Giảng lễ đêm Giáng Sinh

Chúa nhật - 24/12/2017 11:36

LỄ ĐÊM GIÁNG SINH 2017

tại Nhà thờ Chính tòa Qui Nhơn

 (Is 9,1-6; Tt 2,11-14; Lc 2,1-14)

 

Kính thưa quí ông bà, anh chị em và toàn thể quí vị,

Trong khung cảnh Năm thánh Hồng ân mừng 400 năm loan báo Tin Mừng tại Giáo phận Qui Nhơn, đêm nay chúng ta cùng nhau long trọng cử hành đại lễ mừng kỷ niệm lần thứ 2017 ngày Ngôi Hai Thiên Chúa từ trời sinh xuống trần gian dưới hình hài một trẻ thơ có tên gọi là Giêsu, để cứu độ muôn dân.

Biến cố trọng đại có một không hai này đã phân chia dòng lịch sử nhân loại thành hai phần, mà trung tâm điểm và đỉnh cao chính là Chúa Giêsu. Đêm Giáng Sinh được ví như bản lề của lịch sử, tức là cột trụ mà toàn thể các biến cố lịch sử nhân loại đều xoay quanh. Mặc dù khác nhau về văn hóa, chủng tộc, nhưng mọi người trên thế giới đều xác định niên đại một biến cố, một sự kiện, của nhân loại nói chung, của một dân tộc hay một con người nói riêng, căn cứ vào năm Chúa giáng sinh. Từ ngữ Việt Nam hiện nay quen dùng cụm từ “trước” hoặc “sau công nguyên”. Theo tự điển, công nguyên là cái mốc chung để tính thời gian trong lịch sử bắt đầu từ năm Chúa Giêsu ra đời. Dẫu cho các nhà thông thái có tranh luận về sự chính xác của niên đại ấy, dẫu cho họ có tìm ra sự sai biệt khoảng 3 hay 4 năm, thì đó vẫn là một cách tính được khắp hoàn cầu công nhận. Cách mạng Pháp 1789 đã mưu toan áp đặt một lối tính niên đại lấy mốc từ năm đầu tiên của cuộc cách mạng, nhưng họ đã thất bại. Chúa Giêsu quả là trung tâm của lịch sử. Không có năm sinh của một người nào trên trần gian này lại được mọi người công nhận là cái mốc chung để tính thời gian như năm sinh của Chúa Giêsu.

Chúa Giêsu là một Ngôi Vị Thiên Chúa tối cao, nhưng vì yêu thương nhân loại khổ đau, đã tự nguyện nhập thể, tức là sinh ra dưới hình hài một con người bằng xương bằng thịt. Đồng thời với việc nhập thể ấy, Ngài đã thực sự nhập thế, tức là từ thế giới thần linh đầy ánh sáng siêu phàm Ngài đã nhập cuộc vào giữa lòng thế giới phàm trần đầy tăm tối này của chúng ta.

Ngài đã nhập cuộc vào lịch sử nhân loại trong một tọa độ chính xác về thời gian và không gian, như đoạn Tin Mừng hôm nay đã xác định (Lc 2,1-14). Tọa độ thời gian là dưới triều hoàng đế Xêdarê Augustô của đế quốc Rôma; tọa độ không gian là thành Bêlem xứ Giuđêa. Sự nhập thế ấy đã làm nên lý lịch trích ngang rất rõ ràng của Đấng Cứu Thế, không ai có thể nghi ngờ. Ngài không đến rồi đi, không ở rồi về, nhưng sẽ ở cùng nhân loại mãi mãi. Ngài không từ trời du hành xuống thế theo kiểu các phi hành gia du hành vũ trụ, cũng chẳng giống các vua chúa vi hành trong đất nước, nhưng Ngài thực sự đồng hành với con người trên mọi nẻo đường cuộc sống đầy gian nan khốn khó, nhiều sóng gió phong ba, để dẫn dắt họ về đến bến bình an và hạnh phúc. Vì thế Chúa Giêsu đã được Kinh Thánh gọi là Emmanuel, nghĩa là Thiên Chúa ở cùng chúng ta. Từ đó lễ Giáng Sinh có tên gọi là Noël trong tiếng Pháp, một hình thức ngắn gọn của từ Emmanuel.

Cho đến hôm nay, nhân loại vẫn chưa hết ngạc nhiên về việc giáng sinh của Chúa Cứu Thế. Làm sao một vị Thiên Chúa cao cả vượt trên chín tầng trời, ngự trị trong ánh huy hoàng và hạnh phúc tuyệt vời, lại có thể sinh xuống cõi đời, sống kiếp phàm nhân, để trở thành một người anh em của nhân loại, cùng chia sẻ với họ những đau khổ của kiếp người và ngay cả chấp nhận một cái chết đau thương nhất?

Người Do thái ngày xưa vẫn mong chờ Đấng Cứu Thế suốt gần hai ngàn năm, nhưng khi Ngài đến thì họ lại không thể nhận ra, thậm chí đã chối từ Ngài. Tại sao thế? Lý do là vì họ nghĩ rằng Đấng Cứu Thế mà họ đang mong đợi sẽ từ trời ngự xuống trong uy nghi, trong sự rung chuyển của ngũ hành, trong mây mù sấm chớp, vũ bão cuồng phong, chứ đâu có ngờ Ngài đến cách âm thầm như giọt sương khuya trong một đêm thanh vắng, dưới dạng một hài nhi bé nhỏ yếu ớt. Mà nếu có sinh ra dưới hình hài một em bé đi nữa, thì Ngài vốn là Vua trên hết các vua, tại sao không sinh ra trong một cung điện nguy nga có kẻ hầu người hạ, lại chọn sinh ra trong chuồng bò, nằm trong máng cỏ, nghèo nàn, tồi tàn, với một hoàn cảnh phũ phàng như thế? Chỉ vì Ngài muốn trở nên gần gũi để bày tỏ tình yêu thương đối với nhân loại đang chìm đắm trong bể khổ và cứu vớt họ, để không ai có thể nói rằng Thiên Chúa ở quá xa và không quan tâm gì đến con người.

Người Do thái mong đợi Đấng Cứu Thế xuất hiện như một vị anh hùng dũng mạnh, vung lưỡi gươm thần để ra tay tiêu diệt hết mọi quân thù tứ phía, nới rộng biên cương bờ cõi, đặt ánh thống trị trên các lân bang. Thế nhưng Chúa Giêsu lại xuất hiện như một vị chủ chăn nhân lành, giảng dạy tình thương tha thứ, không kêu gọi tiêu diệt kẻ thù, nhưng chỉ tiêu diệt sự hận thù từ trong tâm hồn, để mọi người không phân biệt chủng tộc, văn hóa, tôn giáo, trở thành anh em một nhà, bởi vì tất cả mọi người đều là con một Cha, được Thiên Chúa sinh ra, được Ngài hết mực yêu thương, chăm sóc và kêu gọi đến hưởng hạnh phúc vĩnh cửu với Ngài.

Kính thưa quí ông bà, anh chị em và toàn thể quí vị,

Người ta bảo trên đời có ba cái đẹp tỏa sáng: một là ánh sao đêm, hai là giọt sương sớm và ba là đôi mắt trẻ thơ. Cả ba cái đẹp ấy đều có mặt đêm nay trong hang đá Bêlem:

Nằm trong máng cỏ hơi sương

Hài Nhi giáng thế vì thương cõi đời

Long lanh đôi mắt rạng ngời

Tựa như lấp lánh sao trời đêm đông.

Cái đẹp ấy có sức làm rộn rã lòng người, vì Hài Nhi ấy chính là Thiên Chúa cứu độ muôn dân mong đợi từ ngàn xưa. Sự ra đời của Ngài là một Tin Mừng phổ quát, không chỉ làm vinh danh Thiên Chúa, mà còn đem lại an bình cho nhân loại, như lời các thiên thần mừng hát trong đêm Giáng Sinh: Vinh danh Thiên Chúa trên trời, bình an dưới thế cho loài người được Chúa thương yêu. Loài người được Chúa thương yêu ở đây không phải chỉ là những người Israel ngày xưa, hay người Kitô hữu hôm nay, nhưng là tất cả mọi người không phân biệt lương giáo, bởi vì mọi người không trừ ai đều do Thiên Chúa sinh ra và chăm sóc với tất cả tình thương mến.

Chính vì thế mà lễ Giáng Sinh đã mau chóng trở thành ngày lễ của mọi người, lễ phổ thông nhất, mang tính quốc tế nhất, được mừng rộng rãi nhất, cho người già cũng như người trẻ, cho người giáo cũng như người lương. Giáng Sinh là một niềm vui sâu lắng nhưng tưng bừng, tưởng chừng chỉ dành cho các Kitô hữu, nhưng thực ra, như các bản tin trên đài truyền hình cho biết, niềm vui ấy lại thênh thang rộng mở đến tất cả mọi người.

Chúa Giêsu đã sinh ra cách đây 2017 năm rồi và mãi mãi Ngài vẫn tiếp tục sinh ra trong lòng con người qua mọi thời đại, để ở cùng con người và mang lại cho họ niềm vui, bình an và hạnh phúc. Tuy nhiên, Chúa Giêsu chỉ có thể sinh ra cho những ai biết mở rộng lòng mình để đón nhận Ngài. Vì thế, chúng ta đừng đối xử với Ngài như những quán trọ phòng ốc thênh thang, nhưng lại khép kín trong giàu sang và mọi thứ ham muốn ích kỷ, khiến Chúa phải ra đi, như tại Bêlem ngày xưa. Xin cho mỗi người chúng ta nên như một hang đá bé nhỏ, một máng cỏ đơn sơ, tuy rất tầm thường, nhưng dễ thương và ấm áp, để sẵn sàng đón tiếp Chúa.

Ai cũng được mời gọi có một chỗ đứng trong niềm vui Giáng Sinh. Vì thế xin cầu chúc mọi người và từng người được tràn đầy niềm vui, cho dẫu trong cuộc đời vẫn còn nhiều khó khăn phải vượt qua. Đặc biệt, lễ Giáng Sinh năm nay diễn ra trong hoàn cảnh các anh chị em đồng bào chúng ta vừa trải qua cơn bão số 12 có tên là Damrey, đã cướp đi sinh mạng và tài sản của biết bao nạn nhân. Chúa Giêsu đang sinh ra trong cảnh khốn khó của đồng bào chúng ta và Ngài cũng đang thúc giục mỗi người chúng ta hãy mở rộng tấm lòng, quảng đại giúp đỡ những người đang sống trong cảnh màn trời chiếu đất, bằng tất cả những gì chúng ta có thể. Nguyện xin Chúa Giêsu Hài Đồng ban phúc lành cho tất cả quí ông bà, anh chị em và toàn thể quí vị.

Tác giả bài viết: Gm. Matthêô Nguyễn Văn Khôi

 Tags: Giáng sinh, noel

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

lich cong giao 2022 - 2023
tapsanmucdong
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập69
  • Máy chủ tìm kiếm33
  • Khách viếng thăm36
  • Hôm nay22,286
  • Tháng hiện tại573,534
  • Tổng lượt truy cập28,888,903

Chúng tôi trên mạng xã hội

CÁC GIÁO HẠT
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây