Trang mới   https://gpquinhon.org

Lễ Thánh Anrê Kim Thông

Đăng lúc: Thứ năm - 11/07/2013 18:52
LỄ THÁNH ANRÊ KIM THÔNG - 15.07.2013
(Ga 12,24-26)


 
Từ trước tới nay, “sống” và “chết”, “mất” và “được” dường như là những khái niệm hoàn toàn trái ngược nhau đến nỗi không thể cùng tồn tại song song được. Khi đã nói tới cái chết, thì có nghĩa là không còn tiếp tục sống nữa; và khi đã “mất” thì cái “được” dĩ nhiên cũng không còn lý do để tồn tại.

Tuy nhiên, trong một số trường hợp, có những cái chết lại là điều kiện để khai mào cho một cuộc sống mới được dịp phát triển mạnh mẽ hơn; và có những cái “mất” là điều kiện để cho cái “được” tiếp tục hiện hữu. Điều này đã được Chúa Giêsu chứng minh một cách cụ thể qua hình ảnh hạt lúa mì, trong bài Tin Mừng hôm nay. Ngài nói: “nếu hạt lúa gieo vào lòng đất mà không chết đi, thì nó vẫn trơ trọi một mình; còn nếu chết đi, nó mới sinh được nhiều hạt khác”.

Ngoài ra, nhìn vào thực tế của việc làm nông, chúng ta mới thấy: khi hạt mầm đã lớn lên và  phát triển thành cây, thì muốn cho cây lúa tốt và trổ sinh nhiều bông hạt, đòi hỏi người nông dân phải mất đi nhiều thứ lắm: nào là mất công tưới nước, giãi phân; mất công đội nắng, che mưa chăm bón cho cây khỏi bị sâu bệnh. Lúc đó mới hy vọng có được một vụ mùa bội thu, và đời sống người nông dân mới được bảo đảm.

Khi đã đưa ra hình ảnh của hạt lúa mì, Chúa Giêsu nối kết một cách trực tiếp đến cuộc sống đích thực của người môn đệ: “ai yêu mạng sống mình thì sẽ mất nó, còn ai ghét mạng sống mình ở đời này, thì sẽ giữ được nó trong cuộc sống đời đời”.

Ai trong chúng ta cũng đều biết, mạng sống vốn dĩ là điều quý giá. Với bản năng sinh tồn, ai cũng khao khát được sống, được bình yên, được hạnh phúc. Người ta sợ chết, sợ bị người khác xâm hại đến tính mạng của mình. Thế nhưng nếu sự sống đời này là đáng quý, thì theo lời mạc khải của Chúa Giêsu và theo niềm tin của người Kitô hữu, còn có một đời sống khác nữa, một sự sống đời đời sau cái chết. Đây mới chính là điều quý giá nhất trong mọi lựa chọn, giữa cái được hay cái mất, giữa cái chết đi hay sự sống đời đời. Thánh Anrê Nguyễn Kim Thông, mà chúng ta mừng kính trong ngày lễ hôm nay, hơn ai hết, là người đã can đảm sống và chọn lựa cho điều quý giá nhất của đời mình.

Sinh năm 1790 tại Gò Thị, thôn Xuân Phương, huyện Tuy Phước, thánh Anrê Nguyễn Kim Thông được bà con quen gọi là Năm Thuông. Một cuộc sống sung túc, ổn định, thành danh, đối với thánh nhân chưa phải là tất cả những gì mà mình lựa chọn. Với niềm tin vào Chúa Kitô, tin vào những giá trị vĩnh cửu, Ngài đã cố gắng xây dựng bản thân và gia đình của mình, trở thành một cộng đoàn Hội Thánh tại gia ngay trong cuộc sống trần gian này. Đến tuổi trưởng thành, Ngài lập gia đình, sinh được 6 trai và 3 gái, trong đó có hai người đi tu dâng mình cho Chúa. Ngài đã hết lòng cộng tác đắc lực với Đức Cha và quý Cha trong mục vụ truyền giáo.

Bấy giờ đang là thời kỳ bắt đạo gắt gao thời vua Tự Đức, khiến cho Giáo Hội Việt Nam vốn còn non trẻ một phen điêu đứng. Ngài có một đứa cháu tên bảy Út, tánh tình ngang bướng, ăn chơi, trụy lạc. Ngài thương nó, muốn giúp nó cải thiện đời sống, nhưng thay vì nghe lời, nó lại thù ghét, làm đơn tố cáo Ngài nhiều điều rất nặng, trong đó có tội chứa chấp Tây Dương Đạo Trưởng và mở đường cho giặc cướp nước. Quan liền cho quân lính đến bắt và dẫn Ngài về giam tại tỉnh Bình Định. 

Sau khi xét hỏi và khám nhà, không tìm thấy được bằng chứng, họ thả Ngài về, nhưng buộc phải đạp qua ảnh tượng mà đi. Thánh nhân trả lời: “Thánh giá tôi kính thờ, tôi thà chịu chết chứ không làm việc quái gở ấy”. Lần khác, các quan dụ dỗ Ngài hãy kín đáo chối đạo rồi về xưng tội cũng được. Ngài nói: “thạch tín là thuốc độc, uống thì chết, song cũng có thuốc giải, nhưng có ai vì thế mà liều mình uống thạch tín bao giờ đâu. Việc chối đạo cũng vậy”. Ngài cấm không cho con cháu dùng tiền mà chuộc quan.

Sau nhiều lần dụ dỗ không kết quả, triều đình ra mức án đi đày ở Định Tường (Mỹ Tho). Lúc bấy giờ đường đi còn khó khăn hiểm trở lắm. Trên đường đi đày, phần thì đường xa, phần thì gôm cùm, xiềng xích, phần thì tuổi già sức yếu, khi vừa tới Định Tường, thì Ngài lâm trọng bệnh và qua đời ngày 15 tháng 7 năm 1855. Chúng ta hãy nghe lời kể của chứng nhân lúc ngài hấp hối như sau: “gần tới giờ hấp hối, cụ Năm Thuông hôn mê. Thỉnh thoảng tỉnh lại, cụ xin những người xung quanh cầu nguyện thay cho cụ. Thấy cụ kiệt sức, họ muốn tháo bỏ xiềng xích cho cụ, nhưng cụ từ chối và dùng hết sức lực còn lại đọc bảy thánh vịnh sám hối và thêm một vài kinh kính Đức Trinh Nữ Maria. Đó cũng là lúc cụ trút hơi thở cuối cùng, trong khi trên môi không ngừng mấp máy lời kêu cầu thánh danh: “Giêsu, Maria, Giuse”

Kính thưa quý ông bà và anh chị em,

Qua cái chết, cuộc đời, và niềm tin của thánh Anrê Nguyễn Kim Thông, mỗi người chúng ta có suy nghĩ gì cho cuộc sống của riêng mình, cho gia đình của mình, cho giáo phận và giáo Hội Việt Nam thân yêu của chúng ta?

Có lẽ tâm tình đầu tiên mà chúng ta cần phải có, là tâm tình tạ ơn Thiên Chúa đã ban cho Giáo Phận Qui Nhơn chúng ta một vị thánh can trường; và cùng với 116 vị thánh tử đạo khác, thánh Anrê Kim Thông đã gieo mầm cho hạt giống đức tin trên quê hương Việt Nam có được mùa gặt dồi dào  như ngày hôm nay.  Tuy nhiên để cho lời tạ ơn trở nên có giá trị hơn, thì điều quan trọng là chúng ta hãy cùng nhau nổ lực gieo tiếp những hạt giống đức tin cho các thế hệ con cháu mai sau.

Ngày nay, khi mà cảnh bắt đạo, giết đạo không còn nữa, thì vẫn còn có đó những người bỏ bê đạo hạnh, chẳng thèm để ý khuyên dạy gia đình, con cái chăm lo đạo nghĩa. Vẫn còn có đó những gia đình Công giáo lục đục cãi vả, tranh chấp, hơn thua với nhau. Trên không biết nhường dưới, dưới không biết kính trọng trên, khiến cho những anh chị em không Công giáo có một ấn tượng xấu đối với người Công Giáo, và đó cũng là một phản chứng cho niềm tin vào Thiên Chúa.

Vì thế, cho dù ngày nay, chúng ta không còn có cơ hội để chết vì đạo như các thánh ngày xưa nữa, nhưng vẫn còn rất nhiều những cái chết khác nhau để gieo mầm cho niềm tin của mình. Đó là những lúc chúng ta dám chết đi những bản năng ương hèn, để gieo mầm cho đời sống thánh thiện, đạo đức; dám chết đi những ích kỷ bản thân để gieo mầm cho những quảng đại phục vụ tha nhân; chết đi những tự cao tự đại để gieo mầm cho hạt giống hiền lành và khiêm nhượng. Và còn rất nhiều những cái chết khác nữa giúp cho chúng ta cũng trở nên là những vị tử đạo trong bối cảnh xã hội ngày nay.

Hôm nay cũng là ngày bổn mạng của các chức việc trong Giáo phận. Chúng ta cầu xin thánh Anrê Kim Thông ban tràn đầy lòng nhiệt huyết và đức tin xuống cho các chức việc. Từ trước tới nay, quý vị đã phục vụ nhiều cho giáo xứ, giáo họ. Quý vị đã bỏ ra chẳng những công sức, mà còn tiền bạc vật chất nữa, để cùng cộng tác với quý cha trong công việc mục vụ. Trong khi đó, quý vị chẳng nhận được một đồng lương nào hết, thậm chí có lúc còn bị hiểu lầm và chống đối.

Trong hoàn cảnh đó, xin quý vị đừng nản chí, xin hãy nhìn vào gương của thánh Anrê Kim Thông. Chúng ta phục vụ cộng đoàn không phải vì lời khen tiếng chê, không phải vì danh dự, tiền bạc, cũng không vì một cá nhân nào, nhưng chúng ta phục vụ là phục vụ cho Chúa. Tự hủy đi chính bản thân của mình, năng động, xả thân, đoàn kết, vui lòng chịu khó, kiến tạo đời sống đạo đức sẽ giúp cho người chức việc hôm nay trở nên giống như thánh Anrê Kim Thông ngày xưa hơn.

Nhờ lời bầu cử của Thánh Anrê Kim Thông, xin Chúa ban cho chúng ta, cách riêng là cho các  chức việc một lòng yêu mến Thiên Chúa trên hết mọi sự, và can đảm làm chứng cho Chúa cho đến hơi thở cuối cùng. Amen.
Tác giả bài viết: Lm. Phaolô Võ Đình Hoài
Nguồn tin: Gpquinhon.org
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

 

   

LƯỢT XEM TRANG

  • Đang truy cập: 115
  • Khách viếng thăm: 74
  • Máy chủ tìm kiếm: 41
  • Hôm nay: 28074
  • Tháng hiện tại: 59829
  • Tổng lượt truy cập: 12349541