Lược sử Giáo xứ Đồng Cháy

Thứ năm - 04/05/2023 21:59
GIÁO XỨ ĐỒNG CHÁY
Bổn mạng: Sinh nhật Đức Trinh Nữ Maria
 

I. VỊ TRÍ, ĐỊA LÝ VÀ NHÂN VĂN
Địa bàn giáo xứ Đồng Cháy bao gồm xã An Cư, xã An Hiệp và xã An Hòa Hải[1], huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên. Trung tâm sinh hoạt của giáo xứ là nhà thờ Đồng Cháy, đội 5, xóm Hòa Ngọc, thôn Phước Lương, xã An Cư. Trên đường Quốc lộ 1A, tại phía Nam chân đèo Tam Giang, từ cổng chào Thôn Văn Hóa Phước Lương (phía Đông đường Quốc lộ 1A) theo đường bê tông giao thông nông thôn về đến nhà thờ Đồng Cháy khoảng 1.800m.

 

Ngày nay đi đến Đồng Cháy tương đối thuận lợi nhờ hệ thống bê tông giao thông nông thôn. Ngày trước để đến Đồng Cháy, duy chỉ có một cách lội sông. Đồng Cháy là vùng trũng, hạ lưu của dòng sông Hà Yến chảy ra đầm Ô Loan. Bao quanh vùng Đồng Cháy là các nhánh phụ lưu của sông Hà Yến. Nền nhà cư dân vùng nầy đều được nâng cao hơn mặt sân 1m hoặc hơn nữa. Hằng năm, mùa lũ mang về nhiều phù sa nên ruộng đất ở vùng sông nước nầy khá tốt. Ngoài ruộng đất phì nhiêu, còn có nhiều cá trong các nhánh sông. Một vùng đất thiên nhiên ưu đãi như thế nhưng lại có tên gọi Đồng Cháy, trái ngược làm sao! Theo lời truyền tụng, trong cuộc chiến tranh giữa Tây Sơn và Nguyễn Ánh tại Phú Yên,[2] có lần quân Tây Sơn rượt đuổi quân Nguyễn Ánh, tướng Nguyễn Ánh được một người địa phương giúp chạy trốn qua vùng lau sậy ở vùng nầy. Quân Tây Sơn tìm không ra nên bao vây và nổi lửa đốt. Từ tích nầy, vùng nầy được gọi là Đồng Cháy.[3]

Theo địa bạ triều Nguyễn, thời Gia Long vùng Đồng Cháy thuộc thôn Quán Mới, đất thổ chuyên trồng dâu. Năm Minh Mạng 12 (1832), Quán Mới được đổi là Phú Tân thuộc tổng Xuân Sơn, huyện Đồng Xuân. Trải qua thời gian lịch sử, địa giới và tên gọi một đơn vị hành chánh có nhiều thay đổi. Ngày nay, Đồng Cháy thuộc đội 5, xóm Hòa Ngọc, thôn Phước Lương, xã An Cư, huyện Tuy An.

Ba xã của giáo xứ Đồng Cháy là An Cư, An Hiệp và An Hòa Hải vây quanh đầm Ô Loan. Đầm Ô Loan là một đầm nước lợ nằm ven Quốc lộ 1A, dưới chân dèo Quán Cau. Sông Cái và một số sông nhỏ cấp nước ngọt cho đầm. Một lạch nhỏ nối đầm với biển. Bao bọc quanh đầm là núi Đồng Cháy, núi Cẩm và cồn An Hải. Đứng trên đèo Quán Cau nhìn xuống, Ô Loan giống như con phượng đang xòe cánh, còn trên bản đồ, Ô Loan giống như con thiên nga đang thong thả bay. Nơi đây có món đặc sản là sò huyết. Hằng năm, vào ngày mồng bảy tháng Giêng âm lịch, lễ hội đua thuyền truyền thống đầm Ô Loan được tổ chức, thể hiện nét đẹp văn hóa dân gian truyền thống của Phú Yên. Đầm Ô Loan đã được Bộ Văn hóa Thông tin quyết định công nhận là Di tích thắng cảnh cấp quốc gia ngày 27.9.1996.[4]

 
 

Địa bàn giáo xứ Đồng Cháy bao gồm vùng núi và vùng đất đồng bằng xen kẽ những đồi nhỏ men theo biển, cư dân trong vùng chủ yếu sống bằng sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng và đánh bắt thủy sản. Vùng đồi núi thì thường thiếu nước, chỉ nhờ nước trời, do đó năm nào không mưa thuận gió hòa thì phải lâm cảnh thiếu thốn. Dầu vậy, gạo Quán Cau, sản phẩm giống lúa ruộng gieo[5] có tiếng thơm ngon, có thể sánh với cá thu chợ Yến vùng duyên hải:

Hồi nào gạo trắng Quán Cau,
Cá thu chợ Yến anh lắc đầu chê hôi.
Bây giờ đáng số anh ơi,
Một phần khoai, hai phần đậu anh thôi kén lừa.

Trên địa bàn của giáo xứ Đồng Cháy có đường sắt và quốc lộ 1A chạy ngang qua. Trên quốc lộ 1A có đèo Tam Giang ở phía Bắc và đèo Quán Cau ở phía Nam. Đèo Tam Giang tương đối thấp, đèo Quán Cau vừa cao vừa ngoằn ngoèo, khó đi, nên người xưa có câu:

Không đi thì nhớ Đồng Gieo,
Có đi thì sợ cái đèo Quán Cau.

 

II. LƯỢC SỬ

1. Giai đoạn hình thành

Tên gọi Đồng Cháy dường như không xuất hiện trong hành chánh mà chỉ xuất hiện trong dân gian và trong lịch sử truyền giáo. Quán Cau thuộc xã An Hiệp ngày nay của giáo xứ là địa bàn đã đón nhận Tin Mừng từ buổi đầu lịch sử truyền giáo của Giáo phận Qui Nhơn. Theo thống kê năm 1747, họ đạo Quán Cau có 88 giáo dân trong 16 giáo điểm.[6] Tục truyền, Thánh Anrê Nguyễn Kim Thông (1790-1855) có một số ruộng đất ở Quán Cau. Có thể số ruộng đất nầy là tài sản thừa kế của vợ ngài.[7]

Hiện nay trong tài liệu lịch sử truyền giáo được tìm thấy cho biết vào năm 1850 họ đạo Đồng Cháy có 243 giáo dân, thuộc địa hạt Bắc Phú Yên, xếp thứ hai sau họ đạo Chợ Mới với 423 giáo dân.[8] Căn cứ tài liệu nầy, Đồng Cháy đã đón nhận Tin Mừng từ trước năm 1850. Tuy nhiên, Tin Mừng được đưa đến Đồng Cháy như thế nào, trong hoàn cảnh và thời điểm nào, hiện chưa được tìm thấy.

Cũng vào năm 1850, họ đạo Quán Cau có 194 giáo dân,[9] họ đạo Suối Môn có 168 giáo dân[10] thuộc địa hạt Nam Phú Yên. Ngày 24.9.1881, sau khi thụ phong linh mục tại Pháp, cha Joseph Mazoyer Quới lên đường truyền giáo ở Địa phận Đông Đàng Trong và được bổ nhiệm làm việc tại Quán Cau, nhưng ngày 06.10.1882 cha đã qua đời vì bệnh sốt rét, lúc 25 tuổi.

Tiếp đến, cha Dominique Iribarne Thành, thụ phong linh mục ngày 17.02.1883 tại Pháp, ngày 28.03.1883, lên đường truyền giáo ở Đông Đàng Trong và được bổ nhiệm làm việc tại Quán Cau. Quán Cau và Suối Môn lúc bấy giờ là hai họ đạo miền đồi núi, đất đai thiếu màu mỡ. Cha nhận xét : “Đây là vùng đặc biệt nghèo khổ, ở mỗi sở họ tôi chỉ tìm thấy có 4 gia đình đủ sống, đủ sống ở đây có nghĩa là thu hoạch mùa màng đủ để khỏi phải chết đói nhưng rồi còn phải đi buôn bán quanh năm suốt tháng”.[11]

Tuy nhiên, điều cha lo lắng nhất là tình hình chính trị dẫn đến những cuộc bách hại người Công giáo do phong trào Cần Vương thực hiện. Làng Mỹ Phú (nay là thôn Mỹ Phú 1 và thôn Mỹ Phú 2) thuộc họ đạo Quán Cau từng là bản doanh của nhà Nguyễn. Do đó vùng đất nầy đã từng là vùng chiến tranh giữa nhà Tây Sơn và nhà Nguyễn trong khoảng thời gian (1773-1800). Mỹ Phú là quê hương của Lê Thành Phương, thủ lĩnh phong trào Cần Vương Phú Yên. Ngày 15.8.1885, Lê Thành Phương tổ chức lễ tế cờ khởi nghĩa tại núi Một, nay thuộc thôn Tân An xã An Hòa Hải, huyện Tuy An. Lê Thành Phương đã thành lập tại Phong Phú, Mỹ Phú, Núi Một, Chợ Thứ (Suối Môn)… các đồn binh, các cứ điểm thuộc khu trung tâm của phong trào Cần Vương Phú Yên.[12]

Sau 4 ngày tế cờ khởi nghĩa với chủ trương “bình tây sát tả”, ngày 19 tháng 8 năm 1885, phong trào Cần Vương đã giết hại giáo dân, đốt phá nhà thờ, cha Dominique Iribarne Thành chỉ mới làm việc tại Quán Cau được 18 tháng và thầy giảng giúp cha cũng chịu chung số phận với giáo dân, lúc ấy cha mới 26 tuổi.[13]

Sau khi phong trào Cần Vương ở Phú Yên suy yếu, năm 1888, các xứ ở Phú Yên được chia thành hai xứ : Mằng Lăng (Bắc) và Hoa Vông (Nam). Lúc bấy giờ Quán Cau và Suối Môn thuộc Mằng Lăng, một số ít giáo dân Quán Cau và Suối Môn sống sót nhờ chạy trốn trên núi đã trở về ổn định đời sống đức tin. Quán Cau liên tục được các linh mục Việt Nam đến ở và làm việc. Cha Gioakim Đạt, sinh năm 1821 tại Phú Yên, được bổ nhiệm làm việc tại Quán Cau từ năm 1888 đến năm 1889. Tiếp theo là cha Phêrô Matthêô Nhuận, nguyên quán Hà Dừa, Nha Trang.

Tháng Sáu 1890, Đức cha Van Camelbeke Hân từ Pháp trở về, cuối tháng Bảy ngài gọi cha Phục từ Bình Thuận về và sai đi Quán Cau thay thế cha Nhuận, đồng thời làm cha phó cho cha Lacassagne ở Mằng Lăng. Cuối năm đó, cha Degrange (Trọng) đến học tiếng Việt tại Quán Cau và cha Phục đi làm cha phó cho cha Guitton ở Hoa Vông, sau đi Hoa Châu. Năm 1899, cha Phục về làm cha Phó Mằng Lăng. Tháng 6.1900, cha qua đời tại Mằng Lăng. Từ sau khi cha Nhuận, cha Phục làm việc ở Quán Cau, hiện chưa tìm thấy có cha nào làm việc ở đây.

Số ít giáo dân trở về sau biến cố 1885 có gia tăng nhưng rất ít. Mặc dù số giáo dân ít ỏi, nhưng tầm quan trong lịch sử của họ đạo Quán Cau vẫn được Địa phận ghi nhận. Vì vậy, trong chuyến kinh lý mục vụ tại Phú Yên năm 1914, Đức cha Đamianô Grangeon Mẫn có ghé thăm và dùng cơm trưa tại Quán Cau vào ngày 02.04.1914.[14]  Số thống kê năm 1940 đã cho thấy: Quán Cau chỉ còn 62 giáo dân và Suối Môn chỉ còn 51 giáo dân. Đã ít rồi lại gặp hai cuộc chiến tranh xảy ra: Chiến tranh Việt Pháp (1945-1954) và cuộc chiến giữa hai miền Nam-Bắc (1965-1975), giáo dân phải di cư, nhất là cuộc chiến 1965-1975. Sau khi hòa bình vãn hồi, không mấy người trở về, số giáo dân ít ỏi, thưa thớt, lại gặp hoàn cảnh xã hội mới, không có sự nâng đỡ của “đức tin cộng đồng” nên đức tin của người giáo dân dần dần nguội lạnh, mai một. Hơn nữa, Quán Cau và Suối Môn là hai giáo họ ở cách xa nhà thờ Mằng Lăng ở phía Bắc khoảng 15km, phải vượt qua đèo Quán Cau và đèo Tam Giang. Ngày nay phương tiện đi lại tương đối dễ dàng, nhưng trong thời điểm bao cấp (1976-1986), phương tiện đi lại rất khó khăn, đây cũng là một lý do khiến cho số giáo dân Quán Cau và Suối Môn giảm sút trầm trọng.

Trên đây là đôi nét về tình hình Công giáo ở phía Nam với hai họ đạo Quán Cau và Suối Môn, giờ đây chúng ta thử nhìn vào tình hình các họ đạo ở phía Bắc của giáo xứ Đồng Cháy. Trong chuyến thăm mục vụ ở Phú Yên, Đức cha Đamianô Grangeon Mẫn đã thăm Đồng Cháy vào ngày 28.02.1914,[15] vì đó là một họ đạo kỳ cựu đã có 243 giáo dân vào năm 1850 như chúng ta đã thấy trên đây. Tuy nhiên, qua dòng thời gian, năm 1940, Đồng Cháy chỉ còn 122 giáo dân, thuộc địa sở Mằng Lăng.[16] Như vậy, so với năm 1850, số giáo dân năm 1940 chẳng những không tăng mà còn sụt giảm. Sự sụt giảm nầy chắc hẳn có nhiều lý do, có thể một trong những lý do là nước độc, mặc dù đất thổ và ruộng lúa rất tốt, nhưng nước sinh hoạt không tốt. Ở đây,nước giếng đào bị nhiễm phèn rất nặng, cư dân chỉ dùng nước sông. Mùa khô, sông cạn không có nước chảy, nước sông chỉ đọng lại từng khúc, nước tù, vàng ố.

Thời cha Phêrô Nguyễn Đình Tịch làm cha sở Mằng Lăng (1948-1950) và các cha sở kế nhiệm, có các thầy dòng Thánh Giuse đến Đồng Cháy tập hát, dạy giáo lý. Giáo dân Đồng Cháy sống trong thời nầy nay còn nhắc đến thầy Mác (Marc), thầy Bô (Bonifac), thầy Lúc (Luc)…

Trong chiến tranh 1965-1975, giáo dân Đồng Cháy di cư, đa số tạm cư ở Hòa Lương, một xóm cùng thôn Phước Lương, bên đường quốc lộ 1A, một ít ở Phú Tân, một vài gia đình ở lại. Mặc dù di cư nhưng bà con vẫn về Đồng Cháy canh tác ruộng vườn theo vụ mùa. Năm 1975, bà con trở về Đồng Cháy, lúc bấy giờ Đồng Cháy là một giáo họ toàn tòng, sinh hoạt kinh nguyện trong ngôi nhà thờ cũ kỹ, mái ngói vảy, chái mái, tường mầm trỉ trét đất, có hè ba mặt (phía cửa tiền và hai bên), phía sau là phòng áo. Ngoài ra còn có nền nhà dành cho ông từ nhà thờ và các sinh hoạt của giáo họ. Cuối năm 1975, Đồng Cháy đón nhận các thầy của giáo phận về đây tăng gia sản xuất cho đến năm 1979.[17] Giáo dân Đồng Cháy đồng lao cộng khổ với các thầy trong lao động, trong những giờ kinh nguyện, an ủi nhau, giúp nhau sống đạo trong hoàn cảnh xã hội mới. Ngày nay trong số các thầy “khởi nghiệp tu học” tại Đồng Cháy vào năm 1975 đã nhận lãnh chức thánh: Đức cha Vinh Sơn Nguyễn Văn Bản, cha Giuse Trương Đình Hiền và cha Gioan Võ Đình Đệ.

Tháng 9.1975, Đức cha Phaolô Huỳnh Đông Các, Giám mục Giáo phận Qui Nhơn quyết định lấy 3 giáo họ của giáo xứ Mằng Lăng: Chợ Mới, Xóm Làng và Đồng Cháy lập thành giáo xứ Chợ Mới,  cha Giacôbê Nguyễn Thành Tri được bổ nhiệm làm cha sở Chợ Mới.

Ngày 10 tháng 10 năm 1986, cha Giacôbê Nguyễn Thành Tri được bổ nhiệm làm cha sở Mằng Lăng. Giáo xứ Chợ Mới không có linh mục ở thường xuyên, cha sở Mằng Lăng kiêm nhiệm Chợ Mới. Trong khi cha Giacôbê Nguyễn Thành Tri về Mằng Lăng, thầy Giuse Trương Đình Hiền từ Mằng Lăng về ở tại Chợ Mới. Ngày 10.5.1989, thầy Giuse Trương Đình Hiền thụ phong linh mục và ở tại Chợ Mới cho đến ngày 10.3.1992 được bổ nhiệm làm cha sở Đồng Tre. Trong thời gian thầy Hiền, sau là cha Hiền ở Chợ Mới, Đồng Cháy được cha Hiền chăm sóc mục vụ. Sau khi cha Giuse Trương Đình Hiền được bổ nhiệm làm cha sở Đồng Tre, giáo họ Đồng Cháy được cha sở Mằng Lăng chăm sóc mục vụ.

Trải qua thời gian, nhà thờ Đồng Cháy đã hư hại, cha Giacôbê Nguyễn Thành Tri, cha sở Mằng Lăng (1986-1992) đã xin cơ quan Missio tài trợ. Cha chưa kịp thi công thì phải nghỉ hưu vì bệnh cùng với tuổi già sức yếu. Cha Phêrô Nguyễn Huy Bích, cha sở Mằng Lăng (1992-1997) dùng kinh phí nầy khởi công xây dựng nhà thờ Đồng Cháy. Nhà thờ được hoàn thành năm 1996.

 

Ngày 28.5.2013, Đức cha Matthêô Nguyễn Văn Khôi chủ sự thánh lễ tại Chợ Mới, công bố Văn thư tái thành lập giáo xứ Chợ Mới, đồng thời bổ nhiệm cha Phêrô Nguyễn Cấp làm cha sở Chợ Mới. Đồng Cháy trở lại là một giáo họ thuộc giáo xứ Chợ Mới.

Cha Phêrô Nguyễn Cấp được phép giáo quyền và chính quyền về việc xây mới nhà thờ Đồng Cháy và công viên Đức Mẹ. Giấy phép xây dựng số 8/GPXD do Sở Xây Dựng Phú Yên cấp ngày 05.3.2019. Công việc được thi công gần hoàn thành, cha Phêrô đột ngột qua đời vào ngày 20.8.2021. Công việc thi công được cha Anphongsô Hoàng Phú Khánh, cha phó Chợ Mới tiếp tục hoàn thành.

 

2. Thành lập giáo họ biệt lập Đồng Cháy

Ngày 06 tháng 06 năm 2022, Đức cha Matthêô ký quyết định thành lập giáo họ biệt lập Đồng Cháy và quyết định bổ nhiệm cha Alphongsô Hoàng Phú Khánh làm cha quản nhiệm. Ngày 08 tháng 06, cha Tổng Đại diện Giuse Trương Đình Hiền chủ sự nghi thức công bố hai quyết định trên.

 
 
 

Theo Quyết định thành lập, địa bàn giáo họ biệt lập Đồng Cháy gồm có giáo họ Đồng Cháy, giáo họ Tân Lập, giáo họ Phú Tân, 2 xã An Hiệp và An Hòa Hải:

- Giáo họ Đồng Cháy: gồm các xóm Hòa Ngọc và Hòa Lương của thôn Phước Lương xã An Cư; 

- Giáo họ Tân Lập: xóm Hòa Phước, thôn Phước Lương, xã An Cư. Giáo họ Tân Lập được thành lập trước năm 1940, nhưng năm 1940 chỉ có 24 giáo dân.

- Giáo họ Phú Tân gồm thôn Phú Tân 1, Phú Tân 2 và thôn Tân Long xã An Cư. Giáo họ Phú Tân được tách ra từ giáo họ Đồng Cháy thời cha Phêrô Nguyễn Cấp làm cha sở Chợ Mới (2013-2021). Tuy nhiên Phú Tân từng là cư sở của cha sở Mằng Lăng trong thời chiến tranh (1965-1975). Trong chiến tranh, một số bà con Mằng Lăng đến tạm cư tại Phú Tân, trung tâm quận lỵ Tuy An,[18] cách Mằng Lăng 7 km. Cha Phaolô Nguyễn Xuân Bàn là cha sở Mằng Lăng, nhưng do chiến tranh, cha không ở Mằng Lăng, có khi cha ở Tuy Hòa hoặc ở Phú Tân. Trong thời gian (1967-1970) cha kiêm nhiệm quản xứ  Sông Cầu, cha ở tại Sông Cầu, ra vào Phú Tân dâng lễ cho giáo dân.[19] Năm 1974, cha Phaolô Trương Đắc Cần được bổ nhiệm làm cha sở Mằng Lăng, cha đến Phú Tân thay cha Bàn được vài tháng thì hòa bình được vãn hồi.

Sau ngày 30.4.1975, số giáo dân Mằng Lăng tạm cư ở Phú Tân và cha sở về lại Mằng Lăng. Khi cha Cần và số giáo dân tạm cư trở về Mằng Lăng, nhà xứ và nhà thờ tạm tại Phú Tân được hoán đổi cho nhà nước 100 tấm tole hột mè còn nguyên kiện. Nhờ số tole nầy, cha Cần cho tạm dựng nhà thờ Gò Chung và nhà thờ Hội Tín. Số giáo dân là cư dân Phú Tân còn rất ít, thưa thớt. Đường về Mằng Lăng lúc bấy giờ còn nhiều cách trở vì thiếu phương tiện đi lại, một vài người đi xe đạp đến Mằng Lăng để dâng lễ Chúa nhật. Thỉnh thoảng trong tháng Mân côi, bà con tập trung tại nhà ông Phêrô Nguyễn Tiến Phước (1902-1991) để đọc kinh.[20]

- Xã An Hiệp
Xã An Hiệp hiện có các thôn: Mỹ Phú 1, Mỹ Phú 2, Phong Phú, Phú Xuân, Phước Hậu, Tuy Dương. Tại địa bàn xã An Hiệp hiện nay chỉ còn vài gia đình giáo dân, thỉnh thoảng họ đi lễ ở Tuy Hòa.

- Xã An Hòa Hải
An Hòa Hải là một xã ven biển thuộc huyện Tuy An. Vùng đất nầy đã được ghi danh trong địa bạ triều Nguyễn (1832). Cư dân trong vùng chủ yếu sống bằng sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng và đánh bắt thủy sản. Ở xóm Tân Lập thuộc thôn Tân Định còn được gọi là xóm nhà giáo vì có đến 90% hộ có người làm giáo viên.

Trong lịch sử truyền giáo của giáo phận, đây là vùng đất chưa có bóng dáng của một nhà nguyện. Có thể vùng nầy ngày xưa thuộc họ đạo Quán Cau. Cả vùng nầy, ngày nay có một gia đình giáo dân trẻ ở Yến thuộc thôn Nhơn Sơn (phía bên nam ở Yến theo Chúa, bên nữ là giáo dân ở Tuy Hòa).

Sau khi được bổ nhiệm làm cha quản nhiệm giáo họ biệt lập Đồng Cháy, cha Alphongsô Hoàng Phú Khánh tiếp tục công trình xây dựng và trang bị nhà thờ, nhà xứ và các công trình phụ trợ mà cha Phêrô Nguyễn Cấp, cố cha sở Chợ Mới, đã để lại sau khi qua đời, để chuẩn bị cho ngày lễ khánh thành và cung hiến nhà thờ. Cha cũng tiếp tục xây dựng “công viên Đức Mẹ Đồng Cháy” phía trước nhà thờ, xây dựng bờ kè và chỉnh trang nghĩa trang của giáo họ. Về mặt tổ chức và sinh hoạt, cha củng cố ban chức việc, các hội đoàn Legio Mariae, Mến Thánh Giá Qui Nhơn Tại Thế, giáo lý viên, ca đoàn.

3. Thành lập giáo xứ Đồng Cháy

Ngày 01 tháng 5 năm 2023, Đức cha Matthêô ký quyết định thành lập giáo xứ Đồng Cháy và quyết định bổ nhiệm cha Alphongsô Hoàng Phú Khánh làm cha chánh xứ tiên khởi của giáo xứ tân lập. Ngày 4 tháng 5, Đức cha đến chủ sự thánh lễ tạ ơn và công bố 2 quyết định trên, có cha hạt trưởng Mằng Lăng Phêrô Trương Minh Thái và một số linh mục đồng tế, với sự tham dự đông đảo của các tu sĩ, chủng sinh và anh chị em giáo dân trong và ngoài giáo xứ. Sau khi giáo xứ được thành lập, cha Alphongsô Hoàng Phú Khánh tiếp tục hoàn thành các hạng mục công trình để tổ chức thánh lễ cung hiến nhà thờ theo qui định của luật Phụng vụ.

Hiện nay giáo xứ Đồng Cháy có 128 gia đình và 342 giáo dân.
 

 
 

[1] Ngày 21 tháng 11 năm 2019, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết số 817/NQ-UBTVQH14 về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã thuộc tỉnh Phú Yên. Nghị quyết có hiệu lực từ ngày 01 tháng 01 năm 2020. Theo đó, sáp nhập toàn bộ diện tích và dân số của xã An Hải và xã An Hòa thành xã An Hòa Hải.
[2] Trong cuộc chiến giữa Tây Sơn tam kiệt và Nguyễn Ánh, Phú Yên chiếm vị trí ở giữa Qui Nhơn là thủ phủ của Tây Sơn và Diên Khánh là căn cứ vững chắc của Nguyễn Ánh trên đường khôi phục vương quyền. Do đó, ngót 30 năm (1771-1801), Phú Yên chứng kiến cuộc đọ sức quyết liệt giữa Tây Sơn và Nguyễn Ánh.
[3] Hiện nay ở tại triền phía Nam núi Một thuộc xóm Hòa Sen, thôn Hà Yến, xã An Thạch (phía Bắc sông Đồng Cháy, ranh giới giữa Đồng Cháy - phía Nam) có một phần đất được dân gian gọi là mả ông Chưởng. Ngôi mộ nầy được bao quanh bằng bức tường đá núi, khá rộng, nay đã hoang tàn, chỉ còn lại ít dấu vết. Tục truyền, ông Chưởng là người địa phương chỉ đường cho viên tướng Nguyễn Ánh chạy trốn trong một trận chiến với nhà Tây Sơn. Nhớ ơn ông, Nguyễn Ánh cho chôn cất ông ở triền núi nầy và xây mồ mả cho ông.
[4] Trong dân gian có nhiều huyền thoại về tên gọi đầm Ô Loan, nhưng gần gũi nhất là câu chuyện về nàng Loan và chim Ô thước đã được truyền tụng từ đời này sang đời khác. Theo đó, ngày xưa, có nàng tiên trên trời rất xinh đẹp tên nàng Loan, nhưng tính tình hay tinh nghịch. Một ngày nọ nàng Loan mượn con chim Ô thước bay xuống trần gian dạo chơi khắp nơi mà không hề để ý chim đã mỏi cánh, đói và khát, nên khi ngang qua Tuy An, chim không còn đủ sức để bay, nên hạ cánh xuống dãy núi Từ Bi, sau này mượn tên chim Ô thước của nàng Loan ghép chung với tên nàng, gọi tắt là Ô Loan để đặt tên cho đầm.
[5] Giống lúa được dùng cho chân đất chỉ nhờ nước trời, còn gọi là đồng gieo. Đất được dọn sẵn, chờ những cơn mưa đầu mùa Thu (khoảng tháng 7 âm lịch), đất ẩm ướt, được cày bừa và giống lúa được gieo xuống (lúa giống không ngâm nước), nhờ đất ẩm, lúa mọc lên rồi chờ những cơn mưa mùa, lúa tiếp tục phát triển.
[6] Xem ADRIEN LAUNAY, Histoire de la Mission de Cochinchine, Paris 2000, Tome II, trang 191.
[7] Ông Trùm Cả có 4 đời vợ: Đời thứ nhất quê Đồng Quả, sinh được 7 người con; đời thứ hai quê Mỹ Cang, chết không có con; đời thứ ba quê Phú Yên, chết không có con; đời thứ tư quê Nước Mặn, sinh được người con gái, là Dì Anna Nhường, dòng Mến Thánh Giá. ( Xem PIERRE LỤC, Hạnh Chơn Phước Anrê Năm Thuông tử đạo, Imprimerie de Quinhon, in lần thứ ba, trang 6-7).
[8] Xem MISSION DE QUINHON, Mémorial số 57, 30.9.1909, trang 152.
[9] Nền nhà thờ Quán Cau hiện nay hoang phế, thuộc thôn Phong Phú, phía Tây quốc lộ 1A, cách quốc lộ khoảng 150m.
[10] Nhà thờ không còn, chỉ còn nền thuộc thôn Tuy Dương, phía Bắc cầu Quán Cau theo đường bêtông nông thôn về hướng Tây khoảng 4km.
[11] Xem ADRIEN LAUNAY, Nos Missionnaires précédés…, Paris 1886, trang 295. Bản dịch Ban Truyền Thông Văn Hóa Giáo phận Qui Nhơn, 2011, trang 74.
[12] Xem  CHARLES FOURNIAU, “Cuộc kháng chiến chống Pháp ở Bình Định – Phú Yên (1885-1887)”, trong Tạp chí nghiên cứu lịch sử, số 6-1982, trang 35.
[13] Xem ADRIEN LAUNAY, Nos Misionaires précédés…, Paris 1886, trang 296-297.
[14] MISSION DE QUINHON, Mémorial, Avril 1927, trang 34.
[15] Xem MISSION DE QUINHON, Mémorial, Avril 1927, trang 34.
[16] Xem MISSION DE QUINHON, Mémorial, Sept.– Oct. 1940, trang  5.
[17] Tháng 7 năm 1975, với sự đề nghị của cha Phaolô Trương Đắc Cần, cha sở Mằng Lăng, Đức cha Phaolô Huỳnh Đông Các thành lập Phân trường Đại Chủng Viện Mằng Lăng. Năm 1979, số ruộng đất các thầy sản xuất tại Đồng Cháy, thôn Phước Lương, xã An Cư được chuyển về xã An Thạch.
[18] Phú Tân là quận lỵ của quận Tuy An từ năm 1958 – 02.3.1979. Thị trấn Chí Thạnh được thành lập ngày 02.3.1979 theo Điều 1, khoản 2 của Quyết định 74-CP ngày 02.3.1979 về việc thành lập và điều chỉnh địa giới một số xã và thị trấn thuộc tỉnh Phú Khánh.
[19] Bản Thông tin Địa phận Qui Nhơn, số 51/1967, trang 28
[20] Ông Phêrô Phước còn gọi là ông sáu Thọ, người gốc Quảng Bình. Nguyên ông làm thông dịch viên cho Pháp ở tỉnh đường Phú Tên tại Long Bình, Sông Cầu. Sau năm 1954, ông đưa gia đình vào Phú Tân sinh sống bằng nghề làm thuốc bắc.
 

Tác giả bài viết: Ban biên soạn Lịch sử Giáo phận Qui Nhơn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

lich cong giao 2022 - 2023
tapsanmucdong
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập58
  • Máy chủ tìm kiếm36
  • Khách viếng thăm22
  • Hôm nay15,123
  • Tháng hiện tại604,346
  • Tổng lượt truy cập28,919,715

Chúng tôi trên mạng xã hội

CÁC GIÁO HẠT
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây