Chương trình mục vụ Giáo phận năm 2023-2024

Thứ hai - 08/01/2024 21:10
HỘI ĐỒNG MỤC VỤ GIÁO PHẬN QUI NHƠN

CHƯƠNG TRÌNH MỤC VỤ GIÁO PHẬN NĂM 2023-2024

Chủ Đề Năm Tham Gia: CÙNG NHAU ĐI LÀM VƯỜN NHO CHÚA

Kính gửi Cha Tổng đại diện, quý cha Hạt trưởng, quý cha, quý tu sĩ nam nữ và anh chị em giáo dân trong Giáo phận Qui Nhơn.

Hiệp thông với Giáo Hội hoàn vũ đang sống chủ đề Hiệp hành và được HĐGM đề nghị thực hiện trong năm 2024: Thúc đẩy sự tham gia đời sống Giáo hội (Thư chung HĐGMVN ngày 07.10.2022); dựa vào “đề cương gợi ý” của Hội đồng Linh mục Giáo phận, cùng với kết quả của cuộc gặp mặt Hội đồng Mục vụ Giáo phận ngày 22.11.2023, sau khi Đức Giám mục giáo phận xem xét và phê duyệt, Ban điều phối Hội đồng Mục vụ trân trọng gửi đến toàn thể cộng đồng dân Chúa Giáo phận Chương trình mục vụ Giáo phận Qui Nhơn năm 2023-2024 với chủ đề: “Cùng nhau đi làm vườn nho Chúa” (x. Mt 20, 1-16), nội dung như sau:

I. CHƯƠNG TRÌNH MỤC VỤ

 
  1. THAM GIA TRONG CHỨC NĂNG TƯ TẾ
    1. Những nguyên tắc chung trong việc tham gia phụng vụ:
  • Tính hiệp hành và sự hiệp thông sâu xa và giá trị nhất vẫn chính là việc tham gia vào đời sống phụng vụ chung trong cộng đoàn (giáo xứ, giáo họ, cộng đoàn dòng tu,…). Vì thế, mỗi thành viên (trong giáo xứ, giáo họ, cộng đoàn dòng tu,…) tham gia một cách tích cực và sốt sắng những giờ phụng vụ, những việc đạo đức chung (tham dự Thánh lễ, Chầu Thánh Thể, rước kiệu hoặc các việc đạo đức khác).
  • Vì tính chất thánh thiêng của các cử hành phụng vụ, mỗi Kitô hữu khi tham gia, cần chuẩn bị tâm hồn xứng đáng, cũng như trang phục xứng hợp.
  • Tại các giáo xứ, cần được phổ biến và áp dụng các thực hành phụng vụ sao cho đồng bộ trong toàn giáo phận, qua chương trình đào tạo về phụng vụ cho giáo dân hoặc qua những hướng dẫn từ các cha sở (được thống nhất sau những cuộc tĩnh tâm năm hay thường huấn linh mục)
  • Giáo lý viên của các lớp giáo lý, hướng dẫn các em (tùy theo độ tuổi) có tinh thần tham gia các cuộc cử hành phụng vụ. Đặc biệt, tại lớp giáo lý, GLV dạy cho các em về ý nghĩa, cung cách tham dự và tham gia vào phụng vụ.
  • Các bậc phụ huynh cùng tham gia và cộng tác với giáo lý viên của giáo xứ để giáo dục đức tin và đời sống đạo cho con cái mình.
    1. Trong việc tham gia vào các cử hành phụng vụ
  • Việc tham gia vào cử hành Bí Tích Thánh Thể:
  • Những ai có phận vụ được phân công (đọc sách thánh, đọc lời nguyện tín hữu, giúp lễ, ca đoàn, xướng kinh, ban trật tự, âm thanh ánh sáng) ý thức trách nhiệm và chu toàn một cách tốt đẹp hầu mang lại ơn ích cho toàn thể cộng đoàn.
  • Các Kinh trong Sách Kinh Giáo Phận là giáo lý, là nền tảng của đời sống đức tin. Vì vậy trước thánh lễ Chúa Nhật, các giáo xứ dành thời gian để đọc kinh (kinh Ngày Chúa Nhật) thay vì chỉ tập trung vào việc tập hát cộng đồng.
  • Nhằm tạo điều kiện cho việc đọc và thuộc kinh trong thánh lễ hay các cử hành khác, các giáo xứ cũng cần tổ chức những cuộc thi kinh.
  • Gia đình là nền tảng của đời sống giáo hội và xã hội, để giúp cho các gia đình ý thức được điều đó cũng như để xin ơn thánh hóa các gia đình, cần khuyến khích đọc lại kinh cầu nguyện cho gia đình tại các giáo xứ (Lạy Chúa Giêsu, chúng con xác tín rằng, hôn nhân và gia đình là công trình sáng tạo của Thiên Chúa…) (trong sách kinh nguyện và gia lễ công giáo, trang 45)
  • Với bí tích xức dầu: Cần một ngày dành riêng cho việc lãnh nhận bí tích xức dầu đối với những người già yếu, người mắc bệnh hiểm nghèo; hết sức có thể tránh trường hợp khi người bệnh rơi vào tình trạng không còn biết gì nữa thì mới mời linh mục đến xức dầu.
    1. Đời sống phụng thờ tại gia đình:
  • Giờ kinh chung trong gia đình mang lại một mối hiệp thông rất quý báu đối với đời sống gia đình trong xã hội hôm nay. Trong chính giờ kinh chung ấy, mỗi thành viên trong gia đình hiệp hành và hiệp nhất với nhau chung lời cầu nguyện cho nhau.
  • Việc mỗi người trong gia đình chia nhau chủ sự giờ kinh chung trong gia đình rất được khuyến khích vì điều đó nói lên chức năng tư tế cộng đồng của người tín hữu.
  1. THAM GIA TRONG CHỨC NĂNG NGÔN SỨ
Tham gia vào chức năng ngôn sứ của Chúa Giêsu là người kitô hữu có bổn phận rao giảng Tin Mừng cho chính mình và cho những ai chưa nhận biết Thiên Chúa. Chính vì thế:

2.1. Tham gia rao giảng lời Chúa bằng chính cuộc sống:
  • Trong gia đình
  • Cha mẹ trở nên gương mẫu cho con cái trong đời sống đức tin với tư cách là Kitô hữu nhiệt thành: qua việc tham dự thánh lễ,  việc đón nhận các bí tích, đời sống cầu nguyện,
  • Cha mẹ làm gương sáng và dạy con cái sống có trách  nhiệm và dám sống cho sự thật nơi học tập, làm việc.
  • Những người có trách nhiệm trong cộng đoàn (linh mục, bề trên, người phụ trách các hội đoàn) càng phải sống sứ vụ ngôn sứ của mình một cách gương mẫu: Lời rao giảng đi đôi với việc làm; đời sống mẫu mực để lôi kéo mọi người đến chân lý đích thật là Chúa Kitô.
2.2. Tham gia chức vụ ngôn sứ qua các sinh hoạt cá nhân và cộng đoàn
  • Với các kitô hữu nói chung:
  • Trước khi thực hiện chức vụ ngôn sứ, mỗi Kitô hữu cần phải đọc, hiểu, suy niệm và sống Kinh Thánh trong đời sống của mình; cần tham dự thánh lễ, nghe lời Chúa, lắng nghe những bài giảng, những bài chia sẻ.
  • Qua Bí Tích Rửa Tội, mọi người trở nên ngôn sứ của Chúa. Vì vậy mọi kitô hữu đều được mời gọi tham gia làm Giáo lý viên, những người đào tạo đời sống đức tin cho thế hệ tương lai. Các chủ chăn có nhiệm vụ đào tạo họ thành những giáo lý viên có khả năng, lòng đạo đức và sự nhiệt thành để tham gia vào sứ mạng của Giáo Hội.
  • Rao giảng lời Chúa là sứ mạng chính yếu của các linh mục. Vì thế khi giảng lễ, các ngài cần soạn bài cách chu đáo; tránh giảng dài, nói mông lung hay nói những nội dung không cần thiết tại tòa giảng.
  • Qua việc giáo dục đức tin:
  • Vì tương lai của Giáo hội, việc học giáo lý cần được cổ võ cách nghiêm túc tại các giáo xứ, bởi lẽ giáo lý chính là hành trang để các em sống đức tin cách vững mạnh, tham dự các bí tích cách sống động, gương mẫu trong đời sống luân lý…
  • Các linh mục, các giáo lý viên giúp cho các bậc phụ huynh và các em thấu hiểu được tầm quan trọng của việc học giáo lý, từ đó các em có được sự quân bình (về thời gian, sự quan tâm) giữa việc học văn hóa và học giáo lý.
  • Các giáo lý viên cần được trang bị những phương pháp sư phạm giáo lý phù hợp với thực tế, với tâm lý theo độ tuổi.
  • Tại các giáo xứ, cố gắng tổ chức những sinh hoạt, cuộc họp mặt, cắm trại nhằm tạo được niềm vui và sự hứng thú trong việc đến nhà thờ tham dự các bí tích cũng như việc học giáo lý.
2.3. Tham gia rao giảng bằng những phương thế khác:
  • Mỗi Kitô hữu trưởng thành sẵn sàng nói về Chúa, về giáo lý và những truyền thống tốt đẹp của người công giáo cho những ai thắc mắc, những người muốn tìm hiểu.
  • Loan báo các sứ điệp Tin Mừng của Chúa bằng nhiều phương thức khác nhau: chia sẻ lời Chúa theo nhóm, dùng các trang mạng xã hội để chuyển tải Lời Chúa, …
  1. THAM GIA TRONG CHỨC NĂNG VƯƠNG ĐẾ
Chức năng vương đế của Chúa Giêsu nhắm đến điều chính yếu là phục vụ. Chính vì thế:

3.1. Trong gia đình
  • Sự phục vụ không chỉ hệ tại ở những công việc thường ngày nhưng còn giúp nhau, nhất là đối với con cái, phát triển toàn diện con người: trau dồi những kiến thức đạo đời; giúp lớn lên trong đức tin, trưởng thành đời sống nhân bản.
  • Lòng hiếu thảo, sự tôn kính là nền tảng căn bản của sự phục vụ mà các bạn trẻ cần thể hiện trong cuộc sống của mình. Vì vậy con cái phải được dạy để sống tốt đẹp những tương quan với mọi người, trước hết là trong cách đổi xử với ông bà, cha mẹ.
3.2. Trong cộng đoàn giáo xứ, giáo phận
  • Mọi thành phần dân Chúa được mời gọi tham gia tích cực vào việc phục vụ Chúa, Giáo Hội và tha nhân qua những công việc cụ thể trong giáo xứ, trong cộng đoàn: cùng giúp đỡ nhau trong các cử hành phụng vụ, trong tang lễ tại các gia đình, trong việc xây dựng giáo xứ; quan tâm những người, những gia đình cần được giúp đỡ trong cộng đoàn.
  • Với các Linh mục, tu sĩ:
  • Trong vai trò của người mục tử, bằng sự nhiệt thành, Cha sở là người đi tiên phong trong mọi chương trình (thiêng liêng cũng như hình thức bên ngoài) của giáo xứ để xây dựng và phát triển đời sống của mọi thành phần dân Chúa. Vì vậy các ngài cần làm gương sáng, yêu thương và tôn trọng khả năng của giáo dân và mời gọi họ cộng tác, tránh tinh thần “giáo sĩ trị”.
  • Những người sống đời dâng hiến có bổn phận làm cho thế giới hôm nay thấy được tinh thần phục vụ của mình trong tư cách là người hướng dẫn người khác. Vì thế tinh thần khiêm nhường, sự kiện nhẫn cần được thể hiện trong cách đối xử, trong những tương quan với những người mà mình có trách nhiệm.
  • Với giáo dân:
  • Nhiệt tâm tham gia vào các hội đoàn trong giáo xứ cũng là phương thế để giúp các Kitô hữu sống tinh thần phục vụ qua công việc và tính chất của mỗi hội đoàn…
  • Quảng đại  đóng góp theo khả năng cho những nhu cầu của Hội Thánh là sự phục vụ trong việc xây dựng Giáo hội của Chúa ngày càng vững mạnh hơn trên bình diện vật chất cũng như thiêng liêng (đóng góp xây dựng các nhà thờ, công việc truyền giáo, đào tạo các linh mục…)
3.3. Trong đời sống xã hội
  • “Của Cêsar hãy trả cho Cêsar, của Thiên Chúa hãy trả cho Thiên Chúa”.  Sống tốt tinh thần trách nhiệm trong tư cách của một công dân, một người trong xã hội là cách chúng ta phục vụ cho quê hương đất nước.
  • Sử dụng một cách có hiệu quả và đúng đắn các phương tiện truyền thông qua những bài viết, những hình ảnh để kêu gọi mọi người, không phân biệt tôn giáo, giúp đỡ những nhu cầu vật chất hay tinh thần cho tha nhân.
  • Cách thực tế, mọi kitô hữu được mời gọi dấn thân cộng tác với Ban Bác Ái Xã Hội hầu chuyển tải sứ điệp yêu thương bằng lời cầu nguyện cũng như vật chất nhằm:
  • Nâng đỡ và khích lệ tinh thần những người sống trong hoàn cảnh khó khăn, ốm đau bệnh tật…
  • Giúp đỡ học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn bằng những sự trợ giúp hoặc các học bổng
II. THỰC HIỆN ĐỒNG BỘ VÀ ĐÓNG GÓP Ý KIẾN
  1. Thực hiện đồng bộ
Chương trình mục vụ năm 2023 – 2024: Thúc đẩy sự tham gia đời sống Giáo hội hướng đến truyền giáo: : “Cùng nhau đi làm vườn nho Chúa” (x. Mt 20, 1-16) được bắt đầu áp dụng ở tất cả các giáo xứ và giáo họ biệt lập từ Chúa nhật I Mùa Vọng năm phụng vụ 2023-2024. Trong tinh thần “hiệp hành”, đề nghị quý cha Hạt trưởng có trách nhiệm đôn đốc các cha xứ trong hạt mình thực hiện. Các cộng đoàn dòng tu đang phục vụ tại giáo phận nên nắm bắt chương trình mục vụ này để hiệp thông, đồng hành và tích cực cộng tác. Tùy nhu cầu và hoàn cảnh của mỗi giáo xứ và giáo họ biệt lập, quý cha có thể thực hiện một cách uyển chuyển chương trình mục vụ này bằng những sáng kiến, hầu mang lại nhiều kết quả tốt và đồng bộ trong cả giáo phận.
  1. Xin các giáo hạt đóng góp ý kiến
Sau 6 tháng thực hiện chương trình mục vụ năm 2023-2024 (từ tháng 12.2023 đến hết tháng 05.2024), Đức Giám mục và Ban điều phối Hội đồng mục vụ sẽ đến từng giáo hạt để lắng nghe và ghi nhận những ý kiến của quý cha, những thuận lợi, khó khăn và những đề xuất mục vụ hữu ích và phù hợp... Xin quý cha Hạt trưởng tổ chức và triệu tập ngày gặp mặt này tại giáo hạt mình.

Để thực hiện chương trình này, mọi thành phần dân Chúa trong giáo phận cần lòng nhiệt thành và quyết tâm, với niềm tin tưởng vững vàng vào sự đồng hành hướng dẫn của Chúa Kitô, để cùng nhau đạt tới sự trưởng thành toàn diện.

Nguyện xin Thiên Chúa, nhờ lời chuyển cầu của các thánh Tử đạo Giáo phận Qui Nhơn, chúc lành cho chương trình mục vụ và những nỗ lực của mỗi người chúng ta, để mọi người cùng nhau góp phần thăng tiến Giáo phận.

 
Qui Nhơn, ngày 01.12.2023

TM. HĐMV Giáo phận Qui Nhơn

 
Trưởng Ban điều phối


Lm. Gioan B. Nguyễn Kim Ngân
 
PHÊ DUYỆT ĐỂ THI HÀNH

Tòa Giám Mục Qui Nhơn, ngày 01.12.2023




+Matthêô Nguyễn Văn Khôi
Giám mục Giáo phận Qui Nhơn

Tác giả bài viết: Hội đồng mục vụ

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

lich cong giao 2022 - 2023
tapsanmucdong
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập83
  • Máy chủ tìm kiếm41
  • Khách viếng thăm42
  • Hôm nay10,822
  • Tháng hiện tại576,679
  • Tổng lượt truy cập28,892,048

Chúng tôi trên mạng xã hội

CÁC GIÁO HẠT
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây