Lược sử Giáo xứ Trà Kê

Thứ năm - 19/07/2018 20:31

LƯỢC SỬ GIÁO XỨ TRÀ KÊ

(Bổn mạng: Thánh Giuse 19/3)

I. VỊ TRÍ ĐỊA LÝ         
Phần đất giáo xứ Trà Kê bao gồm các thôn xã của huyện Sơn Hòa, tỉnh Phú Yên: Xã Phước Tân, xã Sơn Hội, xã Cà Lúi, xã Sơn Định, thôn Tân Hiên xã Sơn Phước.           
Trung tâm sinh hoạt của giáo xứ là nhà thờ Trà Kê, thôn Tân Hội, xã Sơn Hội, huyện Sơn Hòa, tỉnh Phú Yên, trên trục Quốc lộ 19C.

Phần đất giáo xứ Trà Kê thuộc vùng núi cao của Phú Yên, ngày xưa đường đi hiểm trở, các cụm dân cư thường cách xa nhau. Đây là vùng đất đỏ bazan, khí hậu mát mẻ, do đó còn được gọi là cao nguyên Trà Kê. Ông A. Laborde, Quản lý dịch vụ dân sự Đông Dương, đề cập đến Trà Kê khi viết về Phú Yên: "Ở đây không có mưa phùn gió lạnh ở Bắc Kỳ, mưa dầm ẩm ướt ở Huế, khí hậu nặng nề ở Nam Kỳ… có thể lập ở Trà Kê trạm nghỉ mát, dù đường đi đến đó còn khó khăn".[1]

Hiện nay đường về Trà Kê không khó khăn như xưa. Quốc lộ 19C, quốc lộ 25 và ĐT 643 đều dẫn về Trà Kê.[2] Khu vực ngã ba Trà Kê là điểm giao thương của ba xã miền núi: Sơn Hội, Cà Lúi và Phước Tân của huyện Sơn Hòa. Do đó người dân còn gọi chợ Trà Kê là chợ ba xã.


II. ĐÔI DÒNG LỊCH SỬ
1. Nguồn gốc
Trong báo cáo của Đức cha Stêphanô Thể gởi về Hội Thừa sai Paris năm 1850, chưa thấy có tên một giáo điểm hoặc một nhà thờ nào thuộc vùng đất giáo xứ Trà Kê ngày nay. Trong báo cáo năm 1897 của Đức cha Van Calmelbeke Hân có ghi: “Nhà thờ Trà Kê được hoàn thành. Nhà thờ nầy được xây lại trên nền nhà nguyện cũ đã có trước năm 1861”.[3] Như thế Trà Kê là một giáo điểm được các thừa sai Paris thành lập sau năm 1850 và trước năm 1861. Năm 1867, vừa sau khi thụ phong linh mục, cha Tađêô Tín quê Phú Thượng được bổ nhiệm phụ trách Trà Kê, Cây Da và Đồng Tre cho đến khi cha François Chatelet Thuông đến thay thế .[4]

Cha Chatelet sinh ngày 20 tháng 04 nawm 1855 tại Pháp. Thụ phong linh mục ngày 26 tháng 09 năm 1880, tháng 10 năm 1880 cha lên đường đến Việt Nam, cha được bổ nhiệm đến Trà Kê. Khi sự bách hại của Văn Thân năm 1885 làm cho vùng Trà Kê không được an toàn, cha Chatelet đưa giáo dân tập trung về họ đạo Cây Da, cách Trà Kê khoảng 8 km về hướng Đông-Bắc, một vị trí tương đối hiểm trở, có suối bao bọc xung quanh. Cha lập phòng tuyến bằng rào tre nhằm bảo vệ nhóm tín hữu Trà Kê - Đồng Tre và các vùng ở miền xuôi tập trung về.

Ngày 26 tháng 08 năm 1885 Văn Thân đã phá được phòng tuyến, xông vào nhà thờ Cây Da sát hại cha Chatelet và một số tín hữu. Thầy Anrê Cậy đang giúp xứ Cây Da, bị đâm vào cổ, thầy ngã nằm chung với các tín hữu đã bị sát hại, Văn Thân tưởng thầy đã chết, sau đó thầy được cứu sống và thụ phong linh mục. Lòng đất Cây Da đã được vinh hạnh đón nhận thân xác cha Chatelet và một số tín hữu cùng dâng hy lễ máu đào trong ngày lịch sử ấy. Cha Chatelet đã được an táng ngay tại nền nhà thờ Cây Da. Năm 1991, thầy Giuse Lê Thu Thâu và một số giáo dân Trà Kê cải táng, đưa về nhà An Bình giáo xứ Tuy Hoà. Năm 2012, cha được đưa về an nghỉ bên hang đá Đức Mẹ Trà Kê. Bên cạnh mộ phần của cha hiện nay có cây da, nguyên là một nhánh nhỏ của gốc cây da cổ thụ đã bị đốt cháy từ nền nhà thờ Cây Da được đưa về nhà thờ Trà Kê. Khi được đưa về Trà Kê, tưởng chừng gốc da cổ thụ thành gốc củi khô. Sau một thời gian dài, qua một mùa mưa, từ gốc da cổ thụ ấy nẩy ra một mầm da mới, nay chim trời đã đến làm tổ trên cành.

Sau khi cha Chatelet bị sát hại, giáo dân Cây Da vẫn cố gắng phòng thủ, cầm cự gần 2 tháng trước sự bao vây và tấn công nhiều đợt của Văn Thân. Ngày 29 tháng 8, giáo dân phản công trước vòng vây hùng hậu của Văn Thân, và thu được nhiều binh khí, trong đó có thanh gươm với cán bằng ngà voi. Được sự ủy nhiệm của Đức cha Van Camelbeke Hân, trưa ngày 03 tháng 10 năm 1885, cha Joseph Auger Đoàn và cha Phêrô Huề cùng 283 giáo dân Bình Định có trang bị 70 súng trường và 30 cây giáo cùng với lương thực, lên chiến thuyền của ông Le Gorrec từ Qui Nhơn vào cập bến Vũng Lắm. Từ Vũng Lắm, đoàn đi bộ đến Cây Da, sáng ngày 05 tháng 10 năm 1885 giáo dân Cây Da được giải cứu. Để được an toàn hơn, cha Auger và cha Huề dẫn đoàn tín hữu còn sống sót về Qui Nhơn. Thanh gươm nói trên được mang tặng cho ông Le Gorrec, chỉ huy trưởng chiến thuyền Chasseur, như một món quà của lòng biết ơn.[5]

Sau thời gian bị bách hại, tình hình được yên ổn, đầu năm 1887 Đức cha Van Calmelbeke Hân bổ nhiệm cha Joseph Guitton Thông cùng 2 cha phụ tá là cha Gioakim Đạt và cha Phêrô Huề đến Phú Yên. Cha Guitton phụ trách phía Tây Phú Yên, ở tại Cây Da. Cha Gioakim Đạt và cha Phêrô Huề phụ trách phía Nam Phú Yên, ở tại Hoa Vông.

Tháng 09 năm 1888 Đức cha Van Camelbeke chia Phú Yên làm 2 vùng: Cha Guitton phụ trách vùng Nam Phú Yên, đặt cư sở tại Hoa Vông, cha Gioakim Đạt làm phụ tá. Cha Lacassagne phụ trách vùng phía Bắc Phú Yên đặt cư sở tại Mằng Lăng, có cha Phêrô Huề  làm phụ tá ở tại Cây Da. Lúc bấy giờ vùng Trà Kê, Cây Da, Đồng Tre thuộc vùng Bắc Phú Yên, do cha sở Mằng Lăng đảm trách mục vụ.

Tháng 02 năm 1893, cha Giuse Trần Nhi được bổ nhiệm về Cây Da, cha Huề đi truyền giáo Củng Sơn. Hơn 4 tháng sau, cha Antôn Bản từ Ninh Hoà được bổ nhiệm về Cây Da, cha Nhi hoạt động truyền giáo ở Củng Sơn, cha Huề về Phú Điền, quê hương của ngài. Năm 1895 cha Wendling Linh được bổ nhiệm phụ trách mục vụ vùng Trà Kê - Cây Da, cha Nhi làm phụ tá hoạt động truyền giáo ở Tịnh Sơn. Cha Antôn Bản vẫn là phụ tá cho cha Lacassagne về ở tại Gò Duối.

Năm 1896, vùng truyền giáo Phú Yên được chia thành 3 địa sở: Mằng Lăng, Hoa Vông và miền núi. Cha Lacassagne ở Mằng Lăng, cha Dubulle Phương ở Hoa Vông và cha Wendling đảm nhiệm vùng miền núi Phú Yên, ở tại Trà Kê. Năm 1897, cha Wendling hoàn thành ngôi nhà thờ mới tại Trà Kê.

Năm 1901 cha Wendling được bổ nhiệm về Mằng Lăng, cha Émile Perreaux Qui đến ở tại Cây Da trong một thời gian ngắn. Cùng năm 1901 cha Porcher Kính được bổ nhiệm về Cây Da. Ngày 14 tháng 07 năm 1901 cha Antôn Cẩm về Tịnh Sơn thay thế cha Nhi. Theo báo cáo năm 1903 của Đức cha Grangeon Mẫn, toàn vùng Trà Kê có 2.055 tín hữu rải rác trong 20 cộng đoàn rất cách xa nhau.

Tháng 08 năm 1905 cha Phêrô Giảng về Cây Da phụ tá cho cha Porcher, sau đó cha Porcher về kiến thiết Đồng Tre, thường xuyên ở tại Đồng Tre cho đến năm 1918, cha Porcher được bổ nhiệm làm cha sở Hoa Vông.
Trong chuyến viếng thăm mục vụ Phú Yên, vào ngày 18 tháng 04 năm 1907 Đức cha Grangeon Mẫn đến Trà Kê và ngày 20 làm phép nhà thờ Trà Kê vừa mới được cha Porcher tu sửa.

Năm 1910 cha Phêrô Giảng đổi đi Bàu Gốc, cha Giacôbê Lê Kim Dung được bổ nhiệm làm phụ tá cho cha Porcher. Cha Dung ở tại Trà Kê. Trà Kê – Cây Da lúc nầy là họ đạo thuộc Đồng Tre. Trong thống kê năm 1910-1911 vùng Phú Yên có 4 địa sở:[6]
- Mằng Lăng : 19 giáo điểm với 1.790 giáo dân do cha Wendling phụ trách.
- Đồng Tre :    10 giáo điểm với 1.093 giáo dân do cha Porcher phụ trách.
- Hoa Vông :   13 giáo điểm với 1.113 giáo dân do cha Lalanne phụ trách.
- Tịnh Sơn :     4 giáo điểm với 305 giáo dân do cha Phaolô Trần Huấn phụ trách.

   2. Thành lập địa sở Trà Kê
Cuối năm 1919, Trà Kê được tách khỏi Đồng Tre để thành lập địa sở. Cha Giacôbê Lê Kim Dung được bổ nhiệm làm cha sở. Địa sở Trà Kê đã hiện diện trong bảng thống kê hiện tình Giáo phận năm 1919-1920, phần tỉnh Phú Yên:[7]
 - Mằng Lăng                       1.715 giáo dân
- Đồng Tre                               410 giáo dân
- Trà Kê                                   555 giáo dân
- Tịnh Sơn                               630 giáo dân
- Hoa Vông                             570 giáo dân.
Tháng 06 năm 1928, cha Giacôbê Dung từ Trà Kê về làm cha sở Mằng Lăng. Từ đó, trong khoảng thời gian 15 năm (1928-1943), Trà Kê - Cây Da do cha sở Tịnh Sơn kiêm nhiệm: 
- Cha Antôn Phạm Cảnh Chẩm (1928-1931)
- Cha Tôma Triều (1931-1935)
- Cha Phaolô Nguyễn Xuân Bàn (7/1935-8/1935)
- Cha Anrê Nguyễn Văn Tường (1936-1940)
- Cha Phêrô Lê Vĩnh Phước (1940-1943)
Tháng 8 năm 1943, cha Augustinô Nguyễn Cao Thìn được bổ nhiệm làm cha sở Trà Kê, nhưng chỉ trong thời gian ngắn. Tháng 04 năm 1944, cha Antôn Dẫn được bổ nhiệm làm cha sở Trà Kê, thay cha Augustinô Thìn được bổ nhiệm làm cha sở Lạc Điền.[8] Năm 1947, cha Antôn Dẫn bị bắn chết và thiêu đốt trên đống gỗ được cha chuẩn bị để làm nhà thờ Trà Kê.

3. Giai đoạn sáp nhập vào giáo xứ Tịnh Sơn (1975-2009)
Trà Kê là vùng núi cao hiểm trở, từ khi chiến tranh Việt - Pháp xảy ra, nhà thờ bị đốt cháy, cha sở bị bắn chết, giáo dân di cư, chỉ còn lại số ít nên mọi sinh hoạt tôn giáo đều tập trung về Tịnh Sơn. Trà Kê – Cây Da lúc bấy giờ trở thành họ đạo của Tịnh Sơn. Hầu hết thời gian từ năm 1946 đến năm 1975, Trà Kê – Cây Da nằm trong vùng chiến tranh, dân chúng từ từ di tản đi các nơi. Xóm làng, nhà thờ dần dần trở thành hoang phế.

Sau khi chiến tranh kết thúc, giáo dân dần dần hồi cư. Cha Phêrô Tuần Nguyễn Cao Hiên từ nhà thờ Củng Sơn tìm mọi cách vượt suối băng rừng đi đến Trà Kê thăm viếng, qui tụ, an ủi giáo dân. Lúc ban đầu cha thường qui tụ dâng lễ, giải tội tại nhà ông Sáu Rỡ. Từ nhà thờ Củng Sơn đến Trà Kê 21 km, phương tiện tốt nhất lúc bấy giờ là đi bộ, chiếc xe đạp cũ kỹ của cha chủ yếu dắt theo để thồ chút đồ lễ và đồ dùng thô sơ, thậm chí có khi phải tháo bánh xe, chuyển từng món qua suối, ráp lại, lên đường. Cha đã có mặt với giáo dân trên từng cây số, trên từng địa hình. Ông Giacôbê Nguyễn Trường Côn (Dư Hứa), một giáo dân lớn tuổi ở Trà Kê từng bộc bạch: "Không có cha Hiên, chúng con không còn đức tin".

Năm 1989 nền nhà thờ Trà kê dần dần được dọn dẹp cỏ cây sau hơn 40 năm hoang phế và một nhà thờ tạm dài 9m rộng 7m, cột kèo tre, vách đất thô, cửa ván gòn, nền gạch cù thô nhám gập ghềnh, không chút ximăng, mái tôn hột mè cũ kĩ rách nát xen lẫn vài tấm tranh săng. Nhà thờ được thành hình trong gian khó nhưng là niềm hoan hỉ của cha sở cũng như đoàn chiên. Những buổi kinh hôm thường nhật và thánh lễ hằng năm, rồi hằng tháng, rồi hằng tuần dần dần được cử hành tại nhà thờ nầy sau hơn 40 năm vắng lặng. Từ năm 1992, cha Giuse Lê Thu Thâu, phó xứ Tịnh Sơn, ở tại Sơn Nguyên trợ giúp cha Hiên lo việc mục vụ tại Trà Kê.

Đã đến lúc thuận lợi, năm 2002, cha Phêrô Nguyễn Cấp, cha sở Tịnh Sơn, khởi công xây dựng nhà thờ Trà Kê bằng những vật liệu rắn chắc. Ngày 02 tháng 04 năm 2003, Đức cha Phêrô Nguyễn Soạn đã chủ sự thánh lễ tạ ơn khánh thành nhà thờ.
 Năm 2003, cha Giuse Lê Thu Thâu được bổ nhiệm làm cha sở Tịnh Sơn thay cha Cấp. Cha Thâu và giáo dân Trà Kê đã từng chung sức chung lòng với nhau xây dựng giáo họ Trà Kê từ khi cha còn là một đại chủng sinh ở giáo họ Sơn Nguyên. Đèo Trà Kê khoảng 3 km nhỏ hẹp với 19 góc cua đã quá quen thuộc với cha dù trời mưa trơn trượt hay nắng nóng hanh khô. Hằng tuần cha đều có mặt tại cộng đoàn Trà Kê.

4. Tái lập giáo xứ Trà Kê
Ngày 27 tháng 05 năm 2009, Đức cha Phêrô Nguyễn Soạn, Giám mục Giáo phận Qui Nhơn, quyết định tái lập giáo xứ Trà Kê, đồng thời bổ nhiệm cha Phanxicô Phạm Đình Triều, nguyên cha phó Tịnh Sơn, làm cha sở Trà Kê.

Để đáp ứng cho nhu cầu của một giáo xứ, cha Phanxicô chịu khó gõ cửa các ân nhân khắp nơi để xây dựng cho giáo xứ:
- Nhà giáo lý: Khởi công ngày 01 tháng 05 năm 2011, khánh thành ngày 04 tháng 10 năm 2012 cùng với hang đá Đức Mẹ.

Đài Thánh Giuse: Khánh thành ngày 20 tháng 03 năm 2013.

- Nhà thờ, nhà xứ: Khởi công ngày 04 tháng 10 năm 2013, khánh thành ngày 13 tháng 07 năm 2016.
- Nghĩa địa: Cách nhà thờ khoảng 300m. Diện tích đất khoảng 10.000m². Khởi công ngày 01 tháng 06 năm 2017.
Cuối năm 2017 giáo xứ Trà Kê có 222 gia đình, 743 tín hữu, được phân bố trong 4 giáo họ: Trà Kê 703, Cà Lúi 16, Sơn Định 15, Tân Hiên 9.

5. Các cha sở
1. Cha Giacôbê Lê Kim Dung (1919-1928).
  Các cha sở Tịnh Sơn kiêm nhiệm:
. Cha Antôn Phạm Cảnh Chẩm (1928-1931).
. Cha Tôma Triều (1931-1935).
. Cha Phaolô Nguyễn Xuân Bàn (7/1935-8/1935).
. Cha Anrê Nguyễn Văn Tường (1936-1940).
. Cha Phêrô Lê Vĩnh Phước (1940-1943).
2. Cha Augustinô Nguyễn Cao Thìn (1943-1944).
3. Cha Antôn Dẫn (1944-1947).
4. Cha Phanxicô Phạm Đình Triều (2009-...).

 


[1] Bulletin des Amis de Vieux Hue, số 29, Novembre - Décembre 1929, tr. 201.

[2] Quốc lộ 19C đã mừng công hoàn thành vào năm 2013; - ĐT 643 khánh thành năm 2014.

[3] AMEP, Rapport annuel de Cochinchine Orientale 1897 - Mgr. d’Hiérocésarée.

[4] Xem Mémorial Mission de Quinhon, No. 143, 10 Septembre 1918, tr.125.

[5] Xem "Giải cứu 900 giáo dân tỉnh Phú Yên năm 1885" trong Khi xác thân là của lễ, Tòa Giám mục Qui Nhơn 2017, tr. 122-140.

[6] Xem Mémorial Mission de Quinhon, No. 79, 8 Octobre 1911, tr. 103.

[7] Xem Mémorial Mission de Quinhon, Nouvelle série, No. 9, 8 Décembre 1920, tr. 66.

[8] Xem Mémorial Mission de Quinhon,  Avril 1944, tr. 1.

Tác giả bài viết: BBT lich sử giáo phận

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

lich cong giao 2022 - 2023
tapsanmucdong
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập114
  • Máy chủ tìm kiếm43
  • Khách viếng thăm71
  • Hôm nay21,247
  • Tháng hiện tại663,431
  • Tổng lượt truy cập28,978,800

Chúng tôi trên mạng xã hội

CÁC GIÁO HẠT
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây