Trang mới   https://gpquinhon.org

Lễ Thánh Phêrô và Thánh Phaolô

Đăng lúc: Thứ ba - 25/06/2013 03:33
LỄ THÁNH PHÊRÔ & THÁNH PHAOLÔ



Lòng yêu mến

Nhìn vào cuộc đời của hai thánh Phêrô và Phaolô Tông Đồ, chúng ta thấy có nhiều điểm rất giống nhau. Tuy nhiên, điểm giống nhau chúng ta cùng chia sẻ trong một vài phút ngắn ngủi này, đó là lòng yêu mến Chúa. Thực vậy, Thánh Giacôbê Tông Đồ đã viết: Đức tin không có việc làm thì quả là một đức tin đã chết. Và theo tôi nghĩ: lòng yêu mến chính là sự triển nở, hay nói cách khác, chính là hoa trái của đức tin. Người có một đức tin sâu xa và kiên vững phải sống thích hợp với đức tin ấy bằng một cuộc sống ngập tràn tình yêu mến đối với Thiên Chúa. Thánh Phêrô và thánh Phaolô, hai vị Tông Đồ chúng ta mừng kính hôm nay, đã có một đức tin sắt đá và sáng chói, thì chắc chắn các ngài cũng phải có một lòng mến dạt dào và nồng thắm.

Trước hết là thánh Phêrô.

Như chúng ta đã biết: Sau lời mời gọi của Chúa Giêsu, Phêrô đã bỏ mọi sự mà đi theo Chúa. Khi Chúa Giêsu loan báo cuộc hành trình tiến về Giêrusalem, ở đó Người sẽ phải đau khổ và bị giết chết, thì Phêrô đã phản đối, vì thánh nhân không muốn Đấng mình yêu mến phải đón nhận một số phận hẩm hiu như thế và Phêrô đã lên tiếng can ngăn: Xin Thiên Chúa gìn giữ Thầy để điều đó không xảy ra. Tình yêu, một khi bị chi phối bởi những lý do trần tục, sẽ làm cho chúng ta dễ dàng lầm đường lạc lối như vậy.

Phêrô luôn mang trong mình một trái tim nóng cháy tình yêu. Thực vậy, trong cuộc tử nạn của Chúa Giêsu, thánh nhân đã mạnh mẽ và dứt khoát thề thốt với Ngài: Cho dù mọi người có phản bội Thầy, nhưng con sẽ không bao giờ. Cho dù có phải chết cùng Thầy, con cũng xin vâng. Mặc dù chúng ta biết Phêrô đã chối Chúa ba lần trong sân nhà thầy cả Thượng phẩm, nhưng thánh nhân vẫn được Chúa chọn và đặt làm đầu Hội Thánh vì Phêrô đã biết ăn năn sám hối và đã quyết tâm trở về với lòng yêu mến đối với Chúa. Thực vậy, sau khi sống lại Chúa Giêsu đã hiện ra bên bờ hồ Tibêriade và ba lần Người đã hỏi Phêrô: Con có yêu mến Thầy hơn những người này không? Và cũng ba lần, Phêrô đã xác quyết tình yêu của mình đối với Người: Lạy Thầy, Thầy biết rõ mọi sự, Thầy biết con yêu mến Thầy. Và thánh Augustinô đã diễn giải cho chúng ta hiểu thêm như sau: Thánh Gioan có thể đã yêu mến Chúa bằng một tình yêu đậm đà và nồng nàn hơn, nhưng chính thánh Phêrô mới yêu mến Chúa bằng một tình yêu hăng say và quảng đại hơn.
 
Tiếp đến là thánh Phaolô.

Trong các thánh Tông Đồ, chúng ta tìm đâu cho ra một trái tim bừng cháy lửa yêu mến, nếu không phải là trái tim của thánh Phaolô, vị Tông Đồ dân ngoại. Thực vậy, thánh Phaolô đã có lý khi kêu lên: Ai có thể dứt bỏ chúng tôi ra khỏi tình yêu Đức Kitô? Phải chăng là bắt bớ, đau khổ, lao tù và chết chóc sao? Và thánh nhân đã kết luận: Không có gì khả dĩ dứt bỏ chúng tôi ra khỏi tình yêu Đức Kitô. Nơi khác, thánh Phaolô còn xác quyết mạnh mẽ hơn: Dù tôi có nói được tiếng nói của các thiên thần và loài người, mà không có tình mến, thì tôi chỉ là như tiếng não bạt ầm vang. Dù tôi có ơn nói tiên tri hay biết được những mầu nhiệm của khoa học, dù tôi có được một đức tin chuyển núi dời sông, mà không có tình mến, thì cũng chẳng ích lợi gì cho tôi. Dù tôi có bố thí mọi của cải, chịu mọi đớn đau cực hình, mà không có tình mến, thì cũng chỉ là uổng công vô ích mà thôi. Không phải chỉ nói trên môi trên miệng, mà hơn thế nữa, thánh nhân còn thực hiện trong đời sống của mình: Thánh nhân đã phải chịu đựng mọi khổ đau và thiếu thốn, mọi đòn vọt và tù ngục, để rao giàng Tin Mừng và chứng tỏ lòng yêu mến mình dành cho Chúa. Đối với thánh nhân, cái chết chính là mũ triều thiên của những người đã trung thành yêu mến Chúa.

Cũng chính tình yêu mến này đã thúc đẩy hai thánh Phêrô và Phaolô Tông Đồ hy sinh mạng sống để trở nên những chứng nhân cho Tin Mừng. Thánh Phêrô đã bị đóng đanh vào thập giá dưới thời bạo vương Nêrôn. Còn thánh Phaolô, sau nhiều ngày bị giam cầm, đã bị chém đâu trên đường Ostia, gần Rôma.

Dưới một góc độ nào đó, chúng ta có thể nói: Thánh Phêrô và thánh Phaolô, cả hai đều là những người cha của chúng ta trong đức tin, đều là những người thầy của chúng ta trong đức ái, vì thế, hãy noi gương bắt chước các ngài, yêu mến Chúa mỗi ngày một hơn, bởi vì với lòng yêu mến, thì mỗi ngày trong đời sống sẽ là một bước chúng ta tiến đến gần Chúa hơn trên quê hương Nước Trời.
Tác giả bài viết: Lm. Philipphê Phạm Cảnh Hiển
Nguồn tin: Gpquinhon.org
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

 

   

LƯỢT XEM TRANG

  • Đang truy cập: 80
  • Khách viếng thăm: 58
  • Máy chủ tìm kiếm: 22
  • Hôm nay: 28074
  • Tháng hiện tại: 65526
  • Tổng lượt truy cập: 12355238