Khánh thành Nhà thờ Chính Tòa Qui Nhơn (năm 1939)

Thứ bảy - 02/12/2023 17:44
 
Làm phép Nhà thờ Chính Tòa Qui Nhơn
Ngày 10 tháng 12 năm 1939

Khánh thành Nhà thờ Chính Tòa Qui Nhơn (năm 1939)

Trên dải đất Qui Nhơn, giữa những nhà cửa to lớn, ngày nay mới có một ngôi thánh đường khả quan[1] xứng đáng.

Theo tin bổn Báo đã loan đi, rằng ngày 10 Décember[2] làm phép nhà thờ mới, giáo nhơn tứ cận[3] chờ ngày đi dự lễ và coi cho hẳn[4] ngôi thánh đường rực rỡ kiến trúc tối tân. Chiều ngày 9 tại khoảng đất nhà thờ, trên không cờ xổ hoa giăng, dưới đất đô hội trầm trồ chỉ trỏ. Qua chính ngày 10, từ 6 giờ sáng, khúc đường Gia Long,[5] từ nhà thờ mới tới Tòa giám mục, người đi chen chân không lọt, chờ coi Đức giám mục thân hành làm phép nhà thờ mới.

7 giờ nơi Tòa giám mục, linh mục Tây, Nam và đại chủng viện sinh viên y cân[6] một sắc chờ trước hiên lầu, dưới đàng hơn 300 học sinh trường Bà phước áo mão một thức với các  đội ngũ cờ lọng dàn hầu.

7 g 30 đội ngũ bắt đầu chuyển vận, chinh cổ[7] vang rân. Trên cửa tòa, 3 đức giám mục oai vệ bước ra: trước hết là Đức cha Địa phận Huế,[8] rồi tới Đức cha Địa phận Kontum,[9] sau hết Đức cha Qui Nhơn[10] gậy mão đứng chủ sự.

7 g 45 đám rước tới đường Gia Long, có lính tuần thành coi giữ trật tự. Bấy giờ trên quãng đường nầy hiện ra một quang cảnh phi thường: ở giữa đoàn kiệu lọng dương cờ phất nghiêm nghị kéo đi, theo giọng hát nhịp nhàng các sinh viên chủng viện, hai bên người coi đen nghịt đứng giăng im lặng như hai bức tường thành.

7g 50 đám rước vào sân nhà thờ mới, tỏa ra hai tua, tránh đàng cho hai hàng linh mục và sinh viên chủng viện rước đức cha lên cấp tiền đường làm các lễ phép.

Thiệt là cổ lai,[11] giữa châu thành Qui Nhơn sầm uất nầy, chưa hề có một cuộc biểu tình tôn giáo nào long trọng, làm cho kẻ coi cảm tưởng sâu xa như công cuộc này.

8g40 hoàn tất các lễ phép, thiên hạ kéo vô nhà thờ. Khi quan chức Pháp Nam an toạ, thiên hạ trên dưới lớp lang rồi, Đức cha của Địa phận Huế, uy nghi mà gọn gàng ra giữa cung thánh thuyết một bài tiếng pháp về ý nghĩa nhà thờ Công giáo. Rồi một linh mục tiếp bình mấy câu quốc ngữ.

Tiếc làm sao là tiếc! Nhà thờ cao lộng lộng, thiên hạ quá đông khua động làm vang rền che lấp, tiếng diễn giả nói ra không mấy ai nghe được!

9g10, Đức cha Địa phận Huế khởi làm lễ trọng theo lễ phép giám mục. Trên cung thánh các lễ phép lần lượt diễn ra nghiêm trang đằm thắm. Biết bao nhiêu con mắt mới thấy các lễ phép uy nghi đạo thánh lần nầy là lần thứ nhứt! Chớ gì con mắt lòng cũng mở ra mà xem sự sáng thật đạo thánh soi cho.

10g15 hoàn tất lễ trọng. Đám rước lại từ từ kéo ra đưa Đức giám mục về toà. Xưa rày náo nức, nay ai nấy cũng phỉ tình,[12] bái chào Đức giám mục lui về.

Tôi vừa xoay ra gặp một người quen nắm tay nói liền: bên Đạo làm cái gì ngó cũng nghiêm trang đúng đắn, một ngày xem thấy ngàn ngày chưa nguôi!

ĐẶNG QUYỀN
(Lời Thăm, Năm thứ 21, số 25, 1939, tr. 529.)

Xem thêm một số hình ảnh ở dưới bài viết

 
[1]Khả quan” (可觀) nghĩa là coi vừa được mắt, tốt đẹp (Tự điển Nguyễn Quốc Hùng). Các chú thích trong bài là do Lm. Phaolô Nguyễn Minh Chính, người sao chép, thêm vào.
[2] Chúa Nhật, ngày 10 tháng 12 năm 1939 (Âm lịch là ngày 30/10/1939 - Ngày Tân Tị, tháng Ất Hợi, năm Kỷ Mão).
[3]Tứ cận” (四近): vùng lân cận; vùng xung quanh.
[4] Hẳn: Chắc, nhứt định (Tự điển Thanh Nghị).
[5] Sau năm 1975, đường Gia Long đổi tên là đường Trần Hưng Đạo như hiện nay. Từ thập niên 1930, Gia Long là con đường phố lớn của Qui Nhơn, đã có đèn đường hai bên, đèn báo tại các ngã tư, và mương thoát nước hai bên đường. Song song với đường Gia Long là đường Jules Ferry (nay là Phan Bội Châu) và Oden d’Hall (nay một phần là Lê Hồng Phong và Tăng Bạt Hổ). Trên đường Gia Long có dinh Tổng Đốc (Công quán), trường Gagelin, Nhà thờ Chính Tòa, Tòa giám mục, hãng buôn Pháp Liên hiệp thương mãi Đông Dương và Phi châu (L’Union Commerce de l’Indochine et Afrique, khách sạn Morin (đối diện với Tòa giám mục), những hiệu buôn của người Hoa…
[6]Y cân” (衣巾): Áo (và) khăn.
[7]Chinh cổ” (鉦鼓): Chinh là cái chiêng, cổ là cái trống. Trong các nghi lễ tế đình có phần “Khởi chinh cổ” (起鉦鼓) nghĩa là “Nổi chiêng trống”, ba hồi chín tiếng.
[8] Đức cha François Arsène Jean Marie Eugène Lemasle Lễ.
[9] Đức cha Martial Pierre Marie Jannin Phước.
[10] Đức cha Augustin-Marie Tardieu Phú.
[11]Cổ lai” (古來): Cổ là cũ, xưa. Lai là đến nay. Cổ lai là “Từ xưa đến nay”.
[12] Thoả tình, tình cảm được thoả mãn.
 
Khánh thành Ctqn4
Khánh thành Ctqn5
Khánh thành Ctqn8
Khánh thành Ctqn9
Khánh thành Ctqn3
Khánh thành Ctqn6
Khánh thành Ctqn10
 
 Tags: lịch sử

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

lich cong giao 2022 - 2023
tapsanmucdong
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập195
  • Máy chủ tìm kiếm30
  • Khách viếng thăm165
  • Hôm nay18,082
  • Tháng hiện tại583,939
  • Tổng lượt truy cập28,899,308

Chúng tôi trên mạng xã hội

CÁC GIÁO HẠT
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây