Hãy tỉnh thức và cầu nguyện để bảo vệ tâm hồn khỏi sự lười biếng thiêng liêng

Chúa nhật - 28/11/2021 09:57

Trong bài chia sẻ sáng Chúa nhật 1 Mùa vọng tại quảng trường thánh Phêrô, Đức Giáo hoàng Phanxicô mời gọi các tín hữu hãy tỉnh thức và cầu nguyện để bảo vệ tâm hồn khỏi sự lười biếng thiêng liêng. Chính điều này đã dập tắt lòng nhiệt thành truyền giáo và đam mê Tin mừng.


Anh chị em thân mến

Bài Tin Mừng của Phụng vụ hôm nay, Chúa nhật đầu tiên của Mùa vọng, tức là Chúa nhật đầu tiên chuẩn bị cho Lễ Giáng sinh, nói cho chúng ta biết Chúa sẽ đến vào ngày sau hết. Chúa Giêsu loan báo những biến cố về sự hoang tàng và đau khổ, nhưng đúng hơn, Ngài mời gọi chúng ta đừng sợ hãi. Tại sao? Có phải vì mọi thứ sẽ ổn? Không, nhưng là Ngài sẽ đến. Chúa sẽ trở lại, Chúa Giêsu sẽ đến, Ngài đã hứa điều đó. Chúa nói: “Các con hãy đứng dậy và ngẩng đầu lên, vì giờ cứu rỗi các con đã gần đến” (Lc 21, 28). Thật tuyệt vời khi nghe được Lời khích lệ này: Hãy vui mừng và hãy ngẩng đầu lên bởi vì chính trong những lúc dường như đã kết thúc thì Thiên Chúa lại đến để cứu rỗi chúng ta; chúng ta đợi chờ Ngài với niềm vui ngay cả trong một tâm trạng khổ đau, trong những khủng hoảng của cuộc đời và trong những thảm kịch của lịch sử. Hãy đón chờ Chúa. Nhưng làm sao chúng ta có thể ngẩng cao đầu, không bị đắm chìm giữa những khó khăn, đau khổ và thất bại? Chúa Giêsu chỉ đường cho chúng ta bằng cách mạnh mẽ nhắc lại: “Các con hãy giữ mình, kẻo lòng các con ra nặng nề […], các con hãy tỉnh thức và cầu nguyện luôn” (c. 34.36).

“Các con hãy cảnh giác”, tỉnh thức. Chúng ta tập trung vào khía cạnh quan trọng này của đời sống Kitô hữu. Qua những lời của Chúa Kitô chúng ta thấy rằng tỉnh thức được liên kết với sự chú ý: Các con hãy chú ý, hãy tỉnh thức, đừng để bị phân tâm, tức là hãy luôn tỉnh thức! Cảnh giác có nghĩa là: không được để lòng mình trở nên lười biếng và đời sống thiêng liêng trở nên tầm thường. Hãy chú ý vì bạn có thể trở thành những người “Kitô hữu ngủ say” – và chúng ta biết : có nhiều Kitô hữu đang say ngủ, bị mê hoặc bởi tinh thần thế tục – những người Kitô hữu không có sự thôi thúc thiêng liêng, không hăng hái cầu nguyện – họ cầu nguyện như những con vẹt – không nhiệt thành truyền giáo, không đam mê Tin mừng. Những người Kitô hữu luôn hướng nội, không có khả năng nhìn xa. Và điều này dẫn đến “ngủ gật”: kéo mọi thứ phía trước lại vì trì trệ, rơi vào trạng thái thờ ơ, dửng dưng với tất cả mọi thứ ngoại trừ những gì phù hợp với mình. Và đây là một lối sống đáng buồn, cứ tiếp tục như vậy thì không có hạnh phúc.

Chúng ta cần phải cảnh giác để không kéo lê những tháng ngày trong thói quen, để không làm cho mình ra nặng nề - Chúa Giêsu nói – bởi những lo lắng việc đời (x. c 34). Những lo lắng cuộc đời đè nặng chúng ta. Vì vậy, hôm nay là một dịp tốt để chúng ta tự vấn: điều gì đang đè nặng tâm hồn tôi? Điều gì đè nặng tinh thần của tôi? Điều gì khiến cho tôi phải ngồi trên chiếc ghế lười biếng? Thật đáng buồn khi thấy những người tín hữu “ngồi trên ghế bành”! Đâu là những thứ xoàng xỉnh làm cho tôi tê liệt, những tật xấu, thói xấu nào đang đè bẹp tôi xuống đất và ngăn cản khiến tôi không thể ngẩng đầu lên? Liên quan đến những gánh nặng trên vai của người anh em, tôi đang chú ý hay đang thờ ơ? Những câu hỏi này sẽ giúp chúng ta tốt hơn, vì chúng giúp bảo vệ tâm hồn khỏi biếng nhác. Nhưng thưa cha, hãy nói cho con biết: biếng nhác là gì? Đó là một kẻ thù lớn của đời sống thiêng liêng, cũng như đối với đời sống Kitô giáo. Biếng nhác là sự lười biếng tạo ra kết tủa, làm ta sa vào nỗi buồn, làm mất đi hương vị cuộc sống và khát vọng. Đó là một tinh thần tiêu cực, tinh thần hư đốn đóng chặt linh hồn vào trong sự lù đù, khi đánh cắp niềm vui của nó. Một tinh thần được khởi sự với nỗi buồn như vậy, sẽ trượt dần, sa ngã, và không có được niềm vui. Sách Châm ngôn nói: “Hãy gìn giữ tim con cho thật kỹ, vì từ đó mà sự sống phát sinh” (Cn 4, 23). Bảo vệ con tim: điều này có nghĩa là phải cảnh giác! Các con hãy tỉnh thức, hãy bảo vệ con tim của mình.

Và chúng ta thêm vào đây một thành phần thiết yếu: bí quyết để sống tỉnh thức là cầu nguyện. Thực vậy, Chúa Giêsu nói: “Các con hãy tỉnh thức và cầu nguyện luôn” (Lc 21, 36). Đó là lời cầu nguyện để giữ cho ngọn đèn tâm hồn cháy sáng. Đặc biệt khi chúng ta cảm thấy lòng nhiệt thành bị nguội lạnh, thì lời cầu nguyện sẽ khơi dậy nó, bởi vì lời cầu nguyện đưa chúng ta trở về với Chúa, trở lại trung tâm của tất cả mọi sự. Lời cầu nguyện đánh thức tâm hồn khỏi giấc ngủ và tập trung nó vào những gì có giá trị, vào mục đích của cuộc sống. Ngay cả trong những ngày bận rộn nhất, chúng ta cũng đừng sao lãng việc cầu nguyện. Tôi xem thấy trong chương trình “In the His Image”, một suy tư rất hay về cầu nguyện: nó sẽ chúng ta, khi cố gắng cầu nguyện sẽ giúp ích cho chúng ta. Lời cầu nguyện của con tim có thể giúp ích cho chúng ta, hãy thường xuyên lặp lại những lời nguyện ngắn.

Trong Mùa vọng, hãy làm quen với việc nói, chẳng hạn như: “Lạy Chúa Giêsu, xin hãy đến”. Chỉ như vậy thôi, hãy đọc: “Lạy Chúa Giêsu xin hãy đến”. Thời gian chuẩn bị cho Lễ Giáng sinh này thật tuyệt vời: chúng ta nghĩ đến hang đá, nghĩ đến Lễ Giáng sinh, và chúng ta nói từ cõi lòng: “Lạy Chúa Giêsu xin hãy đến”. Chúng ta lặp lại lời nguyện này suốt ngày, và linh hồn chúng ta sẽ tỉnh thức! “Lạy Chúa Giêsu xin hãy đến”: là một lời nguyện mà chúng ta có thể đọc chung với nhau ba lần: “Lạy Chúa Giêsu xin hãy đến, Lạy Chúa Giêsu xin hãy đến, Lạy Chúa Giêsu xin hãy đến”.

Và bây giờ chúng ta cầu xin Đức Mẹ: xin Mẹ là người luôn trông đợi Chúa với tâm hồn tỉnh thức, đồng hành với chúng ta trên hành trình Mùa Vọng.

 

Tác giả bài viết: G. Võ Tá Hoàng

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

lich cong giao 2022 - 2023
tapsanmucdong
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập53
  • Máy chủ tìm kiếm38
  • Khách viếng thăm15
  • Hôm nay10,548
  • Tháng hiện tại53,839
  • Tổng lượt truy cập29,033,377

Chúng tôi trên mạng xã hội

CÁC GIÁO HẠT
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây