"Thầm Lặng"

Thứ năm - 06/08/2020 08:32

“THẦM LẶNG”

Qua thư Chị Tổng phụ trách cho biết, đại lễ khấn dòng vào ngày 22.8.2020 sắp tới sẽ được tổ chức trong “thầm lặng” vì đại dịch covid-19.

Thông tin không gây “sốc” cho chị em toàn dòng, không mang lại nỗi buồn cho các chị em mừng kỷ niệm khấn dòng, chuẩn bị tuyên khấn trọn đời, khấn lần đầu dịp này. Thông tin cũng không gây ngỡ ngàng cho quý ông bà cố, quý thân nhân, ân nhân bạn bè thân hữu của quý chị bởi mọi người biết đại dịch tái phát từ cuối tháng 7.

Bao hân hoan của chờ đợi, niềm vui của sự chuẩn bị, tâm tình háo hức để được đến thăm nhà mẹ hội dòng nơi gia đình các chị em năm nay đã không thành vì phải giãn cách xã hội.

Chị em toàn dòng, chị em mừng lễ cùng với bao người thân yêu đang rạo rực chờ đón sự kiện có một không hai trong đời mình, lại phải chấp nhận cái “khác thường” của mọi năm. Điều khác thường không gây “sốc” bởi “cái khác thường” ở thời điểm này là điều phải lẽ, phù hợp với hoàn cảnh hiện tại. Mỗi người không cảm thấy “sốc” bởi biết mình cùng chung chia nỗi khổ đau với thế giới, với xã hội và cả Giáo hội vì những biến động của dịch bệnh do Corona virus.

Có lẽ Mẹ hội dòng, cùng thân quyến của quý chị em đã đọc được đây là dấu chỉ Chúa mời gọi các tu sĩ và người tín hữu lắng đọng tâm hồn để kết hợp sâu xa và liên lỉ với Người hơn chăng?

Ai ai cũng biết, cũng mong đi tu phải đến ngày khấn hứa. Nhưng, Tu sĩ không phải chỉ sống lời khấn hứa trong ngày tuyên khấn hoặc vài tháng hay dăm ba năm nhưng sống đời tu cho đến chết trong hội dòng.

Tuyên khấn lần đầu, tuyên khấn trọn đời là dấu ấn tuyệt đẹp trong đời tu, Kỷ niệm 65 năm, 60 năm, 50 năm, 25 năm khấn dòng quả là thời gian ân phúc để người tu sĩ dâng ngàn triệu lời tạ ơn. Tạ ơn Thiên Chúa, cám ơn tình người… và để có những ngày ghi dấu hồng ân cho hành trình theo Đức Kitô như thế, các ứng sinh phải trải qua thời gian huấn luyện khởi đầu thật dài.  

Thời gian Tập Viện, Học Viện rất đặc biệt trong hành trình huấn luyện đời tu. Mỗi người được hướng dẫn để nhận ra ơn gọi của mình và hội dòng nhận thấy nơi ứng sinh có đủ điều kiện, phù hợp với linh đạo và đặc sủng của dòng qua các vị Tập Sư. Ứng Sinh và Tập Sư, cả hai cùng tìm thánh ý Chúa trong cầu nguyện, cả hai đi đến quyết định chung là giúp nhau bước theo Chúa Giêsu Chịu Đóng Đinh trong linh đạo Mến thánh giá.

Thật ra, hành trình huấn luyện đời tu không dừng lại ở giai đoạn Tập Sinh hay Học Viện nhưng huấn luyện là một tiến trình không ngơi nghỉ, kiên trì liên lỉ luyện tập cho đến cuối đời. Chính vì lẽ đó, mỗi tu sĩ phải tự huấn luyện toàn diện chính mình nhất là huấn luyện đời sống cầu nguyện.

Giáo lý Hội Thánh Công giáo định nghĩa Cầu nguyện Kitô giáo là mối tương quan giao ước giữa Thiên Chúa và con người trong Đức Kitô” (số 2564). Mối tương quan đó làm tăng mức độ sống trong chúng ta hằng ngày. “Khi được Thiên Chúa kêu gọi, Abraham đã ra đi ‘như Chúa bảo ông’ (Gen 12:4); lòng trí của Abraham hoàn toàn thuần phục Lời Chúa nên ông đã vâng nghe Ngài. Việc lòng trí gắn bó như vậy, một tấm lòng có những quyết định hợp với ý muốn của Thiên Chúa, là những gì thiết yếu cho việc cầu nguyện, còn ngôn từ được sử dụng chỉ có giá trị nếu liên kết với tấm lòng này mà thôi. Việc Abraham cầu nguyện thoạt tiên được thể hiện bằng các việc làm, ở chỗ, là một con người thinh lặng, ông đã xây dựng bàn thờ cho Chúa ở mỗi chặng hành trình của mình. Chỉ sau đó việc cầu nguyện lần đầu tiên bằng ngôn từ của Abraham mới xảy ra, đó là lời ông khéo léo phàn nàn để nhắc nhở Thiên Chúa về những lời Ngài hứa với ông xem ra bất thành (x Gen 15:2f)[1]

Thế nên, các đấng sáng lập luôn đặt cầu nguyện lên hàng đầu trong mọi sinh hoạt sống, hoạt động mục vụ, phục vụ cho hội dòng mình. Theo Đức cha Lambert “Trước khi gieo vãi hạt giống Phúc Âm, hãy dùng lời cầu nguyện làm cho mưa móc sa xuống cánh đồng” (Ts 31). Ngài còn dạy: “Phương thế hữu hiệu nhất để gia tăng đời sống thiêng liêng là đối thoại thường xuyên với Thiên Chúa, trung thành với tác động của ân sủng Người”[2]. Gương mẫu đời sống cầu nguyện có lẽ không ai khác đó chính là Chúa Giêsu. Chúa Giêsu liên lỉ cầu nguyện và tha thiết cầu nguyện với Cha. Đời sống cầu nguyện chính là căn cốt của người môn đệ Chúa Giêsu, người đi theo sát Chúa Giêsu trong đời tận hiến. (x. Lc 11, 9- 13)

Nhìn vào thực trạng của xã hội, của dòng chảy cuộc đời, nhìn lại đời sống cầu nguyện của cá nhân người tu sĩ và cộng đoàn… dường như thế giới đang vắng tiếng cầu nguyện, giờ cầu nguyện đang bị thưa dần, giảm bớt, cầu nguyện trở nên “chiếu lệ” hoặc không còn mặn nồng tha thiết! Con người ngày nay đang mãi chạy theo thế gian, chạy theo những thành quả của lao động trí óc, lao động chân tay, chạy theo vật chất để rồi giờ cầu nguyện bị cắt giảm, hoặc đến với Chúa để “xin điều này điều kia”, đến với Chúa để kéo Người về phía mình, cầu nguyện để xin Chúa thực hiện ý mình… bởi cầu nguyện không thành tâm, không tin tưởng, không mấy tha thiết, nên thiếu vắng cầu nguyện, giản lượt bớt giờ cầu nguyện là điều không mấy khó hiểu. Tin vào bản thân, tin vào những sáng kiến, những phát minh khoa học, xem nhưng thành tựu nghiên cứu của mình là tuyệt đỉnh… nên con người không cần Thiên Chúa, không còn gắn bó với Thiên Chúa, không muốn Thiên Chúa làm chủ mình, muốn loại bỏ Thiên Chúa, không muốn Thiên Chúa can thiệp vào đời sống của mình là điều có thật của con người trong cuộc sống hiện tại.

Cơn đại dịch quái ác, tái phát khủng khiếp như lời cảnh báo giúp con người nhận ra số phận mong manh của mình. Nhưng con người chỉ được nhận những lời khuyến cáo phải giữ sức khỏe cho cá nhân, cho cộng đồng. Cách cụ thể là tránh tiếp xúc, hạn chế tụ tập và tránh đám đông. Tắt một câu, không nên ra ngoài khi không cần thiết.

Tiếp xúc, tụ tập là thói quen của phần đông người trên thế giới nhất là giới trẻ Việt Nam hôm nay, không ra ngoài, không tụ tập là việc làm khó đối với họ. Chỉ cần có bữa tiệc nho nhỏ, cũng kéo cái loa thật to ra đường để tụ tập ăn nhậu, ca hát, lúc đầu thì hát - càng cuối tiệc thì hét, cả làng cả xóm phải chịu đựng bao cuộc vui như thế. Người trẻ, họ không còn khái niệm cũng như tâm tình của “lặng” hay “thầm lặng” “tĩnh lặng”, họ không còn ý thức về một sự tĩnh mịch, yên lặng cần thiết cho một khu phố, một ngôi làng trong đó có nhiều thành phần, nhiều thế hệ đang cùng chung sống. Nhiều cụ bà, cụ ông bệnh nằm một chỗ trong các gia đình xung quanh đau đầu nhức óc vì những cuộc vui của bọn trẻ mà không dám mở miệng nhắc nhở, chỉ biết thở than… Chính vì không có đời sống nội tâm, không biết tĩnh lặng, trầm tĩnh để nghe chính mình, nghe người khác, cảm nhận được muôn điều tốt đẹp trong cuộc sống. Nhiều người trẻ đã gục ngã, buông xuôi trước những náo động của khó khăn, cạm bẫy, thói hư…

“Thầm lặng” để cầu nguyện, “Thầm lặng” để ở bên Chúa, ở với Chúa rất tuyệt vời trong đời sống của chị em chúng ta trong lúc này. Thiên Chúa tình yêu đang tỏ lộ tâm tình sâu lắng Ngài dành cho chúng ta: “Ta sẽ lập với ngươi một hôn ước vĩnh cửu, Ta sẽ lập hôn ước với ngươi trong công minh và chính trực, trong ân tình và xót thương; Ta sẽ lập hôn ước với ngươi trong tín thành, và ngươi sẽ được biết Đức Chúa.” (Hs 2, 21-22). "Bởi thế, này Ta sẽ quyến rũ nó, đưa nó vào sa mạc, để cùng nó thổ lộ tâm tình". (Hs 2, 16)

Biến cố lịch sử này, Thiên Chúa muốn chị em chúng ta ở lại với Ngài để cảm sâu, hiểu thấu tâm tình Ngài muốn diễn tả, thổ lộ với mỗi người. Và trong “thầm lặng” của cõi lòng, chúng ta nhớ về tổ phụ Apraham và bắt chước tổ phụ khi ngài khéo léo năn nỉ, van xin, tranh luận để nhắc nhở về những lời Thiên Chúa hứa. Thiên Chúa muốn trừng phạt hai thành phố trụy lạc là Xôđôma và Gômôra. Được cho biết Người sắp ra tay hành động, Apraham đã khẩn khoản nài xin. Chúng ta thấy Apraham “cò kè bớt một thêm hai với Chúa”. Đầu tiên xin 50 người, rồi 45, rồi 40, rồi 30, rồi 20, rồi 10 người. Và rồi để được cứu, Xôđôma chỉ cần 10 người tốt lành thôi cũng không tìm được. Dù sao cuộc đối thoại của Apraham có thể coi là một lời cầu nguyện, một lời nài nỉ, van xin. Thiên Chúa không phải là Đấng thích trừng phạt và tiêu diệt, nhưng Người sẵn lòng bỏ qua những lỗi lầm cùng với lòng thống hối… trước lời cầu xin của con người.

Câu chuyện Thiên Chúa muốn trừng phạt hai thành phố trụy lạc Xôđôma và Gômôra làm cho chúng ta suy nghĩ về hiện tại, thời đại mình đang sống?

Đại lễ khấn của Hội Dòng chúng ta và nhiều Hội Dòng khác nữa trong năm nay chỉ diễn ra trong “thầm lặng”; “Thầm lặng” mời gọi chúng ta khám phá Thiên Chúa yêu thương mình cách đặc biệt. Đáp lại tình yêu đó mỗi người hãy vào sa mạc với Chúa để nghe Chúa thổ lộ tâm tình và trò chuyện với Chúa bằng lòng tin như tổ phụ Apraham: lắng nghe, tâm sự và ngay cả tranh luận với Chúa, nhưng luôn sẵn sàng đón nhận và thực thi thánh ý Người. Để nhờ, qua đời sống cầu nguyện thâm sâu cùng với những hy sinh, khổ chế, vui trong “thầm lặng” của lễ khấn dòng năm nay. Chúng ta tiếp tục van xin Thiên Chúa thương xót nhân loại. Thiên Chúa giàu lòng nhân ái sẽ cho nhân loại chúng ta sớm hưởng niềm hạnh phúc theo như kế hoạch của Ngài.

Và, đời chúng ta đã bị những nhộn nhịp, ồn ào, náo nhiệt chi phối quá nhiều, thời gian dành cho Chúa quá ít, không gian để ở với Chúa cũng gò bó chật hẹp. Nhiều lần chúng ta quá mệt mỏi vì những hoành tráng trong tổ chức, vất vả ngược xuôi vì lễ nghi, hình thức, đón tiếp để rồi không còn thời gian, sức lực cầu nguyện, không có bầu khí cho cầu nguyện. Áp lực của công việc, của gánh nặng trách nhiệm, những lo âu cho sự thành công, phát triển trong sứ mạng này, sứ vụ nọ đã choáng hết chỗ của Chúa nơi tâm trí và cõi lòng?

Qua biến cố này, thiết nghĩ mỗi người hãy dành nhiều thời gian hơn nữa để ở với Chúa, đừng đóng khung không gian, thời gian trò chuyện với Chúa nhưng hãy mở ra ở mọi nơi mọi lúc như một người con với cha của mình; lắng nghe Người, trả lời, tỉ tê, trò chuyện với Người… “Chúng ta sợ rằng Thiên Chúa sẽ bắt chúng ta dấn bước trên những nẻo đường mới lạ, phải bỏ lại sau lưng tất cả nhãn quan chật hẹp, khép kín, vị kỷ của riêng chúng ta, để mở ra những chân trời mới của Ngài. Thật thế, xuyên suốt lịch sử ơn cứu độ, bất cứ khi nào Thiên Chúa tỏ mình ra, Ngài đều đem đến những điều mới mẻ.” (ĐTC Phanxicô).

“Thầm Lặng” rất thích hợp, rất cần thiết để Thiên Chúa tỏ mình ra, để nghe tiếng Chúa, để cảm nghiệm tình yêu của Chúa quá mãnh liệt trong đời sống của mình. Từ trải nghiệm về Tình yêu sẽ có được kinh nghiệm gắn bó với Thiên Chúa. Gắn bó với Chúa, nghe được tiếng Chúa chắc chắn mỗi người sẽ nhạy bén với cách quyến rũ, cách tỏ tình của Người, sẵn sàng gạt bỏ mọi dự định thánh thiện, tính toán tốt lành của mình để chọn điều Chúa đề nghị. Bởi vì, một khi đã hiểu rõ đề nghị của Chúa mới thật sự mang lại cho mình điều tốt nhất mà thôi - lúc ấy, mỗi người sẽ có chung tâm tình với thánh nữ Têrêxa Hài Đồng Giêsu để thưa với Chúa: “Lạy Chúa, con chọn tất cả những gì Ngài muốn” trong mọi hoàn cảnh của người nữ tu Mến Thánh Giá hôm nay.

 


[1] x.GLCG số 2570

[2] x. Hc Điều 52/2

Tác giả bài viết: Nt. Anne Le (Dòng MTG Qui Nhơn)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

lich cong giao 2022 - 2023
tapsanmucdong
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập108
  • Máy chủ tìm kiếm71
  • Khách viếng thăm37
  • Hôm nay27,427
  • Tháng hiện tại649,847
  • Tổng lượt truy cập28,965,216

Chúng tôi trên mạng xã hội

CÁC GIÁO HẠT
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây