Lược sử Giáo xứ Phú Lâm

Thứ năm - 04/05/2023 21:42
GIÁO XỨ PHÚ LÂM
Bổn mạng: Đức Maria Mẹ Thiên Chúa

I. VỊ TRÍ, ĐỊA LÝ VÀ NHÂN VĂN

Giáo xứ Phú Lâm bao gồm địa bàn các phường Phú Lâm, Phú Thạnh, Phú Đông của thành phố Tuy Hòa và xã Hòa Thành của thị xã Đông Hòa. Trung tâm sinh hoạt của giáo xứ là nhà thờ Phú Lâm, tọa lạc tại phường Phú Lâm, thành phố Tuy Hòa.

 

Địa bàn giáo xứ nằm ở phía Nam sông Đà Rằng[1] là hạ lưu của sông Ba (Ea Pa hay Krông Pa)[2]. Đây là đồng bằng phù sa do dòng sông này bồi đắp và được nối kết với trung tâm thành phố Tuy Hòa ở phía Bắc bằng 3 cây cầu dài là cầu Hùng Vương trên đại lộ Hùng Vương, cầu Đà Rằng 1 (mới) trên quốc lộ 1A, nổi tiếng nhất là cầu Đà Rằng 2 (cũ)[3] trên đại lộ Nguyễn Tất Thành:

Cầu Đà Rằng hai mươi mốt nhịp,
Chàng bỏ ta đi biền biệt bấy lâu.
Ngày xuân con én giục sầu,
Trông chàng chẳng thấy chàng đâu hỡi chàng.
 

Trước đây, Phú Lâm là thị trấn huyện lỵ của huyện Tuy Hòa được thành lập vào năm 1975. Huyện Tuy Hòa phía Bắc giáp thị xã Tuy Hòa và huyện Phú Hòa với ranh giới là sông Đà Rằng. Ngày 05 tháng 01 năm 2005, Chính phủ ban hành nghị định 03/2005/NĐ-CP, thành lập thành phố Tuy Hòa, bao gồm toàn bộ diện tích thị xã Tuy Hòa, xã An Phú của huyện Tuy An và thị trấn Phú Lâm của huyện Tuy Hòa. Từ đó thị trấn Phú Lâm trở thành một phường của thành phố Tuy Hòa[4]. Ngày 03 tháng 12 năm 2007, Chính phủ lại ban hành nghị định 175/2007/NĐ-CP, chia phường Phú Lâm thành 3 phường: Phú Lâm, Phú Đông và Phú Thạnh.

Trên địa bàn giáo xứ Phú Lâm có đường quốc lộ 1A, quốc lộ 29 và đường sắt chạy ngang qua. Ngoài ra, còn có Cảng hàng không Tuy Hòa[5] ở phường Phú Thạnh, với vị trí chiến lược quan trọng. Địa bàn giáo xứ vừa là một phần đất của thành phố, vừa là đồng bằng phù sa do sông Đà Rằng bồi đắp, vừa tiếp giáp với biển Đông, nên dân chúng sinh sống chủ yếu bằng dịch vụ buôn bán, ngư nghiệp và nông nghiệp. Nếu dịch vụ buôn bán là loại hình sinh hoạt tương đối mới, thì ngư nghiệp và nông nghiệp đã xuất hiện từ xưa và còn để lại những di tích có giá trị lịch sử và văn hóa đặc thù.

Về ngư nghiệp, tại phường Phú Đông có Lăng Ông Đông Tác đã được công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh, tại đây hằng năm có tổ chức lễ hội hát cầu ngư. Về nông nghiệp, tại khu phố 4, phường Phú Lâm có một di tích lịch sử văn hóa là Lẫm Phú Lâm tọa lạc trong khuôn viên có diện tích khoảng 4.000m2. Chức năng chính của lẫm là để chứa các loại nông sản thu hoạch trên phần diện tích đất do thôn quản lý, sở hữu. Lẫm Phú Lâm là loại hình di tích mang tính đặc thù ở Phú Yên, chứa đựng các giá trị về lịch sử, văn hóa, trong đó nổi bật nhất là giá trị kiến trúc nghệ thuật. Từ năm 2016, Lẫm Phú Lâm được Bộ VH-TT-DL xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia.

Ngoài ra còn có di tích khảo cổ tháp Chăm Đông Tác ở phường Phú Thạnh, được nhân dân trong vùng gọi là cồn gạch Gò Chùa, còn các nhà nghiên cứu gọi di tích này là phế tích Tháp Chăm Đông Tác. Tuy chỉ còn ở dạng phế tích[6] nhưng ngôi tháp này là di sản văn hóa vật thể quan trọng đối với các nhà khoa học khi nghiên cứu về văn hóa Chămpa trên vùng đất Phú Yên. Khi so sánh, gạch để xây dựng tháp Chăm Đông Tác không những giống với loại gạch dùng để xây dựng tháp Chăm ở Núi Bà (huyện Tây Hòa) mà còn giống với loại gạch dùng để xây dựng di tích Thành Hồ (huyện Phú Hòa), Tháp Nhạn (thành phố Tuy Hòa). Từ đó có thể đi đến kết luận, tháp Chăm Đông Tác có niên đại xây dựng khoảng thế kỷ 12 Công nguyên. Với ý nghĩa quan trọng về giá trị nghệ thuật kiến trúc và khảo cổ, tháp Chăm Đông Tác được UBND tỉnh Phú Yên xếp hạng di tích cấp tỉnh theo Quyết định số 784/QĐ-UBND ngày 18/5/2011.    

II. ĐÔI DÒNG LỊCH SỬ

1. Giai đoạn hình thành

Ngày 23 tháng 10 năm 1959, Đức cha Phêrô Maria Phạm Ngọc Chi, Giám quản Tông tòa Giáo phận Qui Nhơn, ký văn bản số 1110/CDC lập Khu truyền giáo Đông Mỹ được tính từ sông Đà Rằng vào tới Đèo Cả, tức là bao gồm phần đất giáo xứ Phú Lâm ngày nay.

Từ Khu truyền giáo Đông Mỹ, Tin Mừng được lan rộng đến các vùng lân cận. Giai đoạn từ năm 1960-1964, cha Bênađô Nguyễn Quang Nhung cùng với các cha và các thầy tại trụ sở truyền giáo Đông Mỹ đã lập được rất nhiều giáo điểm, trong đó có Phú Lâm. Song song với việc xây dựng giáo xứ và lo truyền giáo, cha Nhung và các cha tại trụ sở truyền giáo Đông Mỹ còn lo mở trường học để nâng cao dân trí cho con em cả lương lẫn giáo.

Năm 1962, cha Phanxicô Xaviê Trần Hoà, phó xứ Đông Mỹ, đến Phú Lâm dâng lễ ở nhà giáo dân. Từ năm 1964 – 1965, do mất an ninh, các cha tại Trụ sở truyền giáo đi nơi khác, chỉ có các thầy Đại chủng sinh đến thực tập mục vụ.

Năm 1965, cha Phanxicô Xaviê Trần Hoà được bổ nhiệm làm cha sở Đông Mỹ, sau đó cha xây một nhà nguyện tại Phú Lâm với diện tích 96m2. Cha Hoà vừa làm cha sở, vừa kiêm hiệu trưởng trường tư thục Đông Mỹ. Cũng trong năm 1965, tại Đông Mỹ tình hình mất an ninh, nên cha thường xuyên ở tại Phú Lâm. Phú Lâm lúc ấy là thị trấn, nên tình hình ổn định và người dân ở những vùng mất an ninh chung quanh di tản về đó lánh nạn. Cả tỉnh Phú Yên lúc ấy chỉ còn 4 nơi có linh mục ở thường xuyên là Tuy Hòa, Phú Lâm, Sông Cầu và Đồng Tre. Năm 1966, khi tình hình ổn định trở lại, cha trở về Đông Mỹ.[7]

Năm 1969, cha xây thêm cơ sở II của trường tại Phú Lâm, gồm tám phòng. Năm 1970, số giáo dân các vùng quê tập trung về thị trấn Phú Lâm, cha Hoà phải xây một ngôi nhà đa dụng, tầng trệt làm phòng học, tầng trên làm nhà nguyện, mỗi tầng có diện tích 260m2.

Tháng 04 năm 1975, cha Hòa được bổ nhiệm làm cha sở Hoa Châu. Lúc bấy giờ tại Hoa Châu chỉ có 90 giáo dân với nhà thờ, nhà xứ đang hoang phế đổ nát. Vì vậy cha Hòa được Đức cha Phaolô Huỳnh Đông Các chấp thuận cho ở tại Phú Lâm, cách Hoa Châu khảng 21 km và giáo họ Phú Lâm thuộc về giáo xứ Hoa Châu.

Sau khi các cơ sở tại Hoa Châu đã được tu sửa và đưa vào sử dụng, cha Hòa đến ở thường xuyên tại Hoa Châu và giáo họ Phú Lâm được giao trả lại cho giáo xứ Đông Mỹ. Lễ bàn giao giữa cha Phanxicô Xaviê Trần Hòa, cha sở Hoa Châu, và cha Phêrô Trương Minh Thái, cha sở Đông Mỹ, diễn ra trong khung cảnh thánh lễ ngày 26 tháng 10 năm 2002 tại nhà thờ Phú Lâm, do cha Giuse Trương Đình Hiền, Hạt trưởng Phú Yên chủ tế, trước sự hiện diện hiệp thông của hội đồng giáo xứ Đông Mỹ, hội đồng giáo xứ Hoa Châu, ban chức việc giáo họ Phú Lâm và đông đảo giáo dân.

Kể từ ngày 05 táng 01 năm 2005, khi thành phố Tuy Hòa được thành lập, thị trấn Phú Lâm huyện Tuy Hòa (cũ) được sáp nhập vào thành phố Tuy Hòa và trở thành một phường của thành phố này. Vì vậy, ngày 01 tháng 05 năm 2014, Đức cha Matthêô Nguyễn Văn Khôi, Giám mục Giáo phận Qui Nhơn, ký quyết định sáp nhập giáo họ Phú Lâm vào giáo xứ Tuy Hòa. Trước giờ lễ Chúa nhật ngày 03 tháng 08 năm 2014, lễ bàn giao diễn ra tại nhà thờ Phú Lâm giữa cha Phanxicô Xaviê Trần Đăng Đức, cha sở Đông Mỹ và cha Phêrô Đặng Son, cha sở Tuy Hòa, với sự hiện diện của đại diện chức việc giáo họ Phú Lâm, chức việc giáo xứ Tuy Hòa và anh chị em giáo dân giáo họ Phú Lâm. Sau đó, cha Phêrô Đặng Son chủ sự thánh lễ đầu tiên tại Phú Lâm với tư cách quản xứ.

2. Thành lập giáo họ biệt lập Phú Lâm

Ngày 22 tháng 08 năm 2015, Đức cha Matthêô ký văn thư thành lập giáo họ biệt lập Phú Lâm và bổ nhiệm cha Gioan Baotixita Võ Tá Chân làm cha quản nhiệm. Ngày 25 tháng 08 năm 2015, Đức cha Matthêô chủ sự thánh lễ công bố văn thư thành lập giáo họ biệt lập Phú Lâm và bổ nhiệm cha quản nhiệm. Cha Chân tiến hành tu sửa cơ sở nhà thờ và nhà xứ đã xuống cấp qua thời gian không có linh mục ở tại chỗ. Cộng đoàn giáo dân lúc ấy còn khá rời rạc, cha đi thăm và tìm cách qui tụ họ lại, một số người không giữ đạo lâu năm đã bắt đầu đến nhà thờ. Một điểm dặc biệt của Phú Lâm là sau mỗi thánh lễ chiều, hầu hết bà con giáo dân ở lại chuyện vãn với cha quản nhiệm, còn các trẻ em thì chơi đùa với nhau, tạo bầu khí vừa thân tình vừa sống động cho giáo họ. Cha cũng tổ chức hát cộng đồng trong các thánh lễ, khiến sinh hoạt phụng vụ trở nên sống động hơn. Từ đó giáo dân trở nên rất nhiệt tình, siêng năng đi tham dự thánh lễ hơn. Để phụ giúp cha trong trong công việc mục vụ tông đồ, cha đã thành lập đội Legio Mariae, nhờ họ có thêm người nguội lạnh trở lại nhà thờ và sống đạo sốt sắng hơn.
 
 
 

Ngày 26 tháng 06 năm 2016, Đức cha Matthêô ký văn thư bổ nhiệm cha Luy Huỳnh Anh Trung làm quản nhiệm giáo họ biệt lập Phú Lâm, thay thế cha Chân đi làm cha sở giáo xứ Đa Lộc. Ngày 30 tháng 06 năm 2016, tại nhà thờ Phú Lâm, Đức cha Matthêô chủ sự thánh lễ và công bố văn thư bổ nhiệm trên. Cha Trung tiếp tục công trình tu bổ nhà thờ đã bắt đầu từ thời cha Chân, cha cho quét vôi lại nhà thờ. Đồng thời cha xây lại bờ tường nhà thờ đã quá cũ và hư nát qua thời gian. Cha cũng nhờ các Soeurs dòng Thánh Phaolô đến dạy giáo lý cho các em thiếu nhi và thiếu niên cùng với cha và một vài giáo lý viên.
 

  

Ngày 30 tháng 10 năm 2021, Đức cha Matthêô ký văn thư bổ nhiệm cha Đaminh Đỗ Nhị Anh làm quản nhiệm giáo họ biệt lập Phú Lâm thay thế cha Trung. Ngày 04 tháng 11 năm 2021, tại nhà thờ Phú Lâm, cha Tổng đại diện Giuse Trương Đình Hiền chủ sự thánh lễ và công bố văn thư bổ nhiệm trên. Cha Nhị Anh tiếp tục đẩy mạnh tình hiệp nhất giữa các thành phần trong cộng đoàn tín hữu, đồng thời tăng cường quan hệ tốt đẹp với anh chị em lương dân chung quanh. Trong nhà thờ, cha chỉnh trang cung thánh khang trang đẹp đẽ hơn, đóng bàn thờ mới bằng gỗ, đồng thời cha cũng chỉnh trang đời sống phụng vụ. Bên ngoài nhà thờ, cha đổ bê tông toàn bộ sân nhà thờ, kết hợp với việc trồng cây xanh để tạo nên khuôn viên xanh tươi mát mẻ và đẹp đẽ cho nhà thờ.
    
 
 


3. Thành lập giáo xứ Phú Lâm

Sau gần 8 năm thành lập giáo họ biệt lập Phú Lâm, ngày 01 tháng 5 năm 2023, Đức cha Matthêô ký quyết định thành lập giáo xứ Phú Lâm và quyết định bổ nhiệm cha Đaminh Đỗ Nhị Anh làm cha chánh xứ tiên khởi của giáo xứ tân lập. Ngày 04 tháng 5 Đức cha Matthêô đến nhà thờ Phú Lâm chủ sự thánh lễ tạ ơn và công bố 2 văn thư trên. Thánh lễ có cha hạt trưởng Tuy Hòa Antôn Nguyễn Huy Điệp và một số linh mục đồng tế, với sự tham dự của các tu sĩ và đông đảo anh chị em giáo dân của giáo xứ và vùng phụ cận.

Hiện nay, giáo xứ Phú Lâm có 94 gia đình và 278 giáo dân.

 
 

 

[1] Sông Đà Rằng là từ đọc trại của Ea Drăng trong tiếng Chăm cổ có nghĩa là “con sông lau sậy”. Sông Đà Rằng là khúc sông từ đập Đồng Cam ra đến biển; còn từ đó ngược về thượng nguồn là sông Ba.
[2] Có giả thuyết cho rằng sông Ba ở Phú Yên là cách gọi của người Việt, vì con sông này là hợp lưu của 3 dòng sông Krông Pa, Krông Năng và Cà Lúi. Điểm hợp lưu nằm ở địa đầu Tây Nam Phú Yên.
[3] Cầu Đà Rằng 2 (cầu cũ) là cầu đôi (gồm hai cầu song song: một cầu của đường sắt và một cầu của đại lộ Nguyễn Tất Thành), dài 1.512m, là cầu dài nhất miền Trung Việt Nam.
[4] Sau khi thị trấn Phú Lâm được sáp nhập vào thành phố Tuy Hòa, ngày 16 tháng 5 năm 2005 phần đất còn lại của huyện Tuy Hòa được chia thành 2 huyện mới là huyện Đông Hòa và huyên Tây Hòa. Từ đó không còn huyện Tuy Hòa nữa.
[5] Tên cũ là sân bay Đông Tác. Trước năm 1975, đây là căn cứ không quân quan trọng của không lực Hoa Kỳ.
[6] Theo lời kể của các bậc cao niên, tháp Chăm Đông Tác đã bị đổ từ rất lâu nhưng cách đây vài chục năm, di tích này vẫn còn cao khoảng 10 đến 12 mét, xung quang được bao bọc bởi cây cổ thụ và các cụm cây bụi um tùm. Qua thời gian, tháp bị bào mòn, nhân dân trong vùng lấy gạch, cát để làm đường đi ra đồng ruộng và đường đi vào trong làng.
[7] Xem Bản thông tin Địa phận Qui Nhơn, số 50, tháng 12 năm 1966, tr. 28.

Tác giả bài viết: Ban biên soạn Lịch sử Giáo phân Qui Nhơn

Tổng số điểm của bài viết là: 15 trong 3 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 3 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

lich cong giao 2022 - 2023
tapsanmucdong
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập48
  • Máy chủ tìm kiếm28
  • Khách viếng thăm20
  • Hôm nay22,630
  • Tháng hiện tại588,487
  • Tổng lượt truy cập28,903,856

Chúng tôi trên mạng xã hội

CÁC GIÁO HẠT
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây