Hiến lễ đầu mùa

Chúa nhật - 21/07/2019 22:47
Lời mở

Thật lòng mà nói, trước đây, tôi chưa có cảm nhận gì nhiều về các Thánh tử đạo Việt Nam, chưa yêu mến cũng như chưa học tập những nhân đức của các ngài. Có lẽ một phần lúc nhỏ, trong gia đình và cả khi đi học giáo lý, tôi chưa được nghe ba má và các giáo lý viên kể chuyện các Thánh Tử đạo Việt Nam; rồi khi lớn lên, khi tham dự thánh lễ, cũng hiếm khi tôi được nghe các Linh mục chia sẻ hạnh tích của các ngài.

Mãi cho đến khi nhà thờ Phước Hải, Giáo phận Nha Trang, giáo xứ tôi nơi cư trú được nhận Thánh hiệu Đền Thờ các Thánh Tử Đạo Việt Nam (2005) và nhất là vào dịp Năm Thánh kỷ niệm 30 năm phong hiển thánh các thánh tử đạo Việt Nam (2018), tôi mới đọc lại hạnh tích và đi hành hương một số đền thánh kính các Ngài, lúc đó, tôi mới cảm nhận được phần nào tình yêu mà các Ngài dành cho Chúa Giêsu Kitô.

Và khi đọc tập thơ “Khúc thần nhạc” của thi sĩ Song Lam viết về các Thánh tử đạo Việt Nam, trong đó tôi tâm đắc nhất bài thơ “Hiến Lễ Đầu Mùa” của tác giả viết về Chân Phước Anrê Phú Yên – Vị Chứng Nhân Đức Tin tiên khởi của Hội Thánh Công Giáo Việt Nam.

Thầy Giảng Anrê Phú Yên là vị Tử Đạo đầu tiên, là của lễ đầu mùa Giáo Hội Việt Nam dâng cho Chúa. Chân Phước Anrê Phú Yên đã làm nhiều phép lạ và rất được giáo dân Việt Nam yêu mến, đặc biệt là các vị Thừa Sai Dòng Tên trân trọng kính yêu. Do đó,  ngày 5/3/2000 Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã long trọng tôn vinh ngài lên hàng Chân Phước trong một thánh lễ đặc biệt được cử hành long trọng tại quảng trường thánh Phêrô trước dự hiện diện và đồng tế của Đức Hồng y Phanxicô Xavier Nguyễn Văn Thuận, Đức Hồng y Phaolô Phạm Đình Tụng, Đức Hồng y Gioan Baotixita Phạm Minh Mẫn, Đức Cha Phêrô Nguyễn Soạn, Giám mục giáo phận Qui Nhơn. Trong đại lễ phong thánh này, Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã chia sẻ:

“Chân Phước Anrê, Vị Tử Đạo tiên khởi của Việt Nam, hôm nay trở nên gương mẫu cho Giáo Hội tại quê hương của Ngài. Chớ gì tất cả môn đệ Chúa Kitô tìm được nơi  Ngài sức mạnh và sức nâng đỡ trong thử thách và lo lắng giữ gìn vững chắc mối thân tình với Chúa, lòng hiểu biết các mầu nhiệm Kitô, lòng trung thành với Giáo Hội và tinh thần truyền giáo !”.

Trong bài giảng tại nhà thờ Mằng Lăng ngày 26/7/2010, quê hương của Chân Phước Anrê Phú Yên, Đức Giám Mục Matthêo Nguyễn Văn Khôi cũng nhắc đến:“Anrê Phú Yên, mặc dù mới được tôn phong Chân Phước sau 117 thánh tử đạo Việt Nam, nhưng ngài đã đứng đầu danh sách những chứng nhân đức tin, đến độ người ta không ngần ngại truy tặng ngài danh hiệu Người chứng thứ nhất” của Giáo Hội Việt Nam, cũng như thánh Stêphanô được truy tặng danh hiệu Vị tử đạo tiên khởi” của Giáo Hội hoàn vũ. Nói đến tên tuổi của mỗi vị trong số 117 thánh tử đạo, có thể nhiều người không biết, hay chỉ được biết tại địa phương của các ngài, trong khi đó nói đến Anrê Phú Yên thì ở đâu người ta cũng biết, mặc dù ngài chỉ mới là một vị Chân Phước. Điều đó phần nào cũng nói lên tầm quan trọng của ngài trong lịch sử Giáo Hội Việt Nam”.

Và trong Tông huấn hậu thượng hội đồng “Chúa Kitô đang sống”, Đức Thánh Cha Phanxicô ban hành ngày 25/03/2019, Ngài đã nhắc đến 12 vị thánh trẻ mang lại cho sức sống cho Giáo hội, trong đó có Chân Phước Anrê Phú Yên với những lời khích lệ sau đây: “Trái tim Giáo hội cũng đầy những vị thánh trẻ đã hiến mạng sống mình cho Chúa Kitô, nhiều người trong số các ngài thậm chí đã chết cái chết tử vì đạo. Các ngài là những phản chiếu quý giá của Chúa Kitô trẻ trung; chứng tá rạng rỡ của các ngài khuyến khích chúng ta và đánh thức chúng ta khỏi sự thờ ơ của chúng ta. Thượng hội đồng chỉ ra rằng, “nhiều vị thánh trẻ đã để cho các đặc điểm của tuổi trẻ tỏa sáng trong mọi vẻ đẹp của chúng, và vào thời của các ngài, các ngài đã là những tiên tri thực sự của sự thay đổi. Gương sáng của các ngài cho thấy những gì người trẻ có khả năng thực hiện, khi họ mở lòng ra để gặp gỡ Chúa Kitô”…

Chân Phước Anrê Phú Yên là một chàng trai trẻ người Việt ở thế kỷ XVII. Ngài là một giáo lý viên và trợ giúp các nhà truyền giáo. Ngài bị cầm tù vì đức tin, và vì không chịu từ bỏ nó, ngài đã bị giết. Anrê chết khi thốt ra tên Chúa Giêsu.”

Như vậy để có tâm tình sống đạo theo gương Thánh Anrê Phú Yên và hiểu được ý nghĩa bài thơ viết về ngài, thiết nghĩ chúng ta nên đọc lại hạnh tích vị Chân Phước trẻ tuổi nhưng tràn đầy tình yêu và niềm tin vào Chúa Kitô Phục Sinh.

Hạnh tích Chân Phước Anrê Phú Yên

Thân thế

Giáo Hội Việt Nam để lại một trang sử rất tổng quát về đời sống của Thầy Anrê Phú Yên, vị tử đạo đầu tiên của mình. Và biết về Thầy Anrê Phú Yên là biết qua nhân chứng, qua tài liệu lịch sử của Linh Mục Đắc Lộ còn để lại rõ rệt, chứ hai Giáo phận Quy Nhơn, chỗ sinh quán của Thầy thì thành lập năm 1659 (tức 15 năm sau khi Thầy Anrê đã tử đạo) và Giáo phận Đà Nẵng, nơi Thầy Anrê tử đạo, thì mới thành lập năm 1963, do đó không lưu tích tài liệu nào đáng kể.

Theo Bản Tường Trình dài của Cha Đắc Lộ, viết lần thứ hai, Cha chỉ nói: đã biết Anrê từ  lâu và biết rõ hơn mọi người khác, và Cha tiếp tục: Anrê sinh ra tại tỉnh Ranran gần biên giới Nam Việt (Cocincina) vào khoảng giờ trưa. Mất cha từ hồi còn nhỏ, nhưng được người mẹ, rất nhiều đức hạnh, coi sóc nuôi nấng. Anrê rất chăm học chữ Nôm và trong thời gian ngắn đã vượt xa chúng bạn. Anrê trẻ tuổi nhất trong các anh em, và như David thứ hai được Chúa kén chọn trong nhiều người để đội triều thiên tử đạo… Anrê sinh năm 1625, chịu phép rửa tội năm 1641 lúc 15 tuổi năm, 3 năm trước khi tử đạo vì đức tin năm 1644.
         
Một sự kiện kỳ lạ là không một văn kiện nào lưu lại tên Thầy Anrê bằng tiếng Việt. Người ta chỉ gọi trống là Anrê Phú Yên. Có khi đây là thói quen của các Linh mục Thừa sai ngoại quốc, khi rửa tội cho người bản xứ, đặt tên Thánh cho họ, rồi trong đời sống thường ngày, theo thói quen Âu Châu, cứ gọi họ bằng tên Thánh cho tiện.

Linh mục Đắc Lộ còn ca ngợi bà mẹ Thầy là một phụ nữ rất sốt sắng: Molto fervente, sau khi chịu phép Thánh tẩy, bà đã lôi kéo nhiều người bên lương trở lại tin Chúa. Theo thói quen các bà mẹ Công giáo Việt Nam, tin tưởng nơi các Linh mục, bà năn nỉ Cha Đắc Lộ nhận Anrê (năm 1642, một năm sau khi chịu phép rửa tội) vào Hội Các Thầy Giảng mà ngài đã sáng lập (năm 1629). Thầy Anrê ở lại trong nhà cha, tháp tùng cha trong các cuộc hành trình mục vụ, hay giúp cha trong các công việc thường ngày. Thầy được Cha giới thiệu làm quen với Thầy Inhaxiô ngoan đạo, đứng đắn. Cả hai nhận công tác đi dạy giáo lý cho các tân tòng miền Nam Việt Nam. Thầy Anrê không được dồi dào sức khỏe như  các đồng bạn, nhưng lại khéo tay làm hang đá giáng sinh để lôi kéo dân chúng đến nhà thờ. Về đời sống thiêng liêng, Anrê là gương mẫu cho anh em: ngoài việc khấn đức trinh khiết, không lập gia đình, để dành trọn thời giờ đi khuyên nhủ những người bên lương, nhất là anh em họ hàng, tòng đạo Thiên Chúa. Thầy còn trổi vượt về ba nhân đức đối thần: tin, cậy, mến… một cách cao độ. Trong xã hội, Thầy rất khiêm tốn, nhịn nhục, được mọi người kính nể. Cha Đắc Lộ còn kể: Thầy xưng tội hằng tuần và cha chưa gặp ai có tâm hồn trong trắng như Anrê.
                  
Bị bắt và tử đạo

Hạ tuần tháng 7 năm 1644, Quan Nghè Bộ (tên vị quan đứng đầu tỉnh) từ Nam Việt trở về tỉnh nhà. Từ miền Nam ông đã nhận lệnh chúa Thượng (Công Thượng Vương, tức Nguyễn Phúc Lan) phải thẳng tay diệt trừ người dân Công giáo, và trong đầu óc ông nghĩ ngay tới Linh mục Đắc Lộ, nhất là nhóm người Việt theo ngài. Ba tốp quân đội kéo tới bao vây và lục soát ba nhà của Cha Đắc Lộ, thường ở đó có một trong số mấy Thầy thân tín coi giữ: Thầy Anrê già (73 tuổi) hôm đó bị bắt, đập đánh dã man, nhưng là thứ già gân: đanh thép, không bao giờ chịu khuất phục trước đe dọa. Cha Đắc Lộ phục Thầy sát đất; Thầy Inhaxiô lanh lợi, tháo vát, hôm đó không có ở nhà; và Thầy Anrê trẻ tuổi đang chăm sóc mấy anh em bệnh nhân tại một nhà gần Faifô, chỗ mà nhóm thương gia Bồ Đào Nha và giáo dân Miền Nam thường hay tập họp để dự lễ.

Để khỏi về tay không, nhóm quân lính bắt Thầy Anrê trẻ tuổi, chúng đánh đập và trói chân tay. Chúng cướp luôn các đồ thờ tự. Có hai câu truyện nhỏ xảy ra, nhưng nói lên tinh thần khẳng khái của người thanh niên trẻ tuổi:

1/ Thầy Anrê bị trói chặt chân tay, nhưng khi quân lính cướp các vật dụng bàn thờ: Thánh giá, tượng ảnh, áo lễ một cách hối hả thô bạo. Thầy Anrê lên tiếng phản đối, yêu cầu họ cởi trói, để nếu họ muốn lấy thì chính Thầy sẽ thu xếp gọn gàng, gói lại tử  tế, rồi sẽ trao cho họ.

2/ Thầy Anrê hôm đó ở nhà chăm sóc mấy anh em ốm liệt. Quân lính đòi bắt theo một thầy khác nằm liệt trên giường. Thầy Anrê lên tiếng và xin được cho người anh em đau ốm ở lại nhà, nếu cần bắt thì chỉ bắt một mình Thầy là đủ rồi. Đi dọc đường Thầy Anrê cứ mạnh dạn thản nhiên giảng đạo cho nhóm quân lính, khiến cho chúng càng bực mình, nên cho dù về đến dinh Quan Nghè Bộ lúc đã quá khuya – chúng nhất quyết phải điệu Thầy Anrê vào nộp nhà quan. Quan Nghè Bộ đã chất vấn: 

–Tại sao chú theo ông cố đạo Bồ Đào Nha ?

–Tôi theo để được học giáo lý đạo Thiên Chúa là điều tôi rất mộ mến.

Qua nhiều phen tra khảo khác nhau, Quan Nghè Bộ vẫn lặp đi lặp lại câu hỏi đó, và ông rất bực tức khi nghe chàng thanh niên 19 tuổi tự xưng mình theo đạo Thiên Chúa, thờ Chúa Trời Đất, ăn nói một cách xác tín, thoải mái và còn sẵn sàng chấp nhận bất cứ điều gì. Chịu không nổi, ông ra lệnh đeo gông vào cổ Thầy Anrê và tống ngục, chờ ngày hôm sau (26/07/1644) đem ra xử án để cùng với Thầy Anrê già (73 tuổi).

Tòa án

Hôm xử án, Quan Nghè Bộ vẫn giữ lập luận gắt gao: Nếu hắn nói là con nhà nghèo khó, theo ông cố Bồ Đào Nha để kiếm miếng ăn, thì tôi tha thứ và cho về ngay. Đàng này hắn hiên ngang xưng mình là theo đạo Công giáo, thờ Chúa Trời Đất, không gì có thể làm cho hắn bỏ tín ngưỡng mình đã theo, và hắn sẵn sàng chết hay chịu bất cứ hình khổ nào… Rồi ông kết luận: Ăn nói như thế là điên rồ, hắn phải chết!

Nghe bản án đó, cha Đắc Lộ hết hy vọng! Công chạy vào gõ cửa quan Thống Đốc có bà vợ công giáo, công đi theo nhóm thương gia Bồ Đào Nha tới thương lượng với Quan Nghè Bộ: ông này chỉ bằng lòng trả lại các đồ thờ tự, cho Thầy Anrê già khỏi án tử vì tuổi tác và có gia đình. Còn ông làm thinh giả điếc về vụ án Thầy Giảng Anrê trẻ tuổi, vì ông mới đi miền Nam nhận lệnh Chúa Thượng về bắt bớ giáo dân, và hôm đó chủ tọa xử án một mình ông đóng hai vai: vừa Công tố viên, vừa Chánh án xử tội! Trong vòng 24 tiếng đồng hồ ông đã cho quân lính đi lùng bắt, không phải một tướng giặc phản loạn, một phạm nhân giết người, hay một ngụy quân nguy hiểm, nhưng là bắt một thầy tu áo vải, một thanh niên tuấn tú đang làm việc từ thiện giúp đỡ tha nhân. Và lý do gán cho tội nhân là chỉ vì tội nhân muốn được tự do thờ Chúa, muốn học hỏi về Người là nguồn gốc nhân loại và vạn vật.

Không thành công trong việc cứu thoát người con thiêng liêng khỏi án tử hình, Cha Đắc Lộ đi thẳng lên pháp trường Kẻ Chàm, làm phép giải tội cho Thầy Anrê trong giờ sau hết, trước khi Thầy ra trình diện Thiên Chúa, và cho Thầy chịu Mình Thánh. Cảm động hơn nữa, theo thủ tục Việt Nam, cha xin vào đứng sát bên Thầy, tay cầm chiếc chiếu hoa mới tinh xin Thầy quỳ lên trên, để cho những giọt máu sau cùng khỏi bị tiêu tan dưới đám cỏ xanh dơ bẩn. Thầy Anrê bẩm tính khiêm tốn không dám nhận, nhưng miệng thì luôn thầm thì kêu tên Chúa Giêsu, Đức Mẹ, mắt nhìn lên trời, chờ giây phút định mệnh.

Theo thói quen hồi xưa, xử tội nhân: ngoài gươm, giáo, mác, còn dùng cái đòng nhọn phóng vào thân con người từ phía đằng sau. Thầy Anrê đang quỳ thẳng người cầu nguyện thì Quan Nghè Bộ đã thét cho lệnh xử. Một tên đao phủ, từ phía đàng sau, thẳng tay phóng mạnh một cái đòng nhọn vào vai bên trái, lòi ra trước ngực, máu tung tóe, Thầy Anrê chỉ nghiêng mình về phía trước, chứ chưa ngã gục, cha Đắc Lộ còn nghe Thầy kêu tên Giêsu, Maria rõ ràng. Thấy thế tên đao phủ đó lại phóng tiếp hai nhát nữa, đâm sâu vào ngực Thầy Anrê. Lần này Thầy Anrê quỵ người xuống. Một đao phủ khác cầm thanh gươm sắc bén chém vào cổ. Máu càng phun ra mạnh, đao phủ phải phập xuống lần thứ hai mới đứt cổ. Lúc đó đã quá 5 giờ chiều. 
 

Theo tục lệ: cách xử nạn nhân bằng đòng nhọn là có ý cho nạn nhân tắt thở vào ban đêm. Cảnh vật chung quanh trở nên u ám thảm đạm. Rất nhiều người Công giáo cũng như lương dân, nhất là nhóm thương gia Bồ Đào Nha, chứng kiến từ đầu đến cuối, không cầm nổi sự xúc động tự nhiên lúc bấy giờ. Cha Đắc Lộ thì nước mắt tuôn rơi: thương người con thiêng liêng yêu quý đã ra đi, nhưng nhất là cảm xúc, hiên ngang vì tấm gương hết sức anh dũng của Thầy Giảng Việt Nam thứ nhất, chỉ mới 19 xuân xanh, đồng tuổi với Thánh Thomas Trần Văn Thiện, chủng sinh Giáo Phận Huế, đã ngã gục vì Chúa Kitô, ngày 21/09/1838. Cũng là vị Anh Cả trong hàng ngũ 117 Thánh Tử Đạo của Giáo Hội Việt Nam.

Thầy Anrê nằm xuống rồi, cha Đắc Lộ tổ chức ban đêm đưa xác Thầy về Nhà Dòng. Trông thấy xác đẫm máu, đã chết, các đồng bạn Thầy Giảng không những không sợ hãi, mà còn phấn khởi, hăng say, yêu cầu cha cho phép xung phong ra nộp mình để lấy ơn phúc tử đạo. Linh mục Đắc Lộ phải giải thích: tử đạo là một đặc ân, phải có Chúa và Chúa ban sức mạnh mới có thể trung kiên cho tới cùng. Nhưng khi cha thử khuyên nhủ: vì thời cuộc nguy hiểm khó khăn nếu ai muốn về gia đình tránh đi một thời gian, thì tất cả đồng loạt xin ở lại tiếp tục sứ mạng Thầy Giảng như thường.

Câu truyện lạ xảy ra và Cha Đắc Lộ bảo đảm trăm phần trăm chính xác là mấy hôm sau khi Thầy Anrê bị tử đạo có ba cuộc hỏa hoạn, liền trong ba ngày: tự nhiên lửa bốc cháy cả khu pháp trường Kẻ Chàm: nhà tù, chợ buôn bán và các nẻo đường mà nạn nhân Anrê Phú Yên đã bị điệu đi qua trước khi ra pháp trường. Ra như thể trời đất cũng phải nói lên sự bất công trong vụ án tàn bạo đã xử một nạn nhân vô tội. Vì mấy vụ hỏa hoạn này, Cha Đắc Lộ muốn tránh những hiểu lầm có thể làm khó dễ Nhà Dòng hay là xúc phạm đến người quá cố, nên mới nghĩ đến chuyện di chuyển thi hài của Thầy Anrê – là báu vật quý nhất của toàn Dòng – sang Macao.
(Bài viết của Đức Ông Vinh Sơn Trần Ngọc Thụ
tóm kết trước ngày phong Á Thánh 5/3/2000)

Cảm nhận tình yêu đáp trả tình yêu

Đọc bài viết của Đức Ông Vinh Sơn Trần Ngọc Thụ về hạnh tích Chân Phước Anrê Phú Yên, kết hợp với đọc Lời Chúa trong thư Thánh Phaolô gửi tín hữu  Êphêsô:

(14) Vì lý do đó, tôi quỳ gối trước mặt Chúa Cha, (15) là nguồn gốc mọi gia tộc trên trời dưới đất. (16) Tôi nguyện xin Chúa Cha, thể theo sự phong phú của Người là Đấng vinh hiển, ban cho anh em được củng cố mạnh mẽ nhờ Thần Khí của Người, để con người nội tâm nơi anh em được vững vàng. (17) Xin cho anh em, nhờ lòng tin, được Đức Kitô ngự trong tâm hồn ; xin cho anh em được bén rễ sâu và xây dựng vững chắc trên đức ái, (18) để cùng toàn thể dân thánh, anh em đủ sức thấu hiểu mọi kích thước dài rộng cao sâu, (19) và nhận biết tình thương của Đức Kitô, là tình thương vượt quá sự hiểu biết. Như vậy anh em sẽ được đầy tràn tất cả sự viên mãn của Thiên Chúa. (Ep 3, 14-19)

Tiếp đó đọc bài thơ “Hiến Lễ Đầu Mùa” của thi sĩ Song Lam viết về Chân Phước Anrê Phú Yên, chúng ta sẽ thấy cấu trúc bài thơ có bố cục khá chặt chẽ khi nhà thơ đã cô đọng cuộc đời chứng nhân đức tin “Tình yêu đáp trả Tình Yêu” chỉ trong 6 khổ thơ 8 chữ mà diễn tả đầy đủ mọi kích thước dài, rộng, cao, sâu của cuộc đời Thầy giảng Anrê Phú Yên.

Bài thơ hay ở chỗ không có lấy một chữ Chúa, cũng chẳng thấy có chữ sống và cũng không tìm đâu ra một chữ chết, thế mà bài thơ lại diễn tả thật súc tích một cuộc sống đầy vị tha, một cái chết thật hào hùng của một con người yêu Chúa đến cùng và quyết sống chết vì Ngài.

Trong khổ thơ đầu tiên, tác giả nói về ơn gọi làm con Thiên Chúa và ơn gọi được cộng tác vào công cuộc loan báo Tin Mừng Nước Trời của Thầy Anrê. Nhà thơ diễn tả hạnh phúc của Thầy khi được lãnh nhận Bí tích Thánh Tẩy và niềm vui khi Thầy được Cha Đắc Lộ nhận vào Hội các Thầy giảng.

Khổ thơ thứ hai nói đến chiều dài đời sống của Chân Phước Anrê Phú Yên. Đó là Đức Tin được thể hiện qua đức vâng lời với lòng khiêm nhường, sự nhiệt thành rao giảng Tin Mừng và khuyến dụ mọi người hãy đón nhận ơn cứu độ của Thiên Chúa, khi Thầy cố gắng chu toàn những công việc hằng ngày trong trách vụ Thầy giảng được cha Đắc Lộ giao phó.

Khổ thơ thứ ba bàn đến chiều rộng đời sống của Thầy giảng Anrê Phú Yên. Đó là Đức Mến được biểu lộ qua đời sống nghèo khó và lòng thương người. Thầy đã biết chia sẻ tất cả những gì mình có để giúp đỡ bất kỳ một ai mà không phân biệt tôn giáo hay giai cấp nào.

Khổ thơ thứ tư kể về chiều sâu đời sống của Chân Phước Anrê Phú Yên. Đó là Đức Cậy được diễn tả qua đời sống khiết tịnh, trọn lòng tín thác vào Thiên Chúa và luôn khao khát được tận hiến đời mình để đáp lại tình yêu thiêng thánh mà Chúa đã thương chọn Thầy.

Khổ thơ thứ năm là đỉnh cao cuộc đời của một trái tim đã tận tâm chu toàn trách vụ, chân thành yêu thương và toàn hiến cho Chúa Giêsu Kitô. Đó là cuộc “Vượt qua” đầy dũng khí của một chàng thanh niên dám can đảm tuyên xưng mình là Kitô hữu và là một Thầy giảng. Cuộc tử đạo của Thầy cũng tương tự như cuộc “Vượt Qua” của Chúa Giêsu khi Ngài tự nhận mình là Con Thiên Chúa và là Đấng cứu độ trần gian.

Và khổ thơ cuối cùng, thi sĩ đã làm thăng hoa cuộc vượt qua huyền nhiệm của một hạt giống chịu mục nát, để khơi lên vô vàn ngọn lửa cháy sáng niềm tin, sưởi ấm tình người, và làm rực sáng muôn vì sao để chiếu dọi khắp nơi Tin Mừng Nước Trời, nhất là trên quê hương Việt Nam.

Qua lời thơ, chúng ta sẽ cảm nhận được một cuộc đời đơn sơ và chân tình, nhưng tràn đầy khí phách khi cần làm chứng cho đức tin, để từ đó chúng ta cũng mạnh dạn sống niềm tin vào Chúa Giêsu Kitô Phục Sinh trong đấng bậc và hoàn cảnh riêng của mỗi người.

 
a
                                     
Hiến Lễ Đầu Mùa
 
 Hỡi anh em , đối với Chúa Giêsu rất yêu dấu của ta,
ta hãy lấy tình yêu đáp lại tình yêu.
Chúa đã chịu chết đau khổ vì ta,
ta hãy lấy sự sống đáp lại sự sống”.

(Chân phước Anrê Phú Yên)

1.Ơi Ánh Sáng! khơi trái tim thơ bé
Bừng lửa hồng cháy bỏng nhịp Tình yêu
Ơi Thần Khí! thơm nụ xuân vừa hé
Ngát hương nồng say ngất mộng Huyền Siêu.

2.Hớp Nắng ấm nụ duyên hồng nhân đức
Vươn cánh mềm tô đẹp kiếp nhân sinh
Đời tận hiến niềm vui ơn thiên chức
Hồn đơn sơ thắm mướt cả chân tình.

3.Quyện theo Gió hương thơm nồng ngan ngát
Ẩn trong Mây sương thanh khiết ngất ngây
Đời tương ái gieo niềm vui hoan lạc
Ươm Lời Thơ muôn ý vị tung bay.

4.Đêm Sương ngát nụ hớp nguồn Thánh Khí
Dưỡng hồn thơ hương sốt mến nguyện cầu
Tim an lắng trong Lời ru Tuyệt Mỹ
Nguyện tín thành đáp tình nghĩa ân sâu.
 
5.Khi miệng lưỡi chẳng thể nào ca hát
Trái tim thơ gọi Danh Thánh vinh quang
Khi nhịp rung chẳng còn reo tiếng nhạc
Hồn thơ ngân khúc giao hưởng thiên đàng.

6.Đây ngọn lửa bùng lên bao ngọn lửa
Thắp bầu trời rực sáng những vì sao
Đây dòng máu nhuộm thắm đất anh hào
Ươm Nước Việt rạng ngời Danh Chí Thánh.

Song Lam
-------------------------

Mời đọc tiếp

1. Hiến lễ đầu mùa : Ơi Ánh sáng! Khơi trái tim thơ bé

2. Hiến lễ đầu mùa : Hớp Nắng ấm nụ duyên hồng nhân đức
3. Nương theo gió, hương thơm nồng ngan ngát
4. Đêm sương lắng, nụ hớp Nguồn Thánh Khí
5. Khi miệng lưỡi chẳng thể nào ca hát
6. Ơi ngọn lửa, bùng lên bao ngọn lửa
7. Lời kết

Tác giả bài viết: Bình Nhật Nguyên

 Tags: Văn thơ

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

lich cong giao 2022 - 2023
tapsanmucdong
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập31
  • Máy chủ tìm kiếm18
  • Khách viếng thăm13
  • Hôm nay20,742
  • Tháng hiện tại46,233
  • Tổng lượt truy cập29,025,771

Chúng tôi trên mạng xã hội

CÁC GIÁO HẠT
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây