Lược sử Giáo xứ Phú Hòa

Thứ sáu - 17/08/2018 11:20

GIÁO XỨ PHÚ HOÀ


I. VỊ TRÍ ĐỊA LÝ
Giáo xứ Phú hoà ngày nay bao gồm địa bàn các huyện Sơn Tịnh, Sơn Hà và Sơn Tây của tỉnh Quảng Ngãi, các xã Tịnh Ấn Tây, Tịnh Ấn Đông, Tịnh Phong, Tịnh An, Tịnh Châu, Tịnh Hòa, Tịnh Kỳ, Tịnh Khê, Tịnh Long, Tịnh Thiện và phường Trương Quang Trọng thuộc thành phố Quảng Ngãi. Trong đó bao gồm địa bàn của các giáo xứ bị mai một: Cù Và, Tân Lộc và Bình Đông.
Trung tâm sinh hoạt của giáo xứ là nhà thờ Phú Hòa tọa lạc tại 914 Võ Nguyên Giáp, thành phố Quảng Ngãi. 

II. ĐÔI DÒNG LỊCH SỬ 
1. Nguồn gốc
Giáo họ Thiên Lộc ngày nay, trước kia mang tên là Chợ Mới, một vùng đất đã đón nhận bước chân các thừa sai Dòng Tên từ thuở đầu công cuộc truyền giáo trong Giáo phận. Năm 1641, cha Đắc Lộ đến Chợ Mới,[1] phía Bắc thành phố Quảng Ngãi khoảng 7 km, cha được giáo dân ở đây tiếp đón long trọng. Theo nhận xét của cha,  giáo dân ở đây sống đạo tốt là nhờ gia đình ông Phaolô và bà Mônica. Ông cụ Phaolô tập họp và hướng dẫn cộng đoàn cầu nguyện trong một nhà nguyện vào tất cả các ngày Chúa nhật.[2]

Cha Antoine Hainques, thừa sai Paris qua đời và được an táng tại Chợ Mới trong tháng 12 năm 1670. Trong chuyến kinh lý mục vụ đầu tiên của Đức cha Pierre Lambert de la Motte tại Đàng Trong từ ngày 01 tháng 09 năm 1671 đến ngày 29 tháng 03 năm 1672, Đức cha có đến thăm giáo dân Chợ Mới, Quảng Ngãi. Đức cha được giáo dân Chợ Mới dẫn đến viếng mộ cha Antoine Hainques. Họ cầu nguyện: “Ou thanh Anton Haincq cha yeu chung toi, cau cho chung toi” (Ông thánh Antôn Haincq cha yêu chúng tôi, cầu cho chúng tôi). Đức cha rất cảm động và rất ngạc nhiên vì giáo dân đã phong thánh cho cha Hainques. Nhưng Đức cha không cho họ cầu nguyện công khai như thế nữa, và giải thích chọ họ hiểu rằng việc phong thánh chỉ dành cho Tòa Thánh. [3]

Theo thống kê năm 1747, toàn tỉnh Quảng Ngãi do các thừa sai Dòng Tên phụ trách, phần đất thuộc giáo xứ Phú Hòa ngày nay, lúc bấy giờ có Chà Là (Phú Hòa) gồm 50 giáo dân, Phường Chuối (Tân Lộc) 30, Bờ Ải (Vạn Lộc) 80.[4]

Trong số các thừa sai Paris làm việc tại Quảng Ngãi ở giai đoạn tiền bán thế kỷ XIX, cha François Bringol Xuyên qua đời tại Phước Thọ ngày 22 tháng 12 năm 1841.[5]
Theo báo cáo năm 1850 của Đức cha Cuénot Thể, tại phần đất giáo xứ Phú Hòa ngày nay, lúc bấy giờ đã có Phú Hòa với 234 tín hữu, Chà Là 206, Thanh Cù (Cù Và) 394, Phước Thọ 251, Bàn Cờ 91,[6] Vạn Lộc 442, Tân Lộc 314, Chợ Mới 91, Đồng Cọ 172.[7]

Trước và sau thời điểm năm 1850 một thời gian ngắn, chưa tìm thấy có linh mục thường xuyên ở tại Phú Hoà. Trong thời kỳ không có nhiều linh mục, một linh mục thừa sai có thể phụ trách cả một vùng truyền giáo rộng lớn, rày đây mai đó, ít khi “thường trú” một nơi. Một khi giáo điểm nào phát triển mạnh, có đông tín hữu và số linh mục có thể đáp ứng được thì giáo điểm ấy có thể có một linh mục đến ở thường xuyên và phụ trách các giáo điểm xung quanh. Theo tiểu sử các linh mục còn được lưu giữ, hiện biết cha Fourmond Thảo là linh mục đầu tiên được bổ nhiệm phụ trách hai nhiệm sở Phú Hoà và Trung Sơn.

2. Địa sở Phú Hòa
Cha Constant Fourmond Thảo thụ phong linh mục năm 1869, nhập Giáo phận Đông Đàng Trong và học tiếng Việt ở Bình Định. Sau 3 năm ở Gia Hựu, năm 1872 cha được bổ nhiệm phụ trách hai nhiệm sở Phú Hoà và Trung Sơn[8] thuộc Quảng Ngãi. Cha đã thành lập nhà thờ Phú Hoà. Có thể xem đây là thời điểm thành lập địa sở Phú Hòa.
Sau cha Fourmond Thảo là cha André Marie Garin Châu. Cha thụ phong linh mục ngày 16 tháng 03 năm 1878. Học tiếng Việt tại Làng Sông, sau đó cha được bổ nhiệm phụ trách vùng Quảng Ngãi. Năm 1880 cha thành lập họ đạo Văn Bân thuộc địa sở Bàu Gốc, rồi từ đó có lẽ cha di chuyển dần ra phía Bắc Quảng Ngãi, làm cha sở Phú Hòa. Trong 2 năm cha lập được nhiều điểm truyền giáo, lập nhà thương tại Phú Hòa. Sau đó cha đi làm cha sở Cù Và và năm 1885 cha bị Văn Thân sát hại tại Phường Chuối (Tân Lộc).[9]

Cha Louis Charles Guégan Hoàng đến Giáo phận Đông Đàng Trong ngày 22 tháng 11 năm 1882, học tiếng Việt tại Sông Cát và khởi sự đời tông đồ tại Quảng Ngãi. Cha được bổ nhiệm cai quản địa sở Phú Hoà. Vào ngày 18 tháng 07 năm 1885, cha Guégan cùng với 500 tín hữu bị Văn Thân sát hại tại Phú Hoà (Chà Là),[10] trong số nầy có 40 nữ tu Mến Thánh Giá. Sau biến cố này, có một số tín hữu còn sống sót trở thành hạt nhân phát triển địa sở Phú Hoà như ông Trùm Tám và ông Câu Toản. Ông Câu Toản tên là Philipphê Nguyễn Khoa,  sinh và chịu phép rửa tội năm 1870, là thân sinh của cha Phêrô Nguyễn Văn Chương.  Ông Trùm Tám tên thật là Tôma Võ Phương, sinh và rửa tội năm 1854, là ông ngoại của cha Philipphê Huỳnh Tòa, nhờ người lương che giấu nên thoát khỏi cuộc bách hại Văn Thân. Chính ông đã chuộc lại từ gia đình người lương một người cháu tên là Giacôbê Đặng Sử, ông nội của cha Giacôbê Đặng Công Anh. Ông đem cháu về nuôi dưỡng vì cha mẹ của ông Sử đã bị Văn Thân sát hại trong ngày 18 tháng 07 năm 1885.

Sau cuộc tàn sát của Văn Thân không có linh mục thường xuyên ở tại Phú Hòa, nên các cha ở Trung Sơn và Cù Và thay phiên đến làm việc mục vụ, ban các bí tích, cho đến năm 1900 mới có cha sở riêng.
Nhà thờ Phú Hòa ở xóm Chà Là bị Văn Thân đốt phá. Sau Văn Thân, vị trí nhà thờ được dời đến xóm Lô Đô, vị trí hiện nay. Thời cha Denis Eugène Poyet Thuận (1922-1932), nhà thờ tranh bị cháy do ông từ nhà thờ bất cẩn khi đốt đèn đọc kinh. Theo truyền tụng, cố Thuận đã khóc khi thấy nhà thờ thành đống tro tàn. Nhà thờ hiện nay do cố Thuận xây dựng lại. Đến thời cha Phêrô Nguyễn Đình Tịch (1943-1945), cha đã đổi một thửa đất cho ông Đinh để lấy thửa đất liền kề nhà thờ, xây nhà vuông như vị trí hiện nay.

Theo quyết định của Hội đồng Giáo phận họp tại Tòa Giám mục Qui Nhơn ngày 06 tháng 02 năm 1961, địa sở Phú Hòa được tuyên bố là một trong số 49 giáo xứ chính thức theo giáo luật (Paroecia) trong Giáo phận Qui Nhơn (lúc ấy chưa chia tách Giáo phận Đà Nẵng).[11] 

Trong thời gian chiến tranh, phần đông giáo dân các giáo xứ đã di cư và đã ổn định cuộc sống nên họ không về lại quê. Sau năm 1975 các giáo xứ Cù Và, Tân Lộc và Bình Đông còn rất ít giáo dân, lại nữa, hầu hết các nhà thờ và cơ sở tôn giáo đều bị hoang phế hoặc bị chiếm dụng. Do đó số giáo dân còn lại của các giáo xứ ấy được sáp nhập vào giáo xứ Phú Hòa. Nhà thờ Phú Hòa là trung tâm sinh hoạt của giáo dân trong ba huyện Sơn Tịnh, Sơn Hà và Sơn Tây của tỉnh Quảng Ngãi.

Sau ngày 25 tháng 03 năm 1975, cô nhi viện Quảng Ngãi bị giải tán, các em cô nhi phải tản mác. Một số em được đưa đến cơ sở đất Nhà chung tại Phú Hòa tá túc và dần dần hình thành nên cô nhi viện Phú Hòa cho đến hôm nay.

Ngày 10 tháng 09 năm 2009, Đức cha Phêrô Nguyễn Soạn bổ nhiệm cha Tađêô Lê Văn Ý làm cha sở Phú Hòa.
Trong giáo xứ có ngôi nhà nguyện giáo họ Hà Nhai do cha Phêrô Khổng Văn Giám xây dựng từ năm 1963. Hà Nhai là tên gọi cũ, theo địa danh của thôn Hà Nhai thuộc xã Tịnh Hà. Hiện nay ngôi nhà thờ nầy thuộc thôn Độc Lập, xã Tịnh Ấn Tây với tên gọi mới là nhà thờ giáo họ Phú Long. Sau thời gian chiến tranh loạn lạc trong 2 thập niên 60-70, giáo dân xiêu tán, nhà thờ hoang phế. Tháng 10 năm 2009, cha Ý tu bổ tạm để có thể dâng lễ hàng tuần vào mỗi Chúa nhật. Sau nhiều cố gắng, nhà thờ Phú Long được trùng tu khang trang. Ngôi nhà thờ mới đã được cha Giuse Trương Đình Hiền, Hạt trưởng Quảng Ngãi làm phép ngày 29 tháng 09 năm 2015, dịp lễ Bổn mạng của giáo họ.

Cơ sở của giáo xứ đã được xây dựng và sử dụng nhiều năm, cha Ý lần hồi tu sửa, sơn lại nhà thờ, trùng tu nhà xứ, xây mới nhà giáo lý. Nhà xứ và nhà giáo lý được Đức cha Matthêô làm phép ngày 14 tháng 01 năm 2014.

Cha Ý còn chú trọng đến mồ mả các vị tiền bối. Cha cho xây lại mộ cha Garin Châu ở Tân Lộc (2010); cải táng mộ cha Bringol Xuân ở Phước Thọ; xây lại mộ cha Guégan Hoàng (2012), trước đó là ngôi mộ đất tọa lạc trong khu vườn hiện nay của bà Maria Nguyễn Thị Huân, còn gọi là bà Luyện, nguyên là khu vườn nhà thờ Chà Là; xây lại mộ thầy Thomas An, thầy giảng, sinh 1910, con của Alazare ở Pondichery, qua đời năm 1933 tại Cù Và.

Hiện nay cha Phêrô Maria Hà Đức Ngọc là cha sở Phú Hòa. Cha đang tiếp tục hoàn thành các thủ tục hành chánh để xây dựng nhà thờ tại Phước Thọ và nhà thờ Chợ Mới (Thiên Lộc) mà cha Tađêô Lê Văn Ý đã khởi động từ khi cha làm cha sở Phú Hòa.

Cuối năm 2017 giáo xứ Phú Hòa có 452 gia đình, 1.796 tín hữu, được phân bố trong 15 giáo họ: Phú Hòa 962, Phú Long 204, Thiên Lộc 214, Sơn An 30, Sơn Phú 10, Cù Và 87, Phước Thọ 130, An Hòa 20, Tân Lộc và Vạn Lộc 41, Đồng Cọ 12, Bình Đông 22, Trà Sơn 26, Sơn Hà 24, Sơn Tây 14.

3. Các cha sở và cha phó
- Các cha sở
1. Cha Constant Fourmond Thảo (1873-1878).
2. Cha André Marie Garin Châu, (1880-1882)
3. Cha Louis Charles Guégan Hoàng (1882-1885).
5. Cha Charles Léon Salomez Quới (1900-1904).
6. Cha Pierre Noel Misson Sơn (1905-1907).
. Cha Antoine Sudre Thọ, cha sở Cù Và kiêm nhiệm (1907-1909).
7. Cha Phêrô Yến (1909-1914).
. Cha Alexis Boivin Nhã, cha sở Cù Và kiêm nhiệm (1914-1923).
8. Cha Denis Eugène Poyet Thuận (1922-1932).
. Cha Marius Julien Jean Gioan, cha sở Cù Và kiêm nhiệm (1933-1937).
9. Cha Phêrô Nguyễn Thanh Quý (1937-1941).
10. Cha Phaolô Bường (1942-1943).
11. Cha Phêrô Nguyễn Đình Tịch (1943-1945).
12. Cha Phêrô Nguyễn Cơ (1946-1949).
13. Cha Gioakim Huỳnh văn Hóa (1950-1951).
14. Cha Tôma Bùi Đức (1951-1957).
15. Cha Phaolô Huỳnh Tấn Ngoan (1957-1959).
16. Cha Phêrô Khổng Văn Giám (1959-1965).
17. Cha Phaolô Nguyễn Thanh Lịch (1965-1967).
18. Cha Gioan Baotixita Đỗ Trung Thanh (1967-2007).
. Cha Tađêô Lê Văn Ý, quản nhiệm (2007-2009).                          
19. Cha Tađêô Lê Văn Ý (2009-2015).                                                
20. Cha Phêrô Maria Hà Đức Ngọc (2015-…).

- Các cha phó
1. Cha Phêrô Nhượng (1906-1907).
2. Cha Tôma Thiềng (1910-1912).
3. Cha Gioakim Nguyễn Lịch (1916-1918).
4. Cha Phêrô Nguyễn Sĩ Tư (1927-1934).
5. Cha Lu-y Nguyễn Bảo (1941-1942).
6. Cha Phêrô Khổng Văn Giám (1958-1959).
7. Cha Tađêô Lê Văn Ý (1999-2007).
8. Cha Phaolô Trần Thanh Nhân (2015).

4. Linh mục, tu sĩ xuất thân từ giáo xứ
          - Linh mục :
1. Cha Antôn Bản, Khánh Mỹ, Tịnh Trà, Sơn Tịnh, † 1902.
2. Cha Phêrô Nguyễn Văn Chương, Phú Hoà, († 1947).
3. Cha Philipphê Huỳnh Tòa, Phú Hoà, († ).
4. Cha Đôminicô Võ Ngọc Hoàng, Tân Lộc, (†1968).
5. Cha Giacôbê Nguyễn Thành Tri, Tân Lộc,  († 2000).
6. Cha Giacôbê Đặng Công Anh, Tân Lộc.
7. Cha Giacôbê Nguyễn Văn Thanh, Tân Lộc, (làm việc tại Hoa Kỳ).

          - Tu sĩ :
          Phú Hoà :
          1. Tu huynh Micae Lý Mẫu, Dòng Chúa Cứu Thế.
          2. Nữ tu Anê Nguyễn Thị Ái Khanh, Phước viện Mến Thánh Giá, († 2008). 
3. Nữ tu Maria Nguyễn Thị Hồng, Phước viện Mến Thánh Giá, († 2015).
          4. Nữ tu Maria Macta Nguyễn Thị Lựu, Dòng MTG Qui Nhơn.
          5. Nữ tu Maria Martine Lê Thị Đa, Dòng MTG Qui Nhơn (1980).
          6. Nữ tu Mađalêna Aurélie Khen, Dòng MTG Qui Nhơn, (1933).
          7. Nữ tu Anê Berthe Đỗ Thị Điệp, Dòng MTG Qui Nhơn,  (2008).
8. Nữ tu Maria Nguyễn Thị Ngân (Đồng), († 2000).
          9. Nữ tu Maria Marcelline Huỳnh Thị Thủ, Dòng MTG Qui Nhơn, (†1987).
          10. Nữ tu Anê Vy Thị Hồng Liên, Dòng Phan sinh Thừa sai Đức Mẹ.

          Thiên Lộc :
          11. Nữ tu Thương, Phước viện Mến Thánh Giá.
          12. Nữ tu Anê Đào Thị Kim Tuấn , Dòng MTG Qui Nhơn.

          Tân Lộc :
          13. Nữ tu Assumpta, Dòng Thánh Phaolô.
          14. Nữ tu MariaTêrêxa Minh Tuyền, Dòng Khiết Tâm Đức Mẹ Bình Cang.
          15. Nữ tu Anne Marie Hà Mai Anh, Dòng MTG Qui Nhơn, (†2005).
          16. Nữ tu Marie Albert, Dòng Bác Ái Vinh Sơn.
          17. Nữ tu Maria Phan Thị Mỹ Liễu, Dòng MTG Phan Thiết.
          18. Nữ tu Lucia Nguyễn Thị Thúy Nga, Dòng MTG Đà Lạt.


 


[1] Chợ Mới là một giáo điểm truyền giáo rất lâu đời bên bờ Bắc sông Trà Khúc.

[2] Xem ALEXANDRE DE RHODES, Hành trình và truyền giáo, bản dịch của Hồng Nhuệ, Ủy ban Đoàn kết Công giáo TP. HCM, 1994, tr. 101.

[3] Theo bài tường thuật của cha Vachet trong A. LAUNAY, Histoire de la Mission de Cochinchine 1658-1823. Documents historiques I, 1658-1728, P. Téqui, Paris 1923, tr. 64, cha Vachet ghi việc thăm mộ cha Hainques tại Bin-sung (Binh-son), nơi khác cha ghi Bizung và cha cũng xác định mộ cha Brindeau ở Bottay (Bau-tay) cách không xa Binsung. Trong tiểu sử của cha Hainques, nhà MEP ghi ngài qua đời vào tháng 12 năm 1670 tại Phô-moi, Quang - Ngai. Các địa danh trên được các nhà sử học Việt Nam xác định Binsung hay Bizung chính là Bình Sơn; Phô-moi chính là Chợ Mới hay là Phố Mới.
Cha Vachet ghi mộ cha Hainques tại Bình Sơn là ghi theo địa danh huyện, phủ thời bấy giờ. Chẳng hạn, hiện nay có nhà thờ Vân Canh của giáo họ Vân Canh thuộc giáo xứ Ngọc Thạnh, Giáo phận Qui Nhơn. Về mặt hành chánh, Vân Canh là một huyện thuộc tỉnh Bình Định.
Theo Địa chí Quảng Ngãi, UBND tỉnh Quảng Ngãi, 2005,  mục thành phố Quảng Ngãi và các huyện:  Đời nhà Hồ đất Bình Sơn mang tên là huyện Trì Bình trong châu Tư, thuộc lộ Thăng Hoa. Đến đời nhà Lê, huyện Bình Sơn mang tên là huyện Bình Dương, sau đổi thành huyện Bình Sơn thuộc phủ Tư Nghĩa.
Năm 1890, các làng, xã, ấp phía Nam Bình Sơn được tách ra, thành lập châu Sơn Tịnh, huyện Bình Sơn đổi gọi là phủ Bình Sơn. Năm thứ 11 đời vua Thành Thái (1899), châu Sơn Tịnh được cải làm huyện Sơn Tịnh. Như vậy cách viết của nhà MEP (Phô-moi tức Chợ Mới) hay cách viết của cha Đắc Lộ (Chợ Mới) và cách ghi của cha Vachet (Binsung tức Bình Sơn) đều muốn chỉ một địa điểm là Chợ Mới, một giáo điểm phía Bắc bờ sông Trà Khúc. Nay là giáo họ Thiên Lộc thuộc giáo xứ Phú Hòa. Về hành chánh, Chợ Mới thuộc thôn Lâm Lộc, xã Tịnh Hà, huyện Sơn Tịnh ngày nay. Xác định địa danh như thế là phù hợp với chi tiết cha Vachet định vị mộ cha Brindeau ở Bottay (Bau-tay, nay là giáo họ Xóm Bàu, An Chỉ Đông ) cách không xa Binsung.

 

[4] Xem A. LAUNAY, Histoire de la Mission de Cochinchine, II, sđd., tr. 189.

[5] Nguyên mộ của cha nằm sát bờ sông Giang, nhánh sông đầu nguồn của sông Trà Khúc. Giáo dân Phước Thọ đã cải táng, đưa cha về an nghỉ bên phần mộ tử đạo ở Phước Thọ.

[6] Nay là vùng Đông Hòa, xã Tịnh Giang, huyện Sơn Tịnh. Địa giới thuộc giáo xứ Cù Và ngày xưa.

[7] Xem Mémorial Mission de Quinhon , No 58 , 31 Octobre 1909, tr. 151.

[8] Trung Tín sau này.

[9] Ngôi mộ của cha đã được xây lại từ năm 2010.

[10] Cách nhà thờ Phú Hòa hiện nay khoảng 250 m về phía Tây.

[11] Xem Bản thông tin địa phận Qui Nhơn, số 22, tháng 5 và 6 năm 1961, tr. 13.

Tác giả bài viết: BBT lịch sử giáo phận

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

lich cong giao 2022 - 2023
tapsanmucdong
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập179
  • Máy chủ tìm kiếm38
  • Khách viếng thăm141
  • Hôm nay23,366
  • Tháng hiện tại596,390
  • Tổng lượt truy cập28,911,759

Chúng tôi trên mạng xã hội

CÁC GIÁO HẠT
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây