Tác giả, kết cấu và nội dung thư thứ II gửi giáo đoàn Thêxalônica

Thứ bảy - 14/09/2019 04:15
TÁC GIẢ, KẾT CẤU VÀ NỘI DUNG 
THƯ THỨ II GỬI GIÁO ĐOÀN THÊXALÔNICA

1. NHỮNG VẤN NẠN TRONG THƯ THỨ II GỬI TÍN HỮU THÊXALÔNICA

Khi tìm hiểu các thư của thánh Phaolô, chúng ta biết chắc chắn thư thứ I gửi giáo đoàn Thêxalônica đã được chính tay thánh nhân viết ra hồi năm 51, với mục đích củng cố lòng tin của các tín hữu, đồng thời bổ túc một số điểm giáo lý quan trọng, mà thánh nhân chưa kịp giảng dạy cho họ. Bức thư này đã là một trong các tài liệu cổ xưa nhất của Tân Ước và chứa đựng một số đề tài thần học sẽ được khai triển rộng rãi hơn sau này, chẳng hạn như lòng tin trao ban ơn cứu độ, số phận của những người đã chết, thái độ kitô hữu phải có trong khi đợi chờ Chúa đến và bí quyết xây dựng cộng đoàn.
 
Nhưng khi nghiên cứu thư thứ II gửi giáo đoàn Thêxalônica, chúng ta nhận ra một số vấn nạn khó giải quyết. Trước hết là văn bản khải huyền nói về thời cánh chung trong chương 2,1-12. Làm sao giải thích được các yếu tố khải huyền trong văn bản nòng cốt này của thư, đặc biệt là gương mặt của Tên Phản Kitô và thực tại bí nhiệm hiện đang ngăn cản sức đánh phá và tung hoành ma quái của sự dữ? Tuy nhiên, vấn nạn lớn nhất vẫn là nghi vấn sau đây: thánh Phaolô có phải là tác giả thật của thư thứ II gửi giáo đoàn Thêxalônica hay không? Nghi vấn này nảy sinh, khi chúng ta so sánh nội dung cũng như kiểu dùng tữ ngữ và hành văn của hai bức thư. Tuy từ ngữ và pháp cú có giống thư thứ I, nhưng xem ra thư thứ II thuộc một thế giới khác, bởi vì tựa đề của thư “gửi cho giáo đoàn Thêxalônica” không đủ mạnh để có thể bảo đảm cho tính chất đích thực của nó và xóa bỏ mọi nghi vấn. Thật khó có thể nhận ra trong thư thứ II gương mặt của tín hữu giáo đoàn Thêxalônica như trình bầy trong thư thứ I. Các liên hệ giữa thánh Phaolô với tín hữu Thêxalônica như trình bầy trong thư thứ I là các liên hệ nồng ấm và rất riêng tư.
 
Vấn nạn liên quan tới tính chất đích thực của thư thứ II gửi giáo đoàn Thêxalônica còn kéo theo một vấn nạn khác không kém phần quan trọng: đó là thời gian sáng tác. Nếu thư thứ II thực sự do thánh Phaolô viết ra, thì chúng ta có thể xác định thời gian sáng tác là ít lâu sau khi thánh nhân viết bức thư thứ I, tức cũng vào khoảng năm 51. Nhưng nếu nó không do thánh Phaolô viết, mà là tác phẩm vô danh được gán cho thánh nhân, thì thời gian sáng tác phải muộn hơn nhiều, nghĩa là sau khi Phaolô qua đời. Chỉ khi đó soạn giả vô danh mới gán bức thư cho thánh nhân, chứ trong khi Phaolô còn sống, chuyện mạo thư này chắc hắn khó có thể xảy ra.
 
Tất cả các vấn nạn vừa nêu trên đây, trong nghĩa thuận hay nghĩa nghịch, đều có tầm mức quan trọng đối với việc chú giải thư thứ II gửi giáo đoàn Thêxalônica. Ngoài ra các lý chứng được giới học giả của cả hai phe thuận và nghịch nêu ra đều không có tính cách định đoạt đối với ý kiến truyền thống cho rằng thánh Phaolô là tác giả thư thứ II gửi tín hữu Thêxalônica, cũng như đối với lập trường của nhiều học giả ngày nay không chấp nhận ý kiến truyền thống này. Vì thế cho tới nay vấn đề vẫn chưa có giải pháp thỏa đáng.
 
Thật vậy, nếu so sánh hai bức thư, chúng ta nhận ra ngay một số khác biệt quan trọng và ý nghĩa. Trước tiên là giọng văn. Giọng văn thư thứ II gửi tín hữu Thêxalônica không vồn vã, nồng ấm và yêu dấu như giọng văn thư thứ I. Mặc dầu không thiếu các kiểu gọi thân tình như “anh chị em”, được lập đi lập lại nhiều lần trong thư, người ta vẫn nhận ra tính cách lạnh lùng và không ngôi vị của giọng văn. Chúng ta không gặp được đoạn văn nào thổ lộ tâm tình lai láng hay diễn tả tâm sự của Phaolô như trong thư thứ I. Dĩ nhiên, Phaolô cũng lo lắng vì các tình trạng sống sai đường lạc lối của các tín hữu Thêxalônica đấy, nhưng trong thư thứ II chúng ta tuyệt nhiên không nhận ra nỗi khắc khoải, âu lo, sợ hãi của thánh Phaolô đối với số phận của tín hữu. Cái lo lắng ở đây là thứ lo lắng xa xa của một vị thầy có trách nhiệm đối với các môn sinh của mình, chứ không phải là tâm tình chia sẻ quặn thắt của một người thân, của tình phụ tử, hay tình hiền mẫu hoặc tình hyunh đệ thắm thiết.
 
Có một điểm khiến chúng ta đặc biệt kinh ngạc hơn nữa, đó là thư thứ II gửi tín hữu Thêxalônica không hề nhắc tới các liên hệ thân tình, mạnh mẽ, bền chặt mà thánh Phaolô đã có trước đây với tín hữu giáo đoàn. Nó cũng không hề đả động gì tới thái độ, mà thánh nhân đã có trong thời gian phải sống xa cách họ, như trình thuật trong ba chương đầu thư thứ I. Ngoại trừ chi tiết liên quan tới công việc khó nhọc liên lỉ mà thánh nhân đã phải gánh chịu, để không phải nhờ vả phiền hà tới ai trong cộng đoàn, các kiểu nói khác đều có tính cách cố định như đã được diễn tả trong thư thứ I (2,15; 3,4; 3,6; 3,10). Chúng ta cũng không nhận ra tính cách đối thoại trong kiểu dùng từ ngữ “anh chị em - chúng tôi” như trong thư thứ I. Xem ra đàng sau bức thư thứ II này không có các lịch sử liên hệ thân tình đã nối kết Phaolô với tín hữu giáo đoàn Thêxalônica một cách sâu đậm. Giáo đoàn ở đây xem ra cũng giống như bất cứ giáo đoàn kitô nào khác hồi thế kỷ thứ I, đang phải đối phó với các vấn đề khác nhau, chứ không phải là giáo đoàn Thêxalônica rất thân mến do thánh Phaolô thành lập trong thành phố thủ phủ vùng Maceđonia thời đó.
 
Còn một điểm khác cần ghi nhận. Đó là thư thứ II gửi tín hữu Thêxalônica lập đi lập lại nhiều kiểu diễn tả và các câu của thư thứ I, có khi nguyên vẹn không sai một chữ, khi khác với một vài thay đổi nhẹ nhàng. Học giả Rigaux đã kê khai ra một danh sách dài các tương đồng và khác biết này. Tuy nhiên, chương 2,3-12 nói về ngày Chúa Giêsu Kitô quang lâm, là đoạn nòng cốt của thư thứ II, lại tuyệt nhiên không dùng các kiểu diễn tả và từ ngữ của văn bản song song trong thư thứ I. Sự kiện này khiến cho người ta có lý do để nghi ngờ rằng soạn giả thư thứ II khéo léo sao chép lại các đề tài thần học đã có trong thư thứ I, để làm khung cho giáo huấn khải huyển của mình trong chương 2,1-12. Có thể có người phản đối cho rằng: chính thánh Phaolô đã muốn lập lại các giáo huấn của thư trước, khi viết bức thư thứ II này cho tín hữu Thêxalônica. Đây là điều có thể xảy ra. Nhưng trong tất cả mọi thư do chính thánh nhân viết ra, tuyệt nhiên không có hiện tượng lập lại này. Thật ra, Phaolô là một người rất có óc sáng tạo. Trong khoảng 10 năm trời thánh nhân đã viết các thư của mình để trình bầy giáo lý Kitô, hầu đáp ứng các nhu cầu khác nhau của các cộng đoàn tín hữu thời đó. Khi phải trình bầy cùng một đề tài, Phaolô luôn luôn theo một kiểu cách khác chứ không lập lại y nguyên lược đồ đã dùng.
 
Liên quan tới nội dung, còn một điểm khác biệt quan trọng giữa hai thư gửi tín hữu Thêxalônica. Đó là giáo huấn về thời cánh chung, tức các thực tại cuối cùng của cuộc đời con người và của thế giới. Trong thư thứ I Phaolô khẳng định rằng niềm hy vọng được hưởng cuộc sống vinh quang với Chúa có giá trị đối với các tín hữu đã chết, cũng như đối với các tín hữu còn sống cho tới khi Chúa Giêsu Kitô quang lâm. Các tín hữu đã chết sẽ sống lại trước, rồi sẽ được Chúa Giêsu Kitô đem lên thiên quốc cùng với các tín hữu còn sống cho tới lúc đó (1 Ts 4,13-18). Vì thế thánh Phaolô khuyến khích tín hữu tỉnh thức đợi chờ ngày Chúa Kitô quang lâm. Ngày đó rất gần và sẽ xảy ra một cách bất thình lình, không lường trước được (1 Ts 5,1-11). Trái lại thư thứ II lại dồn sự chú ý vào sự kiện ngày Chúa Kitô quang lâm chưa tới. Trước hết phải xảy ra các dấu chỉ khai mào cho biến cố trọng đại này đã: đó là cảnh con người phản bội chối bỏ Thiên Chúa và các hoạt động tác hại tàn ác của Tên Phản Kitô. Nó sẽ dùng quyền phép của Satan mà làm các việc cả thể, các phép lạ và mọi sự kỳ diệu giả dối. Nó sẽ dùng mọi nưu chước để lừa đảo các kẻ hư hỏng đã chối bỏ Thiên Chúa, không yêu mến sự thật và chạy theo dối trá (2 Ts 2,1-12).
 
Dĩ nhiên, đây không phải là các nhân tố trái nghịch nhau, nhưng chúng diễn tả các viễn tượng khác xa nhau. Thư thứ I gửi tín hữu Thêxalônica chỉ lập lại giáo huấn của truyền thống Phúc Âm, nêu bật tính cách bất thình lình của biến cố Chúa Kitô quang lâm ngày sau hết. Trái lại, thư thứ II đề cập tới các biến cố của thời cánh chung liên quan tới các thực tại và thời điểm của ngày tận thế một cách chi tiết, với các kiểu hành văn và hình ảnh mầu mè, biểu tượng của nền văn chương khải huyền. Khi nêu bật sự kiện ngày cánh chung chưa tới và còn xa, văn bản nhắm mục đích đả phá thái độ sống nôn nóng đợi chờ đến vô trách nhiệm của nhiều tín hữu trong cộng đoàn kitô tiên khởi. Thật khó mà có thể gán cho thánh Phaolô cả hai quan điểm và thái độ trái nghịch nhau trên đây. Có điều chắc chắn có thể kiểm chứng được, đó là đề tài khải hyuền này (2 Ts 2,1-12) sẽ không bao giờ được thánh Phaolô đề cập tới trong các thư do chính tay ngài viết ra. Trong khi đề tài tỉnh thức đợi chờ Chúa Kitô ( 1 Ts 4,13-18; 5,1-11) sẽ được Phaolô lấy lại và khai triển rộng rãi trong chương 15 thư thứ 1 gửi tín hữu Côrintô.
 
Tóm lại, khi so sánh nội dung cũng như kiểu hành văn và dùng từ ngữ, chúng ta nhận thấy hai thư gửi tín hữu Thêxalônica rất khác nhau. Vấn đề như thế là phải tìm hiểu xem ai là soạn giả thứ thứ II gửi tín hữu Thêxalônica.

2. AI LÀ TÁC GIẢ THƯ THỨ II GỬI TÍN HỮU THÊXALÔNICA?

 Khi so sánh hai thư gửi giáo đoàn Thêxalônica, người ta nhận thấy chúng khác nhau trong nội dung, cũng như trong kiểu dùng từ ngữ và hành văn. Các khác biệt này khiến giới học giả đặt nghi vấn liên quan tới tác gỉa đích thực của thư thứ II. Mặc dầu có các lý chứng rõ ràng cho thấy soạn giả thư thứ II gửi giáo đoàn Thêxalônica không phải là thánh Phaolô, một số đông các nhà chú giải, đặc biệt là các nhà chú giải công giáo vẫn theo thuyết truyền thống coi thánh Phaolô là tác gỉa bức thư này, điển hình như B. Rigaux và P. Rossano. Theo các học giả này các lý chứng trái nghịch không có tính cách dứt khoát định đoạt. Nhiều học giả khác như G. Barbaglio thì lại cho rằng thánh Phaolô không phải là tác giả thư thứ II gửi giáo đoàn Thêxalônica. Lập trường thứ hai này xem ra cống hiến cho chúng ta một khung cảnh trung thực hơn, phản ánh tâm tình của kitô hữu trong các giáo đoàn kitô thời khai sinh liên quan tới việc chờ đợi Chúa Kitô quang lâm.
 
Vào giữa thế kỷ thứ I tín hữu sống tại Thêxalônica đã rất nôn nóng đợi chờ biến cố Chúa Giêsu Kitô trở lại trong vinh quang để kết thúc lịch sử thế giới và giải thoát họ. Họ coi biến cố Chúa Kitô quang lâm như là chuyện rất gần kề, đến độ trong ngày Chúa đến có nhiều người còn sống chứ chưa chết. Thánh Phaolô cũng chia sẻ quan điểm đó của tín hữu Thêxalônica. Sau này vào khoảng năm 56-57 khi viết thư thứ I cho giáo đoàn Côrintô, Phaolô bầy tỏ niềm hy vọng cũng sẽ còn sống cho tới ngày đó. Thánh nhân viết trong chương 15,51-52: “Tôi xin cho anh chị em biết một mầu nhiệm này: Đó là chúng ta sẽ không chết tất cả đâu, nhưng chúng ta sẽ được biến đổi trong một khoảng khắc, trong một nháy mắt, khi tiếng kèn cuối cùng trổi lên. Bởi vì khi kèn sẽ thổi lên, các người chết sẽ sống lại không hư nát, và chúng ta, chúng ta cũng sẽ được biến đổi”. Thư thứ I gửi giáo đoàn Thêxalônica được lồng khung trong niềm tin này và giải thích niềm hy vọng kitô trong viễn tượng đó.
 
Tuy nhiên, khi thấy năm tháng cứ qua đi mà Chúa Kitô không quang lâm để kết thúc lịch sử thế giới và giải thoát họ, tín hữu trong cộng đoàn bắt đầu chạm trán với thực tại Chúa Giêsu chậm trễ đến cứu họ. Khi ấy trong cộng đoàn phát sinh ra hai giải pháp đồng thời cũng là hai thái độ sống của tín hữu. Thứ nhất là thái độ chấp nhận viễn tượng dài, nghĩa là tin nhận rằng Chúa Giêsu Kitô sẽ quang lâm trong tương lai rất xa. Trong khi chờ đợi, đây là thời gian Giáo Hội hoạt động truyền giáo trong thế giới. Thánh sử Luca theo lập trường này và nêu bật hoạt động truyền giáo của Giáo Hội trong khi chờ đợi ngày cánh chung. Thái độ thứ hai cho rằng ngày Chúa quang lâm vĩnh viễn đã tới rồi. Đây đã là lập trường của tín hữu trong thư thứ II gửi giáo đoàn Thêxalônica, như viết trong chương 2,1-2: “Anh chị em, liên quan tới biến cố Chúa Giêsu Kitô đến và việc quy tụ chúng ta bên Ngài, chúng tôi xin anh chị em điều này. Đó là đừng vội điên đầu cũng đừng sợ hãi vì một mạc khải tiên tri, một lời nói hay một bức thư được giới thiệu như là của chúng tôi khiến cho anh chị em tin rằng ngày của Chúa đã đến rồi”. Viễn tượng này cũng bị cảnh cáo trong chương 2,18 thư thứ II gửi Timôtêô: Trong số các người suy nghĩ lệch lạc “có Imeneo và Fileto. Họ đã xa rời sự thật, khi chủ trương rằng sự sống lại đã đến rồi”. Cũng không thiếu các tín hữu mạnh mẽ phản ứng chống lại các người hăng hái qúa đáng vì họ yêu sách sẽ còn sống khi Chúa Kitô quang lâm và sẽ được sống kinh nghiệm hứng khởi những ngày sau hết của thời tận thế. Trong chương 21,8 thánh sử Luca đã cảnh cáo tín hữu chống lại khuynh hướng cho rằng ngày tận thế đã gần kề. Thánh nhân khuyên họ coi chừng đừng để bị đánh lừa, vì sẽ có nhiều người tới tự xưng là Chúa Kitô và nói rằng thời giờ tận thế đã tới. Tác giả vô danh thư thứ II gửi giáo đoàn Thêxalônica chắc chắn cũng thuộc phong trào chống lại giấc mộng này của các tín hữu bồng bột sôi nổi. Ông lấy tên thánh Phaolô gán cho bức thư của mình, một đàng để tăng uy tín cho bức thư, đàng khác vì đề tài ngày Chúa Kitô quang lâm được thánh Phaolô diễn tả một cách rõ ràng minh bạch, không lầm lẫn được. Viết cho giáo đoàn Thêxalônica, ông đưa ra lập trường kitô phê bình tư tưởng thư thứ I của thánh Phaolo và thái độ nôn nóng đợi chờ biến cố Chúa Kitô quang lâm. Do đó ông cũng bắt chước kiểu hành văn của thánh nhân. Thật ra soạn giả muốn duy trì truyền thống phaolô khỏi mọi lèo lái sai lệnh. Chúng ta đang ở trong giai đoạn giải thích tư tưởng của thánh Phaolô trong các thập niên cuối cùng của thế kỷ thứ nhất. Tóm lại, có thể kết luận rằng tác giả thư thứ II gửi giáo đoàn Thêxalônica là một môn đệ của thánh Phaolô. Sau ngày thánh nhân qua đời, ông can thiệp chống lại các lập trường hăng hái quá đáng của nhiều kitô hữu hồi thế kỷ thứ I coi biến cố Chúa Kitô quang lâm như là chuyện gần kề. Đóng góp suy tư của ông nêu bật sự kiện này: đó là trước ngày Chúa Kitô quang lâm để khai mào thế giới mới của thời phục sinh, còn có cả lịch sử dài của Giáo Hội nữa. Giải pháp này không làm giảm giá trị nội dung thư thứ II. Nó cho thấy một giai đoạn phát triển lòng tin kitô của Giáo Hội hồi thế kỷ thứ I, và mời gọi các thế hệ kitô theo sau biết thường xuyên tự kiểm thảo và phê bình, để không rơi vào thái độ bất cập thái qúa.
 
Đâu đã là thái độ không đúng đắn của các tín hữu giáo đoàn Thêxalônica như tả trong thư thứ II? Rất tiếc chúng ta không có nhiều tin tức liên quan tới cộng đoàn này. Nhưng cứ theo nội dung của thư chúng ta biết được hai khía cạnh cụ thể trong thái độ sống của các tín hữu. Thứ nhất là tình trạng báo động, bôn chôn, nhốn nháo phát sinh từ xác tín cho rằng ngày Chúa Kitô quang lâm, ngày tận thế sắp tới nơi rồi. Có một số tín hữu tưởng rằng mình được linh ứng nói tiên tri. Một số khác thì dựa vào quyền bính các giáo huấn của thánh Phaolô để biện minh cho lập trường của họ. Chúng ta đang ở vào các năm sau khi thánh Phaolô qua đời. Do đó cũng không lạ gì khi trong giáo đoàn có các phong trào hăng hái tin tưởng rằng ngày thế mạt sắp đến. Chúa Kitô sắp quang lâm để hủy diệt thế giới tội lỗi này và thiết lập một thế giới mới trong lịch sử nhân loại. Văn bản ở đây nói tới thái độ giao động và các cử chỉ xuất thần, nghĩa là mất lý trí. Ngoài xác tín cá nhân khiến cho tín hữu giáo đoàn Thêxalônica có các thái độ đó, trên bình diện lịch sử mà nói, các cuộc bách hại kitô hữu ngày càng thường xuyên và dã man hơn, hẳn đã là lý do làm nảy sinh ra các giao động này. Chúng ta biết là trong các giai đoạn gặp gian lao thử thách và bắt bớ khổ đau qúa sức, các tín hữu thường ước mong cho ngày tận thế mau đến để Thiên Chúa đánh phạt, hủy hoại thế giới gian ác này, giải thoát họ và thiết lập vương quốc công chính và bình an của Ngài. Trào lưu văn chương khải huyền là kết quả của các giai đoạn tai gương khốn khó ấy. Chương đầu thư thứ II gửi giáo đoàn Thêxalônica cho thấy bối cảnh bắt bớ khổ đau đó. Tình trạng khốn khó này khiến cho tín hữu ước mong Chúa mau đến để phán xử trần gian và đánh phạt các kẻ gian ác bắt bớ tín hữu của Ngài.
 
Hiện tượng thứ hai gây âu lo đó là có một số tín hữu ăn không ngồi rỗi, không muốn làm việc gì cả. Trái lại họ “ngồi lê mách lẻo” và xen mình vào chuyện người khác. Trong một thành phố cảng lớn như Thêxalônica, nếu có hiện tượng ăn bám cũng là chuyện thường tình. Những người thất nghiệp bị gạt bỏ ngoài lề xã hội, sống nhờ vả vào người này người nọ. Nhưng trong cộng đoàn gồm các người không lấy gì làm khá giả, các anh chị em này trở thành gánh nặng cho các tín hữu khác. Lời tố cáo mạnh mẽ dứt khoát trong chương 3,6-15 chứng minh cho tính cách trầm trọng của hiện tượng này, đặc biệt bởi vì giáo đoàn Thêxalônica chỉ là một giáo đoàn nhỏ. Nhân danh Chúa Giêsu Kitô tác giả xin tín hữu xa lánh các người lười biếng và không tuân giữ các điều họ đã học được từ các thừa sai. Đáng lý ra họ đã phải hiểu biết và noi gương các vị. Dù có quyền được tín hữu trợ giúp nhưng Phaolô và các thừa sai đã làm việc ngày đêm để có phương tiện sinh sống, mà không phiền lụy tới ai. Các vị đã hoàn toàn tự lập trên phương tiện vật chất. Tuy công việc làm có nặng nhọc vất vả, các vị duy trì được sự tự do hoàn toàn của mình, không phải nể nang ai và không chịu áp lực của ai.

 Lý do nào đã khiến cho một số tín hữu có thái độ sống ăn bám cộng đoàn như vậy? Ở đây xem ra không chỉ là do tính lười biếng tự nhiên và thiếu dấn thân. Nó phát xuất từ bầu khí khải huyền giao động nói trên. Sự chờ đợi ngày tận thế khiến cho họ bôn chôn tới độ không muốn làm việc gì nữa, mà chỉ ngồi khoanh tay đợi chờ ngày Chúa Kitô quang lâm phán xét trần gian. Họ lý luận rằng nếu ngày thế mạt sắp tới, thì các thực tại trần gian này và lịch sử nhân loại đâu còn có ý nghĩa gì nữa. Nếu cả lịch sử thế giới cũng sắp chấm dứt và trở thành vô nghĩa, thì công ăn việc làm cũng không có giá trị gì nữa. Xác tín và kiểu lý luận này nguy hiểm, vì nó khiến cho tín hữu có thái độ trốn chạy hiện tại, trốn tránh trách nhiệm và ẩn náu trong thế giới mới từ trời xuống. Nhưng sống như thế là lỗi bổn phận đối với chính bản thân, gia đình, cộng đoàn giáo hội và cộng đoàn xã hội. Nguy hại hơn nữa là khi chỉ “ngồi lê mách lẻo”, xía mũi vào chuyện của mọi người như thế, họ gây xáo trộn trong cộng đoàn và khiến cho cuộc sống cộng đoàn vốn đã nặng nề, lại càng rối loạn, ngột ngạt và khó thở hơn.

3. KẾT CẤU VÀ NỘI DUNG THƯ THỨ II GỬI GIÁO ĐOÀN THÊXALÔNICA

Tìm hiểu thư thứ II gửi giáo đoàn Thêxalônica chúng ta biết các học giả theo hai lập trường khác nhau. Lập trường thứ nhất theo truyền thống cho rằng thánh Phaolô là tác giả thư thứ II này. Lập trường thứ hai dựa trên các khác biệt giữa nội dung, kiểu cách hành văn và dùng từ ngữ trong hai thư, nên đi tới kết luận thư thứ II không do thánh Phaolô biên soạn, mà là tác phẩm của một môn đệ vô danh. Lập trường thứ hai giải thích được lý do sự khác biệt giữa hai thư, đồng thời cho thấy diễn tiến tình hình, một số vấn đề và thái độ sống của tín hữu trong cộng đoàn kitô Thêxalônica. Tuy nhiên sự kiện vấn đề vẫn còn bỏ ngỏ và không có giải pháp dứt khoát, không giảm bớt giá trị giáo huấn của thứ thứ II gửi giáo đoàn Thêxalônica.
 
Thư thứ II chỉ gồm ba chương, tức ngắn hơn thư thứ I. Giống như thư thứ I, thư thứ II cũng mở đầu với công thức gồm tên người gửi người nhận và lời chào (1,1-2). Tiếp đến là lời cám tạ Thiên Chúa (cc.3-10). Ban đầu nó sao lại lời cám ơn của thư thứ I (1 Ts 1,2-3), nhưng trong phần thứ hai (cc.5-10) nó có kiểu khai triển độc đáo riêng và chuyển qua việc miêu tả cảnh Thiên Chúa phán xử ngày sau hết, đặc biệt là hình phạt đời đời dành cho các kẻ bách hại tín hữu Chúa. Tác giả cho các tín hữu Thêxalônica biết rằng các thừa sai hằng liên lỉ cảm tạ Thiên Chúa vì họ đã tấn tới trong lòng tin. Chẳng những thế tình yêu thương bác ái mà các tín hữu có đối với các người khác đã nổi tiếng khắp nơi, khiến cho các thừa sai hãnh diện trước các giáo đoàn khác. Hãnh diện vì lòng kiên trì chịu đựng của họ trong mọi thử thách bắt bớ gặp phải. Các thử thách khó khăn ấy là dấu chỉ Thiên Chúa thanh tẩy và chuẩn bị cho họ xứng đáng hơn với Nước Trời. Nhưng bởi vì Thiên Chúa là Đấng công thẳng, nên Ngài sẽ báo oán cho họ bằng cách đánh phạt những người đàn áp bắt bớ tín hữu. Thiên Chúa sẽ tưởng thưởng các tín hữu và ban cho họ được an nghỉ, khi Đức Giêsu Kitô sẽ cùng với các thiên sứ từ trời đến trong quyền uy, trong lửa hồng, để hủy diệt những kẻ không nhận biết Thiên Chúa và không sống theo Tin Mừng của Chúa Giêsu. Họ sẽ bị hủy diệt đời đời và sống cách xa mặt Chúa và vinh quang của Ngài. Chương 1 kết thúc với lời nguyện chúc tụng vinh quang và quyền năng của Thiên Chúa (cc.11-12).
 
Chương 2 là đoạn nòng cốt của thư đề cập tới đề tài ngày Chúa đến phán xử trần gian. Tác giả khuyến khích tín hữu đừng bấn loạn tâm thần và khiếp sợ vì một mạc khải ngôn sứ nào đó, hay vì những lời người ta đồn thổi rằng ngày thế mạt gần kề. Ông đặc biệt khuyên tín hữu đừng để bị đánh lừa, bởi vì trước ngày Chúa quang lâm sẽ xảy ra nhiều điều khủng khiếp. Từ câu 3 trở đi văn bản mang sắc thái khải huyền và tả lại các dấu chỉ báo trước ngày tận thế. Đó là hiện tượng loài người chối bỏ Thiên Chúa và đặc biệt là các hành động của Kẻ tội lỗi gian ác, tức Tên Phản Kitô và sau đó là biến cố Chúa Giêsu đến trong vinh quang.
 
Hiện tượng loài người chối bỏ Thiên Chúa là một trong các yếu tố đã được trào lưu khải huyền do thái báo trước. Ở đây thánh Phaolô dùng các từ: chối đạo, người của gian tà, con của hư mất, sự hư mất với chỉ định từ như thể chúng là các nhân vật hay các thực tại mà các tín hữu đã dư biết. Kiểu diễn tả của tác giả cũng mang đặc tính do thái: “Người của sự gian tà” để diễn tả sự Gian Tà, và “con của sự hư mất” để ám chỉ Kẻ Hư Mất”. Nhân vật được nói tới ở đây không phải là Satan, mà là Tên Phản Kitô, Kẻ chống lại tất cả những gì thuộc về Thiên Chúa hay những người tôn thờ Thiên Chúa. Hắn còn ngạo mạn tới nỗi ngồi chễm chệ trong đền thánh Chúa và tự xưng là Thiên Chúa. Tác giả thư thứ II gửi tín hữu Thêxalônica khẳng định với tín hữu rằng tuy cả hai hiện tượng này chưa xảy ra, vì hiện giờ có sự gì đó hay có ai đó ghìm mầu nhiệm của sự gian tà lại chưa cho nó xảy ra, nhưng tín hữu vẫn phải sống trong tỉnh thức đợi chờ ngày quang lâm.
 
Trong nền thần học của thánh Phaolô mầu nhiệm của sự gian tà có thể ám chỉ một vật, một người, một giáo thuyết dấu ẩn, mà trí tuệ loài người không sao hiểu biết được, bởi vì nó cũng thuộc chương trình bí ẩn của Thiên Chúa hay một hành động bí ẩn của Thiên Chúa trong thời thế mạt. Sự gian tà là một mầu nhiệm, vì nó bước vào trong chương trình cứu độ của Thiên Chúa. Đối với loài người chúng ta đây là một thực tại gây ngạc nhiên và thật khó hiểu. Cái gian tà đó, tức là sự dữ, điều ác dưới tất cả mọi hình thái của nó chưa được vén mở lên hoàn toàn. Triều đại của nó chưa trọn vẹn. Nó sẽ chỉ lộ diện ra trong ngày trọng đại và hoạt động của nó sẽ chỉ đại đồng, nghĩa là lan tràn khắp vũ trụ, khi tới giờ mạc khải của sự Gian Tà. Nhưng Chúa Giêsu Kitô sẽ hủy diệt nó bằng hơi thở của miệng Ngài.
 
Tiếp theo văn bản khải huyền trên đây là một vài đề tài nhỏ khác xem ra kết thúc bức thư. Các thừa sai tạ ơn thiên Chúa đã mời gọi và tuyển chọn tín hữu Thêxalônica (2,13-14), đồng thời khuyến khích tín hữu kiên trì vững mạnh và trung thành trong cuộc sống đức tin (2,15). Các vị cũng cầu xin Chúa Giêsu và Thiên Chúa Cha củng cố lòng tin của họ (2,16-17). Trong hai câu đầu chương 3 các thừa sai xin tín hữu cầu nguyện cho các vị thoát khỏi nanh vuốt của những người gian ác xấu xa và cho công tác truyền giáo của các vị. Tiếp đến là tâm tình tin yêu phó thác trong bàn tay quan phòng của Thiên Chúa (3,3-4) và lời cầu xin Thiên Chúa chúc phúc lành cho toàn cộng đoàn Thêxalônica (3,5).
 
Tới đây thư thứ II gửi giáo đoàn Thêxalônica đề cập tới một vấn đề cụ thể liên quan tới đề tài ngày tận thế: đó là vì cho rằng ngày thế mạt sắp đến nên có một số tín hữu không muốn làm việc nữa, mà chỉ ăn không ngồi rỗi chờ ngày tận thế. Chẳng những họ ăn bám cộng đoàn, mà còn sống bê tha và gây xáo trộn trong cộng đoàn nữa. Do đó các thừa sai khuyến khích họ hãy biết noi gương các ngài, ra công gắng sức làm lụng để có phương tiện vật chất nuôi thân, để không trở thành gánh nặng cho kẻ khác. Ai không làm việc thì cũng đừng ăn! Cảnh “nhàn cư vi bất thiện” chắc chắn khiến cho họ phạm đủ mọi thứ tội của phường “ngồi lê mách lẻo”, nhòm nhỏ công ăn việc làm và xâm phạm cuộc sống của người khác. Vì thế các thừa sai khuyên tín hữu xa lánh họ.
 
Các câu 16-18 chương ba là phần kết luận thật sự của thư thứ II. Ngoài lời cầu chúc và phúc lành của Thiên Chúa còn có lời ký tên của Phaolô nữa. Đây là lý do giải thích tại sao nhiều học giả cho rằng thư thứ II do thánh Phaolô viết ra. Đây cũng là một bằng chứng khác cho thấy vào các thập niên cuối cùng của thế kỷ thứ I các tín hữu tìm gán cho thánh Phaolô những tác phẩm không do thánh nhân viết ra.
 
Văn bản khải huyền chương 2,1-12 là văn bản đặc biệt khiến cho thư thứ II khác với thư thứ I. Các tư tưởng khác của thư lập lại các tư tưởng của thư thứ I và đôi khi bắt chước cả hình thái hành văn nữa. Đây là một trong các văn bản quan trọng của Tân Ước, vì nó đả phá ảo trởng của nhiếu kitô hữu cho rằng ngày Chúa Giêsu Kitô quang lâm đã gần tới. Ngài đã bắt đầu bước vào chân trời thế giới này để phán xử mọi loài mọi vật. Đồng thời văn bản cũng nhắn nhủ các tín hữu phải dấn thân tiến bước trên con đường lịch sử nhân loại đầy cam go, hàm hồ và không rõ ràng này, mà không nhượng bộ các cám dỗ trốn chạy vào tương lai hay rơi vào trong các giấc mộng khải huyền. Nói như thế không có nghĩa là cộng đoàn kitô phải khước từ tin tưởng đợi chờ ngày Chúa Kitô trở lại thiết lập nước công bằng và tình yêu thương của Thiên Chúa Cha. Vấn đề là phải sống niềm hy vọng trong cuộc sống trên trái đất này, gắn chặt với hiện tại trong kiên trì và trung thành hoạt động, mà không tránh né các bổn phận lịch sử cũng không trốn chạy thực tại thường ngày. Vì cách thức chuẩn cho tương lai hữu hiệu nhất là sống trọn vẹn và tràn đầy giây phút hiện tại.
 
Trong bối cảnh ấy lời khuyên tín hữu hãy chuyên cần làm việc, đổ mồ hôi trán của mình để có phương tiện vật chất nuôi thân cũng rất thực tế. Cộng đoàn giáo hội không thể bị coi như là một tổ chức bác ái, chuyên phát chẩn và trợ giúp những người lười biếng, chỉ sống vật vờ, vô định, không muốn làm việc và dấn thân, lại càng không phải là một câu lạc bộ của các người mơ mộng viễn vông. Tình yêu thương và liên đới trợ giúp giữa các tín hữu không được trở thành cớ tạo ra cả một phong trào ăn bám tôn giáo. Gương sống cụ thể của Phaolô và các thừa sai ở đây là một chứng tá qúy báu cho thấy cung cách sống dấn thân và các cố gắng của các người truyền giáo. Tuy có quyền đòi hỏi tín hữu phải chu cấp phương tiện vật chất cho mình, nhưng các vị đã không muốn trở thành gánh nặng cho bất cứ ai trong cộng đoàn. Trái lại, Phaolô và các cộng sự viên đã cố gắng lao nhọc mỗi ngày với một nghề riêng để có phương tiện tài chánh sinh sống (3,7-9). Đây cũng là một trong các vấn đề thời sự đối với các thừa tác viên Lời Chúa trong các cộng đoàn kitô ngày nay.

Tác giả bài viết: Giuse Linh Tiến Khải

Lưu ý, khi copy bài viết trên website này xin quí vị để nguồn xuất xứ. Chân thành cám ơn.
 Tags: Thánh Phaolô

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

lich cong giao 2022 - 2023
tapsanmucdong
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập175
  • Máy chủ tìm kiếm28
  • Khách viếng thăm147
  • Hôm nay19,312
  • Tháng hiện tại426,598
  • Tổng lượt truy cập29,406,136

Chúng tôi trên mạng xã hội

CÁC GIÁO HẠT
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây