Thần Khí đạo đức”, chúng ta mới biết yêu mến Lời Chúa, biết khao khát Lời Tình Yêu, biết trân trọng Lời Khôn Ngoan “Cát lắng tiếng”. Bởi vì những lời khôn ngoan của thế gian chỉ giúp chúng ta phần nào về cách ứng xử giữa người với người chứ không dạy chúng ta biết cách kết hiệp với Thiên Chúa. Và lời của phàm nhân dù khôn ngoan đến mấy cũng không đem lại cho chúng ta niềm vui viên mãn. Chỉ có Lời của Thiên Chúa mới đem lại cho chúng ta hạnh phúc và bình an đích thực, đem lại cho chúng ta sự sống đời đời vì đó là Lời Hằng Sống.

Cho nên một khi đã biết lắng tiếng, đã nhận ra Lời Chúa thực sự cần thiết cho đời sống thiêng liêng của mỗi người. Chúng ta sẽ mạnh dạn dứt bỏ những lời huênh hoang trống rỗng, những lời chèo kéo dối gian, những lời đường mật nhạt nhẽo, những lời nịnh nọt vô bổ… để chỉ chọn Lời Chúa. Và khi đó, không còn lý do gì khiến chúng ta chần chừ mà không vội “nuốt Lời vào tâm khảm”.

“Vào tâm khảm” có nghĩa là khắc ghi Lời Chúa vào tâm hồn như một ấn tín. Đó là ấn tín của Chúa Thánh Thần, dấu ấn đó xác tín chúng ta là đền thờ của Ngài. Đền thờ đó là hòm bia cất giữ Lời Thiên Chúa, là Lời quyền năng có sức biến đổi, là Lời hạnh phúc đem lại bình an cho chúng ta.

“Gặp được Lời Chúa, con đã nuốt vào,
Lời Ngài làm cho con hoan hỷ,
làm vui thỏa lòng con,
vì con được mang danh Ngài,
lạy Đức Chúa, Thiên Chúa các đạo binh.”

(Gr 15, 16)

“Nuốt Lời vào tâm khảm” còn có nghĩa là chúng ta phải tiêu hóa Lời Chúa thành chất nuôi dưỡng đời sống chúng ta, nghĩa là chúng ta phải áp dụng Lời Chúa vào trong cuộc sống thường này, phải tuân giữ các huấn lệnh mà Ngài đã chỉ dạy. Có như thế, chúng ta mới thực sự có Chúa ở trong chúng ta và khi đó chúng ta mới thực sự cảm nhận được tình yêu của Ngài.

Khi nghe một bản nhạc hợp tình hợp ý, chúng cứ thích nghe đi nghe lại cả ngày mà không thấy chán. Những bản nhạc đó dù hay đến mấy cũng chỉ có thể thỏa mãn phần nào nhu cầu của chúng ta. Thế mà Lời Chúa cần thiết cho đời sống thường nhật, chúng ta lại chờ đến ngày Chúa Nhật mới đến nghe một lần, mà lại nghe tiếng được tiếng mất, đến nỗi khi ra về chẳng còn nhớ một lời nào nữa. Nếu nghe Lời Chúa như thế, chúng ta chẳng khác gì loài trăn, chúng ăn một lần là nhịn luôn suốt cả tuần. Chí ít, chúng ta cũng như những cây Phong lan, chúng sẽ nở hoa quanh năm nhưng với điều kiện là được bón phân và chăm nước hằng ngày.

“Nuốt Lời vào tâm khảm” còn hàm nghĩa là chúng ta đón nhận Thánh Thần Thiên Chúa vào trong tâm hồn chúng ta. Vì Lời Chúa là Giao Ước Mới, Giao Ước không căn cứ trên chữ viết, nhưng dựa trên Thần Khí Thiên Chúa.

“(6) Đấng ban cho chúng tôi khả năng phục vụ Giao Ước Mới, không phải Giao Ước căn cứ trên chữ viết, nhưng dựa vào Thần Khí. Vì chữ viết thì giết chết, còn Thần Khí mới ban sự sống.” (2 Cr 3, 6)

Như thế, đời sống của chúng ta sẽ không nở hoa, nếu chúng ta không nuốt Lời hằng ngày vào tâm khảm, và chúng ta hãy để cho Chúa Thánh Thần tác động như Ngài tác động trên ngôn sứ Sa-mu-en.

“(19) Sa-mu-en lớn lên. ĐỨC CHÚA ở với ông và Người không để cho một lời nào của Người ra vô hiệu.” (I Sm 3,19)

“Cát lắng tiếng nuốt Lời vào tâm khảm.”

7. Lời kết

Có một phóng viên đã đặt câu hỏi với một chuyên viên Kinh Thánh như sau: Nếu nhờ khoa học tiến bộ, người ta sáng chế ra được một máy quay phim ngược thời gian. Máy này có thể thu lại tất cả hình ảnh và lời giảng dạy của Chúa Giêsu cách đây hơn 2000 năm. Vậy bộ phim ấy có khả năng thay thế được bốn sách Tin Mừng hay không? Nhà chuyên viên trả lời: Không thể được, bởi vì đức tin không phải do mắt thấy tai nghe, nhưng là do ơn Chúa Thánh Thần tác động.

Vâng, chính nhờ sự tác động của ơn Chúa Thánh Thần, mà từ một tâm hồn mệt mỏi, chỉ muốn an phận khép kín, không còn hăng say phục vụ, không còn muốn tháp nhập vào thân thể mầu nhiệm của Chúa Giê-su Ki-tô.

“Cát chớp mắt nghe sao hồn mệt mỏi”
         
Nhà thơ đã được Chúa Thánh Thần thêm sức bằng cách “Vỗ” và “Ru” trong ân sủng của Ngài. Những cách “Vỗ” và “Ru” của Thần Khí đã  làm bật mở các giác quan tâm linh, củng cố niềm tin, vững vàng trông cậy và dạt dào lòng mến.

“Cát lắng tiếng, nuốt Lời vào tâm khảm.”

Cho nên, bài thơ “Sóng Ngát” không chỉ đẹp ở ngôn từ và còn hay ở ý nghĩa. Nhưng cái lắng mà tôi cảm nhận được ở bài thơ là tác giả đã chia sẻ với chúng ta một Thiên Chúa Ba Ngôi rất dễ cảm, Ngài thật gần gũi và thân thương.

Nhà thơ đã sử dụng đúng mục đích những ân huệ mà Thiên Chúa ban cho để tìm kiếm và yêu mến Ngài. Đó là, tác giả đã khéo léo vận dụng mọi giác quan hữu hạn nơi xác phàm để cảm nghiệm về một Thiên Chúa Ba Ngôi linh thánh, bằng cách xin Chúa Thánh Thần bật mở những giác quan tâm linh để chúng quy hướng về Thiên Chúa.
         
Về thị giác, nhà thơ đã sử dụng các chất liệu của từ ngữ để pha những gam màu thật thanh nhã đầy ánh sáng, làm rực rỡ hình ảnh một Thiên Chúa Ba Ngôi sống động: Biển Xanh Mơ, Nước Biếc, Sóng Ngát, ngàn lấp lánh, lóng lánh tựa trân châu.
         
Về thính giác, thi nhân lại sử dụng các từ láy để tạo nên những vỏ âm thanh tựa như những giai điệu ngọt ngào để diễn tả Tiếng Chúa mời gọi: Sóng rì rào, Sóng òa vỡ, Sóng ngân nga, du dương câu Thần nhạc, Lời Tình Yêu réo rắt.
         
Về xúc giác, tác giả đã sử dùng những động từ thật mạnh mẽ như “vỗ, xoáy, rửa” nhưng cũng đầy êm dịu khi “xoa và ru”, để diễn tả lòng yêu thương của Đấng Cực Thánh đã cuối xuống chạm đến xác phàm bất toàn của chúng ta: Sóng vỗ về, xoáy cát bỏng, rửa cát mờ, xoa nỗi đau.
         
Về khứu giác, thi khách đã tinh tế sử dụng những ngôn từ tạo cho ta cảm giác một thứ hương linh thiêng thật thanh khiết, nhằm nói lên tình yêu và ân sủng của Thiên Chúa: Nguồn Thơm bất tận, ngàn hương tơ, thơm thơm quá.
         
Và về vị giác, thi sĩ lại sử dụng những từ ngữ thôi thúc lòng ước muốn và khao khát của chúng ta về tình yêu Thiên Chúa Ba Ngôi: Giọt khiết đê mê, thanh khiết đến ngọt ngào.
         
Nhưng vượt lên trên những cảm giác của các giác quan, nhờ ân sủng Chúa Thánh Thần bật mở những giác quan tâm linh, tác giả đã cảm được cái Tình của Chúa khi viết: Sóng bung ngát, chạm hồn cát, ru cát mềm, cháy bỏng nỗi cô đơn, muôn triều hoan lạc.
         
Một khi đã cảm được cái Tình của Thiên Chúa, nhà thơ đã tha thiết nài xin Chúa Thánh Thần:
                  
“Sóng hãy vỗ và cứ ru mãi miết”
         
Và tác giả đã đáp lại cái Tình đó bằng chính cuộc sống của mình khi hạ bút với những câu: Chớp Ánh Sáng, từng đêm lắng, trào thi tứ, cát lắng tiếng, nuốt Lời vào tâm khảm.
Hòa với tâm tình của nhà thơ, chúng ta cùng lắng hồn trong “Kinh xin ơn biết sống khôn ngoan của thánh Tôma Aquinô” để dâng lên Thiên Chúa lời cầu nguyện chân thành trong ngày mừng lễ Đức Chúa Thánh Thần hiện xuống.

Lạy Thiên Chúa giàu lòng thương xót,
xin ban cho con ước ao khao khát,
kiếm tìm thật khôn ngoan, hiểu biết thực sự
và chu toàn cách hoàn hảo những điều đẹp lòng Chúa.


Lạy Thiên Chúa,
xin Chúa sắp đặt cuộc đời con:
điều Chúa đòi con phải làm,
xin dạy cho con biết
và giúp con theo đuổi cách đúng đắn
và thích hợp với linh hồn.


Lạy Chúa là Thiên Chúa,
xin đừng để con lìa xa Chúa khi thịnh vượng cũng như lúc gian nan,
để khi thịnh vượng, con không kiêu căng,
lúc gian nan, con không nản chí.
Ước chi con không vui mừng hay buồn sầu
vì một điều gì ngoại trừ điều dẫn đưa tới Chúa hay làm xa cách Chúa.
Ước chi con chẳng ham muốn làm đẹp lòng ai
hoặc sợ mất lòng ai, ngoại trừ Chúa.

Lạy Chúa, xin cho con coi khinh mọi sự phù hoa
và quí chuộng mọi điều thuộc về Chúa.
Xin cho con chê chán niềm vui không có Chúa,
và không ao ước điều gì ngoài Chúa.

Lạy Chúa, xin cho con thích thú làm việc vì Chúa,
chán ghét mọi thứ nghỉ ngơi không có Chúa.

Lạy Chúa, xin cho con biết năng hướng tâm hồn lên Chúa,
và khi sa ngã, biết đau buồn và quyết tâm hối cải.

Lạy Chúa là Thiên Chúa,
xin giúp con vâng phục không chống đối,
khó nghèo không bần tiện,
trong sạch không hư hỏng,
nhẫn nại không kêu ca,
khiêm nhường không giả dối,
vui vẻ không lả lơi,
buồn phiền không chán nản,
chín chắn không nặng nề,
mau mắn không nông nổi,
kính sợ Chúa không tuyệt vọng,
chân thực không hai lòng,
làm việc lành không tự mãn,
sửa lỗi anh em không kiêu căng,
biết xây dựng bản thân bằng lời nói
và gương lành không giả dối.

Lạy Chúa là Thiên Chúa,
xin ban cho con trái tim luôn thức tỉnh,
để không tư tưởng tò mò nào làm xa Chúa,
một trái tim cao thượng, không quyến rũ bất chính nào làm sa đoạ,
một trái tim ngay thẳng, không tà ý nào làm chệch đường,
một trái tim vững mạnh, không gian nan nào làm tan vỡ,
một trái tim tự do, không tham vọng xấu xa nào chiếm đoạt được.

Lạy Chúa là Thiên Chúa,
xin ban cho con trí khôn nhận biết Chúa,
lòng cần mẫn tìm kiếm Chúa,
đức khôn ngoan gặp thấy Chúa,
cách ăn nết ở đẹp lòng Chúa,
đức kiên trì trung thành chờ đợi Chúa,
và lòng tin tưởng sau cùng được kết hợp với Chúa.

Xin cho con ở đời này
được chia sẻ những khổ đau của Chúa để đền tội,
trên đường lữ hành được hưởng các phúc lộc Chúa thương ban,
trên quê trời được tận hưởng mọi hoan lạc của Chúa trong vinh quang.

Chúa là Đấng hằng sống và hiển trị muôn đời. Amen
.

(Thánh Tôma Aquinô)
Mừng lễ Đức Chúa Thánh Thần hiện xuống
Bình Nhật Nguyên

Tác giả bài viết: Bình Nhật Nguyên

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

lich cong giao 2022 - 2023
tapsanmucdong
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập193
  • Máy chủ tìm kiếm36
  • Khách viếng thăm157
  • Hôm nay20,742
  • Tháng hiện tại51,834
  • Tổng lượt truy cập29,031,372

Chúng tôi trên mạng xã hội

CÁC GIÁO HẠT
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây