Lời mời gọi "hoán cải" trước khi quá muộn

Thứ sáu - 22/03/2019 07:03

LỜI MỜI GỌI “HOÁN CẢI”
TRƯỚC KHI QUÁ MUỘN


Một thiên tai lớn như động đất, núi lửa, sóng thần, một vụ giết người hàng loạt, hay tai nạn giao thông hoặc máy bay rơi khủng khiếp làm chết hàng trăm người, mới đây một vụ tai nạn làm hai nữ tu chết ở Bà Rịa Vũng Tàu… Những tai họa ấy mời gọi chúng ta suy nghĩ gì về NƯỚC THIÊN CHÚA !

Sự kiện những người Galilê bị tổng trấn Philatô giết, khiến máu đổ ra hoà lẫn với máu tế vật họ đang dâng. Và mười tám người kia bị tháp Silôa đổ xuống đè chết. Chúa Giêsu nói gì cho những người đương thời của Ngài và cho chúng ta về những thảm họa ấy!

Sự kiện tai nạn trong đời sống hôm nay và sự kiện tai họa trong Tin Mừng Chúa Nhật thứ ba mùa chay cho chúng ta sứ điệp “Hãy Hoán Cải”. Tai ương hoạn nạn không loại trừ bất cứ ai “người lành kẻ dữ”. Những người Galilê ấy chẳng tốt cũng chẳng xấu hơn bọn lính Rôma hoặc những người Do-Thái vây quanh Người lúc ấy. “Các ông tưởng mấy người Galilê này phải chịu số phận đó vì họ tội lỗi hơn mọi người Galilê khác sao. Không phải thế đâu, nhưng nếu các ông không chịu sám hối , thì các ông cũng sẽ chế hết như vậy”. (Lc 13,3- 5).

Người Do Thái muốn Chúa Giêsu đứng về phía đồng bào, đồng đạo của mình về vụ tàn sát phạm thượng trong đền thờ, Đức Giêsu lờ đi về điều này. Ngài muốn kêu mời mọi người sám hối tận tâm qua hành động và những chọn lựa luân lý của mình và đoạn tuyệt với tội lỗi ngay hôm nay, trước khi nó có thể hủy diệt tâm trí, linh hồn, và thân xác chúng ta. Và hệ quả của việc chọn lựa tốt xấu, tội lỗi, nhân đức hay tầm thường.

Việc ù lì trong thái độ không muốn thay đổi để nên thánh, không muốn tha thứ, nuôi lòng thù hận, bằng lòng với những sai trái dẫn đến thái độ suy xét thiếu bác ái, thiếu yêu thương nó giống như virus gây bệnh ung thư lây lan và phá hủy chúng ta từ bên trong, nó là nguyên nhân gây ra sự chết của dững dưng, vô cảm, mâu thuẫn, hiềm thù, nó giết hại ta rất nhanh nếu như nó không được giải phẫu tận gốc rễ.

Và bệnh tật thể lý có thuốc chữa, có phương pháp trị liệu. Bệnh tật thiêng liêng không có thuốc từ bên ngoài, bệnh nhân phải tự điều trị với những phương dược thiêng liêng có sẵn trong đời sống… Cái chết về mặt thiêng liêng sự xa cách Thiên Chúa, không hòa hợp được với con người, với anh chị em mình là tình trạng tệ hại nhất hơn bất kỳ tai họa hay mất mát thể lý nào mà chúng ta đã có lần cảm nghiệm trong cuộc sống hiện tại.

Câu chuyện Cây vả không sinh trái và lời cầu xin của người chủ vườn “Thưa ông, xin cứ để nó lại năm nay nữa. Tôi sẽ vun xới chung quanh, và bón phân cho nó.  May ra sang năm nó có trái, nếu không thì ông sẽ chặt nó đi”. (Lc 13,8-9). Là lời hối thúc, cảnh tỉnh đối với mọi Kitô hữu. Đây là thời gian gia hạn”, thời gian của “đồng hồ lòng thương xót mà Thiên Chúa Cha chúng ta luôn đợi chờ mỗi người” theo bậc sống, chức vị, công việc của mình. Nó chứa đựng lời mời gọi hoán cải trước khi quá muộn, không chỉ nói cho những người đồng hương của Đức Giêsu. Nhưng là bài học cho các Kitô hữu mọi thời, mỗi con người đang phải đối diện với viễn tượng là “cái kết” cuộc sống rất bất ngờ… thời gian ân huệ cuối cùng trước khi không còn cơ hội lập công phúc và phải chịu phán xét. Cây vả không trái trở thành biểu tượng của một cuộc sống con người không sản sinh hoa trái thiêng liêng.

Hoa trái thiêng liêng mà Đức Giêsu muốn người môn đệ Ngài thực thi đã được thánh Phaolô quảng diễn, phải lột bỏ con người cũ mà mặc lấy con người mới.  Con người Sống đức ái Kitô giáo “Đức Mến thì nhẫn nhục, hiền hậu, không ghen tương, không vênh vang, không tự đắc, không làm điều bất chính, không tìm tư lợi, không nóng giận, không nuôi hận thù, không mừng khi thấy gian ác, nhưng vui khi thấy điều chân thật. Đức Mến tha thứ tất cả, tin tưởng tất cả. Đức Mến không bao giờ mất được. Ơn nói tiên tri ư? Cũng chỉ nhất thời. Nói các tiếng lạ chăng? Có ngày sẽ hết. Ơn hiểu biết ư? Rồi cũng chẳng còn. Vì chưng sự hiểu biết thì có ngần, ơn nói tiên tri cũng có hạn. Khi cái hoàn hảo tới, thì cái có ngần có hạn sẽ biến đi” (1 Cr 13,4-10). “Lột bỏ con người cũ, mặc lấy con người mới” cụ thể nghĩa là ta từ bỏ cách nói năng, hành động, suy nghĩ theo “thế gian, xác thịt” để tập lấy cách nói năng, hành động, suy nghĩ theo như Ðức Giêsu Kitô.

  Chúng ta không nên làm cho Chúa phiền lòng vì đã phí phạm bao nhiêu ân huệ cao quí Ngài ban cho, qua tất cả những gì mình đang được tận hưởng trong cuộc sống. Như cây vả đã sống nhờ dinh dưỡng từ đất, ánh sáng và không khí từ trời, vậy mà  nó không sinh trái. Nó bị lên án.

Và thời gian chúng ta đang có là “thời gian gia hạn”. Người thánh thiện, người có tâm hồn thống hối sẽ biết cách tận dụng tối đa “thời gian gia hạn” sao cho ích lợi, sinh được hoa trái  khi mình đã phung phí thời gian dài sống trước đây. Một sự phung phí như thế đã gây ảnh hưởng tiêu cực trên chính mình, trên những người khác, làm thiệt hại, bất lợi cho chính mình, cho gia đình, cho cộng đoàn và xã hội.

“Hoán cải trước khi quá muộn”. Bởi “Vị thánh nào cũng có một quá khứ, và người tội lỗi nào cũng có một tương lai. Quá khứ là dĩ vãng yếu đuối. Tương lai là ngày mai tốt hơn, thánh thiện hơn. Nhưng sự khác biệt giữa thánh nhân và người tội lỗi chính là sự sám hối, lòng ăn năn”.Các thánh cũng yếu đuối như  con, có vị yếu đuối hơn con nữa, có thế mới có công nghiệp, mới làm thánh. Họ chỉ khác con là họ quyết tâm”.  ( ĐHV  448)

Tác giả bài viết: Nữ tu. Anna Lê Bạch Tuyết (Dòng MTG Qui Nhơn)

 Tags: Suy niệm

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

lich cong giao 2022 - 2023
tapsanmucdong
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập59
  • Máy chủ tìm kiếm29
  • Khách viếng thăm30
  • Hôm nay12,324
  • Tháng hiện tại232,718
  • Tổng lượt truy cập29,212,256

Chúng tôi trên mạng xã hội

CÁC GIÁO HẠT
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây